ĐỊA GIỚI THÔN TÂN LỘC ĐÔNG NĂM 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp https://www.facebook.com/groups/404960459909117/permalink/494520710953091/

Vào năm 1836 (Minh Mạng thập thất niên), tỉnh An Giang gồm 2 phủ: Tân Thành và Tuy Biên. Phủ Tân Thành gồm 2 huyện: Vĩnh An và Vĩnh Định. Huyện Vĩnh Định gồm 4 tổng: Định An, Định Bảo, Định Khánh và Định Thới.

Theo Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1995), tổng Định Thới gồm 6 thôn; Bình Thuỷ, Phú Long, Tân Lộc Đông, Thới An, Thới An Đông và Thới Hưng.

Cũng theo Nguyễn Đình Đầu:

“TÂN LỘC ĐÔNG thôn, ở xứ Sa Châu (Cù Lao Cát)

– Đông giáp sông.

– Tây giáp sông.

– Nam giáp sông.

– Bắc giáp sông” (Sđd, tr. 217)

Ở trên là lời dịch của Nguyễn Đình Đầu. Dưới đây chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong nguyên tác địa bạ thôn TÂN LỘC ĐÔNG 新禄東 (thuộc tổng Định Thới 定泰, huyện Vĩnh Định 永定, phủ Tân Thành 新城)[1] do thôn trưởng Trần Văn Tư 陳文司 và hai dịch mục Đoàn Văn Hứa 段文許[2] và Nguyễn Văn Phương 阮文芳 bẩm báo.

Nguyên văn:

本村地分沙洲處

東近江

西近江

南近江

北近江

Tạm phiên âm:

Bổn thôn địa phận Sa Châu xứ[3]

Đông cận giang

Tây cận giang.

Nam cận giang.

Bắc cận giang.

Tạm dịch nghĩa:

Địa phận bổn thôn là xứ Sa Châu.

Đông giáp sông.

Tây giáp sông.

Nam giáp sông.

Bắc giáp sông.

Tạm chú giải:

[1] Phủ Tân Thành 新城: Chữ “thành” 城 có nghĩa là thành trì, Nguyễn Đình Đầu chép là 成 với nghĩa là làm xong, hoàn thành.

[2] Đoàn Văn Hứa 段文許: chúng tôi tạm đọc như vậy, không biết đúng hay sai.

[3] Sa Châu 沙洲: Sa Châu là tên chữ, tên tục là Cù lao Cát 葛, cũng gọi là Cồn Cát.

Cù lao Tân Lộc ngày nay, vào năm 1836 gồm 2 cù lao:

1/ Cù lao Thới Thạnh (tức Thới Thạnh châu 泰盛洲) thuộc 2 thôn: từ đầu cù lao đến ngang vàm rạch Trà Uối (tức Thới Thạnh châu thượng 泰盛洲上) thuộc thôn Thới Thuận; từ ngang vàm rạch Trà Uối đến đuôi cù lao (tức Thới Thạnh châu hạ 泰盛洲下) thuộc thôn Thạnh Hoà Trung.

Tên THỚI THẠNH có lẽ được ghép từ chữ THỚI của thôn Thới Thuận (Thới Thạnh châu thượng thuộc thôn này) với chữ THẠNH của thôn Thạnh Hoà Trung (Thới Thạnh châu hạ thuộc thôn này).

2/ Cù lao Cát (tức Sa châu 沙洲) thuộc thôn Tân Lộc Đông.

Vì 2 cù lao này nằm trên sông Hậu nên 4 mặt đông tây nam bắc của 2 cù lao này đều giáp sông. Chúng tôi không biết đoạn sông Hậu nằm giữa 2 châu này được gọi là gì.

Đến đây chúng ta có thể tạm hiểu về 2 châu và 3 xứ được ghi trong địa năm 1836:

– 2 châu (cồn, cù lao): “Thới Thạnh châu” thuộc 2 thôn Thới Thuận và Thạnh Hoà Trung, và “Sa châu” thuộc thôn Tân Lộc Đông. (2 châu này, ngày nay được gọi chung là cồn cù lao Tân Lộc).

– 3 xứ (xóm, khu vực, miệt): “Thới Thạnh châu thượng xứ” thuộc thôn Thới Thuận, “Thới Thạnh châu hạ xứ” thuộc thôn Thạnh Hoà Trung, “Sa châu xứ” thuộc thôn Tân Lộc Đông. (3 xứ này, ngày nay thuộc xã Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *