Địa bạ thôn Long Khánh

Thôn Long Khánh

(Tổng An Thành, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang)

Theo Nguyễn Đình Đầu trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995):

Thôn Long Khánh: ở 2 xứ Chà Và Châu, Tản Dù Châu.

– Đông giáp sông, giáp thôn An Phong (tổng Phong Thạnh, huyện Kiến Đăng tỉnh Định Tường).

– Tây giáp sông và địa phận thôn Long Sơn.

– Nam giáp sông.

– Bắc giáp sông.

Cá Vàng

CÙ LAO TẢN DÙ (TẢN DÙ CHÂU 傘𢂎州)

Theo địa bạ thôn Long Khánh, tổng An Thành, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang lập năm 1836, thôn này gồm 2 xứ: xứ Cù Lao Chà Và và xứ Cù Lao Tản Dù. Trong đó:

Xứ Cù Lao Tản Dù (Tàn Dù Châu xứ 傘𢂎州處):

– Đông giáp sông, lại giáp xứ Cù Lao Chà Và (Chà Và Châu xứ 闍[門巴]州處)

– Tây giáp sông, lại giáp xứ địa phận thôn Long Sơn

– Nam giáp sông

– Bắc giáp sông

——

– Chà Và 闍[門巴]: có nhà phiên âm là Đồ Bà, lại có nhà phiên âm là Xà Bà.

– Sông (giang 江): ở đây là sông Tiền)

– Thôn Long Sơn 龍山: Rất có thể do Quyết định ngày 18/10/1875, thôn Long Sơn bị cắt đất để thành lập 3 thôn: thôn Long Thuận, Phú Thuận (2 thôn này nằm trên cù Cái Vừng) và thôn Long Phú. [Long Sơn > Long Sơn + Long Thuận + Phú Thuận + Long Phú]. Do Quyết định ngày 5/1/1876, thôn đổi gọi thành làng. Vì 2 quyết định trên mà phía tây cù lao Tản Dù, theo bản đồ 1890, giáp 3 làng: Long Thuận, Long Sơn, Long Phú.

Cá Vàng

CÙ LAO CHÀ VÀ (“Chà Và châu” 闍[門巴]州)

Từ nguyên của “Chà Và” có thể là:

– “Java”, tức những người đến từ đảo Java của Indonesia mà chúng ta thường gọi là là người Chà Và (về sau, tất cả những người có màu da ngăm như Chà Bom Bay (Bombay, Ấn Độ), Chà Ma ní (Manila, Philippines), Chà Nam Dương (Indonesia)… đều được gọi là người Chà Và)

– “Chrava” (ច្រវា), tên loại cây thủy sinh mà người Việt gọi là cây “mái giầm”. “Chrava” cũng là thành tố của một loại cây thủy sinh, đó là “ស្លាបច្រវា” (slabachrava), tức cây mã đề nước (thành tố “nước” được dùng để phân biệt với cây mã đề mọc trên cạn).

Theo bạn Tran Kong, ở miền Nam có khá nhiều địa danh Chà Và, trong đó có một số địa danh có liên quan đến người Chà Và, tức nơi đó từng có người Chà Và cư trú. Đối với các địa danh Chà Và mà chỉ có người Khmer sinh sống từ xưa đến nay thì nguồn gốc các địa danh này có thể liên quan đến từ “Chrava”.

Từ nhận xét của bạn Tran Kong, chúng ta cần tìm hiểu thêm, cù lao Chà Và có liên quan đến người Chà Và hay có liên quan đến từ “Chrava” trong tiếng Khmer.