Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Gia Long (quyển 01)

Đệ nhất kỷ – Quyển I – Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế

Thế Tổ Khai Thiên Hoằng Đạo Lập Kỷ Thùy Thống Thần Văn Thánh Võ Tuấn Đức Long Công Chí Nhơn Đại Hiếu Cao Hoàng Đế, tên huý là Chủng 種, lại là Noãn 暖 . Lại tên húy nữa là Ánh 映 . (Đầu là Duệ Tông bảo vua rằng chữ này là tượng của mặt trời khi giữa trưa, nhân đó mà đặt tên.)

[bản Duy Minh Thị 1873:

Hiếu Cao Hoàng Đế …

húy Ánh 暎 [ đúng ra là Ánh 映 ] (Cao Hoàng có thêm húy là Chủng 種), lại húy Noãn 暖.

(Hiếu Vũ Vương [Phúc Khoát] có: người con thứ 9 là Thế tử Hạo 昊 (sau được phong Tuyên Vương 宣王), người con thứ 2 là Hiếu Khang Vương [Phúc Luân] (tức là cha của Cao Hoàng), người con thứ 16 là Hiếu Duệ Tông 孝睿宗 [Phúc Thuần], người con thứ 18 là Tôn Thất Thăng 昇 (đầu phong Quốc thúc Chưởng cơ Quận công, sau phong Phúc Long công).

Thế tử Hạo có người con tên húy là Dương, hiệu là Hoàng Tôn, sau phong Mục Vương 穆王, hiệu Tân Chính Vương 新政王. Duệ Tông mất ở Long Xuyên, Mục Vương mất ở Ba Việt, đều là do Ngụy Huệ hại cả.)

Lại húy Cảo 杲 (lúc đầu Duệ Tông [Phúc Thuần] bảo vua rằng chữ này là hình tượng của mặt trời khi giữa trưa, nhân đó mà đặt tên). [Chữ Cảo này không có trong danh sách chữ húy bị cấm. Nguyên văn các bản in của Quốc sử quán đều để trống các chữ húy. Ở bản in này, Duy Minh Thị tự điền vào các chữ bị bỏ trống và có thể có nhầm lẫn.]

]

Thánh [Gia Long] sinh năm Nhâm Ngọ [1762] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 23, Thanh Càn Long năm thứ 27), là con thứ 3 của Hưng tổ Hiếu khang hoàng đế. Mẹ là Hiếu khang hoàng hậu Nguyễn thị.

Mùa thu năm Ất Dậu [1765], Hưng tổ băng, khi ấy vua mới lên 4 tuổi, rồng ẩn ở nhà riêng. Lớn lên, thông minh vốn sẵn, vua Duệ Tông rất quý trọng, cho ở trong cung. Năm Quý tỵ [1773], giặc Tây Sơn nổi, mùa đông năm Giáp Ngọ [1774] quân Trịnh đến lấn.

[bản Duy Minh Thị 1873:

Năm Quý Tỵ [1773], giặc Tây Sơn khởi loạn. Nguyễn Văn Nhạc kiến nguyên Thái Đức, Nguyễn Văn Huệ làm Bắc Bình Vương (sau kiến nguyên Quang Trung), Nguyễn Văn Lữ làm Đông Định Vương. Năm Mậu Tuất [1778] Nhạc xưng hoàng đế, năm Mậu Thân [1788] Huệ xưng hoàng đế.

[Mùa đông năm Giáp Ngọ [1774]] người Trịnh xâm lấn. Là bè lũ Trịnh Sâm quyền thần nhà Lê.

]

Vua theo Duệ Tông vào Quảng Nam (13 tuổi). Mùa xuân năm Ất Mùi [1775] vào Gia Định, được trao chức Chưởng sử, coi quân Tả dực. Mỗi khi có việc quân, Duệ Tông cùng với vua bàn tính, nhiều điều rất đúng, các tướng đều tâm phục.

[bản Duy Minh Thị 1873:

Đời Cảnh Hưng, năm Giáp Ngọ [1774], mùa hạ, tháng 5, Đại tư đồ Diệp công 曄公 Hoàng Ngũ Phúc 黃五福 nước An Nam xâm lấn phương Nam. Mùa đông, tháng 12, ngày 28, kinh thành [Phú Xuân] bị vây hãm, [vua] đại giá đi dinh Quảng Nam, tới Bến Giá 𣷷架 địa phương. Năm Ất Mùi [1775], mùa xuân, tháng 2, ngày 20, Chúa [Phúc Thuần] cùng Cao Hoàng đi biển Nam Hải trong 25 ngày thì đến Gia Định, dừng chân ở đồn dinh 屯營 phía bắc Bến Nghé 𣷷犠津 .

]

Vua theo giá không lúc nào rời. Một hôm, trong khi đi đường chợt nghe tin giặc đến. Duệ Tông bảo vua rằng : “Việc gấp rồi ! cho cưỡi ngựa ngự chạy trước đi !” Vua không chịu. Duệ Tông khóc và nói rằng : “Nay gặp bước gian truân thế này, tài ta không dẹp được loạn, việc Miếu Xã quan hệ ở cháu, cháu còn thời nước mới còn”. Vua bất đắc dĩ vâng mệnh. Nhưng đi được nửa giờ, dừng ngựa đứng đợi. Giặc đã đi phương khác. Duệ Tông theo đến. Vua đón ở bên đường.

[bản Duy Minh Thị 1873: Duệ Tông chính là chú của Cao Hoàng]

Duệ Tông bảo các tướng rằng : “Lòng cháu ta như thế, trời thực đã soi xét !”.

[bản Duy Minh Thị 1873:

Trước là do quân chủ Bắc Hà [vua Lê] yếu kém, cường thần Trịnh Sâm chuyên chính, tự xưng Tĩnh Vương 靖王, nghe nước ta [Nam Hà] có Tây Sơn Nguyễn Nhạc phiến loạn gây nạn chiếm cứ, liền sai bọn đồ đảng Hoàng Ngũ Phúc dẫn binh xâm phạm phương nam.

]

Mùa đông năm Bính Thân [1776] vua đến Tam Phụ 三埠 [Ba Giồng] (thuộc tỉnh Định Tường), chiêu tập binh sĩ ở Đông Sơn. Mùa xuân năm Đinh Dậu [1777], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ 阮文惠 vào đánh cướp Sài Gòn 柴棍 (thuộc tỉnh Gia Định).

[bản Duy Minh Thị 1873:

Binh Đông Sơn thạch thuyền cai đội Phương danh hầu Đỗ Thanh Nhơn lấy nghĩa lữ [quân] Đông Sơn là bọn hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức 阮黃德, Trần Búa 陳鉓, Đỗ Hoành 杜鐄, Đỗ Ky 杜忌, Võ Nhàn 武閑, Đỗ Bảng 杜榜 hội binh được 3.000 người, xưng là Đông Sơn thượng tướng quân.

]

Duệ Tông đi Đăng Giang 橙江 (1. Đăng giang: sông Chanh, rạch Chanh) (thuộc tỉnh Định Tường).Vua đem binh Đông Sơn đến ứng viện, đón Duệ Tông đến Cần Thơ 芹苴 (tức đạo Trấn Giang thuộc tỉnh An Giang), rồi đến Long Xuyên 龍川 (thuộc tỉnh Hà Tiên, tục danh Cà Mau).

[bản Duy Minh Thị 1873:

Trong các xứ có tên xưa 舊名處 đều thiết lập thành các đạo 道 có quan thủ ngự 守禦官 : xứ Quang Hóa thiết lập Quang Hóa đạo 光化道, rạch Cà Mau [木歌] 毛瀝 thiết lập Long Xuyên đạo 龍川道, Rạch Giá 瀝架 thiết lập Kiên Giang đạo 堅江道, Lấp Vò [Lập Vu] 垃圩 thiết lập Cường Thành đạo 强城道, Cần Thơ 芹苴 [Thư, Trư, Tra] lập Trấn Giang đạo 鎭江道, Cái Vừng 丐𣜸  [sông Cái Vừng hoặc cù lao Cái Vừng] lập Tân Châu đạo 新洲道, Sa Đéc 沙的 lập Đông Khẩu đạo 東口道.

]

Tháng 9 mùa thu, quân giặc theo ngặt, ngày Canh Thìn, Duệ Tông bị nạn băng.

Một mình vua được thoát, lên thuyền đậu ở sông Khoa 科江 (thuộc Long Xuyên), định nhân ban đêm vượt biển để lánh giặc. Bỗng có con cá sấu 鱷魚 [ngạc ngư] cản ngang mũi thuyền ba lần, bèn thôi. Sớm mai dò biết đêm ấy có thuyền giặc ở phía trước. Vua bèn dời sang đóng ở đảo Thổ Châu 土硃. Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ lui quân về Quy Nhơn, để lại đồ đảng là Tổng đốc Châu 朱, Hổ tướng Hãn, Tư khấu Oai, Điều khiển Hòa, Cai cơ Chấn (đều không rõ họ), chia giữ các dinh ở Gia Định.

[bản Duy Minh Thị 1873:

Tây tặc Nguyễn Văn Nhạc kiến đô tại Quy Nhơn, nay là tỉnh Bình Định.

]

Tháng 10 mùa đông, vua cử binh ở Long Xuyên, tiến đến Sa Đéc 沙的 (tên đất, thuộc tỉnh An Giang). Chưởng dinh ngoại hữu (xưng là Phương quận công 芳郡公) Đỗ Thanh Nhơn 杜清仁 cùng với thuộc hạ là cai đội Lê Văn Quân 黎文勻 (có thuyết là họ Nguyễn) nhóm họp những nghĩa dũng ở Ba Giồng, làm hịch bá cáo các đạo; Thống nhung Nguyễn Văn Hoằng, Chưởng dinh Tống Phước Khuông và Tống Phước Lương (đều xưng là quận công), điều khiển Dương Công Trừng, Cai cơ Hồ Văn Lân đều đem quân đến họp. Ba quân đều mặc áo tang, thanh thế lừng lẫy. Tháng 11, đánh úp Điều khiển giặc là Hòa ở dinh Long Hồ 龍湖 (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) cả phá được. Tháng 12, tiến đánh được Sài Gòn.

Mậu Tuất năm thứ 1 [1778] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 39, Thanh Càn Long năm thứ 43; năm ấy, tuy chưa lên ngôi vương, nhưng Duệ Tông đã mất vì việc nước, quyền lớn đã thuộc về ngài, cho nên chép là năm thứ 1 để nối chính thống), mùa xuân, tháng giêng, vua đóng ở Sài Gòn, Đỗ Thanh Nhơn cùng các tướng tôn vua lên làm Đại nguyên soái, quyền coi việc nước (17 tuổi).

Vua đem các tướng dâng tôn thụy Duệ Tông [Phúc Thuần] là Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu Định vương, dâng tôn thụy hoàng khảo [Phúc Luân] là Từ Tường Đạm Bạc Khoan Dụ Ôn Hòa Hiếu Khang vương.

Thủ ngự 守禦 đạo Quang Hóa 光化道 là cai đội Lê Chử 黎褚 đem kim sách và quốc bảo của tiên triều đến dâng. Vua khen và thưởng (Đầu là giặc Tây Sơn vào cướp, Duệ Tông đi Ba Giồng. Ngoại tả Nguyễn Cửu Đàm 阮久潭 đem quân đi hộ giá. Duệ Tông sai Chử giữ bốn tờ kim sách, một quả ấn vàng, ba quả ấn đồng đi theo. Đến sông Tra Giang 查江 gặp giặc, Chử sợ chạy, quăng cả sách và ấn xuống sông. Đến đây lại về chỗ cũ mò được, đem dâng. Tra Giang thuộc tỉnh Gia Định).

Tháng 2, Tổng đốc 總督 giặc là Châu 朱 đem thủy binh phá cướp những địa phương ven sông ở Trấn Biên 鎮邊 (nay là tỉnh Biên Hòa 邊和) và Phiên Trấn 藩鎮 ( nay là tỉnh Gia Định 嘉定). Hộ giá 護駕 giặc là Phạm Ngạn 范彥 lại từ Quy Nhơn đến. Quân Hòa Nghĩa đạo của Trần Phượng 陳鳳 chống đánh [quân Tây Sơn] ở sông Phước Lộc 福祿江 không được.

Tháng 3 vua sai Đỗ Thanh Nhơn giữ Sài Gòn. Vua tự làm tướng đóng ở Lật Giang 栗江, dựng cờ “Tam quân tư mệnh” để chỉ huy tướng sĩ. Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Hoằng đem đại binh đánh giặc ở các lộ Lật Giang và Ô Nguyên 烏原, đều thắng. Giặc phải lui về Trường Giang, rình những nơi sơ hở để cướp bóc.

Sai các quân đắp luỹ đất ở bờ phía tây sông Bến Nghé [Ngưu Chử 牛渚] cho đến kênh Thông [Thông cảng], ở cửa kênh đóng cọc gỗ để chống giặc. Đóng hơn 50 chiếc chiến hạm, gọi tên là các hiệu thuyền Long Lân, lại sắm nhiều bè hỏa công, để làm kế đánh giặc.

Mùa hạ tháng 5, Lê Văn Quân đem thủy binh cùng giặc giao chiến, đánh được luôn. Đỗ Thanh Nhơn cũng đem quân hợp đánh, chém được Tư khấu giặc là Oai 威 ở Bến Nghé, cướp được hết chiến thuyền. Nguyễn Văn Hoằng tiến quân đến Đồng Nai [Lộc Dã 鹿野] (thuộc Biên Hòa), đánh vỡ quân giặc, chém được tướng là Liêm và Lăng (hai người đều không rõ họ), thu phục được Trấn Biên. Tướng giặc Phạm Ngạn chạy về Quy Nhơn. Gia Định dẹp xong. Lê Văn Quân đem binh tiến đánh được Bình Thuận.

Vua triệu Quân về, sai Thống nhung chưởng cơ Nguyễn Văn Hoằng và Lễ bộ Nguyễn Nghi lãnh bộ binh đi giữ đất ấy, cùng hợp binh với Châu Văn Tiếp.

[bản Duy Minh Thị 1873page 5r

唐人和義道李將君福建人流禺招集唐人為兵號和義道

Đường nhân Hòa Nghĩa đạo Lý tướng quân Phúc Kiến nhân lưu ngụ chiêu tập Đường nhân vi binh hiệu Hòa Nghĩa đạo …

]

Dựng nhà Tôn miếu, xây lăng Duệ Tông và phần mộ Tân chính vương.

Đặt công đường ở các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ. Đóng chiến thuyền, chứa quân lương để mưu đồ cuộc phục hưng.

Sai Cai đội Trần Văn Phước sang đạo Tân Châu, Nguyễn Đức Huy sang đạo Quang Hóa, để đóng thuyền đi biển.

Tháng 6, sai Cai cơ Lưu Phước Trưng 徵 sang Xiêm. Đầu là Long Xuyên thất thủ, Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân chạy sang Xiêm cầu viện, vua Xiêm hậu đãi, giữ ở lại.

Vua đã lấy lại được Gia Định, sai sứ sang giao hiếu và thăm hỏi tin tức của bọn Thiên Tứ.

Tháng 6 nhuận, lấy Cai đội Nguyễn Văn Nhơn làm Khâm sai cai cơ, giữ đạo Cường Thành (thuộc tỉnh An Giang).

Năm ấy giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc tự lập làm vua, xưng ngụy hiệu là Thái Đức năm thứ 1.

Kỷ Hợi, năm thứ 2 [1779] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 40, Thanh Càn Long năm thứ 44), mùa xuân, tháng 3, xa giá Từ cung [mẹ vua] đến Gia Định. Đầu là trong cuộc biến năm Giáp Ngọ, xa giá Từ cung đến xã Yên Du (thuộc huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị), các trưởng công chúa đều đi theo. Đến đây sai Cai cơ Lê Phước Điển (lấy trưởng công chúa Ngọc Tú) đến đón. Khi quốc mẫu đã đến, vua đem các quan đến mừng được bình an.

Mùa hạ, tháng 4, lấy Trần Xuân Trạch làm Chưởng cơ Tả chi, Nguyễn Kim Phẩm làm Chưởng cơ Hữu chi. Xuân Trạch và Kim Phẩm đều là người Sơn Nam hạ (nay là tỉnh Nam Định) cùng với thuộc hạ là bọn Trần Xuân Cách, Nguyễn Kim Loan, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Kim Phan, Nguyễn Kim Chức, họp đảng ở ngoài biển hơn 300 người, đến Gia Định xin ứng nghĩa ra sức. Vua khen ngợi, trao cho hai người làm Tả Hữu chi, còn thì đều trao cho chức vụ theo thứ bực khác nhau. Lại thấy Xuân Trạch và Kim Phẩm đều am hiểu võ nghệ, thường sai huấn luyện sĩ tốt ở các dinh.

Tháng 6, sai Đỗ Thanh Nhơn, Hồ Văn Lân và Dương Công Trừng đem quân đi đánh Chân Lạp. Chân Lạp tự khi Nặc Vinh 匿榮 [Ang Non II] giết Nặc Thâm 匿深 thì Nặc Tôn 匿尊 [Outey II] buồn bực mà chết. Bề tôi là Chiêu Chùy [Chauvea – Tể tướng] Mô và Đê Đô Luyện [Phraya Decho] giữ Phong Xuy 楓吹 để chống Nặc Vinh, Vị Bôn Xuy giữ La Bích để hưởng ứng, và cầu viện ở dinh Long Hồ. Vua sai bọn Thanh Nhơn đi đánh, bắt Nặc Vinh giết đi, lập con Nặc Tôn là Nặc Ấn 匿印 làm vua, lưu Văn Lân ở lại bảo hộ.

Mùa đông, tháng 11, xem đồ bản các dinh đất Gia Định, chia vạch địa giới ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ khiến cho liên lạc nhau.

  • Dinh Trấn Biên lãnh 1 huyện Phước Long, có 4 tổng: Tân Chính, Bình An, Long Thành và Phước An.
  • Dinh Phiên Trấn lãnh 1 huyện là Tân Bình, có 4 tổng: Bình Dương, Tân Long, Phước Lộc và Bình Thuận.
  • Dinh Long Hồ đổi làm dinh Hoằng Trấn, lãnh 1 châu là Định Viễn, có 3 tổng: Bình An, Bình Dương và Tân An.
  • Lại thấy đạo Trường Đồn là nơi yếu địa của ba dinh nên đặt làm dinh Trường Đồn (nay là tỉnh Định Tường), lãnh 1 huyện Kiến An, có 3 tổng: Kiến Đăng, Kiến Hưng và Kiến Hòa.

Đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục để cai trị. Buổi quốc sơ, đất Gia Định còn là nơi nhiều rừng rú đầm lầy, mộ dân tới ở, cho tùy tiện lập ấp vỡ hoang (có nơi ở về Phiên Trấn mà đánh thuế làm đất Trấn Biên, cũng có nơi ở về Trấn Biên mà đánh thuế làm đất Phiên Trấn). Các thửa ruộng đất chỉ ước số đại khái, không chia ra hạng tốt, hạng xấu, đặt chín trường khố nạp riêng (các kho Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh, Tân Thịnh) để thu thuế. Số thuế nhiều ít không đều nhau. Đến đây vạch định cương giới, bỏ chín khố trường, sai các dinh châm chước lệ cũ thuế điền thổ mà chữa lại cho cân bằng.

Năm Canh Tý, lại năm thứ 1 [1780] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 41, Thanh Càn Long năm thứ 45, năm ấy vua mới lên ngôi nên lại chép năm thứ 1) mùa xuân, tháng giêng, ngày Quý mão, vua  lên ngôi vương. Khi vua mới quyền coi quốc chính, quần thần đều khuyên lên ngôi. Vua cho rằng thù nước chưa trả xong, nhún nhường không chịu, quần thần hai ba lần nài xin, vua mới theo, lên ngôi vương ở Sài Gòn. Văn thư đưa xuống gọi là chỉ truyền, sai phái gọi là chỉ sai, dùng ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo (ấn này do Hiển tông Hiếu minh hoàng đế [Phúc Chu] chế, nay dùng làm của báu truyền ngôi), nhưng vẫn theo niên hiệu nhà Lê ; biểu chương của quần thần đều xưng là bẩm.

Luận công tôn phù, thăng Đỗ Thanh Nhơn làm ngoại hữu phụ chính thượng tướng công ; ngoại tả Tống Phước Khuông, nội hữu Tống Phước Lương, nội tả Nguyễn Đình Thuyên (có thuyết chép là họ Tống), tham nghị Trần Đại Thể, Lại bộ Hồ Đồng, Hộ bộ Trần Phước Giai, Lễ bộ Nguyễn Nghi, Binh bộ Minh (không rõ họ), Hình bộ Trần Minh Triết và các tướng sĩ đều được thăng thưởng theo thứ bực.

Tháng 3, ngày Tân tỵ, hoàng tử cả Cảnh 景 (tức là Anh Duệ hoàng thái tử) sinh, do nguyên phi Tống thị (tức là Thừa thiên Cao hoàng hậu ; phi là con gái ngoại tả chưởng dinh Tống Phước Khuông, tổ tiên là người Bùi Xá, huyện Tống Sơn, buổi đầu theo Thái tổ vào Nam trấn, ở tại An Quán dinh Quảng Nam. Khi Duệ Tông vào Nam, phi theo Phước Khuông vào Gia Định. Năm Mậu tuất vua sửa lễ cưới, tấn phong làm nguyên phi).

Mùa hạ, tháng 4, sai Đỗ Thanh Nhơn đánh phủ Trà Vinh (nay là huyện Trà Vinh, thuộc tỉnh Vĩnh Long) chiếm được.

Người Chân Lạp đến ở Trà Vinh đã lâu thành dân nội thuộc, hằng năm cung nộp phú thuế ; kịp khi binh cách nhiều việc, tù trưởng là ốc nha Suất mưu làm phản. Vua sai đem quân đi đánh. Giặc giữ vững lũy chống lại. Nơi ấy rừng sâu chằm lớn, rậm rạp um tùm, Suất dựa địa thế hiểm trở để chống, lấy nỏ khoẻ làm món sở trường, quan quân đánh không được. Vua bèn sai Thanh Nhơn đốc chiến, Dương Công Trừng thuộc theo. Công Trừng sai các quân dùng vòng sắt móc liền các chiến thuyền với nhau, bắc sàn ở trên, kèm dựng cây chuối để đỡ tên đạn, nhân nước thủy triều lên cho thuyền đến sát lũy để đánh. Giặc mất thế hiểm vỡ chạy. Thanh Nhơn đem quân tinh nhuệ đuổi đánh, chặt phá cây rừng, mở thông đường lối, lại đặt phục binh trong rừng, bốn bề nổ súng. Suất cùng đường bị quan binh bắt được. Thanh Nhơn chiêu dụ dân chúng trở về làm ăn. Trà Vinh bèn yên.

Đổi tên dinh Hoằng Trấn làm dinh Vĩnh Trấn.

Tháng 6, sai Cai cơ là Sâm và Tĩnh (hai người đều không rõ họ) sang Xiêm để giao hiếu. Vừa khi thuyền buôn Xiêm từ Quảng Đông trở về đến phần biển Hà Tiên, bị lưu thủ Thăng (không rõ họ) giết và cướp hết của cải, vua Xiêm giận, đem Sâm và Tĩnh giam vào ngục. Lại có người Chân Lạp là Bô Ông Giao nói gièm với vua Xiêm rằng Gia Định đã gởi mật thư bảo Tôn Thất Xuân và Mạc Thiên Tứ làm nội ứng, mưu lấy thành Vọng Các. Vua Xiêm rất ngờ, liền bắt hết mọi người để tra hỏi. Mạc Tử Duyên hết sức cãi là chuyện vu cáo, bị vua Xiêm đánh chết. Thiên Tứ tự tử. Tôn Thất Xuân cùng Sâm, Tĩnh và quyến thuộc của Thiên Tứ cộng 53 người đều bị hại hết. Nhân dân nước ta ngụ ở Xiêm đều bị dời hết ra nơi biên thùy. (Duyên là con của Thiên Tứ).

Mùa thu, tháng 7, sai các quân đóng binh thuyền. Đỗ Thanh Nhơn sai thủy quân lấy thứ gỗ nam [kiền kiền] để đóng thuyền trường đà [bánh lái dài], trên gác sàn chiến đấu, hai bên dựng phên tre che thủy binh ở dưới để cho chuyên sức mà chèo, còn trên thì bày bộ binh để xung trận mà đánh. Do đó đi đường biển thuận lợi mà nghề thủy quân sở trường càng tinh thêm.

Mùa đông, tháng 12, ban lịch về năm sau (gọi là lịch Vạn Toàn).

Tân sửu, năm thứ 2 [1781] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 42, Thanh Càn Long năm thứ 46), mùa xuân, tháng 3, Đỗ Thanh Nhơn có tội bị giết [有罪伏诛 hữu tội phục tru] . Đầu là Thanh Nhơn cầm quân Đông Sơn, thường có ý vượt quyền. Đến khi vua lên ngôi, Thanh Nhơn cậy mình có công tôn phù, lòng kiêu ngạo càng tăng, quyền sinh sát cho đi lấy lại đều ở trong tay ; kinh phí trong cung thì giảm bớt đi, không chịu cung hiến ; phàm người bè cánh gần gũi thì tự tiện cho theo họ mình ; người có tội thì đem nướng than hừng, hình phạt rất thảm khốc, ai cũng nghiến răng. Vua cho là người có công, vẫn ưu đãi dung thứ, thường đến thăm tận nhà, cũng không giữ lễ. Bè đảng lại phụ họa thêm, lấn át không kiêng nể gì, toan mưu làm phản. Chưởng cơ 掌奇 Thiêm Lộc 添禄 (không rõ họ) [bản dịch NXB Giáo Dục ghi Tống Phước Thiêm 宋福添. Bản Duy Minh Thị 1873 ghi Thiêm Lộc 添禄] nói riêng với vua : “Xin giết giặc ở bên cạnh vua”. Vua thầm nghĩ hồi lâu. Thiêm Lộc 添禄 nói : “Thanh Nhơn lòng muốn theo Mãng Tháo 莽操 (1. Vương Mãng và Tào Tháo là gian thần ở đời Tây Hán và đời Đông Hán.), không thể để được. Nếu dùng đến kế mà trừ thì chỉ một tay võ sĩ cũng đủ”. Vua rất lấy làm phải, giả cách ốm cho vời Thanh Nhơn vào cung bàn việc. Vệ sĩ nhân đó bắt giết rồi tức thì tuyên bố tội trạng của Thanh Nhơn mà tha tội cho các tướng hiệu sở thuộc. Sai chưởng Thủy dinh là Hoảng 晃 (không rõ họ) lãnh bộ binh, Thiêm Lộc 添禄 lãnh thủy binh, rồi chia quân Đông Sơn ra làm bốn quân, sai Lê Văn Quân coi Tiền quân, Võ Doãn Triêm coi Hữu quân, Tống Phước Lương coi Tả quân, Trương Văn Bác coi Hậu quân. Thanh Nhơn chết rồi, đồ đảng nhiều kẻ trốn đi Ba Giồng làm trộm cướp. Vua sai chiêu dụ, đều chống cự không chịu.

Thống nhung trấn Bình Thuận Nguyễn Văn Hoằng và Lễ bộ Nguyễn Nghi đều ốm chết. Sai Tôn Thất Dụ (cháu Chưởng cơ quận công Tôn Thất Tú và con Cai đội Tôn Thất Thắng) coi Trung quân, tiết chế bộ binh để trấn giữ Bình Thuận.

Gia chức cho Châu Văn Tiếp làm khâm sai đô đốc chưởng cơ quận công, trông coi công việc tướng sĩ và binh dân ở Phú Yên.

Mùa hạ, tháng 5, vua sai điểm duyệt số quân các dinh thủy bộ ở trong ngoài, không dưới 3 vạn người, thuyền đi biển 80 chiếc, thuyền chiến lớn 3 chiếc, tàu tây 2 chiếc, bàn cử đại binh đánh giặc Tây Sơn. Sai tiết chế Tôn Thất Dụ đem bộ binh ở Bình Thuận, Chưởng cơ Tống Phước Thiêm [bản dịch NXB Giáo Dục ghi Tống Phước Thiêm 宋福添. Bản Duy Minh Thị 1873 ghi Thiêm Lộc 添禄], Nguyễn Hữu Thoại và Dương Công Trừng đem thủy quân ở Gia Định cùng tiến đi. Bọn Dụ đến Nha Trang và Hòn Khói (thuộc tỉnh Khánh Hòa) cùng Châu Văn Tiếp hợp quân, đắp lũy đối diện với giặc. Thủy binh giặc ít không dám ra đánh giặc bèn đem bộ binh bày trận, voi chiến rất nhiều, Quân ta thấy thế lùi, Văn Tiếp không ngăn cản nổi, bèn lùi giữ núi Trà Lang (thuộc tỉnh Phú Yên). Vừa lúc ở Gia Định xảy ra cuộc biến Đông Sơn, quân sau không ra nữa, bọn Dụ đều rút quân về.

Tháng 5 nhuận, thuộc tướng quân Đông Sơn là Võ Nhàn và Đỗ Bảng giữ đất Ba Giồng làm phản. Vua sai Nguyễn Đình Thuyên và Tống Phước Lương chia đường tiến đánh. Phước Lương đánh ở sông Lương Phú (tên thôn) bị thua ; Thống binh cai cơ Tống Văn Phước (con Thống suất điều khiển ngũ dinh Tống Văn Khôi) chết trận.

Vua thấy quân Phước Lương không có tiết chế, bãi đi, bèn thêm quân để hợp đánh mà sai Cai cơ Nguyễn Văn Quý và Phan Văn Huyên nhập bọn với giặc, bắt được tên Nhàn tên Bảng giết đi, dư đảng đều dẹp yên. (Văn Phước được truy tặng chưởng cơ).

Đổi tên dinh Trường Đồn làm dinh Trấn Định.

Lấy Phạm Văn Nhơn làm Phó vệ úy vệ Đẳng Giao.

Mùa đông, tháng 10, Xiêm La sai tướng là Chất Tri và Sô Si (hai anh em) xâm lấn nước Chân Lạp. Nặc Ấn đem việc báo lên.

Nhâm dần, năm thứ 3 [1782] (Lê Cảnh Hưng năm thứ 43, Thanh Càn Long năm thứ 47), mùa xuân, tháng giêng, sai giám quân Trung dinh là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại đem binh thuyền cùng với Hồ Văn Lân đi cứu viện nước Chân Lạp. Quân đến La Bích, vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh (có thuyết là Trịnh Sinh) bị bệnh thần kinh, bắt tù cả vợ con Chất Tri và Sô Si. Chất Tri và Sô Si oán. Khi quân ta đến, bèn họp nhau bàn bạc. Sô Si nói :  “Chúa ta vô cớ bắt tù vợ con chúng ta, chúng ta dù có hết sức liều chết thì ai biết cho, chi bằng cùng với người Hán (1. Tài liệu của nhà Nguyễn tự gọi người nước ta là người Hán.) xin hòa, kết làm ngoại viện”. Chất Tri nói : “Điều đó rất hợp ý ta”. Bèn sai người đến quân Hữu Thoại cầu hòa, và mời đến trại để hội ước. Hữu Thoại nhận lời. Khi sứ Xiêm ra rồi, em Hữu Thoại là Hựu can rằng : “Người Man hay dối trá, sợ có biến thì sao?”. Hữu Thoại nói :  “Ta tính toán đã kỹ rồi. Vua Xiêm vô cớ mà bắt giam vợ con họ nên họ muốn nhờ ta làm viện binh, lời xin của họ không phải là dối đâu. Huống chi ta đã nhận lời mà không đi thì họ cho ta là nhát”. Sáng mai Hữu Thoại đem vài mươi người đi theo thẳng vào trại quân Xiêm. Quân Xiêm nhìn nhau ngơ ngác. Chất Tri và Sô Si đón vào khoản đãi rất hậu, đều đem lòng thực bày tỏ, rượu say rồi bẻ mũi tên để thề. Hữu Thoại nhân đó đem ba bảo vật là cờ, đao và kiếm tặng cho rồi trở về. Lúc đó nước Xiêm vừa có giặc ở thành Cổ Lạc nổi lên, Trịnh Quốc Anh sai Phi Nhã Oan Sản đi đánh. Tướng giặc ấy là em Oan Sản, Oan Sản bèn đảo qua hợp quân đánh thành Vọng Các. Người trong thành mở cửa cho vào. Trịnh  Quốc Anh nghe tin biến, trốn vào chùa, Oan Sản bắt giam lại, chạy tin báo cho Chất Tri về nước. Chất Tri được báo, cho rằng mình đã cùng Hữu Thoại nghị hòa, không lo về sau nữa, bèn luôn đêm đem quân về thành Vọng Các. Khi sắp đến nơi, ngầm sai người giết Trịnh Quốc Anh mà đổ tội cho Oan Sản, phơi bày tội ác, buộc tội làm loạn, khóa giam ở nhà riêng rồi giết đi. Chất Tri uy hiếp dân chúng để tự lập nhà vua Xiêm La, tự hiệu là vua Phật (vì tục Xiêm rất chuộng đạo Phật, nên gọi như thế), phong cho em là Sô Si làm vua thứ hai, cháu là Ma Lặc làm vua thứ ba. Những nạn dân nước ta trước bị Trịnh Quốc Anh đày đi nơi khác đều được thả về thành Vọng Các, cấp cho tiền gạo, nuôi nấng đầy đủ. Hữu Thoại đem việc ấy báo lên. Vua cho rút quân.

[bản Duy Minh Thị 1873 ghi thêm:

Vua đời trước của nước Xiêm bị bệnh phong cùi, người dân trong nước gọi là Phong Vương 瘋王 [Ekkathat], mới là vua chính phái nước Xiêm …

[廣東省潮州府人鄭國華,暹號丕雅新 …] Đầu là người phủ Triều Châu tỉnh Quảng Đông tên Trịnh Quốc Hoa 鄭國華, Xiêm hiệu là Phi Nhã Tân, trước kia lưu ngụ Xiêm La, kế tập theo nghiệp cha làm chức trưởng Mường Tát. Nhân nước Miến Điện đánh giết Phong Vương, nước Xiêm vô chủ, tự xưng làm vua. Trịnh Quốc Hoa là bề tôi soán ngôi vua, không phải là vua chính phái nước Xiêm.

]

Tháng 2, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ vào đánh phá. Văn Nhạc nghe tin Đỗ Thanh Nhơn đã bị giết, mừng nói : “Thanh Nhơn chết rồi, các tướng khác không đủ sợ nữa !” Bèn đem chiến thuyền vài trăm chiếc, cử đại binh vào đánh. Quân Tây Sơn đến cửa biển Cần Giờ 芹除.

Vua sai Chưởng cơ Tống Phước Thiêm [bản dịch NXB Giáo Dục ghi Tống Phước Thiêm 宋福添. Bản Duy Minh Thị 1873 ghi Thiêm Lộc 添禄] điều bát trận thủy binh ở Sông Ngã Bảy [Thất kỳ giang 七 岐江]. Giặc nhân gió mạnh xông thẳng tới. Quân ta phải lùi. Một mình Cai cơ là Màn Hòe 幔槐 [tức Emmanuel. Tiếng Trung hay ghi 曼紐爾 Manuel] đi tàu tây cố sức đánh rất lâu. Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu, Màn Hòe bị chết. (Màn Hòe là người Phú Lãng Sa (Pháp), Bá Đa Lộc giới thiệu là người dùng được, vua trao cho chức Khâm sai cai cơ, coi đội Trung Khuông, sau được tặng là Hiệu nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân).

Vua nghe tin báo, thân đốc binh thuyền tiếp ứng, đến Sông Ngã Ba (Tam kỳ giang) thì gặp giặc. Vua mặc áo chiến đội nón chiến đứng ở đầu thuyền, vẫy quân đánh gấp. Giặc nhắm đầu thuyền bắn, gẫy cả cột buồm, quân sĩ đều thất sắc ; vua đứng yên không động, tay cầm súng chim bắn lại thuyền giặc, và hạ lệnh cho quân sĩ vừa đánh vừa lùi. Tây Sơn cũng không dám đuổi theo. Bèn thu quân về Bến Nghé. Quân giặc tiếp đến. Quân ta đánh mãi không lợi. Vua dời đi Ba Giồng. Phước Thiêm [bản dịch NXB Giáo Dục ghi Tống Phước Thiêm 宋福添. Bản Duy Minh Thị 1873 ghi Thiêm Lộc 添禄] thì sau bị đảng Đông Sơn thù giết chết. Từ đó vùng Sài Gòn lại bị Tây Sơn chiếm. (Vua ra trận giỏi dùng súng chim. Mỗi khi đánh nhau với giặc hễ bắn là trúng, người ta đều cho rằng được trời giúp. Khoảng năm Minh Mệnh đặt tên súng ấy là Võ công lương khí, cất giữ với áo chiến và nón chiến).

Mùa hạ, tháng 4, tiết chế dinh Bình Thuận là Tôn Thất Dụ đem Tả chi Trần Xuân Trạch, thuộc tướng là Trần Văn Tự, và thuộc tướng đạo Hòa Nghĩa là Trần Công Chương vào cứu viện. Gặp tiền binh của giặc, ập đánh, chém được hộ giá giặc là Phạm Ngạn ở cầu Tham Lương. Tham tán Hồ Công Siêu bị súng giặc bắn chết. Nguyễn Văn Nhạc nghe tin Ngạn chết, đau như mất hai tay, cho rằng đạo quân Hòa Nghĩa toàn người Thanh, bèn sai bắt hết người Thanh hơn một vạn người ở Gia Định, không kể là lính là dân hay là người buôn bán, đều giết hết mà quăng xác đầy sông. Hơn một tháng trời, không ai dám ăn tôm cá và uống nước sông. Sự tàn sát thê thảm đến thế ! (Công Siêu 公超 được truy tặng là Tham khám 参勘).

[bản Duy Minh Thị 1873 ghi thêm:

Mục Vương 穆王 từ phủ Quy Nhơn ngụy Nhạc sở do hải trình trưng hành chỉ Gia Định sứ tham mưu Khoáng điển hầu Nguyễn [Danh Khoáng] điều hòa Hòa Nghĩa đạo Lý tướng quân …

]

Vua dời đi Lữ Phụ [Giồng Lữ, một trong ba giồng] (thuộc tỉnh Định Tường). Bầy tôi theo hầu là bọn Nguyễn Huỳnh Đức (Đức vốn họ Huỳnh, cho họ là Nguyễn, nên xưng là Nguyễn Huỳnh), Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm, Dương Công Trừng, thống binh Hạp và Kính (hai người đều không rõ họ, đều là người Thanh), thu họp quân còn lại được hơn 300 người. Vua sai dựng đồn để chống giặc. Gặp quân của tướng giặc là đô đốc Nguyễn Học bỗng đến. Vua tuốt gươm đứng dậy, thân đốc binh thuyền đón đánh. Quan quân đua sức tiến lên. Kim Phẩm chém được Học ở trận. Giặc thua to, chạy. Quân ta bắt được hơn 30 chiếc thuyền giặc, thừa thắng đuổi đến dinh Trấn Định. Sai Nguyễn Huỳnh Đức làm Tiên phong, Tôn Thất Cốc (con Tôn Thất Đàm) làm Trung quân, Trần Xuân Trạch và Nguyễn Kim Phẩm hộ giá, tiến đóng ở Ngã tư [Tứ kỳ giang] (thuộc tỉnh Gia Định). Nguyễn Văn Huệ đem quân mạnh ập đến ; bày trận quay lưng xuống nước mà đánh dữ. Quân ta thua, lùi giữ sông Lật Giang. Lưu thủ là Thăng, tiên phong là Túy (không rõ họ) từ dinh Vĩnh Trấn đem chiến thuyền tới viện trợ, đón xa giá sang miền Hậu Giang.

Sai Nguyễn Hữu Thoại, Trần Xuân Trạch cùng cai cơ Cao Phước Trí mượn đường Chân Lạp sang Xiêm cầu viện. Chân Lạp ngầm giúp Tây Sơn, bèn giết chết bọn Hữu Thoại. (Hữu Thoại và Xuân Trạch đều được truy tặng Chưởng dinh quận công, Phước Trí tặng Chưởng cơ).

Vua đến Giá Khê 架溪 [Rạch Giá] (thuộc huyện Kiên Giang). Chân Lạp họp binh thuyền hơn 30 chiếc, đuổi đến Sơn Chiết 山浙. Tiên phong Túy đón chặn đường sau đánh lùi được.

Vua đến Hà Tiên, đi thuyền nhỏ qua biển. Đêm tối không thấy rõ, ở gầm thuyền hình như có vật gì đội, tang tảng sáng nhìn ra thì đó là một đàn rắn. Người đi theo đều lấy làm sợ. Vua giục cứ đi, một lát thì đàn rắn đi mất. Thuyền vua bèn đến đảo Phú Quốc.

Tháng 5, giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ dẫn quân về Quy Nhơn, lưu hàng tướng Đông Sơn là Đỗ Nhàn Trập cùng Hộ bộ giặc là Bá (không rõ họ) lãnh 3.000 quân giữ Gia Định, đóng đồn ở Bến Nghé. Nhàn Trập hung tàn bạo ngược, nhiều người oán ghét.

[bản Duy Minh Thị 1873 ghi thêm:

Quy Nhơn xưa là thành Đồ Bàn 闍槃, nơi ở của chúa Chiêm Thành …

]

Tháng 6, Hồ Văn Lân thu họp dư chúng, đánh được đô đốc giặc là Nguyễn Loan ở Long Hồ, rồi cùng với Điều khiển Dương Công Trừng và Cai cơ Nguyễn Văn Quý họp binh tiến đánh giặc ở sông Lật Giang, bắt được chiến thuyền hơn 10 chiếc.

Mùa thu, tháng 8, trưởng công chúa là Ngọc Toàn mất. Công chúa là con gái thứ ba Hưng Tổ, mùa xuân năm Kỷ hợi theo giá đến Gia Định, gả con cho Chưởng cơ Nguyễn Hữu Thoại, khi Tây Sơn vào Sài Gòn, công chúa cùng Hữu Thoại đem binh thuộc hạ ra giữ đồn Bình Hóa (thuộc tỉnh Biên Hòa) để chống cự. Binh nhung giặc là Nguyễn Văn Kim đem quân đánh úp. Hữu Thoại ra đánh không lợi, lui về Giang Lăng, thu quân để ra đánh nữa, cũng không được. Kim bèn giữ đồn Bình Hóa. Hữu Thoại sang Xiêm cầu viện. Công chúa náu ngụ ở Ba Phủ (Giang Lăng và Ba Phủ đều là tên đất, thuộc tỉnh Biên Hòa). Kim dò biết tin, ép đón công chúa về đồn. Đốc chính giặc là Nguyễn Danh Tập lại bức dời công chúa đi Sài Gòn. Khi thuyền đến sông Tam Đà, công chúa giữ danh nghĩa không chịu nhục, nghiêm nét mặt mắng giặc, rồi gieo mình xuống sông tự tử. (Năm Minh Mệnh thứ 19 tặng phong là Minh nghĩa thái trưởng công chúa).

Quân ta lấy lại được Gia Định. Từ khi thua trận ở Cần Giờ, xa giá ra ngoài, Châu Văn Tiếp đem quân vào cứu viện, cờ đề bốn chữ Lương Sơn tá quốc 梁山佐國, cùng thiếu phó Tôn Thất Mân (con thứ năm Hưng Tổ) chia cắt các tướng, Phạm Văn Sĩ làm Tiên phong, Lê Văn Quân làm Tả chi, Nguyễn Văn Thuận làm Hữu chi, Nguyễn Văn Thảo làm Hậu đạo, Nguyễn Long và Phan Viện làm bảo hộ, Tôn Thất Mân làm Trung quân ; Văn Tiếp tự lãnh quân mạnh làm sách ứng. Hộ bộ của giặc là Bá nghe tin bảo Nhàn Trập rằng : “Văn Tiếp võ nghệ tuyệt vời, nay đem trọng binh đến, thế ta chưa thể địch nổi, chi bằng tạm bỏ đất này, lui quân về Quy Nhơn, sang mùa xuân hãy đánh lại cũng chưa muộn”. Nhàn Trập không nghe, đem hết quân ra đón đánh. Phạm Văn Sĩ tiến trước giết giặc, quân các đạo nối theo đánh, quân giặc vỡ to, chết không xiết kể. Bọn Nhàn Trập chạy về Quy Nhơn. Văn Tiếp thu lại Sài Gòn, sai người tới đảo Phú Quốc báo tin thắng trận và tự đem quân đón xa giá. Vua được tin báo rất mừng, tức thì ra lệnh hồi loan. Đến Ngã tư, Văn Tiếp lạy rạp bên đường, khóc và nói rằng : “Không ngờ ngày nay lại được gặp chúa thượng, thực là Phước của Xã tắc”. Vua yên ủi hồi lâu, rồi xa giá về Sài Gòn. Lấy Châu Văn Tiếp làm ngoại tả chưởng dinh, Tôn Thất Dụ làm ngoại hữu chưởng dinh.

Tôn Thất Hy (con Chưởng cơ quận công Tôn Thất Dục) cùng Ngũ trưởng Đặng Đình Vân, Tri huyện Nguyễn Đô, Huyện giáo Nguyễn Bảo Trí, tự Phú Xuân đến yết kiến. Vua cho Hy làm Trung dinh giám quân, Đình Vân làm Binh bộ, Bảo Trí làm Tham mưu, Đô làm Thị giảng.

Sai Cai cơ Trung thủy là Võ Di Nguy, Cai cơ Tiền thủy là Trương Phước Dĩnh về tập hợp những thủy binh ngạch cũ, sửa đóng chiến thuyền.

Sai Cai cơ Lê Phước Điển, Tham mưu Lê Phước Bình sang Xiêm. Vua thấy giặc Tây Sơn liền năm vào cướp, lòng lo lắm, dụ cho các tướng rằng : “Giặc nay dẫu thua, sang xuân hẳn lại vào cướp. Ta quân yếu tướng ít thì lấy gì mà chống? Kế sách ngày nay không gì bằng kết hảo với nước Xiêm để nhờ giúp đỡ khi hoãn cấp”. Bèn chế hoa vàng hoa bạc, sai bọn Phước Điển sang thông hiếu.

Tháng 9, Trịnh Sâm triều Lê chết ; con nhỏ là Cán lên nối. Trước là Sâm say đắm vợ bé là Đặng Thị Huệ, bỏ con trưởng là Đống, dựng con vợ bé là Cán làm thừa tự, trối cho bề tôi là Hoàng Tố Lý giúp. Không bao lâu quân ưu binh túc vệ (nhà Lê dùng binh Thanh Nghệ làm ưu binh) giết Tố Lý, rồi bỏ Cán mà dựng Đống. Từ đó ưu binh cậy công làm ngang, không có kỷ cương gì.

Mùa đông, tháng 11, Tham quân của Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh chạy theo về với Tây Sơn. Chỉnh là người làng Đông Hải tỉnh Nghệ An, thuộc tướng của Hoàng Tố Lý. Tố Lý bị quân Trịnh giết, Chỉnh muốn mượn quân Tây Sơn để trừ kiêu binh, bèn vượt biển vào theo Nhạc. Nhạc gặp được Chỉnh rất yêu tài, dùng làm đô đốc. Chỉnh ngày đêm vì giặc bày mưu, cuối cùng làm tai họa cho Bắc Hà.

Vua nghe tin giặc Tây Sơn mưu vào cướp, sai đặt bảo Thảo Câu [Vàm Cỏ] [bản Duy Minh Thị in 草講堡 , có lẽ nhầm chữ 鞲] ở bờ phía nam sông lớn Gia Định, giao cho Dương Công Trừng giữ, ở bờ phía bắc thì đặt đồn Dác Ngư 角魚 [Cá Dốc, xem thêm 角魚科 Triglidae], giao cho Tôn Thất Mân giữ, ngang sông bắc cầu phao để tiện qua lại. Trong sông thì bày hơn trăm chiến thuyền để làm thế dựa nhau, do Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc, Võ Di Nguy, lưu thủ Thăng, tiên phong Túy quản lãnh. Đằng trước đặt một con rồng cỏ để phòng giặc. Sai giám quân Tô (không rõ họ) coi bè hỏa công, đợi khi giặc đến, theo dòng nước chảy mà phóng hỏa để đốt thuyền giặc.

Một bình luận về “Thực lục về Thế tổ cao hoàng đế Gia Long (quyển 01)”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter