Lời giới thiệu (Lần tái bản thứ nhất) Đại Nam thực lục

Viện khoa học xã hội việt nam

Viện sử học

Quốc sử quán triều Nguyễn

Tổ Phiên dịch Viện Sử học phiên dịch

ĐẠI NAM THỰC LỤC

Tập một

(Tái bản lần thứ nhất)

Nhà Xuất Bản Giáo Dục

Phiên dịch : Nguyễn Ngọc Tỉnh

Hiệu đính :  Đào Duy Anh

Lời giới thiệu

(Lần tái bản thứ nhất)

Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm mới hoàn thành, tính từ khi bắt đầu làm (1821 – Minh Mệnh năm thứ hai) đến khi hoàn thành và khắc in xong những quyển cuối cùng (1909 – Duy Tân năm thứ ba).

Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên, chia thành 2 phần Tiền biên và Chính biên:

– Đại Nam thực lục tiền biên (còn gọi là Liệt thánh thực lục tiền biên) ghi chép về sự nghiệp của 9 chúa Nguyễn, bắt đầu từ Nguyễn Hoàng (Thái tổ Gia Dụ hoàng đế) vào trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến hết đời Nguyễn Phước Thuần (Duệ tông Hiếu định hoàng đế), tức là đến năm Nguyễn Phước Thuần mất (1777). Đại Nam thực lục tiền biên được khởi soạn năm 1821 (năm thứ hai niên hiệu Minh Mệnh), làm xong và hoàn thành việc khắc in năm 1844 (năm thứ tư niên hiệu Thiệu Trị). Tổng tài của sách Đại Nam thực lục tiền biên là Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn.

– Đại Nam thực lục chính biên ghi chép về lịch sử triều Nguyễn, từ Gia Long đến Đồng Khánh, chia làm nhiều kỷ, mỗi kỷ là một đời vua :

1. Kỷ thứ nhất – Đời Gia Long (Nguyễn Phước ánh) từ 1778 đến 1819. Biên    soạn trong 27 năm (từ 1821 đến 1847). Tổng tài Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn.

2. Kỷ thứ hai – Đời Minh Mệnh (Nguyễn Phước Đảm) từ 1820 đến 1840. Biên soạn trong 20 năm (từ 1841 đến 1861). Tổng tài lần lượt có Trương Đăng Quế rồi Phan Thanh Giản.

3. Kỷ thứ ba – Đời Thiệu Trị (Nguyễn Miên Tông) từ 1841 đến 1847. Sách khắc in xong năm 1879. Tổng tài Trương Đăng Quế, Trần Tiễn Thành, Phan Thanh Giản.

4. Kỷ thứ tư – Đời Tự Đức (Nguyễn Hồng Nhiệm) từ 1847 đến 1883. Sách khắc in xong năm 1899. Tổng tài Nguyễn Hữu Độ, Phan Đình Bình, Nguyễn Trọng Hợp.

5. Kỷ thứ năm – Năm cuối đời Tự Đức và đời Kiến Phước (Nguyễn Ưng Đăng) từ 1883 đến 1885. Sách khắc in xong năm 1902. Tổng tài Trương Quang Đản.

6. Kỷ thứ sáu – Đời Hàm Nghi (Nguyễn Ưng Lịch) và Đồng Khánh (Nguyễn Ưng Xụy) từ 1885 đến 1888. Sách khắc in xong năm 1909. Tổng tài Cao Xuân Dục.

Như vậy, Đại Nam thực lục Tiền biên và Chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn là bộ sử ghi chép thực về toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn cũng như hơn 200 năm lịch sử Đàng Trong của các chúa Nguyễn.

Vào năm 1962, Viện Sử học bắt đầu cho công bố bản dịch bộ Đại Nam thực lục, tập I, phần Tiền biên, do Nhà xuất bản Sử học xuất bản và đến năm 1978 thì in tập XXXVIII, hoàn thành công việc xuất bản trọn bộ Đại Nam thực lục với sự hợp tác của Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Viện Sử học phải mất 16 năm mới thực hiện xong kế hoạch xuất bản Đại Nam thực lục, một công trình dịch thuật đồ sộ của Tổ phiên dịch Viện Sử học mà các vị thành viên trong Tổ nay đều đã qua đời, cũng như Tổ phiên dịch và Nhà xuất bản Sử học của Viện Sử học đều không còn nữa! Bản dịch 38 tập Đại Nam thực lục đã được đông đảo độc giả hoan nghênh và đánh giá cao, nhất là giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, Viện Sử học đã nhận được nhiều thư của độc giả nói chung và của các nhà khoa học nói riêng, yêu cầu cho tái bản Đại Nam thực lục. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, giảng dạy, học tập về lịch sử dân tộc, Viện Sử học và Nhà xuất bản Giáo dục hợp tác cho tái bản bộ Đại Nam thực lục, là bộ sách đang nằm trong tay bạn đọc.

Trong lần tái bản này, về nội dung, chúng tôi cho in lại nguyên văn bản dịch trước. Phần Sách dẫn cũng giữ đúng như cũ. Nhưng về số tập thì có điều chỉnh lại.

ở lần xuất bản thứ nhất, bản dịch Đại Nam thực lục được chia thành 38 tập (khổ 13  19), trong đó Tiền biên 1 tập, Chính biên 37 tập. Nay để độc giả tiện sử dụng, chúng tôi dồn lại còn 10 tập (khổ 16  24). Cụ thể phân chia như sau :

– Tập một:    Tiền biên và Chính biên, Kỷ thứ nhất (từ 1558 đến 1819) ?

                Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch. Đào Duy Anh hiệu đính.

– Tập hai: Kỷ thứ hai (từ 1820 đến 1829) ? Ngô Hữu Tạo, Nguyễn   Mạnh  Duân,

                Phạm Huy Giu, Nguyễn Danh Chiên, Nguyễn Thế Đạt,   Trương   Văn Chinh, Đỗ Mộng Khương dịch. Đào Duy Anh hiệu đính.

– Tập ba: Kỷ thứ hai (từ 1830 đến 1833) ? Đỗ Mộng Khương, Trần  Huy Hân, Trương Văn Chinh, Nguyễn Mạnh  Duân, Ngô   Hữu   Tạo, Nguyễn Thế Đạt, Thẩm Văn Điền, Nguyễn Trọng Hân, Phạm Huy Giu dịch. 

                   Đào Duy Anh, Hoa Bằng hiệu đính.

– Tập bốn:    Kỷ thứ hai (từ 1834 đến 1836) ? Nguyễn Thế Đạt, Trương   Văn Chinh, Nguyễn Doanh Chiên, Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh  Duân, Đỗ Mộng Khương dịch. Hoa Bằng hiệu đính.

– Tập năm: Kỷ thứ hai (từ 1837 đến 1840) ? Đỗ Mộng Khương, Phạm  Huy Giu, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nguyễn Mạnh  Duân, Nguyễn Danh  Chiên, Trương Văn Chinh dịch. Nguyễn Trọng Hân, Cao Huy Giu hiệu đính.

– Tập sáu:     Kỷ thứ ba (từ 1841 đến 1847) ? Cao Huy Giu, Trịnh Đình   Rư, Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân dịch. Hoa Bằng hiệu đính.

– Tập bảy: Kỷ thứ tư (từ 1848 đến 1873) ? Nguyễn Ngọc Tỉnh,  Ngô   Hữu   Tạo, Phạm Huy Giu, Nguyễn Thế Đạt, Đỗ  Mộng Khương,   Trương   Văn Chinh, Cao Huy Giu dịch. Nguyễn Trọng Hân, Cao Huy Giu hiệu đính.

– Tập tám:    Kỷ thứ tư (từ 1877 đến 1883) ? Ngô Hữu Tạo, Nguyễn Mạnh  Duân, Trần Huy Hân, Nguyễn Trọng Hân, Đỗ   Mộng Khương dịch.   Cao    Huy Giu, Nguyễn Trọng Hân hiệu đính.

– Tập chín:   Kỷ thứ năm (từ 1883 đến 1885) ? Nguyễn Ngọc Tỉnh  dịch.   Nguyễn Mạnh Duân hiệu đính.

– Tập mười:  Kỷ thứ sáu (từ 1885 đến 1888) ? Phạm Huy Giu,   Trương   Văn   Chinh dịch. Nguyễn Trọng Hân hiệu đính.

Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến chỉ bảo thêm của quý độc giả để rút kinh nghiệm cho lần sau tái bản Đại Nam thực lục được tốt hơn nữa.

Hà Nội, tháng 4 năm 2001                                                

Viện trưởng viện sử học   

PGS. TS. Trần Đức Cường       

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter