ĐỊA PHẬN THÔN ĐỊNH YÊN, TỔNG AN PHÚ, HUYỆN ĐÔNG XUYÊN, PHỦ TUY BIÊN, TỈNH ANGIANG NĂM 1836

(Bổn cũ soạn lại – nhân đọc cuốn “Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử (1832-1899) – Tôn thần đình Mỹ Thới thành phố Long Xuyên” ngày 18-12-2019 của Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang)

Vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836), tỉnh An Giang gồm 3 phủ: Tân Thành, Tuy Biên và Ba Xuyên. Nhưng theo địa bạ 1836, toàn tỉnh An Giang chỉ gồm 2 phủ Tân Thành và Tuy Biên. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện Đông Xuyên và Tây Xuyên. Huyện Đông Xuyên gồm 4 tổng: An Lương, An Phú, An Thành và An Toàn. Tổng An Phú gồm 7 thôn: An Hoà, Bình Thành Tây, Định Yên, Long Hậu, Nhơn Hoà, Tân Bình và Tân Lộc.

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0fa7g4x6UeGnni8eZDNuzmfpmm5EUFA4GCcsMKEPzQiDWuQZGGY8voitC5TXBEGoVl?cft[0]=AZXgZtLzT4iVZBzd5SnZ8t3dhGq8tTkAR0tleU9Gvirp_3s8BlFYviGkjeBt8K5ZFeXQMc2fVmy2o1_Lj1D923L5UW3yTiDfkYC_nmKCtjybh0Oiwgzv3aydHwxov1ui21FWxPkersc4iXpLlxYPhfNcxjT2lTZb2sJl2xZ1itqVUc9es4pdxvl5FGMTOsIfmthuXQcW7GvwtaXVS6QyYJqU&tn=%2CO%2CP-R

Định Yên thôn 定安村, Nguyễn Đình Đầu, trong cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1995), phiên âm là “Định An thôn”[1] và cho biết:

“ĐỊNH AN thôn, ở 5 xứ Cái Sức Châu, Tân Bồi Châu, Thị Vạy Châu, Tiểu Du Nhiên, Đại Du Nhiên.

. Đông giáp rạch Cái Đôi, giáp thôn Tân Lộc và Bình Thành Tây.

. Tây giáp rạch Sức, giáp 2 thôn Bình Thành Tây và An Hoà.

. Nam giáp sông.

. Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Lộc và Tân Bình.

– Thực canh điền thổ 1588.3.8.0:

. Sơn điền 1516.2.0.0 (110 sở)

. Thổ viên 72.1.8.0 (37 sở)” (tr. 230).

Để hiểu thêm về địa phận thôn Định Yên, dưới đây chúng tôi xin trích dịch vài đoạn trong nguyên tác địa bạ thôn Định Yên 定安, tổng An Phú 安富, huyện Đông Xuyên 東川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江 lập ngày mùng 3 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) do thôn trưởng Trương Văn Phước 張文福 và dịch mục Nguyễn Văn Hạ 阮文下 khai bẩm, Phạm Văn Thái 范文泰 vô sổ bộ, cai tổng Nguyễn Văn Tuyết 阮文雪 hướng dẫn đo đạt.

NGUYÊN VĂN:

本村地分丐飭洲, 新培洲, 氏𣍁, 小油然, 大油然該五處:

東近丐堆沱, 又近本總新祿村地分, 又近平城西村地分.

西近滀沱, 又近本總平城西, 安和貳村地分.

南近江.

北近本總新祿, 新平貳村地分, 又近平城西村地分.

丐飭洲處:

東近江.

西近本總安和村地分.

南近江.

北近江.

新培洲處:

東近通道沱.

西近江.

南近江.

北近江.

氏𣍁處:

東近小油然處.

西近滀沱, 又近本總平城西村地分.

南近江.

北近本總新祿, 新平貳村地分.

小油然處:

東近大油然處.

西近氏𣍁處.

南近江.

北近本總新祿, 新平貳村地分.

大油然處:

東近丐堆沱, 又近本總新祿村地分.

西近小油然處.

南近江.

北近本總新祿, 新平貳村地分.

TẠM PHIÊN ÂM:

Bổn thôn địa phận Cái Sức châu[2], Tân Bồi châu[3], Thị Vạy[4], Tiểu Du Nhiên, Đại Du Nhiên[5] cai ngũ xứ.

– Đông cận Cái Đôi đà, hựu cận bổn tổng Tân Lộc thôn địa phận, hựu cận Bình Thành Tây thôn địa phận.

– Tây cận Súc đà[6], hựu cận bổn tổng Bình Thành Tây, An Hoà nhị thôn địa phận.

– Nam cận giang[7].

– Bắc cận bổn tổng Tân Lộc, Tân Bình nhị thôn địa phận, hựu cận Bình Thành Tây thôn địa phận[8].

* Cái Sức Châu xứ:

Đông cận giang.

Tây cận bổn tổng An Hoà thôn địa phận.

Nam cận giang.

Bắc cận giang.

* Tân Bồi Châu xứ:

Đông cận Thông Đạo đà.

Tây cận giang.

Nam cận giang.

Bắc cận giang.

* Thị Vạy xứ:

Đông cận Tiểu Du Nhiên xứ.

Tây cận Súc đà, hựu cận bổn tổng Bình Thành Tây thôn địa phận.

Nam cận giang.

Bắc cận bổn tổng Tân Lộc, Tân Bình nhị thôn địa phận.

* Tiểu Du Nhiên xứ:

Đông cận Đại Du Nhiên xứ.

Tây cận Thị Vạy xứ.

Nam cận giang.

Bắc cận bổn tổng Tân Lộc, Tân Bình nhị thôn địa phận.

* Đại Du Nhiên xứ:

Đông cận Cái Đôi đà, hựu cận bổn tổng Tân Lộc thôn địa phận.

Tây cận Tiểu Du Nhiên xứ.

Nam cận giang.

Bắc cận bổn tổng Tân Lộc, Tân Bình nhị thôn địa phận.

TẠM DỊCH:

Địa phận bổn thôn gồm 5 xứ: xứ Cù lao Cái Sức, xứ Cù lao Tân Bồi, xứ Bà Vạy, xứ Cái Dầu Nhỏ và xứ Cái Dầu Lớn:

– Đông giáp rạch Cái Đôi, lại giáp địa phận thôn Tân Lộc của bổn tổng, lại giáp địa phận thôn Bình Thành Tây.

– Tây giáp rạch Súc, lại giáp 2 thôn Bình Thành Tây, An Hoà của bổn tổng.

– Nam giáp sông.

– Bắc giáp địa phận hai thôn Tân Lộc, Tân Bình của bổn tổng, lại giáp địa phận thôn Bình Thành Tây.

* Xứ Cù lao Cái Sức:

Đông giáp sông.

Tây giáp địa phận thôn An Hoà của bổn tổng.

Nam giáp sông.

Bắc giáp sông.

* Xứ Cù lao Tân Bồi:

Đông giáp rạch Thông Đạo.

Tây giáp sông.

Nam giáp sông.

Bắc giáp sông.

* Xứ Bà Vạy:

Đông giáp xứ Cái Dầu Nhỏ.

Tây giáp rạch Súc, lại giáp địa phận thôn Bình Thành Tây của bổn tổng.

Nam giáp sông.

Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Lộc, Tân Bình của bổn tổng.

* Xứ Cái Dầu Nhỏ:

Đông giáp xứ Cái Dầu Lớn.

Tây giáp xứ Bà Vạy.

Nam giáp sông.

Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Lộc, Tân Bình của bổn tổng.

* Xứ Cái Dầu Lớn:

Đông giáp rạch Cái Đôi, lại giáp địa phận thôn Tân Lộc của bổn tổng.

Tây giáp xứ Cái Dầu Nhỏ.

Nam giáp sông.

Bắc giáp địa phận 2 thôn Tân Lộc, Tân Bình của bổn tổng.

TẠM CHÚ GIẢI:

[1] Định An thôn 定安村: Chữ 安 có thể đọc là “An” hoặc “Yên” (lễ Cầu An 求安 được tổ chức ở các đình thần thường được gọi là lễ Kỳ Yên). Trong cuốn Lý lịch di tích đình Định Yên – Địa điểm: xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, tháng 03 năm 2011 của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Đồng Tháp có đoạn sau đây:

“Theo truyền thuyết địa phương: ông Phạm Văn An là người đầu tiên khai hoang lập ấp và an cư lập nghiệp cho cư dân ở vùng đất này. Để ghi nhớ công ơn người đi trước, người dân nơi đây ghép tên ông với chữ Định để đặt tên cho làng (vì kiêng cử gọi đúng tên An nên đổi là Yên) do đó làng có tên là Định Yên.” (tr.1)

Chúng tôi chưa biết truyển thuyết nêu trên có đáng tin hay không, chỉ biết:

– Trong địa bạ thôn Định An/ Yên 定安 lập năm 1836 có một số chủ đất ruộng và/ hoặc chủ đất vườn họ Phạm 范, nhưng không có ai tên Phạm Văn An 范文安.

– Bạn Hồ Văn Ưng cho biết: “Ông bà tôi khi xưa đều nói mình là người Định Yên, tổng An Phú, chẳng thấy ai nói mình là dân xứ Định An mặc dù có nhiều người biết chữ Nho”.

– Tên [thôn/ làng] “Định yên” (tổng An Phú) được ghi nhận trên một bản đồ mà tác giả bài Long Xuyên (tỉnh) đăng trên Wikipedia chú là “Bản đồ tỉnh Long Xuyên 1901” (https://vi.wikipedia.org/wiki/Long_Xuy%C3%AAn_(t%E1%BB%89nh). Theo chúng tôi, bản đồ này được vẽ trong khoảng 1871-1876 vì trên bản đồ này có tổng Biên Thành và không có làng Tân Lộc Tây. Theo Nguyễn Đình Tư, trong cuốn Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017), – tổng Biên Thành gồm các thôn người Khơme là Nhuận Ốc, Vọng Thê, Cần Đăng, Cà Lan, Thâm Trạch theo Quyết định ngày 26-9-1871 (tr.351); – làng Tân Lộc Đông tổng Định Mỹ bị chia đất để lập thành làng Tân Lộc Tây theo Quyết định ngày 20-9-1876 (tr.352)

Như vậy, nếu thôn Định An/ Yên 定安 lúc mới thành lập được gọi là “Định An” thì tên thôn này đổi gọi là “Định Yên” trễ lắm là vào khoảng 1871-1876.

[2] Cái Sức Châu 丐飭洲: là Cù lao Cái Sức, Cái Sức Châu xứ 丐飭洲處 là xứ Cù lao Cái Sức. Về tên gọi Cái Sức, bạn Hồ Văn Ưng nêu ý kiến đại khái như sau: “Ở địa phương có nhiều cách giải thích về địa danh CÁI SỨC lắm, bác học có, bình dân có, nhưng thực sự đây là một danh từ cổ của người Việt. Viết đúng là CÁI SỨT, nó chỉ chỗ sông bên này sứt thấu qua sông bên kia. Rất may Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của còn ghi lại (Nxb Trẻ, tr. 935). Cái Sứt trước kia là một cù lao mỏng nằm giữa sông Hậu và rạch Cái Dầu. Đoạn rạch Cái Dầu – Vàm Cống lúc đầu rất lớn, do nước xoáy, sóng vỗ một đoạn cù lao bị sụt lở tạo thành rạch. Sau này phù sa bồi lắng rạch Cái Dầu nhỏ lại, cồn Cái Sứt phình to, trù phú, tên của nó cũng biến dạng đi”.

Ở trên là ý kiến của bạn Hồ Văn Ưng. Chúng tôi xin nói thêm là chữ “Sứt” (trong “Cái Sứt”), Huình Tịnh Paulus Của chép là 叱 (âm Hán Việt là “sất”).

[3] Tân Bồi Châu 新培洲: là Cù lao Tân Bồi, Tân Bồi Châu xứ 新培洲處 là xứ Cù lao Tân Bồi. Có lẽ “tân bồi” có nghĩa là mới được bồi đắp (mới nổi). Theo bạn Hồ Văn Ưng, dân gian gọi là cù lao này là Cù lao Ông Bồi và con rạch chảy ngang qua cù lao này được gọi là rạch Ông Bồi.

[4] Thị Vạy 氏𣍁: Nguyễn Đình Đầu đã sai khi phiên âm là “Thị Vạy Châu” (thừa chữ “Châu”). Thị Vạy ở đây là [xép] Bà Vạy, Thị Vạy xứ 氏𣍁處 là xứ [Xép] Bà Vạy. Xứ này có lẽ gồm cả cù lao Xép Bà Vạy. Lê Quang Định trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (Quyển 7, tiểu mục Ghi chép về dinh Vĩnh Trấn) cho biết cù lao này tục gọi là cù lao “Mụ Vạy” 媒𣍁 (hai chữ này Phan Đăng phiên âm là “Mụ Vẫy”), ở đó có dân cư. Cù lao Xép Bà Vạy cũng được gọi là cù lao Xép Cụt như lời sau đây của bạn Hồ Văn Ưng:

“Tôi lúc nhỏ ở Xép Cụt, phía bên phần “đất cù lao”. Xép Cụt rất ngắn, chảy chưa đầy một cây số thì hòa vào xép Bà Vạy rồi đổ ra rạch Cái Dầu. Xép Bà Vạy vuông góc với cù lao tôi ở nên có người gọi nó là cù lao xép Cụt, có người gọi là cù lao xép Bà Vạy. Ông tôi nói phần đất phía đông xép Cụt là đất Giồng (có nhiều đá sỏi đỏ), phần phía tây là đất do phù sa bồi đắp nên gọi là đất cù lao. Vậy cù lao Mụ Vẫy [theo lời dịch của Phan Đăng – CV] chính là cù lao xép Bà Vạy do các cụ xưa Hán Nôm hóa tiếng địa phương mà thôi, giống y như bây giờ đặt cầu Vàm Xép là cầu Xếp Bà Vãi và cầu gần hãng nước mắm Nguyên Hương là cầu Lạch Mắm!”

[5] Tiểu Du Nhiên 小油然, Đại Du Nhiên 大油然: Hai chữ “du nhiên” 油然 trong tiếng Hán thường được dùng với nghĩa an nhiên, ung dung tự tại; còn “du nhiên” ở đây có thể là tên một loại cây dầu và có lẽ Tiểu Du Nhiên là [rạch] Cái Dầu Bé, Đại Du Nhiên là [rạch] Cái Dầu Lớn, Tiểu Du Nhiên xứ 小油然處 là khu vực dân cư ở 2 bên bờ rạch Cái Dầu Bé và Đại Du Nhiên xứ 大油然處 là khu vực dân cư ở 2 bên bờ rạch Cái Dầu Lớn. Rất có thể rạch Cái Dầu Lớn là con rạch mà sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) chép là “Cái Dầu rạch” 丐油瀝 (chữ 瀝 có âm Hán Việt là “lịch”). Con rạch này nay thường gọi là rạch Cái Dầu, đôi khi cũng gọi là rạch Cái Dầu Định Yên để phân biệt với rạch Cái Dầu ở huyện Châu Thành tỉnh An Giang mà nhiều người gọi là rạch Cái Dầu Thị Đam.

Bạn Hồ Văn Ưng góp ý về con rạch Cái Dầu ở Định Yên như sau:

“Tôi cũng thường theo ba tôi chèo ghe từ xép Cụt xuống chợ Cái Dầu mua chiếu, đầy ghe thì chèo từ xép Cụt lên Vàm Cống, ra sông Cái (sông Hậu) rồi “dòng tàu” lên Châu Đốc, Tân Châu,…bán nên nhớ rõ con rạch nối từ ngã ba Cái Dầu đến Vàm Cống rồi trổ ra sông Cái vẫn gọi là rạch Cái Dầu. Năm sáu chục năm trước nó còn rộng lắm, ba tôi nói xưa kia còn rộng hơn, ghe xuồng đi lại tấp nập Cách vàm sông Cái hơn một cây số có một chỗ đóng quân của các quan Đàng Cựu, nay dã mất dấu nhưng “dư âm” vẫn còn, đó là rạch “THỦ HẬU” (rạch Thủ Hậu giờ chỉ còn là một dòng nước nhỏ, cây cầu Thủ Hậu cũng được thay bằng cống khi xây dựng quốc lộ 54). Thủ là trấn giữ.

Như vậy sách “Hoàng Việt …” mô tả phía nam sông Cường Thành có rạch Cái Dầu,.. có sở thủ Cường Thành là chính xác. CÁI DẦU khác Cái Dâu cũng ở gần đó nhưng rạch Cái Dâu chỉ chạy vào ngọn cùn.

Nhân tiện nói thêm, hai đầu rạch Cái Dầu đều trổ ra sông Cái, nhưng nước từ Cái Dầu chày ngược lên Vàm Cống mạnh hơn, ngoại trừ mùa nước nổi, ghe xuồng thường nương theo con nước lớn đi gần đến Vàm Cống mới thấy nước từ Vàm Cống chảy vào. Ở đầu vàm xưa có một xưởng làm nước mắm lớn có tên là “hãng nước mắm Nguyên Hương”, bên cạnh có bắc một cây cầu ván qua sông để đi từ Vàm Cống xuống Cái Sứt. Cầu không có ai đặt tên. Người ta chỉ quen miệng gọi là “cầu hãng nước mắm”. Sau nầy nhà nước mở đường, xây bến bắc mới, xây cầu đúc qua sông gần cây cầu cũ, chẳng biết ai tham mưu, đặt tên là CẦU LẠCH MẮM. Chữ lạch đâu phải tiếng địa phương ở miền Nam. E sẽ làm rối cho các em nhỏ sau này”.

[6] Súc đà 滀沱: tức rạch Súc. Theo Huình Tịnh Paulus Của, Súc 滀 là “cây gỗ hạ rồi, còn để nguyên hay là đã đứt đoạn; một khúc, một cây”. Không rõ rạch Súc có liên quan gì đến các súc gỗ hay không. Xin để ý: Chữ “súc” 滀 (trong rạch Súc) hoàn toàn khác với chữ “sức” 飭 (trong Cù lao Sức).

[7] Giang 江: nghĩa là sông, ở đây là Hậu giang 後江 (sông Hậu).

[8] Hựu cận Bình Thành Tây thôn địa phận 又近平城西村地分: nghĩa là: lại giáp địa phận thôn Bình Thành Tây. (Nguyễn Đình Đầu lược bỏ cú đoạn này).

NÓI THÊM:

1/. Nếu chúng tôi không lầm thì cả hai ông thôn trưởng Trương Văn Phước và dịch mục Nguyễn Văn Hạ đều không đứng tên một sở đất ruộng hay một sở đất vườn nào.

2/. Theo Nguyễn Đình Đầu, “phân canh” 分耕 là phần sở hữu của người trong làng và “phụ canh” 附耕 thuộc phần sở hữu của người ngoài làng. (Sđd, tr.25). Nhưng theo chúng tôi, lời giải thích này hoàn toàn đúng đối với những ghi chép trong địa bạ thôn Tân Hựu (tổng An Mỹ, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang), còn đối với một số thôn khác thì từ “phân canh” được dùng chung cho người trong thôn và người khác thôn. Đối với người khác thôn thì trong địa bạ sẽ ghi thêm tên thôn, tên tổng… của người chủ đất. Trong thôn Định Yên có 2 chủ đất là người cùng tổng An Phú nhưng khác thôn. Đó là ông Nguyễn Văn Khoa thôn An Hoà và ông Võ Văn Luận thôn Bình Thành Tây. Nguyên văn như sau:

– Bổn tổng An Hoà thôn nhân Nguyễn Văn Khoa phân canh 本總安和村人阮文科分耕

– Bổn tổng Bình Thành Tây thôn nhân Võ Văn Luận phân canh 本總平城西村人武文論分耕

3/. Trong địa bạ thôn Định Yên năm 1836 có ông Nguyễn Văn Nhiên 阮文然 đứng tên một sở điền và một sở thổ, chi tiết như sau:

Nguyên văn:

所田壹畝玖篙柒尺

阮文然分耕

東近張文政田

西近該名園

南近阮文張田

北近平城西村地分

Tạm phiên âm:

Sở điền nhứt mẫu cửu sào thất xích.

Nguyễn Văn Nhiên phân canh.

Đông cận Trương Văn Chính điền.

Tây cận cai danh viên.

Nam cận Nguyễn Văn Trương điền.

Bắc cận Bình Thành Tây thôn địa phận.

Tạm dịch:

Sở đất ruộng một mẫu chín sào bảy thước.

Nguyễn Văn Nhiên làm chủ.

Đông giáp đất ruộng của Trương Văn Chính.

Tây giáp đất vườn của ông ấy (tức cũng của Nguyễn Văn Viên).

Nam giáp đất ruộng của Nguyễn Văn Trương.

Bắc giáp địa phận thôn Bình Thành Tây.

Nguyên văn:

所土柒篙柒尺

阮文然園

東近該名田

西近阮文張田

南近沱

北近該名田

Tạm phiên âm:

Sở thổ thất sào thất xích.

Nguyễn Văn Nhiên viên.

Đông cận cai danh điền.

Tây cận Nguyễn Văn Trương điền

Nam cận rạch.

Bắc cận cai danh điền.

Tạm dịch:

Sở đất vườn bảy sào bảy thước.

Nguyễn Văn Nhiên chủ vườn.

Đông giáp đất ruộng của ông ấy.

Tây giáp đất ruộng của Nguyễn Văn Trương

Nam giáp rạch.

Bắc giáp đất ruộng của ông ấy.

Rất có thể ông chủ đất Nguyễn Văn Nhiên 阮文然 trong đoạn trích ở trên chính là ông Nguyễn Văn Nhiên 阮文然, sinh năm Mậu Tý (1768), mất ngày 26 tháng 7 năm Bính Thân (1836), là ông nội của ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì 舉人阮仲篪 (1832-1899), người từng tạm quyền nhiếp ấn triện phủ Tịnh Biên, tỉnh An Giang theo bằng cấp ngày 21 tháng 9 năm Tự Đức thứ 19 (1866), sau khi Pháp chiếm tỉnh An Giang năm 1867, ông lui về quê nhà ở thôn Định Yên, tổng An Phú và mở lớp dạy tư. Thân phụ của ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì là ông Nguyễn Văn Dư 阮文予 (1805-1853). Nếu chúng tôi không lầm thì trong địa bạ thôn Định Yên 1836 không có chủ đất nào tên Nguyễn Văn Dư.

4/. Ông Nguyễn Văn Nhiên 阮文然 (1768-1836) từng được phong làm Cai trại Nhiên Đức Nam, đốc suất đồn điền trại gia ở thôn Định An Phú 定安富, tổng Bình An 平安, châu Định Viễn 定遠 vào năm Gia Long thứ 2, ngày mùng 1 tháng 4 nhuận.

Theo sách Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 3) của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú vào khảo chứng (Nxb Tp. HCM, 2019), năm Mậu Thìn, niên hiệu Gia Long thứ 7 (1808), đổi châu Định Viễn làm phủ, dinh Vĩnh Trấn đổi làm trấn Vĩnh Thanh. Phủ Định Viễn lãnh 4 huyện (Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Định, Tân An), 6 tổng, 353 thôn, phường, ấp, xóm, trại. Huyện Vĩnh An gồm 2 tổng Vĩnh Trinh và Vĩnh Trung.

Tổng Vĩnh Trung gồm 52 thôn, phường; trong đó có Định An Phú thôn 定安富村 được Phạm Hoàng Quân chú thích như sau: “Nay là xã (Định An), thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.” (tr.391)

Từ các thông tin nêu trên, chúng tôi tạm phỏng đoán rằng, thôn Định An Phú (theo phiên âm của Phạm Hoàng Quân) 定安富có liên quan mật thiết với thôn Định An (theo phiên âm của Nguyễn Đình Đầu) 定安 năm 1836: hoặc Định An Phú đổi thành Định An, hoặc thôn Định An Phú bị cắt đất để lập thôn mới là Định An, hoặc thôn Định An Phú hợp nhất với một thôn nào đó thành thôn mới là Định An.

5/. Theo sách Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 20 (1839), huyện Đông Xuyên đổi thuộc phủ Tân Thành 新城. Ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì sinh ngày 11 tháng 9 (nhuận) năm Nhâm Thìn (1832). Có nhà cho rằng nơi sinh của ông là thôn Định An, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang (nay là xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Theo chúng tôi, lời đó cần tìm hiểu thêm vì, nếu vào năm 1832 đã có thôn Định An/ Yên và thôn này thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên thì lúc đó huyện Đông Xuyên thuộc phủ Tuy Biên, mãi đến năm 1839 huyện Đông Xuyên mới đổi thuộc phủ Tân Thành, còn thôn Định An/ Yên 定安, trễ lắm là khoảng 1871-1876 được gọi Định Yên, năm 1876 thôn đổi gọi làng, sau 1956 làng đổi gọi là xã, năm 1984 xã Định Yên bị cắt đất để lập thôn Định An.

Như vậy, theo chúng tôi, nơi sinh của ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì là thôn Định An/ Yên 定安, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang (nay là xã Định Yên và xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

6/. Thôn Định Yên được vua Tự Đức ban “sắc Bổn cảnh Thành hoàng chi thần” vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 8-1-1853). Trong sắc ghi địa danh hành chính là “東川縣定安村” (Đông Xuyên huyện, Định Yên thôn), tức không ghi tên tổng, tên phủ, tên tỉnh. Vì năm 1839, huyện Đông Xuyên đổi thuộc phủ Tân Thành nên chúng tôi tạm đoán rằng, vào năm 1853, thôn Định Yên thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

7/. Sau khi chiếm tỉnh An Giang năm 1867, Pháp tỉnh An Giang thành nhiều hạt thanh tra. Hạt thanh tra Long Xuyên được thành lập theo Quyết định ngày 27-5-1868. Do Quyết định này, thôn Định Yên, tổng An Phú thuộc hạt thanh tra Long Xuyên.

Theo Nghị định ngày 5-1-1876, hạt thanh tra Long Xuyên đổi thành hạt tham biện Long Xuyên, thôn đổi gọi là làng (village).

Năm 1896, hạt tham biện Long Xuyên gồm 8 tổng: An Bình, An Phú, Biên Thành, Định Hòa, Định Mỹ, Định Phước, Định Thành Hạ, Phong Thạnh Thượng. Hội viên Hội đồng địa hạt gồm 10 ông: Lê Văn Điền, Đào Văn Chiêu, Nguyễn Trọng Trì, Lê Văn Lý, Trần Bá Nho, Trần Nhơn Từ, Nguyễn Ngọc Ơn, Nguyễn Bá Khương, Đào Tiến, Dương Văn Tân; trong đó có 2 ông là đại biểu của tổng An Phú, 2 ông là đại biểu tổng Định Hòa, 6 ông còn lại, mỗi ông là đại biểu của một trong 6 tổng An Bình, Biên Thành, Định Mỹ, Định Phước, Định Thành Hạ, Phong Thạnh Thượng.

Nếu ông hội viên Hội đồng địa hạt Nguyễn Trọng Trì chính là ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì 舉人阮仲篪 (người làng Định Yên, tổng An Phú) thì ông này là một trong số hai đại biểu của tổng An Phú.

Ông Cử nhân Nguyễn Trọng Trì mất ngày 11 tháng 12 năm Mậu Tuất (nhằm ngày 22-01-1899 dương lịch), hưởng thọ 67 tuổi, mộ phần tọa lạc trong ngọn rạch Cái Bát, nay thuộc ấp An Khương, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

8/. Đầu năm 1900, hạt tham biện Long Xuyên đổi thành tỉnh Long Xuyên. Theo Hội Nghiên cứu Đông Dương, trong cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên 1905 (Monographie de la province de Longxuyen 隆川, Saigon, Imprimerie Saigonnaise, 1905), dân số 8 tổng năm 1901 lần lượt như sau (xin lượt trích): – tổng An Bình 15.578 người, – tổng An Phú 24.342 người (trong đó làng Định Yên 7.723 người), – tổng Biên Thành 2.067 người, – tổng Định Hòa 36.114 người, – tổng Định Mỹ 25.547 người, – tổng Định Phước 10.500 người, – tổng Định Thành Hạ 18.252 người, – tổng Phong Thạnh Thượng 11.286 người.

Theo Victor Duvernoy, trong cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省, Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924), quận Thốt Nốt được thành lập năm 1909 (Nguyên văn: “La Circonscription de Thôtnôt, crée en 1909” (tr.78)). Trong cuốn Tổng niên giám Đông Dương 1910, Phần Hành chính (Annuaire général de l’Indo-Chine française 1910, Partie Administrative, Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1910), tỉnh Long Xuyên có 3 quận: quận Châu Thành (Circonscription du chef-lieu), quận Chợ Mới (Circonscription de Cho-moi), quận Thốt Nốt (Circonscription de Thot-not); trong đó: quận Thốt Nốt gồm 2 tổng An Phú và Định Mỹ, quận trưởng là ông Tô Bảo Thành, huyện hạng nhứt (tr.304)

Cũng theo cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên 1924 nói trên, làng Định Yên 定安 (tổng An Phú, quận Thốt Nốt) gồm 7 ấp: An Bình 安平, An Hòa 安和, An Khương 安康, An Lạc 安樂, An Lợi 安利, An Ninh 安寜, An Phong 安豐.

9/. Năm 1934, Ban Quý tế đình Mỹ Thới (quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên) sang tận quê ông Nguyễn Trọng Trì ở làng Định Yên (quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên) để thỉnh linh vị và ảnh của ông về thờ. Có thuyết cho rằng, lúc đó trong Ban Quý tế đình Mỹ Thới có một vị là học trò cũ của ông Nguyễn Trọng Trì, lại có thuyết cho rằng trong Ban Quý tế đình Mỹ Thới lúc đó có một vị là hậu duệ của ông Nguyễn Trọng Trì.

Ban Quý tế đình Mỹ Thới ngày nay cho biết, phúc thần Nguyễn Trọng Trì “được triều Huế sắc phong Bổn cảnh thành hoàng tôn thần, linh vị tại đình trung Mỹ Thới vào năm Bảo Đại thập cửu niên”. Lời này cần xét lại vì, mặc dù Ban Quý tế tôn ông Nguyễn Trọng Trì làm phúc thần, nhưng tên ông không được nêu trong sắc thần nói trên.

10/. Năm 1947, tổng An Phú đổi thuộc quận Lấp Vò mới thành lập, cũng thuộc tỉnh Long Xuyên (theo Quyết định ngày 19-5-1947 của Chính phủ lâm thời Nam Kỳ tự trị thuộc Liên bang Đông Dương). Lúc đó tổng An Phú gồm các làng An Hòa, Bình Đông, Bình Thành Tây, Định Yên, Tân Bình và Tân Thạnh Trung.

Sau 1956 làng đổi gọi là xã, và xã Định Yên đổi thuộc tổng Phú Thượng, quận Lấp Vò, tỉnh Vĩnh Long. Sau năm 1965, các tổng mặc nhiên bị giải thể. Ngày 24-9-1966 đổi thuộc tỉnh Sa Đéc. Sau 30-4-1975, quận đổi thành huyện. Tháng 2-1976, huyện Lấp Vò đổi thuộc tỉnh Đồng Tháp. Ngày 5-1-1981, huyện Lấp Vò đổi tên thành huyện Thạnh Hưng.

Ngày 6-3-1984, xã Định Yên bị cắt 4 ấp An Lạc, An Hoà, An Ninh, An Phong để thành lập xã Định An. Do sự chia cắt này mà xã Định Yên chỉ còn 3 ấp An Bình, An Khương, An Lợi. Ngày 6-12-1996, 2 xã Định Yên, Định An đổi thuộc huyện Lấp Vò.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *