Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần (hạ)

Tiền biên – Quyển XII – Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (hạ)

Ất mùi, năm thứ 10 [1775] (Lê Cảnh Hưng năm 36, Thanh Càn Long năm 40), mùa xuân, tháng giêng, chúa dừng chân ở Giá Tân 架津 [Bến Giá] (thuộc tỉnh Quảng Nam), triệu Tả quân Nguyễn Cửu Dật 阮久逸 đến hành tại. Cửu Dật cùng bọn tụng quan là Ngoại tả Tôn Thất Tĩnh (con Tôn Thất Tứ, bấy giờ gọi là Quận công), Chưởng dinh Tôn Thất Kính, Chưởng cơ Tôn Thất Chí, Nội đội trưởng Nguyễn Cửu Thận (con Nguyễn Cửu Pháp) và Đỗ Thanh Nhơn 杜清仁, Đội trưởng Trương Phước Dĩnh, dâng lời rằng: “Hoàng tôn Dương vốn có đức hiền, trong ngoài đều trông mong, xin sớm đặt làm trừ nhị để mưu đồ cuộc khôi phục”. Chúa bèn lập hoàng tôn Dương làm thế tử, gọi là Đông cung, cho Trấn phủ Quảng Nam, tổng lý các công việc trong ngoài, và sai các tướng kiểm duyệt quân thủy bộ làm kế tiến thủ. Chúa ở được vài ngày thì giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc sai Tập Đình và Lý Tài đem thủy binh ra cửa biển Hiệp Hòa 合和海口 (tức cửa Đại Áp 大壓 ngày nay), bộ binh của Nhạc thì theo ven núi ra sông Thu Bồn, hai đạo đánh đến. Nguyễn Cửu Dật đánh không lợi, chạy ra Trà Sơn. Đông cung lùi về Cu Đê 俱低 (tên đất).

Chúa đi Liên Chử (tên đất), sai quan hầu truyền bảo Đông cung rằng : “Hiện nay đằng trước có giặc Tây Sơn, đằng sau có quân họ Trịnh, mà số quân tinh giỏi của ta không đầy một nghìn, lương thảo thiếu thốn. Vả lại Cu Đê là đất hẹp hòi, quân cô thế không có cứu viện, mà cho quân ở Gia Định thì đã lâu không tin tức gì. Đã nghị cho Nguyễn Cửu Thận là Hữu quân đại đô đốc cùng ngươi lưu giữ nơi này, còn Nguyễn Cửu Dật thì chỉnh bị chiến thuyền hộ giá đi Gia Định, thu quân về đánh Phú Yên, Quy Nhơn để chia thế giặc. Quân Cu Đê sẽ nhân đó mà hợp sức tiến đánh. Đó là cái kế đánh xa để cứu gần vậy”. Đông cung vâng mệnh ở lại Cu Đê, Tôn Thất Tĩnh, Tôn Thất Chí và Tống Phước Đạm đều thuộc về.

Tháng 2, Trịnh Sâm từ Hà Trung trở về, sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân lấn Quảng Nam.

Ngày Canh dần, thuyền chúa đi biển, gặp gió to, thuyền đi theo của Tôn Thất Kính và Nguyễn Cửu Dật đều đắm mất. Bấy giờ Thế tổ Cao hoàng đế [Gia Long] (14 tuổi) cùng chúa ngồi một thuyền, chỉ thuyền này không việc gì. Đến Bình Khang thì bọn Tống Phước Hiệp 宋福洽, Nguyễn Khoa Thuyên 阮科䀬 từ Yên Cương 煙岡 [Hòn Khói] đến nghinh giá.

Chúa tức thì cho Phước Hiệp làm Tiết chế Kính quận công. Khoa Thuyên làm Tham chính. Bộ thuộc và quân ứng nghĩa là bọn Nguyễn Văn Nhơn 阮文仁 đều được trao chức cai đội, đội trưởng. Khoa Thuyên cùng Chưởng cơ Trương Phước Thận theo giá vào Nam. (Nguyễn Cửu Dật, năm Minh Mệnh thứ 21 [1840] được phong Thăng Hoa quận công, tòng tự ở Thái miếu, năm Thiệu Trị thứ 1 [1841] cải phong Thăng Bình quận công).

Ngày Nhâm dần, thuyền chúa đến Gia Định. Chúa dừng đóng ở Bến Nghé 牛渚 (tỉnh lỵ Gia Định). Mạc Thiên Tứ  đem các con tới hành tại bái yết. Chúa khen và ủy lạo, gia thăng làm Đô đốc quận công, cho con là Hoàng làm Chưởng cơ, Thảng làm Cai cơ Thắng thủy, Diên làm Tham tướng Cai cơ, khiến đều về đạo Trấn Giang đóng giữ.

Đông cung đóng ở Cu Đê, Nguyễn Văn Nhạc mưu muốn đón rước Đông cung lập làm vua để mượn tiếng mà đánh lừa dân chúng, bèn sai người đảng là thống suất Diện, tiên phong chính thống bộ là Tường (đều không rõ họ)  đem 2.000 quân đóng đồn ở Thúy Loan và Bồ Bản (tên đất thuộc tỉnh Quảng Nam) làm thượng đạo, Tập Đình và Lý Tài đem 2.000 quân đóng đồn ở Ba Độ (tên đất) làm trung đạo, đốc chiến Phong, hổ tướng Hãn (đều không rõ họ) đem 2.000 quân đóng ở Hà Thân (tên đất) làm hạ đạo, hẹn ai rước được Đông cung thì có trọng thưởng. Đông cung biết tin, sai mưu sĩ là Giáo Quý (không rõ họ) đến nói với tướng giặc thượng đạo là Diện và Tường rằng : “Tây Sơn dẫu một thời gian hung hăng, nhưng phía bắc có quân Trịnh, phía nam có đại binh Gia Định, trước mặt sau lưng đều bị địch, khó giữ lâu được, bọn ngươi nếu không sớm biết thời cơ, sau này không khỏi là bè đảng giặc. Chi bằng tránh chỗ tối, hướng chỗ sáng, theo ta vào Nam, ước hẹn với quân Gia Định cùng mưu đồ khôi phục, để công danh ghi sử sách, há chẳng hay ư”. Bọn Diện, Tường đều vâng mệnh.

Mùa hạ, tháng 4, Đông cung do đường núi mà đi, nhân dân đi theo đông. Tập Đình và Lý Tài đem binh đuổi theo đến Ô Da 汙耶, đánh phá được bọn Diện, Tường, ép mang Đông cung về phố Hội An. Tập Đình nhiều lần muốn hại, Lý Tài khuyên mãi mới thôi.

Quân của tướng Trịnh là Hoàng Ngũ Phúc qua cửa Hải Vân. Nguyễn Văn Nhạc sai đảng là Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, đón đánh ở Cẩm Sa (tên đất thuộc tỉnh Quảng Nam). Thuộc tướng Trịnh là Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ đem quân khinh kỵ xông vào giết quân Tập Đình rất nhiều. Nhạc và Lý Tài chạy về Bản Tân [Bến Ván] (chỗ giáp giới Quảng Nam, Quảng Ngãi), cùng mưu giết Tập Đình. Tập Đình chạy sang Quảng Đông (sau bị tổng đốc tỉnh này giết). Nhạc bèn đón Đông cung về Quy Nhơn. Ngũ Phúc thì đóng quân ở Quảng Nam.

Tháng 5, Tống Phước Hiệp tiến lấy được Phú Yên, quân bộ đóng ở Xuân Đài, quân thủy đóng ở Lấm Úc [Vũng Lấm] (Xuân Đài, Vũng Lấm đều thuộc Phú Yên), sai Tri huyện Đồng Xuân là Bạch Doãn Triều cùng Cai đội Thạc (không biết họ) ra lệnh cho giặc rằng: “Trả Đông cung ta, nếu không thì đại binh sẽ đến, không còn đường chạy”. Nhạc cả sợ, giả cách nhận lời. Bọn Doãn Triều về, Nhạc đem hết của báu cất dấu trên núi Tây Sơn, rồi dời Đông cung đến Hà Liêu, An Thái để tránh.

Có hai người ở Hải Lăng tên là Lâm và Mộc (cả hai đều không rõ họ, có thuyết là tên Chu và Mỹ) tự xưng là người tôn thất, họp quân ở các huyện Cam Lộ, Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh, hào mục nhiều người theo. Trịnh Sâm sai Phạm Huy Đĩnh đóng ở Dinh Cát, cùng với Bùi Thế Đạt họp quân bắt được, giết Lâm và Mộc cùng đồ đảng vài trăm người.

Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc từ trận thua ở Cẩm Sa, bè đảng nhiều người ly tán. Kịp nghe quân Tống Phước Hiệp đến, Nhạc cả sợ, bèn sai thuộc hạ là bọn Phan Văn Tuế đem vàng bạc đến quân Hoàng Ngũ Phúc xin hàng, cầu làm quân tiền khu. Phúc nhận cho, và cho Nhạc làm Tây Sơn trưởng hiệu Tráng tiết tướng quân 西山長校壯節將軍, sai Nguyễn Hữu Chỉnh 阮有整 đem sắc ấn cờ kiếm trao cho. Nhạc lại mưu lập Đông cung để thu lòng dân, bèn rước Đông cung về đất Bông Giang 芃江, đem con gái là Thọ Hương 壽香 gả cho. Nhiều lần xin Đông cung lên ngôi vương, Đông cung không nhận. Nhạc bèn sai quan hầu của Đông cung là Tôn Thất Tĩnh đi Quảng Ngãi phủ dụ quân dân, giao kết với các sách man [Mọi], lại sai Tôn Thất Chí vào Phú Yên lấy cái ý tôn lập Đông cung để cùng giúp xã tắc dụ Tống Phước Hiệp. Sau khi đi được vài tháng, Chí nghe tin Tĩnh bị giặc giết, bèn vào Gia Định không trở về nữa.

Mùa thu, tháng 7, Tống Phước Hiệp đánh giặc ở Phú Yên, bị thua. Bấy giờ Nguyễn Văn Nhạc sai người đến xin hàng. Phước Hiệp tin lời, không phòng bị. Nhạc sai Nguyễn Văn Huệ 阮文惠 đánh úp phá được. Cai đội Nguyễn Văn Hiền [cha Nguyễn Văn Thành] cố sức đánh, bị chết ở trận. Huệ bắt được Cai cơ Nguyễn Khoa Kiên (con Khoa Thuyên) đem về, và lưu Lý Tài đóng ở Phú Yên. Phước Hiệp lui giữ Hòn Khói. Chưởng cơ Tống Phước Hòa giữ Ô Cam (tên đất).

Hoàng Ngũ Phúc tiến đóng ở Châu Ổ 珠塢 (đầu địa giới Quảng Ngãi). Nguyễn Văn Nhạc lấy công Huệ đánh phá được Phú Yên xin với Phúc cho Huệ làm Tây Sơn hiệu tiền phong tướng quân 西山校前鋒將軍. Gặp có bệnh dịch, quân Trịnh chết già nửa. Vì vậy Phúc bí mật định kế hồi binh. Văn thân của Trịnh là bọn Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Lệnh Tân đều muốn lưu quân ở Quảng Nam, đặt quan trấn thủ. Phúc không nghe, kíp gửi thư cho Trịnh xin đem quân về Thuận Hóa, bỏ đất hai phủ Thăng [Hoa] và Điện [Bàn] để bước sau sẽ tính. Sâm y cho.

Mùa đông, tháng 10, Hoàng Ngũ Phúc dẫn quân về Phú Xuân. Sau bị bệnh, trở về [Bắc], chết ở giữa đường. Trịnh Sâm ủy cho Bùi Thế Đạt và Nguyễn Đình Đống lưu giữ Phú Xuân và cho bọn Phan Trọng Phiên, Uông Sĩ  Điển, Nguyễn Lệnh Tân giúp việc.

Tháng 11, Tôn Thất Quyền 尊室鬈 (con thứ 14 của Thế tông) và Tôn Thất Xuân 尊室春 (con thứ 17 của Thế tông) dấy binh ở Quảng Nam, do Trương Phước Tá làm mưu chủ, lại được khách buôn người Thanh tên là Tất đem của riêng giúp cho hàng ức vạn, quân thế rất mạnh, đóng giữ hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Nguyễn Văn Nhạc muốn dùng Nguyễn Khoa Kiên làm tướng để chống cự, nhưng Khoa Kiên không chịu, lấy gươm tự tử. Nhạc bèn đem hết quân ra để chống đánh, giữ nhau hơn 2 tháng. Gặp phải năm đói, quân của Quyền thiếu lương, Nhạc thừa thế đánh tan. Quyền không biết kết cục ra sao, còn Xuân thì chạy về Gia Định. Nhạc lưu tham tướng giặc là Nguyễn Văn Duệ giữ Quảng Nam, rồi tự dẫn quân về Quy Nhơn.

Châu Văn Tiếp 朱文接 đem quân về theo. Châu Văn Tiếp người huyện Đồng Xuân phủ Phú Yên, dũng cảm, có tài lược, đầu thì họp quân ở Trà Lang hơn 1.000 người, nghe giặc Tây Sơn đã lập Đông cung, đã muốn đi theo. Sau thấy quân giặc tàn bạo, bèn quyết ý quy thuận. Tống Phước Hiệp đem việc báo lên. Chúa sai đem quân bản bộ đóng giữ thượng đạo, để làm thanh ứng với quân 5 dinh. Do đó, quân thế dần dần lại mạnh lên.

Tướng giặc là Lý Tài đem đất Phú Yên đầu hàng. Đầu là Nguyễn Văn Nhạc muốn nhờ Lý Tài làm chỗ tựa, kịp lúc đắc chí đối đãi dần dần bạc bẽo, Lý Tài bèn có ý quay về giúp ta. Khi Tôn Thất Chí bỏ Quy Nhơn, Lý Tài đã có mật ước. Đến đây, nhân giữ Phú Yên, bèn đem hết binh mã sở thuộc đến quân của Tống Phước Hiệp đầu hàng. Việc báo lên, chúa bằng lòng nhận, cho theo quyền tiết chế của Phước Hiệp.

Tống Phước Hiệp giết tướng giặc tên là Nghĩa (không rõ họ) và đồ đảng 50 người. Nghĩa là tiền khu của giặc trong trận Phú Yên, làm tổn hại quân ta nhiều. Phước Hiệp rất lấy làm giận, nay nhân Tôn Thất Chí dụ được Nghĩa về hàng, bèn đem giết.

Sai Tham tán Trần Văn Thức đem quân giữ Phú Yên, cùng quân Tống Phước Hiệp làm thế dựa nhau để chống giặc.

Lấy Bùi Hữu Lễ làm Ký lục dinh Long Hồ.

Bính thân, năm 11 [1776], mùa xuân, tháng 2, Trịnh Sâm sai bề tôi là Lê Quý Đôn 黎貴惇 làm Tham thị Thuận Hóa, Nguyễn Mậu Dĩnh làm Phó đốc thị, cùng với Bùi Thế Đạt kinh lý việc quân; lại sai Ngô Phước Oánh làm Lưu thủ đồn Đông Hải, Phan Huy áng làm hiệp đồng.

Nguyễn Văn Nhạc bắt biên tên hết đinh tráng 3 huyện thuộc phủ Quy Nhơn làm binh, sai Nguyễn Văn Lữ làm tiết chế, đem thủy binh vào cướp Gia Định.

Chúa sai Chưởng cơ Tống Phước Hựu hộ giá đến dinh Trấn Biên, dừng chân ở Đồng Lam (nay là Hải Động). Giặc bèn giữ Sài Gòn, sai tướng là Điều khiển Hòa (không rõ họ) đánh vào dinh Long Hồ. Ký lục Bùi Hữu Lễ 裴有禮 cự chiến, bị Hòa bắt được. Hữu Lễ mắng giặc không chịu khuất, bị giặc làm thịt ăn.

Trịnh Sâm sai Bùi Thế Đạt mở trường đúc tiền, hủy những súng đồng và các đồ đồng nát để đúc tiền Cảnh Hưng thuận bảo hơn 30.000 quan, lại mộ người để khai lấy mỏ vàng ở núi đất Nam Phố, mấy tháng không được vàng, rồi bỏ.

Tháng 3, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc dời Đông cung đến chùa Thập Tháp, đắp thêm thành Trà Bàn 闍棨 [Đồ Khể], tiếm xưng là Tây Sơn vương 西山王, đúc ấn vàng, bị khuyết mãi, ba lần mới thành. Nguyễn Văn Huệ xưng là Long Nhương tướng quân 龍驤將軍. Các người đảng khác đều được trao cho ngụy chức.

Mùa hạ, tháng 4, Nguyễn Văn Nhạc đánh Thủ tướng của Trịnh là Trương Công Phụng ở Quảng Nam. Phụng đầu thì theo Nhạc, sau bỏ về với Hoàng Ngũ Phúc, Phúc sai coi một cơ quân giữ núi Hải Vân. Bấy giờ, Phụng vượt núi vào Quảng Nam lấy lúa, Nhạc nhân dịp sai đồ đảng đánh. Phụng thua chạy.

Tháng 5, tướng Trịnh là Bùi Thế Đạt khiến các huyện Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền, Đăng Xương, Minh Linh, Hải Lăng, Lệ Thủy, Khang Lộc cùng châu Nam Bố Chính, lược khai số ruộng đất công và tư bỏ hoang và hiện chịu thuế. (8 huyện 1 châu, công tư điền thổ cộng hơn 265.507 mẫu 4 sào, trừ số bỏ hoang ra, hiện số thực nộp thuế là 153.181mẫu 5 sào).

Đỗ Thanh Nhơn ở đạo Đông Sơn 東山道 cả phá giặc Tây Sơn ở Sài Gòn. Bấy giờ giặc Tây Sơn vào cướp, quân ta còn yếu, chúa triệu Tống Phước Hiệp đem quân cứu viện và lưu bọn Trần Văn Thức, Châu Văn Tiếp đóng giữ các đạo Phú Yên, Bình Thuận, lại sai Đỗ Thanh Nhơn truyền hịch mộ quân cần vương ở các đạo. Quân Phước Hiệp chưa đến, Thanh Nhơn họp nghĩa quân ở Đông Sơn là bọn Nguyễn Huỳnh Đức 阮黃德, Trần Búa 陳鉓, Đỗ Hoành 杜鐄, Đỗ Ky 杜忌, Võ Nhàn 武閑, Đỗ Bảng 杜榜 là 3.000 người, tự xưng là Đông Sơn thượng tướng quân, từ Tam Phụ 三埠 [Ba Giồng] (thuộc tỉnh Định Tường) kéo đến đánh úp Nguyễn Văn Lữ, ba hiệp đều thắng, quân giặc chạy tan. Lữ cướp lấy thóc kho hơn 200 thuyền, chạy về Quy Nhơn. Thanh Nhơn đánh chiếm lại Sài Gòn, bèn nghinh giá trở về hành tại ở Bến Nghé. Chúa khen công, thăng làm Chưởng dinh ngoại hữu Phương quận công ; các tướng sĩ sở bộ đều được thưởng theo thứ bậc.

Tống Phước Hiệp tự Bình Khang về, đến dinh Trấn Biên, lưu Chưởng cơ Tống Phước Hòa đóng giữ đất ấy, thân đem thuộc tướng là Lý Tài đến hành tại bái yết.

Tháng 6, Tiết chế Tống Phước Hiệp chết. Phước Hiệp là người khảng khái, có tài lược, lấy việc đánh giặc làm nhiệm vụ của mình, đương thời xem là chỗ dựa quan trọng. Chúa thương tiếc mãi, tặng Hữu phủ quốc công.

Hàng tướng là Lý Tài giữ núi Chiêu Thái 昭泰山 [núi Châu Thới] (thuộc tỉnh Biên Hòa) để làm phản. Trước là Lý Tài theo Tống Phước Hiệp vào cứu viện, chúa muốn thu dùng, Thanh Nhơn nói Lý Tài là đồ chó lợn, dùng không ích gì. Bởi thế Lý Tài và Thanh Nhơn hiềm khích nhau. Đến khi Phước Hiệp chết, Lý Tài lòng càng lấy làm nguy sợ, bèn đem quân bản bộ giữ núi Chiêu Thái. Thanh Nhơn đánh không được, đắp lũy ở Bến Nghé và Nghi Giang 儀江 [sông Thị Nghè] để giữ.

Mùa thu, tháng 7, Trịnh Sâm ra lệnh cho nhân dân Thuận Hóa phải đổi quần áo theo tục cũ Bắc Hà. Thuộc hạ xuống làng dọa nạt quấy nhiễu, trăm họ lấy làm khổ.

Tháng 8, Trịnh Sâm vời bọn Bùi Thế Đạt, Lê Quý Đôn, Phan Trọng Phiên về. Quân cơ đội 13 hiệu cũng đều rút về cả. Sai Phạm Ngô Cầu thay giữ Phú Xuân và lưu bọn Nguyễn Lệnh Tân, Nguyễn Mậu Dĩnh để giúp việc. Đổi phái cơ hiệu đội 10 doanh đến đóng giữ.

Mùa đông, tháng 10, Đông cung đến Sài Gòn. Trong khi Đông cung đóng ở Quy Nhơn, mật bàn với gia thần rằng : “Tây Sơn mượn tiếng ta để đánh lừa dân chúng, nếu ta cứ tạm bợ cầu yên ở đây, năm dinh với các đạo nghĩa binh thấy có ta ở đây thì ném chuột sợ vỡ đồ, không dám đánh mạnh, bao giờ mới trừ được giặc nước, phục được nghiệp cũ? Chi bằng quyết kế bỏ đi, ra khỏi vòng lung lạc, để mưu đồ việc lớn”. Khi ấy có người chủ thuyền tên là Tiến đậu thuyền ở Hổ Ky (cửa biển Thị Nại). Đông cung ngầm sai bọn mưu sĩ Quý ra ước hẹn sắp sẵn thuyền để chờ. Ngày Quý mão, Đông cung cùng với Trương Phước Dĩnh và bọn mưu sĩ Quý ban đêm đi thuyền. Người lái thuyền nói : “Gió ngược đi làm sao?”. Đông cung nói : “Cứ đi thì rồi gió thuận”. Khi thuyền đi, quả nhiên gió thuận, thuyền đi như tên. Ngày ất tỵ, thuyền đến hải phận Vị Nê (thuộc tỉnh Bình Thuận) thì Tôn Thất Xuân từ Quảng Nam đi thuyền vừa tới, bèn cùng vượt biển vào Nam. Xuân vào trước tâu chúa. Chúa sai quan ra đón về hành tại. Đông cung xin chúa sai Tham mưu Nguyễn Danh Khoáng đi dụ Lý Tài. Lý Tài lấy làm ngờ, giữ Khoáng ở trong quân, rồi đem hết quân bản bộ xuống thẳng Sài Gòn. Quân của Thanh Nhơn thấy, trông bóng mà vỡ chạy. Chúa ra lệnh đưa xa giá lánh đi. Lý Tài chia quân làm bốn đạo, thúc trống tiến lên. Đông cung sai người mở cờ làm hiệu, cờ có sáu chữ: “Đông cung phụng mệnh chiêu an 東宮奉命招安”. Quân Lý Tài trông thấy, bỏ súng lạy rạp, tiếng hoan hô như sấm, rồi rước Đông cung về Dầu Miệt 油蔑 [Thủ Dầu Một] ở vài ngày, Đông cung sai Nội tả Nguyễn Mẫn đi Sài Gòn úy dụ quan quân, chiêu an dân chúng.

Quân ta đi đánh Chân Lạp về.

Bấy giờ nước Chân Lạp khổ vì quân Xiêm cướp phá, trong nước túng thiếu. Nặc Tôn 匿尊 nhường ngôi cho em là Nặc Vinh 匿榮 [tên khác của Nặc Nộn 匿嫩] làm vua chính mà tự mình làm vua thứ hai. Nặc Vinh nhận thấy nước ta hữu sự, không nộp cống. Thế tổ ((1) Nguyễn Ánh, tức Gia Long.) ta vâng mệnh chúa, đem bọn Phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn 阮久俊, Chưởng cơ Trương Phước Thuận 張福慎, cầm quân đi đánh giặc. Nặc Vinh xin hàng.

Tháng 11, ngày Kỷ tỵ, Lý Tài rước Đông cung về Sài Gòn, sai Trương Phước Thận tâu xin ngự giá về chùa Kim Chương (ở ngoài tỉnh thành Gia Định). Lý Tài rước Đông cung đến hành tại làm lễ mừng. Ngày Nhâm thân, chúa đại hội các quan văn võ, nhường ngôi cho Đông cung. Đông cung cho rằng sự thế đương ngặt nghèo, bất đắc dĩ phải vâng mệnh, xưng là Tân Chính vương 新政王, tôn chúa làm Thái thượng vương 太上王. Rồi thăng Tôn Thất Chí làm Thiếu phó, Tôn Thất Xuân là Chưởng cơ, Lý Tài làm Bảo Giá đại tướng quân. Ngoài ra đều cho thăng trật theo thứ bực. Duy có Đỗ Thanh Nhơn cùng với Lý Tài bất hợp, không chịu đến dự hội. [Tân Chính vương] bèn lấy Phạm Công Lý 范公理 thay [Đỗ Thanh Nhơn] làm Ngoại hữu. Lại sai Chưởng cơ Tống Phước Hòa 宋福和 và Thiêm Lộc 添祿 (không rõ họ) giữ Long Hồ để đề phòng. Bấy giờ Thế tổ ta [Nguyễn Ánh] biết Lý Tài là người kiêu ngạo ngang ngược, khó kiềm chế, nói với chúa xin đi Tam Phụ 三埠 [Ba Giồng] chiêu phủ miền Đông Sơn để mưu đồ khôi phục. Lý Tài nghe tin, đem quân đón ép chúa đi Dầu Miệt. Tân Chính vương không thể ngăn được, bèn khiến Trương Phước Dĩnh theo hộ giá. Ngày hôm sau lại rước giá trở về Sài Gòn.

Đội trưởng Võ Di Nguy 武彝巍 và Tô Văn Đoài 蘇文兌 cùng hơn 200 quân sĩ từ Quy Nhơn đến, yết kiến ở hành tại. Lấy Tống Phước Đạm làm Giám quân, Trần Văn Hòa làm Tham mưu, sai cùng với Đô thống sứ Đặng Văn Phong, Chiêu thảo sứ Nguyễn Văn Đổng (đều là người Quảng Ngãi) lẻn về Quảng Ngãi, chiêu tập nghĩa binh. Bọn Đạm đến Bồ Đề 蒲堤, giặc Tây Sơn dò biết, đánh đuổi chạy.

Đinh dậu, năm thứ 12 [1777], mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Sâm cho giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc làm Quảng Nam trấn thủ tuyên úy đại sứ. Bấy giờ Nhạc đã chiếm giữ Quảng Nam, xin trấn đất ấy. Sâm sợ phải dùng binh, bằng lòng cho. Nhạc đắc chí, sắm binh khí, chứa lương thực, thế càng hung dữ. Nguyễn Lệnh Tân muốn sớm trừ Nhạc, nhưng bị Phạm Ngô Cầu ngăn cản, bèn gửi mật thư cho Sâm rằng: “Cầu là người nhút nhát, vô mưu, Thuận Quảng tất mất ở tay Cầu. Xin chém Cầu để cử tướng khác, ngõ hầu Thuận Quảng mới có thể giữ được”. Sâm không nghe, rồi triệu Lệnh Tân về.

Trịnh Sâm sai bọn Phạm Ngô Cầu châm chước sửa định ngạch thuế ngạch binh xứ Thuận Hóa, thuế điền giảm 2 phần 10, binh giảm 1 phần 3. Lại mở khoa thi Hương, lấy đỗ hương cống và sinh đồ để thu dùng những người văn học.

Tháng 3, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ đem quân thủy bộ vào cướp. Tân chính vương lưu Lý Tài lại giữ Sài Gòn, rồi tự đem quân tiến đóng ở Trấn Biên. Bộ binh giặc lẻn vào miền thượng đạo, Phó tiết chế Nguyễn Cửu Tuấn, Chưởng Trường đà Nguyễn Đại Lữ đều chết trận. Lý Tài ở Sài Gòn nhiều lần đánh với thủy binh của giặc cũng không lợi. Tân Chính vương họp bàn các tướng. Tham tán Nguyễn Đăng Trường cho rằng quân giặc nhiều quân ta ít, khó mà địch nổi, chi bằng lui về Sài Gòn để tính kế đánh giữ. Vương theo lời, bèn lưu Chưởng cơ Tống Phước Lương đóng ở Trấn Biên rồi dẫn quân về Sài Gòn. Được vài ngày thì quân giặc đến. Vương sai Lý Tài đem Nghĩa Hòa quân ra Hóc Môn 旭門 (tên đất thuộc Gia Định) cự chiến, chém được tuần sát địch là Tuyên (không rõ họ), quân giặc phải hơi lui. Bấy giờ vừa Trương Phước Thận từ Cần Bột 芹渤 đem quân đến cứu. Lý Tài xa thấy bóng cờ, ngờ là quân Đông Sơn đến đánh úp mình, tự rút quân về.

Giặc thừa thế đuổi theo. Quân Lý Tài chạy rối loạn đến Tam Phụ, bị quân Đông Sơn giết hết. Tân Chính vương được thêm quân Phước Thận, bèn lui giữ Tranh Giang 爭江 (thuộc tỉnh Gia Định).

Chúa đến Đăng Giang 橙江 (thuộc tỉnh Định Tường). Thế tổ ta đem 4.000 quân Đông Sơn đến cứu viện. Chúa bèn dựng cờ Đông Sơn thượng tướng quân rồi đem quân đến Tài Phụ 才阜 [Giồng Tài] (1. Tài Phụ: Giồng Tài, một trong ba giồng.) (thuộc tỉnh Gia Định).

Chúa bảo Tân Chính vương rằng: “Phía sau Tranh Giang vương tự đương lấy, phía trước Tài Phụ thì ta cáng đáng” [爭江後路,王自當之;才阜前路,我自當之。], rồi sai các quân quay lưng về phía sông mà bày trận để chờ.

Mùa hạ, tháng 4, quân giặc đánh Tài Phụ. Chúa đi Long Hưng (tên đất thuộc tỉnh Định Tường). Gặp mưa to, giặc đuổi không kịp. Đỗ Thanh Nhơn từ Giá Khê 架溪 [Rạch Giá] dẫn quân lại. Chúa lại đi Cần Thơ 芹苴 (tên đất, tức thủ sở đạo Trấn Giang 鎮江道, Mạc Thiên Tứ 鄚天賜 từ khi thất thủ Hà Tiên lui đóng ở đấy), hợp quân với Mạc Thiên Tứ. Chúa thấy binh lực của Thiên Tứ ít và yếu, khó chống được giặc, bèn sai Đỗ Thanh Nhơn cùng thuộc hạ là Cai đội Nguyễn Quân 阮勻 lẻn đi Bình Thuận gọi Châu Văn Tiếp và Trần Văn Thức vào cứu.

Quân giặc đánh Tranh Giang 爭江. Tân Chính vương lùi giữ Trà Tân 茶津 (tên xã thuộc tỉnh Định Tường). Chưởng cơ Thiêm Lộc 添祿 đem thủy binh đón đến Ba Việt 巴越. Vương sai Tống Phước Hựu 宋福祐 giữ Mỹ Lung 美籠, Thiêm Lộc giữ Hương Đôi 香堆 (Ba Việt, Mỹ Lung, Hương Đôi đều là tên đất, thuộc tỉnh Vĩnh Long). Tống Phước Hòa quản lĩnh các quân hộ vệ mặt trận để chống giặc.

Giặc Nguyễn Văn Huệ giữ Sài Gòn, giết tham tán Nguyễn Đăng Trường 阮登場. Trước kia trong cuộc biến năm Giáp ngọ, Đăng Trường theo xa giá không kịp, bèn mang mẹ đến lánh ở Quy Nhơn. Khi đến thì Tân Chính vương đã vào Gia Định. Huệ gặp, đối đãi như bực khách và thầy. Đăng Trường không chịu, từ đi. Huệ nói rằng: “Tiên sinh đi lần này, ý muốn kéo lại trời đất được chăng? Tôi sợ ngày khác ăn năn không kịp”. Đăng Trường nói : “Đại trượng phu ở đời, trung hiếu làm đầu, ta nay dắt mẹ đi tìm vua, điều nghĩa rõ ràng, còn việc cùng thông được mất là mệnh thôi, việc gì mà hối”. Huệ khen giỏi cho đi. Đến đây Đăng Trường lại bị Huệ bắt được. Huệ hỏi rằng : “Ngày nay thì tiên sinh thế nào ?” Đăng Trường trả lời : “Ngày nay có chết mà thôi, hà tất phải hỏi”. Huệ sai giết. Đăng Trường đến chợ, quay mặt về phương Bắc lạy rồi chịu chết (năm Minh Mệnh thứ 3 tặng Binh bộ thượng thư). Có người võ sĩ tên là Điển Nghệ (không rõ họ) ở dưới quyền Tân Chính vương, trong trận Tranh Giang thất lạc không tìm thấy vương, nay nghe tin Đăng Trường chết, cũng gieo mình xuống giếng chết.

Mùa thu, tháng 7, Tham tán Trần Văn Thức từ Phú Yên vào cứu viện, quân đến Bình Thuận, cùng với giặc đánh nhau không được mà chết. Quân giặc phạm Ba Việt. Thiếu phó Tôn Thất Chí, Nội tả Nguyễn Mẫn, Chưởng cơ Tống Phước Hựu đều bị bệnh chết, chỉ còn Chưởng cơ Tống Phước Hòa chống nhau với giặc, đánh nhiều trận đều thắng, giặc lấy làm sợ.

Tháng 8, giặc Nguyễn Văn Huệ thêm quân đánh Hương Đôi. Chưởng cơ Thiêm Lộc chạy đi Ba Việt. Tân Chính vương thấy quân ít lương hết, bàn kế chạy về Bình Thuận cùng Châu Văn Tiếp họp quân, rốt cục không xong. Các tướng đều tản mát. Chưởng cơ Tống Phước Hòa than rằng: “Chúa lo thì tôi phải chết, nghĩa không thể tránh được”, rồi tự tử.

Ngày Tân hợi, Tân Chính vương bị hại chết (năm Gia Long thứ 8 [1809] truy tặng làm Mục Vương 穆王, hợp tự ở miếu Tuyên vương),  18 người quan theo hầu đều bị giặc hại cả.

Chúa đi Long Xuyên 龍川.

Tháng 9, giặc Nguyễn Văn Huệ sai Chưởng cơ giặc là Thành (không rõ họ) phạm Long Xuyên.

Ngày Canh thìn, chúa băng. Tôn Thất Đồng 尊室晍 (con thứ hai của Hưng tổ) cũng chết theo (năm Gia Long thứ 5 được tòng tự ở Thái miếu ; năm Minh Mệnh thứ 12 [1831] phong Hải Đông quận vương). Cha con Chưởng cơ Trương Phước Thận, Lưu thủ Lương (không rõ họ) và Tham mưu Nguyễn Danh Khoáng đều chết cả. Chúa ở ngôi 12 năm, thọ 24 tuổi, không có con nối. Ban đầu thì táng ở đất huyện Bình Dương. Năm Mậu tuất [1778], năm đầu Thế tổ lên nhiếp chính, truy dâng tôn  thụy là Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu định vương ; năm Gia Long thứ 5 [1806] truy tôn làm Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu định hoàng đế, miếu hiệu là Duệ tông ; năm Gia Long thứ 8 [1809] cải táng ở núi La Khê, lăng gọi là Trường Thiệu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter