Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế Nguyễn Phúc Thuần (thượng)

Tiền biên – Quyển XI – Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng)

Duệ tông Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu định hoàng đế, húy là Thuần 淳, lại húy nữa là Hân 昕, sinh năm Giáp tuất [1754] (Lê Cảnh Hưng năm 15, Thanh Càn Long năm 19), là con thứ 16 của Thế tông Hiếu võ hoàng đế [Nguyễn Phúc Khoát]. Mẹ là Nguyễn thị (Cuộc biến năm Giáp Ngọ, Nguyễn thị đi tu, năm Gia Long thứ 3, cho hiệu là Tuệ tĩnh thánh mẫu nguyên sư).

Đầu là hoàng tử thứ chín là Hạo 昊 được yêu quý nên được lập làm thế tử, rồi mất, hoàng tôn là Dương 皇孫暘 còn thơ ấu mà hoàng tử cả là Chương 暲 lại cũng mất. Hưng tổ Hiếu khang hoàng đế [Nguyễn Phúc Luân] khi nhỏ khôi ngô khác thường, theo vai vế thì đáng được lập. Thế tông Hiếu võ hoàng đế sai Nội hữu Trương Văn Hạnh 張文幸 làm thầy, muốn để cho nối ngôi. Bắt đầu cho các chức chưởng cơ, thường được tham dự triều chính. Năm ất dậu, mùa hạ, tháng 5, ngày Giáp ngọ, Thế tông Hiếu võ hoàng đế băng. Bấy giờ chúa [Nguyễn Phúc Thuần] mới 12 tuổi, quyền thần Trương Phước Loan 張福巒 (con Trương Phước Phan 張福攀) lợi dụng chúa còn trẻ tuổi, mật cùng Thái giám Chử Đức 褚德 (không rõ họ) và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông 阮久通 đổi di mệnh lập lên, hiệu là Khánh Phụ đạo nhân 慶暊道人.

Hưng tổ [Nguyễn Phúc Luân] bị Trương Phước Loan ghét, bắt giam vào lãnh thất. Nội hữu Trương Văn Hạnh, thị giảng Lê Cao Kỷ 黎高紀 đều bị  Loan giết. Hưng tổ lo buồn sinh ốm, mùa thu, tháng 9, ngày Quý mùi, về phủ đệ thì băng, thọ 33 tuổi, táng tại xã Cư Chính (thuộc huyện Hương Trà). Năm Mậu tuất, năm đầu Thế tổ lên nhiếp chính, truy tôn làm Từ Tường Đạm Bạc Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang vương, năm Gia Long thứ 5 truy tôn làm Nhân Minh Cẩn Hậu Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang hoàng đế. Năm thứ 7, tu sửa sơn lăng, gọi là lăng Cơ thánh. Năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi làm núi Hưng Nghiệp, dâng miếu hiệu là Hưng tổ.

Chúa [Nguyễn Phúc Thuần] lên ngôi xuống chiếu đại xá. Chiếu rằng : “Kinh Xuân thu để muôn đời khuôn phép, dạy phải nghiêm chỉnh từ đầu ; bực vua chúa lập chế độ thái bình, càng trọng thay cũ đổi mới. Muốn đưa đời đến thịnh trị, há chỉ trông vào luân âm ! Nhà nước ta phát tích tự Ô châu, thực nhờ tiên chúa để mưu lược. Nghiệp bá giữa phương trời chót vót, đạo vương ban khắp trong cõi bờ. Các thánh truyền nối cùng nhau, giữ gìn khuôn phép một nhà, vỗ trị dư đồ nghìn thặng. Tiên khảo hoặc văn hoặc võ, mở rộng quy mô nhất đại, đặt đúng uy nghi bách vương. Vâng mãi mệnh trời, tiếng tăm to lớn. [Không ngờ] thức mây đương rực rỡ từng trời, xe phượng bỗng xa rời cõi đất. Ta đức còn non, mà tuổi còn nhỏ. Chưa biết việc cấy gặt gian nan, e không rõ vỗ yêu dân chúng. Dẫu nhờ được cả triều cùng giúp, nhiều công xoay chuyển càn khôn ; nhưng trách nhiệm muôn việc một ngày, nên hai ba lần thoái nhượng. Lịch minh (1. Lịch minh : Cây minh giáp, một thứ cỏ xưa người ta trồng ở gần thềm để xem số ngày trong một tháng.) vừa gặp ngày tốt, khó ngăn hướng bóng lòng quỳ. Cho nên ngày tháng này ta đã lên ngôi vương. Nửa đêm thuận tình, sáng sớm lâm chính. Muốn tới được Thành Chu thịnh đức (2. Đời Thành vương nhà Chu là một đời thịnh trị.), cần phải nhớ Hồng phạm cách ngôn (3. Thiên Hồng phạm trong Kinh Thư, nêu cửu trù để dậy phép lớn trị nước.). Được tươi đẹp như rồng như ánh sáng, là nhờ bầy tôi hằng tháng xét mình, và quan tâm đến tình dân mong gió mong mưa mỗi người một khác. Vậy xuống lệnh đại xá, tuyên bố đức ân, để được thấm Phước lành thêm mãi, thỏa lòng mong mỏi mây trời. Mong rằng các quan trong ngoài chăm lo chức vụ, già trẻ trăm họ đều biết tôn vua thân trên, để một phen rửa sạch dơ cũ, thói tốt thấm nhuần”.

Thăng Trương Phước Loan làm quốc phó 國傅, giữ việc Hộ bộ, quản cơ Trung tượng, kiêm Tàu vụ, cho thu thuế sản vật nguồn vàng Thu Bồn và các nguồn Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân làm ngụ lộc. Loan sai người riêng trưng thu, Hằng năm được số vàng vô số mà nộp thuế cho nhà nước chỉ một, hai phần mười. Các thứ thuế nguồn về ngà voi, sáp ong, mật ong, mỗi năm thu bạc đến hơn 200 lạng. Của báu chất như núi. Con là Thặng 嵊 và Nhạc 嶽 đều lấy công chúa (Thặng lấy công chúa Ngọc Nguyện 玉願, Nhạc lấy công chúa Ngọc Đảo 玉璹), làm quan đến chưởng dinh cai cơ. Cả nhà Loan sang yêu quyền thế, át cả trong ngoài. Lại đem bè đảng là bọn Thái Sinh chia giữ những bến trọng yếu. Loan ngày càng buông tuồng, người ta gọi là Trương Tần Cối 張秦檜.

Tháng 6, triệu tham mưu dinh Điều khiển Gia Định là Nguyễn Cư Trinh về, thăng làm Lại bộ, khởi phục Nguyễn Quang Tiền làm Hàn lâm viện. Bấy giờ Trương Phước Loan chuyên nắm quyền bính, sợ dư luận không ưa, nên đem hai người này là có danh vọng ở đương thời xin chúa cất dùng. Chúa theo lời, nên có mệnh ấy.

Lấy Thị giảng Nguyễn Hữu Tôn làm Binh bộ, vẫn kiêm chức thị giảng.

Bính tuất, năm thứ 1 [1766] (Lê Cảnh Hưng năm 27, Thanh Càn Long năm 31), mùa thu, tháng 8, bọn thám tử của Hà Tiên từ Xiêm La trở về, nói vua Phong 瘋王 Xiêm La (vua Xiêm có bệnh phong cùi, người nước gọi là vua Phong) đã sửa soạn chiến thuyền định ngày sang đánh Hà Tiên. Tổng binh Mạc Thiên Tứ lấy làm lo, phi báo về dinh Điều khiển Gia Định xin quân ứng viện.

Mùa đông, tháng 10, Thống suất Nguyễn Cửu Khôi 阮久魁 [có sự nhầm lẫn của sử gia triều Nguyễn, ông này là Tống Văn Khôi (xem ghi chú của Đại Nam Liệt Truyện)] (con Chưởng dinh Nguyễn Cửu Pháp 阮久法, dòng dõi Nguyễn Phước Kiều 阮福喬) và Tham mưu Nguyễn Thừa Mân 阮承緡 (con Tham chính Nguyễn Thừa Tự 阮承緒) sai bọn Cai đội Nguyễn Cửu Siêu 阮久超, Nguyễn Cửu Tự 阮久緒 đem 3 chiếc thuyền đi biển, 20 chiếc thuyền sai và 1.000 tinh binh đóng giữ Hà Tiên để phòng ngừa giặc Xiêm.

Đinh hợi, năm thứ 2 [1767], mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Doanh nhà Lê chết, con là Sâm lên nối.

Tháng 3, Miến Điện 緬甸 cử binh đánh phá Xiêm La, bắt được vua Phong và con là Chiêu Đốc Đa 昭督多, lùa mấy vạn dân đem về. Con thứ vua Phong là Chiêu Xỉ Xoang 昭侈腔 chạy sang Chân Lạp, Chiêu Thúy 昭翠 chạy sang Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đem việc ấy báo lên, lại gửi thư cho bọn Điều khiển Nguyễn Cửu Khôi 阮久魁 [có sự nhầm lẫn của sử gia triều Nguyễn, ông này là Tống Văn Khôi (xem ghi chú của Đại Nam Liệt Truyện)] triệt quân viện về cho khỏi khó nhọc. Thiên Tứ lại sợ quân Miến Điện thừa thế đến lấn, bèn sai thuộc tướng là Cai đội đội Thắng thủy Trần Đại Lực 陳大力 (con Trần Đại Định) đem binh thuyền đi trấn giữ đất Chân Bôn 真奔 (đầu địa giới Xiêm La); lại sai quân đi tuần xét các hải đảo Cổ Công 古公, Cổ Cốt 古骨 và Dần Khảm 寅坎. Bấy giờ có người Triều Châu 潮州 nước Thanh là Hoắc Nhiên 霍然 rủ nhau họp đảng, thấy đảo Cổ Công là nơi hiểm trở hẻo lánh, dựa làm sào huyệt, thường ẩn hiện ở vùng duyên hải, đón cướp thuyền buôn, vây cánh ngày một nhiều, có ý ngầm nhòm ngó Hà Tiên. Quân đi tuần thám biết tình hình. Thiên Tứ mật sai quân tinh nhuệ ngầm đến vây bắt. Hoắc Nhiên bị quân chúng giết chết, dư đảng đều tan.

Mùa hè, tháng 5, Lại bộ Nguyễn Cư Trinh chết, Cư Trinh là người có cơ trí mưu lược, giỏi quyết đoán, phàm có kiến nghị tâu bày đều là nói ngay bàn thẳng. Trong khi tham dự việc quân ở miền Nam, 11 năm mở mang đất đai, giữ yên biên giới, công lao danh vọng rỡ ràng. Lại giỏi văn chương, ưa ngâm vịnh, khi ở Gia Định, cùng với Tổng binh Hà Tiên Mạc Thiên Tứ thường lấy thơ văn tặng nhau, có tập Hà Tiên thập vịnh lưu hành. Lại làm bài Sãi vãi vấn đáp 僧尼問答辭 [Tăng Ni vấn đáp từ], tôn sùng chính học, bài bác mê hoặc, dùng lối văn biền ngẫu quốc âm, người đều truyền tụng. Khi chết, tặng Tá lý công thần chính trị thượng khanh, thụy là Văn Định. (Năm Minh Mệnh thứ 20 [1839] phong Tân Minh hầu, được tòng tự ở Thái miếu).

Mùa thu, tháng 8, lấy Binh bộ Nguyễn Hữu Tôn làm Lại bộ, coi việc Kinh diên. Sau lại sai kiêm Hình bộ, cai quản việc vận tải.

Mùa đông, tháng 12, lấy Ký lục dinh Quảng Nam là Nguyễn Đăng Khuông (con Nguyễn Đăng Tiến) làm Cai bạ, Hàn lâm viện thị giảng Trần Phước Thành (lại tên là Đại Tiến) làm Ký lục.

Mậu tý, năm thứ 3 [1768], mùa xuân, tháng 2, sai các dinh làm duyệt tuyển.

Mùa thu, tháng 8, mở khoa thi hương. Sai Chưởng cơ lãnh Hình bộ sự là Tôn Thất Dục (lại có tên là Thường, con Tôn Thất Tứ, bấy giờ gọi là Thường quận công) làm giám thí. Lấy Lê Chính Việp, Bạch Doãn Triều đỗ đầu, người đương thời cho là xứng đáng.

Truy cấp cho Thiếu úy Tôn Thất Hiệp 300 người tự dân (xã Vân Thê) và 500 mẫu tự điền (xã Kim Đôi).

Trưởng đất Mường Tát 茫薩 nước Xiêm La là Trịnh Quốc Anh 鄭國英 tự lập làm vua. Quốc Anh là người Triều Châu nước Thanh. Cha là Yển 偃 lưu ngụ ở Xiêm La, làm trưởng đất Mường Tát, Yển chết, Quốc Anh nối chức, xưng là Phi Nhã 丕雅 (tên quan nước Xiêm) Tân 新, thừa lúc nước Xiêm trống trải suy yếu, bèn dấy quân đánh úp lấy đất, tự xưng làm quốc vương, đòi nước Chân Lạp tiến cống. Vua Chân Lạp là Nặc Tôn cho rằng Phi Nhã Tân không phải dòng dõi Xiêm La, cự không nhận.

Kỷ sửu, năm thứ 4 [1769], mùa xuân, tháng 2, vua nước Xiêm là Tân sai tướng là Phi Nhã Sô Sĩ 丕雅芻仕 (tên chức quan) Bôn Ma 奔麻 (tên người) đem quân đưa ngụy vương nước Chân Lạp là Nặc Nộn 匿嫩 về nước. Quân Bôn Ma đến Lô Khu 爐塸, cùng Nặc Tôn đánh nhau mãi không được, bèn bắt dân đem về. Mạc Thiên Tứ được tin, càng thêm cẩn thận việc biên phòng.

Người Triều Châu là Trần Thái 陳太 họp đảng ở núi Bạch Mã 白馬山, mưu đánh úp Hà Tiên, ngầm kết với người họ Mạc là bọn Mạc Sùng 鄚宗, Mạc Khoan 鄚寬 làm nội ứng. Mạc Thiên Tứ biết rõ tình hình, liền cho mai phục, bắt được bọn Sùng, Khoan, đuổi đánh đảng chúng ở chùa Hương Sơn. Trần Thái chạy sang Xiêm La.

Làm sổ sách kế toán hằng năm. Bấy giờ được bình tĩnh đã lâu, ruộng đất ngày càng thêm mở rộng, hộ khẩu ngày càng tăng nhiều, thuế khóa về đinh điền thu vào chứa đầy kho tàng. Chúa mới lên ngôi, muốn biết rõ số mục các thứ, bèn sai sở tại đều làm bản tính thu thuế khóa đinh điền và những thuế nguồn, cửa quan, bến đò, họp thành sổ tâu lên, làm lệ thường hằng năm. (Thuận Hóa, 2 phủ, 8 huyện, 1 châu, ruộng hơn 153.180 mẫu, đinh hơn 126.850 người. Quảng Nam đến Gia Định, 9 phủ, 25 huyện, 1 châu, ruộng 270.000 mẫu khoảnh(1. ở Trung Quốc thì một khoảnh là 100 mẫu. ở đây dùng chữ mẫu khoảnh, có lẽ phần lớn là mẫu, còn những nơi mới khai thác chưa đo được chính xác thì tính là khoảnh, cũng đại loại trên dưới mẫu, chứ không phải 100 mẫu. 1), đinh hơn 165.060 người. Số thu vào trong một năm thì Thuận Hóa thóc 3.533.356 thăng, gạo 63.655 thăng, tiền 153.600 quan. Quảng Nam đến Gia Định thóc hơn 6.048.500 thăng, gạo hơn 782.000 thăng, tiền hơn 241.900 quan. Lại các thứ thuế nguồn, tấn, đầm, ao, tuần ty, chợ, đò, mỗi năm thu vào tiền hơn 76.460 quan, vàng 148 lạng, bạc 1.450 lạng. Từ Quảng Nam trở về Nam chiếm 6 phần, Thuận Hóa chiếm 4 phần. Ngoài ra các loại như lụa, nhiễu, vải trắng, ngà voi, sừng tê, sáp ong, dầu nước, dầu thơm, đường cát, mật mía, mật ong, song, mây nước, đuốc trám, đèn nến thì không ở trong số thuế này).

Sai các châu huyện lập phường chơi xuân, mỗi phường 15 người, nộp thuế 1 quan tiền.

Sao chổi mọc, chuôi tự phía đông bắc chỉ sang phía tây nam. Hàn lâm Nguyễn Quang Tiền nói với người ta rằng chỉ trong 6 năm ở Quảng Nam sẽ nổi binh.

Bấy giờ Trương Phước Loan cầm quyền, chính trị tự chuyên. Nội hữu chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm, chưởng Thủy cơ Tôn Thất Viên (đều là con Dận quốc công Tôn Thất Điền, bấy giờ người ta gọi là Nghiễm quận công) dẫu được chúa thân yêu, nhưng chỉ say mê tửu sắc, không để ý đến việc nước. Loan thấy thế bèn không kiêng nể gì, bán quan, buôn tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân đều lấy làm khổ. Trong khoảng 4, 5 năm, tai dị hiện ra luôn, đất động, núi lở, sao sa, nước đỏ, trăm họ đói kém, trộm cướp tứ tung. Trong nước tự đó sinh nhiều việc.

Canh dần, năm thứ 5 [1770], mùa xuân, tháng 3, làm sổ các ruộng họ ở các huyện xứ Thuận Hóa. Chúa cho rằng xứ Thuận Hóa khẩn ruộng ngày một nhiều, mà sổ sách lâu năm hư hỏng, sai chiếu số ruộng họ các xã thôn phường thuộc các huyện, làm sổ dồn thành tập. (Hương Trà 10 tổng, 222 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 8 tập. Quảng Điền 8 tổng, 137 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 4 tập. Phú Vang 6 tổng, 352 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 15 tập. Đăng Xương 5 tổng, 188 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 5 tập. Khang Lộc 6 tổng, 83 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 6 tập. Lệ Thủy 5 tổng, 73 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 4 tập. Nam Bố Chính 2 tổng, 54 xã, thôn, phường, ruộng họ quy thành 1 tập. Duy còn 1 huyện Hải Lăng, nay không khảo được.

Dời xây Văn Miếu đến xã Long Hồ. Chúa thấy địa thế Triều Sơn ẩm thấp nên sai dời đi.

Chưởng cơ lĩnh Hình bộ sự là Tôn Thất Dục 尊室昱 bị bãi. Dục học rộng, có tài lược, triều đình dựa vào xem là trọng thần. Bấy giờ Trương Phước Loan chuyên quyền, thấy Dục là bầy tôi tôn thất có tiếng đương thời, muốn kéo bè giúp mình, bèn đem con gái gả cho. Dục không vì thế mà khuất chút nào, giữ ngay thẳng, không a dua. Loan ghét, ngầm sai người vu cho Dục mưu phản. Tra xét mãi không có chứng cớ gì, đến đấy bãi về. Dục đã về nhà, tuyệt nhiên không nói gì đến việc nước nữa, chỉ ngày cùng các khách ngâm vịnh. Dục hiếu học, giỏi thơ, càng tinh về thuật số và âm nhạc, tục truyền đàn nam cầm 南琴 ((1) Đàn bầu.) là do Dục chế ra. (Có thuyết nói Dục bị Loan ghét, vu việc mưu phản không bằng chứng, bèn lấy việc làm súng riêng làm chứng, bắt giam và năm sau phát bệnh ung thư ở lưng rồi chết).

Mùa hạ, tháng 6, Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông chết, tặng Trấn phủ Kính quận công.

Lấy Ký lục dinh Quảng Nam là Trần Phước Thành 陳福成 làm Cai bạ, tuần hành 5 phủ (Thăng Bình, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên), tham mưu việc dẹp giặc, điều khiển tướng sĩ binh dân của sáu đạo đồn dinh Quảng Ngãi và quân lính hai phủ Quy Nhơn và Phú Yên để đi đánh giặc ác man. Buổi quốc sơ bọn mọi ác Đá Vách 石壁惡蠻 [Thạch Bích ác man] ở Quảng Ngãi (vì ven núi trông lên những vách đá đứng thẳng là nhà ở của bọn mọi ác này, cho nên gọi tên là mọi Đá Vách) thường gây nạn cho dân, nên đã biên dân [Quảng Ngãi] lập làm sáu đạo quân, chia phiên đóng giữ, dân địa phương được yên. Đến đây bọn mọi ác ấy lại xuống quấy nhiễu, mới sai Phước Thành lãnh quân đi đánh dẹp.

Mùa thu, tháng 7, lính trốn ở Hà Tiên là Phạm Lam họp đảng ở Hương Úc 香澳 và Cần Vọt 芹渤 cùng với người Chà Và 闍婆 là Ving Ly Ma Lư 榮離麻蘆 và người Chân Lạp là ốc nha Kê 屋牙稽 hợp quân hơn 800 người và 15 chiếc thuyền, chia đường thủy bộ đánh úp trấn Hà Tiên. Vừa tới ngoài lũy, Mạc Thiên Tứ đem quân chống cự, đánh tan được, đâm chết Phạm Lam 范儖 ở giữa sông, bắt được Lư và Kê đem chém. Bấy giờ Hà Tiên luôn gặp binh hỏa, quân lương hao tổn, lòng dân dao động, Thiên Tứ dâng sớ tự trách. Chúa ban thư tỏ lòng khoan hồng và yên ủi. Lại sắc cho Điều khiển Gia Định rằng hễ Hà Tiên có tin báo động thì phải tiếp ứng mau.

Dật sĩ ở Thuận Hóa là Ngô Thế Lân 吳世璘 dâng thư bàn về tiền tệ, đại lược rằng: “Trộm nghe, khi tiên chúa mở mang, đất còn hẹp, dân còn thưa, phía nam chưa có đất Gia Định màu mỡ (Gia Định là đất tốt bậc nhất, rất hợp trồng lúa, rồi đến trồng cau. Phương ngôn có câu “Nhất thóc nhì cau” 穀一榔二); phương Bắc còn có việc phòng giữ ở Hoành Sơn, liền năm chinh chiến, mà dân không đói kém, nhà nước thừa tiêu. Ngày nay thiên hạ bình tĩnh đã lâu, đất rộng dân đông, những đất trồng lúa đã khai khẩn hết, những nguồn lợi núi chằm đã khai thác hết. Hơn nữa, ruộng ở Phiên Trấn và Long Hồ lại không bị hạn lụt bao giờ. Thế mà từ năm Mậu tý [1768] tới nay, giá thóc cao vọt, nhân dân đói kém, là cớ làm sao? Không phải là thiếu thóc mà chính vì đồng tiền kẽm gây nên vậy. Nhân tình ai cũng ưa cái bền chắc, ghét cái chóng hư. Nay lấy đồng tiền kẽm chóng hư mà thay đồng tiền đồng bền chắc, cho nên dân đua nhau chứa thóc mà không chịu chứa tiền. Tuy nhiên, cái tệ tiền kẽm đã lâu rồi, nay muốn đổi đi, thế rất là khó, mà nạn đói của dân thế lại rất gấp. Thần trộm nghĩ phương kế ngày nay, không gì bằng phỏng theo phép nhà Hán, mỗi phủ đặt một kho thường bình, đặt quan phụ trách, định giá thường bình, rồi hễ thóc rẻ thì theo giá mà đong vào, thóc đắt thì theo giá mà bán ra. Như thế thì giá thóc không đến nỗi rẻ quá để hại cho nhà nông, mà cũng không đến nỗi đắt quá để lợi cho bọn phú thương, rồi sau sẽ dần dần sửa đổi cái tệ tiền kẽm, thế là vật giá sẽ được bình ổn”. Sớ dâng vào, không thấy trả lời (Sau Lân theo giặc Tây Sơn, nhận ngụy chức).

Tân mão, năm thứ 6 [1771], mùa thu, tháng 8, Mạc Thiên Tứ được tin nước Xiêm La kiểm duyệt binh giáp, định ngày đến lấn, bèn chạy hịch xin viện ở Gia Định. Điều khiển Nguyễn Cửu Khôi [có sự nhầm lẫn của sử gia triều Nguyễn, ông này là Tống Văn Khôi (xem ghi chú của Đại Nam Liệt Truyện)] cho rằng năm trước Hà Tiên đã báo hão tin biên cấp, chỉ làm mệt cho quan quân, nên không cho binh đến cứu. Bấy giờ trong thành Hà Tiên thấy ở phương Nam có 2 cái cầu vồng đỏ mọc giao nhau thành hình chữ thập, dài hơn 30 trượng ; lại ở dưới lầu Bắc đế có một cồn cát từ lâu, chợt bị cơn gió cuốn lên lưng chừng trời, làm trong thành mù tối, phút chốt cát ấy tản xuống, đánh đống thành hình chữ thập. Người thức giả cho đó là điềm đến tháng 10 thành sẽ mất.

Mùa đông, tháng 10, vua Xiêm thấy Chiêu Thùy 昭翠 chạy sang Hà Tiên, sợ có mối lo về sau, bèn phái hai vạn quân thủy và bộ, dùng tên giặc [núi] Bạch Mã là Trần Thái làm hướng đạo, vây trấn Hà Tiên. Quân trấn ít ỏi, bám giữ thành cố đánh, chạy hỏa bài cáo cấp với dinh Long Hồ. Quân Xiêm đông giữ núi Tô Châu, dùng đại bác bắn vào thành, thế rất nguy cấp. Đương đêm, kho thuốc súng ở núi Ngũ Hổ phát cháy, trong thành sợ rối. Quân Xiêm từ phía sau thành chặt cửa sấn vào, phóng hỏa đốt doanh.

Thiên Tứ thân hành đốc suất binh sở thuộc chống đánh ở các ngõ. Một lát quân dân tan vỡ, thành bị hãm. Cai đội Đức Nghiệp (không rõ họ) kèm Thiên Tứ lên thuyền chạy. Mạc Tử Hoàng, Mạc Tử Thảng, Mạc Tử Duyên ở đạo Châu Đốc cũng đều đem thủy quân phá vòng vây, do đường biển chạy xuống Kiên Giang, rồi qua Trấn Giang 鎮江 dừng lại. Chiêu khoa 昭科 (tên chức quan) nước Xiêm là Trần Liên 陳聯 đuổi theo đến, vừa gặp Lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phước Hợp 宋福洽 đem binh thuyền bản dinh đến cứu, kéo thẳng tới sông Châu Đốc để chống cự. Quân Xiêm rút lui, vào nhầm ngách sông cụt, đại binh [ta] đuổi ập tới, chém được hơn 300 đầu. Trần Liên phải bỏ thuyền, dẫn quân chạy về Hà Tiên, lại bị Cai đội đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân đón đánh, quân Xiêm chết quá nửa. Vua Xiêm bèn lưu Trấn Liên ở lại giữ Hà Tiên, rồi tự đem quân thẳng sang Chân Lạp. Nặc Tôn bỏ chạy. Vua Xiêm lập Nặc Nộn làm vua Chân Lạp. Thế là quân Xiêm đóng giữ phủ Nam Vang, có ý nhòm ngó Phiên Trấn.

Tháng 11, Nguyễn Cửu Khôi [có sự nhầm lẫn của sử gia triều Nguyễn, ông này là Tống Văn Khôi (xem ghi chú của Đại Nam Liệt Truyện)] và Nguyễn Thừa Mân gửi giấy mời Thiên Tứ đến dinh để hỏi thăm yên ủi. Thiên Tứ trình bày duyên do thất thủ và dâng thư xin chờ tội. Chúa ban thư rộng miễn, lại cấp thêm lương. Hạ lệnh cho điều khiển cho quân đưa về đạo Trấn Giang, khiến chiêu dụ dân lưu vong mà tính lại việc đánh giặc.

Tháng 12, Trịnh Sâm nhà Lê thắt cổ giết Thái tử nhà Lê là Duy Vỹ. Bấy giờ Sâm chuyên quyền, tác oai tác phúc. Duy Vỹ căm nỗi nhà Lê mất quyền, khảng khái có ý muốn tự lập. Sâm rất ghét, liều thêu dệt nên tội rồi thắt cổ giết.

Lấy Cai đội dinh Phú Yên là Nguyễn Vân làm Trấn thủ dinh Bình Khang.

Núi Thạch Bi ở Phú Yên bị sét đánh, đá đen ở núi đều hóa ra trắng cả, xa trông như bia đá dựng đứng, sắc như tro trắng. Chúa sai quan làm lễ đảo.

Nhâm thìn, năm thứ 7 [1772], mùa xuân, tháng giêng, sai Chưởng cơ Tôn Thất Văn (con thứ 3 Thế tông) làm duyệt tuyển ở phủ Quy Nhơn.

Tháng 2, chúa cho rằng Điều khiển Gia Định giữ quân không đến cứu viện nên thành Hà Tiên bị hãm, bèn giáng Nguyễn Cửu Khôi [có sự nhầm lẫn của sử gia triều Nguyễn, ông này là Tống Văn Khôi (xem ghi chú của Đại Nam Liệt Truyện)] làm Cai đội và triệu Nguyễn Thừa Mân về.

Sai Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm 阮久潭 (con Nguyễn Cửu Vân 阮久雲) làm Khâm sai chánh thống suất đốc chiến, Cai bạ dinh Quảng Nam là Trần Phước Thành 陳福成 làm Khâm sai tham tán, lĩnh 10.000 quân thủy và bộ thuộc hai dinh Bình Khang và Bình Thuận và 20 chiếc thuyền chiến để hành việc điều khiển.

Mùa hạ, tháng 6, Nguyễn Cửu Đàm tiến quân theo đường Tiền Giang, cùng với Cai bạ dinh Long Hồ là Nguyễn Khoa Thuyên 阮科䀬 lĩnh quan quân đạo Đông Khẩu tiến theo đường Kiên Giang ; Lưu thủ Tống Phước Hiệp 宋福洽 theo đường Hậu Giang tiến đóng giữ Châu Đốc để tiếp ứng cho hai cánh quân trên. Bấy giờ Cai đội đạo Đông Khẩu là Nguyễn Hữu Nhân ốm, một mình Khoa Thuyên đem 3.000 quân và 50 thuyền, đánh nhau với quân Xiêm không được, lui về đầm Kiên Giang, rồi dùng người Chân Lạp là Nhẫm Lạch 栣瀝 (chức quan) Tối 最 (tên người) [Oknya Yomreach (ឧកញ៉ា​យោមរាជ, hoặc Phraya Yommarat พระยายมราช) – tương đương Bộ trưởng Tư pháp] làm tiên phong, tiến đến Nam Vang đánh phá được quân Xiêm. Vua Xiêm chạy sang Hà Tiên. Nặc Nộn chạy đến Cần Bột 芹渤, [quân ta] bèn thu phục các phủ Nam Vang, La Bích. Nặc Tôn trở về nước. Chân Lạp được dẹp yên. Đàm thu quân về dinh, đắp lũy Tân Hoa kéo dài 15 dặm bao quanh đồn dinh, chắn ngang đường bộ đề phòng bất trắc.

Vua Xiêm đến Hà Tiên, gởi thư cầu hòa với Mạc Thiên Tứ. Thiên Tứ từ chối. Vua Xiêm bèn ủy Trần Liên giữ Hà Tiên, tự mình đem quân đi bắt con trai con gái Thiên Tứ và Chiêu Thúy đem về, rồi giết Chiêu Thúy.

Sai quan biên thần Gia Định lập đạo Trường Đồn 長屯道 (nay là tỉnh Định Tường) ở xứ Mỹ Tho, đặt Cai cơ và Thư ký để làm việc. Lấy Hàn lâm viện Trần Đình Hiến (con Trần Đình Hý) làm Ký lục dinh Quảng Nam.

Quý tỵ, năm thứ 8 [1773], mùa xuân, tháng 2, chúa mật sai Mạc Thiên Tứ cho người sang Xiêm mượn tiếng giảng hòa để dò thăm tình hình động tĩnh. Thiên Tứ cho xá nhân là Mạc Tú đưa thư và đồ lễ sang Xiêm. Vua Xiêm rất mừng, đưa trả những con trai con gái đã bắt và triệu Trần Liên về. Bấy giờ thành lũy nhà cửa ở Hà Tiên đã bị quân Xiêm tàn phá hầu hết, Thiên Tứ bèn lưu lại Trấn Giang, sai con là Hoàng về trấn trước để sửa sang.

Giặc Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc 阮文岳 nổi loạn, giữ thành Quy Nhơn. Nhạc là người thôn Tây Sơn, huyện Phù Ly 符籬 (nay là Phù Cát 符吉) phủ Quy Nhơn, trước làm biện lại, tiêu mất thuế tuần, bèn cùng mưu với em là Lữ 侶 và Huệ 惠 vào núi dựa thế hiểm làm giặc, bè đảng ngày một đông, địa phương không thể ngăn giữ được. Đến đây đem đồ đảng đánh úp phủ Quy Nhơn. Tuần phủ Nguyễn Khắc Tuyên bỏ chạy. Nhạc bèn chiếm giữ lấy thành, thả tù ra, lùa dân làm binh, dựng cờ hiệu Tây Sơn và cho bè đảng chia nhau đi cướp bóc. Trăm họ náo động.

Việc báo lên. Chúa sai bọn Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống (con Nguyễn Cửu Thông, lấy công chúa Ngọc Huyên), Nguyễn Cửu Sách (con Nguyễn Cửu Pháp, lấy công chúa Ngọc Anh), Cai cơ Phan Tiến, Cai đội Nguyễn Vệ, Tổng nhung Tống Sùng, Tán lý Đỗ Văn Hoảng đem quân đi đánh không được. Sùng và Hoảng đều chết ở trận. Bấy giờ bình tĩnh đã lâu, tướng sĩ không quen trận mạc, khi phải đi đánh, phần nhiều thác cớ cầu miễn. Trương Phước Loan thì lại ăn hối lộ mà sai thay người khác, mọi người đều căm oán, ra trận là chạy ngay. Do đó thế giặc càng thịnh.

Bọn lái buôn người Thanh là Tập Đình 集亭 và Lý Tài 李才 (không rõ họ) đều hưởng ứng, Nhạc kết nạp họ để giúp mình. Tập Đình xưng là Trung nghĩa quân 忠義軍, Lý Tài xưng là Hòa nghĩa quân 和義軍. [Nhạc] lại lấy những người thổ dân cao lớn, cho cạo đầu bím tóc, cải trang làm người Thanh, khi đánh thì uống rượu say, cởi trần, mình đeo giấy vàng bạc mà xông trận để tỏ ra là liều chết, quân ta không ai đương được.

Mùa hạ, tháng 6, Trương Phước Loan giết Chưởng cơ Tôn Thất Văn. Bấy giờ tôn thất đại thần nhiều người oán Loan, muốn hại, mật sai Hàn lâm Ngô Đình Thứ và Tri phủ Trần Giai dùng trộm ấn của Loan, làm mạo bức thư Loan thông với ngụy Nhạc, rồi bỏ ở đường. Tham mưu Tá (không rõ họ) bắt được, đem cáo với Văn. Văn nói với chúa, xin trị tội Loan. Loan cãi việc ấy là vu. Chúa không bắt tội. Loan ngờ bức thư ấy do Tá làm ra, bắt giam rồi giết. Lại vì thế mà oán Văn, giả thư của giặc nói Văn cùng giặc thông mưu, khiến người tố cáo Văn làm phản, xét trị rất gấp. Văn sợ bỏ trốn. Loan sai Cai đội Tôn Thất Hương đuổi bắt được, dìm chết ở phá Tám Giang. Người ta đều cho là oan (năm đầu Gia Long xét Văn có công nuôi nấng [chúa khi còn nhỏ], cho tự điền 30 mẫu).

Mùa đông, tháng 11, Lại bộ kiêm Hình bộ là Nguyễn Hữu Tôn chết, tặng Tham nghị.

Tháng 12, lấy Tôn Thất Hương làm tiết chế, đem nội quân và quân Tam Kỹ tiến đến núi Bích Kê (thuộc tỉnh Bình Định), bị tướng giặc là Tập Đình và Lý Tài phục binh giết chết, dư chúng đều tan vỡ. Giặc bèn giữ phủ Quảng Ngãi. Cai cơ Tôn Thất Bân (con Tôn Thất Tĩnh) chống đánh không được, đem quân về. Nhạc lại sai đồ đảng đánh cướp các phủ Diên Khánh, Bình Khang. Thế là từ Quảng Ngãi trở về Nam cho tới Bình Thuận đều bị giặc chiếm cả.

Cai đội Nguyễn Cửu Dật 阮久逸 (con Nguyễn Cửu Pháp) đánh bại lớn quân Tây Sơn ở kho Mỹ Thị. Bấy giờ giặc lấn Quảng Nam, quân ta đánh mãi không lợi. Cửu Dật một mình đem quân sở bộ chống giặc, ban đêm cho dân phu đốt nhiều đuốc ở trong rừng để làm nghi binh, rồi đem quân đánh úp. Giặc cho là đại binh tiến đến, sợ chạy tan cả.

Giáp ngọ, năm thứ 9 [1774], mùa xuân, tháng giêng, sai Chưởng cơ Tôn Thất Thăng (con Tôn Thất Tứ) [trùng tên với Tôn Thất Thăng, con thứ 18 của Nguyễn Phúc Khoát] điều bát các quân đến dinh Quảng Nam đánh giặc. Thăng sợ thế giặc lớn, bỏ quân, luôn đêm chạy về.

Mùa hạ, tháng 4, Lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phước Hiệp và Cai bạ Nguyễn Khoa Thuyên thống lĩnh tướng sĩ 5 dinh (tướng sĩ 5 dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, do Điều khiển Gia Định Nguyễn Cửu Đàm thống lĩnh, bấy giờ ủy cho Phước Hiệp đốc suất đi đánh giặc) và đưa hịch mộ binh ứng nghĩa các đạo, thủy lục đều tiến, đánh bại quân giặc, thu lại được 3 phủ Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang, rồi đóng quân ở Hòn Khói (thuộc tỉnh Khánh Hòa), cùng giặc chống giữ.

Mạc Thiên Tứ ở Trấn Giang nghe tin giặc Tây Sơn nổi loạn, sai thuộc hạ chở một thuyền thóc về kinh để giúp quân lương. Thuyền đến ngoài biển Quy Nhơn thì bị quân giặc đón cướp mất.

Sai Nội hữu chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm đem đại binh vào Quảng Nam, thu thập quân sót lại của các đạo để đánh giặc.

Thủ tướng Nghệ An của Trịnh là Bùi Thế Đạt dò biết Quảng Nam có loạn, báo cáo với Trịnh. Trịnh Sâm bèn bàn việc lấn miền Nam (có thuyết nói Tôn Thất Văn, con Tôn Thất Dục, oán Trương Phước Loan, lẩn ra Bắc, mách bảo việc nước [ta]. Trịnh Sâm biết nước ta trong có quyền thần, ngoài có giặc Tây Sơn, bèn quyết ý cử binh).

Tháng 5, Trịnh đem đại quân đến lấn. Sai tướng là Hoàng Ngũ Phúc 黃五福 làm thống tướng, Bùi Thế Đạt làm phó tướng, lĩnh tướng sĩ 23 dinh và binh thủy bộ các đạo Thanh Nghệ và Đông Nam, tiến đến Nghệ An để xếp đặt việc quân; bọn Hoàng Phùng Cơ, Hoàng Đình Thể đều thuộc quyền. Phúc tiến binh đến Hà Trung, đưa thư nói lấy danh nghĩa vì thân thích nhiều đời có công nên đem quân giúp để diệt giặc. Chúa biết là dối, sai viết thư đáp lại, rồi sai Tống Hữu Trường làm Thống suất đạo Lưu Đồn, Tôn Thất Tiệp làm Trấn thủ dinh Bố Chính để chống quân Trịnh.

Mùa thu, tháng 7, chúa thấy thế quân Tây Sơn mạnh tợn, sai Chưởng dinh Tôn Thất Cảnh (con thứ 7 của Thế tông, bấy giờ gọi là Quận công) quyền coi việc nước, để ngự giá thân chinh. Thuyền đóng ở cửa biển Tư Dung. Sai Trương Phước Loan luyện quân ở núi Quy Sơn.

Tháng 8, ngày mồng 1, có nhật thực.

Tháng 9, quân Trịnh đến châu Bắc Bố Chính. Tri phủ Trần Giai chạy sang quân Hoàng Ngũ Phúc làm hướng đạo. Phúc sai Giai coi quân hậu đạo (Giai sau bị quân Tây Sơn bắt được, kể tội rồi giết), và sai thuộc hạ là Nguyễn Ngô Dao đóng trại ở xã Đại Đan để phô trương thanh thế. Thư ngoài biên cáo cấp. Chúa triệu Tôn Thất Nghiễm hộ giá về kinh thành và sai Nguyễn Cửu Dật làm Tả quân đại đô đốc (bấy giờ gọi là Du quận công) lĩnh quân thủy bộ ở lại chống cự quân Tây Sơn. Cửu Dật làm tướng, liệu thế địch mà tìm cách chế thắng, hơn mười trận đánh  đều được. Quân giặc rất sợ.

Mùa đông, tháng 10, Thuận Hóa bị đói to, mỗi lẻ gạo trị giá một tiền, ngoài đường có xác chết đói, người nhà có khi ăn thịt nhau.

Quân Trịnh qua sông Gianh. Chúa sai Cai đội Quý Lộc (không rõ họ), Câu kê Kiêm Long (không rõ họ) đến khao quân Hoàng Ngũ Phúc và nói: Giặc cỏ Tây Sơn tất phải tự chết, không phải nhọc đến quân Trịnh. Khi bọn Kiêm Long đến, Phúc sai người hỏi riêng. Kiêm Long nói: “Đường không đi không đến, chuông chẳng gõ chẳng kêu”. Phúc hiểu ý, bèn tiến quân đến dinh Bố Chính. Trấn thủ Tôn Thất Tiệp và Ký lục Bảo Quang (không rõ họ) lùi giữ lũy Đồng Hồi. Phúc sai biệt tướng là Hoàng Đình Thể tiến sát lũy Trấn Ninh. Bọn mã quân là Hoàng Văn Bật, Lê Thập Thí tự làm nội ứng ra mở cửa thành. Quân Trịnh dóng trống reo hò tiến vào. Thủ tướng là bọn Luận Chính, Thành Tính (hai người đều không rõ họ) đều hàng. Quân Trịnh tiến giữ dinh Quảng Bình. Trấn thủ Liêm Chính (không rõ họ) cùng Tôn Thất Tiệp đều trốn chạy.

Tháng 11, Trịnh Sâm tự đem thủy quân vào Nghệ An, đóng ở dinh Hà Trung để xa làm thanh viện cho quân Hoàng Ngũ Phúc. Phúc đến đạo Lưu Đồn, Thống suất Tống Hữu Trường cùng trốn chạy. Phúc tiến đóng ở Hồ Xá, truyền hịch nói rằng Trương Phước Loan che lấp tai mắt thiên hạ, hà ngược trăm họ, lần này cất quân chỉ là để trừ một tên Loan, thực không có ý xâm đoạt. Lời hịch đại lược rằng: Tả tướng Trương Phước Loan khí cục nhỏ hẹp như cái thưng cái đấu, tâm địa gian tà như quỷ như ma. Vin bán khuê khổn tình thân, trộm lấy triều đình trọng chức. Tin dùng kẻ gian nịnh, hãm hại người trung lương. Ly gián người cũ người thân, chuyên kế gây bè lập đảng. Chiêu nạp thêm vây thêm cánh, tự tính mưu lợi riêng mình. Giết người nọ lập người kia, nguy hiểm như lang sói bên cạnh nách ; thẳng tay làm khổ trăm họ, vẻ mũ xiêm mà hóa giống chim muông. Nặng thuế khóa nặn máu mủ dân; bớt lương quân để cắt nanh vuốt. Chính sự cấp bách như lông mày bị đốt; hình phạt nặng nề nhường con mắt bị đâm. Chuốc oán với dân, gây ra mối loạn. Đến nỗi Tây Sơn là bọn dân hèn, tụ tập như đàn ong lũ kiến, chiếm đất Quảng Nam màu mỡ, nhanh chóng như lợn sổ lang rông. Quạt lửa giặc bùng ngất trời, khiến dân biên lầm bùn đất. Vậy nay, nhân dân chúng đương mong sống lại, kéo đội quân đương sẵn sức hăng. Trước trừ đứa cường thần, sau dẹp phường nghịch tặc. Diệt kẻ tàn bạo, để giúp nạn họ hàng; nối mối giữ giềng, để bảo tồn dòng dõi. Giúp nạn thực do nghĩa cử, không phải lòng tham thừa nguy”. Bọn Tôn Thất Huống, Nguyễn Cửu Pháp nhân thế cùng nhau bắt Loan đưa nộp cho quân Phúc và giam đồng đảng là Hộ bộ Thái Sinh vào ngục. (Sau Thái Sinh chết). Phúc được Loan rất mừng, ngả cờ im trống mà đi. Đến Đăng Xương, có người học trò là Trần Duy Trung đem bài thơ đến yết kiến Phúc và nói rằng quân ta không quen đánh bộ, chỉ giỏi thủy chiến, quân Trịnh ở xa đến đừng nên tranh đấu về món sở trường ấy. Phúc khen nói phải, lưu lại trong quân, cho làm chức Câu kê. Phúc lại gửi thư nói rằng giặc Tây Sơn chưa trừ được, xin họp quân ở Phú Xuân để tiện sách ứng.

Chúa không tin, sai Tôn Thất Hiệp làm Thống binh và Thuộc nội cai đội Đặng (không rõ họ) quản quân cấm vệ để chống giữ ; rồi sai Cai đội Tuyên Chính (không rõ họ), Tham mưu Thành Đức (không rõ họ) trá hàng để dụ quân Trịnh. Lại sai Cai đội Phẩm Bình (không rõ họ) đi dụ hào mục ở các dinh Quảng Bình, Bố Chính hưởng ứng việc nghĩa, chia đóng đồn để quấy rối sau lưng địch. Thế rồi, Phẩm Bình bị quân Trịnh bắt được, Tôn Thất Tiệp lại bị biệt tướng của Trịnh là bọn Nguyễn Tiến Khoan, Hoàng Phùng Cơ đánh thua. Quân của Đặng thì không đánh mà cũng tự vỡ. Quân Trịnh tiến đóng ở Bái Đáp.

Chúa sai Tôn Thất Chí (con thứ 6 của Thế tông) tiết chế bộ binh, Tôn Thất Doanh tiết chế thủy binh, Nguyễn Đăng Trường tham tán quân cơ (bấy giờ gọi là Tỉnh Điệp hầu) lãnh 20 chiếc thuyền đi biển, chia đường chống đánh, nhưng không được.

Chúa vời Tôn Thất Chí về. Sai Nội tả chưởng dinh Nguyễn Văn Chính (bấy giờ gọi là Quận công) điều bát các dinh thủy bộ. Văn Chính đến quân thứ, hỏi tội Cai đội Đặng về việc rút lui, lập tức đem chém để cảnh cáo mọi người. Bấy giờ lòng người trong nước đều oán Trương Phước Loan chuyên quyền, mà bao nhiêu tướng giỏi quân mạnh các dinh thì đã điều vào Quảng Nam đánh giặc cả, từ sông Hiền Sĩ trở ra, binh tướng toàn là già yếu, không quen đánh trận, cho nên khi quân Trịnh đến thì chẳng ai chống giữ. Chỉ một mình Nguyễn Văn Chính đem quân sở bộ ra chống đánh, binh uy có hơi phấn chấn. Hoàng Ngũ Phúc cũng đã e sợ. Nhưng Văn Chính không biết mưu lược cầm quân, chỉ uống rượu nói suông, ngoài ra không có kế đánh giữ gì cả, rốt cuộc cũng thất bại.

Tháng 12, Hoàng Ngũ Phúc sai tướng là bọn Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma. Đồn thủ là Tường Quan và Doãn Đức (hai người đều không rõ họ) đều thua chết. Quân Trịnh bắc cầu phao qua sông, thừa lúc quân ta không phòng bị, trước sau giáp đánh. Nguyễn Văn Chính chết, các quân đều tan vỡ.

Ngày Đinh mùi, quân Trịnh phạm đô thành ta.

Chúa sai Tham mưu Trung dinh là Tống Phước Đạm đem hết số quân còn lại ra cửa bắc chống giữ và sai các đội trưởng Tả thủy, Trung thủy, Tiền thủy là Nguyễn Cốc, Vũ Di Nguy, Trương Phước Dĩnh chỉnh bị thuyền ghe để đợi. Sai hoàng tôn là Dương (con thế tử Hạo 昊) đi trước qua cửa Hai Vân. Ngày Mậu thân, chúa đi Quảng Nam, thuyền qua cửa Tư Dung. Hoàng Ngũ Phúc bèn chiếm giữ Thuận Hóa.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter