Thực lục về Túc tông Hiếu ninh hoàng đế Nguyễn Phúc Chú

Túc tông Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vĩ Võ Hiếu ninh hoàng đế. Tên húy là Chú 澍, lại húy là Vượng 旺, sinh năm Bính tý [1696] (Lê Chính Hòa năm 17, Thanh Khang Hy năm 35), là con cả Hiển tông Hiếu minh hoàng đế. Mẹ là Hiếu minh hoàng hậu Tống thị. Khi chúa mới sinh có hơi lành hương lạ đầy nhà. Lớn lên đủ văn võ tài lược. Đầu thì được trao chức Cai cơ Đỉnh Thịnh hầu. Năm ất mùi, thăng Chưởng cơ, làm phủ đệ tại cơ Tả súng. Năm ất tỵ, mùa hạ, tháng 4, ngày Mậu tý, Hiển tông Hiếu minh hoàng đế băng. Bầy tôi vâng di mệnh tôn chúa làm Tiết chế thủy bộ chư dinh kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự Thái phó Đỉnh quốc công. Bấy giờ 30 tuổi, hiệu là Vân tuyền đạo nhân 雲泉道人.

Tha 5 phần 10 tiền sai dư và 2 phần 10 thuế ruộng trong nước, lại phát tiền kho để thưởng cho quân sĩ.

Đúc thêm tiền đồng. Buổi quốc sơ thường đúc tiền đồng nhỏ (in hai chữ Thái Bình 太平), lại có tiền cũ và tiền Khang Hy nhà Thanh, dân gian vẫn thông dụng. Bấy giờ có nhiều người hủy tiền để đúc đồ dùng, số tiền cũ ngày một hao, cho nên có lệnh đúc thêm.

Sai giảm bớt số người coi việc thuế ở các phủ huyện. Bấy giờ lệ thu thuế ở các phủ huyện có chánh phó đề đốc, chánh phó đề lãnh, lại có ký lục, cai phủ, cai tri, ký phủ, thư ký, cai tổng, lục lại, danh sắc rất phiền phức. Chúa nghĩ phải giảm bớt nhân viên thừa, mới chuẩn định cho xứ Thuận Hóa mỗi phủ thì đề đốc, đề lãnh, ký lục, cai phủ, thư ký mỗi chức một người, mỗi huyện thì cai tri 3 người, thư ký 3 người, lục lại 4 người, mỗi tổng thì cai tổng 3 người, duy tổng Bái Ân thì cai tổng 1 người. Xứ Quảng Nam mỗi phủ thì chánh hộ khám lý, đề đốc, đề lãnh, ký lục, cai phủ, thư ký đều 1 người, mỗi huyện thì cai tri một người, thư ký 1 người, lục lại 2 người, mỗi tổng thì cai tổng 1 người. Còn dư thì bớt cả.

Chúa thi ơn cho người họ ngoại, đặc cách cho con cháu Chưởng dinh Tổng Phước Đào đời đời được miễn dao dịch.

Kẻ cướp giết nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Khoa Đăng là người cứng thẳng, liêm khiết, công bình, bọn quyền thế phần nhiều ghét nên bị chúng hại.

Mùa đông, tháng 10, cho văn chức là Nguyễn Kiêm Hành làm Ký lục dinh Bình Khang.

Bính ngọ, năm thứ 1 [1726] (Lê Bảo Thái năm 7, Thanh Ung Chính năm 4), mùa xuân, tháng giêng, ban huấn điều, đại lược rằng :

“Trời sinh dân chúng, mọi việc đều có phép tắc; vua làm cha mẹ, ban lời dạy bảo đạo thường. Từ trước tới nay, vẫn noi lối ấy. Tổ tông dựng nước, vốn trung hậu làm phép truyền gia. Ta mới lên ngôi, đoái thương dân chúng. Dẫu vua Hạ dừng xe hỏi người phạm tội, lại nhớ đến dân Nghiêu Thuấn khi xưa ; mà đời Chu ngục giam không có người nào, còn mong nền trị Thành Khang thủa trước. Nên phải sáng sớm coi chầu, nửa đêm nghĩ ngợi. Mong sao mọi nhà đều đáng khen, muôn người đều hiểu biết. Đường xá không xa, tua mũ che sao được khó nhọc; thóc tiền hằng có, áo tơi mong chăm việc cấy cầy. Khuynh gia bại sản, không còn canh đỏ canh đen; nay rượu mai chè, chớ lại chén anh chén chú. Nay bảo khắp cha con vợ chồng, phải noi theo luân thường Nghiêu Thuấn; chớ trái ta khuyên răn dạy bảo, mà sa vào lưới pháp Thành Thang (1. Lưới pháp Thành Thang : Tức là Thang võng. Sử chép rằng vua Thang thấy người đánh lưới chim, chăng cả bốn mặt, đến cởi bỏ ba mặt mà chúc rằng : Chim nào muốn bay cao thì cao, bay thấp thì thấp, bay xuôi thì xuôi, bay ngược thì ngược, chim nào không nghe mệnh ta, thì mắc lưới ta.). Ngày dụ văn đến, các công đường sở tại phải đưa về khắp nha môn phủ huyện để cáo thị cho dân, cho hiểu rõ ý ta là lấy đức dạy dân”.

Mùa hạ, tháng 4, gió bấc, mưa dầm không ngớt.

Sai Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ đi tuần xét các phủ xứ Quảng Nam, định rõ chức lệ cho các thuộc mới lập. Buổi quốc sơ mở mang bờ cõi, dựng lập phủ huyện, hễ những nơi gần núi ven biển thì lập làm thuộc, phủ Thăng Hoa 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Quy Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Duyên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc, mỗi thuộc đều lấy những thôn, phường, nậu, man lẻ tẻ họp lại (nậu nghĩa là làm cỏ ruộng, tục gọi đám đông người là nậu, ý là hợp nhiều người để làm ruộng; man nghĩa là cỏ lan man ra, phàm những chỗ nhà ở liền nhau thì gọi là man), nhưng chưa có lệ đặt chức dịch. Đến bấy giờ chúa cho chiếu theo hộ tịch nhiều ít, phàm thuộc có 500 người trở lên thì đặt một người cai thuộc, 1 người ký thuộc, 450 người trở xuống thì đặt 1 ký thuộc, 100 người trở xuống thì đặt một tướng thần. Duy các thuộc Hoa Châu, Phú Châu, Liêm Hộ, Võng Nhi, Hà Bạc thì đặt thêm 1 đề lãnh, các thuộc khác thì thôi.

Mùa đông, tháng 12, cấm dân gian không được đánh bạc, kiện gian và trốn tránh sai dịch, ẩn lậu đinh khẩu. Đó là theo lời Nguyễn Đăng Đệ xin.

Đinh mùi, năm thứ 2 [1727], mùa đông, tháng 11, Ký lục Chính dinh là Nguyễn Đăng Đệ chết. Trước là Đăng Đệ vì bệnh mà nghỉ việc, nay chết. Ban cho tiền lụa để hậu táng.

Mậu thân, năm thứ 3 [1728] (Lê Vĩnh Khánh năm 1, Thanh Ung Chính năm 7), mùa hạ, tháng 4, vua Lê truyền ngôi cho thái tử Duy Phường, đổi niên hiệu là Vĩnh Khánh, tôn vua Lê làm Thái thượng hoàng.

Mới lập đội Mộc thán ở trường đúc, gồm 195 người, hằng năm nộp thuế than gỗ, được miễn thuế thân và dao dịch.

Mùa đông, tháng 11, Trịnh Cương 鄭棡 triều Lê chết. Con là Trịnh Khương 橿 (1. Thực lục chép là Khương, nhưng Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì chép là Giang.1) lên nối.

Lấy văn chức là Lê Quang Đại (con Tham nghị Lê Quang Hiến) làm tham mưu dinh Bình Thuận.

Canh tuất, năm thứ 5 [1730], mùa hạ, tháng 6, ngày mồng 1 có nhật thực.

Mùa thu, tháng 8, lụt to.

Lấy văn chức Nguyễn Đăng Thịnh làm Đô tri.

Tân hợi, năm thứ 6, [1731], mùa xuân, tháng giêng, Thái thượng hoàng nhà Lê băng.

Tháng 2, sai ba ty Tướng thần lại, Xá sai, Lệnh sử là Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Văn Diễn chia nhau đi các sở tuần ở thượng đạo, chiếu theo thời khắc đồng hồ để nghiệm xem dặm đường gần xa.

Mùa hạ, tháng 4, lao nhân 牢人 [Ronin, lãng nhân] là Sá Tốt 詫卒 [Prea Sot] đem quân Chân Lạp vào cướp Gia Định. Sai Thống suất Trương Phước Vĩnh 張福永 điều khiển binh các đạo đi đánh. Bấy giờ các dinh ở Gia Định đều đặt thủ tướng. Chúa cho rằng việc quân ở nơi biên khổn cần phải có người thống nhiếp, cho nên sai Phước Vĩnh làm việc điều khiển, quan binh các dinh trấn đều thuộc về cả. Lại đặt riêng một nha lỵ ở phía nam dinh Phiên Trấn gọi là dinh Điều khiển. Chức Điều khiển 調遣 đặt từ đấy.

Cai cơ Đạt Thành 達成 (không rõ họ) cùng giặc lao nhân 牢賊 đánh nhau ở sông Lật Giang 栗江 [Bến Lức], không được, bị chết.

Thống binh Trần Đại Định 陳大定 (con Trần Thượng Xuyên 陳上川) suất lĩnh các thuộc tướng Long Môn đi đánh giặc ở Phù Viên 芙園 [Vườn trầu]. Giám quân Nguyễn Cửu Triêm 阮久霑 lại do sông Lật Giang đánh nhau với giặc. Giặc lùi chạy về Cù Úc 虬澳 [Vũng Gù]. Trương Phước Vĩnh bèn cùng Trần Đại Định và Nguyễn Cửu Triêm chia quân làm ba đường để tiến. Quân giặc thua to, chạy trốn. Đại Định tiến giữ Cầu Nam. Nặc Tha 匿他 nước Chân Lạp (con Nặc Yêm 匿淹, Nặc Yêm già, sai giữ việc nước) sợ chạy đến Sơn Bô 山逋 (tên phủ ở Chân Lạp), đưa thư cầu hoãn binh, và xin bắt giặc để chuộc tội. Gặp lúc mưa lụt, Phước Vĩnh nhân thế thuận cho, rút quân các đạo về Gia Định.

Tháng 6, ngày mồng 1, có nhật thực.

Đặt 11 thuyền Ô Tất 烏漆 ở Gia Định. Đất ven rừng ở Gia Định sản xuất nhiều sơn, bèn mộ 500 dân đặt làm 11 thuyền, mỗi người quân hạng mỗi năm phải nộp 16 cân sơn. Những người [xiêu dạt] mới về và những người mới tục [vào sổ đinh] thì nộp một nửa; người đã bị trưng phát (1. Trưng phát : Bắt đi lính hay bắt làm việc khác.) rồi thì được miễn thuế. (Mỗi năm thu sơn được 6.528 cân).

Lấy Tri đô Nguyễn Đăng Thịnh làm Cai bạ dinh Quảng Nam.

Nhâm tý, năm thứ 7 [1732] (Lê Long Đức năm 1, Thanh Ung Chính năm 10), mùa xuân, tháng giêng, giặc lao nhân 牢賊 lại hợp quân cướp phá Cầu Nam. Trương Vĩnh Phước tiến quân đánh, và trách Nặc Tha dung túng quân giặc. Nặc Tha sợ Phước Vĩnh đánh, đem nhiều của cải đút lót. Phước Vĩnh bèn lưu Trần Đại Định đóng quân bắt giặc, còn mình thì đem quân về.

Mùa hạ, tháng 4, Trần Đại Định tiến quân đến Lô Việt 爐越 [Lovek]. Thế giặc cùng quẫn. Nặc Tha góp sức đánh bắt, bắt được giết hết. Trước là khi giặc lao nhân 牢賊 chưa bình xong chúa xuống thư quở trách. Trương Phước Vĩnh gởi mật biểu lấy việc đóng quân không tiến đổ tội cho Đại Định. Kịp Đại Định đem quân về biết việc ấy, muốn kêu với triều đình, bèn nhân đêm vượt biển đến Bút Sơn 筆山 (thuộc hải phận Quảng Ngãi). Người em họ là Thạnh 𡷫 cho rằng Phước Vĩnh là người Thế thần (1. Thế Thần: Nhà đời đời làm quan to.), không thể tranh phải trái được, khuyên bỏ đi. Đại Định nói rằng : “Một nhà cha con ta chịu ơn nhà nước đã dày, nay vì cớ thống soái che giấu sự thật mà ta tự nhiên bỏ đi, chịu lấy tiếng xấu, chẳng những là làm tôi bất trung, mà làm con cũng bất hiếu”. Thạnh cố can, khiến thuyền nhằm thẳng phía đông. Đại Định tuốt gươm chém Thạnh, rồi quay thuyền vào cửa biển Đà Nẵng làm biểu trần tình, do dinh thần Quảng Nam tâu lên. Bấy giờ các quan bàn muốn trị tội. Nhưng chúa còn không nỡ, sai giam Đại Định ở Quảng Nam và sai quan đi Gia Định xét hỏi. Phước Vĩnh thêu dệt buộc tội cho Đại Định, chỉ một mình Nguyễn Cửu Triêm cố cãi là oan. Bản án dâng lên, Đại Định đã bị bệnh chết ở trong ngục. Chúa rất thương, truy tặng Đô đốc đồng tri, thụy là Tương Mẫn. Phước Vĩnh bị tội vu cáo, giáng làm Cai đội.

Sai Cai cơ Nguyễn Hữu Doãn hành chức Điều khiển Gia Định.

Lấy Nguyễn Cửu Triêm thống dinh Trấn Biên. Cửu Triêm ở trong quân, người Chân Lạp sợ như cọp. Chúa nghe tiếng, nên cho mệnh ấy.

Chúa cho rằng Gia Định địa thế rộng rãi, sai khổn thần (2. Quan phụ trách việc biên khổn.) chia đất đặt châu Định Viễn 定遠州 (nay là phủ Định Viễn) và dựng dinh Long Hồ 龍湖營 (tức là tỉnh Vĩnh Long 永隆省 ngày nay).

Tháng 6, chúa đến cửa biển Tư Dung, xem thuyền vận tải.

Mùa thu, tháng 8, Trịnh Khương triều Lê phế vua Lê làm Hôn Đức công, lập con trưởng của Dụ Tông là Lê Duy Tường làm vua, đổi niên hiệu là Long Đức, tức là Thuần Tông.

Mùa đông, tháng 12, núi Hải Vân lở.

Trịnh Khương sai tướng là Trương Nhưng làm trấn thủ Nghệ An, kiêm trấn châu Bắc Bố Chính.

Quý sửu, năm thứ 8 [1733], mùa xuân, tháng giêng, lại đặt đồng hồ 銅壺 ở các dinh và các đồn tấn dọc biển.

(Buổi quốc sơ phỏng theo cách thức phương Tây mà làm, gọi là tự minh chung 自鳴鐘 (3. Chuông tự kêu.), quy chế hình như cái phật đình 佛亭 (4. Long đình để thờ Phật, hình vuông, bốn mặt có cửa, trên có nóc, dưới có chân.), cao chừng một thước, mặt trước là một tấm đồng, ở giữa làm vòng tròn khắc thành 12 giờ : giờ ngọ [giữa trưa] ở trên, giờ tý [nửa đêm] ở dưới, giờ mão ở phía đông, giờ dậu ở phía tây. Thời gian chia thành bát can [giáp, ất, bính, đinh, canh, tân, nhâm, quý] và tứ duy [càn, khôn, cấn, tốn]. Bắt đầu tự chữ đinh là số 1, khắc 1 vạch thẳng, mùi là số 2, khôn là số 3, cứ thuận đi đến tý là số 12. Lại bắt đầu từ chữ quý là số 1, sửu là số 2, cấn là số 3, rồi chuyển sang tả đến ngọ là số 12. Hết chung quanh là 24 giờ. Mỗi giờ 4 khắc. Quanh vòng tròn vạch 96 khắc. ở chính giữa tấm đồng mặt trước đặt hai cái kim, kim trong để chỉ giờ chỉ khắc, to mà ngắn, kim ngoài để chỉ phân chỉ khắc, nhỏ mà dài. Mặt sau là một tấm sắt. Mặt tả mặt hữu đều là tấm đồng dùng để che bụi. Bốn góc có cột bằng đồng. ở giữa có 5 trụ đồng, 15 bánh xe đồng lớn nhỏ, trong là 3 chiếc lớn đều có trục ngang và thẳng, những trục ấy đều hình răng cưa, khi chuyển xoay thì khớp cọ với nhau. ở trên có một quả chuông lớn và 6 quả chuông nhỏ, 1 dùi đồng để gõ chuông lớn và 6 dùi để gõ chuông nhỏ. ở dưới là giá cao 5 thước, đặt đồng hồ ở trên. Dùng 3 đường dây tơ cuộn vào trục lớn của 3 bánh xe mà bỏ rủ xuống, dây giữa hơi ngắn, hai dây bên hơi dài. Mỗi đầu dây buộc quả chì lớn nặng 6 cân, một đầu buộc hòn chì nhỏ nặng 1 lạng 7 đồng cân, để cho nó chuyển bánh xe máy mà  xoay vần. Hễ khi thấy quả chì lớn sa xuống còn cách đất 1 thước thì phải dun nó lên ngay khiến những quả chì nhỏ đều rủ xuống gần đất, nếu không thế thì máy không chạy được Mặt sau đồng hồ lại có một quả đồng trường canh treo lủng lẳng, gọi là quả lắc, để điều tiết sự vận hành, không thế thì chuyển vận một chiều, không đúng thời khắc được. Hễ bánh xe đồng đi đến chữ đinh khắc thứ nhất thì chuông nhỏ đánh 1 tiếng, khắc thứ 2 đánh 2 tiếng, khắc thứ ba đánh 3 tiếng, khắc thứ tư đánh 4 tiếng, tới chính giờ đinh thì chuông lớn đánh 1 tiếng; lại đi đến giờ mùi khắc thứ nhất thì chuông nhỏ đánh 1 tiếng, khắc thứ hai đánh 2 tiếng, khắc thứ ba đánh 3 tiếng, khắc thứ tư đánh 4 tiếng, chính giờ mùi thì chuông lớn đánh 2 tiếng, còn các giờ khác cũng như thế cả: đúng giờ khôn thì 3 tiếng, giờ thân 4 tiếng, cho đến canh 5 tiếng, dậu 6 tiếng, tân 7 tiếng, tuất 8 tiếng, càn 9 tiếng, hợi 10 tiếng, nhâm 11 tiếng, tý 12 tiếng. Đến giờ quý lại như giờ đinh, đánh 1 tiếng, sửu 2 tiếng, cấn 3 tiếng, dần 4 tiếng, cho đến giáp 5, mão 6, ất 7, thìn 8, tốn 9, tỵ 10, bính 11, ngọ 12. Theo giờ mà đánh, mỗi ngày không sai. Trên đồng hồ lại có giá nóc, trên giá có lá sen để che. Hai mặt phía sau và bên hữu thì che bằng tấm thủy tinh, còn hai mặt phía trước và bên tả thì có cánh cửa mở ra khép lại để tiện xem. Lại có thứ đồng hồ trung, cũng theo như cách thức trên, nhưng ở trong bớt 5 bánh xe, 6 quả chuông nhỏ gõ khắc mà chỉ có chuông lớn gõ giờ. Đo bóng mặt trời mà nghiệm  không chút sai lầm. lại có một kiểu nữa thực từ nước Tây đưa sang, cao một thước 5 tấc, rộng 1 thước, ở trên có hình người tiên cưỡi voi, hai bên tả hữu có hai con rồng chầu vào, dưới bốn chân đứng làm theo hình chân voi đạp đất. Đồng tốt mà chạm vẽ rất khéo. Trong rỗng mà hình vòng tròn. Mặt trước là một tấm tròn tráng men, vành ngoài khắc chữ tây từ 5 phút, 10 phút, 15 phút cho đến 60 phút, vành trong khắc số tiếng chuông của 12 giờ. Tý và ngọ cùng một vị ở trên, khắc 12 vạch, quý và đinh cùng một vị, 1 vạch, ở tây nam, thuận hành chuyển sang bên tả thì sửu và mùi cùng một vị, 2 vạch, cấn và khôn cùng một vị, 3 vạch, dần và thân cùng một vị, 4 vạch, giáp và canh cùng một vị,

5 vạch, ở tây bắc, mão và dậu cùng một vị, ở dưới, 6 vạch, ất và tân cùng một vị,

7 vạch, ở đông bắc, thìn và tuất cùng một vị, 8 vạch, tốn và càn cùng một vị, 9 vạch, tỵ và hợi cùng một vị, 10 vạch, bính và nhâm cùng một vị, 11 vạch, ở đông nam, lại đến tý và ngọ. Giữa tấm tráng men có kim trong kim ngoài cũng như kiểu trên. Kim trong đi đến giờ nào thì chuông lớn theo số giờ mà đánh. Giữa khoảng từ nhâm đến tý, tý đến quý thì đều có vạch, khi kim trong đi đến chỗ 1 vạch thì chuông đánh 1 tiếng, đến chỗ 12 vạch thì chuông đánh 12 tiếng, để phân biệt đầu giờ và cuối giờ, vòng quanh các giờ đều thế. Ngoài tấm tráng men lại có một tấm thủy tinh, có vòng đồng bọc quanh, bên tả thì có chốt để tiện mở đóng. ở trung tâm đồng hồ treo những tấm đồng dẹp và tròn, trong ngoài ba tầng đều đóng đinh làm một. Trong có 2 bánh xe lớn, 10 bánh xe nhỏ, trục ngang nhỏ đều có răng cưa xen kẽ giữa bánh xe lớn và bánh xe nhỏ. Lại trên tấm tròn tráng men mặt trước, ở bên cái trục giờ có một lỗ để chuyển phát, hễ thấy kim giờ khắc ở trục không đi thì dùng cái thìa khóa sắt xỏ vào lỗ mà vặn thì lại chạy. Khéo léo khó hình dung được. Lại ở trên đỉnh có treo một cái chuông lớn để báo giờ. Mặt sau có quả đồng trường canh lúc lắc không ngớt cho đồng hồ chạy. Mặt sau có một tấm đồng, bên tả có chốt, bên hữu có khóa, cùng dùng để mở đóng).

Giáp dần, năm thứ 9 [1734], mùa xuân, tháng 2, ngày Kỷ tỵ, sao Thiên cẩu sa, có tiếng kêu như sấm.

Mùa thu, tháng 8, ban biển ngạch cho chùa Hộ Quốc. Chùa này ở phía nam sông Phước Giang (thuộc tỉnh Biên Hòa), do thống suất Nguyễn Cửu Vân dựng khi đánh Chân Lạp. Chúa nhớ công của Vân mới đặt tên chùa ấy là chùa Hộ Quốc và viết biển ngạch ban cho (bấy giờ gọi là chùa Sắc tứ).

Ất mão, năm thứ 10 [1735] (Lê Vĩnh Hựu năm 1, Thanh Ung Chính năm 13), mùa xuân, tháng 2, chúa ra trường Vạn Xuân xem thi ngựa.

Mùa hạ, tháng 4, vua Lê mất, Trịnh Khương bỏ con trưởng của vua là Duy Diêu mà lập em vua là Duy Thần, đổi niên hiệu là Vĩnh Hựu, tức là ý tông.

Tháng 5, kho lán Thọ Khang bị cháy.

Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu chết, tặng Khai trấn thượng trụ quốc đại tướng quân Vũ nghị công.

Mùa thu, tháng 9, ngày mồng 1, có nhật thực. Trời tối đen, mưa gió nổi lớn, người và súc vật chết và bị thương nhiều, trấn Quảng Nam hại lắm.

Lấy Cai bạ dinh Quảng Nam là Nguyễn Đặng Thịnh làm Nha úy (bấy giờ gọi là Hương Danh hầu), Tham mưu dinh Bình Thuận là Lê Quang Đại làm Cai bạ dinh Quảng Nam.

Bính thìn, năm thứ 11 [1736] (Lê Vĩnh Hựu năm 2, Thanh Càn Long năm 1), mùa xuân, tháng 2, không mưa.

Lấy Mạc Thiên Tứ 鄚天賜 (con Mạc Cửu) làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Cho 3 chiếc thuyền long bài được miễn thuế, sai xuất dương tìm mua các của quý báu để nộp. Lại sai mở cục đúc tiền để tiện việc trao đổi. Thiên Tứ chia đặt nha thuộc, kén bổ quan ngũ, đắp thành lũy, mở phố chợ, khách buôn các nước đến họp đông. Lại vời những người văn học, mở Chiêu anh các 招英閣, ngày ngày cùng nhau giảng bàn và xướng họa, có 10 bài vịnh Hà Tiên [Hà Tiên thập vịnh 河僊十詠] :

1 – Kim Dữ thanh đào 金嶼清濤 [Sóng trong đảo Kim Dữ].

2 – Bình San điệp thúy 屏山疊翠 [Biếc dầy núi Bình San].

3 – Tiêu Tự thần chung 蕭寺辰鐘 [Chuông sớm chùa Tiêu Tự].

4 – Giang thành dạ cổ 江城夜鼓 [Tiếng trống đêm ở Giang thành].

5 – Thạch động thôn vân 石洞吞雲 [Mây luồn động đá].

6 – Châu nham lạc lộ 珠巖落鷺 [Cò đậu núi Châu].

7 – Đông Hồ ấn nguyệt 東湖印月 [Trăng in Đông Hồ].

8 – Nam phố trừng ba 南浦澄波 [Sóng êm Nam phố].

9 – Lộc Trĩ thôn cư 鹿峙村居 [Xóm làng ở Lộc Trĩ].

10 – Lư Khê ngư bạc 鱸溪漁泊 [Thuyền chài đậu Lư Khê].

Từ đó người Hà Tiên mới biết học hành.

Mùa thu, tháng 8, lụt to.

Tháng 9, Quảng Bình động đất.

Mùa đông, tháng 10, ngày Bính dần, nguyên phi của hoàng tử cả Hiểu Chính hầu là Trương thị (tức là Hiếu vũ hoàng hậu, con gái Chưởng cơ Trương Văn Sáng) mất, thọ 25 tuổi, tặng là Tu nghi phu nhân, táng ở núi Dương Xuân (tức là lăng Vĩnh Thái).

Nặc Yêm nước Chân Lạp chết. Nặc Tha thỉnh mệnh với triều đình. Phong cho Nặc Tha làm vua nước Chân Lạp.

Tháng 12, mưa dầm không ngớt.

Đinh tỵ, năm thứ 12 [1737], mùa thu, tháng 7, sai Tống Dĩnh Đức xem địa thế ở Lai Cách để xây riêng kho mới.

Mùa đông, tháng 10, nước Chân Lạp đến cống.

Tháng 11, giảm bớt các cục tượng.

Mậu ngọ, năm thứ 13 [ 1738], mùa xuân, tháng giêng, trời mưa đá to, gió bão, cát bay, cây gẫy, chim muông bị thương và chết nhiều.

Lấy Cai bạ Quảng Nam là Lê Quang Đại làm Cai bạ phó đoán sự Chính dinh.

Truy cấp 50 người dân ngụ lộc (hai phường Lương Mỹ, An Nhị) cho Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính.

Mùa hạ, tháng 4, ngày Nhâm dần, chúa băng, ở ngôi 13 năm, thọ 43 tuổi. Hoàng tử cả nối ngôi, đem bầy tôi dâng tôn thụy là Đại đô thống tổng quốc chính Tuyên Quang Thiệu Liệt Đỉnh Ninh vương, táng ở Định Môn. Giáp tý, năm thứ 6, truy tôn là Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vĩ Võ Hiếu ninh vương [truy tôn] phi làm Từ Y Quang Thuận Thục phi. Năm Gia Long thứ 5, truy tôn làm Tuyên Quang Thiệu Liệt Tuấn Triết Tĩnh Uyên Kinh Văn Vĩ Võ Hiếu ninh hoàng đế, miếu hiệu là Túc Tông, lăng gọi là Trường Phong, [truy tôn] phi làm Từ ý Quang Thuận Chiêu Hiến Thục Huệ Hiếu ninh hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Phong.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter