Lời dụ năm Tự Đức năm thứ 1 [1848]

Tự Đức năm thứ 1 [1848], tháng 12, ngày 22, nhà vua dụ rằng :

Nay cử bọn Sử quán tổng tài là Cố mệnh lương thần phụ chính đại thần Thái bảo Cần chính điện đại học sĩ lãnh Binh bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần kiêm lý Khâm thiên giám kiêm lãnh Quốc tử giám sự vụ Tuy Thịnh quận công Trương Đăng Quế, Ngự tiền đại thần Thái tử thái bảo Đông các đại học sĩ quản lý Lại bộ sự vụ kiêm quản Quốc tử giám sự vụ, kiêm quân Tào chính ấn vụ Vũ Xuân Cẩn, Thái tử Thiếu bảo hiệp biện đại học sĩ lãnh Hộ bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần Hà Duy Phiên, bọn Toản tu là thự Lễ bộ hữu tham tri Đỗ Quang, thự Hàn lâm viện chưởng viện học sĩ Tô Trân, thự Thiêm sự phủ thiêm sự Phạm Hữu Nghi, thự Hồng lô tự khanh Trần Trứ tâu bày rằng : Kính soạn Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế đã xong, xin đem khắc in, xem lời tâu rất thỏa lòng. Vả chăng nước có chính sử, là để tỏ rõ thể thống kỷ cương và truyền bảo cho đời sau, từ xưa đế vương dấy lên, sửa sang xây dựng, không có việc nào lớn bằng việc ấy.

Nhà nước ta, vâng chịu mệnh trời, cõi Nam mở nghiệp, thần truyền thánh kế, hơn hai trăm năm, xây nền Thương dấy nghiệp Chu, nguyên lai kế đã xa lắm.

Kính nghĩ Thế tổ Cao hoàng đế, đức so ngang Thang Võ(1. Thang Võ : Thành Thang nhà Thương, Võ Vương nhà Chu.1), mưu lớn hơn Cao Quang(2. Cao Quang : Hán Cao tổ và Hán Quang Vũ. 2), đương buổi trời gây mây sấm, dấn mình trăm trận can qua. Ba thiêng(3. Ba thiêng : Chỉ trời, đất và người.3) giúp sức, mọi chốn theo về ; lấy được cựu kinh, thống nhất

toàn quốc. Nước Chu tuy cũ, đổi mới mệnh trời. Sáng tỏ nền gây dựng của Liệt thánh hoàng đế ; mở rộng dòng chính thống của Đinh, Lý, Trần, Lê. Trải mười tám năm, thiên hạ đã yên, nghỉ ngơi an dưỡng. Những chế độ kỷ cương, nhân nghĩa đạo đức, dùng để dạy bảo người sau, đầy đủ không thiếu; cơ nghiệp lâu dài ức muôn năm của nước nhà là gốc ở đó. Vì cuộc xây dựng gian nan, nên việc mưu tính về sau lại càng xa rộng ; nên quy mô kế hoạch ắt phải lớn lao. Xét trong đế vương từ xưa, đã trung hưng lại kiêm sáng nghiệp, chưa có khó nhọc mà lâu dài, đã tường tất lại đầy đủ đến như thế.

Hoàng tổ ta là Thánh tổ Nhân hoàng đế, ngửa trông công trước, tỏ rõ phép đời, năm Minh Mệnh thứ 2 mở đặt Sử quán, sai quan soạn sách Liệt thánh thực lục, chia ra từng kỷ, từ Thái tổ Gia dụ hoàng đế đến Hiếu định hoàng đế làm Tiền biên, tỏ rõ nguyên ủy của đức nhà ; từ Thế tổ Cao hoàng đế trung hưng về sau làm Chính biên, để nêu lớn cái nghĩa nhất thống. Cân nhắc thể lệ, quyết định tự ý trên, thật là cách đúng đắn của nghìn xưa, để làm phép cho muôn đời noi theo vậy.

Hoàng khảo ta là Hiến tổ Chương hoàng đế, xa noi lòng hiếu, lo rạng gương xưa, khi mới lên ngôi, rộng tìm sách cũ, đầu mở Sử cục, sai nho thần vào quán biên chép cho có chuyên trách, các tổng tài đại thần qua lại sửa chữa cho chóng thành công. Mấy lần đã soạn dạng bản dâng trình, và kính vâng sửa định càng được tinh tế.

Thiệu Trị năm thứ 4 [1844], sách Liệt thánh thực lục tiền biên hoàn thành. Sai đem khắc in, đóng thành từng quyển, đã đem chứa vào kho sách Hoàng sử rồi. Duy bộ Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế đã hai ba lần sắc bảo, gia công cứu xét nhuận chính, để đợi in tiếp. Tính từ năm Minh Mệnh thứ 2 cho đến năm Triệu Trị thứ 7, trải 27 năm, mấy lần soạn chép mới được thành biên, nay đã hoàn bị. Nhận thấy thánh nhân lưu ý việc soạn chép sử sách, thực là thận trọng đến thế ! Nay ta đức mỏng gánh chịu nghiệp to, nghĩ công sách nghiệp đã khó khăn, lo việc thủ thành cũng không dễ. Kính nghĩ, bộ sử này trải từ hoàng tổ và hoàng khảo ta trước sau xét định, đối với bao nhiêu mối lớn phép lớn trong sự sáng nghiệp, bao nhiêu công đức thần thánh rất cao rất dày của Thế tổ Cao hoàng đế ta, thực đã rõ như trăng sao, vang lừng trời đất, cần phải khắc in để rạng rỡ mãi mãi, ngõ hầu thỏa chút lòng hiếu thảo của ta. Gần đây bộ Thực lục về Hoàng tổ Thánh tổ Nhân hoàng đế và Hoàng khảo Hiến tổ Chương hoàng đế biên soạn đã xong, lần lượt kính đem khắc in, để vào kho sách, dùng để sáng tỏ thêm những văn mô võ liệt của nước Đại Nam ta tới muôn muôn đời không cùng.

Lần này Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế thành bao nhiêu quyển, nên đem khắc in ; phải do Thái sử chọn ngày tốt, mở cục ở Sử quán để bắt đầu làm, lại giao những viên toản tu kiểm xét nét chữ và khoản thức, cho được thỏa đáng tất cả. Các viên tổng tài đại thần cũng nên gia công kiểm xét, cho chóng xong bộ sử lớn để truyền bá cho đời sau. Còn như cần dùng vật liệu nhân công bao nhiều, thì do hữu ty kính cẩn ứng biện. Khâm thử.

[Biểu]

Bọn thần phụng sung làm Tổng tài, Phó tổng tài và Toản tu Quốc sử quán kính cẩn tâu rằng:

Vâng soạn bộ sách Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế đã xong, xin đem khắc in, dùng để sáng tỏ việc lớn. Trộm nghĩ từ xưa những vị đế vương nối trời dựng nước, đời nào cũng có chế tác, đều có sử riêng đời ấy, mà sử thì có chính biên để nêu cái nghĩa lớn nhất thống vậy.

Trời sai chim Huyền điều ứng điềm xuống sinh nhà Thương, từ Tiết về sau, truyền được 13 đời, đến Thành Thang chịu đế mệnh, yên định bốn phương, đó là bắt đầu chính thống của nhà Thương.

Nhà Chu từ Hậu Tắc, Công Lưu, Thái vương, Vương Quý(1. Tên các ông tổ có công gây dựng nhà Chu. 1) siêng năng gây dựng, một nghìn mấy trăm năm, đến đời Văn Vương chịu mệnh trời, mới có võ công ấy ; Võ Vương thay nhà Thương mà có thiên hạ, đó là bắt đầu chính thống của nhà Chu.

Nước Việt Nam ta từ Đinh, Lý, Trần, Lê dấy lên, không triều nào là không có sách ghi chép, nhưng tìm được công lao gây dựng ở trước, sự nghiệp rạng rỡ ở sau, để nối dòng chính thống, so sánh thịnh vượng với nhà Thương nhà Chu, thực chưa có triều nào tốt đẹp bằng triều này. Nhà nước ta chịu mệnh trời cho, Thái tổ Gia dụ hoàng đế dựng nghiệp cõi Nam, thần truyền thánh kế hơn 200 năm, chứa đức chồng nhân kể đã lâu lắm. Từ thuở Tây Sơn nổi loạn, nhà Lê mất ngôi, thì trời mở đường cho thánh nhân dấy lên. Kính nghĩ, Thế tổ Cao hoàng đế ta, ứng mệnh trời thuận lòng người, dẹp tắt mối loạn, xoay lại đường chính, khôi phục kinh cũ, thống nhất nước nhà, dư đồ nhất thống, quy mô rộng xa, vừa trung hưng vừa sáng nghiệp, tỏ công trước để về sau, cơ nghiệp lâu dài hàng ức muôn năm của nước Đại Nam ta gây nền từ đó, đẹp tốt biết chừng nào!

Đến Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, kính noi công trước, cầu kế đức nhà, năm Minh Mệnh thứ 2 mở đặt Sử quán, sai quan soạn sách Thực lục, khâm định các kỷ, từ Thái tổ Gia dụ hoàng đế đến Duệ tông Hiếu định hoàng đế làm Tiền biên, từ Thế tổ Cao hoàng đế trung hưng về sau làm Chính biên, nghĩa lệ chỉ ý, đều vâng cân nhắc mà chiết trung ; nhưng còn nới cho ngày tháng, khiến còn hỏi rộng tìm xa để cho rõ ràng tín sử, cho nên có chậm cáo thành là bởi cớ ấy. Kịp đến Hiến tổ Chương hoàng đế ta, trọng đạo noi theo, dốc lòng nêu tỏ, năm Thiệu Trị thứ 1, đầu mở Sử cục, đặc mệnh cho bọn thần kính soạn Thực lục tiền biên và chính biên, lại kế soạn Thực lục chính biên về Thánh tổ Nhân hoàng đế, chuẩn định chương trình, đinh ninh sắc bảo, là bởi rất xem trọng công việc mà mong chóng hoàn thành vậy. Bọn thần vâng mệnh, theo thứ tự biên soạn, đến năm Thiệu Trị thứ  4 thì sách Liệt thánh thực lục tiền biên soạn xong, dâng tâu lên, đã chuẩn cho khắc vào bản in, để vào kho sách.

Kính chiếu Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế, nguyên dạng bản gồm 60 quyển. Bọn thần vâng xét sách vở điển cũ ở quán, và chí lục của các địa phương dâng lên,  kỹ càng lượm nhặt, có chỗ nào cần bổ thêm hay sửa chữa thì theo khoản mà ghi chép, làm thành dạng bản, kính dâng ngự xem. Đã có sắc xuống rằng : “Bộ sách này trẫm đã kính duyệt, xét trong ấy thứ tự đều đã liên tiếp, sự tích cũng được rõ ràng đầy đủ, duy là tín sử của triều ta thì cần nên khảo cứu kỹ càng chu đáo, trẫm sẽ cho khắc in. Khâm thử !”.

Ngửa thấy nhà vua chú ý việc soạn thuật, thận trọng là thế. Bọn thần kính cẩn hết lòng nghiên cứu, có khoản nào nên nhuận đính cũng đã bổ thêm mà tiếp tục dâng lên.

Lại nghĩ khi mới gây dựng, võ công đánh dẹp, trong khoảng 23 năm, từ thuở đất một thành(1. Đất vuông 10 dặm là một thành.1) quân một lữ(2. Quân có 500 người là một lữ. 2), cho đến lúc có cả thiên hạ, các bậc đế vương thời xưa, dựng nghiệp trung hưng, chưa có bao giờ lại khó nhọc mà lâu dài như thế. Thiên hạ đã yên, 18 năm xếp đặt thi thố, chế định khuôn phép giềng mối để dạy bảo người sau, đầy đủ không thiếu, các bực đế vương thời xưa, vừa sáng nghiệp vừa thủ thành cũng chưa có ai tươm tất như thế. Duy tự năm Nhâm tuất kỷ nguyên về sau, mọi việc đều có sách vở, còn từ năm Tân dậu về trước, trong khoảng binh cách, ghi chép không còn được mấy, trong ấy không khỏi có chỗ thiếu sót. Kể từ  năm Minh Mệnh thứ 2 đến nay là 27 năm, lần lượt soạn biên, dâng lên xét định, những việc sáng nghiệp thùy thống của thánh nhân, những thần công thánh đức tỏ bày trong phương sách, vốn đã sáng tỏ như sao và mặt trời. Vâng nay Hoàng thượng mới lên ngôi, nối giữ nghiệp lớn, gióng giả việc làm, xin nên noi theo thánh ý, đem dạng bản Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế đã soạn xong, cho chọn ngày tốt khởi công khắc in, rồi đến Thực lục chính biên về Thánh tổ Nhân hoàng đế cũng biên soạn xong rồi, cũng cho khắc in để xong việc lớn. Rồi sẽ biên soạn Thực lục chính biên về Hiến tổ Chương hoàng đế, để tỏ Phước tốt mà nối việc hay, để thấy nghiệp đức văn công võ, và lòng hiếu trước làm sau noi, đều bảo rõ về sau mãi mãi. Bọn  thần bao xiết trông mong. Kính tâu.

Năm Tự Đức thứ 1, tháng 2, ngày 21 đề

Thần     Trương  Đăng Quế

Thần     Võ Xuân Cẩn.

Thần     Hà Duy Phiên.

Thần     Đỗ Quang.

Thần     Tô Trân.

Thần     Phạm Hữu Nghị.

Thần     Trần Trứ.

*

* *

Bọn thần phụng sung làm Tổng tài, Phó tổng tài và Toản tu Quốc sử quán, kính cẩn tâu rằng: Soạn Thực lục chính biên về Thế tổ Cao hoàng đế, khắc in đã hoàn thành.

Thẻ ngọc phô đẹp, hòm báu mở điềm, bọn thần thực vui thực mừng, xin phụng biểu dâng theo lên.

Cúi nghĩ : Trời mở ngôi cao, vững bền như đá bàn núi Thái ; mây phô sách quý rực rỡ thay ngọc báu đồ thư.

Điển lớn rỡ ràng ;

Gương sáng chói lọi.

Bọn thần trộm nghĩ, đế vương nổi lên, có thể thống quy mô dựng nước;  sách vở ghi chép, lấy văn chương cương kỷ truyền đời. Nên Nghiêu điển để đầu Thượng thư, mà Đế kỷ đặt trước chính sử.

Nhà nước ta, thần truyền thánh kế, ơn rộng nhân sâu Hai trăm năm dấu chúa gây nền, đức sáng kể đã xa lắm ; bốn bảy(1. Bốn lần bảy là 28, nói đời Quang Vũ nhà Đông Hán cách đời Cao Tổ nhà Tây Hán 280 năm ; thì ngày nay đời Gia Long cách đời Gia Dụ cũng khoảng 280 năm.1) chục vận trời mở hội, nước cũ nhưng mệnh mới rồi.

Lớn thay Thế tổ Cao hoàng đế ta ! Sáng suốt tư trời, anh hùng chí khí. Đức vua đủ thánh thần văn võ, trời ban Phước dài lâu ; hào Càn(2. Hào Càn: Quẻ Càn trong Kinh Dịch là tượng vua, các hào 1, 2, 4, 5 của quẻ Càn dùng để tượng rồng từ khi ẩn đến khi bay lên trời, tức từ khi vua còn là ẩn đến khi lên ngôi. 2) khi ẩn hiện nhảy bay, muôn vật trông nhìn động tác. Đương khi Tây Sơn gây biến, nhà Lê mất ngôi, đã gặp hồi vận nước gian truân, lại tuổi trẻ cảnh nhà tang tóc. Cờ thúy hoa vào Nam, Hòn Khói(3. Thuộc tỉnh Khánh Hòa.3) không sóng giữ tung trời ; cờ súy tiết dạo Đông, Sông Khoa(4. Thuộc tỉnh Long Xuyên.4) có ngạc ngư cản mũi. Mệnh trời đã chọn, lòng dân đâu đấy cũng tôn yêu ; ngôi báu về tay, ấn nước truyền cho làm phù hiệu. Long Xuyên cờ mở, tiếng quân lẫy lừng ; Đồng Nai múa gươm, giặc trời phải giết. áo nhung nón chiến, gập ghềnh từng trải bước phong trần ; ngô ruộng khoai rừng, thảng thốt nếm đủ mùi cay đắng. Buổi gian nguy mà gặp Phước ; đường hiểm trở mà như bằng. Trâu thần hộ giá ở Đăng Giang(5. Sông ở tỉnh Định Trường, có nhiều cá sấu, truyền rằng khi Nguyễn ánh qua đó không lội được, có một con trâu đằm ở bên sông, bèn đứng lên mình trâu để trâu đưa qua sông.5); rắn thiêng nọ cõng thuyền nơi Phú Quốc(6. Nguyễn ánh cỡi thuyền nhỏ đi Hà Tiên, đêm tối không trông thấy gì, tự nhiên có đàn rắn cõng thuyền vượt bể đi tới Hà Tiên. 6). Côn Lôn vây chặt, nhờ gió to phá giặc tan tành(7. Nguyễn ánh bị vây tại Côn Đảo, không có đường thoát, nhờ gặp cơn bão mới cỡi thuyền con chạy thoát.7); trong biển bảy ngày, nước bỗng ngọt cho quân được uống(8. Thuyền chạy ở giữa biển bảy ngày không nước uống, sau Nguyễn ánh ngửa mặt khấn trời, bỗng nhiên nước biển hóa thành nước ngọt, quân sĩ khỏi chết khát.8). Vì thần võ nổi dậy ; nên ứng triệu khá nhiều. Khi Vọng Các trở về, quân dân mây họp ; lúc Gia Định lấy lại, điềm tốt sông trong. Quân vương giả được dạy nuôi, đánh là phải được ; dân thiên hạ theo nhân đức, đâu phải một ngày ! Thần mưa giúp đức. Khúc Hoài Nam(9. Khúc Hoài nam : Tức bài Hoài Nam Ca khúc của Hoàng Quang. 9) trăm họ câu ca ; trời bảo phục thù, hịch Bình Tây ba quân đua sức.

Bước thứ nhất lấy lại Thuận Hóa, kinh cũ thu về ; bước thứ hai lấy được Thăng Long, quân thù quét sạch. Tội nhân bắt được ; võ công cáo thành. Trả thù cho Miếu Xã ; rửa giận cho thần người. Nam từ Thuận Quảng, Bắc từ Linh Giang, cùng một bản dư đồ nhất thống ; Hồng Bàng về sau, Trần, Lê từ trước, chung một dòng chính thống tương truyền. Thành công hơn cả thời xưa ; sự nghiệp vượt qua người trước. Vận Lê đã hết, mười bốn năm nước dựng nguyên niên ; trong nước đã yên, qua năm năm mới ban chính sóc. Nghĩa đổi mới quang minh chính đại ; phép trị nước tề chỉnh thung dung. Đắp đô thành, lập triều thị, dựng Giao Miếu, Xã Tắc, chế độ đổi mới một phen ; định thuế ruộng, dựng nhà trường, ban luật lệnh chương trình, kỷ cương rỡ ràng mọi mặt. Tắt mà dấy lên, đứt mà nối lại, đúng nghĩa mà rõ nhân ; ngăn từ khi mới, ngừa từ việc con, nghĩ sâu mà lo rộng.

Tốt đẹp thay ! Lấy thánh võ mà trung hưng ; đủ gian nan mà khai sáng. Ba mươi năm kinh dinh trong bóng tối, vẫy vùng đất một thành quân một lữ mà lấy được sơn hà ; mười tám năm xếp đặt đời thái bình, nói có phép làm có khuôn để lại cho hậu thế. Rạng nền các thánh xưa gây dựng ; truyền Phước cho nhà nước lâu bền. Thực thánh đức thần công khôn tả xiết ; cùng hoàng biên đế  điển để vô cùng. Đến đời Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, kính nhớ công xưa, đầu mở Sử cục.

Kịp đến Hiến tổ Chương hoàng đế ta, xa noi chí trước, xuống mệnh soạn biên. Từ năm Minh Mệnh thứ 2 đến năm Thiệu Trị thứ 7, biên chép trải 27 năm, bắt đầu từ nguyên niên năm Mậu tuất đến năm Kỷ mão đời Gia Long làm Chính biên đệ nhất kỷ. Duy việc soạn thuật muốn tinh tường, sự tỏ nêu cần chờ đợi. Nay vâng Hoàng thượng nối cầm quyền lớn, sửa sang nghiệp to. Tinh nhất giữ trung, lấy phép truyền tâm làm cốt ; kính cung nhớ đạo, noi gương kê cổ không dời. Sách làm xong tỏ rõ nghiệp xưa ; khắc in để thi hành việc lớn. Đóng thành từng quyển, đem để vào kho. Tiếp sau bộ Liệt thánh tiền biên mà hoàn thành; mở đầu bộ Đại Nam chính biên mà xuất hiện. Vòi vọi thay ! Công to đức lớn, rạng rỡ trong khắp khoảng cao dày ; mênh mông thay ! Lời đẹp khuôn hay, nêu rõ cả muôn đời kinh pháp. Để tỏ công thần đức thánh ; để rộng chí nối việc theo. Bọn thần dự hàng áo mũ, giữ chức bút nghiên. Điển cũ giữ trong kho sách, ra sức dùi mài ;

nghĩa lệ quyết ở ý trên, kính vâng xét định. Thấy sách xong mà vui mừng khôn xiết ; vâng mệnh chúa mà phô diễn nên lời. Cúi mong Hoàng thượng ta, dốc nối nghiệp nhà, nêu cao phép tổ. Xem nhạc Vũ Lâu và chậm, nhớ công sáng nghiệp gian nan ; soi gương trước mãi không dời, nghĩ việc thủ thành chẳng dễ. Phô công bày sáng, để tỏ rõ mưu xưa ; hưởng lộc giữ dân, để hòa vui Phước tốt. Bọn thần xiết bao mong mỏi vui mừng ! Kính đem

bộ Thực lục chính biên đệ nhất kỷ đã khắc xong lần này, gồm 60 quyển, mục lục 2 quyển, hợp cộng 62 quyển dâng lên, và phụng biểu dâng theo đệ trình.

Năm Tự Đức thứ 1, tháng 12, ngày mồng 2 đề

Thần     Trương Đăng Quế.

Thần     Vũ Xuân Cẩn.

Thần     Hà Duy Phiên.

Thần     Đỗ Quang.

Thần     Phạm Hữu Nghi.

Thần     Tô Trân.

Thần     Trần Trứ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter