Thực lục về Hy tông Hiếu văn hoàng đế Nguyễn Phúc Nguyên

Hy tông Hiển Mô Quang Liệt Ôn Cung Minh Duệ Dực Thiện Tuy Du Hiếu văn hoàng đế, húy là Nguyên 源, sinh năm Quý hợi [1563]

(Lê Chính Trị năm 6, Minh Gia Tĩnh năm 42), là con thứ sáu của Thái tổ Gia dụ hoàng đế. Mẹ là Gia dụ hoàng hậu Nguyễn Thị.

Lúc chúa làm hoàng tử, từng đánh tướng giặc Tây Dương ở Cửa Việt, Thái tổ cho là có tài lạ, sau sai trấn thủ Quảng Nam. Bấy giờ hoàng tử cả là Hà, thứ hai là Hán, thứ ba là Thành, thứ tư là Diễn đều mất trước. Hoàng tử thứ năm là Hải thì làm con tin ở Bắc. Chúa tuổi lớn lại giỏi, ngày thường cùng các tướng bàn luận việc binh, tính toán có nhiều việc đúng. Thái tổ biết có thể trao phó nghiệp lớn, vẫn để ý tới. Năm Quý mùi, mùa hạ tháng 6, ngày Canh dần, Thái tổ băng. Các quan vâng di mệnh tôn làm Thống lĩnh thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự thái bảo Thụy quận công. Bấy giờ chúa 51 tuổi.

Vua Lê sai đem sắc đến tặng Thái tổ làm Cẩn nghĩa công, và đưa phẩm vật để phúng, cho chúa trấn thủ hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam, gia hàm Thái bảo tước quận công.

Chúa lên nối ngôi, sửa thành lũy, đặt quan ải, vỗ về quân dân, trong ngoài đâu cũng vui phục, bấy giờ người ta gọi là Chúa Phật 佛主 [Phật Vương]. Từ đấy mới xưng quốc tính là họ Nguyễn Phước 阮福.

Giáp dần, năm thứ 1 [1614] (Lê Hoằng Định năm 15, Minh Vạn Lịch năm 42). Bắt đầu đặt tam ty: ở trong là Chính dinh thì [ba ty] là ty Xá sai, coi việc văn án từ tụng, do Đô tri và Ký lục giữ, ty Tướng thần lại, coi việc trưng thu tiền thóc, phát lương cho quân các đạo, do Cai bạ giữ, ty Lệnh sử, coi việc tế tự, lễ tiết và chi cấp lương hướng cho quân đội Chính dinh, do Nha úy giữ. Những thuộc viên thì mỗi ty có 3 câu kê, 7 cai hợp, 10 thủ hợp, 40 ty lại. Lại đặt ty Nội lệnh sử kiêm coi các thứ thuế, hai Tả, Hữu lệnh sử chia nhau thu tiền sai dư ở hai xứ về nộp Nội phủ. Các dinh ở ngoài, có nơi chỉ đặt một ty Lệnh sử, có nơi đặt 2 ty Xá sai và Tướng thần lại, có nơi kiêm đặt 2 ty Xá sai và Lệnh sử để coi việc từ tụng của quân dân, sổ sách đinh điền và trưng thu thuế ruộng sở tại, số nhân viên thì tùy theo công việc ít nhiều mà thêm bớt.

Mùa hạ, tháng 4, thăng hoàng tử cả là chưởng cơ Kỳ là Hữu phủ chưởng phủ sự, trấn giữ dinh Quảng Nam. Kỳ tới trấn, chăm làm việc ân huệ, yêu thương quân dân, trong cõi yên vui.

Ất mão, năm thứ 2 [1615], mùa xuân, tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.

Bắt đầu quy chế về chức vụ của phủ huyện : Tri phủ, tri huyện giữ việc từ tụng ; thuộc viên có đề lại, thông lại chuyên việc tra khám, huấn đạo, lễ sinh chuyên việc tế tự ; còn tô thuế sở tại thì đặt quan lại khác để trưng thu.

Bính thìn, năm thứ 3 [1616], mùa đông, tháng 11, Tôn Thất Hải mất tại Đông Đô. Hải làm con tin ở triều Lê, làm đến Tả đô đốc Cẩm quận công. Khi mất vua Lê tặng Thái phó. Con cháu ở Thanh Hoa, năm Gia Long thứ 1 được cho hệ tính là Nguyễn Hựu 阮祐.

Đinh tỵ, năm thứ 4 [1617], mùa xuân, tháng giêng. Mới đặt Nhà đồ (1. Nhà đồ : Nhà chứa cất đồ đạc, phẩm vật, chữ Hán là Đồ gia 圖家.), thu các hàng hóa phẩm, giao cho Nội lệnh sử ty giữ.

(ở xứ Thuận Hóa, nguồn Phù ẩu và núi đất ở xã Nam Phố Hạ huyện Phú Vang, là đất có vàng, hằng năm sai dân lấy để nộp. Những núi ở Quảng Nam càng sản nhiều vàng. Các hộ đãi vàng gọi là liêm hộ, người trong hộ mỗi năm nộp 3 hay 2 đồng cân vàng sống. Lại nguồn Lỗ Đông mỗi năm nộp 70 lạng, nguồn Thu Bồn mỗi năm nộp 38 lạng 3 đồng 1 phân. Đầm An Xuân huyện Quảng Điền mỗi năm nộp 80 lạng bạc. Những nguồn ở phủ Quảng Ngãi mỗi năm nộp 180 lạng. Xã Phú Bài huyện Phú Vang, trang Phước Điển châu Bố Chính, núi sản nhiều sắt, mỗi năm nộp 2.000 khối hoặc 500 khối, mỗi khối nặng 25 cân. Còn ngoài ra như dầu hương, sáp ong, ngà voi, chiếu mây, sơn, mật ong, trầm hương, sơn dầu, nhựa trám, nơi nào sản xuất thì nộp. Xứ Thuận Quảng duy không có mỏ đồng, mỗi khi những thuyền buôn Phước Kiến, Quảng Đông hay Nhật Bản, chở đồng đỏ đến bán thì nhà nước thu mua, cứ 100 cân thì trả giá 40 hay 50 quan tiền. Lại xã Mậu Tài, huyện Phú Vang làm được dây thau, dây thép. Cứ 100 cân đồng đỏ pha vào 40 cân kẽm thì làm được 90 cân dây thau, cứ 25 cân sắt thì làm được 1 cân dây thép. Ty thợ mạ vàng thì cứ 10 lạng vàng dát mỏng được 9 vạn lá vàng quỳ. Đều do các kho của nhà đồ thu trữ).

Mậu ngọ, năm thứ 5 [1618], mùa hạ, tháng 5, đạc ruộng dân (1. Ruộng dân : Ruộng công của xã dân, khác với quan điền, tức ruộng quan là ruộng công của nhà nước.) hai xứ. Bấy giờ bọn hương lý hào hữu xâm chiếm mất nhiều ruộng công để làm lợi riêng. Đến đây sai quan đo ruộng hiện có để thu thuế, dân mới hết tranh nhau. Mọi người đều yên nghiệp.

Mùa đông, tháng 11, sao chổi xuất hiện ở phương Đông hơn một tháng mới hết.

Kỷ mùi, năm thứ 6 [1619] (Lê Vĩnh Tộ năm 1, Minh Vạn Lịch năm 47), mùa hạ, tháng 5, Trịnh Tùng 鄭松 nhà Lê giết vua Lê rồi lập con vua là Duy Kỳ 維祺 lên, đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ, tức Thần tông. (Bấy giờ con Tùng là Xuân âm mưu giết Tùng để cướp ngôi. Việc phát giác, đem tra hỏi, lời khai liên can đến vua Lê, Tùng bèn sai con là Tráng cùng với nội giám Bùi Sĩ Lâm bắt vua Lê phải thắt cổ chết và truất bỏ Xuân làm dân thường).

Canh thân, năm thứ 7 [1620], (Lê Vĩnh Tộ năm 2, Minh Thái Xương năm 1), mùa xuân, chưởng cơ là Hiệp và Trạch (con thứ 7, thứ 8 của Thái tổ) mưu nổi loạn, gửi mật thư xin họ Trịnh phát binh, tự mình làm nội  ứng, hẹn khi nên việc thì chia đất này cho trấn giữ. Trịnh Tráng 鄭梉 khiến đô đốc Nguyễn Khải 阮啟 đem 5.000 quân đóng ở Nhật Lệ (thuộc huyện Phong Lộc) để đợi. Hiệp  và Trạch sợ chưởng cơ Tôn Thất Tuyên 尊室宣 (con thứ 4 của Hòa quận công Tôn Thất Hà) nên chưa dám hành động. Chúa cùng các tướng bàn việc chống Trịnh, Hiệp và Trạch giả tiến mưu rằng : “Tuyên trí dũng hơn người, nếu sai cầm binh, hẳn phá được giặc!” Tuyên biết mưu nói với chúa rằng : “Nếu thần dời bỏ dinh thì sợ có nội biến”. Chúa bèn sai chưởng dinh Tôn Thất Vệ 尊室衛 (con thứ 2 Tôn Thất Hà, bấy giờ gọi là quận công) đem quân chống Khải. Hiệp và Trạch thấy mưu không xong, bèn đem quân chiếm giữ kho ái Tử, đắp lũy Cồn Cát để làm phản. Chúa sai người đến dỗ, nhưng không chịu nghe. Chúa bèn lấy Tuyên làm tiên phong, tự đem đại binh đi đánh. Hiệp và Trạch thua chạy, Tuyên đuổi bắt được đem dâng. Chúa trông thấy, chảy nước mắt nói : “Hai em sao nỡ trái bỏ luân thường?”. Hiệp và Trạch cúi đầu chịu tội. Chúa muốn tha, nhưng các tướng đều cho là pháp luật không tha được. Bèn sai giam vào ngục. Hiệp và Trạch xấu hổ sinh bệnh chết. Nguyễn Khải nghe tin dẫn quân trở về.

Chúa thấy Trịnh vô cớ nổi binh, từ đấy không nộp thuế cống nữa.

Mùa hạ, tháng 6, ngày ất sửu, sinh hoàng tôn [即太宗孝哲皇帝 Tức thái tông hiếu triết hoàng đế Nguyễn Phúc Tần].

Tân dậu, năm thứ 8 [1621] (Lê Vĩnh Tộ năm 3, Minh Thiên Khải năm 1), mùa hạ, tháng 4, bọn thổ mục Lục Hoàn 六丸 (tức Lạc Hòn 樂丸) thuộc Ai Lao thả quân qua sông Hiếu 孝江 sang cướp bóc dân biên thùy. Chúa sai Tôn Thất Hòa 尊室和 (bấy giờ gọi là quận công) đi đánh. Hòa chia quân phục ở các đường trọng yếu, khiến những lái buôn mua bán để nhử. Quả nhiên bọn người Man [Lào] đến cướp, kéo vào cửa động, phục binh nổi dậy, bắt được hết đem về. Chúa muốn lấy ân tín vỗ về người đất xa, sai cởi hết trói ra và cấp cho quần áo lương thực, răn dạy rồi thả về. Quân Man cảm phục, từ đấy không làm phản nữa.

Nhâm tuất, năm thứ 9 [1622], chúa cho rằng sông Hiếu xã Cam Lộ (thuộc huyện Đăng Xương) giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp, đều có đường thông đến đấy, bèn sai đặt dinh, mộ dân chia làm 6 thuyền quân để coi giữ, gọi là dinh Ai Lao 哀牢營.

Quý hợi, năm thứ 10 [1623], mùa hạ, tháng 6, Trịnh Tùng nhà Lê bệnh nặng, con thứ của Tùng là Xuân nổi loạn, phóng lửa đốt Đông Đô, bức dời Tùng đến quán Thanh Xuân (ở huyện Thanh Oai). Tùng chết ở dọc đường. Con trưởng là Tráng lên nối, lập vợ là Ngọc Tú làm Tây cung. Chúa nghe tin Tùng chết, bảo các tướng rằng : “Tùng không biết có vua, Xuân không biết có cha, đạo trời báo ứng, thật chẳng lầm vậy”. Rồi sai bắn 3 phát súng và kêu 3 tiếng. Văn chức là Nguyễn Hữu Dật 阮有鎰 ra khỏi ban nói rằng : “Trịnh Tùng chết, con mới lập, muốn đánh thì đánh, muốn giữ thì giữ. Nay sai nổ súng và kêu to, là sao vậy?”. Chúa cười nói rằng : “Hữu Dật tuổi trẻ cậy hăng, chưa biết rõ lẽ”. Nhân cho về, bảo cha Dật là Triều Văn 朝文 dạy bảo. Triều Văn là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, đương làm tham tướng. Hữu Dật 16 tuổi, vì có văn học được bổ làm văn chức. Chúa lại bảo các tướng rằng : “Ta muốn nhân cơ hội này nổi nghĩa binh để phò vua Lê, nhưng đánh người trong lúc có tang là bất nhân, thừa lúc người lâm nguy là bất võ. Huống chi ta với họ Trịnh có nghĩa thông gia, chi bằng trước hết hãy đem lễ đến phúng để xem tình hình rồi sau hãy liệu kế”. Các tướng đều bái phục. Bèn sai sứ sang phúng.

Lấy Nguyễn Phước Kiều 阮福喬 (vốn họ Nguyễn, cho theo quốc tính, sau đổi làm [hệ tính] Nguyễn Cửu 阮久) làm cai đội, coi đội Mã cơ. Kiều từ Đông Đô đem mật thư của Ngọc Tú về dâng. Chúa rất mừng, đặc trao cho chức ấy, rồi gả công chúa Ngọc Đỉnh 玉鼎 cho.

Giáp tý, năm thứ 11 [1624] Trịnh Tráng nhà Lê sai Công bộ thượng thư Nguyễn Duy Thì 阮維時 và nội giám Phan Văn Trị 潘文治 đến đòi thuế đất. Chúa triệu hai người ấy bảo rằng : “Hai xứ Thuận Quảng liền mấy năm không được mùa, dân gian túng đói, vì thế không nỡ thu thuế.  Khi khác được mùa sẽ chở nộp cũng chưa muộn”. Sứ Trịnh không nói sao được, bèn từ biệt về.

Ất sửu, năm thứ 12 [1625], mùa đông, Đào Duy Từ 陶維慈 đến theo. Duy Từ người xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hoa, thông suốt kinh sử, rất giỏi thiên văn thuật số. Năm ấy có khoa thi hương ở Thanh Hoa, Hiến ty cho Duy Từ là con phường chèo [倡優 xướng ưu, đào hát], tước bỏ không cho vào thi. Duy Từ buồn bực quay về. Nghe tiếng chúa yêu dân quý học trò, hào kiệt đều quy phục, quyết chí đi theo, bèn một mình vào Nam. Ở huyện Vũ Xương hơn một tháng, không ai biết cả. Nghe tin khám lý Hoài Nhân Trần Đức Hòa 陳德和 là người có mưu trí, được chúa tin dùng, bèn vào Hoài Nhân, thác làm người ở chăn trâu [牧牛 mục ngưu] cho phú ông ở xã Tùng Châu. Phú ông thấy người biết rộng nghe nhiều, nói với Đức Hòa. Đức Hòa nói chuyện với, thấy không điều gì là không thông suốt, rất quý trọng, đem con gái gả cho. Duy Từ từng ngâm bài Ngọa Long cương 臥龍岡 để ví mình [với Khổng Minh]. Đức Hòa thấy thế nói rằng : “Đào Duy Từ là Ngọa Long đời nay chăng”.

Bính dần, năm thứ 14 [1626], mùa xuân, tháng 3, dời dinh đến xã Phước Yên (thuộc huyện Quảng Điền), gọi nơi chúa ngự là phủ.

Gia cho Chưởng cơ Tôn Thất Khê 尊室溪 (con thứ 10 của Thái tổ) làm Tổng trấn Tường quận công. Bấy giờ chúa tuổi đã cao, việc quân quốc phần nhiều sai Khê quyết định, duy có án nặng tử tù, sau khi Phước xét, thì đợi chúa quyết định.

Mùa hạ, tháng 6, triệu Nguyễn Hữu Dật lại cho vào làm văn chức. Hữu Dật từ khi bị khiển trách, về nhà cố gắng sửa mình, đến đây được vào tham dự việc cơ mật, thông suốt chính thể, chúa càng yêu trọng.

Mùa thu, tháng 8, Trịnh Tráng sai Thái bảo Nguyễn Khải 阮啟 và Thiếu bảo Nguyễn Danh Thế 阮名世 đem 5.000 quân đóng đồn ở xã Hà Trung (thuộc huyện Kỳ Anh) làm kế xâm lấn miền Nam.

Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng sai Binh khoa cấp sự trung Nguyễn Hữu Bản 阮有本 vâng sắc dụ vua Lê đến đòi số thuế từ năm Giáp tý về sau và mời chúa đến Đông Đô. Chúa cười bảo sứ giả rằng : “Việc này là do ý riêng của họ Trịnh, chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ, há lại quên dòng dõi công thần sao? Vả lại quân dân của cải hai xứ này so sánh với bốn trấn có là bao nhiêu, mà tham cầu như thế ! Nếu nghĩ đến công tổ tiên ta, nên cắt cả Nghệ An cho ta nữa, huống chi là đất Thuận Quảng ?”. Các tướng phần nhiều xin đánh. Nhưng chúa nói rằng : “Họ Trịnh đã quên ơn gây oán, mà ta lại lấy thân thích làm thù, e chẳng bõ để cười cho thiên hạ.” Chúa quay bảo sứ giả rằng : “Các ông vì tôi nói với Trịnh Vương đừng để ý những điều hiềm nhỏ”. Rồi hậu đãi sứ giả mà bảo về.

Đinh mão, năm thứ 14 [1627], mùa xuân, tháng giêng, Trịnh Tráng muốn cử quân xâm lấn miền Nam, nhưng sợ không có cớ, bèn sai Lê Đại Nhậm 黎大任 phụng sắc vua Lê sang dụ cho con vào chầu và đòi nộp 30 thớt voi đực, 30 chiếc thuyền đi biển để dùng vào lệ cống triều Minh. Chúa cười nói rằng: “Lệ ta sang cống triều Minh chỉ có vàng và kỳ nam thôi. Nay họ Trịnh đòi thêm ngoại ngạch, ta không dám theo mệnh. Còn con ta thì đương sắm quân khí để sửa việc biên phòng, xin vài năm nữa ra chầu cũng chưa muộn.” Sứ giả tỏ ý của vợ chúa Trịnh muốn xin các con của Hiệp và Trạch. Chúa không cho. Họ Trịnh bèn phát quân.

Tháng 3, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, mượn tiếng xem xét địa phương, cho quân thủy bộ đều tiến. Tướng Trịnh là Nguyễn Khải bày dinh ở bắc sông Nhật Lệ.

Chúa sai Tôn Thất Vệ làm tiết chế, văn chức Nguyễn Hữu Dật làm giám chiến, lĩnh quân bộ ra chống cự. Lại sai hoàng tử thứ tư là Trung chỉ huy quân thủy để tiếp ứng. Quân hai bên đối lũy nhau. Tiên phong của Trịnh là Lê Khuê đem kỵ quân ra cướp trận. Quân ta bắn đại bác, quân Trịnh sợ lui. Đêm ấy quân thủy ta lại thừa cơ nước triều lên bắn vào dinh Nguyễn Khải, quân Trịnh sợ, rối loạn. Trịnh Tráng tiến đến, thế binh rất mạnh. Quân ta đánh không lợi. Quân Trịnh thừa thắng tranh cướp của cải. Quân ta đem tượng binh thúc đánh chặn ngang, làm cho quân Trịnh tan vỡ, chết rất nhiều. Hữu Dật lại bàn mưu với Trương Phước Da 張福𡶐 (bấy giờ gọi là Lương quận công) sai gián điệp phao đồn rằng anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn. Tráng nghe tin lấy làm ngờ, bèn rút quân về.

Trần Đức Hòa nghe tin thắng trận, từ Hoài Nhân đến mừng.

Chúa hỏi tình hình trăm họ ở Quảng Nam sướng khổ thế nào. Hòa thưa rằng : “Chúa thượng rộng ra ân huệ, hiệu lệnh nghiêm minh, trăm họ ai chẳng an cư lạc nghiệp”. Chúa vui mừng. Đức Hòa ung dung lấy bài Ngọa Long cương ngâm từ trong tay áo ra tiến, nói rằng: “Bài này do thày dạy học ở nhà tôi là Đào Duy Từ làm”. Chúa xem thấy lạ, giục sai đi vời đến gặp. Sau mấy ngày thì Đức Hòa cùng Duy Từ đến ra mắt. Lúc ấy chúa mặc áo trắng đứng ở cửa bên [掖門 dịch môn, cửa bên phụ] chờ. Duy Từ nhìn thấy, đứng lại không đi. Chúa tức thì áo mũ chỉnh tề, ra vời vào. Duy Từ rảo bước vào lạy. Cùng nói chuyện. Chúa rất vui lòng nói : “Khanh sao đến muộn thế ?” Tức thì trao cho chức Nha úy nội tán, tước Lộc khê hầu, trông coi việc quân cơ trong ngoài và tham lý quốc chính. Chúa từng vời vào trong bàn bạc. Duy Từ bày tỏ hết những điều uẩn súc trong lòng, điều gì biết đều nói cả. Chúa cho Đức Hòa là biết người, bèn trọng thưởng cho.

Mậu thìn, năm thứ 15 [1628] (Lê Vĩnh Tộ năm 10, Minh Sùng Trinh năm 1), mùa thu, tháng 9, chính phi họ Trịnh là Ngọc Tú làm chùa Long Ân 隆恩寺 (năm Minh Mạng thứ 2 đổi làm chùa Sùng Ân 榮恩寺; năm Thiệu Trị thứ 1 đổi làm chùa Hoằng Ân 弘恩寺) ở phường Quảng Bá (thuộc phủ Hoài Đức), thuật lại công đức của Triệu Tổ và Thái Tổ ta, dựng bia để ghi.

Mộ thêm những người khỏe mạnh sung làm thân binh. Bấy giờ cầm quân từ chức chưởng dinh, chưởng cơ cho đến cai đội thì chuyên dùng người tôn thất và người Thanh Hoa, mà con cháu những người ấy lớn tuổi thì sung làm cai đội tòng quân ở các dinh. Đến đây chúa cho mộ thêm người có sức mạnh và am hiểu võ nghệ ở hai xứ Thuận Quảng bổ làm thân binh ở các cơ đội, người có công cũng được lục dụng.

Kỷ tỵ, năm thứ 16 [1629] (Lê Đức Long năm 1, Minh Sùng Trinh năm 2), mùa hạ, tháng 4, vua Lê đổi niên hiệu là Đức Long.

Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng lại bàn đem đại binh xâm lược miền Nam. Bầy tôi là Nguyễn Danh Thế nói rằng : “Nay phương Nam vua tôi hòa thuận, nước giầu binh mạnh, mà ta thì hằng năm đói kém, quân nhu không đủ. Không bằng sai sứ vào tiến phong cho tước quốc công, ủy cho trấn thủ hai xứ, lại khiến đem quân ra đánh Cao Bằng. Nếu vâng mệnh mà đến thì ta lấy rất dễ. Nếu không nghe mệnh thì ta đem quân đánh là có danh nghĩa”. Tráng theo lời, sai Lại bộ thượng thư Nguyễn Khắc Minh đem sắc tiến phong chúa làm Tiết chế Thuận Hóa Quảng Nam nhị xứ thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó quốc công, và giục đến Đông Đô để đi đánh Cao Bằng. Sứ giả đến. Chúa triệu quần thần họp bàn. Có người nói : Sắc mệnh của vua Lê không thể không nhận. Có người nói : Nhà nước ta có riêng bờ cõi, đời đời truyền nối, há còn đợi ai phong nữa. Đào Duy Từ thưa rằng : “Đây là họ Trịnh mượn sắc mệnh vua Lê để nhử ta, nếu ta nhận sắc mệnh mà không đến thì họ có cớ nói được, nếu ta không nhận sắc mệnh thì họ tất động binh. Việc hiềm khích ngoài biên đã gây thì không phải là Phước cho sinh dân. Huống chi thành quách ta chưa bền vững, quân sĩ chưa luyện tập, địch đến thì lấy gì mà chống ? Chi bằng hãy tạm nhận cho họ không ngờ để ta chuyên việc phòng thủ, rồi sau dùng kế trả lại sắc, bấy giờ họ không làm gì được ta nữa”.

Chúa khen phải, rồi hậu đãi sứ Trịnh và bảo về.

Văn Phong 文封 ở Phú Yên 富安 dùng quân Chiêm Thành 占城 để làm phản.

Phó tướng Nguyễn Phước Vinh 阮福榮 (con trưởng Mạc Cảnh Huống 莫景貺, lấy công chúa Ngọc Liên 玉蓮, cho theo quốc tính, sau đổi làm [hệ tính] Nguyễn Hữu 阮有) đi đánh dẹp yên và lập dinh Trấn Biên 鎮邊營. (Khi mới mở mang, những nơi đầu địa giới đều gọi là Trấn Biên). Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son.

Canh ngọ, năm thứ 17 [1630], mùa xuân, tháng 3, đắp lũy Trường Dục 長育壘 (thuộc huyện Phong Lộc, Quảng Bình). Đầu là Đào Duy Từ từng khuyên chúa đừng nộp thuế cho họ Trịnh. Chúa nói : “Tiên vương tài trí hơn đời cũng còn phải đi lại thông hiếu. Ta nay nhỏ mọn không bằng tiên vương, đất đai binh giáp lại không bằng một phần mười của Đông Đô, nếu không nộp thuế cống thì lấy gì mà giữ đất đai để nối nghiệp trước?”. Duy Từ thưa rằng : “Thần nghe nói dẫu có trí tuệ, không bằng nhân thời thế. Cứ uy vũ anh hùng, mưu kế sáng suốt của tiên vương, không phải là không giữ được đất đai. Song thời bấy giờ những thuộc tướng ở ba ty đều tự họ Trịnh cất đặt. (Thời Thế tông nhà Lê, Mai Cầu làm tổng binh Thuận Hóa, thời Kính tông nhà Lê, Vũ Chân làm Hiến sát Thuận Hóa), phàm cử động việc gì cũng bị bọn họ kiềm chế, nên tiên vương phải nhẫn nại như thế. Nay chúa thượng chuyên chế một phương, quan liêu đều tự quyền cất đặt, một lời nói ra ai còn dám trái. Thần xin hiến một kế, theo kế ấy thì không phải nộp thuế, mà giữ được đất đai và có thể dựng nên nghiệp lớn”. Chúa hỏi kế gì. Duy Từ thưa rằng : “Muốn mưu đồ sự nghiệp vương bá, cần phải có kế vạn toàn. Người xưa nói : Không một lần khó nhọc, thì không được nghỉ lâu dài, không phí tổn tạm thời thì không được yên ổn mãi mãi. Thần xin hiến bản vẽ, đem quân dân hai trấn đắp một cái lũy dài, trên từ chân núi Trường Dục, dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất mà đặt chỗ hiểm để vững biên phòng. Quân địch có đến cũng không làm gì được”. Chúa theo kế ấy, bèn huy động đông quân dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng thì xong.

Chúa lại hỏi Duy Từ về kế trả lại sắc. Duy Từ thưa rằng : “Nên đúc một cái mâm đồng hai đáy, giấu sắc vào trong, ngoài sắm đủ vàng bạc lễ vật, lấy tướng thần lại là Văn Khuông 文匡 (không rõ họ) làm sứ đi tạ ơn. Thần xin nghĩ hơn mười câu vấn đáp để trao cho mang đi, tùy cơ ứng đối. Đem [mâm ấy] tiến cho chúa Trịnh, rồi thừa cơ mà ra về. Làm thế thì họ Trịnh mắc kế ta vậy”.

Chúa theo lời, sai Văn Khuông vâng mệnh đi Đông Đô. Văn Khuông đến. Trịnh Tráng vời vào yết kiến, hỏi : “Trước đây, việc đòi nộp lễ cống nhà Minh, Nam chúa lâu không nộp là tại sao?”. Văn Khuông nói : “Voi và thuyền, không phải là lệ cống nhà Minh, sợ người truyền lệnh nói không đúng cho nên không dám vâng mệnh”. Hỏi : “Sao không cho con đến làm con tin?” Trả lời : “Nam Bắc nghĩa như một nhà, đã thành tín với nhau thì dùng con tin làm gì?”. Hỏi : “Hoàng đế vời Nam chúa đi đánh Cao Bằng, cớ sao không đến?”. Trả lời : “Giặc Cao Bằng là giặc khốn cùng, sức quân Trung Đô cũng thừa đánh. Chúa tôi vâng mệnh giữ hai xứ Thuận Quảng, phía Nam thì chống Chiêm Thành, phía bắc thì phòng giặc Mạc, chỉ sợ không giữ yên bờ cõi cho nên không dám đi xa”. Hỏi : “Đắp lũy Trường Dục ý muốn chống mệnh vua hay sao?” Trả lời : “Chịu mệnh giữ đất, cần phải phòng bị bờ cõi cho bền, sao gọi là chống mệnh được?” Hỏi : “Tướng tá ở phương Nam thế nào?” Trả lời : “Tài kiêm văn võ như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Dật thì chẳng kém vài chục người”. Hỏi : “Người ta nói Nam chúa là bậc anh hùng hào kiệt, sao không nghĩ đến đánh giặc lập công ?” Trả lời : “Chúa tôi không mê tửu sắc, không thích đàn hát, chỉ muốn đem ân huệ vỗ về dân chúng, uy tín cảm phục người xa. Ở phương Đông thì Mã Cao 瑪糕 [Ma Cao], Lạc Già 勒伽 [Malacca] (đều là thuộc quốc của Tây Phương), ở phương Tây thì Vạn Tượng, Ai Lao, không đâu là sợ phục. Nếu có những bọn Vương Mãng, Tào Tháo tiếm lạm danh nghĩa, giết hại sinh dân thì [chúa tôi] vì nghĩa mà đi đánh, xây dựng công nghiệp, không việc gì lớn hơn thế nữa”. Tráng lặng yên. Quay bảo bầy tôi rằng : “Sứ Nam ứng đối như nước chảy, người Bắc không thể kịp được”. Rồi tiếp đãi rất hậu.

Văn Khuông bưng mâm đồng đầy vàng bạc dâng. Tráng nhận. Văn Khuông ngay hôm ấy lẻn ra cửa đô thành, đi đường biển vượt trở về. Người Trịnh thấy cái mâm đồng hai đáy lấy làm lạ, tách ra xem thì ở trong thấy một đạo sắc và một tờ thiếp viết : “Mâu nhi vô dịch, mịch phi kiến tích, ái lạc tâm trường, lực lai tương địch” [矛而無腋,覔非見跡,愛落心腸,力來相敵] đem trình Tráng. Tráng hỏi bầy tôi, đều không ai hiểu được. Thiếu úy Phùng Khắc Khoan nói rằng : “Đó là ẩn ngữ [dư bất thụ sắc 予不受勑] ta chẳng nhận sắc”.

[Chữ mâu 矛 không có cái nách (dấu phết) ノ thành ra chữ dư 予 (ta)

Chữ mịch 覔  không có chữ kiến 見 là chữ bất 不      (không)

Chữ ái 愛  rơi mất chữ tâm 心  thành ra chữ thụ 受     (nhận)

Chữ lực 力  để cạnh chữ lai 來  thành chữ sắc 勑       (sắc)

Góp lại thành câu “ta không nhận sắc”]

Tráng giận lắm, sai người đuổi bắt Văn Khuông, nhưng không kịp. tức thì muốn kéo quân vào đánh miền Nam, nhưng khi ấy ở Cao Bằng và Hải Dương đều có tin báo cấp nên thôi.

Văn Khuông về, chúa mừng, nói rằng : “Duy Từ thật là Tử Phòng (3. Tử Phòng là Trương Lương, mưu thần của Hán Cao tổ.) và Khổng Minh (4. Khổng Minh là Gia Cát Lượng, quân sư của Lưu Bị thời Tam quốc) ngày nay”. Rồi trọng thưởng. Thăng Văn Khuông làm Cai hợp.

Mùa thu, tháng 9, bắt đầu lấy châu Nam Bố Chính (tức là huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày nay). Bấy giờ tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Kham 阮克勘 (bấy giờ gọi là quận công) giữ châu Bắc Bố Chính, còn tri châu Nguyễn Tịch 阮籍 thủ châu Nam Bố Chính 南布政州. Đào Duy Từ khuyên chúa nên đánh lấy đất của Tịch trước, giữ sông Gianh cho vững cõi Nam. Chúa theo lời, bèn sai Nguyễn Đình Hùng 阮廷雄 (cháu Nguyễn Ư Dĩ, bấy giờ gọi là quận công) đem quân tập kích. Hai bên chống nhau. Đình Hùng ra sức đánh hăng, chém Tịch ở trận, rồi chiếm giữ đất, lập làm dinh Bố Chính (bấy giờ gọi là dinh Ngói 元營), biên dân làm binh, đặt 24 đội thuyền, mà lấy Trương Phước Phấn 張福奮 (có tên nữa là Côn, con Trương Phước Da, bấy giờ gọi là Phấn quận công) để trấn giữ.

Mùa đông, tháng 11, ngày Giáp thân, vương phi là Nguyễn Thị (con gái cả Mạc Kính Điển 莫敬典, trước kia Kính Điển bại vong, theo chú là Cảnh Huống 景貺 ẩn ở chùa Lam Sơn, được tiến vào hầu tiềm để (1. Chỗ vua chúa ở khi chưa lên ngôi.), được cho mang họ Nguyễn) mất, thọ 53 tuổi, tặng hiệu là Doanh Cơ, thụy là Nhã Tiết, an táng ở xã Chiêm Sơn (thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, tức là lăng Vĩnh Diễn).

Tân mùi, năm thứ 18 [1631], mùa hạ, tháng 6, hoàng tử cả là Hữu phủ chưởng phủ sự Kỳ mất. Kỳ ở Quảng Nam, ân uy đều nổi tiếng. Khi mất dân sĩ đều thương tiếc, được gia tặng Thiếu bảo Khánh quận công và được táng theo lễ tước công.

Chúa sai hoàng tử thứ ba là Anh trấn thủ Quảng Nam, hoàng tử thứ tám là Tứ làm tham tướng. Chúa lo Anh là người kiêu ngạo, phóng túng, muốn chọn một người văn thần để trông coi. Văn chức Phạm (không rõ họ) xin đi, tức thì trao chức ký lục. Bấy giờ hoàng tử thứ hai là Nhân Lộc hầu (tức Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế) vốn cùng Phạm bái biệt nói rằng : “Phạm ở đây thì minh công cứ gối cao mà nằm yên”. Từ đó Anh có làm gì hay không, Nhân Lộc hầu hết đều biết cả.

Mùa thu, tháng 8, lũy Nhật Lệ, tức là trường thành Quảng Bình ngày nay, đắp xong. Đầu là chúa sai Đào Duy Từ và Nguyễn Hữu Dật đi Quảng Bình xem xét hình thế sông núi. Bọn Duy Từ đến Quảng Bình xét biết hết những hình trạng cao thấp rộng hẹp. Khi về Duy Từ nói với chúa rằng : “Thần xem từ của biển Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, phía ngoài có nước khe, bùn lầy sâu đọng, nhân đó dùng làm hào rãnh; trong thì đắp lũy Trường Dục”. Chúa ngại khó. Duy Từ nhân cáo ốm, thác ý vào những bài ngâm vịnh để ví, lời rất khích thiết. Chúa liền làm cho. Duy Từ cùng với Hữu Dật trông coi công việc. Duy Từ đến, tính công họp dân để khởi công đắp không lũy dài. Lũy cao 1 trượng 5 thước, ngoài đóng gỗ lim, trong đắp đất, làm năm bực, voi ngựa đi được, dựa núi men khe, dài hơn 3.000 trượng, mỗi trượng đặt một khẩu súng quá sơn, cách 3 hoặc 5 trượng lập một pháo đài, đặt một khẩu súng nòng lớn. Thuốc đạn chứa như núi. Mấy tháng đắp xong lũy, thành một nơi ngăn chặn chia hẳn hai miền Nam Bắc. Lại đặt xích sắt chắn ngang các cửa biển Nhật Lệ 日麗 và Minh Linh 明靈 (1. Nhật Lệ là cửa Đồng Hới, Minh Linh là cửa Tùng).

Chúa cùng Đào Duy Từ ngày đêm mưu tính chống họ Trịnh. Duy Từ mong được người anh tài tiến dẫn giúp chúa. Một hôm Duy Từ nằm mộng thấy một con hùm đen từ phương Nam vào, liền thúc quân vây bắt, bỗng hùm mọc đôi cánh, nhảy lên không bay múa. Tỉnh dậy, Duy Từ ăn mặc chỉnh tề, ngồi chờ. Chợt có người ở xã Vân Trai huyện Ngọc Sơn xứ Thanh Hoa là Nguyễn Hữu Tiến 阮有進 (biểu danh là Thuận Nghĩa 順義) từ ngoài đến, mặc áo đen, cầm quạt lông, bái yết dưới thềm. Duy Từ thấy dáng vẻ không phải người thường, hỏi thì xưng họ tên. Hỏi tuổi thì nói sinh năm Nhâm dần. Duy Từ nghe mừng thầm, cho là ám hợp với mộng, bèn giữ lại cùng bàn bạc. Hữu Tiến thông minh, khỏe mạnh, mưu lược, Duy Từ quý trọng lắm, đem con gái gả cho, rồi tiến lên, chúa cho làm đội trưởng, coi thuyền Địch cần quân Nội thủy. Hữu Tiến thường ban đêm diễn tập quân lính. Trong quân có kẻ trái luật, lập tức chém người Kỳ trưởng (2. Người cầm cờ trong đội) để thế mệnh, cả quân đều sợ. Duy Từ nghe thấy kinh ngạc, vội vào hầu. Bấy giờ chúa đương ngồi xem Chiến quốc sách. Nhân cùng bàn đến binh pháp xưa nay, Duy Từ ung dung nói đến chuyện Tôn Vũ Tử 孫武子 dạy binh pháp ở cung vua Ngô mà chém ái cơ của vua. Chúa rất khen vua Ngô là người quyết đoán, Tôn Vũ Tử là người nghiêm, cho nên mới dựng nên nghiệp bá. Duy Từ nhân đấy đem việc Hữu Tiến chém người Kỳ trưởng để xin tội. Chúa nói rằng : “Binh không đều thì giết, có tội gì ?”. Rồi dần thăng Hữu Tiến làm cai đội. Từ đó sĩ tốt ai cũng sợ phục.

Đặt ty Nội pháo tượng (3. Nội pháo tượng : thợ đúc súng ở trong nội) và hai đội Tả Hữu pháo tượng. Lấy dân hai xã Phan Xá, Hoàng Giang (thuộc huyện Phong Lộc) lành nghề đúc súng sung bổ vào (ty Nội pháo tượng 1 thủ hợp, 1 ty quan, 38 người thợ; hai đội Tả Hữu pháo tượng thì 12 ty quan, 48 người thợ. Việc đúc đại bác, mỗi khẩu dùng 12 khối sắt, 10 cân gang, tiền than 3 quan 5 tiền. Đúc súng tay thì cứ 10 cây dùng 30 khối sắt, 30 cân gang, 10 quan tiền than).

Nhâm thân, năm thứ 19 [1632], mùa hạ, tháng 6, có lệnh mua hết các sản vật hồ tiêu, kỳ nam, yến sào, cho triệu Đào Duy Từ vào định giá. Duy Từ có ý muốn can, mặc áo người buôn tiến vào, chúa hiểu ý, bèn bãi lệnh mua.

Bắt đầu thi hành phép duyệt tuyển [duyệt dân tuyển lính], theo lời Đào Duy Từ xin. Phép ấy lược theo quy lệ đời Hồng Đức triều Lê : 6 năm một lần tuyển lớn, 3 năm một lần tuyển nhỏ. Đến kỳ tuyển thì tháng giêng sai quan khiến các tổng xã làm sổ hộ tịch, chia làm chính hộ và khách hộ, mỗi loại chia các hạng tráng, quân, dân, lão, tật, cố, cùng, đào (1. Tật : người tàn tật; cố : người làm thuê; cùng : người nghèo khốn; đào : người bỏ trốn.), cứ đến tháng 6 thì duyệt tuyển. Ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang đặt một trường, ba huyện Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh đặt một trường, hai huyện Khang Lộc, Lệ Thủy và châu Nam Bố Chính đều mỗi nơi một trường. năm phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Hoài Nhân, Phú Yên, mỗi phủ một trường. Trong một tháng tuyển xong, chiếu từng hạng định lệ thu thuế theo ngạch bực khác nhau.

(Phép thuế thì có tiền sai dư (2. Tiền sai dư : Đã chú thích ở trên.) :  ở Thuận Hóa, về chính hộ người tráng hạng nộp 2 quan, quân hạng 1 quan 5 tiền, dân hạng 8 tiền, lão hạng 1 quan, tật hạng, cố hạng đều 5 tiền, cùng hạng 3 tiền, đào hạng 2 tiền. Về khách hộ thì tráng hạng 1 quan, quân hạng 7 tiền, dân hạng, lão hạng đều 5 tiền, các hạng cố, cùng, đào, tật đều được miễn. ở Quảng Nam, chính hộ thì tráng hạng 2 quan, quân hạng 1 quan 7 tiền, dân hạng 8 tiền, lão hạng 9 tiền; cố hạng lại chia làm 3 hạng : hạng nhất 1 quan 5 tiền, hạng nhì 1 quan, hạng ba 7 tiền; tật hạng 6 tiền, cùng hạng 3 tiền, đào hạng 2 tiền. Về khách hộ thì tráng hạng 1 quan 2 tiền, quân hạng 1 quan, dân hạng, lão hạng đều 6 tiền, tật hạng 4 tiền, các hạng cùng, đào được miễn. Lại có tiền thường tân [cơm mới], tiền tiết liệu [lễ tết], tiền thay cước mễ [gạo cước], tùy hạng mà thu, nhiều ít không giống nhau, duy hai hạng cùng, đào ở trong chính hộ và các hạng trong khách hộ thì đều được miễn. Tóm lại thuế chính hộ thì nặng, thuế khách hộ thì nhẹ. Đó là đại lược vậy).

Số binh đinh có khuyết thì chiếu trong quân hạng mà tuyển bổ. Mỗi khi đến kỳ tuyển lớn thì có lệnh cho học trò các huyện đều đến trấn dinh để khảo thí một ngày. Phép thi dùng một bài thơ, một đạo văn sách, hạn trong một ngày làm xong, lấy tri phủ tri huyện làm sơ khảo, ký lục làm Phước khảo. Người thi trúng thì cho làm nhiêu học, miễn thuế sai dư năm năm. Kỳ ấy gọi là “thi quận vào mùa xuân 春天郡試 [xuân thiên quận thí]”. Lại thi viết chữ Hoa văn [華文字體 Hoa văn tự thể] (3. Hoa văn : chữ Trung Hoa, tức chữ Hán), người nào trúng thì được bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử, Tướng thần lại. Ba ty có khuyết thì người quyên tiền nộp thóc cũng được sung bổ.

Lấy Tôn Thất Tuấn 尊室俊 (con Tôn Thất Diễn 尊室演) làm trấn thủ dinh Quảng Bình.

Mùa đông, tháng 10, Tống Phước Thông 宋福通 (bấy giờ làm cai cơ) trốn về với họ Trịnh. Đầu là con gái Phước Thông là Tống thị lấy hoàng tử cả là Kỳ, sinh được 3 con trai, Phước Thông mừng cho rằng sau này hẳn được vinh hiển. Kịp khi Kỳ mất, Phước Thông đại thất vọng, bèn dẫn gia quyến lẻn ra cửa Eo [ 渜海口 Noãn Hải Khẩu] (1. Chữ Hán là 渜 đọc là Noãn hải khẩu hay cửa Noãn. nhưng xét cửa biển này tục gọi là cửa Eo, mà Phủ biên tạp lục có chỗ chép là Yêu môn, nên chúng tôi đoán rằng chữ           có lẽ là do chữ        (đọc là eo), in lầm thành.), nay là cửa biển Thuận An [ 順安海口 Thuận An hải khẩu], trốn đi, duy có Tống thị ở lại.

Quý dậu, năm thứ 20 [1633], mùa xuân, tháng 3, Trịnh Tráng sai Trịnh Tạc 鄭柞 là trấn thủ Nghệ An đem thủy quân đóng đồn ở của biển Kỳ La 奇羅海口 (thuộc huyện Kỳ Anh), Trịnh Lệ 鄭棣 đem bộ binh đóng đồn ở châu Bắc Bố Chính.

Mùa thu, tháng 8, triệu trấn thủ Quảng Bình là Tôn Thất Tuấn về, cho Nguyễn Phước Kiều thay. Tuấn ở Quảng Bình, hiệu lệnh nghiêm minh, quan dân yên ổn. Bấy giờ Anh ở Quảng Nam ngầm có chí khác, muốn ra trấn Quảng Bình để tiện được thông với họ Trịnh, bèn mật sai người ra bàn mưu với văn chức Quảng Bình là Lý Minh (không rõ họ). Lý Minh tập hợp những bọn bất mãn ở trong hạt mình cai quản, kiện vu cho Tuấn là lấn xét hà khắc trăm họ, xin đổi Tuấn đi nơi khác để Anh ra thay. Chúa lúc đầu tin lời, bãi Tuấn mà vời Anh. Nhưng Anh đi săn xa hơn một tuần không về. Chúa giận lắm, bèn cho Kiều thay, Kiều đến trấn, yêu thương quân dân, người đều tin phục. Do đấy Anh thất vọng, lại sai người hỏi kế Lý Minh. Lý Minh mật thư báo rằng : “Nguyễn Phước Kiều mới lại, dân đương ái mộ, huống chi lại là họ ngoại [con rể] của chúa, thế khó lung lay. Nhưng là người nhút nhát nếu được quân Bắc đến bức thì hắn hẳn chạy trước, khi ấy mà mưu thì việc gì cũng được”. Anh mừng, tức thì viết thư sai người đem đi xin quy thuận với họ Trịnh.

Mùa đông, tháng 12, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, tự thống lĩnh đại quân thủy bộ thẳng tới cửa biển Nhật Lệ.

Chúa sai đại tướng Nguyễn Mỹ Thắng 阮美勝 và đốc chiến Nguyễn Hữu Dật đem quân chống cự. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều xin đóng cọc gỗ để chặn của biển. Nguyễn Hữu Dật xin đắp lũy Trường Sa để bảo vệ lũy chính. Chúa đều theo cả. Quân Trịnh bắn súng làm hiệu. Không thấy Anh đến tiếp ứng. Tráng ngờ, lui quân xa lũy để chờ. Hơn một tuần, quân Trịnh chán nản, quân ta xông ra đánh mạnh. Quân Trịnh vỡ chạy, chết quá nửa. Tráng bèn lấy Nguyễn Khắc Liệt (con Nguyễn Khắc Kham) cho giữ châu Bắc Bố chính rồi rút quân về.

Giáp tuất, năm thứ 21 [1634], mùa đông, tháng 10, nội tán Đào Duy Từ bệnh nặng, chúa thân tới thăm. Duy Từ khóc và nói rằng : “Thần gặp được thánh minh, chưa báo đền được chút đỉnh, nay bệnh ốm đến thế này, còn nói gì nữa”, rồi chết, năm ấy 63 tuổi. Chúa thương tiếc không nguôi, tặng là Hiệp mưu đồng đức công thần đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, đưa về táng ở Tùng Châu. (Cha là Đào Tá Hán 陶佐漢, mẹ là Nguyễn thị, sau đều được phong tặng). Duy Từ có tài lược văn võ, phàm đã mưu tính trù hoạch gì, hễ làm thì trúng thời cơ, giúp việc nước có 8 năm mà công nghiệp rỡ ràng, đứng hàng đầu công thần khai quốc. (Năm Gia Long thứ 5, cho tòng tự tại Thái miếu; năm Minh Mệnh thứ 12, được phong tước Hoằng quốc công. Tập sách Hổ trướng khu cơ 虎帳樞機集 do ông làm còn lưu truyền ở đời).

Tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt mật khiến người tâm phúc đến đưa tin hẹn phản họ Trịnh để theo về. Chúa nhận lời, hẹn Khắc Liệt đến họp. Khắc Liệt thân đến kết ước. Trở về rồi, bèn đắp thêm đồn Phật Cương, và chia quân đóng giữ Hoành Sơn. Trịnh Tráng nghe biết lo rằng đánh ngay thì sinh biến, nên hãy để yên. Khắc Liệt tự lấy làm đắc chí, ngày càng thêm kiêu ngạo càn rỡ. Vì thế chúa không tin nữa.

Ất hợi, năm thứ 22 [1635] (Lê Dương Hòa năm 1, Minh Sùng Trinh năm 8), mùa đông, tháng 10, vua Lê đổi niên hiệu là Dương Hòa.

Tôn Thất Hắc mất ở Đông Đô, vua Lê tặng chức Thái tể.

Ngày Đinh hợi, chúa không khỏe, triệu thế tử Nhân Lộc hầu và Tôn Thất Khê vào chầu, bảo Khê rằng : “Ta vâng nối nghiệp trước, chí ta cốt trên giúp nhà vua, dưới cứu sinh dân. Nay Thế tử chưa lịch duyệt, mọi việc lớn quân quốc ta ủy hết cho hiền đệ quyết định”. Khê cúi đầu khóc nói: “Thần dám đâu không đem hết sức ngựa hèn để lo báo đáp”. Chúa lại nói : “Khắc Liệt là tiểu nhân phản bội, trước kia ta cùng nó ước hẹn, cũng là kế chiêu nạp tạm thời. Các ngươi chớ nên quá tin nó mà lo về sau”. Thế tử và Khê lạy khóc vâng mệnh. Hôm ấy chúa băng, ở ngôi 22 năm, thọ 73 tuổi. Thế tử nối ngôi, đem quần thần dâng thụy hiệu là Đại đô thống trấn nam phương tổng quốc chính Dực Thiện Tuy Du Thụy Dương vương. Trước táng ở núi Quảng Điền, sau cải táng ở núi Hải Cát (tên phường thuộc huyện Hương Trà). Thế tông Hiếu vũ hoàng đế truy tôn là Tuyên tổ Hiển Mô Quang Liệt Ôn Cung Minh Duệ Dực Thiện Tuy Du Hiếu văn vương [và truy tôn] phi là Huy Cung Từ Thuận phi. Năm Gia Long thứ 5 truy tôn làm Hiển Mô Quang Liệt Ôn Cung Minh Duệ Dực Thiện Tuy Du Hiếu văn hoàng đế, miếu hiệu là Hy tông, lăng gọi là Trường Diễn, [truy tôn] phi làm Huy Cung Từ Thận Ôn Thục Thuận Trang Hiếu văn hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Diễn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter