Thực lục về Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế Nguyễn Phúc Lan

Thần tông Thừa Cơ Toản Thống Cương Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Võ Hiếu chiêu hoàng đế, húy là [Phước Lan], sinh năm Tân sửu [1601]

(Lê Hoằng Định năm 2, Minh Vạn Lịch năm 29), là con thứ hai của Hy tông Hiếu văn hoàng đế. Mẹ là Hiếu văn hoàng hậu Nguyễn thị. Đầu được phong Phó tướng Nhân Lộc hầu. Mùa hạ năm Tân mùi, hoàng tử cả là Kỳ mất, chúa được lập làm Thế tử, mở dinh Thuận Nghĩa. Năm ất hợi, mùa đông, tháng 10, ngày Đinh hợi, Hy tông Hiếu văn hoàng đế băng hà. Bấy giờ chúa 35 tuổi. Các quan vâng lời di mệnh tôn làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm tổng bình chương quân quốc trọng sự thái bảo Nhân quận công. Bấy giờ gọi là Chúa Thượng 上主. Chúa đã nắm chính quyền, lấy ơn huệ vỗ về dân chúng. Bấy giờ mưa nắng thuận hòa, nước giàu dân thịnh, có cảnh tượng thái bình rực rỡ.

Trấn thủ Quảng Nam là Anh làm phản bị giết. Đầu là Hy Tông sai Anh làm trấn thủ Quảng Nam. Anh đến trấn, ngầm mang chí khác, muốn cướp ngôi thế tử, nuôi riêng dũng sĩ vài trăm người, bí mật ghi họ tên vào sổ “đồng tâm hướng thuận”. Từng viết mật thư đầu hàng họ Trịnh, nhưng công việc không thành. Đến đây nghe tin chúa lên ngôi, Anh tức thì phát binh làm phản, cùng Ký lục là Phạm mưu đắp lũy Cu Đê làm kế cố thủ và bày thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống lại quân chúa. Phạm lẻn về đem tình trạng làm phản ấy trình chúa. Chúa triệu Tôn Thất Khê vào, khóc mà bảo rằng: “Anh bất hiếu bất cung, tội không tha được. Nhưng tôi là con đương ở vào cảnh  tang tóc đau thương, nay cầm dao mà đâm kẻ ruột thịt với mình, lòng tôi thực không nỡ. Vả vì một người mà làm lụy đến trăm họ, điều đó người nhân giả cũng lấy làm thương tâm. Vậy tôi muốn nhường ngôi để tắt sự tranh giành, chú nghĩ thế nào?” Khê thưa rằng: “Tội Anh tất phải giết, thần và người đều giận, lẽ nào nín náu để hại đến nghĩa lớn ư? Thần xin lấy nghĩa mà cắt đứt ơn riêng, để tỏ rõ phép nước”. Chúa gạt nước mắt nghe theo. Rồi sai Bùi Hùng Lương, Tống Triều Phương lãnh thủy sư tiến đến vụng Trà Sơn; Tôn Thất Yên, Tống Văn Hùng lãnh bộ binh tiến đến lũy Cu Đê, hai đạo giáp đánh. Bấy giờ cai đội bộ binh là Dương Sơn (không rõ họ) cùng Tôn Thất Tuyên đem quân theo đường tắt, đánh thẳng vào Quảng Nam. Dương Sơn đến trước, xông vào dinh bắt được quyển sổ đồng tâm. Tuyên tiếp đến sau, phóng lửa đốt. Anh sợ chạy trốn về phía cửa biển Đại Chiêm (1. Tức Cửa Đại.). Tuyên đuổi theo bắt được, đóng gông giải về. Anh nằm rạp xuống sân kêu van. Chúa còn không nỡ giết. Khê và các tướng đều xin rằng: “Anh phản nghịch, tội rất lớn. Phải xử theo phép nước để răn bọn loạn tặc”. Chúa bèn theo lời, sai Khê theo sổ đồng tâm mà bắt giết hết.

Chúa hậu thưởng cho Tôn Thất Tuyên. Ban yến để ủy lạo tướng sĩ, rồi thăng Bùi Hùng Lương làm Chưởng dinh trấn thủ Quảng Nam, Dương Sơn làm cai cơ, Phạm làm nội tán. Các người khác đều được thăng trật theo thứ bực khác nhau.

Chúa cho rằng Tôn Thất Khê có công lớn, thưởng cho một cỗ kiệu sơn then và một quả ấn đồng.

Tháng 12, dời công phủ sang xã Kim Long (thuộc huyện Hương Trà). Trước là Hy tông từ Dinh Cát dời sang Phước Yên, đất hơi chật hẹp, chúa cho rằng Kim Long là nơi núi sông đẹp tốt, bèn sai dựng cung thất, xây thành quách, đến bấy giờ mới dời sang đây.

Lấy Tống Hữu Đại 宋有大 làm trấn thủ Cựu dinh 舊營 (tức là dinh Ái Tử 愛子營).

Bính tý, năm thứ 1 [1636] (Lê Dương Hòa năm 2, Minh Sùng Trinh năm 9), mùa xuân, tháng giêng, sai sứ ra cáo phó với nhà Lê.

Tháng 2, vua Lê sai Lại khoa cấp sự trung là Nguyễn Quang Minh và Binh khoan cấp sự trung là Nguyễn Thật đem vàng bạc đến phúng. Bọn Quang Minh đến, sửa nghi lễ tế điếu đầy đủ, khi về, chúa tặng rất hậu.

Đinh sửu, năm thứ 2 [1637], mùa hè, Thuận Hóa đói to. Chúa sai mở kho để chẩn cấp.

Mậu dần, năm thứ 3 [1638], lấy các chức nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu làm tứ trụ đại thần.

Kỷ mão, năm thứ 4 [1639], mùa xuân, tháng 2, vợ lẽ cố Tôn Thất Kỳ 尊室淇 [Nguyễn Phúc Kỳ] là Tống thị vào yết kiến. Tống thị có vẻ xinh đẹp, khéo ứng đối, từng nhân việc vào ra mắt, đem tình trạng đau khổ kêu xin và xâu một chuỗi [ngọc] bách hoa (1. Chuỗi ngọc nhiều sắc như trăm hoa. 百花串 bách hoa xuyến) để dâng. Chúa thương tình, cho được ra vào cung phủ. Thị thần có người can, nhưng chúa không nghe.

Cho Tham khám là Trần Văn Lễ một khoảnh tự điền (2. Một khoảnh là 100 mẫu.) (ở xã Phú Kỳ, huyện Minh Linh), cho con là Trần Văn Đạo được ấm thụ làm Tri phủ.

Cấp cho Chưởng thái giám Nguyễn Đình Quý một phường dân ngụ lộc (phường Vạn Lộc, huyện Quảng Điền).

Canh thìn, năm thứ 5 [1640], mùa thu, tháng 8, quân ta lấy được châu Bắc Bố Chính, Trịnh Tráng triều Lê giết tướng là Nguyễn Khắc Liệt. Đầu là Khắc Liệt đi lại với ta, Hy tông nhân vỗ về. Đến khi chúa lên ngôi, Khắc Liệt đem lòng nghi sợ, lại quấy rối châu Nam Bố Chính. Quan lại ở biên thùy đem việc ấy báo về, chúa giận lắm, hợp các tướng bàn, Nguyễn Hữu Dật nói: “Khắc Liệt là kẻ tiểu nhân phản bội, Trịnh Tráng bề ngoài dù có tin dùng, nhưng bề trong vẫn ngờ ghét. Thần xin làm kế phản gián, phao thư cho họ Trịnh nói Khắc Liệt đã cùng ta giao ước là giả làm không hòa, khi quân ta đánh úp thì giả vờ thua chạy về dụ Tráng đến để giết. Làm như thế để khích thêm lòng giận của Tráng. Ta nhân cho quân ngầm vượt sông Gianh, đón Khắc Liệt đến họp, để nhắc lời ước cũ, thừa lúc không phòng bị mà đánh úp luôn, Khắc Liệt chẳng bị ta bắt cũng bị họ Trịnh giết”. Chúa theo kế ấy. Trịnh Tráng được thư, quả nhiên giận lắm. Tức thì sai Thái úy Trịnh Kiều đem 5.000 quân vào Bắc Bố Chính bắt Khắc Liệt. Đến nơi thì Khắc Liệt đã bị tướng ta là Nguyễn Phước Kiều và Trương Phước Phấn đánh chạy rồi. Trịnh Kiều cho rằng Khắc Liệt giả đò thua, bắt giải về cho Trịnh Tráng giết. Quân ta bèn lấy được đất châu Bắc Bố Chính.

Chúa nghe tin cười mà nói rằng: “Họ Trịnh rơi vào mẹo của ta rồi”. Liền thăng cho Hữu Dật làm giám chiến, khao các tướng sĩ, sai người đến Đông Đô để trình bày tội tham bạo của Khắc Liệt. Trịnh Tráng lại phục thư nói về tình nghĩa lâu đời, và xin trả lại đất Bắc Bố Chính. Chúa ra lệnh trả cho.

Bấy giờ chúa thấy  biên cương không có việc đáng lo, thường chăm yến tiệc vui chơi, xây dựng cung thất công dịch không ngớt. Nội tán Phạm (bấy giờ gọi là Vân Hiên hầu) can rằng: “Thần nghe bực vương giả dùng người hiền làm cột, lấy đức tốt làm thành, ung dung rủ áo chắp tay (3. Truyền thuyết cho rằng những vua đời thượng cổ, ở cảnh thái bình, chỉ khoác áo chắp tay ra chầu, chứ không có việc gì phiền phức.) mà yên vững như núi Thái. Xưa kia Nghiêu Thuấn dùng nhà cỏ tranh không xén, xà mộc không đẽo, mà chư hầu cảm nhận, bốn rợ mến đức, hà tất phải nhà cao cửa rộng mới yêu thích đâu? Nay họ Trịnh trên thì ép vua Lê, dưới thì hiếp công khanh, vốn có ý nhòm ngó ta. Chúa nên lo lắng siêng năng, xem xét thời cơ, mở mang bờ cõi, nếu không nghĩ điều ấy mà chỉ chăm việc thổ mộc, thì thần chưa biết như thế có nên không”. Chúa nghe, đổi sắc mà nói: “Đấy đều là do người ta xu nịnh bày ra, thực không tự ý ta”. Tức thì ra lệnh đình bãi các việc.

Tân tỵ, năm thứ 6 [1641], mùa hạ tháng 5, trời hạn, lúa khô héo, mỗi đấu gạo trị giá 60 đồng tiền, dân chết đói nhiều. Chúa trai giới khấn thầm, rồi được mưa, mùa lại được. Trăm họ đều yên nghiệp làm ăn.

Nhâm ngọ, năm thứ 7 [1642], mùa hạ, tháng 5, chúa thấy nước nhà phong phú, có chí đánh miền Bắc, từng kén chọn bộ binh, thao diễn trận pháp. Một hôm chúa ngự thuyền rồng đi chơi cửa Eo, thấy thủy quân không được chỉnh tề, bèn ra lệnh cho ba huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang làm trường thao diễn thủy quân ở xã Hoằng Phước (tức xã Hồng Phước, thuộc huyện Phú Vang bây giờ), đắp núi đất cao hơn 30 thước, rộng hơn 150 thước, cứ đến kỳ tháng 7 thì thao diễn phép bơi chèo và bắn súng, ai trúng thì thưởng vàng lụa. Từ đấy trở đi thủy quân đều tinh luyện.

Quý mùi, năm thứ 8 [1643] (Lê Phước Thái năm 1, Minh Sùng Trinh năm 16), mùa xuân, tháng 2, Trịnh Tráng nhà Lê sai Thái bảo Trịnh Tạc và Trịnh Đệ thống lãnh đại quân, Thị lang Nguyễn Quang Minh, Tự khanh Phạm Công Trứ và Nguyễn Danh Thọ làm tham tán quân vụ để xâm phạm châu Nam Bố Chính của ta. Thủ tướng Bùi Công Thắng cố sức đánh bị chết. Quân Trịnh bèn phạm vào cửa biển Nhật Lệ.

Tháng 3, Trịnh Tráng dẫn vua Lê đi, đến đóng quân ở xã An Bài (thuộc châu Bắc Bố Chính).

Mùa hạ, tháng 4, Trịnh Tráng sai Trịnh Đào đánh lũy Trung Hòa. Quân ta phòng thủ rất vững, Đào đánh không được. Bấy giờ trời nắng lắm, quân Trịnh nhiều người ốm chết.

Mùa đông, tháng 10, vua Lê nhường ngôi cho Thái tử Duy Hựu 維祐, đổi niên hiệu là Phước Thái, tức là Chân Tông 真尊. Tôn vua Lê làm Thái thượng hoàng.

Giáp thân, năm thứ 9 [1644] (Lê Phước Thái năm 2, Thanh Thế tổ Thuận Trị năm 1, Minh hậu Phước vương Hoằng Quang năm 1), mùa hạ, tháng 4, dựng miếu Hy Tông ở dinh cũ Phước Yên. Chúa thường đến xem.

Thế tử Dũng Lễ hầu 勇禮侯 (tức là Phước Tần, Thái tông Hiếu triết hoàng đế) đánh phá giặc Ô Lan 烏闌 (1. Ô Lan: Tức Hà Lan bây giờ.) ở cửa Eo. Bấy giờ giặc Ô Lan đậu thuyền ngoài biển, cướp bóc lái buôn. Quân tuần biển báo tin. Chúa đương bàn kế đánh dẹp. Thế tử tức thì mật báo với Chưởng cơ Tôn Thất Trung 尊室忠 (con thứ tư của Hy Tông), ước đưa thủy quân ra đánh, Trung lấy cớ chưa bẩm mệnh, ngần ngại chưa quyết. Thế tử đốc suất chiến thuyền của mình tiến thẳng ra, Trung bất đắc dĩ cũng đốc suất binh thuyền theo đi, đến cửa biển thì thuyền Thế tử đã ra ngoài khơi. Trung lấy cờ vẫy lại, nhưng Thế tử không quay lại. Trung bèn giục binh thuyền tiến theo. Chiếc thuyền trước sau lướt nhanh như bay. Giặc trông thấy cả sợ, nhằm thẳng phía đông mà chạy, bỏ rơi lại một chiếc thuyền lớn. Thế tử đốc quân vây bắn. Tướng giặc thế cùng phóng lửa tự đốt chết. Thế tử bèn thu quân về.

Chúa mới nghe tin Thế tử đi có một mình cả sợ, bèn tự đốc suất đại binh tiếp ứng, vừa tới cửa biển, xa trông khói đen bốc mù trời, kíp ra lệnh cho các quân tiến lên. Tới khi được tin thắng trận, chúa mừng lắm, kéo quân về hải đình để chờ. Thế tử đến bái yết. Chúa giận trách rằng: “Mày làm Thế tử, sao không thận trọng giữ mình?”. Lại thiết trách Trung về tội không bẩm mệnh. Trung cúi đầu tạ tội giờ lâu, rồi nhân khen ngợi oai phong anh dũng của Thế tử không ai kịp được. Chúa cười nói rằng: “Trước kia tiên quân ta đã từng đánh phá giặc biển, nay con ta cũng lại như thế. Ta không lo gì nữa”. Bèn trọng thưởng cho, rồi khiến xa giá về cung.

Ất dậu, năm thứ 10 [1645] (Lê Phước Thái năm 3, Thanh Thuận Trị năm 2, Minh Hậu Đường vương Long Vũ năm 1), mùa đông, tháng 11, lấy Nguyễn Triều Văn 阮朝文 làm tham tướng thủy dinh Quảng Bình (bấy giờ gọi là Dinh Trạm).

Bính tuất, năm thứ 11 [1646], mùa thu, tháng 7, tổng trấn Tôn Thất Khê mất. Khê là người họ thân của chúa, giúp việc chính trị trước sau 41 năm, trải quan ba triều, đức lớn công to, làm chỗ dựa quan trọng của đương thời, khi mất 58 tuổi. Chúa thương tiếc lắm, tặng Tá lý tôn thần bình chương quân quốc đại sự Tường quận công, Thụy là Trung Nghị (năm Gia Long thứ 5 cho tòng tự ở Thái miếu; năm Minh Mệnh thứ 12 phong Nghĩa Hưng quận vương).

Định phép thi 9 năm một kỳ. Ra lệnh cho các học trò về khoa chính đồ 正途 (1. Chính đồ: Khoa thi lấy người thi đậu ra làm quan, tương tự như thi Hương thi Hội ở Bắc.) và khoa hoa văn 華文 (2. Hoa văn: Khoa thi lấy học trò viết chữ tốt ra làm lại.) đều đến công phủ để ứng thí.

Chính đồ thi 3 ngày, ngày thứ nhất thi tứ lục, ngày thứ hai thi thơ phú, ngày thứ ba thi văn sách. Lấy văn chức, tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, cai bạ, ký lục, nha úy làm giám khảo, nội tả, nội hữu, ngoại tả, ngoại hữu làm giám thí. Người thi trúng thì làm danh sách để tiến lên, định làm 3 hạng giáp, ất, bính. Hạng giáp là giám sinh, bổ tri phủ tri huyện; hạng ất làm sinh đồ, bổ huấn đạo; hạng bính cũng làm sinh đồ, bổ lễ sinh hoặc cho làm nhiêu học mãn đại.

Hoa văn thi 3 ngày, mỗi ngày đều viết một bài thơ. Người trúng cũng chia làm ba hạng, bổ làm việc ở ba ty Xá sai, Lệnh sử và Tướng thần lại và cho làm nhiêu học.

Đó gọi là thu vi hội thí 秋圍會試 [thi hội mùa thu].

Đinh hợi, năm thứ 12 [1647] (Lê Phước Thái năm 5, Thanh Thuận Trị năm 4, Minh hậu Vĩnh Minh vương Vĩnh Lịch năm 1), mùa thu, tháng 8, bắt đầu mở khoa thi, lấy được 7 người trúng cách về chính đồ, 24 người trúng cách về hoa văn, đều bổ dụng cả.

Được mùa to.

Mậu tý, năm thứ 13 [1648], mùa xuân, tháng giêng, quân họ Trịnh đến xâm lấn. Chúa sai Thế tử Dũng Lễ hầu đánh phá được. Trước là Tống thị đã được vào chầu cung phủ, đưa đón thỉnh thác, của cải chất đầy như núi. Chưởng cơ Tôn Thất Trung mưu giết đi. Tống thị sợ, nhân cha là Phước Thông được Trịnh Tráng tin dùng, bèn viết mật thư và xâu một chuỗi ngọc bánh hoa bằng trân châu, sai người đem đưa cho Phước Thông để biếu họ Trịnh, lại xin Tráng cất quân, nguyện đem gia tài để giúp lương quân. Tráng nhận được thư mới bàn việc xâm lấn miền Nam. Đến đây sai đô đốc Trịnh Đào thống lãnh các đạo quân thủy bộ kéo vào xâm lấn.

Tháng 2, thủy binh của Trịnh xâm phạm cửa biển Nhật Lệ. Thủ tướng là Hoành Lễ (không rõ họ) cự chiến thua chạy, cầu viện với trấn thủ Nguyễn Phước Kiều. Kiều sai tham tướng Nguyễn Triều Văn đem chiến thuyền đến cứu viện. Triều Văn nhút nhát không tiến, đậu lại ở Hạc Hải. Quân Trịnh bèn tiến bức dinh Quảng Bình. Cai đội là Trương Triều Lương, Trương Triều Nghị đốc suất đồn binh hơn 400 người cố đánh bị chết. Ký lục là Thịnh Hội (không rõ họ) đánh không lợi, lẻn sang sông về. Quân Trịnh tiến đóng đồn ở xã Võ Xá. Trấn thủ Bố Chính là Trương Phước Phấn cùng với con là Hùng giữ  lũy Trường Dục. Quân Trịnh đánh tợn mà không được, gọi là “Phấn cố trì 奮固持”.

Chúa nghe tin báo, sai Thế tử Dũng Lễ hầu tiết chế các dinh, sai Chưởng dinh Tôn Thất Lộc, Trấn thủ cựu dinh Tống Hữu Địa và Giám chiến Nguyễn Hữu Dật lãnh bộ binh, cùng Tham tướng Nguyễn Triều Văn lãnh thủy binh, chia đường đều tiến. Chúa thân đốc đại binh, bày trại ở xã Trung Chỉ (thuộc huyện Đăng Xương). Có một bà già đem tiến đậu đỏ dài. Chúa hỏi: “Quân ta đánh giặc có thể thắng không”? Bà già đáp: “Mười phần chắc thắng”. Chúa mừng, hậu thưởng cho, nhân thế gọi tên trại ấy là trại Toàn Thắng. (Một thuyết nữa nói: Xã Lập Trạch có người đàn bà tên là Thị Thắng, thường hay dòm ngó tình hình quân Trịnh về báo cho quan quân. Nhân lúc chúng không phòng bị [quân ta] đánh, quân Trịnh thua to, nên mới đặt tên đất này là trại Toàn Thắng).

Ngày Mậu thìn, chúa không được khỏe, sai Thế tử thay làm tướng. Bấy giờ các quân tiên phong đến xã An Đại, gặp gió ngược nổi to, Tôn Thất Lộc muốn đóng quân để cố giữ. Hữu Dật ngửa trông phương nam, thấy có một đám mây đỏ như cái lọng, ánh sáng rực rỡ, phương bắc có đám mây trắng, tản mát như tuyết, mừng bảo Lộc rằng: “Nghiệm vẻ trời này là điềm phương nam đại thắng, cố giữ làm gì?” Lộc còn ngờ. Hữu Dật lại nói: “Quân nó dẫu nhiều, nhưng men núi mà đi, chưa biết địa hình khó dễ thế nào, nay ta lựa những chiến sĩ dũng cảm, chẹt nơi hiểm để xung kích, thì tất thắng được”. Bèn chỉnh quân đều tiến, gặp bộ binh của Trịnh, đánh gấp phá được, thế quân rất mạnh.

Thế tử đến dinh Quảng Bình. Trấn thủ Nguyễn Phước Kiều xin giữ lũy Trường Dục để làm kế cố thủ. Ký lục Thịnh Hội nói rằng: “Quân nó đi sâu vào đất ta, kiêu ngạo không phòng bị, ta góp sức mà đánh hẳn được toàn thắng”. Thế tử mừng bảo các tướng rằng: “Quân Trịnh tuy nhiều nhưng ít người đánh giỏi, quân đi không có hàng ngũ, đồn đóng không chọn địa thế. Nếu quân ta nhân đêm, đem voi xông đánh, chúng tất sợ bỏ chạy. Rồi sau đại binh đến đánh thì một trận có thể bắt được”. Tức thì khiến Triều Phương thay Triều Văn đem thủy quân phục ở bên tả sông Cẩm La. Đến đêm sai chưởng cơ Nguyễn Hữu Tiến đem hơn 100 con voi đực, đầu canh năm thẳng vào dinh địch đánh úp. Thế tử đốc các quân theo sau. Bấy giờ quân Trịnh không ngờ quân ta chợt đến, đều sợ chạy cả. Đại quân kế tiến, đánh phá tan. Bọn nào chạy về Bắc thì gặp thủy quân chặn đánh, đều chết đuối cả. Bắt sống được Gia, Lý, Mỹ (đều không rõ họ) và ba vạn tàn quân. Trịnh Đào ở đồn Nam Bố Chính nghe tin, bỏ quân chạy. Thế tử đốc đại binh đuổi đến sông Gianh thì trở về. Bèn để Hữu Tiến lãnh 3.000 quân đóng ở Võ Xá, gọi là đạo Lưa Đôn (bấy giờ gọi là Dinh Mười) để phòng bị. Từ khi Nam Bắc chia cõi đến nay, quân hai miền lần lượt khi được khi thua, chưa có trận nào thắng to bằng trận này. Thực là võ công bực nhất.

Thế tử đến hành tại làm lễ hiến phù (1. Hiến phù: Dâng chiến tù.). Chúa sai đặt yến. Thưởng cho Thế tử và các tướng sĩ theo thứ bực. Bọn chiến tù Trịnh là Gia và Lý đều khóc lạy xin tha, duy có Mỹ là khảng khái không chịu khuất, xin nhẩy xuống biển chết. Chúa khen mà cho ; lại sai thu lấy xác mà táng để nêu tiết tháo.

Chúa cùng các tướng tá bàn cách khu xử những tàn quân bị bắt. Có người cho rằng quân giặc tráo trở để đấy thì sợ sinh biến, không bằng đưa họ đi ở chốn núi sâu hay nơi hải đảo để khỏi lo về sau; lại có người cho rằng giết tướng hiệu đi, còn thì thả về miền Bắc. Chúa nói: “Hiện nay từ miền Thăng (tức phủ Thăng Bình) Điện (tức phủ Điện Bàn) trở vào Nam đều là đất cũ của người Chàm, dân cư thưa thớt, nếu đem chúng an tháp vào đất ấy, cấp cho canh ngưu điền khí chia ra từng bộ từng xóm, tính nhân khẩu cấp cho lương ăn để chúng khai khẩn ruộng hoang, thời trong khoảng mấy năm, thuế má thu được có thể đủ giúp quốc dụng, và sau hai mươi năm, sinh sản ngày nhiều, có thể thêm vào quân số, có gì mà lo về sau!” Bèn tha bọn Gia, Lý và bọn tỳ tướng hơn 60 người về Bắc, rồi chia tan số binh ra cho ở các nơi, cứ 50 người làm một ấp, đều cấp cho lương ăn nửa năm. Lại ra lệnh cho nhà giàu bỏ thóc cho họ vay và cho họ được tìm lấy những lợi núi đầm mà sinh sống. Từ đó từ Thăng, Điện đến Phú Yên, làng mạc liền nhau, về sau sẽ thành hộ khẩu.

Ngày Canh dần, chúa rút quân về. Bệnh nặng.

Ngày Tân mão, về tới phá Tam Giang, băng ở thuyền ngự. ở ngôi 13 năm, thọ 48 tuổi. Thế tử khóc bảo chưởng cơ Tôn Thất Trung rằng: “Nay cha tôi về chầu trời, con không thể gánh vác việc lớn được, xin chú nối ngôi cho yên nước nhà”. Trung cố từ, nói: “Cha con truyền nhau là đạo thường xưa nay. Thế tử nên vâng nối đại thống cho thuận ý trời và lòng người”. Bấy giờ Thế tử mới lên ngôi, đem bầy tôi dâng tôn thụy là Đại nguyên soái thống suất Thuận Hóa Quảng Nam đẳng xứ chưởng quốc chính Uy Đoán Thần Vũ Nhân Chiêu vương. An táng ở núi An Bằng (tên xã, thuộc huyện Hương Trà). Thế tông Hiếu võ hoàng đế truy tôn là Thần tổ Thừa Cơ Toản Thống Cương Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Võ Hiếu chiêu vương và [truy tôn] phi là Trinh Thục Từ Tĩnh Huệ phi. Năm Gia Long thứ 5 [1806] truy tôn là Thừa Cơ Toản Thống Cương Minh Hùng Nghị Uy Đoán Anh Võ Hiếu chiêu hoàng đế, miếu hiệu là Thần tông, lăng gọi là Trường Diên, [truy tôn] phi là Trinh Thục Từ Tĩnh Mẫn Duệ Huệ Kinh Hiếu chiêu hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Diên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter