Cao Văn Nghiệp – ĐỊA PHẬN THÔN THẠNH HOÀ TRUNG NĂM 1836 (bổ sung)

Cá Vàng cùng với Nguyễn Thanh Lợi.

Yêu thích  · 18 giờ  · 

ĐỊA PHẬN THÔN THẠNH HOÀ TRUNG NĂM 1836

(Tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang)

(Bổn cũ soạn lại nhân đọc một số tài liệu về ông Huề Tài hầu Lê Văn Huề)

Theo Nguyễn Đình Đầu trong cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1994), vào năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang gồm: – 9 thôn còn địa bạ: Mỹ Phước, Mỹ Thạnh, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung, Thoại Sơn, Thới Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, Vĩnh Trinh; 4 thôn mất địa bạ: Mỹ Đức, Phú Hoà, Tân Lộc, Thới Hưng (Sđd, tr. 164, 165, 166, 254).

Nguyễn Đình Đầu cho biết như vậy, còn theo chúng tôi, vào năm 1836, tổng Định Phước chỉ có 11 thôn vì 2 thôn Tân Lộc và Thới Hưng vẫn còn địa bạ và không thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên: – Thôn Tân Lộc thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên; – Thôn Thới Hưng thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành.

Về thôn Thạnh Hoà Trung, Nguyễn Đình Đầu đã viết như sau:

“THẠNH HOÀ TRUNG thôn, ở 3 xứ Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Châu Hạ.

. Đông giáp rạch Cá Hú và địa phận thôn Tân Thuận Đông.

. Tây giáp rạch Trà Ổi và địa phận Thôn Thới Thuận.

. Nam giáp rừng.

. Bắc giáp sông lớn, nhìn sang địa phận thôn Tân Lộc”.

– Thực canh điền thổ 3301.0.1.0[1]:

. Sơn điền[2] 2972.2.6.0 (181 sở và BTĐC[3] 2 sở gồm 21.5.0.0

(Riêng chủ Lê Văn Thông có 3 sở cộng 194.7.11.0).

. Thổ viên 328.7.10.0 (103 sở và BTĐC 2 sở cộng 2.2.0.0). (Sđd, tr.256).

Để hiểu thêm địa phận thôn Thạnh Hòa Trung, dưới đây chúng tôi xin trích dịch lại đoạn trên và trích dịch thêm địa phận 3 xứ Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Châu Hạ.chép trong địa bạ thôn Thạnh Hoà Trung 盛 和 中, tổng Định Phước 定 福, huyện Tây Xuyên 西 川, phủ Tuy Biên 綏 邊, tỉnh An Giang 安 江 do thôn trưởng Phạm Văn Ấn 范 文 印 và dịch mục Huỳnh Văn Khuê 黃 文 [日奎][4] đồng khai bẩm.

NGUYÊN VĂN

本 村 地 分 禿 山 沱 右 岸, 禿 山 沱 左 岸, 泰 盛 洲 下 該 叁 處

東 近 𩵜 [魚乎] 沱, 來 新 順 東 村 地 分,

西 近 茶 椳 沱, 來 泰 順 村 地 分,

南 近 林,

北 近 大 江, 横 對 新 祿 村 地 分.

禿 山 沱 右 岸 處

東 近 𩵜 [魚乎] 沱, 來 新 順 東 村 地 分,

西 近 禿 山 沱,

南 近 林, 又 近 荒 閑 土,

北 近 大 江, 横 對 泰 盛 洲 下 處.

禿 山 沱 左 岸 處

東 近 禿 山 沱,

西 近 茶 椳 沱, 又 近 林,

南 近 林,

北 近 大 江, 横 對 泰 盛 洲 下 處.

泰 盛 洲 下 處

東 近 大 江,

西 近 泰 順 村 地 分,

南 近 大 江, 横 對 禿 山 沱 左 岸 處,

北 近 大 江, 横 對 新 祿 村 地 分.

TẠM PHIÊN ÂM

Bổn thôn địa phận Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Châu Hạ cai tam xứ

Đông cận Cá Hô đà, lai Tân Thuận Đông thôn địa phận,

Tây cận Trà Uối đà, lai Thới Thuận thôn địa phận,

Nam cận lâm,

Bắc cận đại giang, hoành đối Tân Lộc thôn địa phận.

* Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn xứ

Đông cận Cá Hô đà, lai Tân Thuận Đông thôn địa phận,

Tây cận Thốc Sơn đà,

Nam cận lâm, hựu cận hoang nhàn thổ,

Bắc cận đại giang, hoành đối Thới Thạnh Châu Hạ xứ.

* Thốc Sơn Đà Tả Ngạn xứ

Đông cận Thốc Sơn đà,

Tây cận Trà Uối đà, hựu cận lâm,

Nam cận lâm,

Bắc cận đại giang, hoành đối Thới Thạnh Châu Hạ xứ.

* Thới Thạnh Châu Hạ xứ

Đông cận đại giang,

Tây cận Thới Thuận thôn địa phận,

Nam cận đại giang, hoành đối Thốc Sơn Đà Tả Ngạn xứ,

Bắc cận đại giang, hoành đối Tân Lộc thôn địa phận.

TẠM DỊCH

Địa phận bổn thôn gồm ba xứ: Bờ Phải Rạch Thốc Sơn[5], Bờ Trái Rạch Thốc Sơn và Cù lao Thới Thạnh Dưới[6]

Đông giáp rạch Cá Hô[7], lại giáp địa phận thôn Tân Thuận Đông[8].

Tây giáp rạch Trà Uối[9], lại giáp địa phận thôn Thới Thuận[10].

Nam giáp rừng.

Bắc giáp sông lớn[11], đối ngang địa phận thôn Tân Lộc[12].

* Xứ Bờ Phải Rạch Thốc Sơn

Đông giáp rạch Cá Hô, lại giáp địa phận thôn Tân Thuận Đông,

Tây giáp rạch Thốc Nốc,

Nam giáp rừng, lại giáp đất hoang nhàn,

Bắc giáp sông lớn, đối ngang xứ Cù Lao Thới Thạnh Dưới.

* Xứ Bờ Trái Rạch Thốc Nốc

Đông giáp rạch Thốc Nốc,

Tây giáp rạch Trà Uối, lại giáp rừng,

Nam giáp rừng,

Bắc giáp sông lớn, đối ngang xứ Cù Lao Thới Thạnh Dưới.

* Xứ Thới Thạnh Châu Hạ:

Đông giáp sông lớn,

Tây giáp địa phận thôn Thới Thuận,

Nam giáp sông lớn, đối ngang xứ bờ tả rạch Thốc Nốc,

Bắc giáp sông lớn, đối ngang địa phận thôn Tân Lộc[9].

TẠM CHÚ GIẢI:

[1] 3301.0.1.0: Nghĩa là 3301 mẫu, 0 sào, 1 thước, 0 tấc.

[2] Sơn điền: Ruộng núi, ruộng gò, ruộng xấu.

[3] BTĐC: Bổn thôn đồng canh.

[4] Tên của ông dịch mục, theo góp ý của bạn Lê Minh Khiêm là “Khuê” [日奎] (bên trái là là bộ “nhật” 日, bên phải là chữ “khuê” 奎).

[5] Rạch Thốc Sơn: Nguyên văn là “Thốc Sơn đà” 禿 山 沱. Thốc Sơn là tên chữ, còn tên tục là Thốc Nốc. Thốc Nốc, trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (quyển 7) của Lê Quang Định (soạn xong vào năm 1806) chép là 禿 衄 (tờ 1003-(78a)). Địa danh Thốc Nốc về sau đổi thành Thốt Nốt 禿 碌. Victor Duvernoy, trong cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍 川 省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924) cho biết: Thốc Nốc là tên xưa, về sau đổi thành Thốt Nốt, và tiếng Thốc Nốc là do đọc trại từ tiếng Cam Bốt “Srok Nok” (ស្រុតនក), có nghĩa là “xứ sở của quan lại xưa”. (Sđd, tr.78).

[6] Cù lao Thới Thạnh Dưới: Cù lao (hay cồn) Tân Lộc ngày nay, theo địa bạ 3 thôn Thạnh Hòa Trung, Thới Thuận, Tân Lộc Đông lập năm 1836, gồm 2 châu: Sa Châu 沙 洲 (Cù lao Cát) và Thới Thạnh Châu 泰 盛 洲 (cù lao Thới Thạnh).

– Sa Châu (trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (quyển 7) chép tên Nôm là “Cù lao Cát” ([山/句] [山/勞]葛) thuộc thôn Tân Lộc Đông, tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.

– Thới Thạnh Châu (Cù lao Thới Thạnh) thuộc 2 thôn: 1- Xứ Thới Thạnh Châu Thượng (xứ Cù Lao Thới Thạnh Trên) từ đầu mõm đến khoảng đối ngang rạch Trà Uối thuộc thôn Thới Thuận; 2- Xứ Thới Thạnh Châu Hạ (xứ Cù Lao Thới Thạnh Dưới) từ khoảng ngang vàm rạch Trà Uối đến đuôi cù lao Thới Thạnh thuộc thôn Thạnh Hoà Trung. Chúng tôi nói như vậy là vì rạch Trà Uối là ranh giới giữa thôn Thới Thuận (gồm 3 xứ Nhuận Ốc Đà Hữu Ngạn, Nhuận Ốc Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Chậu Thượng) và thôn Thạnh Hòa Trung (gồm 3 xứ Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn và Thới Thạnh Châu Hạ), mà 2 xứ Nhuận Ốc Đà Hữu Ngạn và Nhuận Ốc Đà Tả ngạn thì đối ngang xứ Thới Thạnh Châu Thượng; còn Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn và Thốc Sơn Đà Tả Ngạn thì đối ngang với xứ Thới Thạnh Châu Hạ. Nói theo địa bạ 2 thôn Thới Thuận và Thạnh Hòa Trung thì như vậy, còn nếu căn cứ theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên (Plan topographique de l’arrondissement de Longxuyen) năm 1886 (về sau gọi tắt là Bản đồ Long Xuyên 1886) thì đường ranh giới giữa Thới Thạnh Châu Thượng và Thới Thạnh Châu Hạ là đường cắt đi ngang qua rạch Dâu. Nói cách khác, xứ Thới Thạnh Châu Thượng kéo dài từ đầu mõm đến rạch Dâu, xứ Thới Thạnh Châu Hạ thì từ rạch Dâu đến Xép Cồn Cò.

Có lẽ vì cù lao Thới Thạnh một phần thuộc thôn Thới Thuận, một phần thuộc thôn Thạnh Hòa Trung nên mới có mới có tên như vậy (Thới là chữ đầu của thôn Thới Thuận, Thạnh chữ đầu của thôn Thạnh Hòa Trung). Cù lao này, trong Đại Nam Nhất Thống Chí (An Giang tỉnh) chép là “Thốc Nốc Châu” 禿 衄 洲.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, thôn Thạnh Hoà Trung bị chia ra thành hai thôn: Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Lúc đó, Thới Thạnh Châu Hạ thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt. Theo Quyết định ngày 20/9/1879, làng Tân Lộc Đông bị tách một phần đất để thành lập làng Tân Lộc Tây, và theo Nghị định ngày 13/12/1919, 2 phần đất trên cù lao Thới Thạnh vốn thuộc thôn/làng Thới Thuận và thôn/làng Thạnh Hoà Trung Nhứt bị sáp nhập vào làng Tân Lộc Tây. Khoảng tháng 10/1989, 2 xã Tân Lộc Tây và Tân Lộc Đông hợp nhất thành xã Tân Lộc.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, xứ Thới Thạnh Châu Hạ (từ rạch Dâu đến xáp Cồ Cò) vốn thuộc thôn Thạnh Hòa Trung trễ lắm là từ năm 1836, đến đầu năm 1920 thì phần đất này bị cắt giao cho làng Tân Lộc Tây, rồi đến khoảng cuối năm 1989 thì xã Tân Lộc Tây hợp nhất với xã Tân Lộc Đông thành xã Tân Lộc.

[7] Rạch Cá Hô: Chữ “hô” [魚乎] (gồm bộ “ngư” 魚 bên trái và chữ “hồ” 乎 bên phải), Nguyễn Đình Đầu đọc là “hú”. Rạch Cá Hô là một con rạch nhỏ và ngắn, ở khoảng giữa rạch Bít Vàm và rạch Cần Thơ Bé. Trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (quyển 7) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hoá, năm 2003) có đoạn: “(…) bờ bên phải có rạch Thốt Nốt, rạch rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng hai bên đều có dân cư và ruộng vườn. 2.100 tầm, hai bên bờ đều có dân cư, đến rạch Cá Hồ, rạch ở bên phải, rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến đến cùng rừng chằm xanh tốt, không có dân cư”. (Sđd, tr.332). [Rạch] Cá Hồ (theo lời dịch của Phan Đăng), nguyên văn là 𩵜 呼, mà chữ 呼 cũng có thể đọc là “Hô” nên chúng tôi cho rằng con rạch này chính là [rạch] Cá Hô mà chúng ta đang xét.

[8] Thôn Tân Thuận Đông: Vào năm Gia Long thứ 15 [1816] thôn này thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1836, thôn Tân Thuận Đông cùng tổng với thôn Thạnh Hoà Trung, tức cùng thuộc tổng Định Phước huyện Tây Xuyên phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Theo Quyết định ngày 30-12-1876, làng Tân Thuận Đông bị cắt một phần đất để lập làng mới là Tân Hưng; lúc đó hai làng Tân Thuận Đông và làng Tân Hưng đều thuộc tổng Định Mỹ, hạt tham biện Long Xuyên. Theo Quyết định ngày 27-11-1934, hai làng Tân Thuận Đông và Tân Thuận Đông hợp nhất thành làng Thuận Hưng, lúc đó làng Thuận Hưng thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên. Theo Nghị định ngày 6-11-2007, xã Thuận Hưng bị cắt một phần đất để lập xã Tân Hưng, lúc đó cả 2 xã đều thuộc huyện Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ. Ngày nay, phường Thuận Hưng và phường Tân Hưng đều thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

[9] Rạch Trà Uối: Nguyên văn là “Trà Uối đà” 茶 椳 沱, Nguyễn Đình Đầu dịch là “rạch Trà Ổi”. Vì chữ “Ổi” được dùng làm hài thanh cho âm “Úi” [喂], nên hai chữ 茶 椳 có thể đọc là “Trà Úi”. Tên con rạch này, trên Bản đồ Long Xuyên 1886 ghi là “R. Trà Uốc”; còn trong cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍 川 省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924)) của Victor Duvernoy ghi là “Trà Uối” (Sđd, tr.16).

[10] Thôn Thới Thuận: Vào năm 1816 thôn này thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1836, thôn Tân Thuận Đông cùng tổng với thôn Thạnh Hoà Trung, tức cùng thuộc tổng Định Phước huyện Tây Xuyên phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Thôn này gồm 3 xứ: xứ Bờ Phải Rạch Nhuận Ốc, xứ Bờ Trái Rạch Nhuận Ốc và xứ Thới Thuận Châu Thượng. Về xứ Thới Thuận Châu Thượng, xin xem lại chú giải 3.

[11] Sông lớn: Ở đây là sông Hậu.

[12] Thôn Tân Lộc: Vì những người lập địa bạ thôn Thạnh Hoà Trung không nói rõ thôn Tân Lộc thuộc tổng nào, huyện nào, phủ nào nên chúng tôi tạm đoán thôn này nằm ở bên bờ tả sông Hậu, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên.

NÓI THÊM

1. Vào năm 1836, hầu hết các chủ đất đều là cư dân của “bổn thôn” – tức người trong thôn Thạnh Hoà Trung, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang, ví dụ như: – ông thôn trưởng Phạm Văn Ấn là chủ 1 sở điền (đất ruộng) 10 mẫu, 1 sở điền 8 mẫu 1 sào, 1 sở điền 4 mẫu 4 sào 12 thước; – ông dịch mục Huỳnh Văn Khỏe là chủ 1 sở điền 24 mẫu, 1 sở thổ (đất vườn) 2 mẫu…; một số ít còn lại là: – người cùng tổng nhưng khác thôn như ông Nguyễn Văn Cẩn thôn Thới Thuận, ông Thái Văn San là dịch mục thôn Tân Thuận Đông; – người khác thôn, khác tổng, khác huyện như ông Tiết Liêm Vinh ở thôn Tân Lộc, tổng An Phú, huyện Đông Xuyên; – người khác thôn, khác tổng, khác huyện, khác phủ như các ông Phạm Minh và Phan Văn San, Nguyễn Văn Chánh đều là người thôn Tân Đông, tổng An Thới, huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành.

Dù chủ điền là người trong thôn hay người khác thôn thì phía dưới tên họ của những người này đều ghi 2 chữ “分 耕” (phân canh). Như vậy “phân canh” là sở hữu chủ ruộng đất, bất kể người đó cư trú ở đâu, tức không phải như lời giải thích sau đây của Nguyễn Đình Đầu:

“分 耕 Phân canh (phần sở hữu của người trong làng)”

“附 耕 Phụ canh (thuộc sở hữu của người ngoài làng)” (Sđd, tr.25)

2. Trong sổ chủ ruộng đất là người trong thôn có một vị đặt biệt là ông Lê Văn Huề (梨文携), người đứng tên một sở điền 21 mẫu, và đứng tên cùng với Lê Văn Hội (梨文會) một sở điền 30 mẫu, một sở thổ 3 mẫu. Theo một số tài liệu mà hậu duệ đời thứ 9 còn lưu giữ, trong đó có văn bản cho biết vào năm Minh Mạng thứ 2 (1821), ông Lê Văn Huề, tước Huề Tài bá (携才伯), người thôn Thái Hòa Trung (泰和 中), phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh; lại có văn bản cho biết vào năm Minh Mạng thứ 10 [1829], bổn quán ông Lê Văn Huề là thôn Thạnh Hòa Trung (盛 和 中). Mộ phần của ông nay thuộc địa bàn phường Thạnh Hòa, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Mà địa bàn phường Thạnh Hòa, vào năm 1836 thuộc “Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn xứ”, tức xứ Bờ Phải Rạch Thốc Nốc.

Theo Gia Định thành thông chí (quyển 3) của Trịnh Hoài Đức, vào năm Gia Long thứ 15 (1816), huyện Vĩnh Định (chưa chia tổng) thuộc phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thành Gia Định, gồm 37 thôn, điếm; trong đó có các thôn: Bình Đức, Mỹ Phước mới lập, Mỹ Thạnh, Đại Hữu, Thới Thuận mới lập, Thới Hòa Trung, Tân Thuận Đông, Tân Lộc Đông, Thới Hưng… Xét theo thứ tự, rất có thể thôn Thới Hòa Trung (泰和 中) nằm giữa 2 thôn Thới Thuận và Tân Thuận Đông. Như vậy, rất có thể, trong khoảng 1821 đển 1829, thôn Thới Hòa Trung đổi tên thành Thạnh Hòa Trung (盛 和 中) (cần tìm hiểu thêm).

3. Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 8/1/1853 dl), thôn Thạnh Hòa Trung được vua Tự Đức ban Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng Chi Thần.

4. Thạnh Hoà Trung là một thôn rất lớn, tuy nhiên, lúc ban đầu phần lớn dân cư sinh sống tập trung khu vực phía bắc, ven bờ sông Hậu vì khu vực phía nam toàn là rừng. Dân số ngày càng tăng ngày càng tiến xa về phía nam, biến rừng thành đất canh tác. Đến năm 1836, đất thực canh khoảng 3.300 mẫu – gần tương đương với tổng số đất thực canh của 4 thôn nằm ven sông Hậu là Mỹ Phước, Mỹ Thanh, Thới Thuận, Tân Thuận Đông (cả 4 thôn này đều thuộc tổng Định Phước). Dân cư tiếp tục tăng, đất đai – đặt biệt là 2 bên bờ rạch Thốt Nốt – càng được khai phá thêm. Sau Pháp chiếm các tỉnh miền Tây, tỉnh An Giang thời nhà Nguyễn bị Pháp chia làm nhiều hạt thanh tra, lúc thôn Thạnh Hòa Trung, tổng Định Phước thuộc hạt thanh tra Đông Xuyên. Qua năm sau, hạt thanh tra Long Xuyên được thành lập theo Nghị định ngày 27/5/1868, tổng Định Phước đổi thuộc hạt thanh tra Long Xuyên. Trong khoảng 1868-1869, thôn Thạnh Hoà Trung bị chia tách thành 2 thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Đến năm 1877, làng Thạnh Hoà Trung Nhì bị cắt một phần đất để thành lập làng Thạnh An. Vào những năm đầu thế kỷ 20, chợ Thốt Nốt đã nổi tiếng là nơi bán ra lúa gạo và cá khô. Sở dĩ chợ Thốt Nốt nổi tiếng như vậy, một phần nhờ con rạch Thốt Nốt. Con rạch này vừa rộng vừa dài với nhiều chi lưu, nó giúp cho việc tưới tiêu ruộng đồng thuận lợi, lưu thông dễ dàng, tôm cá dồi dào.

Vào năm 1905, 3 làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, Thạnh Hòa Trung Nhì và Thạnh An đều thuộc tổng Định Mỹ, tỉnh Long Xuyên. Dân số 3 làng đó lần lượt là: 9.479 người, 6.346 người và 720 người.

Đến năm 1918, làng Thạnh Hoà Trung Nhì lại bị cắt đất để thành lập 2 làng mới là Thạnh Phú và Thạnh Quới. Lúc đó, 5 làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, Thạnh Hòa Trung Nhì, Thạnh An, Thạnh Phú, Thạnh Quới đều thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên. Đến đầu năm 1920, phần đất của làng Thạnh Hòa Trung nhứt trên cù lao Thới Thạnh bị cắt giao cho làng Tân Lộc Tây.

Vào năm 1924, làng Thạnh Hòa Trung Nhứt 盛 和 中 一 gồm 6 ấp: Lân Thạnh 麟 盛, Long Thạnh 龍 盛, Phụng Thạnh 鳳 盛, Phú Lộc 富 祿, Qui Thạnh 龜 盛, Tràng Thọ 長 壽; làng Thạnh Hoà Trung Nhì 盛 和 中 二 gồm 6 ấp: Thạnh Bình 盛 平, Thạnh Lộc 盛 祿, Thạnh Lợi 盛 利, Thạnh Phú 盛 富, Thạnh Phước 盛 福, Thạnh Quới 盛 貴; làng Thạnh An 盛 安 gồm 3 ấp: An Hoà 安 和, An Khương 安 康, An Thới 安 泰; làng Thạnh Phú 盛 富 gồm 4 ấp: Thạnh Hưng 盛 興, Thạnh Lộc 盛 祿, Thạnh Lợi 盛 利, Thạnh Phước 盛 福; làng Thạnh Quới 盛 貴 gồm 2 ấp: Lân Thạnh 麟 盛, Long Thạnh 龍 盛.

Năm 1930, 2 làng Thạnh Hòa Trung Nhì và Thạnh An hợp nhất thành làng Thạnh Hòa Trung An. Về sau, có thể là năm 1939 (cần tìm hiểu thêm), tên 2 làng Thạnh Hòa Trung Nhứt và Thạnh Hòa Trung An rút gọn thành Trung Nhứt và Trung An.

Năm 1958, xã Thạnh Quới bị cắt đất để lập xã Thạnh An (xin đừng lầm xã Thạnh An này với làng Thạnh An được thành lập năm 1877 và bị giải thể năm 1930 vì hợp nhất với làng Thạnh Hòa Trung Nhì thành làng Thạnh Hòa Trung An). Lúc đó 9 xã Thạnh Hoà Trung Nhứt, Thạnh Hoà Trung An, Thạnh Phú, Thạnh Quới, Thạnh An (5 xã này đều có gốc chung là thôn Thạnh Hòa Trung), Tân Lộc Tây (một phần của xã này vốn thuộc làng Thạnh Hòa Trung Nhứt), Tân Lộc Đông,Thuận Hưng và Thới Thuận đều thuộc quận Thốt Nốt, tỉnh An Giang.

Sau nhiều lần chia tách và sáp nhập, ngày nay quận Thốt Nốt thuộc thành phố Cần Thơ, gồm 9 phường: Thốt Nốt, Trung Kiên, Trung Nhứt (3 phường này vốn thuộc địa bàn thôn Thạnh Hòa Trung Nhứt 1868-1869), Thạnh Hòa (gồm một phần vốn thuộc thôn Thạnh Hòa Trung Nhứt 1868-1869 và một phần vốn thuộc một phần rất nhỏ của thôn Thạnh Hòa Trung Nhì 1868-1869), Tân Lộc (vốn thuộc 3 thôn Tân Lộc Đông, Thạnh Hòa Trung, Thới Thuận 1836), Thới Thuận, Thuận An (2 phường này vốn thuộc thôn Thới Thuận 1836), Tân Hưng, Thuận Hưng (2 thôn này vốn thuộc thôn Tân Thuận Đông 1836). Phần lớn (98-99%) địa bàn thôn Thạnh Hòa Trung Nhì 1868-1869, nay thuộc 2 huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.