ĐỊA PHẬN THÔN HÒA LẠC 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp (Cá Vàng) https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02PUeBW1XGQYetrvRWCzErVh7qWcKQHUxpDbU8HoqQpv8uiua9mxyWTzsKBtM65rYCl

(Tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang)

Theo Nguyễn Đình Đầu trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995), vào năm lập địa bạ 1836, phủ Tuy Biên gồm 2 huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên; huyện Đông Xuyên gồm 4 tổng An Lương, An Phú, An Thành, An Toàn; tổng An Lương gồm 11 thôn còn địa bạ: Bình Thạnh Đông, Hòa Lạc, Lý Nhơn, Mỹ Hội Đông, Nhơn An, Nhơn Lương, Tân Hưng, Toàn Đức, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc, Vĩnh Toàn, và 1 thôn mất địa bạ: Mỹ Lương.

Về địa bạ thôn Hòa Lạc, tác giả Nguyễn Đình Đầu viết như sau:

“HÒA LẠC thôn, ở xứ Tham Luông.

. Đông giáp rừng và địa phận thôn Long Sơn (tổng An Thành).

. Tây giáp sông, nhìn sang tổng Châu Phú thuộc huyện Tây Xuyên.

. Nam giáp địa phận thôn Bình Thạnh Đông.

. Bắc giáp địa phận thôn Vĩnh Hậu.

– Thực canh đất trồng 83.2.8.0:

. Vu đậu thổ 68.7.0.0 (10 sở và BTĐC 3 sở cộng 23.0.0.0)

. Thổ viên 14.5.8.0 (9 sở)

– Rừng chằm 1 khoảnh.” (tr.224-225)

Dưới đây chúng tôi xin trích dịch và tạm chú giải địa phận thôn Hòa Lạc 和樂, tổng An Lương 安良, huyện Đông Xuyên 東川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江 do thôn trưởng Lê Văn Khuê 黎文硅, dịch mục Hồ Văn Hân 胡文欣 cùng bổn thôn bẩm.

Nguyên văn:

Nguyên văn:

本村地分参篭處

東近林又近本縣安城總龍山村地分

西近江又橫對西川縣周富總周富村地分

南近本總平盛東村地分

北近本總永厚村地分

Phiên âm:

Bổn thôn địa phận Tham Luông xứ.

Đông cận lâm, hựu cận bổn huyện An Thành tổng Long Sơn thôn địa phận.

Tây cận giang, hựu hoành đối Tây Xuyên huyện, Châu Phú tổng, Châu Phú thôn địa phận.

Nam cận bổn tổng Bình Thạnh Đông thôn địa phận.

Bắc cận bổn tổng Vĩnh Hậu thôn địa phận.

Dịch:

Địa phận của bổn thôn[1] ở xứ Tham Luông[2].

Đông giáp rừng, lại giáp địa phận thôn Long Sơn, tổng An Thành của bổn huyện.

Tây giáp sông[3], đối ngang địa phận thôn Châu Phú, tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên[4].

Nam giáp địa phận thôn Bình Thạnh Đông của bổn tổng.

Bắc giáp địa phận thôn Vĩnh Hậu của bổn tổng.

Tạm chú giải:

[1] Bổn thôn (本村): Tức thôn Hòa Lạc (和樂). Đầu thời Pháp thuộc, tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn bị chia thành nhiều hạt thanh tra (Inspection). Theo Quyết định ngày 15-6-1867, thôn Hòa Lạc, tổng An Lương thuộc hạt thanh tra Tuy Biên; 2 tháng sau, theo Quyết định ngày 16-8-1867, hạt thanh tra Tuy Biên đổi thành hạt thanh tra Châu Đốc. Khoảng đầu năm 1876, thôn đổi gọi là làng (village), nhưng trong các văn bản Hán Nôm vẫn viết là “村” (thôn), hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (Arrondissement). Đầu năm 1900, hạt thanh tham biện đổi thành tỉnh (Province). Năm 1901, dân số làng Hòa Lạc là 1.182 người. Theo Nghị định ngày 19-5-1919, làng Hòa Lạc, tổng An Lương thuộc quận Châu Thành. Trong khoảng 1956-1957, tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên (trừ quận Lấp Vò) hợp nhất thành tỉnh An Giang, quận Châu Thành của tỉnh Châu Đốc cũ đổi thành quận Châu Phú thuộc tỉnh An Giang. Năm 1964, tỉnh Châu Đốc được tái lập, quận Châu Phú thuộc tỉnh Châu Đốc. Sau năm 1975, tỉnh Châu Đốc bị giải thể và sáp nhập vào tỉnh An Giang, lúc đó xã Hòa Lạc thuộc huyện Phú Tân (mới lập). Theo Quyết định ngày 25-4-1979, ấp Hòa Bình và ấp Hòa An của xã Hòa Lạc hợp với ấp Phú Mỹ Thượng của xã Phú Lâm thành xã Phú Thành (mới lập).

[2] Xứ Tham Luông (参篭處): Theo một số từ điển Hán Nôm, chữ “参” có âm Hán Việt là sam, sâm, tảm, tham, xam, âm Nôm là khươm, sâm, tham; chữ “篭”, dị thể của chữ “籠”, có âm Hán Việt là lung, lộng; âm Nôm là lung, luông, luồng, lồng, ruồng. Chúng tôi chưa biết các nhà lập địa bạ thôn Hòa Lạc năm 1836 dùng 2 chữ “参篭” để ghi 2 âm gì, ở đây chúng tôi tạm theo phiên âm của Nguyễn Đình Tư, và tạm cho rằng xứ “Tham Luông” là khu vực 2 bên bờ rạch “Tham Luông”. Rất có thể con rạch mà chúng tôi tạm gọi là rạch “Tham Luông” chính là con rạch (không ghi tên) nằm trong địa bàn làng Hòa Lạc, tổng An Lương trên Bản đồ địa hình tỉnh Châu Đốc (Plan topographique de la provinve de Chaudoc) 1900-1903. (https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/11945385436…).

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hóa, 2005), có đoạn sau đây:

– “100 tầm đến rạch Lấp Vò rồi chảy ra Hậu Giang. Ven theo sông đi xuống 21.030 tầm, giữa đường đi qua các rạch Cá Hồ, Cái Dầu, Tham Lung, Lai Vung, [74b] Cái Mít, Cái Sâu, Bàu Hốt, Cái Bần, Bình Thủy, Trà Mương, Cái Khế, đến rạch Cái Dầu. Từ cửa rạch này đi ngang qua sông 70 tầm, dọc theo cù lao Lăng rồi thông vào phía phải rạch Cần Thơ là đến thủ sở đạo Trấn Giang.” (tr.328)

Đối ứng 2 chữ “Tham Lung” trong đoạn trên, trong bản Hán Nôm chép là “参篭”. Chúng tôi đoán tác giả Lê Quang Định dùng 2 chữ “参篭” để ký âm tên con rạch mà trong Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924) của Victor Duvernoy ghi là “Tham-rôn” (tr.16), tức con rạch mà nay được gọi là “Thơm Rơm” (nay thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).

Nếu quả thật là Lê Quang Định, trong Hoàng việt nhất thống dư địa chí 1806, dùng 2 chữ “参篭” để ký âm tên “Tham Rôn”, hoặc ký âm là “Sam Rôn” nhưng về sau nói trại thành “Tham Rôn”, thì rất có thể các nhà lập địa bạ thôn Hòa Lạc 1836 cũng dùng 2 chữ đó với âm “Tham Rôn”. Mà tên gọi “Tham Rôn” có thể là do tên tiếng Khmer là “Sam rôn” (សំរោង), nghĩa là cây trôm, một loại cây thường được lấy mủ để làm nước giải khát, tên khoa học là Sterculia foetida Linn.

Nhưng trong thực tế, tên con rạch trong địa bàn thôn/ làng Hòa Lạc là gì? Thú thật là chúng tôi chưa biết.

[3] Tây giáp sông (西近江): sông ở đây là sông Hậu (Hậu giang 後江)

[4] Tây giáp sông, đối ngang địa phận thôn Châu Phú, tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên (西近江又橫對西川縣周富總周富村地分): Nguyễn Đình Đầu dịch là “Tây giáp sông, nhìn sang tổng Châu Phú thuộc huyện Tây Xuyên”, tức dịch thiếu 5 chữ “周富村地分” (Châu Phú thôn địa phận).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *