ĐỊA GIỚI THÔN VĨNH PHÚ NĂM 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp https://www.facebook.com/groups/404960459909117/permalink/509370159468146/

Vào năm 1836 (Minh Mạng thập thất niên), tỉnh An Giang gồm 2 phủ: Tân Thành và Tuy Biên. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện: Đông Xuyên và Tây Xuyên. Huyện Tây Xuyên gồm 3 tổng: Châu Phú, Định Phước và Định Thành.

Theo Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1995), tổng Định Phước gồm 13 thôn; trong đó:

– 9 thôn còn địa bạ: Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung, Thoại Sơn, Thới Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, Vỉnh Trinh,

– 4 thôn mất địa bạ: Mỹ Đức, Phú Hoà, Tân Lộc, Thới Hưng.

Cũng theo Nguyễn Đình Đầu:

“VĨNH PHÚ thôn, ở xứ Ba Thê.

– Đông giáp chân núi Ba Thê.

– Tây giáp rừng.

– Nam giáp chân núi Ba Thê.

– Bắc giáp rừng”. (Sđd, trang 257)

Dưới đây chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong nguyên tác địa bạ thôn VĨNH PHÚ 永富(thuộc tổng Định Phước 定福, huyện Tây Xuyên 西川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江) do thôn trưởng Dương Văn Sanh 楊文生 bẩm báo[1].

Nguyên văn:

本村地分巴棲處

東近巴棲山脚

西近林

南近巴棲山脚

北近林

Tạm phiên âm:

Bổn thôn địa phận Ba Thê xứ.

Đông cận Ba Thê sơn cước[2].

Tây cận lâm

Nam cận Ba Thê sơn cước

Đông cận lâm.

Tạm dịch:

Địa phận của bổn thôn ở xứ Ba Thê.

Đông giáp chân núi Ba Thê.

Tây giáp rừng.

Bắc giáp rừng”. (Sđd, tr.257)

Tạm chú giải:

[1] Những địa bạ mà chúng tôi có dịp xem qua, thôn nào cũng do thôn trưởng 村長 và dịch mục 役目 đồng bẩm báo, riêng thôn Vĩnh Phú này chỉ có thôn trưởng Dương Văn Sanh 楊文生, không có dịch mục. Thôn Vĩnh Phú chỉ có 2 chủ điền đều là người trong thôn: Nguyễn Văn Tú 阮文秀 và Dương Văn Sanh (tức ông thôn trưởng).

[2] Ba Thê sơn 巴棲山: tức núi Ba Thê. Núi này, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí chép là “Hoa Thê sơn” 花棲山. Có thuyết cho rằng:

“Núi Ba Thê còn được gọi là núi Thê Sơn, tên chữ là Hoa Thê Sơn, đời vua Minh Mạng vì kỵ húy tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, nên đổi tên là Ba Thê Sơn (núi Ba Thê). (https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Ba_Th%C3%AA)

Thuyết này cần xem xét lại vì tên Ba Thê 巴棲 được ghi nhận trong Địa bạ tỉnh An Giang (được lập vào năm Minh Mạng thứ 17), còn tên Hoa Thê 花棲 được ghi nhận trong Đại Nam Nhất Thống Chí (được biên soạn vào đời vua Tự Đức). Nói cách khác, tên Ba Thê có trước, tên Hoa Thê có sau, nên không thể bảo “vì kỵ húy tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, nên [Hoa Thê Sơn] đổi tên là Ba Thê Sơn”. Vả lại, nếu “kỵ húy tên Hoàng hậu Hồ Thị Hoa” thì tại sao trong Đại Nam Nhất Thống Chí lại ghi tên núi là Hoa Thê?

Nói thêm:

Năm 1905, làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phước, tỉnh Long Xuyên. Lúc đó dân số của làng này là 656 người. (Theo Monographie de là province de Long Xuyen, 1905)

Khoảng cuối năm 1912, làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, tỉnh Long Xuyên (tổng Định Phú 定富 được thành lập ngày 4-10-1912, gồm 7 làng: Thâm Trạch, Vọng Thê (vốn thuộc tổng Biên Thành), Phú Nhuận, Vĩnh Phú, Thoại Sơn (vốn thuộc tổng Định Phước), Vĩnh Thuận, Định Mỹ (vốn thuộc tổng Định Thành Hạ)).

Năm 1917, làng Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Lúc đó, làng này gồm 3 ấp: Đông Phú 東富, Tây Phú 西富 và Trung Phú 中富. (Theo Monographie de là province de Long Xuyen, 1924).

Ngày 24/4/1957, xã Vĩnh Phú thuộc tổng Định Phú, quận Núi Sập, tỉnh An Giang. Đến ngày 6/8/1957, quận Núi Sập đổi thành quận Huệ Đức.

Sau năm 1965, tổng Định Phú mặc nhiên giải thể.

Từ 23/8/1979, xã Vĩnh Phú bị chia thành 2 xã: xã Vĩnh Phú (thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) và xã Vĩnh Nhuận (thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *