ĐỊA GIỚI THÔN AN HOÀ NĂM 1836

Tác giả Cao Văn Nghiệp https://www.facebook.com/groups/404960459909117/permalink/497746893963806/

Vào năm 1836 (Minh Mạng thập thất niên), tỉnh An Giang gồm 2 phủ: Tân Thành và Tuy Biên. Phủ Tuy Biên gồm 2 huyện: Đông Xuyên và Tây Xuyên. Huyện Đông Xuyên gồm 4 tổng: An Lương, An Phú, An Thành và An Toàn. Tổng An Phú gồm 7 thôn: An Hoà, Bình Thành Tây, Định An, Long Hậu, Nhơn Hoà, Tân Bình và Tân Lộc.

“AN HOÀ thôn, ở 3 xứ Cái Sức, Châm Ba Châu, Cái Cùng Châu.

– Đông giáp sông và 2 thôn Định An và Bình Thành Tây.

– Tây giáp địa phận thôn Kiến Thạnh (tổng An Toàn).

– Nam giáp sông, nhìn sang thôn Mỹ Phước (tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên), lại giáp thôn Bình Thành Tây.

– Bắc giáp giáp địa phận thôn Bình Thành Tây, lại giáp thôn Kiến Thạnh (tổng An Toàn)”.

(Theo Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang, Nxb Tp. HCM, năm 1995, trang 229).

Dưới đây chúng tôi xin trích dịch một đoạn trong nguyên tác địa bạ thôn An Hoà 安和, tổng An Phú 安富, huyện Đông Xuyên 東川, tỉnh An Giang 安江 do thôn trưởng Trần Văn Nhi 陳文而 và dịch mục Nguyễn Văn (?) 阮文[梘斤][1].

NGUYÊN VĂN:

本村地分丐飭, 針[氵巴]洲, 丐窮洲該参處.

東近江, 又近本總定安, 平城西貳村地分.

西近安全總, 建盛村地分.

南近江, 又橫対西川縣, 定福總, 美福村地分, 又近本總平城西村地分.

北近本總平城西村地分, 又近安全總, 建盛村地分.

丐飭處:

東近江, 又近本總定安村地分.

西近安全總, 建盛村地分.

南近江.

北近本總平城西村地分.

針[氵巴]洲處:

東近江.

西近江.

南近江, 又近西川縣, 定福總, 美福村地分.

北近江.

丐窮洲處:

東近江.

西近江.

南近江, 又近西川縣, 定福總, 美福村地分.

北近江.

TẠM PHIÊN ÂM:

Bổn thôn địa phận Cái Sức[2], Châm Ba châu[3], Cái Cùng châu cai tam xứ.

– Đông cận giang[4], hựu cận bổn tổng Định Yên[5], Bình Thành Tây nhị thôn địa phận.

– Tây cận An Toàn tổng, Kiến Thạnh thôn địa phận.

– Nam cận giang, hựu hoành đối Tây Xuyên huyện, Định Phước tổng, Mỹ Phước thôn địa phận, hựu cận bổn tổng Bình Thành Tây thôn địa phận.

– Bắc cận bổn tổng Bình Thành Tây thôn địa phận, hựu cận An Toàn tổng, Kiến Thạnh thôn địa phận.

Cái Sức xứ:

– Đông cận giang, hựu cận bổn tổng Định Yên thôn địa phận.

– Tây cận An Toàn tổng, Kiến Thạnh thôn địa phận.

– Nam cận giang.

– Bắc cận bổn tổng Bình Thành Tây thôn địa phận.

Châm Ba châu xứ:

– Đông cận giang.

– Tây cận giang.

– Nam cận giang, hựu cận Tây Xuyên huyện, Định Phước tổng, Mỹ Phước thôn địa phận.

– Bắc cận giang.

Cái Cùng châu xứ:

– Đông cận giang.

– Tây cận giang.

– Nam cận giang, hựu cận Tây Xuyên huyện, Định Phước tổng, Mỹ Phước thôn địa phận.

– Bắc cận giang.

TẠM DỊCH:

Địa phận bổn thôn gồm cả 3 xứ: Cái Sức, cù lao Châm Ba, cù lao Cái Cùng.

– Đông giáp sông, lại giáp địa phận 2 thôn Định An và Bình Thành Tây của bổn tổng.

– Tây giáp địa phận thôn Kiến Thạnh của tổng An Toàn.

– Nam giáp sông, lại đối ngang địa phận thôn Mỹ Phước của tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, lại giáp địa phận thôn Bình Thành Tây của bổn tổng.

– Bắc giáp địa phận thôn Bình Thành Tây của bổn tổng, lại giáp địa phận thôn Kiến Thạnh của tổng An Toàn.

Xứ Cái Sức:

– Đông giáp sông, lại giáp địa phận thôn Định An của bổn tổng.

– Tây giáp địa phận thôn Kiến Thạnh của tổng An Toàn.

– Nam giáp sông.

– Bắc giáp địa phận thôn Bình Thành Tây của bổn tổng.

Xứ Cù lao Châm Ba:

– Đông giáp sông.

– Tây giáp sông.

– Nam giáp sông, lại giáp địa phận thôn Mỹ Phước của tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên.

– Bắc giáp sông.

Xứ Cù lao Cái Cùng:

– Đông giáp sông.

– Tây giáp sông.

– Nam giáp sông, lại giáp địa phận thôn Mỹ Phước của tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên.

– Bắc giáp sông.

TẠM CHÚ GIẢI:

[1] Chúng tôi chưa đọc được tên của ông dịch mục này. Nguyên văn là: [梘斤] (gồm chữ “kiến” 梘 bên trái và chữ “cân” 斤 bên phải).

[2] Cái Sức 丐飭: Bạn hồ văn ưng nêu ý kiến về địa danh này, đại khái như sau: “Ở địa phương có cách giải thích về địa danh CÁI SỨC lắm, bác học có, bình dân có, nhưng thực sự đây là một danh từ cổ của người Việt. Viết đúng là CÁI SỨT, nó chỉ chỗ sông bên này sứt thấu qua sông bên kia. Rất may Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của còn ghi lại (trang 935 Nxb Trẻ). Cái Sứt trước kia là một cù lao mỏng nằm giữa sông Hậu và rạch Cái Dầu. Đoạn rạch Cái Dầu – Vàm Cống lúc đầu rất lớn, do nước xoáy, sóng vỗ một đoạn cù lao bị sụt lở tạo thành rạch. Sau này phù sa bồi lắng rạch Cái Dầu nhỏ lại, cồn Cái Sứt phình to, trù phú, tên của nó cũng biến dạng đi”.

Ở trên là ý kiến của bạn hồ văn ưng. Chúng tôi xin nói thêm là chữ “Sứt” (trong “Cái Sứt”), Huình Tịnh Paulus Của chép là 叱 (âm Hán Việt là Sất).

[3] Châm Ba châu 針[氵巴] 洲: tức cù lao Châm Ba. Chữ “Ba” [氵巴] (gồm bộ thuỷ 氵 và chữ “ba” 巴), trong sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí, Lê Quang Định soạn xong năm 1806, chép là 𠀧 (tờ 1005- (77a). Cù lao này có lẽ nằm gần vàm rạch Châm Ba. Con rạch này, trong sách vừa nêu chép là “Châm Ba xẻo” 針𠀧[氵+巧] (tờ 1005- (77a). Ngày nay, con rạch này được gọi rạch Tầm Pha.

[4] Giang 江: sông, ở đây là sông Hậu.

[5] Định An thôn 定安村: Chữ 安 có thể đọc là An hoặc Yên. Rất có thể hồi mới thành lập, thôn này có tên là Định An. Về sau, trễ lắm là vào năm 1899, làng (thôn đã đồi thành làng) này được gọi là Định Yên (theo Lịch Annam thông dụng trong Nam Kỳ – Tuế thứ Đinh Dậu 1899, Toà Thông ngôn quan Thống đốc, Nhà in Quản hạt, Saigon, 1989, trang 224). Năm 1924, làng Định Yên 定安 gồm 7 ấp đều bắt đầu bằng chữ An 安: An Bình, An Hoà, An Khương, An Lạc, An Lợi, An Ninh, An Phong (theo Victor Duvernoy, Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, năm 1924, trang 50). Bạn hồ văn ưng nói rằng “Ông bà tôi khi xưa đều nói mình là người Định Yên, tổng An Phú, chẳng thấy ai trước kia nói mình là dân xứ Định An mặc dù có nhiều người biết chữ NHO”.

Năm 1984, xã (làng đã đổi thành xã) Định Yên bị cắt một phần đất để lập xã mới là Định An.

NÓI THÊM:

Năm 1924, làng An Hoà thuộc tổng An Phú, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên, gồm 6 ấp: An Mỹ 安美, An Lương 安良, An Quới 安貴, An Thái 安泰, An Thạnh 安盛, An Thuận 安順.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *