CÁI TÁU

Người miền Tây hồi xưa có câu: “Lấy táu đong lúa chớ không ai lấy táu đong chữ”. “Táu” trong câu vừa nêu có thể hiểu là cái táu, tức dụng cụ dùng để thể tích. “Táu” cũng là đơn vị thể tích bằng “nửa giạ”.

Huình Tịnh Paulus Của 1896, trong Đại Nam quấc âm tự vị, dùng chữ “奏” (âm Hán Việt là “tấu”) để ghi âm TÁU và cho biết: “Cái táu [là] cái lường nhỏ bằng nửa giạ, đồ đong muối”.

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0E7NonUZyEHHc6qw1yZAD7NVHRhVQMniHXYuVUAWmXp7hp6jmkwfzVfWy83SVCPc7l

J.F.M. Génibrel 1898, trong Dictionnaire Annamite-Français, dùng chữ “楱” (âm Hán Việt là “thấu”) để ghi âm TÁU và cho nghĩa của một trong các nghĩa nó là “Nom d’une mesure pour les grains.” [Tạm dịch: Tên một dụng đo [thể tích] các loại hạt.] và tác giả này cho biết thêm “Hai táu một giạ: Deux táu font un giạ.” (https://chunom.org/pages/genibrel/#730)..

Jean Bonet 1889, trong Dictionnaire Annamite-Français, cũng dùng chữ “奏” (âm Hán Việt là “tấu”) để ghi âm TÁU và cho biết: “Cái táu” có nghĩa là “Mesure pour le grain (demi giạ, environ 15 kilog.) [Tạm dịch: Đo lường [các loại] hạt (nửa giạ, khoảng 15 ký)]. (https://chunom.org/pages/bonet/#706).

Lê Ngọc Trụ 1959, trong Việt ngữ chánh tả tự vị, cho biết một trong 3 nghĩa của “Táu” như sau:

“Táu 👎 1. < đấu 斗, đồ đong lường bằng nửa giạ, để đong muối.” (tr.445)

Như vậy, theo Lê Ngọc Trụ, từ nguyên của “táu” là “đấu” 斗.

Trong bài Cái giạ”, NNC Lê Công Lý giải thích về từ GIẠ như sau:

“Dân Nam Bộ có thói quen tính lúa gạo theo đơn vị tính là GIẠ.

Nay ai cũng biết 1 giạ = 40 lít. Mấy chục năm trước, giạ được đong bằng THÙNG QUAN. Thùng nầy hình trụ, có hai loại: loại 20 lít ( = nửa giạ) và loại 40 lít ( = 1 giạ).

Nhưng đó là GIẠ TÂY. Còn GIẠ TA chỉ có khoảng 36 lít và được đong bằng cái GIẠ TA hình hộp chữ nhựt thiết diện vuông. Cái cỡ đó kêu là GIẠ CHIẾC, còn cái bự gấp đôi (cỡ 72 lít) kêu là GIẠ ĐÔI. Nge thời nge vậy chớ chưa ngó thấy cái GIẠ TA bao giờ. Vậy mà hôm qua Bà hú có ngó thấy đặng ở Long An.” (https://www.facebook.com/le.congly.71/posts/4802546816443592)

Cái mà Lê Công Lý “ngó thấy ở Long An” là cái GIẠ TA ( = 36 lít) làm bằng gỗ. Vì táu = nừa giạ và tương đương khoảng 15 ký (theo Jean Bonet 1889) nên chúng tôi tạm cho rằng từ TÁU được ghi nhận trong các từ vị và từ điển mà chúng tôi trích dẫn ở trên đều là TÁU TA = ½ GIẠ TA = 36 lít / 2 = 18 lít.

Có điều thú vị là người Khmer cũng có dụng cụ làm bằng gỗ dùng để đo thể tích (tương đương 15 ký) gọi là “តៅ” (Google phiên âm là “taw”).

Phi Hung Tang

Rảnh rỗi sinh nông nỗi nên Hùng vào mạng Campuchia tìm hiểu thêm về cáu Táu, kết quả cũng rất phù hợp với thông tin nhận được từ bác Cá Vàng. Dưới đây là số đo đong lúa, gạo của người Khmer.

១កន្តាំង = ២កូនល្អី

១តៅ = ២កន្តាំង

១តៅស្រូវ = ១០ ទៅ ១២គីឡូក្រាម

១តៅអង្ករ = ១៥គីឡូក្រាម

១ថាំង = ២តៅ

Tạm dịch:

1 Kan đăng (1 đấu) = 2 Côn La Ây (2 thúng nhỏ)

1 Táu = 2 Kan đăng (2 đấu)

1 táu Lúa = từ 10kg – 12 kg

1 táu gạo = 15kg

1 thăng (1 giạ) = 2 táu.

Vậy mình suy ra: 1 giạ lúa = từ 20-24k

1 giạ gạo (cái này xứ mình không ai nói cả) = 30kg.

Cá Vàng

VUÔNG = 40 LÍT TỪ 1/1/1864

Quyết định ngày 24/12/1863 của Thống soái Nam Kỳ La Grandière về qui định đo lường bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/1864 có đoạn sau:

“3. Le vuong ou mesure annamite pour les grains qui variait sélon les localités et qui était de 35l. 9 à Mytho, 38l. 27 à Cho-len et de 39l. 71 à Saigon, sera fixé invariablement à 40 litres.”

https://www.retronews.fr/…/01-janvier-1864/1901/4912448/4

Tạm dịch: 3. Cái vuông hoặc dụng cụ đo lường các loại hạt của người Việt đa dạng ở các địa phương và bằng 35,9 lít ở Mỹ Tho, 38,27 lít ở Chợ Lớn và 39,71 lít ở Sài Gòn, sẽ chuẩn định bất biến là 40 lít.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *