BÁT & CẠY

Trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 4) của Trịnh Hoài Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019) có đoạn sau đây nói về “bát” 扒 và “cạy” 𢭄:

Nguồn: Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02fyvU3ujBbV3saJTed7WoQmXBdEQCt62Upf5UBD9DMj4WFU5245LKBSGZX7Gvv98il

“Ở Gia Định chỗ nào cũng có ghe thuyền, lấy thuyền làm nhà, hoặc để đi chợ, thăm bà con, chở gạo củi đi buôn bán, rất tiện lợi. Ghe thuyền đi lại chật sông, ngày đềm nối đuôi nhau, cho nên nhiều khi đụng nhau bị hư hỏng rồi đi kiện, nhưng ai phải quấy thì thật khó xử đoán cho đúng lẽ. Bấy giờ có quan Điều khiển Tham mưu Đồn Dinh là Nghi Biều hầu [Nguyễn Cư Trinh] có lệnh, rằng ghe thuyền đi bất kể dòng nước chiều gió thuận hay nghịch, khi gần gặp nhau thì đều phải hô bát (tục gọi ghe đi phía trái là cạy, đi phía phải là bát) thì ghe mình đi về phía phải, ghe kia cũng đi về phía phải để thuận lái cho dễ điều khiển mà tránh nhau. Nếu ghe này đã hô bát mà ghe kia còn đi về phía trái không tránh để dụng nhau làm hư hỏng, thì lỗi của ghe không tránh kia. Còn như có biện bạch chưa chịu phục, thì xét ghe nào chở nhẹ hơn và đi thuận dòng nước, thừa thế chạy mau, thì ghe đó bị lỗi. Cho nên ngày nay người đi ghe muốn bảo nhau để tránh, thì chỉ hô tiếng bát; còn khi hô cạy, là lúc ghe thuyền cặp bến mà gặp gió hay mắc cạn, có sự cố gì thì mới hô cạy, nên ít khi hô như vậy, đó là nhất định khi đi ghe.” (tr.497, 498).

Như vậy, theo ghi nhận của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí 1820, tục gọi ghe đi phía trái là cạy, đi phải gọi là bát (“tả hành viết cạy, hữu hành viết bát” 右行曰扒, 左行曰扒) và Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh từng ban lệnh rằng, khi hai ghe thuyền đi ngược chiều nhau thì đều phải hô “bát” và cả hai cùng lái ghe thuyền về bên tay phải để tránh nhau.

Liên quan đến Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh, trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 3) có đoạn sau đây:

“Quý Dậu, năm thứ 16 [1753] (Lê Hiến Tông Cảnh Hưng thứ 14, Đại Thanh Càn Long thứ 18), mùa đình sai Cai đội Thiện Chánh hầu làm Thống suất, Ký lục Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh làm Tham mưu, điều khiển tướng sĩ 5 dinh: Bình Khang, Bình Thận, Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ (chức Điều khiển được thiết lập từ đây) đi kinh lược đất Cao Miên, quan quân đóng ở xứ Bến Nghé, lập dinh trại, gọi là Đồn Dinh (nay là chợ Điều Khiển), kén binh luyện tập, điều độ lương thảo, tính kế mở mang.” (tr.290).

Căn cứ vào đoạn trên chúng tôi tạm phỏng đoán rằng, lệnh hô “bát” được Nghi Biểu hầu Nguyễn Cư Trinh ban hành sớm lắm là vào năm Quý Dậu 1753.

Trong bài Địa danh “Ngả Bát” & “Ngả Cạy” (https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/7287899001234737) chúng tôi đã trích dẫn đầy đủ lời giảng của Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị 1895 (Quyển thứ nhứt) về từ BÁT 捌 và từ CẠY 𢭄 nên ở đây chúng tôi chỉ xin ghi lại ý chính như sau: Bát là khiến thuyền đi tay mặt, Cạy là khiến thuyền đi qua tay trái.

Có điều thú vị là từ BÁT và từ CẠY có liên quan đến việc di chuyển bằng đường thuỷ cũng từng được Alexandre de Rhodes ghi nhận Từ điển Việt Bồ La 1851 (Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum 1651) và giảng như sau:

“bát: bombordo; latus dextrum nauis” (tr.30).

“cạy: Vivar o leme a eflibordo; gubecnaculum ad finiferam flectere.” (tr.80)

Tạm dịch:

Bombordo: tiếng Bồ Đáo Nha, nghĩa là bên trái con thuyền.

Latus dextrum nauis: tiếng La Tinh, nghĩa là bên phải con thuyền.

Vivar o leme a eflibordo: tiếng Bồ Đào Nhà, nghĩa là xoay bánh lái sang trái.

Gubecnaculum ad finiferam flectere: tiếng La Tinh, nghĩa là quay bánh lái về phía đuôi thuyền.

Vì không rành tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh nên chúng tôi dựa vào Google dịch và một số trạng mạng khác mà tạm dịch như trên. Rất có thể lời tạm dịch đó không đúng vì lẽ nào BÁT vừa là “bombordo” (bên trái con thuyền) vừa là “latus dextrum nauis” (bên phải con thuyền)? Còn lời tạm dịch liên quan đến từ CẠY cũng không thông. Chính vì vậy mà chúng tôi rất mong quý vị và các bạn giải thích hộ lời giảng của Alexandre de Rhodes về 2 từ BÁT và CẠY để chúng ta hiểu đúng hơn. Xin chân thành cám ơn trước.

Đồng Sầm

Ở Châu Thành, Hậu Giang có kinh Ngã Bát, kinh Ngã Cạy.

Nhân đây em bổ sung thêm, khi điều khiển trâu cày, người ta cũng có cách hô tương tự (trâu hiểu). Đó là THÁ (quẹo trái), DÍ (quẹo phải), DÒ (dừng).

Cá Vàng

CỘT CHÈO MŨI & CỘT CHÈO LÁI

Nếu tôi không nhớ lầm thì:

– Ghe 1 chèo (1 lái): cột chèo lái (cọc chèo bánh) ở bên trái.

– Ghe 2 chèo (1 mũi, 1 lái): cột chèo mũi ở bên phải, cột chèo lái ở bên trái.

– Ghe 3 chèo (2 mũi, 1 lái): cột chèo gần mũi nhất cũng ở bên phải, cột chèo lái cũng ở bên trái.

Có lẽ vì vị trí các cột chèo như vậy nên Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị 1895, mới giảng như sau:

“Cạy bát: Thường nói về sự chèo ghe, khiến đi qua TAY MẶT, HAY LÀ BÊN CỌC CHÈO MŨI, thì kêu là bát, khiến đi bên phía TAY TRÁI HAY LÀ BÊN CỌC CHÈO BÁNH, thì kêu là cạy.” (tr.40)

Cá Vàng

Ghe 3 chèo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *