ĐỊA GIỚI THÔN THẠNH HOÀ TRUNG VÀO NĂM 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp https://www.facebook.com/groups/404960459909117/permalink/494852640919898/

Vào năm 1836 (Minh Mạng thập thất niên), tỉnh An Giang gồm 2 phủ: Tân Thành và Tuy Biên. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện: Đông Xuyên và Tây Xuyên. Huyện Tây Xuyên gồm 3 tổng: Châu Phú, Định Phước và Định Thành.

Theo Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1995), tổng Định Phước gồm 13 thôn; trong đó:

– 9 thôn còn địa bạ: Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung, Thoại Sơn, Thới Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, Vỉnh Trinh,

– 4 thôn mất địa bạ: Mỹ Đức, Phú Hoà, Tân Lộc, Thới Hưng.

Cũng theo Nguyễn Đình Đầu:

“THẠNH HOÀ TRUNG thôn, ở ba xứ Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Chậu Hạ.

– Đông giáp rạch Cá Hú và địa phận thôn Tân Thuận Đông.

– Tây giáp rạch Trà Ổi và địa phận thôn Thới Thuận.

– Nam giáp rừng.

– Bắc giáp sông lớn, nhìn sang địa phận thôn Tân Lộc”. (Sđd, tr.256)

Ở trên là lời dịch của Nguyễn Đình Đầu. Dưới đây chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong nguyên tác địa bạ thôn THẠNH HOÀ TRUNG 盛和中 (tổng Định Phước 定福, huyện Tây Xuyên 西川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江) theo lời bẩm báo của thôn trưởng Phạn Văn Ngang 范文仰 [1] và dịch mục Huỳnh Văn (?) 黄文[牜奎].[2]

Nguyên văn:

本村地分禿山沱右岸禿山沱左岸泰盛洲下該叁處

東近𩵜[魚乎]沱來新順東村地分

西近茶椳沱來泰順村地分

南近林

北近大江横對新祿村地分

禿山沱右岸處

東近𩵜[魚乎]沱來新順東村地分

西近禿山沱

南近林又近荒閑土

北近大江横對泰盛洲下處

禿山沱左岸處

東近禿山沱

西近茶椳沱又近林

南近林

北近大江横對泰盛洲下處

泰盛洲下處

東近大江

西近泰順村地分

南近大江横對禿山沱左岸處

北近大江横對新祿村地分

Tạm phiên âm:

* Bổn thôn địa phận Thốc Sơn đà hữu ngạn, Thốc Sơn đà tả ngạn Thới Thạnh châu hạ cai tam xứ.

– Đông cận Cá Hô đà, lai Tân Thuận Đông thôn địa phận.

– Tây cận Trà Uối đà, lai cận Thới Thuận thôn địa phận.

– Nam cận lâm.

– Bắc cận đại giang hoành đối Tân Lộc thôn địa phận.

* Thốc Sơn đà hữu ngạn xứ:

– Đông cận Cá Hô đà, lai Tân Thuận Đông thôn địa phận,

– Tây cận Thốc Sơn đà,

– Nam cận lâm, hựu cận hoang nhàn thổ,

– Bắc cận đại giang, hoành đối Thới Thạnh châu hạ xứ.

* Thốc Sơn đà tả ngạn xứ:

– Đông cận Thốc Sơn đà,

– Tây cận Trà Uối đà, hựu cận lâm,

– Nam cận lâm,

– Bắc cận đại giang, hoành đối Thới Thạnh châu hạ xứ.

* Thới Thạnh châu hạ xứ:

– Đông cận đại giang,

– Tây cận Thới Thuận thôn địa phận,

– Nam cận đại giang, hoành cận Thốc Sơn đà tả ngạn xứ,

– Bắc cận đại giang, hoành đối Tân Lộc thôn địa phận.

Tạm dịch:

* Địa phận bổn thôn gồm ba khu vực: bờ hữu rạch Thốt Nốt[3], bờ tả rạch Thốt Nốt và Thới Thạnh châu hạ[4].

– Đông giáp rạch Cá Hô[5], lại giáp địa phận thôn Tân Thuận Đông.

– Tây giáp rạch Trà Uối[6], lại giáp địa phận thôn Thới Thuận.

– Nam giáp rừng.

– Bắc giáp sông lớn[7], đối ngang địa phận thôn Tân Lộc[8].

* Khu vực bờ hữu rạch Thốt Nốt:

– Đông giáp rạch Cá Hô, lại giáp địa phận thôn Tân Thuận Đông,

– Tây giáp rạch Thốt Nốt,

– Nam giáp rừng, lại giáp đất hoang nhàn,

– Bắc giáp sông lớn, đối ngang khu vực Thới Thạnh châu hạ.

* Khu vực bờ tả rạch Thốt Nốt:

– Đông giáp rạch Thốt Nốt,

– Tây giáp rạch Trà Uối, lại giáp rừng,

– Nam giáp rừng,

– Bắc giáp sông lớn, đối ngang khu vực Thới Thạnh châu hạ.

* Khu vực Thới Thạnh châu hạ:

Đông giáp sông lớn,

Tây giáp địa phận thôn Thới Thuận,

– Nam giáp sông lớn, đối ngang khu vực bờ tả rạch Thốt Nốt,

– Bắc giáp sông lớn, đối ngang địa phận thôn Tân Lộc.

Tạm chú giải:

[1] Tên của thôn trưởng, nguyên văn có thể là chữ 仰. Mà chữ này có các âm Hán Việt là: ngang, ngưỡng, nhạng; và âm Nôm là: khưỡng, ngãng, ngưỡng, ngẩng, ngẫng, ngẳng, ngẵng, ngửng. Ở đây chúng tôi tạm chọn âm “ngang”.

[2] Tên của dịch mục, nguyên văn gồm bộ “ngưu” 牜 bên trái và chữ “khuê” 奎 bên phải. Chúng tôi không biết chữ Nôm [牜奎] này có những âm nào.

[3] Thốc Sơn đà 禿山沱 là tên chữ, rạch Thốt Nốt là tên tục. Thốt Nốt, trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định chép là “Thốc Nốc” 禿衄 (tờ 1003- (78a), trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924) của Victor Duvernoy chép là “Thốt Nốt” 禿碌. Theo Victor Duvernoy, Thốc Nốc là tên xưa, về sau đổi thành Thốt Nốt, và tiếng Thốc Nốc do đọc trại từ tiếng Cam Bốt “Srok Nok” , có nghĩa là “xứ sở của quan lại xưa”. (Sđd, tr.78). Vào năm lập địa bạ 1836, tên rạch đang xét có lẽ là “Thốc Nốc” 禿衄.

[4] Khu vực Thới Thạnh châu hạ: Cù lao Tân Lộc ngày nay, theo địa bạ năm 1836 gồm 2 cù lao:

– Cù lao Thới Thạnh (tức Thới Thạnh châu 泰盛洲) thuộc 2 thôn: từ đầu cù lao đến ngang vàm rạch Trà Uối (tức Thới Thạnh châu thượng 泰盛洲上) thuộc thôn Thới Thuận; từ ngang vàm rạch Trà Uối đến đuôi cù lao (tức Thới Thạnh châu hạ 泰盛洲下) thuộc thôn Thạnh Hoà Trung.

Tên THỚI THẠNH có lẽ được ghép từ chữ THỚI của thôn Thới Thuận (Thới Thạnh châu thượng thuộc thôn này) với chữ THẠNH của thôn Thạnh Hoà Trung (Thới Thạnh châu hạ thuộc thôn này).

– Cù lao Cát (tức Sa châu 沙洲) thuộc thôn Tân Lộc Đông.

Trước hoặc sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, thôn Thạnh Hoà Trung chia ra thành hai thôn: Thạnh Hoà Trung nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Lúc đó “Thới Thạnh châu hạ” thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt. Ngày 20/10/1875, phần đất trên cồn Tân Lộc thuộc làng Thới Thuận, làng Thạnh Hoà Trung Nhứt và một phần đất thuộc làng Tân Lộc Đông bị chuyển sang làng Tân Lộc Tây mới thành lập. Sau biến cố 30/04/1975, 2 xã Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây hợp nhất thành xã Tân Lộc.

[5] Rạch Cá Hô 𩵜[魚乎]: Nguyễn Đình Đầu dịch âm là rạch Cá Hú. Con rạch này nhỏ và ngắn, ở khoảng giữa rạch Bít Vàm và rạch Cần Thơ Bé. (xin xem lại bài Địa giới thôn Tân Thuận Đông vào năm 1836 https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/2318166441541376). Trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hoá, năm 2003) có đoạn: “(…) bờ bên phải có rạch Thốt Nốt, rạch rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng hai bên đều có dân cư và ruộng vườn. 2.100 tầm, hai bên bờ đều có dân cư, đến rạch Cá Hồ, rạch ở bên phải, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến đến cùng rừng chằm xanh tốt, không có dân cư”. (Sđd, tr.332). [Rạch] Cá Hồ, trong nguyên tác chép là 𩵜呼. Hai chữ này có thể đọc là Cá Hô. Chúng tôi không biết rạch Cá Hô 𩵜呼 này có phải là rạch Cá Hô 𩵜[魚乎] mà chúng ta đang xét hay không.

[6] Rạch Trà Uối 茶椳: Nguyễn Đình Đầu dịch âm là Trà Ổi.

[7] Sông lớn (đại giang 大江): tức sông Hậu.

[8] Thôn Tân Lộc 新祿: Thôn này, vào năm 1836, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. (Không phải thôn Tân Lộc Đông).

Nói thêm:

Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (08/01/1953), thôn Thạnh Hoà Trung được vua Tự Đức ban sắc thần Thành hoàng bổn cảnh.

Trước hoặc sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, thôn Thạnh Hoà Trung bị tách làm 2 thôn: Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Cả 2 thôn mới này đều thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Lúc đó khu vực Thới Thạnh châu hạ thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt.

Khoảng năm 1871, Pháp lập thêm tổng Định Mỹ, 2 thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì thuộc tổng Định Mỹ, hạt thanh tra Long Xuyên.

Khoảng 1873-1874, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện.

Năm 1875, khu vực Thới Thạnh châu hạ thuộc làng (thôn đổi thành làng) của Thạnh Hoà Trung Nhứt bị chuyển giao cho làng Tân Lộc Tây mới thành lập.

Năm 1877, làng Thạnh Hoà Trung Nhì bị cắt một phần đất để thành lập làng Thạnh An.

Năm 1900, hạt tham biện đổi thành tỉnh.

Năm 1908, quận Thốt Nốt được thành lập (lúc đầu Pháp gọi là Circonscription, về sau gọi là Délégation). Lúc này 3 làng Thạnh Hoà Trung Nhứt, Thạnh Hoà Trung Nhì và Thạnh An đều thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên.

Năm 1917, làng Thạnh Hoà Trung Nhì lại bị cắt thêm 2 phần đất để lập 2 làng mới là Thạnh Phú và Thạnh Quới.

Năm 1930, làng Thạnh Hoà Trung Nhì hợp nhất với làng Thạnh An thành làng Thạnh Hoà Trung An.

Năm 1856, thời VNCH, xã (làng đổi thành xã) Thạnh Quới bị cắt đất để lập thêm xã mới là xã Thạnh An (trùng tên với làng Thạnh An bị xoá tên sau khi hợp nhất với làng Thạnh Hoà Trung Nhì thành làng Thạnh Hoà Trung An). Lúc này 5 xã Thạnh Hoà Trung Nhứt, Thạnh Hoà Trung An, Thạnh Phú, Thạnh Quới và Thạnh An đều thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang.

Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên giải thể.

Năm 1972, tên làng Thạnh Hoà Trung Nhứt được rút gọn thành Trung Nhứt, tên Thạnh Hoà Trung An được rút gọn thành Trung An. Từ năm này đến ngày 30/04/1975, 5 xã (vốn từ một gốc là thôn Thạnh Hoà Trung thời vua Minh Mạng) Trung Nhứt, Trung An, Thạnh Phú, Thạnh Quới và Thạnh An vẫn thuộc quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *