Thực lục về Anh tông Hiếu nghĩa hoàng đế Nguyễn Phúc Thái

Anh tông Thiệu Hưu Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu nghĩa hoàng đế, húy là Thái 溙, sinh năm Kỷ sửu [1649] (Lê Khánh Đức năm 1, Thanh Thuận Trị năm 6), là con thứ hai của Thái tông Hiếu triết hoàng đế. Mẹ là Hiếu triết hoàng hậu Tống thị. Trước kia hoàng tử cả Diễn mất sớm, Thái tông Hiếu triết hoàng đế cho chúa là lớn tuổi và hiền đức, phong là Tả thủy dinh phó tướng Hoằng Ân hầu, làm phủ đệ tại dinh Tả thủy. Năm Đinh mão, mùa xuân, tháng 3, ngày Đinh dậu, Thái tông Hiếu triết hoàng đế băng. Chúa 39 tuổi. Bầy tôi vâng di mệnh tôn chúa làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự thái phó Hoàng quốc công. Chúa nối ngôi, rộng hình phạt, nhẹ phú thuế, trăm họ ai cũng mừng vui. Bấy giờ gọi là Chúa Nghĩa 義主.

Mùa hạ, tháng 4, phong sắc cho các vị linh thần trong cõi. Thưởng bạc cho các quan văn võ theo thứ bực. Thăng Chưởng dinh trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Đức Bảo 阮德寶 làm Trấn phủ, Chưởng cơ đạo Lưu Đồn là Trương Phước Cương 張福崗 làm Chưởng dinh, Thống suất trấn thủ Cựu Dinh là Tôn Thất Tráng 尊室壯, Trấn thủ Quảng Bình là Tống Hữu Thận 宋有慎, Chưởng cơ Tôn Thất Đạt 尊室達 (lại tên là Sinh 泩, con Tôn Thất Khê 尊室溪), Tống Đức Minh 宋德明 và Bình Lộc 平祿 (không rõ họ) làm Chưởng dinh, Trấn  thủ Bố Chính là Nguyễn Cửu Ưng 阮久應, Tôn Thất Phương 尊室芳, Cai cơ Ngô Thắng Lâm 吳勝林 làm Chưởng cơ, Cai bạ Nguyễn Hữu Hợp 阮有祫 làm Tham chính, Chánh đoán sự Nguyễn Đức Chiêu 阮德昭 làm Tham khám, Nha úy Vũ Phi Thừa 武丕承 làm Tham nghị, Đô tri Nguyễn Vô Địch 阮無敵 làm Chánh thiêm sự, Chưởng thái giám Mai Phước Hòa 枚福和 làm Tổng đốc, Thái giám Ngô Tân 吳新 làm Chưởng thái giám, Cai hợp Trần Đình Ân 陳廷恩 làm Câu kê kiêm Tri bạ, Thủ hợp Nguyễn Khoa Danh 阮科名 làm Cai hợp, Văn Vị 文渭 (không rõ họ) làm Thủ hợp. Những người khác đều được thăng trật theo thứ bực.

Miễn một nửa thuế ruộng mới tăng cho năm Kỷ dậu. Dụ rằng : “Đạo trời trên mở máy xoay vần, rải khí dương hòa khiến mọi vật đều được thỏa thích ; đức vua cẩn từ buổi mới, rắc gieo huệ trạch để cùng dân ngày một mới thêm. Nhà nước ta, mở vận vẻ vang, lo dân tha thiết. Đời Hoàng tổ, dưới núi Kỳ vang tiếng phượng (1. Chu Văn Vương ở Kỳ Sơn dựng nghiệp nhà Chu.), con đỏ đều tin được sáng soi ; triều Thần Tông, trong đất Thục giữ thế hùm (2. Lưu Bị mưu khôi phục nhà Hán ở đất Thục.), dân đen đều mừng lòng trông đợi. Đã xem gương trước, lại để mưu sau. Nay tiểu tử ta, chước cả kính noi nhờ công tổ đức tông truyền lại ; mạng to vâng chịu được trời cho người thuận cùng về. Ngự lên ngôi lớn, mệnh là sắc, theo từng việc từng thời ; nói dùng cáo, khắp mọi người mọi chốn. Phàm quan trong triều ngoài quận, chớ gầy dân để nuôi béo nhà ; các chức trên phủ dưới châu, đừng bỏ ngay mà làm trái phép. Ngục tụng phải cho công chính ; thuế dịch thì nên nhẹ nhàng. Quan lại đã yên lành, nhân dân đều vui nghiệp. Phải nên suy rộng ơn huệ, để được thỏa tình nhân dân”.

Lệnh ban xuống, xa gần đều rất mừng.

Lấy những người cựu thuộc là Văn Nhưng, Gia Du (đều không rõ họ) sung văn chức, Đinh Đức Tuấn sung Chiêm hậu ty, nội thư tả là Nguyễn Viết Trí và Lữ Hữu Ninh sung Tướng thần lại ty, 18 người lệnh sử sung Lệnh sử ty, 13 người phòng sai sung Xá sai ty. Lại lấy Hòa Tín (không rõ họ) là Thủ hợp dinh Quảng Nam làm văn chức ở Chính dinh.

Tháng 5, nhà quan xá của ty Tướng thần lại thất hỏa, cháy lan ra các nhà của quan và dân hơn 800 nhà.

Tháng 6, định chế độ tang phục [đối với chúa]. Người tôn thất và thân thần thì để tang 3 năm. Từ cai đội trở lên thì để tang hai tuần Trung nguyên (3. Tức trải hai lần đốt mã ở tiết Trung nguyên, rằm tháng bảy.), các nội ngoại đội trưởng, văn chức, câu kê thì để tang đến tuần giỗ đầu, còn quân và dân thì để tang đến tiết Trung nguyên. Bấy giờ thần dân ở trong triều ngoài nội nghe tin có quốc tang, dù ở nơi núi sâu hang cùng, dù là kẻ già con trẻ, không ai là không quay chạy kêu gào ; người chài cá thì bỏ thuyền, người chặt củi thì bỏ búa, người đi cày quên bờ, người đi chăn thì buông trâu, tiếng bi thương vang khắp gần xa.

Tính chúa rất hiếu, khi cúng tế rất là thành kính, các thứ cầm thú quý lạ đều đủ hết.

Mùa thu, tháng 7, lấy phủ cũ làm miếu Thái tông, dời dựng phủ mới sang Phú Xuân (tên xã, thuộc huyện Hương Trà, tức là kinh thành bây giờ), lấy núi đằng trước (tức núi Ngự Bình) làm án ; đắp tường thành, xây cung điện, trước mặt đào hồ lớn, trồng hoa cỏ cây cối, thể chế rất tráng lệ. Lại thấy nước sông ở thượng lưu chảy xói vào phía hữu, sai xây tháp ở bờ sông để trấn áp.

Mùa đông, tháng 11, vua chính nước Chân Lạp 真臘正國王 là Nặc Thu 匿秋, vua thứ hai 二王 là Nặc Nộn 匿嫩, sai bề tôi là ốc nha 屋牙 Lịch Đa Thi Na 瀝多施那 đến dâng hương [lễ chúa trước].

Mậu thìn, năm thứ 1 [1688] (Lê Chính Hòa năm 9, Thanh Khang Hy năm 28), mùa xuân, tháng giêng, mưa gió to, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 3 thước.

Tháng 3, Tôn Thất Tín (con Tôn Thất Dương) đi thuyền câu cá ở sông Hương, đến trước lăng núi Hải Cát (tức là lăng Trường Hưng (1. Trường Hưng lăng : Lăng Hiếu triết hoàng đế.)) cười nói như không, bỗng nghe tiếng hét như sấm, Tín sợ run người rồi chết.

Mùa hạ, tháng 5, dựng chùa Thuận An.

Tháng 6, phó tướng Long Môn 龍門副將 Hoàng Tiến 黃進 giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch 楊彥迪 ở cửa biển Mỹ Tho 美湫海口, tự xưng là Phấn dũng hổ oai tướng quân, thống lĩnh dư chúng Long Môn, dời đồn sang Nan Khê 難溪 (2. Phủ biên tạp lục chép là Rạch Than.) (nay thuộc huyện Kiến Hòa 健和, tỉnh Định Tường), thủ hiểm đắp lũy, đúc đại bác, đóng chiến thuyền, thả quân đi cướp bóc. Vua chính nước Chân Lạp là Nặc Thu oán giận, bèn mưu với bề tôi là ốc nha Cống Sa 貢沙 bỏ việc triều cống và đắp ba lũy Bích Đôi 碧堆 [Gò Bích], Cầu Nam 求南 và Nam Vang 南榮, rồi chằng xích sắt ngăn cửa sông, làm kế cố thủ. Vua thứ nhì là Nặc Nộn biết mưu ấy, cho chạy báo với dinh Trấn Biên. Phó tướng Mai Vạn Long 枚萬龍 liền gửi trạm dâng thư [của Nặc Nộn]. Chúa giận lắm, bèn triệu các quan bàn việc xuất binh. Chưởng dinh Tống Đức Minh 宋德明 nói : “Nặc Thu là một tên man nhỏ ghẻ lở, không cần phiền đến đại tướng của triều đình. Cai cơ Trấn Biên là Nguyễn Thắng Long 阮勝龍 (con Nguyễn Dương Lâm) là người có mưu lược, quen biết thủy thổ Chân Lạp, nên sai làm thống binh đi đánh. Vả Hoàng Tiến giết chủ tướng nó, cầm quân ở Nan Khê, lòng hắn thế nào chưa lường được, xin sai Tiến làm tiên phong để xem nó theo hay phản. Nếu hắn hoài tâm do dự thì ta tiến quân đánh ngay. Nặc Thu ngăn đằng trước, đại binh bức đằng sau, Tiến tất bị bắt. Đã đánh được Tiến thì thừa thế ta đánh thẳng vào Chân Lạp. Đó là kế vạn toàn”. Chúa theo lời. Có đội trưởng Trương Thiêm Lộc 張添祿 là cháu gọi Vạn Long bằng cậu là người tham lợi, biết đất Chân Lạp có nhiều của báu, muốn được Vạn Long làm tướng để mình theo đi, bèn vào triều xin với chúa. Chúa nói rằng : “Vạn Long tuổi già, ta không muốn làm nhọc vì việc quân nữa”. Thiêm Lộc thưa rằng : “Xưa Mã Viện tuổi ngoài bảy chục mà còn mặc giáp cưỡi ngựa để ra trận. Nay Vạn Long tuổi chưa đến 60 mà cầm quân lại ở dưới tỳ tướng, chắc trong lòng lấy làm hổ thẹn”. Chúa bèn nghe theo, lấy Vạn Long làm thống binh, Nguyễn Thắng Long và Nguyễn Tân Lễ 阮新禮 làm tả hữu vệ trận, Thủ hợp Văn Vỵ 文渭 làm tham mưu, đem quân đánh Chân Lạp. Sai Hoàng Tiến làm tiên phong, dưới quyền tiết chế của Vạn Long.

Kỷ tỵ, năm thứ 2 [1689], mùa xuân, tháng giêng, Mai Vạn Long kéo quân đến cửa biển Mỹ Tho, đóng ở Sầm Khê 岑溪 (1. Tức là Rạch Gầm.) (nay thuộc huyện Kiến Đăng 建登 tỉnh Định Tường), sai người đến Nan Khê triệu Hoàng Tiến đem quân sở bộ đến.

Tháng giêng nhuận, sai các quan văn võ làm việc duyệt tuyển. Lại ra lệnh cho các học trò chính đồ và hoa văn tới tuyển trường để ứng thí. Buổi quốc sơ thì trong kỳ duyệt tuyển thí chung chính đồ và hoa văn, gọi là nhiêu học. Đến cuối đời Thái Tông, chỉ cho học trò chính đồ thi, hoa văn thì không được dự ; đến sau lại bỏ cả. Chúa muốn bồi dưỡng nhân tài, nên lại thi hành chế độ cũ. Bấy giờ các học trò nghe tiếng, ai cũng nức lòng.

Nặc Thu nghe quân ta đến gần bờ cõi rất sợ hãi, cùng với bề tôi là ốc nha Gia Trình 加呈 mưu dùng kế hoãn binh, bèn chọn một người con gái đẹp có tài biện luận tên là Chiêm Dao Luật 占遙律, sai đem của báu đến dinh Hoàng Tiến nói rằng : “Tướng quân ở đất Chân Lạp đã lâu năm. Người xưa ăn một bữa cơm cũng phải báo ơn. Nay nghe tướng quân vâng mệnh đánh Chân Lạp, trộm nghĩ không khen tướng quân đâu”. Tiến nói rằng : “Vạn Long ngày nay triệu ta, không phải là có thành tâm, chỉ là muốn bắt ta trước, rồi sau sẽ diệt Nặc Thu thôi. Lẽ nào ta lại bị nó đánh lừa. Về nói với chúa mày đừng ngờ !”. Tiến bèn đóng quân giữ chỗ hiểm. Vạn Long giục mãi không đến, biết Tiến quả có chí khác rất lấy làm lo. Trong quân có Văn Thông 文通 (người Quảng Ngãi, không rõ họ) có tài biện luận, vốn hiểu tiếng các nước, nhân  nói với Vạn Long rằng : “Thống binh như muốn bắt Tiến, nếu không làm cho hắn lìa bỏ chỗ hiểm thì không được. Tôi nghe người Long Môn có một ông già họ Trương rất có tiếng tăm, Tiến nghe tiếng vẫn hâm mộ mà chưa biết mặt. Tôi xin giả làm ông già Trương đến phân trần lợi hại để dỗ hắn tới hội. Thống binh nhân chụp đánh thì bắt được Tiến ngay”. Vạn Long mừng và sai đi.

Văn Thông bèn cải trang tự xưng là Trương lão gia, đến dinh Tiến xin yết kiến. Tiến mừng, mời ngồi. Văn Thông thong thả nói : “Tôi từ khi quân Long Môn thua trận vong mệnh đến miền Nam, nhờ thiên vương cho làm cai đội, nay theo quyền điều khiển cửa thống binh Trấn Biên, cho nên lại đây gặp nhau, để bày tỏ chút tình hương lý”. Tiến tin lắm. Văn Thông nhân bảo Tiến rằng : “Tướng quân chịu mệnh lệnh đi đánh Chân Lạp, cớ sao đã lâu mà không đến gặp Thống binh ?” Tiến nói : “Tôi nghĩ cái thân lưu lạc, nhờ tiên vương cho ở đất này, bao giờ dám quên ơn ? Nhưng tôi xem sự ăn mặc của tôi được nhờ đều là sản vật của Chân Lạp, nay đem quân đánh họ thì là bất nghĩa, nhưng vì Chân Lạp mà chống mệnh vua thì là bất trung, tiến thoái hai đàng đều khó. Còn muốn đóng quân tự thủ, chờ xem tình thế ra sao”. Văn Thông nói : “Bất nghĩa là lỗi nhỏ, bất trung là tội lớn, tướng quân còn phải chọn gì ? Tôi nghĩ tướng quân bây giờ không gì bằng đến gặp Thống binh một lần để cởi mối ngờ, rồi sau sẽ dần tính kế, như thế tốt hơn”. Tiến nói : “Tiên sinh đã dạy tôi nên gặp Thống binh, nhưng lúc gặp thì chả biết Thống binh có ra thành đón tôi không ? cùng chia ngôi tả hữu với tôi không ? có cho đem quân tới hội mà không ngờ không ?”. Văn Thông nói : “Nhường chiếu để đãi kẻ sĩ, đó là bản tâm của Thống binh. Tôi về nói với Thống binh, ắt được như ước. Chỉ mong tướng quân đừng thất tín thôi”. Bèn từ biệt về. Mưu sĩ của Tiến là Hoắc Sinh 霍生 bảo Tiến rằng : “Tôi nghe tiếng Trương lão gia là người ít nói, nay người này ăn nói liến thoắng, có lẽ là thuyết khách của Vạn Long, xin đừng nên tin”. Tiến không nghe.

Văn Thông về báo cáo với Vạn Long. Vạn Long lại sai Văn Thông đi mời Tiến, mà đặt phục binh ở chỗ hiểm yếu để chờ. Quả nhiên Tiến đi thuyền ra sông đến hội. Phục binh vùng dậy, bốn mặt đánh vào, Tiến bỏ thuyền chạy, nhắm lẩn về phía cửa biển Lôi Lạp. Vạn Long vào lũy, bắt được vợ con Tiến đều chém cả, chiêu tập dư chúng quân Long Môn, sai bộ tướng của Dương Ngạn Địch là Trần Thượng Xuyên quản lãnh để làm tiên phong. Thừa thắng, Vạn Long tiến đánh Nặc Thu, đốt đứt xích sắt ngang sông, liên tiếp lấy được ba lũy Bích Đôi, Cầu Nan và Nam Vang. Nặc Thu lui giữ thành Long Úc. Cai đội Nguyễn Thắng Quyền 阮勝權 khinh địch ham tiến, bị Nặc Thu đánh bại. Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn 阮勝山 đem quân đến cứu, xông trận đánh hăng. Nặc Thu lùi chạy vào thành cố thủ. Gặp mưa gió sấm sét nổi lớn. Vạn Long muốn đóng quân ở sông Cái 大江, Thắng Sơn can rằng : “Chân Lạp đất nhiều rừng rú, nước sông chảy xiết, ta đóng quân ở đấy, lỡ khi quân địch kết bè ở thượng lưu thả xuống thì ta lấy gì mà chống ? Chẳng bằng rút quân về bản dinh để chứa oai nuôi sức. Họ thấy quân ta đã rút ắt sinh trễ nải, ta thừa lúc không phòng bị mà đánh một trận là diệt được”. Vạn Long theo lời. Quân ta đã lùi, Nặc Thu cùng các tướng bàn mưu, bèn sai Lặc Sa 勒沙 đưa lễ đến dinh Vạn Long để cầu hoãn binh. Vạn Long giận bắt giam lại. Nặc Thu lại sai nữ sứ là Chiêm Dao Luật đem vàng lụa đến hiến. Vạn Long hỏi vặn rằng : “Nước mày không chịu cống hiến, lại đắp thành lũy, đóng chiến thuyền, muốn làm gì thế ?” Dao Luật nói : “Tiểu quốc ngày trước dâng cống đều bị Hoàng Tiến cướp hết. Lại khổ vì họ cướp bóc quấy phá, cho nên phải mưu giữ mình thôi, chứ có dám làm phản đâu”. Vạn Long tin lời và sai Dao Luật cùng Lặc Sa đem hịch về báo với Nặc Thu, bắt phải nộp cống. Dao Luật về nước đã được hơn một tháng mà không thấy lễ cống đến. Vạn Long ngờ, họp các tướng lại bàn. Nguyễn Tân Lễ nói : “Quân chúa đi dẹp loạn, cốt yếu là bắt cho kẻ làm phản phải phục. Nay nước sông đang chảy mạnh, chiến thuyền đi ngược không tiện, chưa có thể khinh tiến được. Huống quân ta lại không quen thủy thổ. Hãy cứ đóng quân để đợi nó đến, đó là thượng sách”. Vạn Long khen là phải. Thắng Sơn nói : “Chân Lạp hay phản Phước dối trá, không gì bằng đánh gấp đi, há nên ngồi đợi để cho già quân đi à ?” Vạn Long nói : “Làm tướng cốt lấy ân tín làm trọng, không phải lấy chém giết là oai. Ta muốn đem thành tín để phục người Man, họ đã hàng phục thì còn chiến đấu làm gì ?”. Bấy giờ các tướng chia binh vỡ đất cày cấy, không lo phòng bị chiến tranh.

Mùa hạ, tháng 5, chúa coi chầu (bấy giờ việc quốc hiếu đã xong, làm lễ mừng), đặt yến đãi các quan văn võ ở phủ đường, thưởng bạc tiền theo thứ bực.

Gia phong các vị linh thần trong cõi.

Tháng 6, nhà quân của thuyền Minh Nhất cơ Tả thủy bị cháy.

Mùa thu, tháng 7, ngày ất tỵ, cầu vồng trắng hiện ngang trời.

Tháng 8, triệu Thống suất đạo Lưu Đồn là Trương Phước Cương về trấn Cựu Dinh, lấy Trấn thủ dinh Bố Chính là Nguyễn Cửu Ưng (con Nguyễn Phước Kiều) làm Chưởng dinh thống suất đạo Lưu Đồn, lấy Chưởng dinh Bình Lộc làm Trấn thủ dinh Bố Chính, lấy bọn Cai cơ Nguyễn Cửu Thiên, Tống Hữu Thanh, Tống Phước Trí làm Chưởng cơ.

Tham tướng thủy dinh Quảng Bình là Lê Ân Đức chết, tặng chức Chưởng dinh. Lấy Nguyễn Dương Lâm làm Chưởng cơ, lãnh chức Tham tướng thủy dinh Quảng Bình.

Lấy Tri bạ Trần Đình Ân làm Cai bạ phó đoán sự, lấy văn chức Lễ Tài (không rõ họ) làm Đô tri, lấy cai hợp Minh Tiến (không rõ họ) làm Câu kê kiêm tri bạ, lấy Nguyễn Khoa Danh làm Câu kê.

Bấy giờ tướng sĩ Trấn Biên ở lâu ngày không lập được công gì, vì Thống binh Mai Vạn Long lầm tin lời nói của Dao Luật đóng quân không tiến, lòng quân do đó oán giận. Cai cơ Nguyễn Thắng Sơn đem tình trạng ấy báo lên. Chúa cả giận nói : “Kẻ thất phu tham lợi trái phép, tội không thể tha”. Tức thì triệu quần thần chọn tướng khác thay. Chưởng cơ Hoằng Lược 弘略 (không rõ họ) tiến cử Cai cơ Nguyễn Hữu Hào 阮有豪 (con Hữu Dật) là người trí dũng có thể dùng được. Chúa bèn sai Hữu Hào làm Thống binh, văn chức Hòa Tín 和信 làm Tham mưu, thủ hợp Diệu Đức 曜德 (không rõ họ) làm Thị chiến, Nguyễn Thắng Sơn làm tiên phong, kén thêm quân ở Phú Yên, Thái Khang và Phan Rí 潘里 để tiến đánh Chân Lạp. Bãi Vạn Long làm thứ nhân, giáng Văn Vị làm tướng thần lại.

Mùa đông, tháng 11, trời hạn, cầu đảo các đền thần hơn tuần cũng chẳng được mưa. Chúa bèn sai các đội thuyền bơi đua. Chúa ngự một chiếc thuyền con không che tán lọng gì hết, đứng ở giữ trời thầm khấn. Ngày mai mưa xuống như trút. Chúa đứng ở giữa mưa trông lên trời mà vái, áo bào ướt hết.

Xa giá trở về, chúa sai các quan sửa lễ để tạ các đền thiêng. Năm ấy lúa má được mùa, xa gần vui vẻ.

Canh ngọ, năm thứ 3 [1690], mùa xuân, tháng giêng, ngày Quý sửu, hai mặt trời cùng mọc (mặt trời ở trên sắc nhạt và khuyết, mặt trời ở dưới trọn vẹn mà sáng, một lát thì mặt trời khuyết tan mất).

Nguyễn Hữu Hào tiến quân đóng ở Bích Đôi, chia bày dinh lũy, thủy bộ tiếp nhau để làm thế dựa nhau, quân lệnh nghiêm chỉnh, chư tướng đều khen tài năng.

Mùa hạ, tháng 4, thao diễn thủy quân, định các hạng hơn kém, thưởng bạc tiền theo  thứ bực.

Tháng 5, chúa sai trung sứ (1. Trung sứ : Sứ ở trong triều đi ra địa phương.) đến dụ Nguyễn Hữu Hào rằng : “Nặc Thu nước Chân Lạp nếu muốn chuộc tội thì phải hiến 50 con voi đực, 500 lạng vàng, 2.000 lạng bạc, 50 tòa tê giác, đủ lễ vật đến tạ thì mới rút quân về. Nếu không thì phải tiến đánh gấp”. Hữu Hào sai người đến bảo cho Nặc Thu. Nặc Thu lại sai Dao Luật đem dê vàng lụa đến hiến. Hữu Hào thấy thế cười rằng : “Nay mày lại muốn đến làm thuyết khách nữa ư ? Ta không phải như Vạn Long đâu ? Về nói cho Nặc  Thu phải sớm cống hiến, không thì đại quân kéo đến, thành quách của chúng mày sẽ tan nát hết”. Dao Luật nói : “Nước nhỏ thờ nước lớn cũng như con thờ cha, đâu dám có lòng gì khác. Bữa nọ nước tôi đương sửa soạn lễ cống thì chợt thiên sứ đến nên chưa sắm đủ thôi. Xin tướng quân rộng cho một tuần nữa, đâu dám trái lệnh”. Hữu Hào muốn cho. Bọn Hòa Tín, Thắng Sơn đều nói rằng : “Chân Lạp lừa dối, nhiều mánh khóe không thể tin được, gương Vạn Long không xa. Chẳng bằng đánh đi”.

Hữu Hào nói : “Họ đã về với ta mà ta lại đánh, đó là bắt chẹt người trong lúc nguy, không phải là võ. Huống chi Nặc Thu ngày nay như thỏ đã ra hầm, chim đã mắc lưới, còn lo gì nó lừa dối ?”; bèn thả cho Dao Luật về. Nặc Thu liền sai sứ là ốc nha A Lặc Thi 阿勒施 đem 20 thớt voi nhỏ, 100 lạng vàng, 500 lạng bạc, đến hiến. Hữu Hào thu nhận. Từ đó Nặc Thu thường khiến Dao Luật tới quân trung van lơn. Hữu Hào tin lời, thường cùng với các tướng ở trong quân say sưa hát xướng làm vui, tự cho rằng không mất một mũi tên mà Chân Lạp tự quy phục, dù các danh tướng thời xưa cũng không hơn thế. Các tướng đều cười thầm. Thị chiến Diệu Đức 曜德 nói : “Vàng bạc tê tượng đều là thổ sản của Chân Lạp, nay hiến bằng ấy, thực không phải chân tình, chi bằng cứ đánh”. Hữu Hào nói : “Yên vỗ người xa, quý lễ mà không quý vật. Người xưa chỉ cống cỏ tranh, nào có phẩm vật gì ?” Diệu Đức không trả lời nữa. Từ đó Hữu Hào cùng các tướng không được hòa hiệp.

Tháng 6, ngày Bính tý, cầu vồng trắng hiện ngang trời.

Nặc Thu lại sai Dao Luật đem 10 thớt voi nhỏ, 6 tòa tê giác, 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, đến hiến. Hữu Hào lại nhận. Hòa Tín nói : “Chúng ta ra quân, chỉ cần đánh địch. Nay tới chỗ địch mà lại không đánh, thì đợi cái gì ?”. Thắng Sơn và các tướng cũng xin trước chém Dao Luật, sau bắt Nặc Thu, không để cho họ đùa cợt. Hữu Hào quát nói rằng : “Việc ở biên khổn, trách nhiệm là ở đại tướng. Ta từ tuổi nhỏ, theo cha đánh trận kể biết bao nhiêu, nay há lại sợ bọn tiểu man này ư ? Nhưng ta đã có kế sẵn, các ngươi chớ nên hùa nhau ầm lên”. Bèn sai rút quân về. Hòa Tín và Thắng Sơn ngầm đem việc báo lên. Chúa cả giận nói : “Hữu Hào cũng tội như Vạn Long, hãy đợi đem quân về sẽ hỏi tội.

Mùa thu, tháng 8, quân về tới nơi. Bọn Hòa Tín kể hết sự trạng Nguyễn Hữu Hào lần chần làm hỏng việc quân. Chúa sai tước bỏ quan chức của Hữu Hào, truất làm thứ dân.

Đổi phủ Thái Khang làm phủ Bình Khang 平康.

Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, có nhật thực.

Có con chim lạ đậu ở Phủ Cam, tiếng kêu như khóc, hơn một tuần mới bay đi.

Tân mùi, năm thứ 4 [1691], mùa xuân, tháng giêng, ngày Bính thân, chúa không khỏe, triệu thế tử là Tộ Trường hầu đến bảo rằng : “Ta vâng theo mối trước, vẫn mong sao nối theo được chí, làm theo được việc. Con nay kế nghiệp, nên noi công đức của tổ tông, cầu hiền đãi sĩ, yêu dân thương quân, đừng tin lời nói gièm pha, đừng bỏ những người ngay thẳng, để xây dựng nghiệp lớn, đó là điều đại hiếu”. Thế tử lạy khóc vâng mệnh. Chúa lại triệu các thân thần, dặn dò về việc giúp đỡ thế tử. Hôm ấy chúa băng. ở ngôi 4 năm, thọ 43 tuổi.

Thế tử nối ngôi, đem quần thần dâng thụy hiệu là Đại nguyên soái tổng quốc chính Thiệu Hưu Toản Nghiệp Hoằng Nghĩa vương. Táng ở núi Kim Ngọc (xã Định Môn, huyện Hương Trà). Thế tông Hiếu võ hoàng đế truy tôn là Thiệu Hưu Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu Nghĩa vương, [truy tôn] phi là Từ Tiết Tĩnh Thục Hiên phi. Năm Gia Long thứ 5 lại truy tôn là Thiệu Hưu Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu nghĩa hoàng đế, miếu hiệu là Anh Tông, lăng gọi là Trường Mậu, [truy tôn] phi là Từ Tiết Tĩnh Thục Huệ Mẫn Hiến Thuận Hiếu nghĩa hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Mậu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter