CÂY KÈO NÈO (CÙ NÈO)

Theo Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị, kèo nèo là cái “móc dài, cái kèo móc” (Quyển I, tr.473), là “cây khều móc” (Quyển II, tr.76). Cây kèo nèo cũng gọi là cây cù nèo. Trong dân gian có các câu ví “Lấy vợ không cheo như cù nèo không mấu”, “Phảng ở đâu cù nèo ở đó”. Phảng và cù nèo là 2 nông cụ: phảng dùng để phát (chém, chặt) cỏ, cù nèo dùng để móc, ngéo cỏ.

Nguồn: Cá Vàng  Cao Văn Nghiệp

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02pUExJJS6qzCszR6f8mcMrm2r7NHu51NANrHkPMm5RksYbz4Ro72AMv9nTDAzoECHl?cft[0]=AZVAXn3IgdBMx0RLnnnMxx29aJSrvRrQJ_2ioRghRfmIWmIaET3D_j7K_CS1poO87Yn6oePKPlp-u4cK5Eb7Pxdspw5WxUb0gdOQZ4ikGJCBBxeac9_edU4kS7vaH21iS9rQoMz9KNKurXGMwFgVV_7vv_1z76j_B0ZPEwy82OoMtA&tn=%2CO%2CP-R

Kèo nèo (cù nèo) cũng là tên một loại nê thực vật thường dùng làm rau ăn sống hoặc ăn chín. Ca dao có câu:

Kèo nèo xào mỡ khỏi chê,

Ăn vô một miếng là mê tới già!

Kèo nèo cũng được dùng để gọi tên một loài thực vật ngoại nhập có tên khoa học là Limnocharis flava. Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, trong Cây cỏ Việt Nam, Quyển III (Nxb Trẻ, 2000), cây này được gọi là Kèo nèo, Nê thảo, Tai Tượng, là nê thực vật đa niên; cao khoảng 80 cm; lá có phiến xoan tròn, lục tươi, gân chánh cong; cuống có 3 khía; ngó, lá non, hoa ăn như rau; gốc Mỹ châu, vào Thái Lan năm 1929. (tr.315). (Xin xem toàn văn trên ảnh)

Về sự khác biệt giữa cây tai tượng và cây cù nèo (kèo nèo) được tác giả bài “Cù nèo và tai tượng?” đã viết như sau:

“Sau 1 thời gian dài truy lùng để trả lời câu hỏi cù nèo (kèo nèo) và tai tượng khác hay giống nhau, cuối cùng đã tìm thấy tại 1 vùng sâu của tỉnh Kiên Giang. Người dân cho biết như sau:

1. Tai tượng: Cái lá to và tròn giống tai voi nên tiền nhân gọi là tai tượng. Thân có 3 cạnh.

2. Cù nèo: Lá nhỏ hơn, hình mác, có 2 góc nhọn tựa như cái cù nèo. Thân có 5 cạnh.

Bản thân đã ăn thử cả hai thấy có hương vị gần giống nhau, riêng cù nèo vị nhẫn hơn và thơm hơn tai tượng. Suy đoán: chắc 2 cây này cùng họ, khác loài.” (https://agriviet.com/threads/cu-neo-va-tai-tuong.284438/)

Các người bán “hàng bông” ở chợ Thốt Nốt – Cần Thơ cũng phân biệt rõ cây tai tượng và cây kèo nèo (cù nèo), nhưng vì rất ít người trồng cây kèo nèo nên lâu lâu mới có người mang ra chợ bán.

Về địa danh có cầu Kèo Nèo bắt qua rạch Kèo Nèo nối liền 2 ấp Tân Long và Tân Long B, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. (Theo http://hnncddc.camau.gov.vn/ca-mau-khoi-cong-xay-dung-cau…)

Về tiếng Khmer, cây có tên khoa học là Limnocharis flava, ảnh minh hoạ là cây tai tượng, tên tiếng Khmer là “ដងវែក” (Google phiên âm là “dangvek”). Chúng tôi không biết có phải từ “ដងវែក” (dangvek) vốn được dùng để gọi cây kèo nèo (cù nèo) nhưng về sau cũng được dùng để gọi cây tai tượng như ở nước ta hay không?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *