Thực lục về Thế tông Hiếu vũ hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát

Thế tông Càn Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu vũ hoàng đế, húy là Khoát 濶, lại húy là Hiểu 曉, sinh năm Giáp ngọ [1714] (Lê Vĩnh Thịnh năm 10, Thanh Khang Hy năm 53), là con cả của Túc tông Hiếu ninh hoàng đế. Mẹ là Hiếu ninh hoàng hậu Trương thị. Đầu được phong làm Chưởng dinh dinh Tiền thủy… chính hầu, làm phủ đệ tại cơ Tiền Dực ở Dương Xuân. Năm Mậu ngọ, mùa hạ, tháng 4, ngày Nhâm dần, Túc tông Hiếu ninh hoàng đế băng. Bầy tôi vâng di mệnh tôn chúa làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự thái bảo Hiểu quận công. Bấy giờ 25 tuổi, hiệu là Từ tế đạo nhân 慈濟道人.

Ngày Kỷ dậu, lập phủ chính ở Phú Xuân (bên tả phủ cũ).

Lấy Cai bạ Bình Thuận là Trần Đình Hỷ (con Trần Đình Khánh) làm Tri bạ Chính dinh.

Kỷ mùi, năm thứ 1 [1739] (Lê Vĩnh Hựu năm 5, Thanh Càn Long năm 4), mùa xuân, tháng giêng, ngày Tân mùi, phủ chính hoàn thành.

Nặc Bồn 匿盆 nước Chân Lạp lấn Hà Tiên. Chân Lạp oán Mạc Cửu vì cớ mất đất. Cửu chết, Thiên Tứ mới lĩnh trấn tiết, Bồn bèn cử binh đến lấn. Thiên Tứ đem hết quân bản bộ ra đánh, đuổi tới Sài Mạt 柴末, ngày đêm đánh hăng lương thực không tiếp kịp. Vợ là Nguyễn thị đốc suất vợ lính vận lương đến nuôi quân, quân không bị thiếu ăn, hăng hái cố đánh phá được quân Bồn. Tin thắng trận báo lên, chúa cả khen ngợi, đặc biệt cho Thiên Tứ chức Đô đốc tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ đai, phong Nguyễn thị làm phu nhân. Do đó Chân Lạp không dám dòm ngó Hà Tiên nữa.

Truy tặng Nội hữu chưởng dinh Nguyễn Cửu Thế làm Thiếu phó Trung Quốc công. Thế làm quan trải hai triều Hiển tông và Túc tông. Khi chúa còn ở Thanh cung (1. Cung thái tử ở, cũng như Đông cung.), Thế hết lòng phụ đạo , đến đây nhớ lại mà gia tặng, rồi bổ con [Thế] là Thông làm Nội tả chưởng cơ tri tào vận sự. Mùa hạ, tháng 4, truy cấp dân ngụ lộc (bốn xã phường Vân Thê, Lương Điền, Phú Môn, Hoàng An) 200 người cho Chưởng dinh Tống Phước Đào.

Tháng 6, Cai đội Hữu Thủy là Tôn Thất Điền (con thứ 12 của Hiển tông) mất, tặng Thái bảo Dận quốc công.

Canh thân, năm thứ 2 [1740] (Lê Cảnh Hưng năm 1, Thanh Càn Long năm 5), mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Doanh triều Lê bắt anh là Khương phải lui nhường [ngôi cho mình]. Rồi Khương chết.

Mùa hạ, tháng 5, vua Lê nhường ngôi cho cháu là Duy Diêu. Duy Diêu lên ngôi, đổi niên hiệu là Cảnh Hưng, tức là Hiển tông. Tôn vua Lê làm Thái thượng hoàng.

Tháng 6, ngày Đinh hợi, bầy tôi dâng tôn hiệu là Thái phó quốc công.

Mùa thu, tháng 8, định lại phép thi : kỳ đệ nhất thi tứ lục, ai trúng là nhiêu học, được miễn tiền sai dư 5 năm; kỳ đệ nhị thi thơ phú; kỳ đệ tam thi kinh nghĩa, ai trúng được miễn phú dịch; kỳ đệ tứ thi văn sách, ai trúng là Hương cống, được bổ tri phủ, tri huyện, huấn đạo.

Lấy Ký lục Nguyễn Thừa Tự làm Ký lục dinh Quảng Nam.

Tân dậu, năm thứ 3 [1741], sai kiểm tra những tiền thóc thuế và thuế muối (Thuận Hóa có thuế ruộng muối, mỗi năm thu được hơn 2.500 sọt; Quảng Nam có thuế người làm muối, mỗi năm đinh phải nộp 6 sọt, hay 4 sọt, 3 sọt) trong ba năm  Mậu ngọ [1738], Kỷ mùi [1739], Canh thân [1740], xem đủ thiếu thế nào.

Buổi quốc sơ, tùy đất mà đặt kho (kho ở xã nào thì lấy xã ấy mà đặt tên) thu chứa tiền thóc và sản vật để tiện cho dân chở nộp. Thuận Hóa gồm có 7 kho : kho Thọ Khang huyện Phú Vang, kho Nguyệt Biều huyện Hương Trà, kho Thạch Hãn huyện Hải Lăng, kho Lai Cách huyện Minh Linh, kho An Trạch huyện Lệ Thủy, kho Trung Trinh và kho Trường Dục huyện Khang Lộc. Từ Quảng Nam trở về nam gồm có 12 kho : kho Tân An phủ Thăng Hoa, kho An Khang, kho Tư Cung phủ Quảng Ngãi, kho Phú Đăng, kho Thời  Phú, kho Đạm Thủy, kho Càn Dương phủ Quy Ninh, kho An Toàn, kho Xuân Đài phủ Phú Yên, kho Phú Yên phủ Bình Khang, kho Phước Yên  huyện Diên Ninh, kho Tân Định xứ Gia Định. Lại cho rằng Gia Định đất rộng, lập 9 khố trường nộp riêng chở riêng (Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Quản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Ba Canh, Tân Thịnh), cho dân tùy tiện lập ấp vỡ ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu. Bọn lại theo thói quen đã lâu, hoặc có kẻ dựa thế làm gian. Chúa biết tệ ấy, sai quan chia nhau đi kiểm tra, lại ra lệnh cho các địa phương hằng năm phải chiếu số mục tiền thóc và sản vật thu được và tên những người biên thu làm sổ dâng lên, phép ấy mới được rõ ràng đầy đủ.

Lấy Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 làm văn chức.

Nhâm tuất, năm thứ 4 [1742], đổi phủ Quy Ninh 歸寧 làm phủ Quy Nhơn 歸仁, phủ Diên Ninh 延寧 làm phủ Diên Khánh 延慶.

Quý hợi, năm thứ 5 [1743], truy cấp dân ngụ lộc (ba xã thôn Xuân Hòa, Thượng Lỗ, Đông Dã) 200 người cho Thiếu sư Tôn Thất Diễn.

Giáp tý, năm thứ 6 [1744], mùa hạ, tháng 4. Bấy giờ có điềm tốt cây sung 優曇 [ưu đàm] nở hoa, bầy tôi là bọn Nguyễn Đăng Thịnh 阮登盛 dâng biểu xin chúa lên ngôi vương (Đại lược nói rằng : Chính danh phận khi nước buổi đầu đổi mới, sửa lễ nhạc sau khi tích đức trăm năm. Lại nói :  Nghiệp bá vững bền, miền Đông Nam cờ vàng xuất hiện ; triệu vương rộng thấy, bên Vị bắc ấn ngọc rủi ngay. Bầy tôi sắp hàng mà trấn thỉnh : Các sao đã chầu về Tử vi (1. Tử vi : Một chòm sao ở bắc cực, tượng trưng ngôi vua.); mặt trời đã lên đến Hoàng đạo (2. Hoàng đạo :Theo thiên văn xưa, là đường đi của mặt trời, ví với đạo làm vua.). Chỉ với 70 dặm bờ cõi, [nhà Thương] đã dựng nền huyền điểu (3. Huyền điểu : Bà Giản Địch nuốt trứng chim Huyền diệu mà đẻ ra thủy tổ nhà Thương.), huống hồ 3.000 dặm dư đồ, sao còn đứng địa vị hoàn khuê (4. Hoàn khuê : Cái hốt bằng ngọc khuê, tước công cầm khi chầu vua.)?.

Chúa nhún nhường không chịu nhận. Bầy tôi hai ba lần nài xin, chúa mới theo.

Ngày Canh tuất, đúc ấn quốc vương 國王印 (Trước thì khi bổ dùng quan lại chỉ dùng chữ “phó” 付, bên dưới kèm dấu “Thái phó quốc công 太傅國公”, và dùng ấn “Tổng trấn tướng quân 總鎮將軍”).

Ngày Kỷ mùi, chúa lên ngôi vua ở phủ chính Phú Xuân. Xuống chiếu đại xá trong nước. Chiếu rằng : “Trời đất thi nhân cởi mở, khắp bờ cõi đều thấm nhuần; nhà vua thuận đạo lên ngôi, mọi người vật đều đổi mới. Vàng ngọc rực rỡ, lời tơ truyền xa. Nhà nước ta, phát tích Ô Châu 烏州, vâng mệnh dựng nước. Hoàng tổ một phương hùng cứ, đã có được một nửa non sông; Thần tông bảy huyện mở mang (1. Bảy huyện : Phú Vang, Hương Trà, Quảng Điền, Vũ Xương, Hải Lăng, Lệ Thủy, Khang Lộc.), sắp thu cả đất đai gấm vóc. Nghiệp bá đường kinh doanh lớn ; ơn trời giúp mở rộng thêm. Minh miếu (2. Minh miếu : Hiếu minh hoàng đế.) vũ uy, dẹp yên giặc chốn Đông Phố 東浦, hoàng khảo (3. Hoàng khảo : Người sinh ra vua, tức Hiếu ninh hoàng đế Nguyễn Phước Chu.) văn trị trau chuốt lòng dân miền Nam. Bốn phương nhờ ơn ; đời đời để đức. Phong thư vào ngọc kiểm (4. Ngọc kiểm : Nắp hòm sách dát ngọc, xưa nhà vua khắc đá ghi thành công, bỏ vào  hòm đậy nắp như thế phong lại.), nguyện vọng non sông còn chờ; chưa đổi bực hoàn khuê (5. Hoàn khuê : Xem chú ở tr.150.), tấm lòng quỳ hoắc (6. Quý hoắc : Lòng hướng về vua Lê, như hoa quỳ lá hoắc hướng về ánh mặt trời.) giữ mãi. nay ta tuổi trẻ, vâng nối nghiệp xưa, mới cầm quyền chính bảy năm, chưa có uy quân tháng sáu (7. Tuyên vương Tĩnh nhà Chu, tháng sáu cất quân đánh giặc Nghiễm Doãn, thành công, người ta làm thơ thuật lại chiến sự, tức là bài “Lục nguyệt” trong Tiểu nhã Kinh Thi.). Thầm nghĩ nước chưa thống nhất, giặc chưa dẹp yên, vẫn gắng noi theo tiên tổ. Ngờ đâu người đều đồng tâm, thần báo điềm tốt, ân cần khuyên giục xưng vương. Vừa rồi lớn nhỏ đều tin, thứ hàng đầy đủ. Theo hào bốn quẻ Kiền, rồng hoặc đã nhảy, còn chờ thời nên khiêm tốn; theo hào ba quẻ Khôn, ngựa lợi đi nhanh, nên tất cả đều tôn phò. Mặc dầu thoái thác ba bốn lần, khó ngăn được thần dân nguyện vọng. Ta đành buộc lòng, thuận theo ý chúng. Cho nên ngày 12 tháng 4 năm nay lên ngôi vương, đại xá trong nước, để sáng thêm ơn đức của tám đời, để tỏ lòng lợi dân trong bốn cõi. Mong thần dân các ngươi thấm nhuần mỹ hóa. Ôi ! đổi mới mệnh trời ở người có đức, để chở cơ đồ Hậu Tắc Công Lưu ; dìu dắt thiên hạ đến cõi thái bình, mong thấy cảnh đời Thành Chu Ngu Thuấn”.

Khiến gọi nơi phủ ở là điện, đổi chữ “thân” làm chữ “tấu”, phàm văn thư vẫn dùng niên hiệu vua Lê, nhưng với các thuộc quốc thì xưng là thiên vương.

Truy tôn huy hiệu các đời :

Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tỉnh vương làm Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương;

Phi là Nguyễn thị làm Từ Tín Chiêu ý Đức phi (sau thêm hai chữ Hoằng Nhân).

Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ vương làm Liệt Tổ Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia dụ Thái vương;

Phi là Nguyễn thị làm Từ Lương Quang Thục ý phi (sau thêm hai chữ Minh Đức).

Đại đô thống trấn nam phương tổng quốc chính Dực Thiện Tuy Du Thụy Dương vương làm Tuyên Tổ Hiển Mô Quang Liệt Ôn Cung Minh Duệ Dực Thiện Tuy Du Hiếu văn vương;

Phi là Nguyễn thị làm Huy Cung Từ Thận Thuận phi (sau thêm hai chữ Ôn Thục).

Đại nguyên soái chưởng quốc chính Uy Đoán Thần Võ Nhân Chiêu vương làm Thần Tổ Thừa Cơ Toản Thống Cương Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Võ Hiếu chiêu vương;

Phi là Đoàn thị là Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi (sau thêm hai chữ Mẫn Duệ).

Đại nguyên soái Tổng quốc chính Công Cao Đức Hậu Dũng Triết vương làm Nghị Tổ Tuyên Uy Kiến Vũ Anh Minh Trang Chính Thánh Đức Thần Công Hiếu triết vương;

Nguyên phi là Chu thị làm Từ Mẫn Chiêu Thánh Trang phi (sau thêm hai chữ Trang Liệt).

Thứ phi là Tống thị làm Từ Tiên Huệ Thánh Tĩnh phi (sau thêm hai chữ Trinh Thuận).

Đại nguyên soái tổng quốc chính Thiện Hưu Toản Nghiệp Hoằng Nghĩa vương làm Thiệu Hưu Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu nghĩa vương;

Phi là Tống thị làm Từ Tiết Tĩnh Thục Hiến phi (sau thêm hai chữ Hiếu Từ).

Đô nguyên soái tổng quốc chính Khoan Từ Nhân Thứ Tô Minh vương làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu minh vương;

Phi là Tống thị làm Từ Huệ Cung Thục Kính phi (sau thêm hai chữ ý Đức).

Đại đô thống tổng quốc chính Tuyên Quang Thiệu Liệt Đĩnh Ninh vương làm Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vĩ Võ Hiếu ninh vương;

Phi là Trương thị làm Từ ý Quang Thuận Thục phi (sau thêm hai chữ Chiêu Hiến).

Dựng tôn miếu. Phong những người họ gần làm quận công. Các hoàng tử vẫn xưng là công tử; con trưởng là thái công tử, sau theo thứ tự mà xưng. Lại vì sinh khó nuôi, cho nên con trai thì gọi là gái, mà con gái thì gọi là trai.

Khiến gọi thân quân là quân Vũ lâm, đổi Ký lục làm Lại bộ. Nha úy làm Lễ bộ, Đô tri làm Hình bộ, Cai bạ phó đoán sự làm Hộ bộ, đặt thêm hai bộ Binh và Công để chia chức chưởng. Đổi văn chức làm Hàn lâm viện.

Chúa cho rằng lời sấm có nói : “Tám đời trở lại Trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn từ chức quản bộ đến chiêm hậu, huấn đạo; võ từ chưởng dinh đến cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dùng mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bực). Thế là văn vật một phen đổi mới.

Bắt đầu khiến gọi Chính dinh là đô thành.

Buổi quốc sơ, bờ cõi một ngày một mở mang, chia đặt cả cõi làm 12 dinh : ở ái Tử gọi là Cựu dinh, ở An Trạch gọi là Quảng Bình dinh, ở Võ Xá gọi là Lưu Đồn dinh, ở Thổ Ngõa gọi là Bố Chính dinh, ở Quảng Nam gọi là Diên Khánh Bình Khang gọi là Bình Khang dinh, ở Bình Thuận gọi là Bình Thuận dinh, ở Phước Long gọi là Trấn Biên dinh, ở Tân Bình gọi là Phiên Trấn dinh, ở Định Viễn gọi là Long Hồ dinh. Các dinh đều đặt trấn thủ, cai bạ và ký lục để cai trị. Duy hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn lệ thuộc vào dinh Quảng Nam, thì đặt riêng chức tuần phủ và chức khám lý để cai trị. Hà Tiên lại biệt làm một trấn, thuộc chức đô đốc. Phú Xuân thì gọi là Chính dinh, nay chúa đã lên ngôi vương, mới đổi làm đô thành như thế.

Bấy giờ hạt Trấn Biên nước lụt, bãi Ngô Châu 吳洲 và bãi Tân Trào 新潮 tách ra làm hai. (Bãi Ngô Châu và bãi Tân Trào đều ở phía bắc sông Phước Giang 福江. Trước hai bãi liền nhau, đến đây mới tách làm hai, ở giữa là một giải sông con, phía đông là Ngô Châu, phía tây là Tân Trào, dân ở phía bãi Tân Trào trồng nhiều vườn trầu không, rất thơm ngon, người ta gọi là trầu Tân Trào).

Lấy Nguyễn Đăng Thịnh làm Lễ bộ kiêm Lại bộ, Lê Quang Đại làm Hộ bộ kiêm Binh bộ; lấy Nguyễn Thừa Tự làm Cai bạ dinh Quảng Nam.

Ất sửu, năm thứ 7 [1745], mùa đông, tháng 12, Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại chết. Tặng Chính trị thượng khanh, thụy là Trung thành.

Bính dần, năm thứ 8 [1746], lấy Nguyễn Quang Tiền làm Hàn lâm viện. Quang Tiền học rộng hiểu nhiều, rất giỏi thuật xem sao xem lịch. Những từ lệnh hồi đó phần nhiều do tay ông thảo ra. Chúa rất yêu trọng.

Bắt đầu đúc tiền kẽm trắng. Trước là Túc tông sai đúc tiền đồng, sở phí rất nhiều mà dân gian lại nhiều người phá để làm đồ dùng, số tiền đồng ngày thêm hao giảm. Đến đây người nước Thanh là họ Hoàng (không rõ tên) xin mua kẽm trắng của Tây để đúc tiền cho rộng việc tiêu dùng. Chúa nghe lời, mở cục đúc tiền ở Lương Quán. Vành tiền và giữ để theo thể thức tiền Tường Phù nhà Tống. Lại nghiêm cấm đúc riêng. Từ đó tiền của lưu thông, công tư đều tiện. Sau lại đúc thêm tiền Thiên Minh thông bảo 天明通寶, pha lẫn kẽm xanh, vành lại mỏng, vật giá vì đó vụt cao lên.

Dùng Hàn lâm viện Nguyễn Đăng Tiến làm Ký lục dinh Quảng Nam.

Người Man Thuận Thành [người Chàm] là Dương Bao Lai 楊包來 và Diệp Mã Lăng 葉馬陵 nổi loạn. Lưu thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Cương 阮彊 đem quân đi đánh, đắp lũy Cổ Tỉnh 古井 để chống giặc, thừa lúc sơ hở đánh úp bắt được Bao Lai và Mã Lăng giết đi.

Đinh mão, năm thứ 9 [1747], mùa xuân, tháng giêng, khách buôn người Thanh là Lý Văn Quang 李文光 đánh úp dinh Trấn Biên. Cai cơ Tống Phước Đại 宋福大 đánh dẹp được. Văn Quang người Phước Kiến sang ngụ ở bãi Đại Phố, Biên Hòa. Bấy giờ trong nước bình yên đã lâu, ít dùng binh. Văn Quang ngấm ngầm có ý dòm ngó, bèn mưu làm loạn. Hắn tụ đảng hơn 300 người, tự xưng là Đông Phố đại vương 東浦大王, lấy đồng đảng là Hà Huy 何輝 làm quân sư, Tạ Tam, Tạ Tứ làm tả hữu đô đốc, mưu đánh úp dinh Trấn Biên. Sợ Cai bạ Nguyễn Cư Cẩn 阮居謹 võ nghệ giỏi mạnh nên chúng mưu trừ trước. Bèn nhân tiết Nguyên đán phục quân để đâm. Cư Cẩn bị thương mà còn tự tay đâm chết được 5, 6 người, sau vì vết thương nặng mà chết. Quân bộ thuộc nghe tin tới cứu. Văn Quang chạy, chặn cầu để chống. Lưu thủ Nguyễn Cường đem binh của dinh dàn ở bờ phía bắc, gửi hịch báo Cai cơ đạo Hưng Phước là Tống Phước Đại hợp quân đánh dẹp. Bắt được Văn Quang và đồ đảng 57 người. Chúa thấy là người Thanh không giết vội, đều hạ ngục.

Mùa hạ, tháng 4, đô đốc trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tứ, ủy người đi thuyền long bài, đem dâng ngọc kim cương thủy hỏa, ngọc hạc đính, gà tây, chim vẹt ngũ sắc, chiếu hoa, vải tây. Chúa khen, ban bốn đạo sắc bổ nhiệm cai đội và đội trưởng làm việc ở trấn cùng gấm đoạn và đồ dùng, rồi cho về.

Mùa thu, tháng 8, giặc biển tên là Đức (không rõ họ) cướp bóc miền ngoài biển Long Xuyên 龍川. Mạc Thiên Tứ được tin báo, tức thì sai cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiếc chiến thuyền, đi bắt được bọn giặc đem giết hết.

Tháng 9, lập trường súng.

Mùa đông, tháng 11, lấy Ký lục Quảng Nam là Lê Xuân Hy làm Hình bộ.

Mậu thìn năm thứ 10 [1748], mùa xuân, tháng giêng, sai Điều khiển Nguyễn Hữu Doãn 阮有允 đi đánh Chân Lạp dẹp yên. Trước là Nặc Tha nước Chân Lạp lên ngôi vua. Nặc Thâm từ nước Xiêm về, Tha không chịu nhận. Thâm cử binh đánh. Tha chạy sang Gia Định. Thâm liền chiếm lấy đất. Đến khi Thâm chết, con là Đôn 敦, Hiên 軒, Yếm 厭 (tên ba người) tranh nhau làm vua. Bề tôi là Sô Liên Tốc 芻連速 nhân nổi lên cướp phá Mỹ Tho. Hữu Doãn đem quân tiến đánh, Sô Liên Tốc thua to. Hữu Doãn đốt hết chiến thuyền, thừa thắng đến thẳng Nam Vang. Đôn, Hiên và Yếm đều trốn chạy. Hữu Doãn báo tin thắng trận.

Sai đưa Nặc Tha về nước.

Mùa hạ, tháng 6, Nặc Nguyên 匿原 nước Chân Lạp (con thứ hai Nặc Thâm) cùng Cao La Hâm 高羅歆 và ốc Đột Lục Mân 屋突錄旻 cầu viện quân Xiêm về đánh Nặc Tha. Nặc Tha lại chạy sang Gia Định, rồi bị bệnh chết. Nặc Nguyên bèn làm vua nước ấy.

Mùa đông, tháng 10, hạ lệnh cho dân gian thông dụng tiền kẽm trắng mới đúc (3 năm Bính dần, Đinh mão, Mậu thìn mới đúc tiền kẽm, được 72.396 quan). Ai chọn bỏ thì trị tội.

Bắt đầu đặt đường trạm ở Gia Định. Đất Gia Định nhiều nơi lầy lội. Khi mới mở mang, đường bộ chưa thông, hành khách đi lại vất vả, việc báo cáo về biên cương cũng không tiện. Chúa sai Hữu Doãn ngắm đo địa thế, chăng dây lấy thẳng bắt đầu từ phía bắc Tất Kiều 漆橋 đến địa phận Hưng Phước 興福, tùy chỗ mà đặt trạm, gọi là đường thiên lý. Hễ gặp sông to thì sai dân sở tại đặt bến đò, cho miễn dao dịch.

Lấy Cai cơ cơ Hữu trung là Nguyễn Hữu Bác (con Hữu Khôi, dòng dõi Hữu Dật) làm Hình bộ.

Kỷ tỵ, năm thứ 11 [1749], mùa đông, tháng 11, lấy Nguyễn Thừa Tự làm Hộ bộ Kiêm Binh bộ, Cai bạ dinh Bình Thuận là Vũ Xuân Nùng làm Ký lục dinh Quảng Nam.

Canh ngọ, năm thứ 12 [1750], mùa xuân, tháng 2, sai Nguyễn Cư Trinh 阮居貞 làm Tuần phủ phủ Quảng Ngãi (bấy giờ gọi là Nghi Biểu hầu 儀表侯). Sắc nói rằng : “Thuộc lại gian tham ngươi phải xét trị; hào cường lấn cướp ngươi phải ngăn trừ; án giam không quyết ngươi phải xét cho ra lẽ; hộ khẩu không đông người phải làm cho phồn thịnh; nhân dân ương ngạnh ngươi phải giáo hóa; kẻ gian trộm cắp ngươi phải bắt vào khuôn phép. Nhất thiết tình trạng của quân, nỗi khổ của dân, cho ngươi được tùy nghi làm việc, chỉ cần thành công, chớ có sợ nhọc”.

Nặc Nguyên nước Chân Lạp xâm lấn người Côn Man 崑蠻. (Bấy giờ bộ lạc của tù trưởng Thuận Thành có nhiều người xiêu dạt sang ở đất Chân Lạp, gọi là Côn Man, có tên nữa là Vô Côn Man 無昆蠻). Thủ tướng báo lên. Chúa cùng bầy tôi bàn đi đánh, bèn sai sứ đưa thư sang cho nước Xiêm nói rằng : “Đấng vương giả dùng binh là để dẹp loạn giết bạo, cho nên vua Văn vương giận [rợ Sùng Mật] bất kính, vua Tuyên vương đánh [rợ Hiểm Doãn] chiếm đất, đó là việc bất đắc dĩ chứ không phải ưa thích chiến tranh. Nước Chân Lạp bé nhỏ kia là phiên thần của nước ta, mà dám tụ họp côn đồ, dựa thế lấn nơi biên giới. Việc làm như thế, dẫu nước Xiêm cũng phải ghét vậy. Nay sai quan võ đem quân hỏi tội, chúng tất ngóng gió mà tan chạy, gián hoặc chúng có chạy sang nước Xiêm, tức thì nên bắt giao cho quân thứ, đừng để cho kẻ  bề tôi phản nghịch được trốn búa rìu”.

Mùa thu, tháng 9, Hộ bộ kiêm Binh bộ là Nguyễn Thừa Tự chết, tặng Tham chính, thụy là Thận cần.

Tân mùi, năm thứ 13 [1751], mùa hạ, tháng 5, Chưởng cơ Tôn Thất Nghiễm (lại tên là Du, con thứ hai Túc tông) mất, tặng Thiếu bảo quận công.

Mùa đông, tháng 10, Nguyễn Cư Trinh dâng thư nói về tình trạng đau khổ của dân gian. Cho rằng “Dân là gốc của nước, gốc không bền vững thì nước không yên. Ngày thường chẳng dùng ơn huệ mà cố kết lòng dân, tới khi có việc thì nương tựa vào đâu ? Trộm nghĩ thói tệ chất chứa ở dân gian đã nhiều, nếu cứ thủ thường theo cũ, không tùy thời thêm bớt, lập ra kỷ cương, thì một ấp cũng chẳng làm được, huống là một nước. Nay có ba việc sinh tệ cho dân là nuôi lính, nuôi voi và nộp tiền án. Ngoài ra còn nhiều sự nhũng phí khác kể không xiết được”. Lại có trình bày bốn thói tệ nữa là :

1. Phủ huyện là chức trị dân mà gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi kiện tụng. Xin từ nay trở đi, các thứ thuế ruộng và thuế sai dự, hết thảy giao cho tri huyện biên thu rồi chuyển nộp cho quan Quảng Nam, để bớt phiền nhiễu. 2. Từ trước đến nay, phủ huyện chỉ trông vào sự bắt bớ tra hỏi mà kiếm lộc, khiến của dân càng hao, tục dân càng bạc. Nay xin định cấp cho thưởng bổng và lấy liêm tham siêng lười mà thăng hay truất. 3. Dân lậu có hai hạng, có hạng trốn thuế mà đi lang thang, có hạng vì cơ hàn thiết thân mà xiêu dạt nơi khác. Nay không chia đẳng hạng, hết thảy bắt vào sổ để thu  thuế thì chúng tất sợ hãi xiêu tán, lẩn lút nơi rừng rú, xã dân lại phải bồi thường thì họ chịu sao nổi. Xin xét những dân lậu còn có cách sinh nhai thì thu thuế như lệ thường, còn người nào đói rét khốn cùng thì cho miễn và tùy phương vỗ nuôi, để cứu sống dân nghèo.

4. Dân nên để cho tĩnh, không nên làm cho động, vì động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị. Nay sai người đi săn bắn ở núi rừng, tìm gà đòi ngựa, bọn ấy không theo được ý tốt của bề trên mà quấy rối dân địa phương, rồi bọn giả mạo đến đâu làm náo nhiệt ở đấy, mọi người đều than oán. Xin từ nay người được sai phải có giấy tờ trình quan địa phương xét thực, kẻ nào nhiễu dân thì xét trị, ngõ hầu lòng dân được yên tĩnh, khỏi hoang mang”. Sớ dâng vào không được trả lời.

Lấy Phạm Hữu Kính 范有敬 làm Cai bạ Quảng Nam. Kính là người thông suốt việc lại, từng đi xem xét các dinh, giỏi trích phát việc bậy và tài xét đoán, lại dân rất sợ phục. Chúa tin dùng. Sau đi Nha Trang, trở về thì chết. Tặng Tham nghị, thụy là Thanh hiến.

Thủy Xá 水舍, Hỏa Xá 火舍 vào cống. Hai nước ở phía trên nước Nam Bàn 南蟠 (khi Lê Thánh Tông đánh được Chiêm Thành, dòng dõi nước ấy làm vua nước Nam Bàn, cắt cho đất từ núi Thạch Bi về phía tây), thôn lạc có hơn năm chục, giữa có núi Bà Nam 婆南山 rất cao, vua Thủy Xá ở phía đông núi, vua Hỏa Xá ở phía tây núi. Buổi quốc sơ, vì cớ họ giáp giới với Phú Yên, cứ 5 năm một lần sai người đến các nước ấy cho quà (áo gấm, mũ, nồi đồng, chảo sắt và chén đĩa bằng sứ). Vua hai nước ấy nhận được vật cho, tức thì sắm sửa phẩm vật địa phương (kỳ nam, sáp ong, nhung hươu, mật gấu, voi đực) để hiến. Tới đây sai sứ sang cống. Chúa hậu tứ rồi cho về.

Nhâm thân, năm thứ 14 [1752], mùa xuân, tháng 2, lấy Cai cơ kiêm Hình bộ là Nguyễn Hữu Bác (bấy giờ gọi là Hân Đức hầu), tri bạ Chính Dinh là Trần Đình Hý (bấy giờ gọi là Thức Lượng hầu) làm Khâm sai tuần sát. Sắc rằng : “Hiện nay khí xuân nhuần thấm, ta thiết tha nghĩ việc chăm dân, nhưng còn lo các quan dinh trấn trái phép vỗ về, các quan phủ huyện ít người giỏi giang, dân tình hoặc vì đó chưa thấu đến trên, ơn chúa chưa thấm đến dưới. Tuyên bố được ý của ta là trông cậy ở bọn trung thần các ngươi. Vậy đặc mệnh các ngươi đi tuần sát ba huyện trong kinh kỳ và các châu huyện Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh, Lệ Thủy, Khang Lộc, Bố Chính. Phàm quan lại bị người thưa kiện, đều được xét hỏi; võ từ cai đội, văn từ ký lục trở lên thì tâu lên để định đoạt; đội trưởng, cai án, phủ huyện trở xuống thì chiếu phép xử tội, cốt làm sao cho quan lại trong sạch, xứng với lòng ủy thác của ta”.

Năm ấy đói, một phương gạo trị giá hơn 3 quan, dân nhiều người chết đói.

Quý dậu, năm thứ 15 [1753]. Mùa xuân, tháng 3, lấy Nguyễn Cư Trinh làm Ký lục dinh Bố Chính. Bấy giờ hoàng tử nhà Lê là Duy Mật giận họ Trịnh lấn tiếm, họp quân đóng giữ thành Trình Quang thuộc Trấn Ninh, mưu diệt họ Trịnh. Trịnh Doanh sai quân các đạo đi đánh, không được, muốn mượn đường ở ta, đưa thư xin theo đường Trấn Ninh (thuộc Quảng Bình) để tiến đánh. Chúa sai Cư Trinh làm thư khước từ. Doanh bèn thôi.

Định lệ kế toán hằng năm. Sai quan Chưởng thái giám Mai Văn Hoan kiểm tra số vàng bạc và tiền xuất nhập từ năm Bính dần đến năm Nhâm thân. (Có năm số tiền thu hơn 338.100 quan, số chi hơn 364.400 quan. Cũng có năm thu hơn 423.300 quan, chi mới có hơn 369.400 quan. Lượng số thu mà chi, nếu tiền không đủ thì cho dùng bạc để thay. Vàng thì thu vào có năm 830,840 lạng, có năm 880,890 lạng. Bạc giáp ngân(1. Giáp ngân : Có lẽ là bạc tốt nhất.1) có năm thu 240 lạng, có năm thu 390 lạng; bạc dung ngân(2. Dung ngân : Không rõ là bạc gì. Theo mặt chữ thì dung nghĩa là cây đa. 2), có năm thu 2.400 lạng, có năm 1.800 lạng; bạch kê ngân(3. Kê ngân : Đồng bạc con gà, có lẽ là đồng bạc Mêhicô do các tàu buôn phương Tây đem đến.3) có năm thu 10.000 đồng, có năm thu 400 đồng, có năm không được đồng nào, không có mức nhất định. Thông tính 7 năm số vàng cộng 5.768 lạng 4 đồng 8 phân 7 ly, giáp ngân 9.978 lạng, dung ngân 14.276 lạng 5 tiền, kê ngân 21.150 đồng). Từ đó cứ đến hết năm phải kiểm tra làm thành sổ, đến mồng 3 tháng giêng năm sau thì tâu lên, làm lệ vĩnh viễn.

Mùa hạ, tháng 6, Nội hữu cai đội Tôn Thất Tứ (con thứ tám Hiển tông) mất. Tứ có khí khái, rộng xem sử sách, rất giỏi thơ quốc âm. Vì có tài nên bị nhiều người ghen ghét, bèn xin nghỉ việc. Chúa làm phủ đệ cho ở Hương Cần (thuộc huyện Quảng Điền). Đến nay mất, tặng Thiếu sư Luân quốc công.

Mùa đông, tháng 11, sai Cai đội Thiện Chính 善政 (không rõ họ) làm thống suất, Ký lục Nguyễn Cư Trinh làm tham mưu, điều khiển tướng sĩ năm dinh Bình Khang, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, sang đánh Chân Lạp. Họ tiến đóng quân ở Ngưu Chử 牛渚 [Bến Nghé], dựng dinh trại (Bấy giờ gọi là dinh Đồn 屯營, tức nay là chợ Điều Khiển 調遣, thuộc Gia Định), kén quân lính, chứa nhiều lương thực để làm kế khai thác.

Giáp tuất, năm thứ 16 [1754], mùa xuân, tháng 3, lấy Tri bạ Trần Đình Hý làm Hộ bộ kiêm Binh bộ.

Chúa đã lên ngôi vương, bắt đầu sửa sang đô ấp, dựng hai điện Kim Hoa, Quang Hoa, ba gác Dao Trì, Triêu Dương, Quang Thiên và các đường [nhà] Tựu Lạo, Chính Quan, Trung Hòa, Di Nhiên, cùng là đài Sướng Xuân, đình Thụy Vân, hiên Đồng Lạc, am Nội Viện, đình Giáng Hương. ở thượng lưu sông Hương lại có phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ. Đều chạm vẽ hết sức tinh xảo. ở vườn hậu uyển thì có non bộ, đá lạ, hồ vuông, hào cong, cầu vòng, thủy tạ. Tường trong, tường ngoài đều xây đắp các hình rồng, hổ, lân, phượng, hoa cỏ. Gác Triêu Dương nhìn xuống dòng sông, quy mô càng rộng rãi sáng sủa. Phía trên phía dưới đô thành đều đặt nhà quân xá và đệ trạch của các công hầu, chia ra từng ô như bàn cờ. Phía ngoài thành thì chợ phố liên tiếp, cây to um tùm, thuyền chài thuyền buôn đi lại như mắc cửi. Thực là một nơi đô hội lớn, văn  vật thanh dung (1. Thanh dung : Thanh là âm thanh. chỉ đàn hát; dung là dung mạo, chỉ người đẹp.) lừng lẫy, đời trước chưa từng có.

Chúa từng sai các quan từ thần (2. Từ thần : Quan làm việc văn chương. ) đề vịnh. Hàn lâm Nguyễn Quang Tiền đề ở đình Giáng Hương :

[Phiên âm]

Tố nga trường quải thiên thu kính;

Vương mẫu tần xưng vạn tuế trường.

[Dịch]

Tố nga treo mãi gương nghìn thuở ;

Vương mẫu thường dâng chén vạn năm.

Trần Thiên Lộc đề ở phía đông điện Trường Lạc :

[Phiên âm]

1. Vũ lâm tiên trượng nhiễu Bồng lai

Nhất phái tiêu thiều phất thự lai.

Thần tọa cao lâm nam cực quýnh;

Lô yên bất động ngũ vân khai.

Nguyệt luân thường bão thiên thu kính;

Lộ chưởng dao thiêm vạn thọ bôi.

Tối thị thị thần vi sủng ốc,

Minh kha tận hướng Phượng trì hồi.

[Dịch]

Nghi trượng quân Vũ Lâm diễu quanh chốn Bồng lai,

Một đoàn âm nhạc dưới ánh sáng mai đi tới.

Ngôi vua nhìn xuống nơi nam cực;

Lò hương im tỏa ra năm thức mây.

Vừng trăng in mãi gương ngàn thu;

Tay tiên hứng giọt móc dâng thêm chén vạn thọ.

Nhất là cận thần được vua yêu mến,

Đều sang sảng tiếng ngọc kha [trên mình ngựa] kéo tới  chốn Phượng trì (1. Phượng trì : Ao phượng, chỉ ngôi Tể tướng.).

[Phiên âm]

II. Phượng liễn sơ hồi tiên lộ bình,

Hổ vi triều điện thự hoa sinh.

Dao biên phong độ vân hương tế;

Phủ tọa yên phù ngọc kỷ hoành.

Liễu nhiễu văn tinh hoàn bắc cực;

Ân cần thiên ngữ hạ tây thanh.

Thư sinh kinh thuật tàm vô bổ,

Hà hạnh thanh niên thị thánh minh.

[Dịch]

Xe phượng vừa về, đường tiên phẳng.

Màn hổ điện chầu đều rực rỡ ánh sáng buổi mai.

Gió qua sách ngọc, thoảng mùi hương cỏ vân (2. Cỏ vân :  Ngày xưa người ta dùng cỏ vân khô để vào chồng sách cho khỏi mọt nhậy.);

Khói tỏa ngôi cao, nghi ngút ngang ghế ngọc.

Những văn tinh(3. Văn tinh : Sao văn, chỉ các quan văn.3) quây quần quanh bắc cực (4. Bắc cực : Nơi sao Tử vi đóng, chỉ ngôi vua.);

Lời ân cần ban xuống chốn tây thanh (5. Tây thanh  : Chỉ nơi cung cấm yên lặng.).

Thư sinh thẹn học thuật không gì bổ ích,

May tuổi trẻ được gặp đấng thánh minh.

[Phiên âm]

III. Thiên giai vị hứa đẳng nhàn phan,

Hốt báo truyền huyên cận thánh nhan.

Vân lý lâu đài song phượng hạ;

Đẩu gian xương hạp cửu trùng hoàn.

Nhân huân hương vụ mê hoa liễn;

Dao duệ tinh kỳ động duẩn ban.

Lâm hạnh Doanh châu sơ bộ nhật,

Đan trì khể thủ tái hô san.

[Dịch]

Thềm trời chưa dễ leo lên được,

Bỗng được tin truyền đến chầu vua.

Dưới lâu đài song phượng ở trong mây;

Nơi cửa trời chín lần khoảng Bắc đẩu.

Khói hương ngùn ngụt mờ xe hoa;

Bóng tinh kỳ phấp phới rung động hàng quan chầu.

May mắn mới bước dưới mặt trời Doanh châu,

Chốn bệ son lại dập đầu hô vạn tuế.

Chúa cho là lối chữ viết đẹp, sai khắc vào vách điện. Lại đề gác Triêu Dương rằng :

[Phiên âm]

I. Nộn liễu bích như yên,

Xuân lưu uyển chuyển diên.

Đê thùy kim kính bạn;

Tà phất ngọc kiều biên.

Mi tế ba trung họa,

Yêu khinh phong lý hoàn.

Chương đài thiên vạn thụ,

Duy nhĩ mộc ân quang.

[Dịch]

Liễu non mầu khói biếc,

Dòng xuân uốn lượn quanh.

Rủ xuống bờ nước gương;

Phất phơ bên cầu ngọc.

Mày [liễu] vẽ trong sóng,

Lưng [liễu] uốn trước gió.

Chương đài muôn ngàn cây,

Riêng ngươi được ơn gội.

[Phiên âm]

II. Thương thương tiêu chính sắc,

Viễn viễn hiệu vô nha.

Khí kết sơn hà tú;

Quang phân nhật nguyệt hoa.

[Dịch]

Xanh xanh nên sắc chính,

Bát ngát xa không bờ.

Khí tốt non sông kết;

Rực rỡ chia ánh mặt trời, mặt trăng.

[Phiên âm]

III. Thự sắc lung đan bệ,

Thiên môn nhập nhị khai.

Kim triêu trạng nguyên vũ,

Vạn lý nhất thanh lôi.

[Dịch]

ánh sớm rọi bệ son,

Mười hai cửa trời(1. Mười hai cửa thành nhà vua.1) mở.

Sớm nay được mưa trạng(2. Mưa do Uông Thời đời Tống đảo, người ta gọi là mưa trạng nguyên.  2),

Muôn dặm tiếng sấm vang.

[Phiên âm]

IV. Long lân trình thụy sắc,

Yển cái dục kình không.

Bất úy nghiêm lôi bức;

Thiên nghi tế vũ mông.

Kiên trinh khan mộc tính;

Tiêu sái dữ thùy đồng.

Thiên lại hoàn kham thính,

Sinh tiêu quý hạ phong.

[Dịch]

Vẩy rồng phô sắc quý

Lọng đứng toan chọc trời

Chẳng sợ sấm dữ bức;

Duy ưa cảnh mưa phùn.

Kiên trinh chất gỗ cứng;

Thảnh thơi ai sánh cùng ?

Nhạc trời còn nghe được,

Làm thẹn tiếng sinh tiêu.

[Phiên âm]

V. Chấn cách bàn tiêu hán,

Thanh tiêu quýnh bất quần.

Cửu cao không ngoại hưởng;

Ngọ dạ nguyệt trung văn.

[Dịch]

Cất cánh liệng ngất trời xanh.

Thanh cao khác hẳn chúng.

Tiếng kêu ngoài chín chằm (1. Chín chằm : Thơ Tiểu nhã Kinh Thi có câu : “Hạc minh vũ cửu cao”, nghĩa là chim hạc kêu ở chín chằm.),

Nửa đêm nghe trong trăng.

[Phiên âm]

VI. Vị cách trần phân viễn,

Ưng liên khúc kính trường.

Bản kiều lưu thủy ngoại,

Biệt hữu độc thư đường.

[Dịch]

Vì cách bụi trần xa,

Nên yêu đường cong dài.

Ngoài dòng nhịp cầu ván,

Riêng có nhà đọc thư.

(Chúa sai khắc vào tường cửa gác).

Mùa hạ, tháng 6, quan quân Gia Định chia đường tiến đánh Chân Lạp. Thống suất là Thiện Chính tiến theo đường Mỹ Tho, Nguyễn Cư Trinh đem kỳ binh tiến theo đường sông Bát Đông 八東江. Cư Trinh tới đâu, giặc đều tan chạy. [Trinh] từ Lịch Tần Lê Bắc 歷秦犁北 [rạch Tonle Bassac] (tên đất) ra sông lớn [sông Mê Kông], hội với quân Thiện Chính ở Lô Yêm 爐淹 [Lvea Aem ល្វាឯម)]. Bốn phủ Lôi Lạp 雷巤, Tầm Bồn 尋奔, Cầu Nam, Nam Vang đều hàng. Nặc Nguyên chạy đến Phong Thâu 楓啾 [Kompong Thom] (tên đất). Cư Trinh bèn sai thuộc tướng đi chiêu dụ người Côn Man để làm thanh thế, gặp mưa lụt, phải đóng quân lại,

Trước là chúa nghe tin Nặc Nguyên đến cầu viện ở Nghệ An, lo họ Trịnh nhân đó động binh, bèn báo cho các trưởng tra (thổ tù Cam Lộ) Tầm Linh huyện Vũ Xương, phàm các đường núi thông sang nước Chân Lạp đều phải sai dân dò thăm tin tức báo lên.

Mùa thu, tháng 7, dân đội Hoàng Sa 黃沙 ở Quảng Ngãi đi thuyền ra đảo Hoàng Sa, gặp gió dạt vào hải phận Quỳnh Châu 瓊州 nước Thanh. Tổng đốc Thanh hậu cấp cho rồi cho đưa về. Chúa sai viết thư [cám ơn]. (ở ngoài biển, về xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi, có hơn 130 bãi cát cách nhau hoặc đi một ngày đường, hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy nghìn dặm, tục gọi là “Vạn lý hoàng sa 萬里黃沙”. Trên bãi có giếng nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba v.v… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hằng năm, đến tháng 3 thì đi thuyền ra, độ ba đêm ngày thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng 8 thì về nộp. Lại có đội Bắc Hải, mộ người ở thôn Tứ Chánh thuộc Bình Thuận hoặc xã Cảnh Dương sung vào, sai đi thuyền nhỏ đến các xứ Bắc Hải, Côn Lôn 崑崙, để tìm lượm hóa vật; đội này cũng do đội Hoàng Sa kiêm quản).

Tháng 9, Chưởng cơ cơ Hữu dực Tôn Thất Lễ (lại tên là ái, con thứ 27 Hiển tông) mất, tặng Thiếu bảo Thạch quận công.

Mùa đông, tháng 11, ngày Quý tỵ, hoàng tử thứ 16 (tức Duệ tông Hiếu định hoàng đế) sinh.

Ất hợi, năm thứ 17 [1755], mùa xuân, thống suất Thiện Chính đem quân về đồn Mỹ Tho trước, ra lệnh cho người Côn Man bỏ Ca Khâm 哥衾 đem bộ lạc và xe cộ đến đóng ở Bình Thanh 平清. Đi đến Vô Tà Ân 無斜恩 (Ca Khâm, Bình Thanh và Vô Tà Ân đều là tên đất) bị quân Chân Lạp hơn vạn người đuổi theo đánh úp. Người Côn Man thế bí, xếp xe lại làm lũy để chống giữ và cáo cấp. Thiện Chính bị chằm rừng ngăn trở không ứng cứu được. Cư Trinh tức thì đem năm đội tùy binh đến cứu. Quân Chân Lạp phải rút lui. [Trinh] bèn hộ vệ hơn 5.000 trai gái Côn Man về đóng ở chân núi Bà Đinh 婆丁山 [Bà Đen], rồi tâu hặc Thiện Chính về tội bỏ lỡ cơ hội và bỏ rơi dân mới quy phụ. Chúa giận, triệu Thiện Chính về, giáng xuống làm Cai đội. Sai Cai đội Trương Phước Du 張福猷 thống suất quân đội, dùng người Côn Man làm hướng đạo, sang đánh Cầu Nam, Nam Vang, giết được mấy người ốc nha. Nặc Nguyên chạy về Hà Tiên, nương tựa đô đốc Mạc Thiên Tứ.

Mùa hạ, tháng 4, nước Xiêm sai bầy tôi là Lãng Phi Văn Khôn 朗丕文坤 và Khu Sa Lũ Điêu 區沙屢叼 (hai tên người) đem thư đến nói rằng nước ấy thường sai người đi thuyền sang Hạ Môn, Ninh Ba và Quảng Đông mua sắm hóa vật, có khi vì bão phải ghé vào cửa biển nước ta, hữu ty đánh thuế đến nỗi lấy mất cả hàng hóa. Vậy xin chiếu tính số bạc trả lại, và xin cấp cho 10 tấm long bài kiểm điểm nhân khẩu làm bằng, khiến khi thuyền công của hai nước ghé vào cửa biển nào đều được miễn thuế. Chúa bảo các quan rằng : “Việc đánh thuế thuyền buôn buổi quốc sơ đã có định ngạch, quan sở tại chẳng qua chiếu lệ mà thu, có lẽ nào lấy cả hóa vật. Người Xiêm nói thế chỉ là muốn miễn đánh thuế mà thôi, đâu dám đòi ta phải trả lại bạc. Duy việc xin long bài thì cấp cho họ cũng không hại gì, nhưng cho một tấm cũng đủ rồi, chứ lấy nhiều làm gì”. Bèn sai gửi cho một tấm long bài và viết thư trả lời.

(Thuế thuyền buôn buổi quốc sơ. Vì xứ Thuận Hóa Quảng Nam bờ biển kéo dài, người các nước đến buôn nhiều nên đặt quan cai trị để đánh thuế. Thể lệ như sau : Thuyền Thượng Hải mới đến nộp 3.000 quan, khi về nộp 300 quan; thuyền Quảng Đông mới đến nộp 3.000 quan, khi về 300 quan; thuyền Phước Kiến mới đến nộp 2.000 quan, khi về 200 quan; thuyền Hải Đông 海東船 mới đến 500 quan, khi về 50 quan; thuyền Tây Dương mới đến 8.000 quan, khi về 800 quan; thuyền Mã Cao, Nhật Bản mới đến 4.000 quan, khi về 400 quan; thuyền Xiêm La, Lữ Tống 呂宋 [Luzon] mới đến 2.000 quan, khi về 200 quan. Thuyền nào giấu giếm hàng hóa thì có tội, tịch thu thuyền và hàng hóa sung công. Thuyền không có hàng hóa thì không vào cửa biển. Đại ước hằng năm số tiền thu thuế ít là không dưới một vạn quan, nhiều là hơn ba vạn quan, chia làm 10 thành, lấy 6 thành nộp kho, còn 4 thành cấp phát cho quan lại và quân nhân).

Nước Xiêm giao trả cho ta 50 người quân và dân bị bão. Trước đây quân bắt giặc và tuần biển ở Gia Định và thuyền dân đi biển bị bão dạt vào hải phận Lục Khôn 六坤, đều bị người Xiêm giữ cả . Biên thần Gia Định gửi thư trách về sự giam giữ ấy. Người Xiêm được thư, bèn cho đưa trả về.

Tháng 6, Lễ bộ Nguyễn Đăng Thịnh chết, tặng Chính trị thượng khanh tham nghị, thụy là Thận cần.

Bính tý, năm thứ 18 [1756], lập phủ Lương Quán.

Nặc Nguyên nước Chân Lạp trình bày rằng việc đánh cướp Côn Man là do tướng Chiêu Chùy Ếch 昭錘螠 gây ra, nay xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn 尋奔, Lôi Lạp 雷巤 và nộp bù lễ cống còn thiếu về ba năm trước để chuộc tội. Mạc Thiên Tứ đem việc tâu lên. Chúa cùng các quan bàn, ra lệnh  bắt Chiêu Chùy Ếch đem nộp. Nặc Nguyên trả lời rằng Ếch đã bị xử tử rồi. Khiến bắt vợ con. Nguyên lại kiếm cớ xin tha. Chúa biết là nói dối, không y lời xin. Nguyễn Cư Trinh kíp tâu rằng : “Từ xưa việc dụng binh chẳng qua là để trừ diệt bọn đầu sỏ và mở mang thêm đất đai. Nặc Nguyên nay đã biết ăn năn xin hàng nộp đất, nếu truy mãi lời nói dối ấy thì nó tất chạy trốn. Nhưng từ đồn dinh Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, nghìn rừng muôn suối, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ này trước để củng cố mặt sau của hai dinh. Nếu bỏ gần cầu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không liên tiếp, lấy được tuy dễ, mà giữ thực là khó. Khi xưa mở mang phủ Gia Định tất phải trước mở đất Hưng Phước, rồi đến đất Đồng Nai, khiến cho quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Gòn. Đó là cái kế tằm ăn dần. Nay đất cũ từ Hưng Phước đến Sài Gòn chỉ hai ngày đường, dân cư còn chưa yên ổn, quân giữ cũng chưa đủ nữa là. Huống từ Sài Gòn đến Tầm Bôn, xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân chính quy đóng giữ thực sợ chẳng đủ. Thần xem người Côn Man giỏi nghề bộ chiến, người Chân Lạp cũng đã sợ lắm. Nếu cho họ đất ấy khiến họ chống giữ, “lấy người Man đánh người Man”, cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, lấy đất hai phủ ấy, ủy cho thần xem xét hình thế, đặt lũy đóng quân, chia cấp ruộng đất cho quân và dân, vạch rõ địa giới, cho lệ vào châu Định Viễn, để thu lấy toàn khu”. Chúa bèn y cho.

Mùa thu, tháng 7, Hàn lâm viện Nguyễn Quang Tiền bị bãi chức. Bấy giờ viên thiên tổng Mân Chiết [Phước Kiến và Chiết Giang] là Lê Huy Đức 黎輝德, thuyền bị nạn bão đậu vào hải phận nước ta. [Chúa] hậu đãi rồi cho về, nhân tiện cho đưa về Phước Kiến những người Thanh bị bắt là bọn Lý Văn Quang 16 người. Chúa sai Quang Tiền viết thư, tự xưng là An Nam quốc vương 安南國王. Quang Tiền cố chấp cho là không thể viết thế. Chúa giận bãi chức. Sau rồi chúa nghĩ ra, bèn cho viết bức thư của trấn thủ cai bạ mà gửi đi.

Đinh sửu, năm thứ 19 [1757], phủ Lương Quán làm xong.

Nặc Nguyên nước Chân Lạp chết. Người chú họ là Nặc Nhuận 匿潤 tạm coi việc nước. Biên thần tâu xin nhân đó lập Nhuận để tỏ ân nghĩa, cho vững biên cương. Chúa bắt phải hiến hai phủ Trà Vinh 茶榮, Ba Thắc 波忒, rồi sau mới y cho. Khi ấy xảy việc con rể Nặc Nhuận là Nặc Hinh 匿馨 giết Nặc Nhuận để cướp ngôi, con Nặc Nhuận là Nặc Tôn 匿尊 chạy sang Hà Tiên. Thống suất Trương Phước Du thừa thế tiến đánh. Nặc Hinh chạy đến Tầm Phong Xuy 尋楓吹 [Kompong ?], bị quan phiên là ốc nha Uông 屋牙汪 giết chết. Bấy giờ Mạc Thiên Tứ cũng tâu giúp cho Nặc Tôn. Chúa bèn sắc phong cho Nặc Tôn làm vua nước Chân Lạp, sai Thiên Tứ cùng với tướng sĩ năm dinh hộ tống về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long 尋楓龍 [Kompong Luong]. Phước Du và Cư Trinh tâu xin dời dinh Long Hồ đến xứ Tầm Bào 尋袍處 (nay là thôn Long Hồ, tức là tỉnh lỵ Vĩnh Long). Lại đặt đạo Đông Khẩu 東口道 ở xứ Sa Đéc 沙的, đạo Tân Châu 新洲道 ở Tiền Giang, đạo Châu Đốc 朱篤道 ở Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp. Bấy giờ Nặc Tôn lại cắt năm phủ Hương Úc 香澳 [Kompong Som], Cần Vọt 芹渤 [Kampot], Chân Sâm 真森 [Chal Chun], Sài Mạt 柴末, Linh Quỳnh 靈瓊 để tạ ơn Mạc Thiên Tứ, Thiên Tứ hiến cho triều đình. Chúa cho lệ năm phủ ấy vào quản hạt Hà Tiên, Thiên Tứ lại xin đặt Giá Khê 架溪 [Rạch Giá] làm đạo Kiên Giang, Cà Mau 哥毛 làm đạo Long Xuyên, đều đặt quan lại, chiêu dân cư, lập thôn ấp, làm cho địa giới Hà Tiên ngày càng thêm rộng.

Mùa đông, tháng 11, lấy Phạm Hữu Ứng 范有應 làm Ký lục dinh Bình Thuận.

Mậu dần, năm thứ 20 [1758], mùa hạ, tháng 4, sai Nguyễn Khoa Trực làm Tuần phủ phủ Phú Yên, đốc thu các thứ thuế sai dư và thường tân.

Buổi quốc sơ, vì Phú Yên là đất mới khai thác, dẫu đã đặt quan lại cai trị, nhưng thuế má vẫn còn rộng rãi đơn giản (tiền thuế sai dư của chính hộ và khách hộ thuộc hai huyện thì cũng như các phủ, còn các tiền cước mễ, thường tân, tiết liệu thì ít hơn so với hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn). Đến khi các phủ Bình Khang, Diên Khánh, Bình Thuận, Gia Định dần dần mở mang, thì lệ thuế cũng như tỉnh Phú Yên. Đến đây các thuế sai dư và thường tân của Phú Yên còn khiếm nhiều cho nên sai quan đi đốc thu.

Sai chế mũ đầu hổ cấp cho các quân.

Kỷ mão, năm thứ 21 [1759], tháng 6 nhuận, thái thượng hoàng nhà Lê băng.

Canh thìn, năm thứ 22 [1760], mùa xuân, tháng 2, ngày Giáp ngọ, thế tử là Hiệu mất, tặng Thái bảo quận công, cấm hát xướng trong trăm ngày. Thế tử là người hiền hiếu, nhân từ, thông minh, ai cũng tiếc. (Năm Gia Long thứ 3, truy phong là Tuyên vương, lập đền thờ ở xã Long Hồ).

Hoàng tử thứ hai (tức là Hưng tổ Hiếu khang hoàng đế, con Nguyên phi Trương thị) 28 tuổi, khôn ngoan, thông tuệ, sáng suốt, quả quyết, chúa muốn lập làm thế tử. Sai Nội hữu cai cơ Trương Văn Hạnh làm thầy, nho học huấn đạo Lê Cao Kỷ làm thị giảng, để phụ đạo khiến cùng với các quan đại thần dự bàn việc quân việc nước.

Tân tỵ, năm thứ 23 [1761], mùa xuân, tháng 2, nước Vạn Tượng 萬象 đến cống. Vạn Tượng ở vào giữa Ai Lao 哀牢 và Lục Hoàn 六丸. Buổi quốc sơ cho họ cùng với dân Man ở Cam Lộ qua lại buôn bán, do đó họ mến đức sợ oai, thường sai sứ đến thông hiếu, nay lại đến cống. (Cống phẩm có voi đực, sáp ong, sừng tê, khăn đỏ, nhiều ít tùy tiện, không có định hạn). Khi sứ về thì gửi cho tù trưởng gấm, vóc, sô, lụa.

Mùa hạ, tháng 4, Hộ bộ kiêm Binh bộ là Trần Đình Hy chết, tặng Tham chính, thụy là Cung thận.

Nhâm ngọ, năm thứ 24 [1762], mùa xuân, tháng giêng, ngày Kỷ dậu, hoàng tôn (tức Thế tổ Cao hoàng đế) sinh, do nguyên phi của hoàng tử thứ hai là Nguyễn thị (tức Hiếu khang hoàng hậu, con gái cai cơ Nguyễn Phước Trung, người này họ hoặc theo quốc tính, hoặc lấy Phước Trung làm tên tự, chưa xét được rõ) sinh ra.

Quý mùi, năm thứ 25 [1763].

Giáp thân, năm thứ 26 [1764], hoàng tử nhà Lê là Duy Mật 維密 sai người đến dinh Ai Lao cầu viện. Thư đại lược nói rằng : “Trước kia nhà Lê chúng ta nửa chừng suy yếu, giặc Mạc cướp quyền. Lòng người ghét nghịch Mãng, thiên hạ nhớ họ Lưu. Bấy giờ, Chiêu huân tiên công (1. Nguyễn Kim.) chúng ta hô hào đại nghĩa, tôn phò nhà Lê, dựa oai trời, diệt họ Mạc, rước vua ở đất Ai Lao về lên ngôi ở nước Nam, công trung hưng ấy không ai hơn được. Bấy giờ họ Trịnh cũng ở dưới cờ. Từ năm Thuận Bình về sau, mưu gian càng ngày càng lớn. Đến khi tiên vương (2. Nguyễn Hoàng.) đã vào Nam, họ Trịnh càng làm quá. Đầu thì như lửa mới bén, còn mượn tiếng Tề [Hoàn] Tấn [Văn] tôn Chu; sau như mọt đục ruột cây, chực làm như Vương [Mãng] Tào [Tháo] cướp Hán. Niên hiệu Hoằng Định, Trần Hằng giết Giản công (3. Trần Hằng giết Giản Công nước Tề, ví việc Trịnh Tùng giết vua Kính tông.); niên hiệu Vĩnh Khánh, Đổng Trác phế Hiếu hiến (4. Đổng Trác phế Hiến Đế nhà Hán, ví việc Trịnh Giang phế vua Duy Phương.); Long Đức [Thuần tông] được tôn, bỗng vô cớ mà trúng độc; Vĩnh Hựu [Ý Tông] được lập, chưa bao lâu mà ra cung. Nhà Lê bị quyền thần họ Trịnh hiếp chế đã lâu vậy. Mật thẹn mình là con vua, rất căm mối thù nước, nhưng thế yếu địch mạnh, nhiều lần khởi sự không xong. Nay trăm họ nước xưa đều nói rằng nhà Lê là chủ cũ của ta, họ Trịnh là quân thù của ta. Phò Lê diệt Trịnh, duy còn trông ở quân miền Nam. Vậy xin sớm định cơ nghi, chọn ngày tiến quân, cùng nhau ứng tiếp. Như thế thì giặc nước mới trừ xong, thù ta mới trả được, mà các tiên liệt cũng rạng rỡ thêm”. Chúa không muốn gây hiềm khích nơi biên giới, nên hậu đãi người đưa thư, rồi cho về.

Ất dậu, năm thứ 27 [1765], mùa hạ, tháng 5, ngày Giáp ngọ, chúa băng, ở ngôi 27 năm, thọ 52 tuổi. Bầy tôi hội đồng dâng thụy là Kiền Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ vương, táng ở núi La Khê. Năm Gia Long thứ 5 [1806], truy tôn làm Kiền Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ hoàng đế, miếu hiệu là Thế tông, lăng gọi là Trường Thái; [truy tôn] phi là Ôn Thành Huy ý Trang Từ Dục Thánh Hiếu Vũ hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Thái.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter