Cao Văn Nghiệp – ĐỊA PHẬN THÔN TÂN THUẬN ĐÔNG NĂM 1836

Cá Vàng cùng với Buu Tho Quach và 3 người khác.

Yêu thích  · 2 giờ  · 

ĐỊA PHẬN THÔN TÂN THUẬN ĐÔNG NĂM 1836

(Tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang)

(Bổn cũ soạn lại)

Theo Trịnh Hoài Đức, trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 3), vào năm Gia Long thứ 15 (1815), huyện Vĩnh Định (chưa chia tổng), phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thành Gia Định, gồm 35 thôn (25 thôn đã lập từ trước + 10 thôn mới lập) và 2 xóm (điếm 坫). Trong số các thôn đã lập từ trước năm 1815 có thôn Tân Thuận Đông.

Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), theo Nguyễn Đình Đầu trong cuốn Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1994), Tân Thuận Đông là 1 trong số 13 thôn thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Trong số 13 thôn đó, có 9 thôn còn địa bạ: Mỹ Phước, Mỹ Thanh, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung, Thoại Sơn, Thới Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, Vĩnh Trinh; 4 thôn mất địa bạ: Mỹ Đức, Phú Hoà, Tân Lộc, Thới Hưng (Sđd, tr. 164, 165, 166, 254).

Nguyễn Đình Đầu nói như vậy, còn theo chúng tôi, vào năm 1836, tổng Định Phước chỉ có 11 thôn, gồm 9 thôn còn địa bạ: Mỹ Phước, Mỹ Thanh, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung, Thoại Sơn, Thới Thuận, Vĩnh Chánh, Vĩnh Phú, Vĩnh Trinh; 2 thôn mất địa bạ: Mỹ Đức, Phú Hòa; riêng 2 thôn Tân Lộc và Thới Hưng vẫn còn địa bạ nhưng không thuộc tổng Định Phước: thôn Tân Lộc thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên; thôn Thới Hưng thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành.

Về địa phận thôn Tân Thuận Đông, Nguyễn Đình Đầu đã trích dịch như sau:

“TÂN THUẬN ĐÔNG thôn, ở 4 xứ Cần Thơ, Cái Kỳ, Tham Đôn, Cái Rập (Bản đồ ghi là Cái Kè, Tham Rôn…).

. Đông giáp Bắc Dương và địa phận thôn Thới Hưng.

. Tây giáp rạch Cá Hú và địa phận thôn Thạnh Hoà Trung.

. Nam giáp rừng.

. Bắc giáp sông”. (Sđd, tr.256).

Dưới đây chúng tôi xin chép nguyên văn, tạm phiên âm, tạm dịch chú 5 đoạn trong địa bạ thôn Tân Thuận Đông 新順東, tổng Định Phước 定福, huyện Tây Xuyên 西川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江 do thôn trưởng Nguyễn Đốc Tín 阮篤信 và dịch mục Thái Văn Sơn 蔡文山 đồng khai bẩm, Nguyễn Văn Tuyên 阮文宣 biên chép.

NGUYÊN VĂN

本村地分芹苴, 丐棋, 貪[氵敦], 丐𣙫該肆處

東近北楊沱, 來泰興村地分,

西近𩵜[魚乎]沱, 來盛和中村地分,

南近林,

北近大江.

芹苴處

東近丐棋處,

西近𩵜[魚乎]沱, 來盛和中村地分,

南近林,

北近大江.

丐棋處

東近貪[氵敦]處,

西近芹苴處,

南近林,

北近大江.

貪[氵敦]處

東近丐𣙫處,

西近丐棋處

南近林,

北近大江.

丐𣙫處

東近北楊沱, 來泰興村地分,

西近貪[氵敦]處,

南近林,

北近大江.

TẠM PHIÊN ÂM

Bổn thôn địa phận Cần Thơ, Cái Kè, Tham Rôn, Cái Sộp cai tứ xứ

Đông cận Bắc Dàng đà, lai Thới Hưng thôn địa phận,

Tây cận Cá Hô đà, lai Thạnh Hoà Trung thôn địa phận,

Nam cận lâm,

Bắc cận địa giang.

* Cần Thơ xứ

Đông cận Cái Kè xứ,

Tây cận Cá Hô đà, lại Thạnh Hoà Trung thôn địa phận,

Nam cận lâm,

Bắc cận đại giang.

* Cái Kè xứ

Đông cận Tham Rôn xứ,

Tây cận Cần Thơ xứ,

Nam cận lâm,

Bắc cận đại giang.

* Tham Rôn xứ

Đông cận Cái Sộp xứ,

Tây cận Cái Kè xứ,

Nam cận lâm,

Bắc cận đại giang.

* Cái Sộp xứ

Đông cận Bắc Dàng xứ, lai Thới Hưng thôn địa phận,

Tây cận Tham Rôn xứ,

Bắc cận lâm,

Nam cận đại giang.

TẠM DỊCH

Địa phận bổn thôn ở bốn xứ Cần Thơ[1], Cái Kè[2], Tham Rôn[3], Cái Sộp[4],

Đông giáp rạch Bắc Dàng[5], lại giáp địa phận thôn Thới Hưng[6],

Tây giáp rạch Cá Hô[7], lại giáp địa phận thôn Thạnh Hoà Trung[8],

Nam giáp rừng,

Bắc giáp sông lớn[9].

* Xứ Cần Thơ

Đông giáp xứ Cái Kè,

Tây giáp rạch Cá Hô, lại giáp địa phận thôn Thạnh Hoà Trung,

Nam giáp rừng,

Bắc giáp sông lớn.

* Xứ Cái Kè

Đông giáp xứ Tham Rôn,

Tây giáp xứ Cần Thơ,

Nam giáp rừng,

Bắc giáp sông lớn.

* Xứ Tham Rôn

Đông giáp xứ Cái Sộp,

Tây giáp xứ Cái Kè,

Nam giáp rừng,

Bắc giáp sông lớn.

* Xứ Cái Sộp

Đông giáp xứ Bắc Dàng, lại giáp địa phận thôn Thới Hưng,

Tây giáp xứ Tham Rôn,

Bắc giáp rừng,

Nam giáp sông lớn.

TẠM CHÚ GIẢI:

[1] Xứ Cần Thơ: Từ “xứ” ở đây có thể hiểu xóm. Xứ Cần Thơ có thể hiểu là xóm dân ở lưu vực rạch Cần Thơ. Con rạch này, trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên năm 1886 (Plan topographique de l’arrondissement de Longxuyen) – ở sau gọi tắt là Bản đồ Long Xuyên 1886 – ghi là Cần Thơ Bé. Như vậy, trễ lắm là vào năm 1886, rạch Cần Thơ được gán thêm chữ “Bé”, có lẽ là để phân biệt với rạch Cần Thơ ở Cần Thơ. Cũng theo bản đồ này, khoảng gần cuối rạch Cần Thơ Bé có một khu vực được ghi là “Enclave”. Rất có thể đây cụm dân cư người Khmer. Và rất có thể tên Cần Thơ (tiền thân của Cần Thơ Bé) có nguồn gốc từ tiếng Khmer là Kantho កន្ធរ nghĩa là cá sặc rằn, có nơi gọi là cá lò tho.

[2] Xứ Cái Kè: là xóm dân ở lưu vực rạch Cái Kè. Chữ 棋 có khá nhiều âm, trong đó có cả âm “kỳ” và âm “kè”, Nguyễn Đình Đầu chọn âm “kỳ”, chúng tôi chọn âm “kè” vì tên rạch Cái Kè được ghi trên Bản đồ Long Xuyên 1886. Kè có thể là cây kè, còn gọi là cây kè nam, cây lá nón; lá thường dùng lợp nhà, làm nón, làm chổi; tên khoa học là Livistona saribus, họ Arecaceae (Cau dừa). Rạch Cái Kè có người gọi là rạch Cả Kè.

[3] Xứ Tham Rôn: là xóm dân ở lưu vực rạch Tham Rôn. Chữ [氵敦] (gồm bộ “thuỷ” 氵 bên trái + chữ “đôn” 敦 bên phải), Nguyễn Đình Đầu phiên đọc là “đôn”, chúng tôi đọc là “rôn” vì chữ “đôn” 敦 được dùng làm âm phù cho chữ “rổn” (gồm bộ “khẩu” 口 bên trái + chữ “đôn” 敦 bên phải). Vả lại tên rạch Tham Rôn được ghi trên Bản đồ Long Xuyên 1886 và trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924) của Victor Duvernoy. Tham Rôn còn là tên cầu, tên chợ, tên kinh (kênh). Tên cầu, tên rạch và tên kinh Tham Rôn được ghi nhận trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên 1924. Tên rạch và tên kinh Tham Rôn cũng được ghi nhận trong cuốn Địa phương chí tỉnh An Giang 1963. Không rõ từ năm nào, địa danh này đổi gọi là Thơm Rơm. Dầu bị đổi tên như vậy, đến nay vẫn còn một số người lớn tuổi còn nhớ đến tên gọi Tham Rôn. Nguồn gốc địa danh Tham Rôn rất có thể là do tiếng Khmer Sàmrôn សំរោង nghĩa là cây trôm (mủ trôm thường dùng làm nước giải khát).

[4] Xứ Cái Sộp: thuộc lưu vực rạch Cái Sộp. Chữ 𣙫 (gồm bộ “mộc” 木 bên trái + chữ “lạp” 笠 bên phải) có thể đọc là “sộp” hoặc “xộp”. Có lẽ do chữ “lạp” 笠 có thể đọc là “rập” (âm Nôm) nên Nguyễn Đình Đầu đọc chữ 𣙫 là “rập”. Sộp có thể là cây sộp, tên khoa học là Ficus pisocarpa. Rạch Cái Sộp là một chi lưu của rạch Bắc Dàng.

[5] Rạch Bắc Dàng: Chữ 楊 có âm Hán Việt là “dương”, âm Nôm là “dương”, “dàng”, “thang”, Nguyễn Đình Đầu chọn âm “dương”, chúng tôi tạm chọn âm “dàng”. Tên rạch này, trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Cần Thơ 1890 (Plan topographique de l’arrondissement de Cantho) ghi là R. Bác Vàng, trên Bản đồ tỉnh Cần Thơ 1910 (Carte de la province de Cantho 1910) ghi là R. Bắc vàng. Ngày nay, con rạch này được gọi là Bắc Vàng.

[6] Thôn Thới Hưng: Vào năm 1836, thôn này thuộc tổng Định Thới, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Ngày nay, Thới Hưng là một xã thuộc huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

[7] Rạch Cá Hô: Chữ “hô” [魚乎] (gồm bộ “ngư” 魚 bên trái + chữ “hồ” 乎 bên phải), Nguyễn Đình Đầu đọc là “hú”, nhưng trên thực tế, tên con rạch này là Cá Hô. Rạch này nhỏ có 2 nhánh, ở khoảng giữa rạch Bít Vàm và rạch Cần Thơ Bé. Phía bên cù lao Tân Lộc cũng có rạch Cá Hô. Hai vàm rạch Cá Hô gần như đối ngang nhau.

[8] Thôn Thạnh Hoà Trung: Vào năm 1836, thôn này cùng tổng với thôn Tân Thuận Đông. Thôn được vua Tự Đức ban sắc thần vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm 8-1-1953). Theo Bản đồ Nam Kỳ (Carte de la Cochinchine-française) được cho là vẽ năm 1874, tên Thạnh Hòa Trung vẫn còn. Không rõ vào năm nào, thôn này bị chia tách thành 2 thôn: Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Năm 1877, làng Thạnh Hoà Trung Nhì bị tách một phần đất để thành lập làng Thạnh An (xin đứng lầm với xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ). Cả 3 làng Thạnh Hòa Trung Nhứt, Thạnh Hòa Trung Nhì và Thạnh An (tổng Định Mỹ, hạt tham biện Long Xuyên) đều được ghi tõ trên Bản đồ Long Xuyên 1886. Sau nhiều lần chia tách thành khá nhiều xã/ phường, ngày nay có một số phường thuộc quận Thốt Nốt, một số xã thuộc huyện Cờ Đỏ và một số xã thuộc huyện Vĩnh Thạnh.

[9] Sông lớn: ở đây là sông Hậu.

NÓI THÊM

Ở trên chúng tôi đã nói, thôn Tân Thuận Đông thuộc nhóm 25 thôn đã được thành lập trước năm 1815, và vào năm 1815 thôn này thuộc huyện Vĩnh Định, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, thành Gia Định. Đến năm 1832, khi tỉnh An Giang được thành lập thì thôn này thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Đầu năm 1853, thôn được vua Tự Đức ban Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 8-1-1853 dương lịch). Cũng như nhiều sắc thần được vua Tự Đức ban năm Tự Đức thứ 5, Sắc thần thôn Tân Thuận Đông chỉ ghi Tây Xuyên huyện Tân Thuận Đông thôn 西川縣新順東村, tức không ghi tên tổng và tên tỉnh.

Theo truyền thuyết được ghi trong Lý lịch di tích lịch sử – văn hóa đình Thuận Hưng do Bảo tàng Thành phố Cần Thơ biên soạn năm 2006, vào năm 1835, sau khi loạn Lê Văn Khôi bị dẹp yên, một trong các thuộc tướng là ông Lê Văn Liễu (người làng Chí Long, huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên) cùng một số thủ hạ chạy đến Tân Thuận Đông ẩn náo và lập nghiệp luôn ở đây. Ông Lê Văn Liễu là người có công dựng đình Tân Thuận Đông, và vào năm 1848, ông cùng một số dân trong thôn dâng sớ xin vua Tự Đức ban Sắc thần và được nhà vua chuẩn y. Trong lần cúng Thượng điền (14 tháng 4 âm lịch năm 1851), bất ngờ hỏa hoạn xảy ra lúc nửa đêm, toàn bộ Chính điện và Sắc thần bị cháy rụi. Sau đó, ông Lê Văn Liễu vận động người dân góp công góp của để xây dựng lại. Do công đức đó mà, sau khi mất, dân trong thôn tôn ông làm tiền hiền và thờ phụng trong đình. Người con rễ của ông là Thái Văn Sơn thừa kế sự nghiệp của cha vợ, tiếp tục trông coi ngôi đình. Giữa năm 1852, ông Thái Văn Sơn ra kinh đô Huế xin tái cấp Sắc thần, đến đầu năm 1853, vua Tự Đức tái cấp Sắc thần.

Theo Tiểu truyền Tiền hiền Hậu hiền đình Tân Thuận Đông, Tiền hiền là Lê Văn Liễu 黎文柳 sinh quán tại tỉnh Quảng Trị 廣治, nước Đại Nam 大南. (Tài liệu do Văn Sáng cung cấp).

Tra trong địa bạ thôn Tân Thận Đông 1836, chúng tôi thấy ông dịch mục Thái Văn Sơn 蔡文山 có một sở điền (đất ruộng) 24 mẫu và một sở thổ (đất vườn) 1 mẫu 3 sào; ông thôn trưởng Nguyễn Đốc Tín 阮篤信 có một sở điền 7 mẫu. Nếu chúng tôi không lầm thì trong địa bạ này không có tên ông Lê Văn Liễu.

Ngoài các rạch Cần Thơ (nay là Cần Thơ Bé), Cái Kè, Tham Rôn (nay là Thơm Rơm), Cái Sộp, Bắc Dàng (nay là Bắc Vàng), Cá Hô nêu trên, chúng tôi thấy trong địa phận thôn Tân Thuận Đông còn có rạch Cái Sơn (Cái Sơn đà 丐山沱). Chúng tôi chưa biết vị trí cụ thể của con rạch này, chỉ biết sở thổ 1 mẫu của ông Nguyễn Văn Giáo 阮文教 đông giáp rạch Cần Thơ, tây giáp sở điền của ông, nam giáp sở thổ cũng của ông và giáp rạch Cái Sơn. Mà sở điền 12 mẫu của ông Nguyễn Văn Giáo này thì tây và nam đều giáp rạch Cần Thơ.

Ngoài những chủ sở điền (chủ đất ruộng) là người trong thôn, trong địa bạ thôn Tân Thuận Đông còn ghi nhận những chủ sở điền là người khác thôn, ví dụ như Nguyễn Văn Luận là người cùng tổng nhưng thuộc thôn Thới Thuận; Huỳnh Văn Quả là người thôn Tân Long, tổng An Thới, huyện Vĩnh An. Dưới tên các chủ sở điền đó, dù là người trong thôn hay người khác thôn, đều được ghi 2 chữ 分耕 (phân canh), tức không phải như nhận định sau đây của Nguyễn Đình Đầu:

“分耕 Phân canh (phần sở hữu của người trong làng.

附耕 Phụ canh (thuộc sở hữu của người ngoài làng)” (sđd, tr.25)

Về đơn vị mẫu trong địa bạ lập năm 1836, theo Nguyễn Đình Đầu, rộng 4.894m2 4016 (Sđd, tr.58), một số tài liệu khác cho biết 1 mẫu bằng 4.970m2.

Sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây và sau khi thành lập hạt thanh tra Long Xuyên khoảng tháng 6-1868, thôn Tân Thuận Đông thuộc tổng Định Phước, hạt thanh tra Long Xuyên. Khoảng năm 1870, thôn Tân Thuận Đông đổi thuộc tổng Định Mỹ mới lập. Khoảng đầu năm 1876, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (thường gọi tắt là hạt), thôn đổi gọi là làng. Khoảng đầu năm 1877, làng Tân Thuận Đông bị cắt một phần đất để lập làng mới là Tân Hưng (theo Quyết định ngày 30-12-1876).

Đầu năm 1900, hạt tham biện Long Xuyên đổi thành tỉnh Long Xuyên. Lúc đó dân số 2 làng Tân Thuận Đông và Tân Hưng lần lượt 2.581 người và 512 người.

Năm 1909, quận Thốt Nốt được thành lập gồm 2 tổng An Phú và Định Mỹ. Lúc đó 2 làng Tân Thuận Đông và Tân Hưng đều thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên. Khoảng năm 1924, làng Tân Thuận Đông 新順東gồm 5 ấp: Tân An 新安, Tân Bình 新平, Tân Phú Nhì 新富貳, Tân Phú Nhứt 新富壹, Tân Thạnh 新盛; làng Tân Hưng 新興 gồm 3 ấp: Tân Bình 新平, Tân Lợi 新利, Tân Thạnh 新盛.

Đến khoảng cuối năm 1934, hai làng Tân Thuận Đông và Tân Hưng hợp nhất thành làng Thuận Hưng (theo Quyết định ngày 27-11-1934). Làng Thuận Hưng mới lập cũng thuộc tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên.

Sau năm 1956, làng đổi gọi là xã, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt đổi thuộc tỉnh An Giang. Sau 30-4-75, quận đổi thành huyện, huyện Thốt Nốt đổi thuộc tỉnh Cần Thơ. Khoảng tháng 3 năm 1976, huyện Thốt Nốt đổi thuộc tỉnh Hậu Giang mới lập. Khoảng đầu năm 1992, huyệm Thốt Nốt đổi thuộc tỉnh Cần Thơ.

Khoảng đầu năm 2024, huyện Thốt Nốt đổi thuộc thành phố Cần Thơ mới lập.

Khoảng cuối năm 2007, xã Thuận Hưng bị cắt một phần đất để lập xã Tân Hưng (Nghị định ngày 6-11-2007).

Khoảng đầu năm 2009, xã Tân Hưng và xã Thuận Hưng đổi thành phường Tân Hưng và phường Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt đổi thành quận Thốt Nốt.