Thực lục về Thái Tông Hiếu triết hoàng đế Nguyễn Phúc Tần (hạ)

Quý mão, năm thứ 15 [1663] (Lê Cảnh Trị năm 1, Thanh Khang Hy năm 2), mùa hạ, tháng 5, chúa cho rằng trong trận đánh ở Nhật Lệ, nghề bắn của quân ta chưa được tinh, muốn bắt chước phép tập bắn của Thái Tổ, sai đắp ụ ở Hoằng Phước (chiều cao hơn 30 thước, chiều rộng hơn 130 thước), trước mặt đặt một cái xạ hầu (1. Một cái khung căng, ở giữa có cái đích để nhằm bắn. Theo Chu lễ chép, nhà vua bắn thì dùng da hổ, da gấu, da báo, chư hầu thì dùng da gấu, da báo, khanh đại phu thì dùng da nai để làm đích.), khiến thủy sư đi lại mà bắn thi, lấy bắn trúng hay không trúng mà định thưởng phạt. Từ đấy quân sĩ đều cố gắng, phép bắn ngày càng thêm tinh.

Mùa đông, tháng 12, gió tây bắc nổi lên, cát bay nhà đổ, người và súc vật tổn thương nhiều.

Giáp thìn, năm thứ 16 [1664], mùa hạ, tháng 6, Chưởng dinh tiết chế đạo Lưu Đồn là Nguyễn Hữu Tiến 阮有進 ốm, dâng biểu xin về. Chúa không biết dùng ai thay được cùng các tướng bàn định. Tôn Thất Yến 尊室燕 thưa xin dùng Nguyễn Hữu Dật 阮有鎰. Chúa sai triệu Hữu Tiến về trấn Cựu dinh để điều dưỡng, thăng Hữu Dật làm Chưởng dinh tiết chế đạo Lưu Đồn 留屯 và lấy Trương Phước Hùng 張福雄 làm Chưởng cơ trấn thủ dinh Bố Chính.

Chúa thấy nước sông Vỹ Dã 葦野江 chảy xiết mạnh, hạ lệnh huy động dân ba huyện đắp kè đập để chắn giữ.

Ất tỵ, năm thứ 17 [1665], mùa xuân, tháng 3, sai các tướng ở Chính dinh, Cựu dinh và Quảng Nam dinh cùng các quan châu, huyện, hương chỉnh bị đồ quân khí để đến tháng 4 làm đại duyệt ở phủ Đông Trì (bấy giờ gọi là Phủ Ao, nay là ấp Đông Trì Thượng). Các dinh Lưu Đồn, Quảng Bình và Bố Chính thì hội duyệt ở Chính dinh, lấy đồ binh khí cùn hay sắc để định thưởng phạt. Lại sai văn thần và các quan lại tam ty tập phép cưỡi ngựa bắn cung, người nào trúng thì được thưởng, ngựa chậm và bắn lạc thì bị phạt.

Mùa hạ, tháng 6, mưa dầm nước lụt, những kè đập ở sông Vỹ Dã bị lở, sai đắp lại. Mùa thu, tháng 7, sửa lại chùa Thiên Mụ 天姥寺. Được mùa to.

Mùa đông, tháng 10, mưa gió to, kè đập sông Vỹ Dã lại hỏng, hạ lệnh thôi không đắp nữa.

Bính ngọ, năm thứ 18 [1666], mùa xuân, tháng 3, ở Hồ Xá 胡舍 có động đất.

Mùa hạ, tháng 4, núi Cam Lộ 甘露 lở, dài 10 trượng.

Mưa máu xuống sông Thạch Hãn 石捍, nước đỏ 3 ngày mới trong.

Mùa thu, tháng 7, trấn thủ Cựu dinh là Nguyễn Hữu Tiến chết. Hữu Tiến bệnh nặng, bảo thuộc tướng rằng : “Ta chịu hậu ân của nước mà họ Trịnh chưa trừ được, đó là di hận của ta”. Nói xong rồi chết, 65 tuổi. Tin buồn báo lên, chúa rất thương, tặng Hiệp mưu tá lý công thần đặc tiến Tả quân đô đốc phủ chưởng phủ sự tiết chế Thuận quận công, cho tiền bạc gấm lụa táng theo lễ tước công. Hữu Tiến làm tướng lập được nhiều chiến công, người Bắc Hà gọi là Hổ uy đại tướng 虎威大將 (1. Đại tướng oai cọp.), với Nguyễn Hữu Dật tiếng tăm ngang nhau, đều là công thần khai quốc. (Năm Gia Long thứ 5, được tòng tự ở Thái miếu, năm Minh Mệnh thứ 12, phong Anh quốc công).

Mùa đông, tháng 12, lấy Tham tướng Tôn Thất Tráng 尊室壯 làm trấn thủ Cựu Dinh, cai cơ Tài Lễ (không rõ họ) làm Tham tướng.

Đinh mùi, năm thứ 19 [1667].

Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi, lấy được 5 người trúng cách về môn chính đồ, 14 người trúng cách về môn hoa văn, đều bổ dùng cả.

Mùa hạ, tháng 4, chúa đi chơi chùa Hòa Vinh 和榮寺. Trước là chúa đi chơi cửa Tư Dung 思容 (tên cũ là Tư Khách 思客, tức nay là Tư Hiền 思賢), thấy núi Quy Sơn 思賢 (nay là núi Linh Thái 靈蔡) phong cảnh đáng yêu, trên đỉnh núi có một cây tháp cổ, nổi tiếng linh thiêng, sai thủ bạ Trần Đình Ân 陳廷恩 đốc suất quân dân dời cây tháp ấy đi nơi khác để lấy đất dựng chùa phật, công việc xong, gọi tên chùa là chùa Hòa Vinh. Đến đây chúa ra chơi, mở hội chùa lớn 7 ngày đêm.

Tháng 6, ngày mồng 1, có nhật thực.

Mùa đông, tháng 10, ở kinh kỳ bị nạn châu chấu. Chúa sai dựng đàn làm lễ nhương trừ. Châu chấu ùa xuống biển chết. Lại được mùa to.

Mậu thân, năm thứ 20 [1668], mùa đông, tháng 10, khai kênh Hồ Xá. Chúa thấy kênh Hồ Xá bị lấp nghẽn, đường vận tải không tiện, muốn phỏng theo việc đào kênh ở đời Lê Hồng Đức 黎洪德 (Hồ Hán Thương 胡漢蒼 từng mở đường kênh từ Thủy Liên đến Hồ Xá, nhưng bùn cát đùn lên, vừa khơi lại lấp, làm mãi không thành. Khi Lê Thánh Tông 黎聖尊 đi đánh Chiêm Thành, phát quân để đào mới thành, sau lại bồi lấp); bèn sai quan xem xét địa hình xem những nơi thấp ướt thì vẽ thành đồ bản tiến lên. Chúa thân đốc các quân và nhân dân ba huyện để khơi đào cho thông thuyền bè đi lại. Nhưng chỉ mấy tháng cát lại bồi lấp. Bèn hạ lệnh cho dân ở dọc kênh tùy thế mà khơi đào, hằng năm lấy làm lệ thường.

Đại hạn. Chúa sai đảo vũ, được một tuần thì mưa to.

Kỷ dậu, năm thứ 21 [1669], mùa xuân, tháng giêng, bắt đầu làm việc duyệt tuyển ở hai phủ Diên Ninh 延寧 và Thái Khang 泰康, sai văn chức là Hồ Quang Đại 胡光大 đến làm.

Mùa hạ, tháng 4, đo ruộng dân để định tô thuế. Bấy giờ Ký lục Vũ Phi Thừa 武丕承 dâng lời nói rằng : “Thần nghe binh và tài là chính sách lớn của nhà nước. Kho tàng đầy thì của dùng đủ, của dùng đủ thì binh giáp mạnh. Nay dân gian nhiều người chiếm canh ruộng lậu mà không chịu nộp thuế. Xin sai quan bao đạc những ruộng đất thực canh làm ruộng công để thu thuế má cung cho quốc dụng. Thế gọi là nhà nông xuất thóc để nuôi binh lính mà binh lính xuất lực để bảo vệ nhà nông, đó là chế độ đời xưa”. Chúa khen phải, sai bọn văn thần Hồ Quang Đại chia nhau bao đạc những ruộng đất thực cày cấy của xã dân các huyện, định làm ba bực và chia các hạng ruộng mùa thu và đất khô để thu thóc thuế theo thứ bực. Ruộng công thì cho dân chia nhau cày để nộp tô, nếu có người khai khẩn rừng hoang mà cày thành ruộng thì cho trưng làm ruộng tư [bản bức tư điền] cho cày mãi mà nộp thuế riêng, xã dân không được tranh chiếm. Từ đó dân hết mối tranh kiện, yên phận làm ăn. Về sau ruộng khẩn một ngày một nhiều, lại đặt ty Nông lại để coi việc thu thuế.

(Ruộng nhất đẳng mỗi mẫu thu thóc 40 thăng, gạo 8 hợp ; ruộng nhị đẳng, mỗi mẫu thu thóc 30 thăng, gạo 6 hợp ; ruộng tam đẳng mỗi mẫu thu thóc 20 thăng, gạo 4 hợp. Lại cứ 1 thăng thóc thì thu tiền phụ 3 đồng. Ruộng mùa thu và đất khô thì không chia thứ bậc, mỗi mẫu thu 3 tiền, không đủ mẫu thì thu 1 tiền. Duy quan đồn điền, quan điền trang, ruộng hoang mới khẩn và đất bãi bồi thì chia cấp làm ngụ lộc (1. Ngụ lộc: Lộc lương cấp cho các quan.), còn thì thu riêng nộp riêng.

Lại định phép đong lường, cứ 10 nhón tay (2. Lấy 2 hay 3 ngón tay nhón lấy được bao nhiêu, ấy là một nhón.) là 1 vốc, 10 vốc là 1 hợp, 10 hợp là 1 thăng, 10 thăng là 1 hộc, 10 hộc là 1 thùng. Cái hộc dùng để thu thuế thì mỗi hộc có 50 thăng, lại thêm 25 thăng, thành mỗi hộc là 75 thăng. Lấy 500 thăng làm một thùng. Hộc để phát lương cho quân thì có 33 thăng 5 hợp. Hộc phát ở Nội phủ thì kém hộc phát cho quân 3 thăng ; thăng cũng giảm bớt).

Canh tuất, năm thứ 22 [1670], mùa hạ, tháng 4, các huyện Hương Trà và Quảng Điền mưa nước mặn, năm sáu ngày mới bớt.

Trịnh Tạc nhà Lê sai Lê Đắc Đồng 黎得仝, Trần Xuân Bảng 陳春榜 đem thư đến cửa Nhật Lệ nói là phụng mạng vua Lê đến hỏi việc cống phú. Trấn thủ Bố Chính là Triều Tín 朝信 đem việc báo lên. Chúa bảo các tướng rằng : “Những việc lễ nhạc đánh dẹp đều không tự vua Lê ra lệnh. Đó là họ Trịnh giả mạng vua, quyết cự không nộp”. Bọn Đắc Đồng trở về. Trịnh Tạc bàn muốn phát binh. Bề tôi là đô đốc Thông (không rõ họ) can rằng : “Binh pháp có nói rằng : “Biết người biết mình, trăm trận không nguy”. Tôi trộm nghe ở Nam Hà, trên dưới hòa thuận, binh giáp tinh mạnh, ta chưa nên khinh động”. Tạc bèn thôi.

Tháng 6, núi Ngọc Trản 玉盞山 [Hòn Chén] lở, dài 6, 7, trượng, rộng 7 thước. Chúa sai quan cầu đảo.

Mùa thu, tháng 7, ở kinh kỳ phát hỏa, cháy lan hơn 700 nhà.

Tháng 9, ngày Nhâm thân, có khí lạ hiện ra ở phương thân (3. Tức là phương tây nam.) dài như tấm lụa, sắc đỏ vàng, sáng thâu đêm, đến tháng 12 mới tắt. Bấy giờ những tai dị (4. Tai dị: Những việc tai họa quái dị.) thường hiện ra luôn, người ta bàn luận phân vân bất nhất. Chúa nói rằng : “Ta chớ nên lấy tai dị làm lo, chỉ nghĩ xét mình sửa đức để ngăn thôi”.

Tân hợi, năm thứ 23 [1671].

Mùa thu, tháng 7, ngày mồng 1, có nhật thực.

Tháng 9, gió bão, mưa như trút, mặt đất nước sâu tới 3 thước, người và súc vật bị tổn thương nhiều.

Mùa đông, tháng 11, vua Lê băng. Em là Duy Khoái 維禬 nối ngôi, đổi niên hiệu là Dương Đức 陽德, tức là Gia Tông 嘉尊.

Nhâm tý, năm thứ 24 [1672], (Lê Dương Đức năm 1, Thanh Khang Hy năm 11), mùa xuân, tháng 2, ngày Canh thìn, hai mặt trời cùng mọc cọ sát vào nhau, hình như đấu chọi, một lát thì một cái biến đi, còn một cái vẫn sáng như cũ.

Mùa hạ, tháng 4, ngày 1, có nhật thực.

Tháng 6, họ Trịnh cử đại binh đến xâm lấn. Trịnh Căn làm nguyên soái thủy quân, Lê Thời Hiến làm thống suất bộ quân, lãnh quân 10 vạn, gọi lên là 18 vạn, chia đạo cùng tiến. Trịnh Tạc dẫn vua Lê đi tiếp ứng. Trấn thủ châu Bố Chính là Triều Tín báo tin lên. Chúa bảo các tướng rằng :

“Trịnh Tạc không sợ thất bại năm trước, lại tức bực mà nổi binh. Quân đã tức bực, tất bị tiêu diệt. Nay ta muốn chống được họ, trước hết phải chọn người làm nguyên soái”. Các tướng đều nói : “Hoàng tử thứ tư là Hiệp 協 (có tên nữa là Thuần 淳, bấy giờ gọi là Chưởng cơ Hiệp Đức hầu 掌奇協德侯) hùng dũng thao lược hơn đời, có thể khiến làm nguyên soái được”. Chúa cho là phải, bèn cho Hiệp làm Nguyên soái, nha úy Mai Phú Lĩnh 枚富嶺 (có tên là Nhuận 潤) và Ký lục Vũ Phi Thừa 武丕承 làm tham mưu, Chưởng cơ Trương Phước Cương 張福崗 (con Trương Phước Phấn 張福奮) và Nguyễn Đức Bảo 阮德寶 làm tả hữu tiên phong. Sai tướng thần lại đốc suất chở gạo lương ở ba kho Lai Cách, An Trạch và Trường Dục để sẵn mà cấp phát. (Đường chở có hai lối, có lối đường thủy, có lối đường bộ. Đường bộ đặt 2 đội Xa nhất và Xa nhị, mỗi đội 50 người, đặt 4 đội trưởng, cấp cho xe công 37 cỗ, trâu 74 con, mỗi xe đóng 2 trâu, mỗi người coi 7 xe, mỗi xe chở 1.200 bát gạo, chuyển vận rất là mau lẹ). Lại sai 5 cơ voi, điều động 150 thớt voi đến đóng trước ở xã Phù Tôn (nay đổi là Phù Chính).

Mùa thu, tháng 7, hoàng tử thứ tư là Nguyên soái Hiệp xuất quân. Đến phủ Tân Thắng ở Quảng Bình, các tướng họp tất, chia sai bày trại đóng đồn. Nguyễn Hữu Dật giữ lũy Sa Phụ, Trấn thủ Quảng Bình là Nguyễn Mỹ Đức giữ Chính lũy, Chưởng cơ Trương Phước Cương giữ lũy Trấn Ninh, Trấn thủ Bố Chính là Triều Tín giữ lũy Động Hồi, Trấn thủ Cựu Dinh là Thuận Đức (không rõ họ) giữ lũy Đâu Mâu, Cai cơ Thuận Trung (không rõ họ) giữ cầu Mỗi Nại. Tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền đóng cọc gỗ để ngăn cửa biển Nhật Lệ. Thủy bộ liên lạc làm thế dựa nhau. Các tướng vâng lệnh, cùng nói với nhau rằng : “Nguyên soái hiệu lệnh nghiêm minh, thật là tài làm tướng”.

Tháng 8 nhuận, quân Trịnh đến châu Bắc Bố Chính, chia đạo đều tiến, để giám sát Nguyễn Sủng làm Đốc thị châu Bố Chính, khiến thu họp hương binh. Trịnh Căn đem quân sang sông Gianh, đóng ở xã Đông Cao và Thanh Hà.

Tháng 9, Triều Tín bày lũy đối với quân Trịnh, chia binh tiến đánh không được, bèn đem dân châu vào trong lũy Động Hồi để cố thủ. Bấy giờ quân Trịnh đóng từ Chính Thủy đến Sơn Đầu, từ Phú Xá đến Trấn Ninh, lại đắp lũy từ Sơn Đầu đến bờ biển, bày một nghìn chiến thuyền ở sông Gianh và cửa Nhật Lệ, để tiếp ứng bộ binh, thanh thế vang dậy. Nguyên soái Hiệp nghe tin, sai Tham tướng Tài Lễ đem thủy quân đắp pháo đài ở lũy Trấn Ninh. Tham mưu Đồng Giang (không rõ họ) mộ dân ven núi làm lính để giữ những đường xung yếu ở các cửa nguồn để phòng quân Trịnh thọc vào.

Chúa thấy quân Trịnh thế to, triệu bày tôi họp bàn rằng : “Quân giặc nhiều, quân ta ít, thế không địch được, các khanh đều nên trình bày xem nên đánh hay nên giữ”. Cai cơ Tống Đức Minh thưa rằng : “Quân Trịnh vào sâu, lợi ở sự đánh chóng, ta cứ hào sâu lũy cao, giữ mãi để quân nó nhụt đi. Vả việc đánh thành là tai vạ của nhà binh. Quân Trịnh tiến đánh không được, lương thực không tiếp tế được, thế tất sẽ phải nhân đêm trốn đi, ta thừa thế đánh, một tiếng trống là phá được”. Chúa còn cho khó. Trần Đình Ân mật thưa rằng : “Thần liệu tính quân Trịnh không có tới 10 vạn mà gọi lên 18 vạn là láo. Việc binh cần có tiếng trước rồi mới đến sự thực. Hai nước đánh nhau tất có gián điệp. Xin phao lên là quân ta có 16 vạn và tuyển thêm người cường tráng 10 vạn nữa, gọi là 26 vạn, do chúa tự làm tướng thân chinh, để cho bọn gián điệp về bảo nhau. Thế gọi là việc binh không kiêng quyền biến”. Chúa cho là phải. Tức thì sai quan chia đi hai xứ để tuyển binh, và răn rằng : “Nếu chậm không kịp kỳ hạn ra quân thì lấy quân pháp trị tội”.

Ngày ất mùi, Chúa thân đốc suất đại quân thủy bộ đều tiến. Sai đội Hữu bính cơ Tam thủy giữ cửa biển Tư Dung, đội Hậu thủy giữ cửa Eo, cơ Hậu thủy giữ cửa Minh Linh [cửa Tùng], huy động hết hương binh năm huyện bày đóng ở bờ biển Trường Sa. Từ đấy tiếng quân lừng lẫy, lòng người mới yên. Thuyền ngự tiến đến Kim Đôi, nhân gió nam, chạy thẳng đến Cựu Dinh, đóng lại ở phủ Toàn Thắng (trước là trại Toàn Thắng, đổi làm phủ).

Định thể lệ trạm đường thủy và đường bộ. (Trạm đường thủy cấp cho 4 cái thuyền, mỗi thuyền 6 người phụ chèo, chia làm 16 độ, độ nhất từ Bao Vinh đến Vân Khốt, độ nhì đến Cương Giản, độ ba đến Tam Giang, độ bốn đến Vân Trình, độ năm đến Tháp Quán, độ sáu đến Phương Lang, độ bảy đến Cầu Ngói, độ tám đến An Tiêm, độ chín đến Đông Giám, độ mười đến Hội Môn, độ mười một đến quán Nhĩ Hạ, độ mười hai đến An Mỹ, độ mười ba đến Câu Phụ [Cồn Câu], độ mười bốn đến Độ Thị [Chợ Đò], độ mười lăm đến Châu Thị, độ mười sáu đến Hồ Xá thì lên đường bộ. Trạm đường bộ thì cấp cho 4 con ngựa, chia làm 17 độ. Độ thứ nhất từ Vinh Quang đến Kiều Thị [Chợ Cầu], độ nhì đến Kênh Thị [Chợ Kênh], độ ba đến Châu Thị, độ bốn đến Hồ Xá, độ năm đến Hà Kỳ, độ sáu đến Phật Quán [Quán Bụt], độ bảy đến Liên Quán [Quán Sen], độ tám đến Cát Quán [Quán Cát], độ chín đến Ba Nguyệt, độ mười đến Dâm Hương, độ mười một đến Trà Quán [Quán Trà], độ mười hai đến Thị Quán [Quán Chợ], độ mười ba đến Bối Phụ, độ mười bốn đến Tráng Kiện, độ mười lăm đến Miếu Mít, độ mười sáu đến Cừ Hà, độ mười bảy đến lũy Sa Phụ. Bao Vinh, Vân Khốt, Cương Giản, Vân Trình, Phương Lang, An Tiêm, Đồng Giám, Hội Môn, Nhĩ Hạ, An Mỹ, Châu Thị, Hồ Xá, Vinh Quang, Hà Kỳ, Ba Nguyệt, Cừ Hà đều là tên xã thôn còn bao nhiêu là tên tục gọi các đất).

Mùa đông, tháng 10, Tham đốc thượng đạo của Trịnh là Văn Lộc (không rõ họ) từng đem quân đi lẻn quan núi Mật Cật để dò thăm Lũy Động Hồi. Triều Tín đứng trên lũy trông thấy, nói : “Đó là quân địch đến dòm ngó ta, có thể phục binh để bắt”. Cai cơ Trương Văn Vân xin đi.

Triều Tín cho đi. Hoằng Phương (không rõ họ) bèn nói với Triều Tín rằng : “Phục binh là cách đánh lừa, phải giấu kín thanh tích ở rừng rậm mới được. Nay Mật Cật một quả núi trơ trọi, bốn mặt bằng phẳng, không phải là đất phục binh. Huống chi Vân lại là người chỉ có mạnh mà không có mưu, ắt lỡ việc lớn. Xin cho một nhánh quân ngầm theo sau để phòng tiếp ứng”. Đêm hôm ấy Vân đóng quân ở trên núi Mật Cật. Quả nhiên, Văn Lộc dẫn quân tới vây, phóng lửa đánh gấp. Vân đánh thua chạy. Hoằng Phương đem quân đến tiếp chiến, quân Trịnh hơi lui. Vân chỉ chạy thoát được thân. Triều Tín muốn lấy quân pháp trị tội. Chúa cho rằng Vân trước ở Nghệ An có công, chỉ giáng làm cai đội cho về nhà, mỗi năm cấp cho ngụ lộc 100 quan cho trọn đời.

Trịnh sai người đến ngoài lũy Trấn Ninh mời tướng ta ra ngoài lũy nói chuyện. Nguyên soái Hiệp sai Cai hợp Tú Minh ra gặp. Sứ Trịnh hỏi rằng năm trước vua Lê có sắc mà cự tuyệt không nhận nên nay đến về việc ấy. Tú Minh trả lời : “Ông nói nhầm rồi! Trước tiên vương ta giúp nhà vua, thiên hạ ai cũng biết. Nay họ Trịnh chuyên quyền, hiệu lệnh tự mình đặt ra, những việc xảy ra đời Chính Trị (1. Đời Chính Trị (Lê Anh Tông), Trịnh Kiểm giết Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng phải xin vào trấn Thuận Hóa.) và đời Hoằng Định (2. Năm Hoằng Định thứ 20, Trịnh Tùng giết vua Kính Tông ở nội điện.) đã không nỡ nói đến . Năm trước cự sứ giả là cự họ Trịnh chứ không phải cự nhà Lê. Nay đã đề binh tới đây, muốn đánh thì đánh, còn kéo dài ngày tháng làm chi cho khổ ?”. Sứ Trịnh không biện bạch được, từ biệt mà đi. Tú Minh về. Hiệp khen rằng : “Tú Minh đã biết dùng lời nói chính đáng để khuất phục người”, rồi cho 20 lạng bạc. Hữu Dật nói : “Sứ Trịnh về báo, họ tất nổi giận mà động binh. Xin ra lệnh cho các tướng sửa sang binh giáp để đợi”. Hiệp theo lời.

Tháng 11, tướng Trịnh là Lê Thời Hiến 黎時憲 đem quân đến lũy Trấn Ninh. Nguyên soái Hiệp 元帥協 thống suất đại binh đóng ở Cừ Hà, sai các tướng chia đóng ở đồn Sa Chủy và ở cửa Nhật Lệ để chia thế lực của giặc. Quân Trịnh đánh không được. Trịnh Tạc triệu các tướng đến quở trách. Thời Hiến lại đốc thúc 3.000 quân đến sát dưới lũy, san hào lấp rãnh, hợp sức đánh gấp. Quân ta ở trên lũy bày súng bắn xuống. Quân Trịnh bu vào đông như kiến leo lên. Quân ta chụm mác mà đâm. Quân Trịnh đào đất khoét thân lũy, hoặc thả diều giấy nhân gió mà phóng hỏa, hoặc bắn đạn lửa. Trong một ngày mà lũy sắp bị hạ ba bốn lần. Thủ tướng Trương Phước Cương 張福崗 xin bỏ Trấn Ninh, lui giữ lũy Mỗi Nại 每耐. Hiệp đáp rằng : “Quân ta mà lui thì địch tất thừa thế đuổi theo, ta không thể chống được. Nếu gắng sức cố giữ, ta đến cứu ngay”. Bèn sai người chạy đến lũy Sa Phụ  khiến Hữu Dật đem quân cứu viện Trấn Ninh. Hữu Dật nói : “Nhiệm vụ ta phải giữ Sa Phụ, Trấn Ninh không phải phận sự của ta, ta không dám đi”. Dật lên trên lũy đứng trông xa thấy khói lửa mù trời, tiếng súng không dứt, biết là quân Trịnh đánh Trấn Ninh rất gấp, mới nghĩ lại rằng : “Ta nếu không đi thì nguyên soái tất phải thân đi. Có lẽ nào ta lại đùn địch cho nguyên soái đánh!” Tức thì dẫn quân đi. Lại đạc chừng rằng nguyên soái đã đi rồi, bẩm báo không kịp nữa, bèn vạch chữ ở cây đa giữa đường nói rằng : “Hữu Dật đã đến Trấn Ninh rồi, xin nguyên soái dời quân thay giữ Sa Phụ”. Khi Dật đến thì lũy bị phá vỡ hơn 30 trượng, hầu như không thể chống được nữa. Bấy giờ đêm tối mò, cách nhau gang thước mà không thể nhận nhau. Hữu Dật sai bó củi và cỏ khô làm đuốc, đốt lửa soi sáng rõ như ban ngày. Quân Trịnh ngờ có phục binh, không dám tới gần. Hữu Dật kíp sai quân sĩ dựng ván làm phên, lấy sọt tre đựng đất để đắp vá những chỗ lũy vỡ lở. Sáng sớm quân Trịnh hết sức tiến đánh thì lũy đã bền vững rồi, không thể phá được.

Trước là Hiệp nghe tin Hữu Dật từ chối không đi cứu viện, tức thì thân đốc đại quân thẳng đêm đi luôn. Giữa đường nhìn thấy dấu chữ Hữu Dật vạch ở cây đa mới biết Hữu Dật đã đi, bèn dời quân đến giữ lũy Sa Phụ. Lại nghe tướng Trịnh là tham đốc Thắng (không rõ họ, bấy giờ gọi là Quận công) đem hơn 30 chiến thuyền từ cửa biển tiến vào,  muốn chẹn bến sông Trấn Ninh để chặn đường viện binh của ta, tức thì sai cai cơ Kiên Lễ (không rõ họ) nhân đêm thẳng tới đồn Sa Chủy, đắp đài cát, đặt súng lớn, rình thuyền của Thắng đến thì bắn. Lại khiến Tham tướng Tài Lễ đem chiến thuyền ra cửa biển Nhật Lệ, trên dưới giáp đánh. Thủy binh của Trịnh quả bị Kiên Lễ đánh úp, mà Trấn Ninh lại có Hữu Dật đến cứu nên bộ binh của Trịnh không làm gì được. Quân ta cùng với quân Trịnh mấy ngày đánh nhau kịch liệt. Quân Trịnh chết xác chất thành đống, quân ta cũng bị thương và chết rất nhiều.

Chúa đóng ở Toàn Thắng nghe tin Trấn Ninh nguy cấp, sai sứ chạy tới quân trung hỏi tình hình binh sự. Hữu Dật nói với sứ giả rằng : “Trước kia ở Nghệ An ta đi sâu vào đất khách mà quân Trịnh còn chẳng dám làm gì, huống nay lũy cao hào sâu, ta là chủ mà Trịnh là khách, thì còn sợ gì nữa”. Tức thì dâng biểu nói rằng : “Thần xin ra sức cố giữ và phá giặc để trả ơn nước. Nếu có sơ suất để xẩy ra chuyện lo, xin lấy quân pháp bắt tội thần”. Sứ giả đem biểu về dâng. Chúa  xem xong, nói rằng : “Hữu Dật từ lúc lên đàn làm tướng đến nay, vạch kế hiến mưu, đánh đâu được đấy. Nay lại nghe lời nói này, ta không lo nữa”.

Tháng 12, Trịnh Tạc thấy đánh Trấn Ninh đã luôn mấy tháng mà không lấy được, vả ở đó đất ẩm thấp, trời rét buốt, sĩ tốt khó ở lâu được, bèn xin vua Lê về đóng ở Phù Lộ, sai Lê Thời Hiến ở lại giữ đồn Chính Thủy. Thời Hiến bèn họp các tướng, lại đánh Trấn Ninh. Nguyên soái Hiệp sai cai cơ Ngô Thắng Lâm điều động hơn 60 thớt voi đi quanh theo bãi biển Trường Sa mà ra vào lũy Sa Phụ. Lại sai 4 chiếc binh thuyền của thủy đội chèo nhanh ra biển, đến ngang cửa Ròn, sáng đi chiều về, để làm cho quân Trịnh sinh ngờ. Thời Hiến liền ngay đánh lũy. Nguyễn Hữu Dật hết sức cố giữ, nhuệ khí gấp mười. Thời Hiến không thể đánh được. Lại nghe tin Trịnh Căn đem thủy quân đến sông Gianh thì bị cảm gió độc ốm nặng phải trở về Bắc, Thời Hiến càng sợ, nửa đêm rút quân về. Quân ta đuổi đến núi Lệ Đệ thì quân Trịnh đã sang sông rồi. Trịnh Tạc lại dẫn vua Lê về Đông Đô. Bấy giờ tướng Trịnh là Trấn thủ Nghệ An Đào Quang Nhiêu chết. Tạc lại sai Lê Thời Hiến thay đóng ở dinh Hà Trung, chia binh đóng đồn ở các đường trọng yếu châu Bắc Bố Chính phòng giữ nghiêm ngặt, lấy sông Gianh 𤅷江 làm giới tuyến. (Phía nam sông là Nam Hà 南河, phía bắc sông là Bắc Hà 北河). Từ đấy Nam Bắc nghỉ binh.

Nguyên soái Hiệp dẫn quân về Thạch Xá. Tin thắng trận báo lên. Chúa sai đem vàng lụa thưởng cho tướng sĩ và ủy lạo các quân, rồi trở về phủ Lương Phước.

Quý sửu, năm thứ 25 [1673], mùa xuân, tháng 2, Nguyên soái Hiệp khải hoàn, đến phủ Lương Phước yết kiến. Chúa rất mừng, thưởng cho 100 lạng vàng, 1.000 lạng bạc, 50 tấm gấm.

Chúa ngự về phủ chính Kim Long, tế cáo trời đất tôn miếu, gia phong các vị linh thần, mở tiệc lớn khao tướng sĩ, định công mà ban thưởng theo thứ bực. Miễn 3 năm tô thuế cho nhân dân châu Bố Chính và nhân dân ở ngoài lũy. Lại miễn thuế thường tân và tiết liệu cho hai huyện Khang Lộc và Lệ Thủy. Trăm họ ai cũng vui mừng.

Mùa thu, tháng 9, bão to, nhà cửa nhân dân bị đổ, nước lụt tràn ngập, mặt đất nước sâu 3 thước.

Giáp dần, năm thứ 26 [1674], (Lê Đức Nguyên năm 1, Thanh Khang Hy năm 14), mùa xuân, tháng 2, sai quan làm duyệt tuyển lớn, hết thảy theo như lệ cũ.

Sai cai cơ đạo Nha Trang 牙莊道 dinh Thái Khang 泰康營 là Nguyễn Dương Lâm 阮揚林 (con Quận công Nguyễn Văn Nghĩa 阮文義 là Thống suất dinh Quảng Bình) đem quân cứu nước Chân Lạp 真臘. Trước là Nặc Ô Đài 匿烏苔 nước Chân Lạp mưu làm phản, làm cầu phao và xích sắt, đắp thành Nam Vang 南榮城, nhưng còn sợ vua là Nặc Nộn 匿嫩, chưa dám hành động, bèn ngầm cầu viện nước Xiêm La 暹羅, nói phao rằng vua Xiêm La đã phát 2 vạn quân bộ, 2 nghìn quân thủy, và một nghìn voi ngựa đến hỏi Nặc Nộn về tội cự mệnh. Nặc Nộn cả sợ, chạy về Thái Khang. Dinh thần đem việc báo lên. Chúa nói rằng : “Nặc Nộn là phiên thần, có việc nguy cấp, không thể không cứu”. Bèn sai Dương Lâm làm Thống binh, tướng thần lại thủ hợp là Nguyễn Diên Phái 阮延派 làm Tham mưu, Văn Sùng 文崇 (không rõ họ) làm Thị chiến, đem quân đi đánh.

Bọn Dương Lâm chia binh làm hai đạo, đương đêm đánh úp phá các lũy Sài Gòn 柴棍 [Sài Côn] (nay là tỉnh lỵ Gia Định 嘉定) và Bích Đôi 碧堆 [Gò Bích], chặt cầu phao và xích sắt, thẳng tiến vây thành Nam Vang. Nặc Ô Đài hoảng sợ chạy chết, Nặc Thu 匿秋 đến quân môn xin hàng. Tin thắng trận báo về, triều đình bàn rằng Nặc Thu là dòng đích thì phong làm vua chính, đóng ở thành Long Úc 龍澳 [U Đông], Nặc Nộn 匿嫩 làm vua thứ nhì, đóng ở thành Sài Gòn 柴棍城, cùng coi việc nước, hằng năm triều cống. Thế là nước Chân Lạp yên.

Diên Phái và Văn Sùng chết ở trong quân. Diên Phái sau khi chết có ứng hiện linh thiêng, nhiều người cầu đảo. Chân Lạp lập đền thờ ở cửa biển Mỹ Tho 美湫 (nay thuộc Định Tường 定祥).

Mùa hạ, tháng 5, ngày Quý dậu, mặt trời có quầng ba vòng.

Tháng 6, Thống binh Nguyễn Dương Lâm thắng trận khải hoàn, thăng làm Trấn thủ dinh Thái Khang, kinh lý việc biên phòng.

Mùa thu, tháng 7, mưa đá.

Mùa đông, tháng 10, vua Lê đổi niên hiệu là Đức Nguyên.

Tháng 11, ngày mồng 1, có nhật thực.

Ất mão, năm thứ 27 [1675], mùa xuân, tháng 2, sao Thái bạch đi dọc trời.

Mùa hạ, tháng 4, vua Lê băng. Em là Duy Hợp nối ngôi, đổi niên hiệu là Vĩnh Trị, tức là Hy Tông.

Mở khoa thi lấy được 4 người trúng cách về môn chính đồ, 17 người trúng cách về môn hoa văn. Lại thi thám phỏng, lấy 7 người trúng cách. Phép thi thì thi một ngày, hỏi trạng binh dân và việc Lê Trịnh. Người trúng thì bổ vào Xá sai ty. Thi thám phỏng bắt đầu từ đấy.

Tháng 5, ngày Bính tý, Hoàng Tôn (tức là Hy tông Hiếu minh hoàng đế) sinh. ánh sáng điềm tốt đầy nhà. Trước là ngày Giáp tuất tháng 9 mùa thu năm Giáp dần, ở phương Tây Nam hiện ra một lỗ, mây sắc cuộn quanh, tự giữa một luồng ánh sáng tròn tỏa xuống. Người thức giả cho là điềm lành, bảo tất có chân chúa giáng sinh. Đến đây quả là có nghiệm.

Tháng 6, hoàng tử thứ tư là Nguyên soái Hiệp mất. Đầu là Hiệp vâng lệnh ra quân, dưới trướng thường dùng giáp sĩ hầu ở tả hữu. Có người Quảng Bình đem con gái mình nhan sắc tuyệt đẹp để tiến. Hiệp giận lắm, nhưng thương vì nghèo túng bèn cho tiền bảo về. Ai nghe thấy cũng đều phục đức lượng. Khi dẹp xong giặc trở về, tuyệt hẳn không cho đàn bà con gái yết kiến, dựng am nhỏ thờ Phật, thỉnh thoảng ra chơi, bàn đạo thuyết pháp để tự vui. Đến đấy bị bệnh đậu mùa 痘 mà mất, mới 23 tuổi. Chúa rất thương nói : “Hiệp vì nước dẹp nạn, có công lớn với xã tắc, tuổi sao thọ ngắn thế!”. Tặng Minh nghĩa tuyên lực công thần khai phủ phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ Tả quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Thiếu úy quận công. Táng ở xã Hiền Sĩ, lập đền thờ ở xã Vân Thê (năm Gia Long thứ 5 được tòng  tự ở Thái miếu, năm Minh Mệnh thứ 12 phong là Quốc Oai công).

Mùa thu, tháng 9, Trịnh Tạc sai tướng là Hữu đô đốc Trịnh Liễu trấn thủ Nghệ An kiêm trấn châu Bắc Bố Chính.

Bính thìn, năm thứ 28 [1676] (Lê Vĩnh Trị năm 1, Thanh Khang Hy năm 15), mùa xuân, tháng 2, mưa lụt, mặt đất nước sâu 4 thước. Trong kinh kỳ có nạn sâu keo, lúa má tổn hại, dân nhiều người chết đói.

Tháng 3, ngày mồng 1, có nhật thực.

Mùa thu, tháng 8, ngày Nhâm tuất, sao chổi mọc ở phương Đông Bắc đến tháng 10 mới lặn.

Nha úy Mai Phú Lĩnh 枚富嶺 tố cáo tướng thần lại là Văn Giáo 文教 (không rõ họ) bịa đặt thơ sấm có câu rằng: “Hầu đáo kê minh hoàn thánh giá, thố cư lam thượng mã long phi 猴到雞鳴還聖駕,兔居藍上馬龍飛”. [Nghĩa là: Khỉ đến gà gáy xe vua về, thỏ ở trên chùa ngựa rồng bay]. Văn Giáo bị giết. Chưa bao lâu thì Phú Lĩnh thổ huyết chết. Người ta cho đó là báo ứng sự vu oan giá họa. (Vợ Văn Giáo là cháu gái họ Phú Lĩnh bị Văn Giáo bỏ, vì đó gây thù oán).

Đinh tỵ, năm thứ 29 [1677], mùa xuân, tháng 2, sai quan làm duyệt tuyển nhỏ.

Mùa hạ, tháng 5, ngày mồng 1, có nhật thực.

Được mùa to, mỗi đấu gạo giá 3 tiền.

Mùa đông, tháng 12, lấy Ký lục Vũ Phi Thừa làm Nha úy.

Mậu ngọ, năm thứ 30 [1678], mùa xuân, tháng 3, sai dân ở Cựu Dinh và hai huyện Vũ Xương, Hải Lăng làm phủ An Tiêm.

Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, có nhật thực.

Mùa thu, tháng 9, Quảng Nam có sâu keo.

Kỷ mùi, năm thứ 31 [1679], mùa xuân, tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh 龍門總兵 Dương Ngạn Địch 楊彥迪 và Phó tướng Hoàng Tiến 黃進 [Huỳnh Tấn], Cao Lôi Liêm tổng binh 高雷廉總兵 Trần Thượng Xuyên 陳上川 và phó tướng Trần An Bình 陳安平 đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung 思容 và Đà Nẵng 沱㶞, tự trần là bô thần 逋臣 (1. Bề tôi vì nước mất nên trốn ra ngoài.) nhà Minh, nghĩa không chịu làm tôi nhà Thanh, nên đến để xin làm tôi tớ [chúa Nguyễn]. Bấy giờ bàn bạc rằng : Phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dung, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt. Nay đất Đông Phố 東浦 (tên cổ của Gia Định) nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa theo lời bàn, bèn sai đặt yến úy lạo khen thưởng, trao cho quan chức khiến đến ở đất Đông Phố. Lại cáo dụ nước Chân Lạp rằng như thế là có ý không để nước Chân Lạp ra ngoài. Bọn Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn để đi. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến đi vào cửa biển Lôi Lạp 雷巤 (nay thuộc Gia Định), trú đóng ở Mỹ Tho 美湫 (nay thuộc Định Tường); Thượng Xuyên và An Bình đi vào cửa biển Cần Giờ 芹蒢 [Cần Trừ, Cần Dừa], trú đóng ở Bàn Lân 盤轔 (nay thuộc Biên Hòa 邊和). Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, thuyền buôn của người Thanh 清人 và các nước Tây Dương 西洋, Nhật Bản 日本, Chà Và 闍婆 [Đồ Bà] đi lại tấp nập, do đó mà phong hóa Hán 漢風 [phong hóa văn minh] thấm dần vào đất Đông Phố.

Tháng 2, sai quan làm duyệt tuyển lớn.

Thi nhiêu học 饒學. Ra lệnh chỉ thi học trò chính đồ 正途, học trò hoa văn 華文 không được dự. Thủ hợp Trần Đình Ân 陳廷恩 can rằng : “Quốc triều ta thi học trò, nho và lại đều lấy, đều dùng cho nước nhà cả. Nay không cho hoa văn dự thi, sợ không phải là ý rộng nuôi nhân tài của tiên triều”. Chúa không nghe.

Mùa hạ, tháng 4, núi Hải Vân lở.

Mùa đông, tháng 10, núi La Chử (tên xã) lở.

Tháng 11, lụt to.

Canh thân, năm thứ 32 [1680] (Lê Chính Hòa năm 1, Thanh Khang Hy năm 19), mùa xuân, tháng giêng, sai nội tả Tống Đức Minh, nội hữu Trương Phước Cương kiểm tra tiền công các huyện xứ Thuận Hóa.

Tháng 3, ở Cam Lộ đất sụt.

Mùa thu, tháng 7, hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng mưa nước mặn và mưa tro, lúa cấy khô héo.

Tháng 8, gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều.

Mùa đông, tháng 10, vua Lê đổi niên hiệu là Chính Hòa.

Tháng 12, dựng hai kho ở hai xã Trường Xá và Tân An (một thuộc Đăng Xương, một thuộc Minh Linh). Bấy giờ thóc tô công điền ở các huyện do sở tại đặt kho để thu trữ. Lại có riêng quan điền trang và quan đồn điền để cấp cho huân thích quý thần (1. Những bà con của vua có công to và những bề tôi quý tộc.) và các tướng có công làm ruộng ngụ lộc (huân thích quý thần mỗi người 10 mẫu, chưởng cơ 5 mẫu, cai cơ 4 mẫu, cai đội 3 mẫu, nội đội trưởng 3 mẫu rưỡi, ngoại đội trưởng 2 mẫu rưỡi), còn thừa đều cho dân cấy mướn, đến mùa lúa chín thu hoạch để sung việc chi dùng của Nội phủ. Đến đây chúa sai đặt kho để chứa.

Tân dậu, năm thứ 33 [1681], mùa xuân, tháng giêng, ngày Giáp tuất, ở phương Tây Nam có hai ngôi sao lay chuyển như hình chọi nhau, một lát thì lặn.

Tháng 3, Chưởng dinh tiết chế đạo Lưu Đồn là Nguyễn Hữu Dật chết, 78 tuổi, có di biểu lời rất khích thiết. Chúa xem xong, than thở. Tặng Tán trị tĩnh nạn công thần đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Cẩm y vệ Tả quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Chiêu quận công. Hữu Dật là người sáng suốt, còn tài thao lược, đầu do tư cách văn chức được dùng làm giám chiến, danh vọng vốn đã rõ ràng, đến khi làm tướng thì nhiều lần dựng bày mưu lớn, đương thời lấy làm ỷ trọng, từng ví với Khổng Minh, Bá Ôn. Sau khi chết, dân Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát 菩薩, lập đền thờ ở Thạch Xá 石舍 (năm Gia Long thứ 5 được tòng tự ở Thái miếu, năm Minh Mệnh thứ 12 phong Tĩnh quốc công).

Lấy Nội hữu chưởng cơ Trương Phước Cương 張福崗 cho thống suất đạo Lưu Đồn.

Mùa hạ, tháng 5, đào kênh Trung Đan. Chúa ra xem. Khi về đến quán Thanh Kệ dừng lại, ra lệnh cho các nội đội trưởng thi ngựa, cho ngựa đứng ở tây quán Triều Sơn, hễ nghe lệnh thì nhất tề phóng cương, chạy đến trường bắn xã Vạn Xuân thì dừng. Chúa bảo bề tôi theo hầu rằng : “Binh phải nhờ vào sức ngựa, ngày thường diễn tập cũng là giảng võ đấy”. Bèn sai sửa chữa đường quan từ Vạn Xuân đến quán Thanh Kệ, đắp đài ngự mã, ra lệnh cho các quan văn võ và mã đội tả hữu thời thường tập tành. Do đấy quân kỵ xạ đều tài giỏi cả.

Mùa thu, tháng 8, đào kênh Mai Xá (tên xã). Bấy giờ chúa đi săn ở Cổ Lâm (tên đất), thuyền qua kênh Thị Môn, có người địa phương nói rằng chỗ này sóng gió bất thường, thuyền buôn nhiều khi chìm đắm. Chúa muốn đào kênh mới, có người xã Mai Xá tên là Thế (không rõ họ) vẽ một bức đồ dâng lên, xin đào từ xã Mai Xá đến bến quán Nhĩ Hạ. Chúa theo lời, sai các quân và nhân dân hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng đào, lấy ngoại hữu Hoằng Lễ (không rõ họ) trông coi công việc, một tháng thì đào xong. Khách buôn đi lại lấy làm tiện lợi. Chúa hậu thưởng cho tên Thế. Lại sai đo chỗ đất đào làm kênh hết bao nhiêu để trừ ngạch thuế cho xã Mai Xá và xã Lâm Xuân.

Nhâm tuất, năm thứ 34 [1682], mùa hạ, tháng 4, bọn thám tử từ Đông Đô về nói rằng ngoài Bắc Hà, ở Cao Bằng và Hải Dương có biến động. Trịnh Tạc chia quân đi chống cự, Đông Đô bấy giờ bỏ không.

Chúa bàn muốn đánh Bắc Hà, rồi vì quân lương chưa đủ bèn thôi.

Tháng 6, ở xã An Ngạn đất sụt mấy chục trượng, sắc nước xanh như chàm, thường có hơi đen bốc lên, trông như khói mù, người không dám đến gần, sau 4, 5 năm mới khô.

Mùa thu, tháng 8, ngày Nhâm ngọ, có hai ngôi sao phạm vào góc mặt trăng, thường theo trăng mà đi.

Trịnh Tạc nhà Lê chết, con là Căn nối ngôi.

Quý hợi, năm thứ 35 [1683], mùa xuân, tháng 3, mở khoa thi lấy được 4 người trúng cách về chính đồ, 34 người trúng cách về hoa văn, 4 người trúng về thám phỏng.

Mùa thu, tháng 7, ngày Tân tỵ, sao yêu phạm mặt trăng, đến tháng 9 mới tắt.

Mùa đông, tháng 11, ngày Mậu dần, sao cờ hiện ở phía đông Nam, sắc nửa đỏ nửa trắng, dài ước hơn 30 thước, năm sau mới lặn.

Bệnh dịch phát, quân và dân chết rất nhiều. Chúa sai sửa lễ cầu đảo các thần kỳ mới yên.

Giáp tý, năm thứ 36 [1684], mùa xuân, tháng giêng, ngày Nhâm ngọ, cầu vồng trắng hiện suốt trời.

Tháng 2, sai quan làm duyệt tuyển lớn. Bãi bỏ phép thi nhiêu học ở tuyển trường ; ra lệnh cho các học trò chính đồ ai có văn học thì đợi khoa thi mà ứng cử. Bầy tôi xin theo phép cũ. Chúa không nghe.

Mùa hạ, tháng 5, ngày Nhâm thân, sao Thái bạch đi dọc trời, đến tháng 6 mới lặn.

Mùa đông, tháng 10, hoàng tử cả là Diễn (lại tên là Hán) mất. Diễn được lập làm Thế tử, phong là Chưởng dinh Phước Mỹ hầu, đến nay mất, 45 tuổi. Chúa rất thương tiếc, tặng Tán lý dương võ công thần khai phủ thượng trụ quốc chưởng phủ sự thiếu sư Phước quận công. Táng ở núi Trúc Lâm (tên xã, thuộc huyện Hương Trà), lập đền thờ ở xã Thế Lại.

Tháng 11, ngày Quý hợi, có đàn quạ hơn nghìn con đậu kêu ở lầu phía nam Nội phủ, bắn cũng không tan.

Ngày Tân tỵ, nguyên phi là Chu thị băng, thọ 60 tuổi, tặng Tán quốc chính phu nhân. Táng ở núi An Ninh (tên xã, thuộc huyện Hương Trà), tức là lăng Vĩnh Hưng.

Lấy thủ hợp Trần Đình Ân làm cai hợp.

Ất sửu, năm thứ 37 [1685], mùa hạ, tháng 5, ở Cam Lộ động đất.

Bấy giờ trong cõi vô sự, thóc lúa được mùa. Chúa càng sửa sang chính trị, không xây đài tạ, không gần con hát gái đẹp, bớt nhẹ dao dịch thuế má, trăm họ vui vẻ, đều khen là đời thái bình.

Tháng 6, ngày ất mùi, có sao sa từ phương đông bay sang phương tây, ánh sáng lòe ra bốn phía.

Mùa thu, tháng 8, hoàng tử thứ ba là Chưởng cơ Trăn (lại tên là Huyền) mất, tặng Thuần tín công thần Hữu quân đô đốc phủ chưởng phủ sự thiếu bảo Cương quận công. Táng ở xã Thế Lại, lập đền để thờ.

Mùa đông, tháng 10, gió to, gẫy cây tốc nhà, nước lụt mênh mông, mặt đất nước sâu 4, 5 thước.

Tháng 12, núi Lương Phước lở, sai quan cầu đảo.

Bính dần, năm thứ 38 [1686], mùa xuân, tháng giêng, ngày Đinh mão, mặt trời mọc hơi khuyết một bên, một lát lại tròn. Chợt có gió to nổi lên, đá cát bay tung.

Tháng 2, nước sông Trà Khúc (tên xã) ở Quảng Ngãi cạn khô.

Đầm Dủ Dủ thuộc xã Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, nước cạn thấy đáy, chốc lát nước lại chảy ra đầy như cũ.

Mùa thu, tháng 7, ngày Canh tý, cầu vồng trắng mọc từ phương đông sang phương Tây Nam, sắc trắng như lụa.

Tháng 8, ở xã Thượng Đô huyện Vũ Xương đất sụt.

Mùa đông, tháng 11, khai kênh Hà Kỳ. Chúa ra xem, dừng chân ở phủ cũ Tân An. Cho nơi này thế đất eo hẹp và ở kề bên sông, sai chọn đất dời đắp phủ mới, sau lại thôi.

Đinh mão, năm thứ 39 [1687], mùa xuân, tháng 3, chúa không được khỏe, ngày Đinh dậu triệu hoàng tử thứ hai là Hoằng Ân hầu đến bảo rằng: “Ta bình sinh ra vào gian hiểm để giữ nhà giữ nước. Mày nối ngôi phải sửa thêm nhân chính cho yên bờ cõi. Các quan văn võ đều do ta cất dùng, phải đem lòng tin dùng cùng mưu mọi việc, đừng để cho bọn tiểu nhân lẻn vào”. Lại triệu các đại thần đến bảo rằng : “Ta với các khanh một chí khí với nhau mà công việc mưu đồ chưa trọn. Nay con ta tuổi còn nhỏ, mong nhờ các khanh đồng tâm giúp đỡ, cho công nghiệp của tổ tông được rỡ ràng. Đừng quên lời ấy”. Bầy tôi đều xin làm như việc cũ của Chu Công nạp sách trong hòm kim đằng ((1) Vua Vũ Vương nhà Chu ốm gần chết, triệu Chu Công vào dặn công việc nước, giao Chu Công giúp con mình là Thành Vương. Chu Công làm bản sách xin nộp mình chết thay khấn ở nhà Thái miếu. Tờ sách ấy bỏ vào trong cái hòm buộc giây vàng.). Chúa cười nói rằng : “Các khanh yêu ta, nhưng số trời thì sao được”. Nói xong thì băng.

Chúa ở ngôi 39 năm, thọ 68 tuổi.

Hoàng tử thứ hai nối ngôi, đem bầy tôi dâng thụy hiệu là Đại nguyên súy tổng quốc chính Công Cao Đức Hậu Dũng Triết vương. Táng ở núi Hải Cát. Thế tông hiếu vũ hoàng đế truy tôn là Nghị tổ Tuyên Uy Kiến Vũ Anh Minh Trang Chính Thành Đức Thần Công Hiếu triết vương và [truy tôn] nguyên phi là Từ Mẫn Chiêu Thánh Trang phi, thứ phi là Từ Thiên Huệ Thánh Tĩnh phi. Năm Gia Long thứ 5 truy tôn là Tuyên Uy Kiến Võ Anh Minh Trang Chính Thánh Đức Thần Công Hiếu triết hoàng đế, miếu hiệu là Thái tông, lăng gọi là Trường Hưng, [truy tôn] nguyên phi là Từ Mẫn Chiêu Thánh Công Tĩnh Trang Thận Hiếu triết hoàng hậu, lăng gọi là Vĩnh Hưng, thứ phi là Tứ Liên Huệ Thánh Trinh Thuận Tĩnh Nhân Hiếu triết hoàng hậu, lăng gọi là Quang Hưng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

web counter