Thực lục về Thái tông Hiếu triết hoàng đế Nguyễn Phúc Tần (thượng)

Thái tông Tuyên Uy Kiến Vũ Anh Minh Trang Chính Thánh Đức Thần Công Hiếu triết hoàng đế, húy là Tần 瀕, sinh năm Canh thân [1620] (Lê Vĩnh Tộ năm 2, Minh Vạn Lịch năm 48), là con thứ hai của Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế. Mẹ là Hiếu chiêu hoàng hậu Đoàn thị. Đầu được phong Phó tướng Dũng Lễ hầu. Từng đánh phá giặc Ô Lan ở cửa Eo, Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế rất khen. Năm Mậu tý [1648], mùa xuân, tháng 2, được tấn phong là Tiết chế chư quân, phá quân Trịnh ở sông Gianh. Ngày Tân mão, Thần tông Hiếu chiêu hoàng đế băng. Bấy giờ chúa 29 tuổi, bầy tôi tôn lên làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự thái bảo Dũng quận công. Bấy giờ gọi là Chúa Hiền 賢主.

Lấy Chưởng cơ Tôn Thất Trung, Tôn Thất Lộc, Nguyễn Phước Kiều, Tống Hữu Đại và Tôn Thất Nghĩa làm Chưởng dinh, Cai cơ Tống Phước Khang (cháu Tống Phước Trị), Dương Sơn và Bái Kiều (hai người đều không rõ họ) làm Chưởng cơ, Nguyễn Hữu Dật làm Cai cơ lãnh ký lục dinh Bố Chính, Hoa Phong (không rõ họ) làm Cai bạ phó đoán sự. Ngoài ra các quan viên văn võ đều được thăng trật theo thứ bực.

Mùa hạ, tháng 5, Trịnh Tráng nhà Lê sai tướng là Trịnh Đào 鄭檮 mở dinh Tả trấn quân, lãnh một vạn binh đóng đồn ở Hà Trung (bấy giờ gọi là Dinh Cầu, tức là phủ lỵ Hà Thanh ngày nay), Lê Hữu Đức 黎有德 mở dinh Hữu trấn quân, lãnh 5 nghìn binh đóng ở Hoành Sơn, Phạm Tất Đồng 范必仝 (1. Tất Đồng               ; Phủ biên tạp lục, sách viết tay, chép là Tất Toàn                 .) làm Thủ tướng châu Bắc Bố Chính đóng ở Tam Hiệu (bấy giờ gọi là Ba Đồn) đề phòng giữ quân ta.

Mùa thu, tháng 8, triệu Tham tướng thủy dinh Quảng Bình là Nguyễn Triều Văn  về. Trước là trong trận đánh ở Nhật Lệ, Triều Văn nhút nhát không dám tiến, các tướng nhiều người nói về việc ấy. Đến đây triệu về, lấy Tôn Thất Tráng 尊室壯 (con Chưởng dinh Tôn Thất Thao, bấy giờ gọi là Vân Long hầu) thay. Tráng đến, tu sửa khí giới, huấn luyện quân sĩ, phòng bị biên cương rất nghiêm.

Kỷ sửu, năm thứ 1 [1649] (Lê Khánh Đức năm 1, Thanh Thuận Trị năm 6, Minh hậu Vĩnh Minh Vương Vĩnh Lịch năm 3), mùa thu, tháng 8, Vua Chân Tông nhà Lê băng, không có con nối ngôi.

Mùa đông, tháng 10, vua Thần tông nhà Lê trở lại ngôi, đổi niên hiệu là Khánh Đức.

Tháng 11, sai sứ ra Đông Đô. Tham tụng của Trịnh là Nguyễn Duy Thì nói với Trịnh Tráng rằng: “Chúa miền Nam cùng ta đã hai đời kết thông gia, nay nhân có sứ lại ta nên yên ủi dung nạp”. Tráng bèn hậu đãi sứ ta rồi cho về.

Tháng 12, ngày Giáp thìn, hoàng tử thứ hai (tức Anh tông Hiếu nghĩa hoàng đế) sinh, là con của thứ phi Tống thị (con gái Chưởng cơ Tống Phước Khang 宋福康).

Canh dần, năm thứ 2 [1650], mùa xuân, tháng 2, Ký lục dinh Bố Chính là Nguyễn Hữu Dật từng sai tướng sĩ giả làm áo mũ cờ xí của Bắc Hà, mưu làm rối loạn quân Trịnh, lại làm thư trá hàng gửi cho Trịnh, ước làm nội ứng. Việc ấy chưa kịp báo lên. Tham tướng Tôn Thất Tráng cùng Hữu Dật có hiềm khích, nhân đó dèm rằng: “Hữu Dật toan mưu trở về Bắc”. Chúa sai bắt trói bỏ ngục. Hữu Dật bèn theo tập Anh liệt chí 英烈誌 đời Minh, làm thành  Hoa vân Cáo thị 花雲郜氏傳 [Hoa Vân cáo thị truyện] để bày tỏ chí mình, nhờ người coi ngục dâng lên. Chúa xem xong, tha cho, lại cho làm văn chức ở Chính dinh, ưu đãi vẫn như trước.

Tân mão, năm thứ 3 [1651], đổi phủ Hoài Nhân làm phủ Quy Ninh (sau đổi làm Quy Nhơn).

Nhâm thìn, năm thứ 4 [1652], chúa chăm việc chính trị, không chuộng yến tiệc vui chơi. Bấy giờ có người con hát ở Nghệ An tên là Thị Thừa 氏承, nhan sắc xinh đẹp, được lấy vào cung. Chúa nhân xem sách Quốc ngữ, đến chuyện vua Ngô yêu Tây Thi, chợt tỉnh ngộ, tức thì sai Thị Thừa mang áo ngự cho Chưởng dinh Nguyễn Phước Kiều mà để thư trong dải áo ngầm sai Kiều trấn nước giết đi (1. Chữ Hán 沈殺 [trấm sát] là dìm nước mà giết. Phủ biên tạp lục chép trấm sát là bỏ thuốc độc mà giết.).

Quý tỵ, năm thứ 5 [1653] (Lê Thịnh Đức năm 1, Thanh Thuận Trị năm 10, Minh hậu Vĩnh Minh vương Vĩnh Lịch năm 7), mùa xuân,

Tháng 2, vua nhà Lê đổi niên hiệu là Thịnh Đức.

Tháng 3, mở cuộc duyệt binh lớn ở xã An Cựu (1. Bây giờ là phường An Cựu, thành phố Huế.), xét khí giới cùn sắc để định thưởng phạt.

Cơ Trung hầu 10 thuyền 300 người; Nội bộ 60 đội thuyền, hơn 3.280 người; 2 cơ Tả trung và Hữu trung, mỗi cơ 14 thuyền, đều hơn 700 người; Nội thủy 58 thuyền, 6.410 người; cơ Tả trung kiên 12 thuyền, 600 người; cơ Hữu trung kiên 10 thuyền, 500 người; 2 cơ Tả trung bộ và Hữu trung bộ, mỗi cơ 10 thuyền, đều 450 người; cơ Tiền trung bộ 12 đội, mỗi đội 5 thuyền, cộng 2.700 người; 4 cơ Tả dực, Hữu dực, Tiền dực, Hậu dực, mỗi cơ 5 thuyền, cộng hơn 1.100 người; 4 đội Tiền thủy, Hậu thủy, Tả thủy, Hữu thủy, mỗi đội 5 thuyền, đều hơn 500 người, 8 cơ Tả nội bộ, Hữu nội bộ, Tiền nội bộ, Hậu nội bộ, Tả súng, Hữu súng, Tiền súng, Hậu súng, mỗi cơ 6 thuyền, cộng hơn 2.100 người; dinh Tả bộ 10 thuyền, cộng hơn 450 người; 4 đội Tiền bính, Hậu bính, Tả bính, Hữu bính, mỗi đội 4 thuyền, đều hơn 200 người; cơ Tả thủy 5 thuyền, hơn 200 người).

Bắt đầu đặt dinh Thái Khang 泰康營. Bấy giờ có vua nước Chiêm Thành 占城國王 là Bà Tấm 婆抋 xâm lấn Phú Yên, sai Cai cơ Hùng Lộc 雄祿 (không rõ họ) làm Thống binh, Xá sai Minh Vũ 明武 (không rõ họ) làm tham mưu, lãnh 3.000 quân đi đánh. Quân đến Phú Yên, các tướng đều muốn dừng lại để dụ địch. Hùng Lộc nói: “Ra quân lúc không ngờ, đánh giặc lúc không phòng bị, là mưu hay của nhà binh. Nay quân ta từ nơi xa đến, lợi ở sự đánh chóng, cần gì phải dụ”. Bèn tiến quân vượt đèo Hổ Dương 虎揚嶺 núi Thạch Bi 石碑山, đánh thẳng vào thành, nhân đêm phóng lửa đánh gấp, cả phá được. Bà Tấm trốn chạy. Lấy được đất đến sông Phan Rang 潘郎江. Bà Tấm sai con là Xác Bà Ân 壳婆恩 mang thư xin hàng. Hùng Lộc đem việc báo lên.

Chúa y cho, khiến lấy sông Phan Rang làm giới hạn, từ phía đông sông đến địa đầu Phú Yên chia làm hai phủ là Thái Khang (nay là Ninh Hòa) và Diên Ninh (nay là Diên Khánh). Phủ Thái Khang có 2 huyện: Quảng Phước và Tân An; phủ Diên Ninh có 3 huyện : Phước Điền, Vĩnh Xương và Hoa Châu. Đặt dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa) cho Hùng Lộc trấn giữ. Phía tây sông Phan Rang vẫn về Chiêm Thành, bắt giữ lệ chức cống.

Mùa hạ, tháng 6, bầy tôi dâng tôn hiệu làm Thái phó quốc công, làm lễ chầu mừng xong, chúa thưởng cho theo thứ bực.

Đắp đồn Sa Chủy (ở cửa biển Nhật Lệ, bấy giờ gọi là lũy Mũi Dùi).

Giáp ngọ, năm thứ 6 [1654], mùa xuân, tháng giêng, triệu Trấn thủ dinh Bố Chính là Xuân Sơn 春山 (không rõ họ), cho sang trấn giữ Thái Khang, lấy Phù Dương 扶陽 (không rõ họ) thay Xuân Sơn. Phù Dương đến trấn, sửa sang thành trì, vỗ về quân sĩ, mọi người đều mến phục.

Mùa hạ, tháng 4, Chưởng dinh Trung có tội, bị hạ ngục. Trước là Tống thị bậy bạ, Trung muốn trừ đi. Tống thị sợ, bèn hết lòng chiều nịnh Trung, Trung bèn tư thông, Tống thị nhân đấy khuyên Trung phản. Trung bèn bí mật kết bè đảng rắp mưu làm loạn. Thuộc hạ của Trung là Thắng Bố tố cáo. Bị bắt trị tội, Trung thú nhận. Chúa không nỡ giết, cho giam xuống ngục, rồi chết. Bèn giết Tống thị lấy hết gia tài tán cấp cho quân dân. Thưởng cho Thắng Bố làm cai đội dinh Quảng Bình. Có người quân lại bắt được sổ của bọn ngụy đem dâng. Chúa sai đốt đi. Mọi người đều được yên tâm.

Ất mùi, năm thứ 7 [1655], mùa xuân, tháng 2, tướng Trịnh là Trịnh Đào từng sai Thủ tướng châu Bắc Bố Chính là Phạm Tất Đồng thả quân qua sông biên giới để xâm lấn cướp bóc. Trấn thủ dinh Bố Chính là Phù Dương đem việc báo lên. Chúa cả giận, bàn đi đánh miền Bắc.

Bấy giờ Nam Bắc dụng binh. Chúa nghĩ sao cho có hiền tài để ủy thác công việc biên cương. Mộng thấy thần nhân đưa cho bài thơ rằng: “Tiên kết nhân tâm thuận, Hậu thi đức hóa chiêu. Chi diệp kham tồi lạc, Căn bản dã nan dao 先結人心順,後施德化昭,枝葉堪搉落,根本也難搖” [Nghĩa là: Trước đoàn kết lòng người hòa thuận, sau thi hành đức hóa rõ ràng. Cành lá nọ có khi rơi gẫy, cõi gốc kia cũng khó chuyển lay]. Chúa cho rằng thơ [có chữ thuận chữ chiêu] là ứng vào Thuận Nghĩa 順義 và Chiêu Vũ 昭武 (Nguyễn Hữu Tiến bấy giờ gọi là Thuận Nghĩa hầu, Nguyễn Hữu Dật gọi là Chiêu Vũ hầu), cho nên phàm việc binh tất bàn mưu với hai người ấy.

Tháng 3, sai Nguyễn Hữu Dật đi tuần biên giới. Hữu Dật đến dinh Bố Chính, nắm hết được tình hình rồi về. Chúa triệu hỏi. Hữu Dật đáp rằng: “Thần có một kế, bắt Trịnh Đào dễ như trở bàn tay!” Chúa hỏi kế hoạch thế nào? Đáp rằng: “Gần đây liền năm dụng binh mà quân ta chưa từng sang miền Bắc. Nay thần xin chia quân làm ba đạo : Thượng đạo tiến trước đánh Tất Đồng, trung đạo tiếp sau làm thanh ứng (1. Đội quân này làm thanh thế hưởng ứng với  đội quân khác.). Trịnh Đào ở Hà Trung nghe thấy chắc cho rằng quân ta lại đây chỉ để đánh Tất Đồng thôi, tất nhiên bỏ trống lũy mà đi cứu viện. Quân hạ đạo nhân tiến đến Hoành Sơn, đánh úp Lê Hữu Đức, thừa hư cướp lấy dinh Hà Trung. Đó là kế “điệu hổ ra khỏi rừng, dẫn rắn vào trong lỗ” (1. Chữ Hán là: 調虎出林, 引蛇入穴 Điệu hổ xuất lâm, dẫn xà nhập huyệt.), đánh một trận có thể thu toàn thắng”. Chúa mừng nói: “Khanh bàn việc binh có vẻ mầu nhiệm bất trắc như quỷ thần, dù Tử Phòng (2. Trương Lương (tức Tử Phòng) là mưu thần của Hán Cao tổ.) Bá Ôn (3. Lưu Cơ (tức Bá Ôn) giúp Minh Thái tổ thống nhất thiên hạ.) cũng không hơn được”.

Hữu Dật lại xin đặt đài hỏa hiệu ở các cửa biển Quảng Bình để báo tin việc biên giới cho chóng và dựng kho Trường Dục, chở thóc đến chứa. Lại xin hạ lệnh cho tướng sĩ các dinh Quảng Bình và Bố Chính đều chỉnh bị quân nhu để đợi trưng phát. Chúa đều theo cả. Bèn cho Nguyễn Hữu Tiến làm tiết chế, Nguyễn Hữu Dật là đốc chiến.

Ngày Canh ngọ, Hữu Tiến và Hữu Dật đem quân các dinh thủy bộ qua sông Gianh. Trước sai trấn thủ Cựu dinh là Tống Hữu Đại ra chợ Lũ Đăng (tên xã) đánh đuổi Tham đốc của Trịnh là Đặng Minh Tắc để cướp lấy dinh, Phù Dương ra Phù Lưu phá dinh Tam Hiệu [Ba Đồn], Tất Đồng chạy vào Lũng Bòng [tên đất]. Trịnh Đào nghe tin Tam Hiệu thất thủ, quả nhiên đem hết quân theo đường núi đến cứu viện. Đến chiều hôm, Tống Hữu Đại lại dẫn quân trở về, đóng ở bên sông. Hữu Tiến chia sai Xuân Sơn làm hạ đạo, tiên phong Nguyễn Phước Kiều với Cai cơ Cao Bá Phước (con Đô đốc quốc công Cao Bá Hoa), Tống Uy và Nguyễn Nghĩa chia quân làm 4 đội thuộc vào. Hữu Tiến tự xuất quân Tráng tiệp làm trung đạo. Cai cơ Triều Nghĩa và Phù Tài (hai người đều không rõ họ) làm tả hữu vệ trận. Hữu Dật lãnh cơ Tiền súng tiếp sau. Ước hẹn ngày mai đều đến dinh Hà Trung.

Phù Dương làm thượng đạo, tiên phong Tống Hữu Đại tiếp ứng, đem quân đuổi đánh Tất Đồng. Ngày Tân mùi, hạ đạo là bọn Xuân Sơn sai một cánh quân lẻ ra giữ cửa Ròn để chống với thuộc tướng của Hữu Đức là Bật Trung (không rõ họ) mà tự dẫn quân tiến thẳng đến Hoành Sơn, gặp quân Hữu Đức đánh phá được. Hữu Đức thua chạy về xã Lạc Xuyên, Xuân Sơn thu được voi ngựa khí giới rất nhiều, rồi thừa thắng thẳng đến dinh Hà Trung. Tỳ tướng của Trịnh Đào là Trăn Bái và Kỷ Thiệu (hai người đều không rõ họ) hết sức chống đánh Xuân Sơn phải lùi về khe Bàn Thạch. Đại binh của Hữu Tiến kế đến, chém được Trăn Bái ; Kỷ Thiệu trốn chạy. Quân ta lấy được dinh Hà Trung. Thượng đạo là Phù Dương đuổi Tất Đồng tới Lũng Bông. Tất Đồng đem châu đầu hàng. Trịnh Đào thì theo phía sau núi Hoành Sơn chạy tới gò Bạch Thạch. Hữu Dật đạc chừng rằng Đào thua tất phải theo đường núi mà chạy, nên đã đem quân bản bộ mai phục ở đó trước. Kịp Đào đến đây, quay bảo thuộc hạ rằng: “Chỗ này nếu có phục binh thì bọn ta không còn đường nữa”.  Nói chưa dứt lời, phục binh vùng dậy. Hữu Dật chính tay bắn trúng vào cánh tay trái của Đào. Đào bèn bỏ hết voi ngựa khí giới, cùng Hữu Đức chạy về xã An Trường (nay là tỉnh lỵ Nghệ An). Hữu Dật muốn thừa thắng đuổi dài. Hữu Tiến không nghe, bèn họp quân ở Hà Trung, đem tin thắng trận báo về. Chúa mừng nói: “Hữu Tiến và Hữu Dật thật là hổ tướng”. Sai tướng thần lại đến chỗ quân, thưởng lạo tướng sĩ. Lại mật dụ cho Hữu Dật đóng binh mà vỗ về quân dân để chờ cơ hội, chớ nên khinh tiến, phàm việc quân nên cùng Hữu Tiến thương nghị, không nên tự chuyên.

Bấy giờ Hữu Tiến và Hữu Dật dựng bài chiêu an để thu phục lòng người. Tham đốc của Trịnh là Đặng Minh Tắc cùng với Triều Tô, Tú Long, Toàn Võ, Ninh Lộc (4 người đều không rõ họ) đều đến cửa quân đầu hàng. Hữu Tiến chia ra cho lệ thuộc các dinh, ghi số tướng sĩ quân dân mới hàng để dâng lên. Hữu Dật lại viết thư kêu gọi Trịnh Đào đầu hàng, Đào không nghe. Tức thì mật sai  Nguyễn Văn Phương và em là Nguyễn Văn Tường đem vàng bạc và tung gián điệp, lấy tình trạng Trịnh Đào bị thua muốn đầu hàng mà nhờ đô đốc của Trịnh là Sùng (không rõ họ) nói với Trịnh Tráng. Tráng tin lời, ra lệnh bắt Đào giải về. Đào bị thương nặng, chết ở đường. Việc ấy báo lên, chúa rất mừng, thưởng cho Hữu Tiến 30 lạng vàng, 100 lạng bạc, Hữu Dật 30 lạng vàng, 80 lạng bạc và thưởng thêm cho Hữu Dật một cái áo gấm, một thanh bảo kiếm. Các tướng khác cũng đều được thưởng theo thứ bực.

Mùa hạ, tháng 5, Trịnh Tráng sai Thái bảo Trịnh Trượng làm thống lãnh, Bồi tụng Nguyễn Văn Trạc và Cấp sự trung Nguyễn Tính làm Chánh phó đốc thị, lãnh 18 tướng để thu phục dinh Hà Trung. Vũ Văn Thiêm lãnh 50 chiến thuyền, đóng ở cửa biển Kỳ  La. Nguyễn Hữu Tiến nghe tin, mời Nguyễn Hữu Dật đến hỏi kế, Hữu Dật nói: “Quân họ nhiều, quân ta ít, khó chống chọi được. Ta hãy tạm lui quân về sông Gianh để tỏ rằng quân mình yếu, rồi mật khiến bộ binh phục ở Lũng Bông, thủy binh đóng ở cửa Ròn để đợi. Bọn Trượng thấy quân ta trở về Nam tất bảo rằng ta nhát, mà không phòng bị. Ta nhân thế mà tiến đánh, bọn Trượng tất bị ta bắt; Văn Thiêm thì không đánh cũng vỡ thôi”. Hữu Tiến cho là phải, bèn sai cai cơ Trương Phước Hùng (con Trương Phước Phấn, bấy giờ gọi là Hùng Oai hầu) đem quân phục ở Lũng Bông, Tôn Thất Tráng lãnh chiến thuyền ra cửa Ròn, mà tự mình thì rút quân về sông Gianh. Kịp bọn Trượng đến dinh Hà Trung, còn nghi ngờ không dám tiến, triệu Văn Trạc hỏi kế. Văn Trạc nói: “Hữu Tiến, Hữu Dật là những tướng có mưu trí và sức mạnh. Từ khi sang Bắc tới nay, thừa thắng đuổi đánh xa, nhuệ khí rất hăng, nay không có cớ gì mà rút quân, hẳn là kế nhử ta. Không gì bằng lui đóng ở xã Lạc Xuyên, quân thủy quân bộ tiếp nhau, rồi tùy cơ ứng biến. Đấy là binh pháp”. Trượng theo lời. Lùi đóng ở xã Lạc Xuyên Hạ sai 500 quân tuần du ở dinh Hà Trung để phô thanh thế. Hữu Tiến, Hữu Dật nghe tin, dâng lời nói rằng: “Trước kia Tào Tháo có quân 100 vạn mà bị thua với Đông Ngô (1. Trận Xích Bích.1), Thích Chiêu Quân chỉ 3.000 mà chống được Gia Cát (2. Trận Kỳ Sơn.), số quân nhiều ít không đủ kể. Nay Trịnh Trượng đem quân vào Nam, đã hơn một tháng mà chưa từng đánh một trận nào, lại bỏ đất Kỳ Hoa (tên huyện, nay cải là Kỳ Anh), lui giữ Lạc Xuyên, đó là quân tuy nhiều mà không có chí chiến đấu. Vậy bọn thần xin phát binh đi đánh, đại quân theo sau tiếp ứng. Lại bày thủy quân ở sông Gianh để làm thanh viện”. Chúa y cho.

Mùa thu, tháng 8, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật sai các tướng chia đạo đều tiến: Chánh đạo là bọn Trương Phước Hùng, Phù Dương, Thuần Đức, Khuê Thắng (3 người đều không rõ họ) đốc suất quân tiên phong đánh chạy bọn du binh của Trịnh, đến thẳng Lạc Xuyên Hạ, đánh phá dinh Trịnh Trượng. Thượng đạo là bọn Tống Hữu Đại, Xuân Sơn, Phù Tài, Cống Giác (3 người đều không rõ họ), nghe tin Lạc Xuyên Hạ đã bị phá, liền tiến đánh bọn tướng Trịnh là Tài và Địch (hai người đều không rõ họ, bấy giờ gọi là quận công) ở xã Lạc Xuyên Thượng, cũng phá được, thu được khí giới và voi ngựa không xiết kể. Hữu Dật lãnh thủy binh vào cửa biển Kỳ La [Cửa Nhượng], đánh Vũ Văn Thiêm. Văn Thiêm lùi đóng ở cửa Nam Giới [Cửa Sót]. Tướng Trịnh là Nguyễn Hữu Sắc, Lê Sĩ  Hậu đều nghe hơi là chạy trốn. Trịnh Trượng cùng các tướng lùi giữ An Trường. Quân ta thừa thắng tiến đến xã Bân Xá (thuộc huyện Thiên Lộc). Bắc Hà vì đó mà rung động. Hữu Tiến sai người về dâng tin thắng trận, rồi đem quân đóng ở Lạc Xuyên.

Tháng 9, Trịnh Tráng sai con là Tạc xuất đại binh, đóng An Trường.

Mùa đông, tháng 10, Trịnh Tráng lại khiến Trịnh Ninh  (con út Trịnh Tráng, bấy giờ gọi là Quận công) làm Thống lãnh, Đào Quang Nhiêu làm đốc suất, Vũ Văn Thiêm làm Đốc suất thủy quân. Quân Trịnh tiến đến Kỳ Hoa. Quân ta lui đóng ở dinh Hà Trung.

Tháng 11, Trịnh Ninh và Đào Quang Nhiêu lại về An Trường. Trịnh Tạc trở về Bắc, để Văn Thiêm ở lại làm trấn thủ, Quang Nhiêu làm đồn thủ, Dương Hồ và Phan Hưng Tạo làm đốc thị, đều lãnh quân sở bộ đóng ở An Trường; Thân Văn Quanh, Mẫn Văn Liên đóng ở xã Tiếp Vũ (thuộc huyện Thiên Lộc), Lại Thế Thì và Tường Trung (không rõ họ) đóng ở xã Minh Lương, Hằng và Hán (2 người đều không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) đóng ở núi Bình Lãng (tên xã), Văn Thiêm đóng ở sông Khu Độc (1. Sông Khu Độc: Một khúc sông Lam ở dưới chân Hồng Lĩnh.), đều lãnh hương binh để chống giữ.

Tháng 12, tướng Trịnh là bọn Tường Trung đem hương binh vào Kỳ Hoa, lùa bắt những người dân đã theo hàng ta đem về. Nguyễn Hữu Tiến họp các tướng ở chợ Vân Cát (tên xã), chia sai Lưu Diên và Thiêm Vinh (2 người không rõ họ) làm chánh phó tiên phong, Trương Phước Hùng làm vệ trận, đem quân ra huyện Thạch Hà, đón đánh phá được. Hùng là người quả cảm đánh giỏi, người miền Bắc sợ lắm, gọi là Hùng sắt 雄鐵 [Hùng thiết].

Bấy giờ Nguyễn Hữu Dật muốn được ngoại ứng để chia lực lượng quân Trịnh, bèn khiến bọn Văn Tường và Hoàng Sinh đem mật thư lẻn đến các trấn Bắc Hà để chiêu dụ hào kiệt, hẹn cùng nổi lên. Ở Cao Bằng thì Mạc Kính Hoàn, ở Hải Dương thì tên Phấn (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công), ở Sơn Tây thì Phạm Hữu Lễ đều vâng mệnh, nói rằng: Hễ quân chúa qua sông Lam thì xin phát binh hưởng ứng, Hải Dương thì không nộp tô thuế để cho tuyệt lương, Cao Bằng thì tiến chiếm Đoàn Thành (nay là tỉnh lỵ Lạng Sơn) để chia thế lực, Sơn Tây thì nguyện làm nội ứng để cướp lấy thành. Bọn Văn Tường về báo, Hữu Dật mừng bảo Hữu Tiến rằng: “Lòng người như thế, xin sớm định kế hoạch, để xong công lớn”.

Bính thân, năm thứ 8 [1656], mùa xuân, tháng giêng, quân ta đánh úp đồn Tiếp Vũ. Tướng Trịnh là bọn Thân Văn Quanh thua chạy. Quân Nguyễn thừa thắng đuổi đánh thủy binh Trịnh ở sông Tam Chế (2. Khúc sông Lam ở khoảng dưới cửa sông La, có bến đò Chế. Đại Nam nhất thống chí chép là sông Tam Đẳng.). Bấy giờ Vũ Công Quang và Lê Sĩ Hậu hợp sức cùng đánh, quân ta hơi lùi.

Tháng 2, Nguyễn Hữu Dật tiến quân đến núi Hồng Lĩnh, gặp du binh của Trịnh, đánh phá được. Vừa chiều tối phải dừng quân, nhưng Hữu Dật đốc suất kíp tiến, sáng sớm đến Mẫn Tường (tên đất), gặp tướng Trịnh là Vũ Văn Thiêm đem thủy binh lên bờ. Tiên phong là Diên Lược (không rõ họ) đánh ngay. Văn Thiêm lui giữ xã Đằng Để, Hữu Dật đốc quân xung kích, bắn giết được tướng là Tường Trung. Văn Thiêm sợ lắm, chạy về An Trường. Hữu Tiến suất quân chính đạo đến Minh Lương; Tống Hữu Đại xuất quân chính đạo đến núi Bình Lãng. Đào Quang Nhiêu chia quân chống đánh. Vừa quân Trịnh bị tướng Nguyễn là Đăng Doanh (không rõ họ) đánh thua, các tướng Trịnh đều trốn di. Quang Nhiêu cũng bỏ lũy về An Trường. Hữu Tiến và Hữu Dật bèn thu quân đóng ở Vân Cát, đem tin thắng trận báo lên. Chúa sai sứ giả đem vàng lụa thưởng cho tướng sĩ theo thứ bực.

Trịnh Tráng nghe tin Đào Quang Nhiêu và Vũ Văn Thiêm đều thua trận, lại sai Trịnh Ninh thống lĩnh các tướng để trấn giữ Nghệ An, bọn Quang Nhiêu và Văn Thiêm đều thống thuộc.

Tháng 3, Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây sai người đem thư đưa cho Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật xin thi hành ba chước: một là tung phản gián cho họ Trịnh nghi lòng, hai là kết mối hòa hảo để cầu giúp đỡ, ba là dùng người hào kiệt để họ ra công. Hữu Tiến, Hữu Dật nhận được thư rất mừng. Bấy giờ lại có người ở Hải Dương là Văn Dụ (không rõ họ)  đến nói rằng: Hào kiệt ở Hải Dương cũng cùng nổi dậy với hào kiệt ở Sơn Tây, Sơn Nam, đợi quân chúa sang sông Lam thì sẽ tiếp ứng.

Mùa hạ, tháng 5, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật nghe quân Trịnh đến, bèn sai bọn Hoằng Vinh, Dương Trí, Văn Thuần (3 người đều không rõ họ) đem thủy quân đến cửa Nam Giới, đánh tướng Trịnh là Xuân (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công), Trịnh Ninh sai thuộc tướng là Lý (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) đem quân đến cứu. Hữu Dật đốc quân bắn nhau với quân Trịnh và chăng cờ làm hiệu. Dương Trí ở ngoài biển trông thấy kíp tiến vào bắn, bắt được Xuân và ba chục chiến thuyền. Lý thua chạy. Phò mã Trình (không rõ họ) đốc suất chiến thuyền đến tiếp đánh. Quân ta thừa gió thuận, bắn súng, khói tỏa mù trời, quân Trịnh thua vỡ rối loạn. Lê Sĩ  Hậu, Bùi Sĩ Lương, Nguyễn Hữu Sắc, Thái Bá Trật đều thua, bỏ thuyền mà chạy. Ninh nghe tin cả sợ, lui giữ bến đò Điềm(1 Tức là bến đò xã An Điềm1).

Hữu Dật dẫn quân đến vây. Ninh lại rút quân về cửa Nam Giới, cùng với thủy quân của Dương Trí giúp nhau. Ninh lại ra đóng ở Đại Nại. Hữu Dật và Dương Trí đem các quân thủy lục tiến đến sông Lam. Phó tướng thủy sư là Nguyễn Phước Kiều và tham tướng Tôn Thất Tráng lại đem quân đến cửa Đan Nhai, đánh phá được thủy quân của Trịnh. Vũ Văn Thiêm bỏ thuyền chạy. Tống Phước Khang và Phù Dương đem quân thượng đạo đến xã Hương Bộc vây quân Đào Quang Nhiêu. Ninh đốc suất các quân đến cứu viện. Quân bọn Phù Dương thua lui về Hà Trung. Kiều bị thương rồi chết (tặng là Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Tả quân đô đốc Nghĩa quận công, lập đền thờ ở xã Dương Xuân, cấp cho tự phu 50 người). Hữu Tiến nghe tin Ninh đến xã Tam Lộng, bèn bố trí thủy quân ở các bến Phù Thạch, Tam Kỳ [Ngã ba] và Việt Yên, sai Hoằng Tín (không rõ họ) đem chiến thuyền phục ở Minh Lương, Hữu Dật đem bộ binh phục ở xã Nam Ngạn (2. Các bến các xã ở đây đều thuộc khúc sông Lam trên dưới ngã ba sông Lam và sông La) để triệt đường trở về của Ninh. Ninh nghe tin Hữu Dật đóng quân ở Nam Ngạn, cười nói rằng: “Bọn quân cô đơn kia dám vào sâu trong đất ta, như cá vào lưới để cho ta và các tướng một bữa gỏi”. Bèn sai tướng là Tào Nham và Diễn Thọ (2 người đều không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) xông ra gò nổi ở xã Nam Ngạn đánh nhau với quân ta. Gặp phục binh, Tào Nham và Diễn Thọ đều bị tướng ta là Đô Tín (không rõ họ) giết chết. Ninh dẫn quân qua Bình Hồ (tên đất), Hoằng Tín suất thủy sư bắn. Quân Trịnh chết rất nhiều. Ninh bèn lui đóng ở An Trường.

Tháng 6, chúa đến Quảng Bình. Trước chúa nghe quân ta luôn luôn thắng trận, tự cầm quân ra xã Phù Lộ châu Bắc Bố Chính muốn tiếp ứng; Khi nghe các tướng đã lui về Hà Trung, bèn dừng lại ở xã An Trạch. Nguyễn Hữu Dật đến hành tại yết kiến.

Chúa hỏi về việc binh, Hữu Dật đem hết tình trạng tâu bày, nhân lại nói với chúa rằng: “Dụng binh 2 năm nay, mới lấy được 7 huyện Nghệ An. Được rất khó, mà phí cũng rất nhiều. Nay thế chưa có thể thừa được, xin đắp lũy ở phía nam sông Lam để giữ mà chờ cơ hội. Vả việc dụng binh trước hết phải bàn đến tướng. Nay những người cầm quân phần nhiều là người thân cựu [của chúa], hoặc có người không quen kỷ luật, đi đứng trái phép, cũng có người dung túng quân đi cướp bóc để mất lòng dân. Như thế đều không phải là đạo toàn thắng. Xưa kia Hàn Tín, Bành Việt và Anh Bố (1. Những người công thần đời Hán Cao tổ.) đều  lấy trí dũng mà làm tướng nhà Hán để dựng nên công nghiệp, đâu có phải đều là người ở đất Phong đất Bái (2. Quê hương của Hán Cao tổ.). Thần xin chọn kỹ các tướng có phương lược thì không kể là sơ hay thân đều cho cầm quân, còn những người họ hàng và cố cựu mà không hiểu việc binh thì hậu đãi cho bổng lộc trọn đời, chớ để cho giữ binh quyền. Như thế thì sự sai dùng đều được xứng tài, mà đánh thì tất thắng”. Chúa khen là phải, cho vàng bạc và bảo kiếm, lại sai đến quân thứ.

Sai Văn Tường, Hoàng Sinh, Thế Lương (không rõ họ) lại đem mật thư đến dụ Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây, Hữu Lễ được thư, tức thì sai con là Phượng đi mật  dụ các hào kiệt để hưởng ứng.

Đinh dậu, năm thứ 9, [1657], mùa xuân, tháng giêng, chúa dừng lại ở Quảng Bình.

Tháng 2, Phạm Hữu Lễ ở Sơn Tây sai con là Phượng cùng với bọn Văn Tường, Hoàng Sinh đến quân thứ ở Hà Trung, Hữu Tiến và Hữu Dật sai người dẫn đến hành tại Quảng Bình bái yết. Chúa cho rất hậu, bảo trở về. Lại cho Thế Lương làm Thứ đội trưởng, Văn Tường làm Cai hợp, theo Nguyễn Hữu Dật xin.

Mùa hạ, tháng 4, Trịnh Tráng nhà Lê chết, con là Tạc lên nối.

Tháng 5, chúa đến Nghệ An, dừng lại ở xã Vân Cát (thuộc huyện Thạch Hà). Các tướng cho rằng họ Trịnh đương gặp biến cố, đều xin thừa cơ tiến đánh. Chúa không nỡ đánh người ta trong lúc đang có tang, bèn sai sứ sang điếu, rồi khiến hồi loan, lưu các tướng chia đóng đồn từ sông Lam về Nam, đắp lũy từ đầu núi đến cửa biển để làm thế phòng ngự.

Trịnh Ninh đóng quân ở xã Quảng Khuyên (thuộc huyện Thiên Lộc), sai quân đào hào đắp lũy, chia giữ các nơi hiểm yếu (lũy đá ở trên Hoàng Sơn, tương truyền là do Trịnh Ninh đắp, bấy giờ gọi là lũy quận Ninh). Lại tung ra nhiều vàng ngọc để vỗ về tướng sĩ. Trịnh Tạc ngờ là Ninh có mưu khác, bèn triệu về, mà cho Trịnh Căn (con Tạc) thay để cầm quân. Bộ hạ của Ninh là bọn Trịnh Bàn và Trương Đắc Danh sang đầu hàng Nguyễn Hữu Tiến. Ninh về, bị thêu dệt thành tội phản nghịch và bị hạ ngục rồi chết. Bấy giờ các tướng Trịnh đều tan rã, nhiều người đến quy phục.

Tháng 6, người xã Phước Châu huyện Nghi Xuân tên là Phan Lân (không rõ họ) đến đầu hàng, nhân nói với Nguyễn Hữu Dật rằng: Tướng Trịnh là Lê Thời Hiến, Hoàng Nghĩa Giao và Đặng Thế Công hẹn đến ngày 24, chia quân làm ba đạo, sang sông Thanh Chương (tên huyện) vượt xã Nam Hoa (nay đổi làm Nam Kim) để đánh úp quân của Tống Hữu Đại. Trịnh Căn thì đốc suất đại binh tiếp ứng để chụp phía sau của ta. Hữu Dật lập tức mật báo cho Hữu Đại bày trận để chờ. Khi quân Trịnh lên bờ, đi chưa được vài dặm thì gặp quân Hữu Đại, cùng nhau giao chiến. Hữu Đại giả đò chạy, bọn Thời Hiến đuổi theo. Phục binh của Phù Dương vùng dậy. Quân Trịnh rối loạn, đều tự vỡ chạy. Quân ta đuổi đến bên sông rồi trở về. Tin thắng trận báo lên. Chúa sai đem vàng lụa thưởng các tướng sĩ theo thứ bực, cho Phan Lân làm cai đội.

Mùa thu, tháng 9, Nguyễn Hữu Dật đánh phá được lũy Đồng Hôn (1. Thuộc xã Mỹ Dụ, huyện Hưng Nguyên.). Bấy giờ Trịnh Căn cho Thắng Nham (không rõ họ) đóng ở lũy Đồng Hôn. Chỗ ấy đất ẩm thấp, mùa thu lụt, sợ bị quân ta đánh úp, bàn đem đồn dời đóng ở dưới núi đất. Thám tử nghe tin, đem báo với Hữu Dật. Hữu Dật bảo Hữu Tiến rằng: “Tôi đã suy tính rồi, ngày 25 này là ngày Quý hợi, gặp ngày sao Chẩn (2. Sao Chẩn: Một vị sao trong nhị thập bát tú.), hẳn có mưa gió dữ dội; lại có vệt khí đen, chạy suốt qua chỗ sao Bắc đẩu và mây trắng che cung chấn (1. Tám quẻ chỉ tám phương, quẻ chấn chỉ phương Đông.), như thế thì phương Tây Bắc tất có nước lụt, có thể nhân dịp ấy đánh úp đồn của Thắng Nham, tất là phá được”. Đến ngày ấy, quả nhiên mưa to gió lớn, nước sông đầy tràn. Hữu Dật dẫn quân đánh thẳng vào lũy Đồng Hôn, nhân nước lụt, đánh phá được. Thắng Nham lên núi đất chạy trốn. Quân ta thu được khí giới rất nhiều. Hữu Tiến mừng bảo Hữu Dật rằng: “Ông thật là thần toán”. Hữu Dật nói: “Trên nhờ uy linh của chúa thượng, dưới nhờ sức mạnh của chư tướng, chứ Hữu Dật này thì có tài năng gì?”.

Mậu tuất, năm thứ 10 [1658] (Lê Vĩnh Thọ năm 1, Thanh Thuận Trị năm 15, Minh hậu Vĩnh Minh vương Vĩnh Lịch năm 12), mùa xuân, tháng giêng, vua nhà Lê đổi niên hiệu là Vĩnh Thọ.

Tháng 2, chúa cho rằng đường vận tải lương thực dài và cách trở, chuyển gánh khó khăn, mới lập tuyển trường (2. Tuyển trường: Trường duyệt lựa các hạng dân để thu thuế thân theo từng hạng.) ở Nghệ An. Sai quan duyệt lấy ba hạng tráng, quân và dân, thu lấy thuế thân để phòng cấp phát. Trăm họ bảo riêng nhau rằng: “Quân chúa mới đến, chúng ta ngày mong chính sách rộng rãi mà sao bấy giờ thuế thân lại nặng hơn năm trước?”. Nguyễn Hữu Dật nghe thấy, sai người đi các làng ấp dụ bảo nhân dân rằng: Nay việc quân chưa xong, tạm lấy để giúp quân nhu, chứ không có ý tăng thuế đâu. Lòng dân mới yên.

Bây giờ tướng Trịnh là bọn Đô đốc Lân, Thự vệ Chiêu Đức, Cai đội Toản Vũ, Tiềm Vân, Bật Lân, Triều Cương (6 người đều không rõ họ), đều đem quân sở bộ đến đầu hàng. Chúa yên ủi vỗ về. Từ đó tướng sĩ lại dân Bắc Hà quy phụ rất nhiều.

Mùa hạ, tháng 6, bọn Nguyễn Hữu Tiến mưu đánh úp quân Trịnh, dùng Lang Công Cận là người sách Trọng Hiệp huyện Quỳnh Lưu làm hướng đạo, theo đường núi tiến đến xã Dương Hiệp (thuộc huyện Đông Thành). Trịnh Căn đón đánh. Công Cận bị bắt, quân ta hơi lùi.

Mùa thu, tháng 7, quân ta tiến đánh xã Mỹ Dụ (thuộc huyện Hưng Nguyên). Thủ tướng Trịnh là Nguyễn Hữu Tá bỏ trại chạy. Lê Thời Hiến đem quân đến cứu viện. Quân ta cùng giao chiến không được lợi, bèn lùi về.

Tháng 8, quân ta lại sang sông, đóng ở xã Bạch Đường (thuộc huyện Nam Đường), chống nhau với tướng Trịnh là Đào Quang Nhiêu.

Sai lựa chọn những người tài trí văn học ở châu Bắc Bố Chính và 7 huyện Nghệ An, đặt quan chia chức, để xét bắt trộm cướp, xét xử kiện tụng. Bấy giờ các sĩ phu đều vui lòng ra giúp việc.

Sai quan thu tô ruộng thực canh (1. Ruộng thực có người cày cấy.) ở 7 huyện Nghệ An để cấp lương cho quân. Dân đều đúng kỳ đem nộp. Từ đó quân lính mới được thừa lương.

Tháng 9, vua nước Chân Lạp 真臘 (vốn tên là Cao Miên 高棉) là Nặc Ông Chân 匿螉禛 xâm lấn biên thùy. Dinh Trấn Biên 邊鎮 báo lên. Chúa sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến 尊室燕, Cai đội là Xuân Thắng 春勝, Tham mưu là Minh Lộc 明祿 (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phước 興福 (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy 每吹, nay thuộc huyện Phước Chính 福正, tỉnh Biên Hòa 邊和) đánh phá được, bắt Nặc Ông Chân đưa về. Chúa tha tội cho và sai hộ tống về nước, khiến làm phiên thần, hằng năm nộp cống.

Phạm Phượng đến chỗ quân Nguyễn Hữu Tiến nói : “Năm ngoái tướng Trịnh là Thẳng Nham giữ lũy Đồng Hôn, bị đốc chiến đánh thua, Trịnh Căn sai Tham đốc là Vân Khả (không rõ họ) lãnh quân thay giữ. Vân Khả là người tham lam bạo ngược, xin kíp định kế đánh lấy”. Hữu Tiến sai Phượng đến nói với Nguyễn Hữu Dật. Hữu Dật mừng nói rằng: “Mới đây ta xem thiên tượng thấy mây đen che mất sao Khôi (2. Vì sao đứng đầu trong 7 ngôi của chòm sao Bắc đẩu), ngày 11 là ngày Mậu thìn tức là ngày lục long (3. Ngày ấy có đến 6 con rồng làm việc nên mưa nhiều.), hẳn có mưa lụt, nhân lúc nước lớn mà đánh tất là phá được”, bèn hẹn với Hữu Tiến họp quân. Đến ngày ấy quả mưa to.

Hữu Dật trước đem thủy quân kéo đến đánh lũy Đồng Hôn. Quân Trịnh sợ hãi tan vỡ. Vân Khả trốn về An trường. Hữu Dật đem quân về. Trịnh Căn lại sai tướng là Miện (không rõ họ, bấy giờ gọi là quận công) giữ lũy Đồng Hôn.

Mùa đông, tháng 12, quân ta cùng với tướng Trịnh là Đào Quang Nhiêu đánh nhau ở xã Tuần Lễ (thuộc huyện Hương Sơn), quân ta thua.

Kỷ hợi, năm thứ 11 [1659], mùa xuân, tháng giêng, người Nghệ An là Tư thiên giám Chu Hữu Tài 朱有才, chiếm hậu Cổn Lương, hộ binh Tộ Long (2 người đều không rõ họ) cùng đến đầu hàng, đều nói nhân dân Bắc Hà đương ngóng trông quân chúa. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật đem tin ấy báo lên, và xin ra đánh. Chúa trả lời rằng : “Phàm công việc ở ngoài biên đều ủy thác cho hai người, nên định ngày tiến binh, ta cũng cử đại binh đi tiếp ứng”. Hữu Tiến, Hữu Dật bèn sai các tướng sửa sang chiến bị, và khiến bọn Tộ Long trở về Bắc chiêu tập [quân sĩ] để hưởng ứng.

Chu Hữu Tài dâng ba điều then chốt : Điều thứ nhất bàn về thiên thời. (Xét sách Xuân thu Tả truyện nói rằng : “Sao Tuế (1. Tuế: Sao Mộc tinh.) ở đâu thì nước có Phước, có thể đánh được người, mà người không có thể đến đánh được mình”. Xin đem việc ngoài biên để làm chứng. Giáp tý năm thứ 7, sao Tuế ở vào độ mùi đầu sao Thuần (2. Thuần: Tức là sao Tâm.), Đinh mão năm thứ 9, sao Tuế ở độ thìn của sao Thọ (3. Thọ: Vì sao tương đương với cung Thiên xứng trong hoàng đạo.), ất mùi năm thứ 3, sao Tuế ở cung đoài. Đó đều là hiện tượng phương nam có sao Tuế, cho nên quân Trịnh mấy lần xâm lấn bờ cõi, đều bị thua cả, đó là việc nghiệm. Nay sao Tuế hiện ra ở độ thân của sao Thực Trầm. Xét sách Cương mục (4. Sách Thông giám cương mục của Chu Hy đời Tống.) nói: “Chỗ sao Sâm mà được sao Tuế thì hẳn có người chân nhân nổi lên ở đất ấy”. Tượng trời ứng nghiệm, thực rõ ràng lắm).

Điều thứ hai bàn về địa lợi. (Đất Hồng Lĩnh núi sông như dải áo, xin đóng dinh ở đó, lấy La Sơn làm tả giác, Nghi Xuân làm hữu giác (5. Tả giác, hữu giác: Góc thành bên tả bên hữu để hộ vệ chính dinh.), núi Cô Độc (6. Cũng gọi là Khu độc, ở hữu ngạn sông Lam, trước mặt thôn Đồng hôn.) làm tiền phong ; lại ở Thanh Chương thì đặt tả kỳ binh, La Sơn thì đặt hữu kỳ binh (7. Kỳ binh: Đạo binh lẻ ở ngoài.), nên tự chỗ sao Tuế ở mà đánh vào chỗ sao Tuế xung. Đó là nơi tất phải tranh lấy, không thể bỏ mất được).

Điều thứ ba bàn về nhân hòa. (Nghĩa lớn vua tôi cỗi gốc ở lòng người. Nay họ Trịnh giết vua làm nghịch, thiên hạ ai cũng căm giận, nguyện làm quân Lạc Dương (8. Quân của Quang Vũ dẹp yên gian thần để khôi phục cơ nghiệp nhà Hán.) mà hỏi tội ở Giang Trung (9. Tội Hạng Vũ giết vua Hoài Vương nước Sở ở Giang Trung.), như thế thời nghịch tặc kia không trốn vào chỗ nào được). Lại nói về hai việc dùng người và lý tài. Xin lập khoa thi võ, mở khoa thi hương để thu dùng những người có học thức tài năng, chia đều đinh điền, nới rộng lệ thuế để yên lòng dân mới quy phụ.

Chúa xem rồi nói : “Người này rộng học nhiều văn, có thể dùng để bàn hỏi được”. Tức thì cho làm tham chính giám hộ quân.

Mùa thu, tháng 8, Trịnh Thạc thấy quân mình thua luôn, lo lắm, mưu muốn dụ Nguyễn Hữu Dật, bèn sai người mang một gói trân châu, năm khối vàng mã đề (1. Mã đề kim: Theo Nhật dụng thường đàm là vàng sò, hình móng ngựa.) và mật thư đưa cho Dật để dụ hàng. Hữu Dật được thư cả giận, giả vờ trả lời rằng : “Tháng sau xin vương đem quân tiếp tôi ở trên sông”. Sứ Trịnh đi rồi, Hữu Dật tức thì đem bức thư và đồ vật của Trịnh Tạc biếu để báo lên và nói rằng : “Thần thờ chúa thượng, ơn như cha con, dám đâu có chí khác. Nay muốn tương kế tựu kế (2. Lấy kế nó làm kế mình.) để bắt giặc, chỉ sợ ý ấy không bày tỏ thì không tội nào lớn bằng”. Chúa trả lời rằng : “Ta vẫn biết khanh trung thành, của họ Trịnh tặng khanh cứ nhận lấy, đừng hiềm nghi bận lòng”. Hữu Dật cả mừng.

Tháng 9, Trịnh Tạc biết Phạm Hữu Lễ âm mưu nội ứng, bắt xét hỏi và giết. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật nghe tin ấy, thương tiếc không nguôi, lập đàn để tế. Họ Trịnh lại ngầm sai người sang sông Lam đem việc thu thuế trước đây tung phản gián ra để làm nghi hoặc lòng dân.

Mùa đông, tháng 11, Tộ Long từ Bắc Hà đến yết kiến Nguyễn Hữu Dật nói : “Người miền Bắc đều cho rằng “binh quý thần tốc” (3. Binh quý thần tốc: Việc binh quý ở mau chóng.), thế mà nay các tướng cứ ngờ vực không tiến, bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc”. Hữu Dật hậu đãi rồi bảo về. Rồi đến chỗ Hữu Tiến bàn việc xuất quân và thuật lại lời Tộ Long nói. Hữu Tiến hỏi : “Bây giờ Tộ Long ở đâu?”. Hữu Dật trả lời : “Đã cho về rồi”. Hữu Tiến lặng im, có vẻ không bằng lòng. Bọn Tôn Thất Tráng, Tống Hữu Đại, Phù Dương đều nói rằng : “Đại binh đi chinh phạt thì lệnh ở nguyên soái, sao đốc chiến lại cho riêng Tộ Long về. Vả trước đây có mật thư gửi đến chưa biết hư thực thế nào, nay một lời nói của Tộ Long sao dễ tin được? Chi bằng hãy đóng quân để chờ thời”. Hữu Tiến nói : “Phải”. Hữu Dật đứng phắt dậy nói : “Tôi cùng chư tướng vâng mệnh ra quân, chí ở báo đền ơn nước. Vừa đây họ Trịnh gửi thư mật dụ tôi, tức thì tôi đã báo lên, chính muốn tương kế tựu kế để thành việc lớn, các ông không nên ngờ nhau”. Hữu Tiến nói : “Bọn chúng ta chịu ơn hậu của nước nên cùng nhau ra sức báo đền chứ có ngờ gì. Nhưng các tướng nói đợi thời cũng có lý. Đốc chiến nên theo là phải”. Do đó Hữu Dật uất ức không vui, bực tức thành bệnh.

Hàng tướng Phạm Tất Đồng lại mưu trở về với Trịnh, việc phát giác bị giết. Đầu là Tất Đồng về hàng, từng được sai làm tiên phong. Trịnh Tạc sai người đưa mật thư và cho ba khối vàng. Tất Đồng lại mưu trở về Bắc. Người bộ hạ lấy cắp được bức thư ấy đem cáo với Nguyễn Hữu Tiến. Tra xét biết hết tình trạng, liền bắt Tất Đồng và bọn đồng mưu hơn 20 người báo lên. Chúa ra lệnh giết hết.

Canh tí, năm thứ 12 [1660], mùa xuân, tháng 3, mở khoa thi, lấy được 5 người trúng cách về môn chính đồ và 15 người trúng cách về môn hoa văn.

Bấy giờ quân ta đóng lâu, có ý [nhớ nhà] muốn về. Quân Nghệ An mới hàng cũng nhiều người trốn đi. Nguyễn Hữu Dật thì hăng hái muốn tiến binh, mà các tướng phần nhiều không hợp ý. Nguyễn Hữu Tiến thì thấy Hữu Dật nhiều lần được khen thưởng, sinh lòng ghen ghét. Phù Dương nói với Hữu Tiến rằng : “Hữu Dật là bạch diện thư sinh, chỉ nhờ nói năng mà được tin dùng, tự ví mình với Quản Trọng (1. Người nước Tề làm tướng giúp Hoàn Công (thời Xuân Thu).), Nhạc Nghị (2. Người nước Yên làm tướng giúp Chiêu vương (thời Chiến quốc).), bọn chúng tôi vẫn lấy làm xấu hổ. Lại nghe tin sứ Trịnh bí mật đi lại, sợ có ý khác chăng”. Hữu Tiến giả cự ngay rằng : “Ông nói sai rồi. Đạo người làm tôi cốt lấy trung ái làm đầu, trung để thờ vua, ái để kết bạn, há lại nghi kỵ lẫn nhau mà phụ lòng ủy thác của triều đình sao?”.

Mùa thu, tháng 8, Nguyễn Hữu Tiến đem quân sang sông Tam Chế, đánh tướng Trịnh là Lan (không rõ họ bấy giờ gọi là Quận công) ở xã Do Nha. Quân Nghệ An mới hàng đều không có chí chiến đấu, nhiều người trốn đi. Hữu Tiến bèn rút quân lui về đóng ở bờ sông phía nam. Lan đem quân giữ lũy Đồng Hôn. Trước là Hữu Tiến cùng các tướng họp quân, không cho Hữu Dật biết. Kịp khi Hữu Dật nghe tiếng súng nổ, khiến người chạy đến hỏi, Hữu Tiến liền khiến Hữu Dật tiến đánh lũy Đồng Hôn.

Hữu Dật tức thì đem quân bản bộ đánh nhau với Lan. Lan thua chạy. Thủ tướng Miện lại đem quân quanh ra sau núi để đột công. Vừa Hữu Tiến đem đại binh kế đến, Miện không dám chống cự, chạy về An Trường. Bấy giờ Hữu Tiến lại đốc hết quân sang sông Lam để đóng đồn. Hữu Dật thì đóng quân từ Đồng Hôn đến xã Lãng Khê để làm thế dựa nhau, và sai quân làm cầu phao để qua bờ nam sông. Uy thế quân thêm mạnh. Trịnh Căn nghe tin cả sợ, muốn bỏ Nghệ An lui giữ Thanh Hoa, nhưng lại đạc chừng rằng quân ta hẳn không ở lâu, bèn thôi. Hữu Tiến, Hữu Dật đem tin thắng trận báo lên và xin đại binh tiếp ứng.

Chúa trả lời rằng : “Dùng binh là việc lớn, trước xét thời, thứ xem địa lợi, sau đo đắn lòng người. Nay là lúc thu đông giao nhau, mưa gió rét mướt, đó là điều bất lợi thứ nhất. Quân đóng về phía bắc sông, trước không có thành quách, sau cách trở sông lớn, đó là điều bất lợi thứ hai. Quân đi trận đã 5 năm, lòng người ai cũng mong về, nếu cất quân đánh chóng, ít không địch nổi nhiều, tình người không khỏi không sợ hãi ngờ vực, đó là điều bất lợi thứ ba. Chi bằng hãy về lũy cũ để yên lòng quân, đợi sang xuân lại cử binh cũng chửa muộn”. Bấy giờ Hữu Tiến ra lệnh rỡ cầu phao và kéo quân về phía nam sông Lam đóng ở lũy cũ để cố thủ.

Tháng 9, Trịnh Căn thẹn vì Đồng Hôn thất thủ, muốn đánh báo thù, ra lệnh làm cầu phao qua sông Lam, sai đô đốc Diệu (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) lãnh quân qua dinh Khu Độc, xông đánh vào Hoành Lũy và Thạch Hiệp, Tham đốc Hằng lãnh chiến thuyền theo đường Lãng Khê Hoành Cảng đánh úp phía sau. Nguyễn Hữu Dật biết mưu ấy, bèn sai tỳ tướng là Trương Văn Vân phục quân ở rừng Thạch Hiệp, Triệu Tô và Tú Minh (hai người đều không rõ họ) đóng ở nơi gò cao Hoành Cảng để chống cự. Diệu ban đêm đến rừng Hoành Lũy, phục binh vùng dậy, quân Trịnh đầu cuối không đoái được nhau, bị chết rất nhiều. Sáng rõ Diệu lại đem quân còn lại chạy đến lũy Ngưu Pha. Thủ tướng ta là Trương Phước Hùng đánh không lợi, thua chạy. Tướng Trịnh là Hằng đem thủy binh đến Lãng Khê. Quân ta bắn đánh, Hằng phải bỏ thuyền chạy.

Bấy giờ quân ta cách sông cùng cầm cự với quân Trịnh. Trịnh Căn họp các tướng để hỏi chước. Trần Công Bách đáp rằng: “Lận Sơn (ở huyện Nghi Xuân) là nơi tất phải tranh lấy. Hễ chiếm được Lận Sơn trước thì thắng”. Căn nói : “ Ta thường lên núi Dũng Quyết (tên xã) xem kỹ hình thế, vẫn lưu tâm ở đấy. Nay ông nói thế thật đúng ý ta”. Công Bách nhân xin làm tiên phong. Căn y cho, tức thì chia binh làm hai đạo, sai Hoàng Nghĩa Giao và Phan Kiêm Đồng qua sông ở xã Âm Công (thuộc huyện Hưng Nguyên), cùng Lê Thời Hiến do xã Tả Ao (thuộc huyện Nghi Xuân) vượt qua cửa Hội Thống, đều phát binh vào nửa đêm. Mờ sáng Căn tự đem đại binh lên núi Dũng Quyết tiếp chiến. Tướng Trịnh là bọn Nghĩa Giao sang sông trước, đến thẳng núi An Lạc (tên xã). Trân Công Bách đi sâu vào để cướp chiếm Lận Sơn. Gặp phục binh của Hữu Dật từ trong rừng xông ra, Công Bách hết sức đánh nhau với bọn Đinh Đức Nhuận, bị chết. Thuộc tướng là bọn Vũ Bách Phước, Lê Văn Hy, Lưu Thế Canh đều nghe hơi mà chạy trốn. Quân ta bốn mặt vây lại, thanh thế rất mạnh. Căn sai Trần Tiến Triều đem hết chiến sĩ ra đánh giáp, lại cho thủy quân tiến quá bờ sông mà bắn liên tiếp sang. Quân ta bèn lùi. Bọn Thời Hiến đến Tả Ao, quân ta đánh rất hăng. Mai Văn Hiếu, Phạm Thạch, Dương Quỳnh, Trịnh Thế Khanh đều thua. Mẫn Văn Liên bị chết. Thời Hiến lại đốc quân đánh gấp, đuổi đến xã Hoa Viên. Quân ta lùi giữ Nghi Xuân.

Mùa đông, tháng 10, từ sau khi Trương Phước Hùng thua, Nguyễn Hữu Tiến dò biết rằng tướng sĩ Nghệ An mới hàng đều mang chí khác, bèn họp chư tướng lại để hỏi kế. Tống Hữu Đại nói : “Việc binh cần phải nghiêm, xin xét ở trong quân hễ có kẻ mưu phản thì giết ngay một hai tên để răn bảo kẻ  khác”. Tôn Tất Tráng cũng dựa theo mà khuyên như thế. Nguyễn Hữu Dật đứng ra nói rằng : “Hai ông vừa nói đó là phép hành binh thôi, chứ việc dụng binh thì cốt yếu là ở nhân hòa, hễ lòng người hòa thuận thì đánh đâu cũng được. Vậy chỉ nên lấy ơn mà kết hợp, lấy tín mà cảm phục, thì người ta tự vui theo, chém giết làm gì?”. Tham mưu Võ Đình Phương nói : “Nay bọn hàng tốt thì hai lòng, mà thế địch thì còn vững, chi bằng hãy rút quân về, sẽ tính bước sau”. Hữu Tiến thấy bàn bạc không thống nhất, bèn bí mật định chước rút quân. Nhưng cuối cùng vẫn giận lời nói của Hữu Dật.

Tháng 11, Trịnh Căn sai Lê Thời Hiến và Lê Sĩ Triệt do bờ biển đi qua xã Cương Giản mà tiến, Hoàng Nghĩa Giao, Nguyễn Năng Thiệu do đường bộ đi quan hai xã Lũng Trâu và Màn Trường mà tiến. Quân ta cùng quân Trịnh đánh nhau ở hai xã An Điềm và Phù Lưu đều thua. Bấy giờ Nguyễn Hữu Tiến bèn quyết định rút quân, nói phao là sai các tướng do đường thủy, đường bộ đều tiến, lại báo cho Nguyễn Hữu Dật đem quân tiếp ứng, hẹn trống canh ba hôm sau tới thẳng An Trường đánh phá dinh quân Trịnh, mà dặn riêng các tướng đến đêm rút về châu Nam Bố Chính, chỉ không cho một mình Nguyễn Hữu Dật biết.

Đêm ấy Hữu Dật sắp sẵn binh giáp ngồi chờ. Đến khi biết tin Hữu Tiến rút quân thì quân Trịnh đã sang sông tiến sát đến ngoài dinh rồi. Hữu Dật bèn giả vờ cho hát xướng vui vẻ mà bí mật cho quân sĩ rút lui. Trịnh Căn ở ngoài, nghe tiếng đàn sáo sinh ngờ, không dám đến gần. Hữu Dật thong thả rút quân về. Đến Hoành Sơn thì họp với quân Nguyễn Hữu Tiến. Quân Trịnh đi gấp đường đuổi kịp. Hai bên giao chiến. Quân Trịnh bị thương và chết rất nhiều. Trịnh Căn bèn lui 20 dặm để đóng đồn. Hữu Tiến cũng lui đóng ở cửa biển Nhật Lệ. Hữu Dật ở sau, bí mật sai người kéo cành cây ở trong rừng làm cho cát bụi tung bay và cho treo nhiều cờ lên ngọn cây để mà nghi binh. Tướng Trịnh là Nguyễn Đễ thấy thế, quả nhiên sinh ngờ, không dám tiến. Các tướng đem được toàn quân về châu Nam Bố Chính. Việc báo lên, chúa hạ lệnh chia quân đóng đồn ở những nơi hiểm yếu để phòng ngự. Từ đấy 7 huyện Nghệ An lại trở về Bắc Hà.

Tân sửu, năm thứ 14 [1661], mùa xuân, tháng giêng, lấy Nguyễn Hữu Dật làm Chưởng cơ, trấn thủ dinh Bố Chính. Hữu Dật đã vâng mệnh, sửa sang thành lũy, yên vỗ quân dân, sự phòng giữ biên cương càng thêm vững.

Tháng 2, Trịnh Căn rút quân về, lưu Đào Quang Nhiêu làm trấn thủ Nghệ An kiêm trấn châu Bắc Bố Chính, Lê Sĩ Triệt, Hồ Sĩ Dương,

Trịnh Thời Tế làm đốc thị, lãnh các tướng mà đóng đồn ở Kỳ Hoa.

Khi đầu giám hộ quân Chu Hữu Tài 朱有才 vì thông hiểu thuật số nên được dùng, đến đây bọn hàng tướng Nghệ An nhiều người làm phản, chúa mới thờ ơ. Hữu Tài bèn cùng Cổn Lương nhân đêm trốn đi.

Mùa hạ, tháng 5, ngày Tân mão, hoàng mẫu là Đoàn thị (tức là Hiếu chiêu hoàng hậu, là con gái Thạch quận công Đoàn Công Nhạn) băng, táng ở gò Cốc Hùng trên núi Chiêm Sơn (tức là lăng Vĩnh Diên).

Mùa thu, tháng 8, chúa hạ lệnh cho Nguyễn Hữu Dật dời đồn sang xã Phước Lộc, đắp lũy từ cửa An Náu (tên xã) đến núi Chu Thị (tên xã), tiếp với lũy lớn Động Hồi, dựng pháo dài, sửa đường sá làm kế phòng giữ.

Mùa đông, tháng 12, Trịnh Tạc lại dẫn vua Lê đi đến Phù Lộ, sai Trịnh Căn đốc các quân chia làm ba đạo để xâm lấn, lấy Đào Quang Nhiêu làm Thống suất, Lê Thời Hiến, Hoàng Nghĩa Giao làm Đốc suất, Lê Sĩ Triệt, Trịnh Thời Tế làm Đốc thị. Thủy binh đóng ở cửa Nhật Lệ, bộ binh sang sông Gianh đóng ở thôn Phước Tự, đối diện với lũy An Náu. Trấn thủ Nguyễn Hữu Dật sai Trương Văn Vân và Vân Trạch (không rõ họ) chia binh chống giữ. Tham mưu của Trịnh là Hoan Trung (không rõ họ) đem quân khiêng án và giương tàn lọng lên, đi về phía cửa lũy của Vân Trạch mà kêu lớn lên rằng : “Có sắc mệnh của thiên tử nhà Lê đây!” Vân Trạch đáp rằng : “Năm ngoái quân ta lui về Hoành Sơn, bọn bay đuổi đánh, lúc ấy hỏi có sắc mệnh của thiên tử nhà Lê không? Muốn đánh thì đánh, sao dám nói láo như thế ?” Nhân bắn chết Hoan Trung. Quân Trịnh bỏ án mà chạy. Quang Nhiêu giận lắm, sai Thời Hiến tung quân đánh gấp, suốt ngày không được, bèn quay về Phước Tự. Hữu Dật đem việc báo lên. Chúa cho là quân ta một mình đóng giữ cô thành, bèn hạ lệnh cho lùi vào đại lũy. Hữu Dật mới làm kế thanh dã (1. Làm cho vườn không nhà trống.), sai hộ vệ dân châu Nam Bố Chính vào trong lũy để cố thủ. Đào Quang Nhiêu bèn chiếm giữ dinh Bố Chính.

Nhâm dần, năm thứ 14 [1662] (Lê Vạn Khánh năm 1, Thanh Khang Hy năm 1), mùa xuân, tháng giêng, Nguyễn Hữu Dật dời quân sang đóng đồn ở Võ Xá. Chúa sai sứ đến bảo rằng : “Quân miền Bắc từ xa lại, thế không thể đóng lâu được. Quân ta cứ việc bền giữ đừng đánh, nhân lúc chúng nhọc mệt hãy đánh, đó là kế vạn toàn”.

Tháng 2, quân Trịnh bày trại ở hai xã Trấn Ninh và Chính Thủy, hàng ngày khiêu chiến mấy lần. Quân ta vẫn không động. Hơn một tháng, quân Trịnh thiếu lương. Đào Quang Nhiêu đưa thư khiêu khích. Bấy giờ Nguyễn Hữu Dật mới định kế, sai Trương Văn Vân đem quân giả trang làm quân Trịnh, nhân đêm lẻn ra khe Động Hồi (tên xã), kéo thẳng đến dinh Quang Nhiêu, bắn giết quân Trịnh hơn 100 người. Các tướng ở trong thành đều bắn không đạn và khua trống hò reo để hưởng ứng. Quang Nhiêu sợ lắm, cho rằng đại binh ụp đến, bỏ dinh chạy về miền Bắc. Sáng rõ, Hữu Dật đem quân thủy bộ đều tiến. Trịnh Căn cũng bỏ dinh chạy. Quân ta đuổi đến sông Gianh, bắt được hết voi ngựa, khí giới. Trịnh Tạc dẫn vua Lê trở về. Hữu Dật đem tin thắng trận báo lên. Chúa bảo tả hữu rằng : “Trước ta không cho xuất quân là để nuôi nhuệ khí. Nay Hữu Dật phá được giặc lớn, thật là có tướng tài, ta còn lo gì nữa ?”. Sai đem vàng lụa thưởng cho tướng sĩ.

Mùa thu, tháng 9, vua Lê đổi niên hiệu là Vạn Khánh.

Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật xin đắp lũy Trấn Ninh để chống giữ đường biển, đối với lũy Sa Phu (bấy giờ gọi là lũy Động Cát) làm thế dựa nhau. Chúa y cho. Vài tháng lũy đắp xong. Vua Lê băng. Thái tử là Duy Vũ lên nối, đổi niên hiệu là Cảnh Trị, tức là Huyền Tông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter