CHỢ BÀ CHIỂU

Trong bài “Bà Chiểu là ai?” do Nguyệt Ánh tổng hợp có các đoạn sau đây:

“Học giả Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898), nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà khảo cứu văn hóa nổi tiếng thế kỷ 19, cho rằng: Bà Chiểu, cũng như Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom – những ngôi chợ nổi tiếng, thân thuộc với người dân Sài Gòn, đều được đặt theo tên của 5 bà vợ Lãnh Binh Thăng (Nguyễn Ngọc Thăng, võ tướng thời vua Tự Đức, thuộc thế hệ chống Pháp đầu tiên của Nam Kỳ, cầu ông Lãnh bắc qua rạch Bến Nghé, nối quận 1 và quận 4, được cho là do ông xây dựng và đặt theo tên ông).

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0WmzfZ466PQThcS8uqYo8zRJyx2REAH7yDPBjCU6TMvLRirLruLZ6g6ytUaZCYL7ml

Theo học giả Trương Vĩnh Ký, ông Lãnh binh Thăng lập 5 chợ ở các khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà vợ cai quản một chợ. Đây là giải pháp có hai tác dụng, một là để phát triển kinh tế, hai là để các bà bận bịu kinh doanh mà không có va chạm với nhau, việc 5 ngôi chợ nằm ở 5 khu vực cũng là để tránh sự chạm mặt giữa các bà. Theo đó, Bà Chiểu là tên một trong 5 bà vợ của Lãnh binh Thăng.” (https://baomoi.com/ba-chieu-la-ai-c47847224.epi)

Nhận xét:

Theo chúng tôi, chợ Bà Chiểu đã được lập trễ lắm là vào năm 1806 vì trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Quyển 7) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hoá, 2005) có đoạn sau đây:

“1.789 tầm, hai bên đường đều là gò đất cát, nhà cửa và vườn tược xen nhau, phía nam đường này có chợ, tục gọi là chợ Mụ Chiểu, chợ có quán xá rất trù mật, đến chợ Trùm Thực, chợ này có quán xá đông đúc, bán nhiều thổ sản như rau, quả, đậu, phía bắc chợ có con đường đi 91 tầm thì đến khe nhỏ.” (tr.290)

Đối ứng cú đoạn “tục gọi là chợ Mụ Chiểu, chợ có quán xá rất trù mật”, nguyên văn chép là: “tục danh chợ Mụ Chiểu, điếm xá trù mật” 俗名𢄂媒沼, 店舍稠密 (tờ 1104- (27b)).

Vì các địa danh được Lê Quang Định gọi là [sông] Mụ Ký 媒記, [cầu] Mụ Đắc 媒得, [núi] Mụ Đen 媒顛… ngày nay chúng ta gọi là [sông] Bà Ký, [cầu] Bà Đắc, [núi] Bà Đen… nên chúng ta có thể nói rằng, “chợ Mụ Chiểu” chính là chợ mà ngày nay chúng ta gọi là “chợ Bà Chiểu”. Và vì Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được cho là soạn xong vào năm 1806 nên chúng ta có thể nói rằng chợ đang xét được tạo lập trễ lắm là vào năm 1806.

Còn Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng thì sinh 1798, mất năm 1866 (theo Wikipedia). Như vậy, tính đến năm 1806, ông Thăng chỉ mới 8-9 tuổi. Với chừng đó tuổi thì ông Thăng không thể cưới vợ, lại càng không thể lập chợ.

Tóm lại: Nếu học giả Trương Vĩnh Ký hoặc một ai đó cho rằng “ông Lãnh binh Thăng lập 5 chợ ở các khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà vợ cai quản một chợ” thì lời đó chưa đáng tin. Lý do là “chợ Bà Chiểu” được Lê Quang Định ghi nhận trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 với tên gọi là “chợ Mụ Chiểu” 𢄂媒沼. Mà vào năm 1806, ông Nguyễn Ngọc Thăng chỉ mới 8-9 tuổi thì làm sao ông này có thể lập “chợ Bà Chiểu” để cho người vợ tên “Chiểu” cai quản cho được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *