ĐỊA PHẬN THÔN VĨNH LỘC NĂM 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp (Cá Vàng) https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02oUX8zLN7sqz5hhpWgdXeN6x8dF9zzNKtegMqAH4M7soMLQHFGQeBLvVbm3DRaCPNl

Thôn Vĩnh Lộc

(Tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang)

Theo Nguyễn Đình Đầu trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995), tổng An Lương gồm 11 thôn còn địa bạ: Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc, Lý Nhơn, Mỹ Hội Đông, Nhơn An, Nhơn Lương, Tân Hưng, Toàn Đức, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Toàn, và 1 thôn mất địa bạ: Mỹ Lương.

Về địa bạ thôn Vĩnh Lộc, tác giả Nguyễn Đình Đầu viết như sau:

“VĨNH LỘC thôn, ở xứ Cỏ Lau.

. Đông giáp rừng.

. Tây giáp sông lớn.

. Nam giáp rạch Cần thơ và địa phận thôn Vĩnh Hậu.

. Bắc giáp địa phận thôn Toàn Đức.

– Năm nay bắt đầu khởi canh công sơn điền 7.7.4.0 (BTĐC)

– Rừng chằm 1 khoảnh.” (tr.227)

Dưới đây chúng tôi xin trích dịch và tạm chú giải địa phận thôn Vĩnh Lộc 永祿, tổng An Lương 安良, huyện Đông Xuyên 東川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江 do thôn trưởng Lê Văn Điểm 黎文點, dịch mục Phạm Văn Châu 范文珠 cùng bổn thôn bẩm.

* Nguyên văn:

夲村地分𦹵[艹/劳]處

東近林

西近大江

南近芹苴沱又近夲總永厚村地分

北近夲總全德村地分

* Phiên âm:

Bổn thôn địa phận Cỏ Lau xứ

Đông cận lâm

Tây cận đại giang

Nam cận Cần Thơ đà, hựu cận bổn tổng Vĩnh Hậu thôn địa phận

Bắc cận bổn tổng Toàn Đức thôn địa phận.

* Dịch:

Địa phận của bổn thôn[1] ở xứ Cỏ Lau[2].

Đông giáp rừng.

Tây giáp sông lớn[3].

Nam giáp rạch Cần Thơ[4], lại giáp địa phận thôn Vĩnh Hậu của bổn tổng.

Bắc giáp địa phận thôn Toàn Đức[5] của bổn tổng.

* Tạm chú giải:

[1] Bổn thôn (夲村): Tức thôn Vĩnh Lộc, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Năm 1867, Pháp chia tỉnh An Giang cũ (Pháp gọi là tỉnh Châu Đốc) thành nhiều hạt thanh tra (Inspection), thôn Vĩnh Lộc, tổng An Lương thuộc hạt thanh tra Tuy Biên, sau đó hạt thanh tra Tuy Biên đổi thành hạt thanh tra Châu Đốc. Khoảng đầu năm 1876, thôn đổi gọi là làng, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (Arrondissement), đến đầu năm 1900 hạt tham biện đổi thành tỉnh (Province). Theo Nghị định ngày 28-1-1905, làng Vĩnh Lộc đổi thuộc tổng An Phú (mới lập). Theo Nghị định ngày 19-5-1919 tổng An Phú thuộc quận Châu Thành (mới lập). Theo Sắc lệnh ngày 22-10-1956, tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên hợp nhất thành tỉnh An Giang. Theo Nghị định ngày 6-8-1957, xã Vĩnh Lộc đổi thuộc quận An Phú (mới lập). Năm 1964, tỉnh Châu Đốc được tái lập, quận An Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Sau năm 1975, tỉnh Châu Đốc bị giải thể và sáp nhập vào tỉnh An Giang, quận An Phú và quận Tân Châu hợp nhất thành huyện Phú Châu. Theo Quyết định ngày 12-1-1984, một phần ấp 1 của xã Vĩnh Lộc bị sáp nhập vào xã Phú Hữu. Ngày 13-11-1991, huyện Phú Châu được chia thành hai huyện An Phú và Tân Châu, xã Vĩnh Lộc thuộc huyện An Phú. Theo Nghị quyết ngày 24-8-2009, xã Vĩnh Lộc được sáp nhập một phần đất của xã Phú Lộc, huyện Tân Châu.

[2] Xứ Cỏ Lau (𦹵 [艹/劳] 處): Chữ “Cỏ” 𦹵 gồm chữ “thảo” 草 bên trái và chữ “cổ” 古 bên phải; chữ “Lau” [艹/劳] gồm bộ “thảo” 艹 ở trên và chữ “lao” 劳 ở dưới. Xứ Cỏ Lau có thể hiểu là khu vực 2 bên bờ rạch Cỏ Lau. Rạch này trên Bản đồ địa hình tỉnh Châu Đốc (Plan topographique de la province de Chaudoc) vẽ khoảng 1900-1903 ghi là “R. Co lao” thuộc địa phận làng “Phu Huu”, tức làng Phú Hữu. Theo Nguyễn Đình Tư, trong Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị quốc gia, 2008, tr.792) thì thôn Phú Hữu, tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang được thành lập vào thời Thiệu Tri; đến năm 1905, làng Phú Hữu và làng Vĩnh Lộc đều thuộc tổng An Phú, tỉnh Châu Đốc. Như vậy, rất có thể vào thời Thiệu Trị, một phần đất phía bắc của thôn Vĩnh Lộc bị chuyển sang thôn Phú Hữu (富有) mới lập. Từ đó, rạch Cỏ Lau thuộc địa phận thôn/ làng/ xã Phú Hữu.

[3] Sông lớn (大江): tức sông Hậu.

[4] Rạch Cần Thơ (芹苴沱): Ngoài rạch Cần Thơ này, theo địa bạ các thôn thuộc tỉnh An Giang lập năm 1836, còn có 3 rạch Cần Thơ khác nữa: – Rạch Cần Thơ được ghi nhận trong địa phận thôn Tân Phú Đông, tổng An Trung, huyện Vĩnh An, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (ngày nay rạch này thuộc thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). – Rạch Cần Thơ được ghi nhận trong địa bạ thôn Nhơn Ái và trong địa bạ thôn Tân An, đều thuộc tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (ngày nay rạch này nằm giữa quận Ninh Kiều và quận Cái Răng thuộc thành phố Cần Thơ). – Rạch Cần Thơ được ghi nhận trong địa bạ thôn Tân Thuận Đông, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (rạch này nay gọi là rạch Cần Thơ Bé thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Theo chúng tôi, rất có thể tên của cả 4 con rạch Cần Thơ này đều có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Kantho” (កន្ធោ), tên một loại cá mà chúng ta gọi là sặc rằn.

[4] Thôn Vĩnh Hậu (永厚村): Trong địa bạ của thôn này có câu “Bắc giáp địa phận các sóc dân Cao Miên” (lời dịch của Nguyễn Đình Đầu, sđd, tr.227), nhưng theo địa bạ thôn Vĩnh Lộc thì phía nam thôn Vĩnh Lộc giáp với rạch Cần Thơ, lại giáp địa phận thôn Vĩnh Hậu.

[5] Thôn Toàn Đức (全德村): Trong địa bạ thôn này có câu: “南近夲總里仁村地分” (Nam cận bổn tổng Lý Nhơn thôn địa phận), nghĩa là phía nam của thôn Toàn Đức giáp với địa phận thôn Lý Nhơn; nhưng trong địa bạ thôn Vĩnh Lộc lại cho rằng phía bắc thôn Vĩnh Lộc giáp với địa phận thôn Toàn Đức!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *