Lời dụ năm Thiệu Trị năm thứ tư [1844]

[Dụ]

Thiệu Trị năm thứ tư [1844 紹治四年三月十一日], ngày 11 tháng 3, dụ rằng :

Nay cử bọn Tổng tài Sử quán là :

Thái bảo Văn minh điện đại học sĩ lĩnh Binh bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần tước Tuy thịnh tử Trương Đăng Quế 張登桂.

Đông các đại học sĩ lĩnh Lại bộ thượng thư Vũ Xuân Cẩn 武春謹.

Thự hiệp biện đại học sĩ lĩnh Hộ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần Hà Duy Phiên.

Lễ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần kiêm quản Hàn lâm viện Nguyễn Trung Mậu, và bọn Toản tu là :

Hàn lâm viện trực học sĩ Đỗ Quang.

Thái bộc tự khanh Tô Trân.

Quang lộc tự khanh Phạm Hồng Nghi.

Hồng lô tự khanh Vũ Phạm Khải.

Tâu bày rằng : “Vâng lệnh soạn bộ Liệt thánh thực lục tiền biên nay đã xong, xin đem khắc in”.

Xem qua tờ tâu, trẫm rất vui lòng, vì tín sử(1. Tín sử : Sử đáng tin1) của đời thanh bình là để lại chỉ bảo cho đời sau, sự thể rất là quan trọng. Nhà nước ta vâng chịu mệnh trời, đức Thái tổ Gia dụ hoàng đế dựng cơ nghiệp ở miền Nam, thần truyền thánh nối, hơn 200 năm, đức dày ơn sâu, thấm nhuần tất cả, mối giềng mở rộng, để Phước người sau, thực cũng sâu xa lắm. Duy lúc mới gây dựng ghi chép còn sót, niên đại đã lâu, điển tịch(2. Điển tịch : Sách sổ 2) tản mát. Sau khi Hoàng tổ Thế tổ Cao hoàng đế ta bình định thiên hạ, nhớ tới công xưa, hỏi tìm điển cũ, việc đặt Sử cục vẫn đã có ý mà chưa rỗi để làm. Hoàng khảo Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, trau giữ nếp văn, lo noi nối nghiệp võ, năm Minh Mệnh thứ 1 [1820] xuống chiếu tìm sách vở sót, năm thứ 2 mở đặt Sử quán, sai quan vâng chép bộ Liệt thánh thực lục, chia làm Tiền biên và Chính biên. Lại đặc biệt sai văn võ đại thần là bọn Nguyễn Văn Nhân, Trịnh Hoài Đức, Phạm Đăng Hưng, sung chức Tổng tài, soạn chép từng thời, theo năm ghi việc, tìm nhặt sử cũ, mà ý nghĩa thể lệ đều định đoạt do thánh tâm. Mấy lần sử biên chép dâng trình, vâng theo quyết định, cho nên phép tắc đã rõ rệt, điều mục đã phân minh, nhưng đã tinh còn muốn tinh hơn, đã tường còn muốn tường nữa, thánh tâm vẫn mong chờ như thế.

Trẫm nay vâng nối nghiệp xưa, noi theo phép cả, chỉ nghĩ nối được chí, theo được việc. Năm mới lên ngôi, đã cho rộng tìm sách xưa còn sót, bắt đầu mở Sử cục, kén chọn Nho thần ở quán để biên chép cho có chuyên trách; lại đặc phái các đại thần làm Tổng tài để sửa chữa, cốt cho hoàn thành. Phàm các địa phương trong ngoài có dâng sách vở gì, liền giao sang Sử quán kê cứu, để giúp việc tham đính. Tiết thứ theo bản mẫu do sử thần tiến lên, trẫm, trên theo lời Thánh dạy, dưới tìm nhặt các sách, đã châm chước sửa chữa, cốt cho chu đáo ổn thỏa. Nay bộ sách hoàn thành dâng lên, trẫm kính cẩn duyệt kỹ, nhận thấy sách  này biên chép các kỷ, văn thực mà việc đúng [rõ ràng như] giềng [lưới] cất thì mắt [lưới] dăng ra. Tuy rằng trời cao đất dày cũng khó mà hình dung, nhưng mặt trời sáng, ngôi sao bày, đã là vẻ vang rực rỡ.

Kể tính từ năm Minh Mệnh thứ 2 mở đặt Sử cục, đến năm Thiệu Trị thứ 4, trải trong khoảng 25 năm, biên soạn đã xong, đầy đủ rõ ràng được đến thế, thực đủ làm rạng rỡ công đức thần thánh lớn lao đời xưa, đã vui được lòng trẫm muốn nêu cao sự nghiệp, trông mến vinh quang. Vậy nên cho khắc vào gỗ lê gỗ táo, in để dài lâu. Rồi đến các bộ Thực lục chính biên về đời Thế tổ Cao hoàng đế và thánh tổ Nhân hoàng đế, soạn xong cũng lần lượt kính cẩn cho khắc in nộp vào kho sách, càng thêm vẻ vang cho các đời của nước Đại Nam ta, đời nào cũng thịnh, và để truyền bảo phép tắc lớn mãi mãi đến ức muôn năm sau.

Lần này, bộ sách Liệt thánh thực lục tiền biên soạn xong, được bao nhiêu quyển, nên đem khắc bản, sai ngay Thái sử chọn ngày khởi công ở quán, lại giao các viên Toản tu kiểm điểm khoản thức chữ viết, mọi việc cho chu đáo ổn thỏa; các đại thần Tổng tài cũng cần xem xét luôn cho sớm xong việc lớn, để truyền bá về sau. Có cần dùng vật liệu nhân công thì sai Hữu ty kính cẩn ứng biện. Phải kính vâng dụ này.

Khâm thử.

[Biểu]

Bọn thần vâng lệnh sung Tổng tài, Phó Tổng tài, Toản tu Quốc sử quán, kính cẩn tâu rằng :

Kính vâng soạn bộ sách Liệt thánh thực lục tiền biên 《列聖寔錄前編》 đã xong, xin đem khắc để cho sáng tỏ việc tốt.

Bọn thần trộm nghĩ : Nước phải có sử, cốt để làm tin với đời nay mà truyền lại cho đời sau. Từ xưa, đế vương nổi dậy, công việc các đời làm ra đều ghi vào sử sách, rõ ràng có thể khảo được. Làm thực lục là gồm cả phép biên niên [ghi năm] kỷ sự [chép việc], chính sử do đấy mà ra. Lớn thay nhà nước ta, vâng chịu mệnh trời. Thái tổ Gia dụ hoàng đế dựng nghiệp ở miền Nam, các thánh nối theo, vẻ vang rạng rỡ. Trong khoảng ấy, lễ nhạc, chinh phạt, chế độ, văn chương, tự có thể thống quy mô lập quốc. Duy lúc đầu [như nhà Chu] mới ở Mân, Kỳ(1. Mân, Kỳ : Thái vương ở đất Mân, Văn vương ở Kỳ Sơn, sau dựng nên nghiệp đế nhà Chu (1234 (?) tr. c. ng. – 256 c. ng).1), sử văn còn thiếu. Đến khi Thế tổ Cao hoàng đế ta dựng lại cơ đồ, thống nhất bờ cõi, sau cuộc đại định, nhớ đến công xưa, tìm hỏi điển xưa, bàn lập Sử cục, đã thường lưu ý mà chưa rỗi để làm. Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, dùng văn chương ngang trời dọc đất, nhờ ơn đức gây dựng của các đời, năm đầu Minh Mệnh [1820] chiếu xuống hỏi tìm sách vở còn sót ; năm thứ 2 [1821] mở đặt Sử quán, sai quan kính soạn Thực lục ; năm thứ 14 [1833] lại sai biên soạn bộ Khâm định thực lục các kỷ, từ đời Thái tổ Gia dụ hoàng đế đến đời Duệ tông Hiệu định hoàng đế, gọi là Tiền biên, từ sau khi Thế tổ Cao hoàng đế trung hưng, gọi là Chính biên. Phàm ý nghĩa thể lệ đều vâng lệnh cân nhắc cho vừa phải, lần lượt biên soạn dâng lên để xin quyết định. Nghĩ rằng lúc mới biên soạn, cần phải khảo đính tinh tế cho được chu đáo, cho nên chậm xong, để lòng thánh đã phải chờ đợi. Nay hoàng thượng ta, vâng theo mưu trước, nối theo chí xưa, chỉ nghĩ làm cho vẻ vang sáng tỏ công nghiệp, nên năm Thiệu Trị thứ 1, bắt đầu mở Sử cục, đặc biệt sai bọn thần vâng soạn Thực lục tiền biên và chính biên. Kế đến soạn Thực lục chính biên đời Thánh tổ Nhân hoàng đế. Đã chuẩn định chương trình và giao chuyên trách, lại thường có sắc dụ dạy bảo cho được hoàn thành. Thật bởi là tín sử của đời thanh bình càng nên là rõ ràng và cẩn thận.

Bọn thần học thức nông cạn, từ lúc vâng mệnh tới nay, ngày đêm lo sợ, cùng nhau cố gắng. Trước hết, kính cẩn kiểm duyệt những nguyên bản các kỷ Tiền biên, sau xét các điển cũ và chí lục ở Sử quán, cùng sách vở các địa phương dâng lên, tìm tòi cho rõ thêm, có chỗ cần thêm cần đổi, ghi chép theo từng khoản, viết thành bản mẫu dâng trình để kính xin ngự lãm và quyết định. Trong đó, hoặc có sự tích chưa rõ, thì đã vâng sắc mà tìm thêm để bổ khuyết. Trông lên biết ý vua suy nghĩ rộng khắp kỹ càng, đã tinh còn muốn tinh thêm, thực rất chu đáo. Bọn thần kính vâng lời dạy, dốc lòng cố sức, có những khoản nên sửa chữa, đã vâng lệnh làm xong. Cúi nghĩ, từ khi nước mới gây dựng, hơn 200 năm, người trước làm, người sau nối, chứa góp bao nhiêu công đức, nguồn gốc lập nên đế nghiệp cũng đã xa lắm. Tuy niên đại đã lâu, sách vở tản mát, ở trong không khỏi có chỗ thiếu sót, duy từ đời Minh Mệnh tới nay, tiết thứ biên soạn sửa chữa theo sách vở còn lại, nghiên cứu qua nhiều năm tháng, thì những đức nghiệp vẻ vang, phép tắc lớn lao, hiện đã sáng tỏ trong sách. Xin cho khắc gỗ lê gỗ táo, in dâng vào kho sách, để nêu tiếng thơm về sau. Nay xin làm thành lập dâng tâu. Trước hết xin đem sách Liệt thánh thực lục tiền biên, chọn ngày lành khởi công khắc in. Sau đến Thực lục chính biên về các đời Thế tổ Cao hoàng đế và Thánh tổ Nhân hoàng đế, soạn xong cũng xin tiếp tục cho khắc in, đóng thành pho sách quý, để nêu rõ những sự nghiệp thịnh lớn thần truyền thánh nối, văn trị võ công của nước Đại Nam ta, mà càng tỏ rõ lòng hiếu vô cùng của hoàng thượng ta đã nối được chí, theo được việc.

Bọn thần trông ngóng không biết chừng nào ! Kính cẩn tâu lên.

Đề năm Thiệu Trị thứ 4 [1844] ngày mồng 6 tháng 3.

         Thần          Trương Đăng Quế

         Thần          Vũ Xuân Cẩn

         Thần          Hà Duy Phiên

         Thần          Nguyễn Trung Mậu

         Thần          Đỗ Quang

         Thần          Tô Trân

         Thần          Phạm Hồng Nghi

         Thần          Vũ Phạm Khải

紹治四年三月初六日題


張登桂

武春謹

何維藩

阮忠懋

杜光

蘇珍

范鴻儀

武范啓

[Biểu]

Bọn thần là Tổng tài, Phó Tổng tài, Toản tu Quốc sử quán, kính cẩn tâu:

Vâng soạn bộ Liệt thánh thực lục tiền biên, san khắc đã xong, chữ nghĩa rõ ràng, giấy tờ đẹp tốt. Bọn thần rất vui mừng kính cẩn dâng biểu tiến sách lên. Cúi nghĩ, mệnh lớn trao thêm, mãi mãi âu vàng vững chãi; Phước xưa trùm khắp, rỡ ràng sách báu nêu ra. Vẻ đẹp như tranh, ánh sáng như ngọc. Bọn thần trộm nghĩ : Đế vương được trao mối, mở mang phải có người xưa; phép tắc thánh nhân trị đời, chứng tỏ ở nền bình định. Bởi có dẫn ở trước giúp ở sau, để nên Phước lớn này, tin được lâu dài càng tỏ; cho nên chép theo việc ghi truyện thực, để truyền lại đời sau, tỏ rõ công lao từ đây.

Lớn thay nhà nước ta, đức nhà thịnh dày, Phước trời rộng lớn. Thái tổ Gia dụ hoàng đế dựng nền ở phương Nam, các vua thánh sửa sang nối nghiệp, đều chịu mệnh trời, mở mang đất nước.

Thánh võ mới lên, sông ái Tử có Lục y giúp sức(1. Nguyễn Hoàng đi đánh Lập Bạo nhà Mạc, qua sông ái Tử, nghe tiếng kêu. Đêm nằm mộng có người con gái bảo : Muốn đánh được giặc phải dùng kế mỹ nhân. Hoàng tỉnh dậy nghe theo, sau đánh được.1); linh uy đã mở, núi Thiên Mụ có thần mẫu báo điềm(2. Nguyễn Hoàng đến chơi núi Thiên Mụ, nghe nhân dân kể chuyện : Trước có một bà già mặc áo đỏ quần xanh đến núi này báo rằng sẽ có một vị chân nhân lại đây dựng chùa. Nguyễn Hoàng cứ vào lời ấy, mới dựng chùa ở núi đó gọi là chùa Thiên Mụ.2). Trời bảo thánh nhân dựng nước dựng ngôi, dân theo người đức nên đô nên ấp. Từ Cát Dinh dời sang Phước Yên, Kim Long, rồi tới Xuân Kinh, giữ vững được núi sông xã tắc; vượt Bi Lĩnh, lấy Thái Khang, Bình Thuận rồi đến Đông Phố, thu về cả bờ cõi bản chương. Đắp đồn lũy, lập trấn dinh, chia phủ châu, họp dân cư, quy mô bản đồ đều đủ; lập quan chức, dựng quân ngũ, đặt thuế má, định duyệt tuyển, pháp độ kinh luân rõ ràng. Truyền nhau trước làm sau theo, dốc lòng dựng, siêng năng xây, đã từ lâu lắm. Thấm thía đức dày nhân thẳm, thân người hiền vui việc lợi, lòng người không quên. Lại nghĩ, ánh sáng trước kia, đẹp lộng lẫy khó hình dung được; đến nay còn chiếu, nên biên soạn truyền đến vô cùng.

Đến Thế tổ Cao hoàng đế ta, dựng lại cơ đồ, cả vâng mệnh lớn. Đạo chuộng luân thứ, ghi thế hệ để nêu tiếng thơm; nghĩa trọng suy tôn, truy đế hiệu để rõ điển thịnh. Nước nhà mới định, muôn điều kinh hoạch, nên Sử cục chưa rỗi mà làm; sách vở tản mạn, tìm hỏi điển xưa, là thánh ý muốn sâu truyền dạy. Thánh tổ Nhân hoàng đế ta là bậc thánh trời cưng, được truyền tâm pháp; kính theo mưu trước, làm sáng tỏ thêm; mở đặt sử quan, thời thường bảo chép. Thể lệ tự lòng vua quyết định, nêu ra yếu điển trong sách xưa; ghi chép lấy tín sử làm bằng, thu góp di văn tra khảo được. Sách đã làm trọn, còn chờ sửa chữa kỹ càng; tin rằng người sau, hay theo được đạo hiếu.

Kính nghĩ, Hoàng đế bệ hạ, đạo tâm trong suốt, thánh học cao minh. Nắm cương trời xét phép trị dân, chăm chăm kính theo đạo sáng; theo phép tổ tỏ đức rạng nghiệp, tha thiết nối chí thuật làm. Từ mới kế vị cầm quyền, đã sai Sử cục biên soạn. Tham các sáng tỏ tường chu đáo, càng phải cẩn thận rộng tìm; sửa bản mẫu nhân lúc thanh nhàn, thường tiến lên trình ngự lãm. Suy nghĩ tĩnh mặc, xem xét tinh vi. Nơi bí các(1. Bí các : Nơi chứa đồ thư ở trong cung cấm. 1) quyết định sáng sâu, thể thức rõ ràng nhờ đế huấn; bản Thực lục của triều thịnh trị, vâng soạn trước là Tiền biên. Kể từ gây dựng nước nhà, hơn hai trăm năm, vẫn nhờ mưu xưa để lại; từ khi Sử quán mở đặt, hăm lăm năm chẵn, đã nêu ánh sáng thự tàng. Công việc thuật biên, trước sau đủ cả; suy tìm chế tác, lần lượt tỏ bày. Vua thánh nối nhau, đạo tâm như một; điển tịch rõ rệt, phép tắc sáng truyền. Mười hai quyển sách báu chép thành, khắc bản gỗ lê gỗ táo; nghìn muôn đời lời quý nêu yết, sáng như mặt trời mặt trăng. Đến nay kính soạn Chính biên, tỏ rạng vẻ sáng ngời của mưu mô công liệt; để cho rực rỡ sử sách, truyền rộng tiếng lừng thơm của sự nghiệp thánh minh. Thực là trời mở nước Đại Nam, một mình hưng thịnh; xét sử Việt từ đời Hồng Lạc, chưa thấy bao giờ. Sánh với Điển Mô Nhã Tụng(2. Điển Mô : Những thiên của Kinh Thư chép về Nghiêu Thuấn và Hạ Vũ Cao Dao.

Nhã Tụng : Những thiên của Kinh Thi nói về đời nhà Chu.2) cùng truyền, gồm cả văn vật thanh danh đầy đủ. Bọn thần học thức nông cạn, gặp đời thịnh minh. May được dự hàng nho thần, ra sức mài dũa; nghiêm chỉnh vâng lời chỉ giáo, thuật hết thấy nghe. Vâng mệnh thánh để biểu dương; thấy sách xong mà mừng rỡ. Cúi mong tiếng đức thường tốt, lòng kính ngày hơn. Noi theo công xưa, nghĩ việc khó để mưu việc dễ; soi xem phép sẵn, tôn sở văn mà làm sở tri. Ơn to hậu thêm, đức trước lớn thêm, rạng tỏ nền Phước mười một đời vun đắp; chịu mệnh lâu mãi, Phước lành thường mãi, làm cho cơ nghiệp ức muôn năm thịnh xương.

Bọn thần xiết bao chiêm ngưỡng, rất mực vui mừng. Kính cẩn đem 12 quyển Thục lục tiền biên, một quyển mục lục, cộng 13 quyển, đã khắc lần này, tiến lên và làm tờ biểu dâng theo.

Đề năm Thiệu Trị thứ 4 [1844], ngày mồng 7 tháng 8. [Vua phê] : Đã xem.

Thần     Trương Đăng Quế

Thần     Vũ Xuân Cẩn

Thần     Hà Duy Phiên

Thần     Nguyễn Trung Mậu

Thần     Đỗ Quang

Thần     Tô Trân

Thần     Phạm Hồng Nghi

Thần     Nguyễn Tường Vĩnh.

Tiền Biên

Phàm Lệ

大南寔錄前編凡例

Thời quốc sơ, từ Túc tông Hiếu ninh hoàng đế về trước, xưng là Công;

Từ Thế tông Hiếu võ hoàng đế về sau, xưng là Vương ;

Ngày nay theo đế chế xưng là Thượng.

Thời quốc sơ niên kỷ dùng niên hiệu nhà Lê. Nay theo sách Khâm định vạn niên thư, đều cứ năm sau năm nối ngôi mà chép làm năm đầu. Còn niên hiệu nhà Lê, nhà Minh, nhà Thanh thì chia ra chua ở dưới, để chỉ rõ thế đại và thống kỷ.

Năm lên nối ngôi mà chưa có kỷ nguyên thì những tháng còn lại của năm ấy, có làm chính sự gì, cứ theo tháng mà chép ở đầu bản kỷ.

Chép việc thì lấy tháng theo mùa, mùa theo năm. Nếu không có việc gì đáng chép, thì bỏ khuyết mùa, tháng mà chép năm; phàm việc thì không chép ngày, duy có việc lớn thì chép cẩn thận theo ngày.

Thời quốc sơ mở mang bờ cõi, từ Phú Yên vào Nam dần dần tháp nhập bản đồ. Nay phàm dùng binh tiến lấy được nơi nào, lập dinh phủ nơi nào, thì chép sơ [buổi đầu] để ghi [là việc] khi mới bắt đầu.

Trong các kỷ, ngày sinh của liệt thánh hoàng đế đều ghi cả, là để tôn hệ thống nhà vua.

Vua và hậu chầu trời, đều chép là “băng”, là theo đế chế. Chỉ khi nào nhà vua còn làm hoàng tử mà hậu mất, thì chép là “hoăng”(1. Hoăng : Công hầu chết gọi là hoăng. 1), là để giữ tôn thống.

Thời quốc sơ, Nam Bắc chia đôi, các thánh của ta phù Lê chống Trịnh, cho nên phàm những việc của nhà Lê họ Trịnh có tương quan đến ta đều chép cả. Trong các kỷ, về vua nhà Lê thì đều chép “băng”, về chúa họ Trịnh thì đều chép “tốt” [mất]. Duy họ Trịnh có phạm tội thí nghịch đối với nhà Lê thì chép chữ “tử” [chết] để cho xứng với tội.

Các kỷ chép việc họ Trịnh, ở đầu phải hệ thuộc vào nhà Lê, để không cho được tiếm. Duy có việc quân Bắc vào đất ta thì chuyên chép họ Trịnh, để tỏ không phải là ý vua Lê.

Thời quốc sơ, hoàng tử xưng là công tử, tôn thất đều ghi rõ họ. Nay theo tôn phả thì chép là hoàng tử, tôn thất. Duy bọn Hiệp, Trạch, Anh, Trung, Huệ, Thông đều phạm đại tội phản nghịch, đã phụ chép ở cuối tôn phả, khi tội ác của họ chưa rõ thì vẫn chép là tôn thất, đến khi phạm tội chỉ chép tên, là để răn bọn loạn thần tặc tử.

Những bản chí lục chép việc cũ, các bề tôi chỉ xưng tước hàm mà bỏ thiếu họ tên. Nay nếu xét rõ được, thì viết đủ họ tên, người nào nếu không xét được thì chép nguyên tước hiệu (như loại Dương Sơn, Xuân Sơn, v. v…).

Tiền Biên

Vâng sắc khai chép tên chức và tên các quan trong Quốc sử quán:

Tổng tài :

Thái bảo (Văn minh điện đại học sĩ, lĩnh Binh Bộ thượng thư, sung Cơ mật viện đại thần, quản lý Khâm thiên giám, kiêm lĩnh Quốc tử giám, kiêm quản Tàu chính ấn triện, tước Tuy Thịnh tử). Thần Trương Đăng Quế

Thái tử thái bảo (Đông các đại học sĩ, lĩnh Lại bộ thượng thư, kiêm quản Hình bộ ấn triện, kiêm lĩnh Quốc tử giám sự vụ). Thần Vũ Xuân Cẩn

Phó tổng tài Thư hiệp biện đại học sĩ, lĩnh Hộ bộ thượng thư. Thần Hà Duy Phiên

Lễ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần, kiêm quản Hàn lâm viện. Thần Nguyễn Trung Mậu

Nguyên thự Hình bộ thượng thư, nay bổ thụ Định Yên tổng đốc, Thần Phan Bá Đạt

Toản tu Hàn Lâm viện trực học sĩ.    Thần Đỗ Quang

Thái bộc tự khanh. Thần Tô Trân

Quang lộc tự khanh.                           Thần Phạm Hồng Nghi

Nguyên Hồng lô tự khanh, nay cải thụ Hàn lâm viện thị độc học sĩ tham biện  Nội các sự vụ. Thần Vũ Phạm Khải

Hồng lô tự khanh.                              Thần Nguyễn Tường Vĩnh

Tên chức, tên các quan …

Biên tu

Hàn lâm viện thị độc học sĩ.            Thần Phạm Chi Hương

Hàn lâm viện thị giảng học sĩ .        Thần Nguyễn Thu

Hàn lâm viện thị độc.                  Thần Phạm Văn Nghị

Hàn lâm viện thị độc.                  Thần Hoàng Trọng Từ

Hàn lâm viện thị độc.                  Thần Dương Duy Thanh.

Khảo hiệu

Hàn lâm viện biên tu.                  Thần Đỗ Huy Diễm

Hàn lâm viện biên tu.                  Thần Nguyễn Huy Phan

Hàn lâm viện biên tu.                  Thần Phạm Lân

Hàn lâm viện kiểm thảo.              Thần Tống Văn Vạn

Đằng lục

Hàn lâm viện kiểm thảo.              Thần Lê Văn Huy

Hàn lâm viện kiểm thảo.              Thần Nguyễn Công Thụy

Hàn lâm viện điển bạ.                  Thần Nguyễn Huy Hoàng

Hàn lâm viện điển bạ.                  Thần Hoàng Văn Xán

Hàn lâm viện đãi chiếu.               Thần Bùi Văn Long

Hàn lâm viện đãi chiếu.               Thần Nguyễn Văn Cẩn

Hàn lâm viện cung phụng.           Thần Nguyễn Đức Hiệu

Hàn lâm viện cung phụng.           Thần Lưu Đình Tăng

Thu chưởng

Hàn lâm viện điển bạ.                  Thần Lê Quang Linh

Hàn lâm viện cung phụng.           Thần Hoàng Đức Trị

Hàn lâm viện cung phụng.           Thần Nguyễn Đình Nhiễu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter