Cá Vàng cùng với Nguyễn Thanh Lợi và Nguyễn Tân.
Yêu thích · 2 giờ ·
NÚI SẬP VÀ NÚI SAM
“Công nghiệp” của ông Thoại Ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại gắn liền với việc đào Thoại hà (còn gọi là Thoại Sơn hà)[1] và Vĩnh Tế hà. Kinh thứ nhất có liên quan đến núi Sập, kinh thứ hai có liên quan đến núi Sam (“Sam sơn” 旵山).
* Trong địa bạ thôn THOẠI SƠN (tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm Minh Mạng thứ 17 [1836][2] có câu:
“北近瑞山河又近瑞山脚”
Tạm phiên âm: Bắc cận Thoại Sơn hà, hựu cận Thoại sơn cước.
Tạm dịch: Phía bắc giáp kinh Thoại Sơn, lại giáp chân núi Thoại Sơn.
Vì núi Sập (“Sập sơn” 垃山) được vua Gia Long cho mang tên “Thoại” 瑞 nên trong địa bạ viết tên núi này là “Thoại sơn” 瑞山.
* Trong địa bạ thôn VĨNH TÉ SƠN (tổng Châu Phú, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) cũng lập năm Minh Mạng thứ 17 [1836] có câu:
“東近𣵮又近周富村地分又近旵山脚”
Tạm phiên âm:
Đông cận bưng, hựu cận Châu Phú thôn địa phận, hựu cận Sam sơn cước.
Tạm dịch:
Đông cận bưng, lại cận địa phận thôn Châu Phú, lại cận chân núi Sam[3].
Tuy hai thôn Thoại Sơn và Vĩnh Tế Sơn thuộc hai tổng khác nhau, nhưng đều thuộc huyện Tây Xuyên 西川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江. Do lẽ này mà trong địa bạ thôn Thoại Sơn (tổng Định Phước) và trong địa bạ thôn Vĩnh Tế Sơn (tổng Châu Phú[4]) đều có các câu sau đây:
綏邊府知府兼理西川縣事加貳級紀錄叁次范玉瑩承閲
省派布政使司未入流書吏阮文安承究記
經歷紀錄貳次阮公泰承比記
安江省署布政使加壹級阮文禧署按察使加叁級黎光諠承核記
Tạm phiên âm:
Tuy Biên phủ Tri phủ kiêm lý Tây Xuyên huyện sự gia nhị cấp kỷ lục tam thứ Phạm Ngọc Oánh thừa duyệt.
Tỉnh phái Bố chánh sứ ty vị nhập lưu thơ lại Nguyễn Văn An thừa cứu ký.
Kinh lịch kỷ lục nhị thứ Nguyễn Công Thái thừa bỉ ký.
An Giang tỉnh thự Bố chánh sứ gia nhất cấp Nguyễn Văn Hi thự Án sát sứ gia tam cấp Lê Quang Huyên thừa hạch ký.
Tạm dịch:
Tri phủ Tuy Biên kiêm lý huyện sự Tây Xuyên nhị cấp kỷ lục tam thứ Phạm Ngọc Oánh thừa lệnh duyệt thực.
Tỉnh phái Bố chánh sứ ty vị nhập lưu thơ lại Nguyễn Văn An thừa lệnh xem xét tỉ mĩ ký.
Kinh lịch kỷ lục nhị thứ Nguyễn Công Thái thừa lệnh so sánh ký.
Tỉnh An Giang, thự Bố chánh sứ gia nhất cấp Nguyễn Văn Hy, thự Án sát sứ gia tam cấp Lê Quang Huyên, thừa lệnh đối chiếu ký.
NGHI VẤN
Nếu quả thật vua Minh Mạng cho núi Sam (chữ “旵” có âm HV là “Sảm”) mang tên Vĩnh Tế như được ghi chép trong bia Vĩnh Tế Sơn (tên đầy đủ là “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký” 奉特賜名永濟山碑記) dựng năm Minh Mạng thứ 9 [1828], vậy thì tại sao trong địa bạ thôn Vĩnh Tế Sơn lại viết “hựu cận Sam sơn cước” mà không viết “hựu cận Vĩnh Tế sơn cước” (lại giáp chân núi Vĩnh Tế)? Tức tại sao các ông Phạm Ngọc Oánh, Nguyễn Văn An, Nguyễn Công Thái đều là các quan đương triều vua Minh Mạng chấp nhận cái tên “Sam sơn” trong địa bạ thôn Vĩnh Tế Sơn?
Nếu quả thật vua Minh Mạng cho núi Sam mang tên Vĩnh Tế, vậy thì tại sao trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh), mấy ông quan Quốc sử quán chẳng viết một chữ nào về núi này?
Như vậy có phải “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký” do Tú Tài Trần Hữu Thường sao chép, học giả Nguyễn Văn Hầu hiệu đính “có vấn đề”?
—————–
[1] Thoại hà/ Thoại Sơn hà: Trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2), bản chữ Hán của Viện Sử học chép là “Thoại hà” 瑞河, bản Hán in kèm trong bản dịch của Nguyễn Tạo 1972 lại chép là “Thoại Sơn hà” 瑞山河, trong địa bạ thôn Vĩnh Tế Sơn 1836 chép là “Thoại Sơn hà” 瑞山河, bản dịch Đại Nam nhất thống chí (tỉnh An Giang) của Nguyễn Tạo 1959 chép là “Thoại hà” 瑞河. Có điều thú vị là ở thôn/ làng Bình Đức từng có chợ Thoại hà (“Thoại Hà thị” 瑞河巿).
[2] Năm Minh Mạng thứ 17 [1836]: trên địa bạ ghi “Minh Mạng thập thất niên lục nguyệt sơ tam nhật” 明命拾柒年陸月初叁日, nghĩa là “Ngày mùng ba tháng sáu năm Minh Mạng thứ 17”, nhằm ngày 16/7/1836 dương lịch.
[3] Núi Sam: chữ Hán trong địa bạ thôn Vĩnh Tế Sơn chép là “旵山” (âm Hán Việt là “Sảm sơn), trong Tế Nghĩa Trủng Văn chép là “杉山” (Sam sơn).
[4] Tổng Châu Phú: Có lẽ tổng này không có người giữ chức “cai tổng” 該總 nên trong địa bạ ghi “Phó tổng Hà Văn Vân thừa dẫn đạc ký” 副總何文雲承引度記.