Thực lục về Hiển tông Hiếu minh hoàng đế Nguyễn Phúc Chu (hạ)

Đinh hợi, năm thứ 16 [1707] (Lê Vĩnh Thịnh năm 3, Thanh Khang Hy năm 46), mùa xuân, tháng 2, mưa dầm nước lụt.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, có nhật thực.

Tháng 5, trong kinh kỳ thường bị lửa bốc cháy ở những nhà không. Chúa sai quan binh trong ngoài đặt nhiều xích hậu để nghiêm phòng, hỏa hoạn mới tắt.

Mùa thu, tháng 8, mở khoa thi, lấy trúng cách về chính đồ được 3 người giám sinh, trúng cách về  hoa văn 3 người, trúng cách về thám phỏng 5 người.

Mùa đông, tháng 12, định thể thức duyệt tuyển, gồm 22 điều. (Binh hạng các thuyền thuộc các cơ đội ở Chính dinh và các dinh, cùng lính chính tượng, tra xét có thực ngạch thì vẫn cho ở lại làm việc, nếu không có thực ngạch thì bổ vào hạng, – Thợ các cục, cai quản, ty quan, thủ hợp, thường ban vào thuộc lại nha môn ở Chính dinh, ai có bằng cấp thì được ở lại làm việc, không có bằng thì bổ vào hạng. Còn ở các cục Mục tượng (1. Mục tượng : Chăn voi.), Vũ tượng (2. Vũ tượng : Tập luyện cho voi.),Thảo mã (3. Thảo mã : Lấy cỏ cho ngựa.) thì vẫn cho ở hạng [của mình] — Nhân số xã nào từ 999 người [trở xuống] thì cho 18 người làm tướng thần xã trưởng, 400 người [trở xuống], cho 8 người làm tướng thần xã trưởng, từ 199 người [trở xuống], cho 2 người làm tướng thần xã trưởng, từ 70 người [trở xuống], cho một người làm tướng thần xã trưởng, thừa ra thì bổ vào tiền chức — Các hạng nhiêu binh, nhiêu thân, tiền đề lại, tiền thứ ưu binh, tiền binh, tiền tướng thần, tiền xã trưởng, tiền thường ban và tạp lưu quan, xét thực có bằng thị và thừa bằng thì nên cho, không có bằng thì bổ vào hạng ? Những cai cơ, tham khám, tham nghị, tham chính, thiêm sự , tổng đốc, cai đội, cai bạ, ký lục, nha úy, đô tri, chưởng thái giám, thái giám, văn chức, chiêm hậu quan, câu kê và cai đội ở tam ty, tượng đội trưởng, nội giám, cai hợp và thủ hợp tam ty, đội trưởng cơ Trung tượng, nhưng tri phủ, tri huyện, huấn đạo, thuộc Nội lệnh sử phủ quan, huyện quan, giáo quan, thuộc Nội thủy phủ quan, huyện quan, Nội lương y phủ quan, huyện quan, Tăng lục đạo lục ty phủ quan, huyện quan, thuộc nội tả hữu thủ hợp, lệnh sử tàu cai hợp, thủ hợp, Chiêm hậu lại ty cai hợp, các cục tượng chính, cai quan ty quan, tiểu hầu, bản ty đội chánh ty quan, ty quan, thư ký, câu kê, văn chức cai hợp, bản phủ cai giám, khám lý, đề đốc, đề lãnh, có con cháu thì chiếu theo phẩm theo thứ nhiều hay ít, con thì bổ làm quan viên tử, cháu thì bổ làm quan viên tôn, còn con nuôi và họ ngoại thì đều bổ vào hạng ? Thứ đội trưởng các thuyền ở Chính dinh, thứ đội trưởng thuộc cơ Trung tượng, ty quan các cục tượng, thủ hợp các dinh, phủ huyện thư ký, có bằng thị thì con cháu được cho một người làm quan viên tráng, dư ra cùng con nuôi và họ ngoại thì đều bổ vào hạng ? Những người kinh ở nhà các quan viên, như có vào bạ xã nào thì chỉ cho một người, nếu vào trúng  3, 4 xã thì đều bổ vào hạng ? Học trò chính đồ và hoa văn, hơi thông văn học, am hiểu tính toán, thì cứ thượng tuần tháng 3, tề tựu phủ chính để ứng thí, ai trúng cách thì cho làm nhiêu học. ? Các xã, thôn, phường, dân chính hộ thì về quê ông quê cha, dân khác khách hộ thì về chỗ nhà mình ở. Như tráng hạng và cố hạng trốn sang xã khác mà về quê ông quê cha, và cùng hạng đào hạng trở về nhà ở thì chép làm quân hạng phụ vào xã ấy ? Những người tiền chức, cũ hay mới, theo lệ chép làm tiền chức; nếu các viên nhưng áp thì nên chép làm tiền chức; các nhiêu binh, ưu binh, tiền binh, xét có người nào gian tuổi thì đều bổ vào hạng ? Các quan viên, binh viên cùng các chức trong xã, thôn, phường, cứ theo tên trong bảng lần lượt mà chép vào sổ ? Người nào từ 56 đến 59 tuổi thì tùy dân, xem hình thể già yếu thì cho làm lão hạng ? Những quân hạng, dân hạng cũ thì chép trở về tráng hạng, nếu là người thấp nhỏ thì cứ cho làm quân hạng dân hạng như cũ ? Dân mới vào sổ, người nào nhỏ bé cao độ 3 thước trở xuống thì làm hạng nhiêu tật, hơi nặng thì cho làm hạng bất cụ(1. Bất cụ : Người không được hoàn toàn thân thể. 1). Như hạng nhiêu tật cũ, người nào khỏi tật thì trở lại làm bất cụ hay quân hạng, dân hạng ? Khách hộ ở các thôn phường thì do tráng hạng, quân hạng, dân hạng theo lệ ghi vào sổ; tên nào trốn đi từ kỳ tuyển năm Quý mùi trở lại không thấy mặt thì cho các chức xét thực trừ làm ngoại tịch. Nếu trừ bậy, xét ra thực thì phải tội. ? Về lệ tiền giữ cửa, xã lớn 100 người trở lên nộp 3 tiền, xã trung 70 người trở xuống nộp 1 tiền 30 đồng, xã tiểu 30 người trở xuống nộp 1 tiền, số tiền ấy nộp ở tuyển trường, chia làm 4 phần, các lễ ngoài đều thôi ? Lễ trình diện của các xã, thôn, phường cứ 100 người thì nộp 5 tiền: hai viên khâm sai hai lễ, các viên cai án cùng một lễ, các viên cai lại cùng một lễ. Còn tiền lễ mừng, tiền lễ sổ đều thôi. Các viên ở bản phủ bản đường thì cùng một lễ ? Người nào 60 tuổi trở lên thì chép làm lão nhiêu, thu tiền 1 tiền nộp ở  tuyển trường, chia làm 4 phần ? Các nhà sư, xét đúng bản thân có quan điệp (1. Quan điệp : Độ điệp, tức giấy của quan cấp cho chứng nhận là tăng.) và có trai giới tu hành thì cho miễn thuế và các việc sưu sai, nếu ra ngoài mà không có quan điệp và giả mạo quan điệp thì đều bổ vào hạng.

Những tiền cai cơ, tham khám, tham nghị, tham chính, thiêm sự tổng đốc, cai đội, cai bạ, ký lục, nha úy, đô tri, chưởng thái giám, văn chức, chiêm hậu quan, câu kê, khám lý và những trí sĩ có công, thì cho đem trình bằng sắc, xét thực thì chiếu phẩm trật, có con cháu thì bổ làm quan viên tử tôn ; nếu có can việc gì thì con cháu đều bổ vào hạng. ? Những tiền khám, lý, đề đốc, phủ quan có công thì cho đem trình bằng sắc, xét thực, có con cháu thì cho làm quan viên tử tôn, đã có quan viên tử tôn rồi thì  nên cho một người làm quan viên tráng).

Mậu tý, năm thứ 17 [1708], mùa xuân, tháng giêng, sai quan làm duyệt tuyển lớn. Trước kia đặt tuyển trường thì ở xứ Thuận Hóa 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền, Phú Vang 1 trường, 3 huyện Vũ Xương, Hải Lăng, Minh Linh 1 trường, 3 châu huyện Khang Lộc, Lệ Thủy, Bố Chính mỗi nơi 1 trường, ở xứ Quảng Nam 6 phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Ninh, Phú Yên, Bình Khang mỗi phủ 1 trường, đến đây đặt thêm 2 phủ Bình Thuận và Gia Định, mỗi phủ đặt 1 trường, tất cả là 13 trường.

Mùa thu, tháng 7, bọn ác man ở Lũ Bá 屢播, Bà Rịa 婆地 và bọn man Nam Bàn 南槃 quấy rối cướp bóc dân ở biên thùy. Sai Câu kê dinh Quảng Nam là Hòa Đức (không rõ họ) đem quân bản dinh đi đánh.

Tháng 8, ngày mồng 1, có nhật thực.

Lấy Mạc Cửu 鄚玖 làm Tổng binh trấn Hà Tiên 河僊鎮. Cửu người Lôi Châu 雷州, Quảng Đông. Nhà Minh mất, để tóc chạy sang phương Nam, đến nước Chân Lạp làm chức ốc nha, thấy phủ Sài Mạt 柴末 ở nước ấy có nhiều người buôn các nước tụ họp, bèn mở sòng gá bạc để thu thuế gọi là hoa chi, lại được hố bạc chôn nên thành giàu. Nhân chiêu tập dân xiêu dạt đến các nơi Phú Quốc 富國, Cần Bột 芹勃 [Kampot], Giá Khê 架溪 [Rạch Giá], Lũng Kỳ 隴棋, Hương Úc 香澳 [Kompong Som], Cà Mau 哥毛 (thuộc tỉnh Hà Tiên) lập thành 7 xã thôn. Thấy  ở đất ấy tương truyền có người tiên thường hay hiện ra ở trên sông nhân thế đặt tên là Hà Tiên. Đến đấy Cửu ủy cho người bộ thuộc là Trương Cầu 張求 và Lý Xã 李舍 dâng thư xin làm Hà Tiên trưởng. Chúa nhận cho, trao cho chức Tổng binh. Cửu xây dựng dinh ngũ, đóng ở Phương Thành 芳城, nhân dân ngày càng đến đông.

Chưởng dinh Tôn Thất Diệu chết, tặng Tả đô đốc.

Ngày ất mão, đầy trời sắc vàng, mặt trời không có ánh sáng.

Thao diễn thủy quân : Sai thuyền hải đạo của các cơ đội : (4 thuyền Khanh Nhất, Minh Nhất, Minh Nhị, Minh Tứ cơ Tả thủy thuyền An Triền, thuyền Thạch Bình, thuyền Hiền Nhất, thuyền Trà Nhất cơ Tiền thủy, thuyền Nội Tráng, thuyền Tá, thuyền Minh Nhị, thuyền Giao Thủy, cơ Tả dực, thuyền Tả Hùng, thuyền Bạch Câu, thuyền Định Nhị, thuyền Nhuệ Nhất cơ Tiền dực, thuyền Văn Hà, thuyền Kiên Tam, thuyền Trạch Nhất, thuyền Cường Nhất đội Tả thủy, thuyền Minh Nhất, thuyền Triều Tôn, thuyền Tráng Tam, thuyền Hữu Hung đội Tiền thủy, thuyền Tráng Nhị, thuyền Tráng Nhất, thuyền Tráng Tam đội Tả bính, thuyền Cổ Liễu, thuyền Đại Nhất, thuyền An Xá đội Tiền bính, Nội Thủy nhất đội thì thuyền Kính, thuyền Tả trung kính, thuyền Nội Kiên, Nội thủy nhị đội thì thuyền Khang Nhất, thuyền Đại Nham, thuyền Trí, Nội Thủy tam đội thì thuyền Tiệp Nhất, thuyền Hải Châu, thuyền Đinh Nhất, Nội Thủy tứ đội thì thuyền Địch Cần, thuyền Khánh Mân, thuyền An Nội, Nội Thủy ngũ đội thì thuyền An Nhất, thuyền Kiên Nhị, thuyền Kiên Nhất, Nội Thủy lục đội thì thuyền Tả thủy, thuyền Trung Thủy, thuyền Hữu Thủy, Nội Thủy thất đội thì thuyền Tả Đột, thuyền Gia Nhất, thuyền Hữu Đột, Nội Thủy bát đội thì thuyền Tiệp Tam, thuyền Gia Nhị, thuyền Nghị Giang, thuyền Gia tam, Nội Thủy cửu đội thì Tân Hầu Thủy, thuyền Kiệu, thuyền Hữu trung kính, Nội Thủy thập đội thì thuyền Tân Khang, thuyền Trung Kính, thuyền Chạo, Nội Thủy thập nhất đội thì thuyền Tiệp Nhị, thuyền Xuân, Nội Thủy thập nhị đội thì thuyền Bác Vọng nhị, thuyền Thạch Than, thuyền Nam phù, Nội Thủy thập tam đội thì thuyền Võ Nhất, thuyền Trà Nhị, thuyền Đột Nhất, thuyền Thủy Nhị, cơ Hữu Thủy thì thuyền Quảng Nhất, thuyền Thủy bạn, thuyền Tín, thuyền Minh Tam, cơ Hậu thủy thì thuyền An Tam, thuyền An Nhất, thuyền An Nhị, thuyền Phú Lương, cơ Hữu dực, thì thuyền An Nhị, thuyền Kiên Nhị, thuyền Nội Hùng, cơ Hậu dực thì thuyền ỷ Bích, thuyền Nghĩa Nhất, thuyền Hữu Hầu, thuyền Trạch Nhị, đội Hữu Thủy thì thuyền Tả Hầu, thuyền Kiên, thuyền Nhuệ nhị, thuyền Hậu trạch, đội Hữu bính thì thuyền Thắng Nhị, thuyền Thắng Nhất, thuyền Thắng Tam, đội Hậu bính thì thuyền Hà Lộc, thuyền Phước Kinh, thuyền Đại Lộc, dinh Hậu thủy thì thuyền Phù Nam, thuyền Quảng Nhị, thuyền Nghĩa Nhị, thuyền Hiền Nhì), theo thứ tự bày hàng từ Phủ Cam trở xuống, hễ nghe hiệu trống thì mở thuyền chèo nhanh, đến mé sông Nội Thủy thì quay về. Chúa tới xem, thưởng bạc tiền theo cấp bực.

Mùa đông, tháng 10, mưa dầm nước lụt.

Kỷ sửu, năm thứ 18 [1709], mùa xuân, tháng giêng chúa đến trường Vạn Xuân để thao diễn bộ binh. Trước kia các quân thao diễn, trời tạnh thì mặc nhung phục, trời mưa thì mặc thường phục. Hôm ấy trời sáng sủa tạnh ráo, trong quân còn có người mặc thường phục. Chúa giận là trái lệnh, phạt các chức nội tả, nội hữu và các nội ngoại đội trưởng theo thứ bực.

Sai các quan văn võ và tam ty kiểm duyệt khí giới, voi ngựa, thuốc đạn công và tư.

Nội hữu phò mã Tống Phước Thiệu (con Nội tả chưởng dinh Tống Phước Trí) mưu phản, bị miễn làm dân thường. Trước là Thiệu cùng Cai đội Nguyễn Cửu Khâm (con Nguyễn Cửu Ứng) ngầm mưu làm bậy. Nhân khi Câu kê Hòa Đức lãnh quân đi đánh giặc, Thiệu ngầm sai thuộc hạ là bọn Trịnh Nghệ, Tường Vân (đều không rõ họ) vào Quảng Nam, thầm kết những tay hào kiệt, mưu đồ trước lấy Bình Khang, sau lấy Phú Yên, rồi trở về lấy Quảng Nam, cướp quân Hòa Đức, thẳng tới Chính dinh, phóng lửa nổi loạn. Tôn Thất Thận cũng dự mưu ấy, đến khi mưu tiết lộ thì đem việc cáo phát ra. Cửu Khâm, Trịnh Nghệ, Tường Vân đều bị giết. Thiệu bị bãi làm thứ dân và bị tù ở vườn Bát Khải. Thận bị cách và lui xuống làm lính.

Mùa hè, tháng 5, Trịnh Căn nhà Lê chết. Chắt là Cương lên nối.

Sai quan kiểm duyệt khí giới công và tư ở các dinh.

Quân xá ở cơ Tả trung phát hỏa, cháy lan sang chợ dinh cơ Hữu trung.

Mùa thu, tháng 7, ngày Quý tỵ, xung quanh mặt trời có năm quầng đủ năm sắc, chặp lâu mới tan.

Núi An Sinh ở Quảng Bình lở dài 30 trượng.

Ở Gia Lộc ngoại châu Bố Chính có động đất.

Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử đến cống phương vật.

Mùa đông, tháng 12, ngày Nhâm dần, đúc Quốc bảo 國寶. Sai Lại bộ đồng tri là Qua Tuệ Thư 戈穗書 coi việc chế tạo (ấn khắc chữ Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo 大越國阮主永鎮之寶. Năm ấy đúc xong, về sau liệt thánh truyền nhau lấy làm quốc bảo. Đến khi Duệ tông Hiếu định hoàng đế [Nguyễn Phúc Thuần] vào Nam, cũng đem ấn ấy đi theo. Duệ tông Hiếu định hoàng đế băng thì để lại cho Thế tổ Cao hoàng đế [Gia Long]. Bấy giờ binh lửa hơn 20 năm, ấn ấy mất rồi lại tìm thấy nhiều lần. Mùa hạ năm Nhâm dần, giặc đánh Sài Gòn, [Thế tổ] ra đảo Phú Quốc, điều khiển Ngô Công Quý 吳公貴 mang ấn theo sau bị lạc. Đến khi Châu Văn Tiếp 朱文接 phá được giặc, rước vua hồi loan, Công Quý cũng từ Long Hồ đem ấn về hiến. Lại đến chiến dịch Ba Lai 巴淶, quân giặc đuổi gấp, tòng thần (1. Người đi theo vua.) mang ấn lội sông chạy, ấn rơi xuống nước, rồi thì người lội sau vướng chân chạm phải, lại mò lấy được, đem hiến ở hành tại. Lại khi vua lánh giặc, ra ngoài vụng đảo Thổ Châu 土硃嶼 [Thổ Châu tự, đảo nhỏ Thổ Châu], từ giá 慈駕 (2. Mẹ vua.) và cung quyến 宮眷 (3. Những vợ con vua.) đều đến lại ở đảo, vua Xiêm sai tướng là Thát Xỉ Đa 撻齒多 đem binh thuyền đến đón vua mới vào nước họ. Trong lúc thảng thốt, tình trạng người Xiêm chưa lường được thế nào, vua mật sai tòng thần tên là Hựu đem ấn ấy vượt biển lên bờ giấu kín. Khi vua đến thành Vọng Các, thấy vua Xiêm đãi rất cung kính, không có ý gì khác, vua mới sai người về đảo Thổ Châu để đón từ giá và cung quyến, tên Hữu cũng mang ấn ấy đi theo. Khoảng năm Gia Long, vua từng dụ hoàng thái tử, tức Thánh tổ Nhân hoàng đế [Minh Mạng] rằng : “ấn báu này các đời truyền nhau, ngày xưa đã trải nhiều phen binh lửa, người chẳng chắc còn, mà ấn này vẫn cứ giữ trọn trước sau, chiếu văn và bổ dụng quan lại đều dùng ấn này, giữ tín trong nước, ai cũng hưởng ứng. ấn này quan hệ với quốc gia không nhỏ, thực là ngôi báu trời cho vẫn có quỷ thần giúp đỡ, khiến cho ngọc bích của Triệu lại trở về (1. Triệu bích : Lạn Tương Như nước Triệu đem ngọc bích sang Tần để đổi lấy 5 thành, Tần không đổi thành, Tương Như đem bích về.) để truyền cho con cháu. Vả lại nhà nước ta liệt thánh nối nhau, chồng chất sáng hòa, hơn 200 năm, nay nhờ yêu dấu thiêng liêng mà thống nhất cả nước, Phước chứa vốn đã lâu rồi. Kinh Thi có câu “Nhà Chu nước dù cũ mà mệnh trời thì mới” (2. Chu tuy cựu bang, kỳ mệnh duy tân. 周雖舊邦,其命維新), sự mở mang cơ nghiệp vốn bắt đầu tự Văn vương Vũ vương, mà công gây dựng buổi đầu thực là tự Cổ Công và Vương Quý. Những vật cũ đời ấy để lại như cái đỉnh cái di, người Chu cũng đều xem là đồ báu. Huống chi cái ấn quốc bảo của tổ tiên ta để lại ư ? Từ nay về sau nên lấy ấn này làm vật báu truyền ngôi. Con cháu ta phải đời đời để lại cho nhau, đừng làm mất đi mà truyền đến ức muôn năm dài lâu mãi mãi”. Năm Canh thìn, Minh Mệnh năm thứ 1, tháng 2, ngày tốt, Thánh tổ Nhân hoàng đế tự tay phong kín cất đi. Đến năm Đinh dậu thứ 18 ngày 22 tháng chạp lại mở xem một lần rồi viết chữ son niêm lại để cất như cũ, dùng để truyền cho ức muôn đời).

Canh dần, năm thứ 19 [1710], mùa xuân, tháng 3, được mùa to.

Sai hai dinh Lưu Đồn và Quảng Bình sửa sang các lũy và cầu cống đường sá.

Mùa hạ, tháng 4, chúa đi Quảng Bình, đến lũy Sa Phụ xem khắp các pháo đài, lên thành Trấn Ninh, nói đến chuyện cũ năm Nhâm tý Nguyễn Hữu Dật đánh nhau với tướng Trịnh. Chúa xem khắp chiến địa, nức nở khen ngợi hồi lâu, rồi thưởng tiền gạo cho các quân tại dịch theo thứ bực.

Xa giá về qua dinh Lưu Đồn, cho thống suất Trịnh Nghị Lộc 30 lạng vàng tốt, một thanh gươm báu, một chiếc áo gấm, cho tướng sĩ 600 quan tiền.

Đúc chuông chùa Thiên Mụ (nặng 3.285 cân). Chúa thân làm bài minh khắc vào chuông.

Chưởng dinh Tôn Thất Đạt chết, tặng Tả quân đô đốc chưởng phủ sự quận công.

Tháng 5, lấy Cai án Phạm Hữu Huệ làm Cai bạ dinh Quảng Nam, Thư ký Nguyễn Đăng Đệ làm Ký lục.

Mùa thu, tháng 9, bắt đầu dùng ấn long tỷ nhỏ. (Trong ấn khắc 8 chữ Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành 取信天下,文武權行). Bấy giờ người ở xã Tiên Nộn tên là Đạt ngụy tạo ấn son để làm bằng giả, chúa ghét thói tệ ấy, ra lệnh từ nay những bằng thị bổ thụ quan chức ở đầu giấy đều đóng ấn ấy để phòng giả mạo.

Mùa đông, tháng 11, lấy Lê Hoành Giảng và Nguyễn Khoa Chiêm làm Cai hợp kiêm Tri bạ Chính dinh.

Tháng 12, ngày mồng 1, có nhật thực.

Tân mão, năm thứ 20 [1711], mùa xuân, tháng giêng, sai quan làm duyệt tuyển nhỏ.

Đôn vương 敦王 và Nga vương 俄王 ở hai rợ man Nam Bàn 南槃 và Trà Lai 茶萊 (1. Sau gọi là Gia Lai (Jarai).) (giáp giới Phú Yên và Bình Định, hình như thuộc về Hỏa quốc 火國, nhưng không lấy làm đích xác) sai sứ đến dâng sản vật địa phương và trình bày rằng dân họ không chịu đóng thuế, nên không lấy gì để cống, xin phát quân ra oai. Chúa cho rằng ký thuộc là Kiêm Đức 謙德 (không rõ họ) đã từng đi chiêu dụ hai rợ Man, quen hiểu thói Man, nên cho đem thư đến hiểu dụ những tù trưởng, cho áo sa áo đoạn và đồ đồng đồ sứ, lại lấy nghĩa kẻ trên người dưới khuyên bảo dân Man, định ra thuế lệ, khiến phải nộp cho Man trưởng. Người Man không ai không theo mệnh.

Mùa hạ, tháng 4, tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đến cửa khuyết tạ ơn. Chúa hậu thưởng.

Sai đo bãi cát Trường Sa 長沙海渚 [Trường Sa hải chữ] dài ngắn rộng hẹp bao nhiêu.

Tháng 5, Thống suất đạo Lưu Đồn là Trịnh Nghị Lộc sai người đi dò xét tình hình biên giới ở châu Bắc Bố Chính, khi qua lũy Trấn Ninh bị Trấn thủ dinh Bố Chính là Tuấn Đức (không rõ họ) bắt, do đó Nghị Lộc và Tuấn Đức bất hòa. Chúa cho thư để hòa giải.

Sai các đường ở châu Bố Chính đều đặt đồng hồ để tính đường sá xa gần.

Tháng 6, hai người lính cơ Tuần hà dinh Bố Chính bị lính tuần của Bắc Bố Chính bắt được. Việc báo lên. Chúa sai Trấn thủ dinh Bố Chính gửi thư cho Thủ tướng Trịnh là Lê Thời Liêu 黎時寮 nói : “Bắc Hà bắt được 2 người ấy chẳng đủ làm công, mà Nam Hà mất hai người ấy cũng không tổn hại, duy bọn tiểu dân kia phải lìa quê hương, bỏ thân thuộc, lòng người nhân giả có điều không nỡ”. Thời Liêu được thư, bèn thả hai người ấy trở về.

Nhà quân xá của cơ Tiền trung bộ phát hỏa, cháy lan đến 8, 9 thuyền.

Mùa thu, tháng 8, thuật sĩ Nguyễn Hữu Thừa và Đặng Văn Minh dâng lời nói rằng vào khoảng tháng 8 chắc có mưa to gió dữ. Chúa sai quân dân phòng bị trước. Nhưng đến ngày không mưa gió gì, chúa giận là nói xằng, bắt sung vào quân Hữu thủy.

Đầu là chúa sai Tướng thần lại ty Thuần Đức 純德 sang Chân Lạp chiêu tập những dân xiêu tán của ta, đến bấy giờ họ đã dần dần trở về. Phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Vân thường bắt họ làm việc riêng, nhiều người sinh oán. Chúa bảo trách rằng : “Khanh là con nhà tướng, chế ngữ một phương, sao không nghĩ lấy sự vỗ về làm trọng, mà chỉ mưu lợi cho mình? Những dân xiêu tán mới về kia, thất sở đã lâu, nay lại sai bắt quấy nhiễu thì họ chịu sao nổi ? Xưa Tiêu Hà (1. Bề tôi của vua Hán Cao tổ.) giữ đất Quan Trung, Khấu Tuân (2. Bề tôi của vua Quang Vũ nhà Hậu Hán.) giữ đất Hà Nội đều hay vỗ yên trăm họ, giúp nên đế nghiệp, khanh nên coi đó mà gắng lên”. Lại ra lệnh cho hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn rằng phàm dân lưu tán mới trở về thì chia ruộng đất để thiết lập thôn phường, tha các thứ binh dao tô thuế trong 3 năm, do đó dân đều yên nghiệp làm ăn.

Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm 匿深 nước Chân Lạp từ nước Xiêm về, cùng với ốc nha Cao La Hâm 屋牙高羅歆 [Oknya Kalahom (ឧកញ៉ា​ក្រឡាហោម) – Bộ trưởng Hải quân] mưu hại Nặc Yêm 匿淹. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột 匿吹盆桲 chạy ngựa đi hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn xin quân cứu viện. Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng binh Trần Thượng Xuyên đem việc báo lên. Chúa cho thư trả lời rằng : “Nặc Yêm đã theo mệnh xưng thần, nên phải an ủi dung nạp. Nhưng Nặc Thâm là con Nặc Thu, mà Nặc Thu không bỏ triều cống, sao nỡ đem quân đánh được. Bọn khanh nên xét kỹ tình hình bên địch, tùy cơ ứng biến, khiến cho Nặc Thâm bỏ mối thù oán, mà Nặc Yêm cũng được bảo toàn. Đó là thượng sách”.

Tháng 12, chúa muốn dời phủ sang bãi phù sa [xã] Bác Vọng. Sai ký lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để tiến.

Nhâm thìn, năm thứ 21 [1712], mùa xuân, tháng giêng, dựng phủ mới ở Bác Vọng.

Lấy Tôn Thất Trinh (con thứ tư Anh tông) làm Ngoại chưởng cơ.

Tháng 2, cá voi 仁魚 [Nhân Ngư] vào sông Thai Dương 邰陽. Chúa sai đem lưới to vây lấy, đo mình cá dài hơn 20 thước, lưng hơn 10 thước. Được vài ngày sai cho ra biển.

Mùa thu, tháng 8, nhà quân xá ở cơ Trung hậu hữu bị cháy, cháy lan sang pháo đài và 3 thuyền của cơ Thủy quân. Chúa sai bắt chủ nhà bắt đầu cháy là Văn Phái 文派 (không rõ họ) giết đi, và cắt chân người vợ.

Chúa thấy nước Chân Lạp sản nhiều sơn tốt, sai người đem sang 100 lạng vàng theo giá mà mua để dùng về việc nước, và gửi thư cho phiên vương là Nặc Thu.

Tháng 9, phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin định điển lệ cho hạt ấy. Chúa sai văn thần định 5 điều ban cho :

1) Viên nào có sự trạng gì đến cáo ở vương phủ, thì tiền đòi xét mỗi viên tả hữu trà phải nộp 20 quan, mỗi viên tả hữu phan dung phải nộp 10 quan. Đến cáo ở dinh Bình Khang thì mỗi viên tả hữu trà nộp 10 quan, mỗi viên tả hữu phan dung nộp 2 quan.

2) Phàm người kinh kiện nhau hoặc kiện với dân Thuận Thành thì do phiên vương và cai bạ ký lục xử đoán ; dân Thuận Thành kiện nhau thì một mình phiên vương xử đoán.

3) Hai trạm Kiền Kiền 虔虔 và Ô Cam 烏柑 sai quân canh giữ nghiêm mật để phòng kẻ gian, người sai đi không được bắt ép dân trạm đài đệ.

4) Khách buôn đến các sách Man để mua bán thì phải trình với người cai phái tấn sở của nguồn để cấp giấy thông hành.

5) Dân Thuận Thành xiêu tán đến dinh Phiên Trấn, đều đã thả về cho làm ăn, nên để lòng thương yêu, đừng nên bóc lột hà khắc, cho dân ở yên.

Đốt vương 咄王 nước Tà Bồn 邪盆國 sai sứ đến cống. Chúa sai Nội lệnh sử đưa thư và cho phẩm vật để ủy dụ.

Mùa đông, tháng 10, nước lụt sâu 5, 6 thước, nhà cửa dân gian bị trôi mất nhiều.

Tháng 12, lấy Thủ hợp tướng thần lại Chính Dinh là Nguyễn Kinh Thi làm Cai hợp kiêm cai đơn.

Quý tỵ năm thứ 22 [1713], mùa xuân, tháng giêng, sai quan làm duyệt tuyển lớn. Nhưng chỉ sai lấy sổ dâng lên, không lập tuyển trường. Chúa cho rằng tuyển trường có nhiều điều nhũng tệ, bèn trao cho quan khâm sai một cái chiêng và một cái kiếm, phàm kẻ nào lấy riêng tiền của dân thì cho chém trước rồi báo lên sau.

Nặc Thu nước Chân Lạp mưu phản, thám tử biết được tình trạng báo lên. Chúa sai đưa thư dụ, đại lược nói rằng : “Trời đất đạo công che chở, muôn vật đều được sống vui. Đế vương lượng cả  bao dung, bốn bên giữ nghĩa thân mục. Duy nước Chân Lạp nhà ngươi thực là một nước phên dậu, từ triều trước đã vâng mệnh lớn, từng phen phụng cống trước sân rồng ; tới nay ta nối giữ cơ đồ, lại tới xưng thần nơi cửa ngọc. Như thế là sợ uy trời mà giữ nước, chỉ người trí giả mới hay. Ta vốn quý lòng thành mà khen việc tốt, ban cho phẩm vật, để tỏ ơn thêm. Ngươi nên thể lòng ta, đừng quên thần phục, khiến biên cảnh nhờ đó mà tắt mối can qua, cho sinh dân nhờ đó mà yên vui đồng ruộng, trong ngoài được vô sự đời đời”. Nặc Thu được thư, mưu làm phản bèn thôi.

Mùa hạ, tháng 4, sâu keo. Gặp nước lụt tràn ngập, sâu chết hết.

Thi nhiêu học, lấy 97 người trúng cách về chính đồ, 41 người trúng cách về hoa văn.

Tháng 5, ngày mồng 1, có nhật thực.

Chúa truy nhớ Tôn Thất Khê có công, sai lấy 300 dân xã Nam Phố cho con cháu làm ngụ lộc.

Tháng 6, tham nghị Nguyễn Đại Hiệu chết, tặng Kính thận công thần Đại lý tự khanh, thụy là Trung thành.

Mùa thu, tháng 7, mưa gió to, núi La Chử lở dài hơn 10 trượng.

Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Hữu Hào chết, tặng Đôn hậu công thần trấn phủ, thụy là Nhu từ.

Tháng 8, lấy Trấn thủ Cựu dinh là Tín Đức 信德 làm Trấn thủ dinh Quảng Bình, Tham tướng dinh Quảng Bình là Chưởng cơ Nguyễn Cửu Dực 阮久翊 (con Nguyễn Phước Kiều 阮福喬) làm Chưởng dinh về trấn Cựu dinh.

Mở khoa thi. Bấy giờ học trò thi chính đồ, kỳ đệ nhị có 130 người, khảo quan bất hòa đánh hỏng cả, duy thi hoa văn và thám phỏng thì lấy trúng cách được hơn 10 người. Chúa cho rằng khảo quan quá khắc, đặc biệt ra lệnh thi lại. Chúa ra đề mục. Lấy trúng cách 1 người sinh đồ, bổ huấn đạo, 7 người nhiêu học, bổ lễ sinh, còn những người trúng hoa văn và thám phỏng thì bổ vào các ty Tướng thần lại, Lệnh sử và Xá sai.

Trấn thủ dinh Bình Khang là Diễn Phái 演派 (không rõ họ) chết, tặng Chưởng dinh, thụy là Thuần chất.

Tháng 9, trấn thủ dinh Quảng Bình là Tín Đức chết, tặng Tả đô đốc, thụy là Tiệp mẫn.

Thăng Chưởng cơ dinh Tả bộ là Nguyễn Đức Khang làm Chưởng dinh, lãnh Trấn thủ dinh Quảng Bình, thăng Cai cơ Dương Vạn (không rõ họ) làm Chưởng cơ lãnh tham tướng thủy dinh Quảng Bình, thăng Cai đội Tống Phước Đào làm Cai cơ coi cơ Tả súng.

Chúa đi thăm các dinh Quảng Bình, Bố Chính và Lưu Đồn, xem khắp các thành lũy rồi về.

Mùa đông, tháng 12, lấy Cai cơ Trụ Lương (không rõ họ) làm Trấn thủ dinh Bình Khang.

Giáp ngọ, năm thứ 23 [1714], mùa xuân, tháng 2, bọn ác man Cam Lộ 甘露 quấy rối biên thùy. Chúa sai Nội hữu Nguyễn Cửu Thế 阮久世 (lại tên là Võ, con Nguyễn Cửu Ứng 阮久應, lấy công chúa Ngọc Phượng 玉鳳) đem quân 5 thuyền súng đao của Cựu dinh đi đánh, bắt được trưởng là Trà Xuy 槎吹 [Tra Xuy] và đồ đảng đem về.

Mùa hạ, tháng 6, trùng tu chùa Thiên Mụ. Sai bọn chưởng cơ Tống Đức Đại 宋德大 trông nom công việc. Quy chế thì bắt đầu từ cổng chùa đến điện Thiên vương, điện Ngọc hoàng, điện Đại hùng, nhà Thuyết pháp, lầu Tàng kinh, hai bên thì lầu chuông, lầu trống, điện Thập vương, nhà Vân thủy, nhà Tri vị, nhà Thiền đường, điện Đại bi, điện Dược sư và phòng tăng nhà thiền có tới vài mươi sở, mà đằng sau các nơi phương trượng trong vườn Côn Gia cũng không kém vài mươi sở, đều là rực rỡ chói lọi, làm tới một năm mới xong. Chúa thân chế bài văn bia để ghi, sai người sang nước Thanh mua kinh Đại tạng cùng luật và luận hơn nghìn bộ để ở tự viện. Đằng trước chùa kề sông, dựng đài câu. Chúa thường ra chơi. (Bấy giờ nhà sư ở Chiết Tây 浙西 tên là Đại Sán 大汕, tự là Thạch Liêm 石濂, vì thiền mà được yêu dùng, sau về Quảng Đông, lấy những gỗ quý chúa ban cho mà dựng chùa Trường Thọ 長壽, nay di tích hãy còn).

Trấn thủ Cựu dinh là Nguyễn Cửu Dực chết, tặng trấn phủ.

Mùa thu, tháng 7, mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ. Chúa ăn chay ở vườn Côn Gia một tháng, phát tiền gạo chẩn cấp cho người nghèo thiếu. Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử cũng đem con và tướng tá tới hội, chúa ban yến rất hậu, phong cho ba người con là Phù Xác 扶壳, Phác Xác 樸壳 và Tỳ Thôn Phù 俾村扶 tước hầu.

Tháng 8, ngày Đinh hợi, hoàng tôn (tức là Thế tông Hiếu vũ hoàng đế) sinh.

Thuyền bị nạn xứ Nghệ An đậu ở giang phận Lưu Đồn. Chúa sai cấp tiền gạo rồi cho về.

Tháng 9, sai Ngoại hữu chưởng cơ Tống Phước Diệu (con Chưởng dinh Tống Phước Thạch, dòng dõi Tống Phước Trị), Ký lục Lê Quang Hiến, Cai bạ Phạm Hữu Huệ, Đô tri Thận Đức (không rõ họ), Ký lục Nguyễn Đăng Đệ, Tri bạ Nguyễn Khoa Chiêm bàn định thể lệ vận tải và hiện trữ của các thuyền chở. Trước là từ Quảng Nam trở vào, hằng năm thường vận chuyển thóc thuế các địa phương về Chính dinh để sung chi cấp, đặt quan tào vận để coi việc ấy. Những thuyền tư của dân buôn từ châu Bố Chính đến Gia Định đều phải khai sổ, lấy trung tâm thuyền ngang rộng bao nhiêu để định lệ thuế (như trung tâm ngang 10 thước thì tiền thuế 10 quan, 9 thước tiền thuế 9 quan, 4 thước tiền thuế 4 quan v.v…). Mỗi năm tháng 3, tháng 6 vận chở hai chuyến. Đã được miễn thuế, lại được cấp tiền tu bổ và tiền cầu gió. Nhưng đi buôn thì được nhiều lời cho nên số thuyền nhiều mà ứng chở lại ít. Chúa sai định lại điều lệ, tùy thuyền lớn nhỏ mà chia cắt vận chở và tính đường gần xa mà cấp phát tiền thuê khác nhau.

Cấp tiền thuê người và ngựa trạm các lộ (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Ninh, Phú Yên, Thuận Thành).

Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm rất gấp. Nặc Yêm cầu Xuy Bồn Bột ứng tiếp. Xuy Bồn Bột chọn trong quân của mình 2.000 người kéo về theo đường bộ. Bấy giờ số quân của Nặc Thâm có 4 vạn, mà số quân của Nặc Yêm và Xuy Bồn Bột không đầy 1 vạn, Nặc Yêm lo quân ít, phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên phát binh qua Sài Gòn 柴棍, phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú 阮久富 phát binh đóng ở Lôi Lạp 雷巤, thủy quân thì đóng ở Mỹ Tho 美湫, để làm thanh viện ở xa. Sai người đem việc báo lên. Chúa trả lời rằng : “Việc ở ngoài biên khổn, ủy cả cho hai khanh, phải xét nên đánh hay nên giữ, sao cho yên nơi phiên phục”. Nhân sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm 阮久霑 lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp, lấy quân 4 thuyền cơ Tả thủy dinh Quảng Nam để tiếp giữ dinh Bình Khang. Lại sai chọn các dân thuộc Nội phủ ở dinh Trấn Biên để sung binh số và dụ rằng khi xong việc lại vẫn y lệ cũ.

Phiên vương Thuận Thành là Kế Bà Tử xin lập nhà công đường. Chúa sai vẽ đồ thức tả sư hữu tướng (1. Tả sư hữu tướng : Tả văn hữu võ.), định thứ tự chỗ ngồi các phẩm khi làm việc công và khi xử kiện.

Tháng 11, lấy Cai cơ Trương Văn Dực làm Chưởng cơ, Ký lục Chính dinh là Lê Quang Hiến làm Nha úy, Ký lục Quảng Bình là Thanh Minh làm Ký lục Chính dinh.

Tướng sĩ hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn cùng với Xuy Bồn Bột và Nặc Yêm hợp quân vây Nặc Thâm ở thành La Bích. Cao La Hâm đã trốn đi trước. Nặc Thu đưa thư xin chịu tội, nói vì Nặc Thâm tin dùng nịnh thần Cao La Hâm mà thành anh em không hòa, gây nên mối loạn. Nay xin lập vua mới lên giữ nước, để khỏi giết hại nhân dân. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đem việc báo lên. Chúa cả mừng, bảo hai tướng rằng: “Việc ngoài biên khổn là ở tướng quân định đoạt, nên làm sao cho ra trận thì quyết thắng, chế phục được người xa, còn việc xin lập vua mới thì đợi sau sẽ bàn”.

Tháng 12, lấy Chưởng thái giám là Cai đội Nguyễn Văn Lạo làm Tổng đốc kiêm Cai cơ, coi quân các thuyền Nội phủ.

Ất mùi năm thứ 24 [1715], mùa xuân, tháng giêng, Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích, ngày thêm cùng quẫn, bèn phóng lửa đốt nhà cửa trong thành, rồi ra cửa Nam trốn đi. Nặc Thu nghe tin cũng trốn.

Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đốc quân vào thành, thu hết các đồ khí giới, dò xét biết Nặc Thu sợ không dám ra, xin nhường ngôi cho Nặc Yêm. Hai tướng đem sự trạng báo lên. Chúa sai phong Nặc Yêm (lại tên là Kiều Hoa 矯葩) làm vua nước Chân Lạp. Cho thư dụ Nặc Thu, đại lược rằng : “Đạo trời công che trùm muôn vật, mở hơi dương cuối lúc âm hàn. Đạo vua hay ngăn giữ man di, thi đức nhân sau khi chinh phạt. Nước Chân Lạp của ngươi là thuộc quốc của ta. Trước liệt thánh đã gia ơn nuôi nấng, nay ta lại tỏ đức vỗ về. Vừa đây ngươi đem lòng phản trắc, tối nghĩa thủy chung. Cho nên ta sai tướng vâng lời, dấy binh hỏi tội. Ngươi đã trốn vào rừng rú, không đất nương mình. Sao chẳng biết chữa lại lỗi xưa, để đón lấy điều lành sắp tới ? Mà lại cá chuối chầu sao, hãy còn thiếu lễ, chuột con chắp tay, chưa thấy thực tình. Lại nhân gia giáo không nghiêm, đến nỗi trong nhà gây loạn. Vả ta đối với Nặc Yêm, ơn sâu ấp trứng, đức rộng chở che, bất đắc dĩ phải dùng binh để bảo toàn thôi. Huống chi ngươi với Nặc Yêm, kết nghĩa nhân gia, tình như phụ tử. Vả tuổi đã già, lòng ta không nỡ. Ngươi nên trở về nước cho toàn cái ơn phụ tử, giữ được vui vẻ vợ con. Ta đã sách lập Nặc Yêm làm vua nước ngươi, ngươi nên nhường ngôi, cho yên nhà yên nước, yên cả nhân dân. Nếu hay đến chầu cửa khuyết, ta sẽ lấy lòng thành hậu đãi. Ví bằng đường sá xa xôi không thể đi được, thì cũng cho tùy thích mà thôi”.

Lại thấy rằng Nặc Thâm và Cao La Hâm nhất thời trốn loạn, hoặc còn quấy rối, mật dụ cho Nặc Yêm an tập nhân dân để phòng bị.

Tháng 2, Nặc Thâm dẫn quân Xiêm đến cướp Hà Tiên. Bấy giờ Hà Tiên không có phòng bị. Quân Xiêm thình lình tới, Tổng binh là Mạc Cửu chống không được, chạy giữ đất Lũng Kỳ 隴棋. Nặc Thâm cướp hết của cải đem đi. Cửu về Hà Tiên, đắp thành đất, đặt xích hậu xa để làm kế phòng thủ.

Cai cơ Tống Phước Đào chết, tặng Chưởng cơ, rồi lại tặng thêm Chưởng dinh.

Tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.

Ở hai phủ Thăng Hoa và Quy Ninh động đất.

Mùa hạ, tháng 4, Xiêm La sai người đưa thư trách Nặc Yêm nước Chân Lạp gây hấn, lại muốn phát binh để giúp Nặc Thâm. Nặc Yêm cáo cấp với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đem việc báo lên. Chúa cho rằng việc binh ở xa khó tính, hạ lệnh cho hai tướng tùy nghi xử trí. Lại lo Nặc Yêm binh lực chẳng đủ, bèn cho tất cả khí giới bắt được và trả lại những người bị bắt. Nặc Yêm cảm tạ, hiến 6 thớt voi. Chúa sai nhận lấy.

Ai Lao đến cống phẩm vật địa phương.

Bấy giờ tù trưởng Man là Chiểu Đồn Không 沼屯空 bị người trong nước là Tạo Vĩ 造尾 bức bách, nên sai sứ sang cống để cầu giúp quân. Chúa sai sứ mang thư sang an ủi vỗ về và xem binh thế mạnh yếu cùng địa thế hiểm dễ thế nào ?

Sai dinh Trấn Biên dựng Văn miếu 文廟, giao cho Trấn thủ Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Khánh Đức trông coi công việc (Miếu ở địa phận hai thôn Bình Thành và Tân Lại huyện Phước Chính, đằng trước kề sông Phước Giang, đằng sau gối núi Long Sơn).

Chúa rộng xem kinh sử, vui cùng bút mực, phàm trước tác đề vịnh, đều có ý tứ tự nhiên. Bấy giờ Kinh phi Nguyễn Thị mất, chúa thương nhớ không nguôi, ngự chế bốn bài thơ điệu vong viết trên tường trai phòng :

Bài thứ nhất [Phiên âm]

Vấn thiên hà sự chiết ngô phi,

Hoa tạ tam cung nguyệt yếm huy.

Bất đặc nữ trung vong khổn phạm,

Hoàn tri kỳ nội thất dung nghi.

 Thời đương thất tịch ngân hà ám,

Sau ký thiên niên giới lộ hy.

Mạn đạo tiếu nhân nhi phụ thái,

Cổ kim thùy cánh thử tình vi ?

[Dịch]

Hỏi trời sao giết vợ ta,

Ba cung hoa rụng, trăng kém sáng.

Không những mất khuôn phép của giới đàn bà,

Đâu ngờ mất cả dáng điệu trong kỳ hẹn ước.

Đêm thất tịch mà sông ngân mờ tối,

Sầu nghìn thu vì móc hẹ chóng tan.

Đừng cười người ta thói đàn bà con trẻ.

Xưa nay ai không có tình này !

Bài thứ hai [Phiên âm]

Khứ niên chức nữ nhập song minh,

Khước bị trùng vân tựu địa sinh.

Chế cẩm vị hoàn ti tại trục,

Xuyên trâm tài bãi tuyến phiêu doanh.

Không hoài ngũ dạ Quỳnh lâu địch,

Khởi vọng song xuy Ngọc điện sinh.

Nhất phiến mê ly nghi thử tế,

Uyên ương tú chẩm mộng nan thành.

[Dịch]

Năm ngoái sao Chức nữ soi cửa sổ,

Nay bị mây dầy che lấp đi.

Dệt gấm chưa xong, tơ còn ở trục,

Xâu kim vừa bỏ, chỉ còn phất phơ.

Tiếng sáo Quỳnh lâu, năm canh tưởng nhớ,

Tiếng sênh Ngọc điện, khó có lứa đôi.

Tấm lòng mê mẩn ngờ như lúc ấy,

Gối thêu uyên ương, nằm mộng khó thành.

Bài thứ ba [Phiên âm]

Nội trợ tằng kinh ức ỷ ny,

Duy dư đồng nhữ lưỡng nan kỳ.

Phi nhân mộ sắc tiềm huy lệ,

Chỉ vị tôn hiền trọng phú thi.

Việt hải tuy khoan nan tái hận,

Tẩm lăng nghi cận dị quan bi.

Trường đê thả mạc tài dương liễu,

Hảo đãi thanh minh túng mục thì.

[Dịch]

Việc nội trợ vẫn nhớ dung tư yểu điệu,

Duy ta cùng mình, khó hẹn  nhau.

Không phải vì mến sắc mà thầm khóc,

Chỉ quý tính nết mới làm thơ.

Biển rộng mông mênh, mà khó chở hận.

Tẩm lăng gần gũi, để dễ xem bia.

Chớ trồng dương liễu trên đê dài,

Để tiết thanh minh trông cho quang.

Bài thứ tư [Phiên âm]

Nhữ thọ tuy vi, Phước tự trường,

Nhân truyền Phước trạch Nguyễn cung hương.

Phao tư kim ngọc doanh song níp,

Lưu thử nhi tôn mãn nhất đường.

Đối cảnh kỷ hồi hàm biệt lệ,

Liên tài nhất thế động trung tràng.

Kim  bằng diệu pháp không vương lực,

Tiến bạt u hồn đạt thượng phương.

[Dịch]

Mình tuổi thọ dẫu ít, nhưng Phước thì nhiều,

Người ta thường đồn Phước trạch thơm trong cung họ Nguyễn.

Vàng ngọc hai hòm đều vứt bỏ ;

Để lại con cháu đầy một nhà.

Đối cảnh bao lần ngậm nước mắt ;

Tiếc tài suốt đời động lòng thương.

Nay nhờ phép màu của đức Phật,

Tiếp dẫn linh hồn lên cõi tiên.

Mùa thu, tháng 8, Đô tri là Thận Đức bị bãi. Vì Thận Đức nhận bừa đơn kiện ở ngoài, xử kiện không được minh nên bị bãi.

Tháng 9, đổi bổ Ký lục Chính dinh là Thanh Minh làm Ký lục dinh Quảng Bình ; Ký lục dinh Quảng Bình là Lê Cảnh Đức làm Ký lục Chính Dinh, cho Ký lục dinh Quảng Nam là Nguyễn Đăng Đệ làm Đô tri Chính Dinh coi Xá sai ty.

Mùa đông, tháng 10, sai hoàng tử cả là Đỉnh Thịnh hầu làm Chưởng cơ, hoàng tử thứ tám là Trí làm Nội hữu cai đội, hoàng tử thứ mười hai là Điền là Hữu thủy cai đội ; lấy Thống suất đạo Lưu Đồn là Trịnh Nghị Lộc làm Trấn thủ Cựu Dinh, Trấn thủ dinh Quảng Bình là Nguyễn Đức Khang làm Thống suất đạo Lưu Đồn, Trấn thủ dinh Bố Chính là Tuấn Đức làm Trấn thủ dinh Quảng Bình, Cai cơ là Chính Dinh Trương Phước Thức làm Trấn thủ dinh Bố Chính.

Tháng 11, triệu phó tướng dinh Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú về, lấy phó tướng Nguyễn Cửu Triêm làm Lưu thủ dinh Trấn Biên. Triêm đến nơi, xin lấy những ruộng hạng hai hạng ba ở xứ Cù Úc 虬澳 [Vũng Gù] do cha là Nguyễn Cửu Vân đã khai khẩn, làm quan điền ăn riêng. Chúa tự tay phê cho, nhân gọi ruộng ấy là ruộng “châu phê” (nay là đất ở ba thôn Bình Khuê, Bình Trung và Phú Thịnh thuộc tổng Bình Cách).

Tháng 12, lấy Cai hợp Chính Dinh là Lê Hoành Giảng và Nguyễn Khoa Chiêm làm Câu kê kiêm Tri bạ.

Bính thân, năm thứ 25 [1716], mùa xuân, tháng giêng, miễn dao dịch cho cháu gọi bằng ông và cháu gọi bằng chú bác của khám lý Trần Đức Hòa và cấp cho tự điền 10 mẫu.

Tháng 2, ngày Quý dậu, nguyên phi Tống thị (vốn họ Hồ, con gái Chưởng dinh Đào, khi nhập cung được tứ tính là Tống thị) băng, thọ 37  tuổi, tặng Minh phi Liệt phu nhân, thụy là Từ tuệ, táng ở xã Trúc Lâm (tức là lăng Vĩnh Thanh).

Mùa hạ, tháng 4, Thái thượng hoàng nhà Lê băng.

Mùa thu, tháng 8, sửa chùa Kính Thiên ở Thuận Trạch. Sai Tả phủ Trịnh Thụ (bấy giờ gọi là Lân quận công) trông coi công việc. Ban cho hoành phi câu đối ngự chế.

Bấy giờ trong nước cường thịnh, chúa muốn cử đại quân Bắc phạt. Thấy tướng Trịnh là Lê Thời Liêu trấn Nghệ An, phòng giữ nghiêm mật, bèn mật khiến người khách buôn Phước Kiến là Bình và Quý (hai người đều không rõ họ) sang Quảng Tây, theo ải Lạng Sơn mà vào để dò xem tình hình hư thực ở Bắc Hà. Bình và Quý đến Đông Đô, hỏi biết tình trạng quân quốc binh dân, ở 2 tháng, lại theo đường cũ mà về Quảng Đông.

Đinh dậu, năm thứ 26 [1717], mùa xuân, tháng 2, bọn Bình và Quý từ miền Bắc về, đều nói Bắc Hà chưa có thể thừa cơ được, việc bàn Bắc phạt bèn thôi.

Sai Đô tri Nguyễn Đăng Đệ lãnh Ký lục dinh Quảng Nam. Chúa thấy Đăng Đệ trước ở Quảng Nam, việc cai trị thanh liêm công bình, kiện tụng không có, vốn được lại dân tin phục, nên có mệnh ấy.

Mậu tuất, năm thứ 27 [1718], mùa hạ, tháng 6, lấy Nguyễn Khoa Chiêm làm Cai bạ phó đoán sự (bấy giờ gọi là Bảng Trung hầu).

Lấy nội giám Hoàng Trọng Mỹ làm thái giám.

Kỷ hợi, năm thứ 28 [1719], mùa xuân, tháng 3, chúa đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt tên là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho.

Mùa thu, tháng 9, xa giá trở về.

Canh tý, năm thứ 29 [1720] (Lê Bảo Thái năm 1, Thanh Khang Hy năm 59), sai văn chức Nguyễn Khoa Đăng (con Nguyễn Khoa Chiêm) chia lập các ấp các thuộc ở Quảng Ngãi và Phú Yên.

Mùa thu, tháng 7, vua Lê đổi niên hiệu là Bảo Thái.

Ngày Tân tỵ, nguyên phi của hoàng tử cả Đỉnh Thịnh hầu là Trương thị (tức Hiếu ninh hoàng hậu, con gái Trấn thủ chưởng cơ Trương Phước Phan) mất, thọ 22 tuổi, tặng Tu dung á phu nhân, thụy là Từ ý, xây mộ ở núi Long Hồ (tên xã, tức là lăng Vĩnh Phong).

Tân sửu, năm thứ 30 [1721], mùa xuân, tháng 2, dựng chùa Hoàng Giác ở xã Hiền Sĩ (thuộc huyện Phong Điền). Hiền Sĩ xưa có chùa, nổi tiếng linh ứng, chúa bèn nhân nền cũ, gọi thợ xây dựng, gọi tên là chùa Hoàng Giác, chế biển vàng ban cho.

Mùa thu, tháng 8, mở khoa thi, lấy trúng cách về chính đồ 2 người giám sinh.

Nhâm dần, năm thứ 31 [1722], cho Nguyễn Khoa Đăng làm nội tán (bấy giờ gọi là Diên Tường hầu), coi cả việc quân, định lại điều lệ. Bấy giờ đường đi qua rừng Hồ Xá (1. Tức truông nhà Hồ.) thường có trộm cướp tụ họp, hành khách lấy làm lo ngại. Chúa sai Khoa Đăng đi kinh lược nơi ấy. Khoa Đăng tìm cách bắt trị, cấm trấp nghiêm minh. Từ đó trộm cướp im tắt, đường sá không bị cản trở, trăm họ đều ca tụng.

Quý mão, năm thứ 32 [1723] (Lê Bảo Thái năm 4, Thanh Thế tông Ung Chính năm 1), mùa hạ, tháng 4, thi nhiêu học, lấy trúng cách 77 người, dư luận học trò rất là sôi nổi. Chúa ra lệnh họp tất cả ở Chính Dinh để chúa thi, tứ lục và thơ phú mỗi thể một bài. Sĩ tử không làm nổi ra về, bèn truất hết.

Trịnh Cương nhà Lê sai tướng là Tham lãnh Nguyễn Minh Châu làm Trấn thủ Nghệ An, kiêm trấn châu Bắc Bố Chính.

Giáp thìn, năm thứ 33 [1724], lấy Nguyễn Khoa Chiêm làm Tham chính chánh đoán sự. Khi Khoa Chiêm còn làm thủ hợp, Trấn Đình Ân từng nói ở trước chúa rằng người này có thể đại dụng, chúa tin dùng lắm, đến đây cất lên chức ấy.

Lấy Nguyễn Đăng Đệ làm Ký lục Chính Dinh. Đăng Đệ xin cấm các hạng tiền bằng gang, thiếc, chì, sắt không được dùng để mua bán, còn tiền đồng nếu không gãy mẻ thì không được chọn bỏ. Chúa nghe theo. Bấy giờ Nam Bắc nghỉ binh hơn 30 năm, trong cõi yên ổn, trăm họ giàu có đông đúc, người ta gọi là đời thái bình.

Ất tỵ, năm thứ 34 [1725] mùa hạ, tháng 4, ngày Mậu tý, chúa băng, ở ngôi 34 năm, thọ 51 tuổi, con trai con gái 146 người.

Hoàng tử cả nối ngôi, đem quần thần dâng tôn thụy là Đô nguyên soái tổng quốc chính Khoan Từ Nhân Thứ Tộ Minh vương. An táng ở núi Kim Ngọc.

Thế tông Hiếu võ hoàng đế truy tôn làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu minh vương, [truy tôn] phi làm Từ Huệ Cung Thục Kính phi. Năm Gia Long thứ 5 truy tôn làm Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu minh hoàng đế, miếu hiệu là Hiển tông, lăng gọi là Trường Thanh, [truy tôn] phi làm Từ Huệ Cung Thục Y Đức Kính Mục Hiếu minh hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Thanh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter