ĐỊA DANH “CÁI RĂNG” Ở CẦN THƠ

Cái Răng là tên rạch, tên xứ, tên chợ, tên chợ nổi, tên quận, tên thị trấn… nay thuộc địa bàn thành phố Cần Thơ.

Rạch Cái Răng là một chi lưu của rạch (cũng gọi là sông) Cần Thơ. Vàm Cái Răng cách vàm Cần Thơ khoảng 6 km. Rạch Cái Răng có một chi lưu là rạch Cái Răng Bé, nhưng Chợ nổi Cái Răng lại nằm trên rạch Cần Thơ. Rạch Cái Răng, Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (Quyển 7) chép là “Cái Răng rạch” 丐𪘵瀝 (tờ 1010-(74b)); trong đó chữ “Răng” 𪘵 gồm bộ “xỉ” 齒 bên trái và chữ “lăng” 夌 bên phải.

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02mEcr5MSPk9AeAaTBb2tZA4qfsdjW8UfMeEQr5WjTPdP9P97ReeWXjzWqRjbZMFNel?cft[0]=AZUm8kyH3xfX7fVJSnctzq28ZvdXTIT8rJIvVKi7oAz82JvlmwAdUe7Wf9596YF7dDKzyJScr9hcuAEPXwpMexa17MzyJGfiIG28QU-dYaySl8Y0PdB9zCfMBb_NXhHTTYJKzJG9t53Svpc8ypt53b9gEyj-NLJdCJWOgs7rb_JhsdK_GM3rnbcbk7qV_yScLJQRSJGP4bA7loDnMiEosTrC&tn=%2CO%2CP-R

Trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh An Giang) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (Nha Văn hoá Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1959) có đoạn sau đây:

“Sông Cần-thơ 芹苴江 – Ở phía tây huyện Phong-phú 3 dặm, bờ phía tây Hậu-giang; rộng 4 trượng, sâu 2 trượng rưỡi. Bờ phía tây sông này có cựu thủ sở đạo Trấn-giang. Bắt đầu từ phía nam đại giang chảy xuống, thông sông Bồn-giang, rồi do cửa sông ấy chảy qua đà Sưu 𪘵 đà Răng 艘 cách 13 dặm đến ngã ba Ba-lãng…[1]” (tr.59)

Theo chúng tôi, “sông Bồn-giang” là sông/ rạch Cái Vồn, “đà Sưu 𪘵” nay gọi là rạch Đầu Sấu (xin xem một đoạn ở dưới), “đà Răng 𪘵” là rạch Răng, nay gọi là rạch Cái Răng, “ngã ba Ba-lãng” nay gọi là ngã ba Ba Láng.

Về xứ Cái Răng, chúng tôi thấy trong địa bạ thôn Trường Thạnh 長盛 (thuộc tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang) lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836) có câu: “Bổn thôn địa phận Cái Răng xứ” 本村地丐𪘵處, nghĩa là địa phận thôn Trường Thạnh ở xứ Cái Răng. Lúc đó phía tây của thôn Trường Thạnh là thôn Thường Thạnh 常盛 (cũng thuộc thuộc tổng Định Bảo huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang). Theo địa thôn Thường Thạnh thì thôn này ở 2 xứ Như Cương 如崗 và Tham Lăng 参棱.

Chúng tôi chưa biết chợ Cái Răng được thành lập từ năm nào, chỉ thấy tên chợ này được ghi nhận trong cuốn Niên giám Nam Kỳ 1870 in năm 1869 (Annuaire de la Cochinchine Française pour l’anné 1870, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, Saigon, 1869). Theo cuốn niên giám vừa nêu, hạt thanh tra Cần Thơ, lỵ sở đặt tại Cần Thơ, có 9 chợ: Cần Thơ, Tân An, Cái Răng, Trà Niên, Ô Môn, Bình Thuỷ, Trà Ôn, Bò Hút, Mỹ Thuận (tr.190). Theo chúng tôi, lúc đó chợ Cái Răng nằm trên địa bàn thôn Trường Thạnh, tổng Định Bảo, hạt thanh tra Cần Thơ. Có lẽ vì chợ Cái Răng thuộc địa bàn thôn/ làng Thường Thạnh nên có nhà cho rằng, “thôn Thường Thạnh được gọi bằng địa danh tên Nôm là “Cái Răng”.

Trong cuốn Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb Trẻ, năm 1999), cụ Vương Hồng Sển viết về địa danh Cái Răng như sau (xin lược trích):

“Cái Răng: đd. NV, chợ gần Cần Thơ (xem thêm Núi Bà Dinh[2]).

Cơ Me: srok kran.

Cái Răng cũng là tên quận của t. Phong Dinh có 15 xã.

Cái Răng, do chữ Miên “kran” là “cà ràng ông Táo”, tức thứ lò nắn bằng đất do người Cơ Me chế tạo và đầu tiên bày bán tại chợ Cái Răng rồi thành danh luôn, lò này chụm củi chứ không chụm than, và người Việt vùng Hậu Giang vẫn năng dùng và gọi bằng bốn chữ đi chung “cà ràng ông Táo”.

Những địa danh gốc Cơ Me hay gốc Chàm khi nhập Việt tịch, rất ngộ nghĩnh, là không theo phương pháp hay nguyên tắc nào cả, thường do bình dân đặc chế nên rất là tự do nếu không nói là cẩu thả (…)”. (tr.90)

“Cái Răng: một địa danh duy nhất dẫn đầu bằng chữ “CÁI” mà tôi biết chắc điển tích là do chữ “cà ràng (cà ràng ông táo) mà có:

Cà ràng, hay nói nguyên câu là “cà ràng ông táo” là cái lò bằng đất hầm do người Xiêm chế tạo rồi người Cơ Me bắt chước làm theo, để đốt chụm nấu cơm bằng củi cây củi đòn, sau đó người mình thấy gọn mua về dùng, nhứt là người miệt Hậu Giang, ít có nhà dùng lò chụm than, và cà ràng hình thù như con số 8 để nằm, một đầu là ba ông táo lú đầu lên cao để đội nồi ơ siêu trách, còn một đầu kia nắn cái bụng chang bang dài dài vừa vặn với cây củi chụm, bụng này chứa được tro nhiều không rơi rớt ra ngoài lại ấm cúng che kín gió mau chín mau sôi. Truy nguyên ra, trong sách Pháp, Le Cisbassac chẳng hạn, và nhiều sách khác đã có từ lâu vẫn ghi: “Krêk Karan[3]: rạch Cái Răng”, nay cứ lấy điển này làm chắc, một đàng khác hỏi thăm người cố cựu bản xứ thuật rằng ngày xưa không biết từ đời nào, nguyên người Thổ (Cơ Me) ở Xà Tón (Tri Tôn) chuyên làm nồi đất và karan chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo Sông Cái đến đậu ghe nơi chỗ này để bán, năm này qua năm nọ, chầy ngày người mình phát âm karan biến ra Cái Răng rồi trở thành địa danh thiệt thọ của chỗ này luôn. Nay Cái Răng là chỗ mua bán lúa rất thạnh hành vị trí cách thị xã Cần Thơ độ 5 km, trên đường quốc lộ số 4 Sài Gòn / Cà Mau.

Trong tự điển J.B. Bernard, ghi:

– Chăngkran, choeung kran: fourneau portati khmer: cà ràng Miên,

– Choeung kran Xiêm: cà ràng của Xiêm làm đem bán chợ Nam Vang.” (tr.91)

Như vậy, theo cụ Vương Hồng Sển, – Rạch Cái Răng do tiếng Khmer là Prêk Kran (Prêk có nghĩa là sông, rạch); Choeung kran (cũng viết là Chăng kran) có nghĩa là cái cà ràng, – Xứ Cái Răng do tiếng Khmer là Srok Kran (Srok có nghĩa là xứ)

Ở trên chúng tôi đã nói, vào năm 1836, xứ Cái Răng thuộc thôn Trường Thạnh 長盛, về sau, có lẽ vì chợ Cái Răng nằm trên địa bàn thôn Thường Thạnh 常盛 nên xứ Cái Răng được hiểu là thuộc thôn Thường Thạnh. Vậy cái mà cụ Vương Hồng Sển gọi là “xứ Cái Răng” thuộc thôn/ làng Trường Thạnh hay Thường Thạnh, hay cả hai?

Ngoài thuyết của cụ Vương Hồng Sển mà chúng tôi tạm gọi là “thuyết Cà Ràng”, còn một thuyết nữa mà chúng thôi tạm gọi là “thuyết Răng Cá Sấu”. Thuyết này cho rằng: “tên gọi Cái Răng xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang, có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miếng đất này.” (https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%A1i_R%C4%83ng).

Trong bài Một vài suy nghĩ về địa danh Đầu Sấu của tác giả Hoài Phương có đoạn sau đây có liên quan đến tên các rạch Cái Răng, Đầu Sấu, Cái Da:

“Chưa ai biết tên “Đầu Sấu” ra đời khi nào, nhưng trong dân gian vẫn còn lại một câu chuyện khá lý thú:

“Vùng sông nước Cái Răng (thuộc Cần Thơ cũ) xưa kia có rất nhiều sấu. Một hôm, trên con sông nầy có diễn ra đám rước dâu bằng thuyền thì bị một con sấu to dùng đuôi quật chìm ghe và gắp cô dâu mang đi mất. Chú rể vô cùng đau xót và căm giận nên đã mời được nhiều thanh niên lực lưỡng đến tìm cách vây bắt. Sau khi tóm cổ được con sấu, chú rể đã tự phanh thây hung thủ và ném xuống sông cho hả giận. Sau đó chỗ nào tắp vào đâu, bà con liền dựa vào đó mà đặt tên cho con rạch. Chỗ phần đầu tắp vào gọi là Đầu Sấu; chỗ phần răng tắp vào gọi là Cái Răng và chỗ phần da tắp vào gọi là Cái Da…”. Đây là một câu chuyện giàu trí tưởng tượng và không kém phần thi vị, người nghe ai cũng lấy làm sảng khoái. (https://baocantho.com.vn/mot-vai-suy-nghi-ve-dia-danh-dau…).

Đúng là một câu chuyện thú vị. Về rạch Đầu Sấu, chúng tôi thấy trên Bản đồ địa hình hạt Cần Thơ 1890 (Plan topographique de l’arrondissement de Can Tho 1890) ghi là “R. Bàu Sâu” (có thể là rạch Bàu Sấu). (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53167076b/f1.). Con rạch này cũng được ghi nhận trong Đại Nam nhất thống chí và Tu Trai Nguyễn Tạo dịch là “đà Sưu 艘” (Sđd, tr.59). Theo chúng tôi, rất có thể Quốc sử quán triều Nguyễn mượn chữ “艘” (âm Hán Việt là “sưu”) để ký âm “Sấu”, và “đà Sấu” có thể hiểu là “rạch Sấu”, tức không có chữ “Đầu” như tên gọi ngày nay, cũng không có chữ “Bàu” như được ghi trên Bản đồ địa hình hạt Cần Thơ 1890. Về rạch Cái Da (hồi xưa thường viết là Cái Gia), theo chúng tôi, “Da” có thể là Cây Da trong câu ca dao: Cây da trước miễu ai biểu cây da tàn, Bao nhiêu lá rụng anh thương nàng bấy nhiêu!

Trong tiếng Khmer, “Kran” trong “chong kran” ចង្រ្កាន (nghĩa là cái cà ràng) khá gần âm với “Krang” ក្រាំង. Một trong các nghĩa của “Krang” là bãi đất cao ráo, nơi con tê (ta thường gọi là con tê giác) hoặc con cá sấu lên khỏi mặt nước để ngủ cạn. Vì rạch Cái Răng gần với rạch Đầu Sấu nên chúng tôi phỏng đoán rằng, nguồn gốc địa danh Cái Răng có thể là “Krang” ក្រាំង với nghĩa là nơi các con cá sấu lên đó để ngủ[4].

Ở Tây Ninh cũng có rạch Cái Răng, nay gọi là rạch Tây Ninh. Rạch này trong Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí 1806 (Quyển 2) chép là là “Khe Răng rạch” 溪𪘵瀝, trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 2) chép là “Khê Lăng giang” 溪陵江. Rất có thể trong Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Gia Định) chép là “Xỉ khê” 齒溪 (với “xỉ” nghĩa là răng, “khê” là khe) nên trong bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo phiên âm là “Xỉ-khê”, còn Phạm Trọng Điềm thì dịch là “khe Xỉ”.

Theo NNC Đào Thái Sơn, trong bài Địa danh Cái Răng (Kiến thức ngày nay, ngày 1/12/2019), thì rạch Cái Răng ở Tây Ninh bắt nguồn từ một địa danh Khmer là “chrăng chom res” có nghĩa là “bờ sông có độ dốc”.

Theo thiển ý của chúng tôi, rất có thể cả hai rạch Cái Răng, một ở Cần Thơ và một ở Tây Ninh, đều bắt nguồn từ tiếng Khmer là “Krang” ក្រាំង, tức cả hai con rạch này, hồi thời xa xưa đều có các bãi cạn là nơi cá sấu tụ tập để ngủ.

Sở dĩ chúng tôi nêu thêm thuyết, tạm gọi là “thuyết bãi cá sấu nằm ngủ” là vì “thuyết cà ràng” của cụ Vương Hồng Sển không phù hợp với rạch Cái Răng ở Tây Ninh (không có chứng cứ nào cho thấy con rạch này có liên quan đến việc sản xuất hoặc mua bán cà rang), còn “thuyết bờ sông có độ dốc” của NNC Đào Thái Sơn thì lại không phù hợp với rạch Cái Răng ở Cần Thơ. Vả lại, nếu quả thật cụ Trương Vĩnh Ký, trong Le Cisbasac, từng ghi tên tiếng Khmer của rạch Cái Răng ở Cần Thơ là “prêk karan” thì cụ Trương chỉ ghi phiên âm mà thôi, còn cái nghĩa “cà ràng” là do cụ Vương tra từ điển rồi ghi thêm. Mà trong Dictionnaire cambodgien-français (Imprimerie de la Société des Missions-Étrangères, Hongkong, 1902), J. B. Bernard chỉ giảng như sau: “(…) KRAN. || Chœûng kran, (en un seul mot), fourneau, foyer.” (tr.158), tức trong từ điển này không có các cụm từ “fourneau portati khmer” và “Choeung kran Xiêm” như lời của cụ Vương trong Từ vị tiếng nói miền Nam 1999! Và sở dĩ chúng tôi nêu thêm “thuyết bãi cá sấu nằm ngũ” là vì, theo Wiktionary tiếng Khmer, “Krang” ក្រាំង cũng là tên một làng (phoumi) nằm trên đất Krang, và hiện nay ở Campuchia có khá nhiều làng, xã, thôn có tên là “Krang”. (https://km.wiktionary.org/…/%E1%9E%80%E1%9F%92%E1%9E%9A…).

Theo chúng tôi, một trong các cách tìm hiểu nguồn gốc tiếng Khmer của một địa danh nào đó ở miền Nam là thử tìm hiểu xem ở bên Campuchia có địa danh nào mà ngữ âm gần giống với địa danh đang xét hay không. Trước đây, cũng bằng cách này, chúng tôi đã phỏng đoán nguồn gốc địa danh Khedol/ Kédol ở Tây Ninh là “Kédol” ក្តុល nghĩa là “[cây] gáo vàng” mặc dù trước đó NNC Đào Thái Sơn cho rằng nguồn gốc là “[ខ្យល់ – Khdol] nghĩa là “gió””[5].

Tóm lại, theo chúng tôi phỏng đoán, cả 2 địa danh Cái Răng, một ở Cần Thơ và một ở Tây Ninh, vốn là tên rạch. Vì bên bờ của cả 2 rạch này đều có các “krang” ក្រាំង, nghĩa là có các bãi cá sấu nằm ngủ, và do đặc điểm này mà người Khmer gọi là “prêk Krang” ព្រែក ក្រាំង; đến khi lưu dân người Việt đến thì 2 rạch này được họ gọi trại thành “Cái Răng”. Rồi từ tên rạch Cái Răng ở Cần Thơ, về sau mới có thêm các tên xứ Cái Răng, chợ Cái Răng, cầu Cái Răng, quận Cái Răng, thị trấn Cái Răng…

———-

[1] Trong bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Thuận Hoá, Huế, 2006) không có đoạn nói về các địa danh “sông Bồn-giang”, “đà Sưu”, “đà Răng”.

[2] Trong tiểu mục Núi Bà Đinh, cụ Vương Hồng Sển cho biết: “(…) Châng Kran: fourneau, foyer portatif, đúng là “chưn cà ràng”. Cà ràng là lò Miên làm bằng đất nung để chụm củi, ngày xưa bày bán ở Cái Răng, gần Cần Thơ, rồi thành danh luôn. Cái Răng là kran, chớ không phải “chợ của chú cai tên Răng.” (tr.448)

[3] Krêk Karan: Chữ “Prêk” (nghĩa là sông rạch) bị in sai thành “Krêk”.

[4] “Krang” ក្រាំង còn có nghĩa là cuốn sổ, cuốn sách. Nghĩa này được J. B. Bernard ghi nhận trong Dictionnaire cambodgien-français 1902 với lời giải thích như sau: “(…) KRĂNG. || Calepin, livre. || – thò săng, bréviaire, livre de priers. || – Preă Kămpi, missel.” (tr.158).

[5] Các bạn có thể xem lại bài “Khedol” trong tiếng Khmer có nghĩa là “gió”? tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/4296202390404428.

Phi Hung Tang

Em nhớ mang máng là ở Cần Thơ có một xóm chuyên làm cà ràng bán tận Sài Gòn

3

Chau Rêt

Phi Hung Tang Tại huyện Svay Tong, tỉnh Ang Yang.

3

Dịch tất cả bình luận

Chau Rêt

https://thanhtra.com.vn/…/doc-dao-lang-gom-tram-nam-cua…

Độc đáo làng gốm trăm năm của đồng bào Khmer

THANHTRA.COM.VN

Độc đáo làng gốm trăm năm của đồng bào Khmer

Độc đáo làng gốm trăm năm của đồng bào Khmer

Phi Hung Tang

Chau Rêt bài này có nhắc đến Phnom Pi, hùng nhớ không ra sự tích, Em còn nhớ không

2

Chau Rêt

Phi Hung Tang chắc là thầy Sok Kha Mo Ni biết ạ 🤗

Sok Kha Mo Ni

Chau Rêt Phi Hung Tang

Hướng tây: gọi là ph’nôm pi

Hướng đông: gọi là núi kro săng.

Đông từ cánh đồng: núi kong rây.

3

Chau Rêt

Sok Kha Mo Ni Puth Ta Sean Neang Konrey

Võ Trung Hiếu

Sau năm 1975, tách khu vực quận lỵ Cái Răng cũ ra khỏi xã Thường Thạnh lập thành thị trấn Cái Răng trực thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ. Năm 1990 thì nhập 2 xã Thường Thạnh và Thường Thạnh Đông làm thành 1 xã Đông Thạnh. Năm 2004, thị trấn Cái Răng đổi thành phường Lê Bình, tách xã Đông Thạnh lập mới phường Thường Thạnh, tách huyện Châu Thành lập mới quận Cái Răng thuộc TPCT.

Phi Hung Tang

Vài ý kiến cá nhân về địa danh Cái Răng:

Với địa danh này thì nói thật là ban đầu Hùng giữ nguyên quan điểm: Cái Răng = ចង្រ្កាន = Chang Kran (cái bếp lò), nhưng sau khi đọc ý kiến của anh Lê Hậu (xin lỗi được gọi bằng Anh cho trẻ trung, gần gũi) thì thấy ý kiến Ảnh rất có lý, từ đó hùng mới “suy nghĩ lại” và thay đổi quan điểm 180 độ, tức là Cái Răng rất nhiều khả năng có nguồn gốc từ Kran chứ không phải là Chang Kran (cái bếp lò) vì:

1. Nếu như đã có Cà Ràng để xài rồi thì mắc mớ gì mình lại phải “phát minh” ra cái Cái Răng nữa làm gì cho đau … răng? hoặc đã có Cái Răng xài rồi thì cái bếp lò đó gọi luôn là Cái Răng đi, gọi Cà Ràng làm gì cho thêm rối? Vậy rất có thể Cái Răng và Cà Ràng là 2 cái khác nhau.

2. Bây giờ mình tìm hiểu thêm về 2 cụm từ trong vòng nguy hiểm, không biết cái nào sẽ rụng đây, đó là Cà Ràng = ចង្រ្កាន = Chang Kran = bếp lò. Chang Kran mà biến thành Cái Răng thì cũng có lý lắm chứ, nhưng hãy khoan, mình tìm hiểu thêm ông Kran = ក្រាំង âm Việt Ngữ là K-Răng hoặc Ka Răng, có nghĩa là “đống đất, gò, gò đất, ụ, ụ đất, …” tạm gọi là “gò”, Ka Răng = ក្រាំង trong tiếng Khmer có nghĩa là gò, nơi mà cá sấu bò lên phơi nắng, cá sấu đẻ trứng, con Ba Ba, Rùa … bò lên phơi nắng, đẻ trứng hoặc chui vào trong đất để tránh cái nóng mùa hè, hoặc con vật khác bò lên phơi nắng hoặc làm tổ hoặc đẻ trứng, hoặc chui vào trốn cái nóng, … thì cái gò này tiếng Khmer gọi là ក្រាំង = Ka Răng. Vậy Ka Răng chính là “gò” chứ không hề có ý nghĩa là “răng, răng nhai, hàm răng”. Có vài thông tin nói Cái Răng liên quan đến răng (răng nhai, hàm răng, …) thì có lẽ quan điểm này rất thiếu thuyết phục, suy diễn, … Vậy Kran = ក្រាំង = “gò” = Ka Răng = Cái Răng là điều dễ hiểu nhất (âm Ka biến thành âm Cái). Trân trọng!

7

Chau Rêt

Phi Hung Tang ở địa phương Tri Tôn có nhiều địa danh gắng liền với Krang lắm anh, tỷ dụ như: Krang Đôn( khóm 1 thị trấn TT); Krang Prak (ấp Krang Prak, Châu Lăng, Tri Tôn), Krang Chay ( xã An Hảo, Thị xã Tịnh Biên).

4

Đang hoạt động

Cá Vàng

Chau Rêt Thông tin rất hữu ích. Cám ơn bạn.

Đang hoạt động

Cá Vàng

Phi Hung Tang Cám ơn bạn. Nếu ក្រាំង có thể phiên âm là “Kran” thì rất có thể cụ Trương Vĩnh Ký muốn nói Kran ក្រាំង (gò đất…) này, còn cụ Vương Hồng Sển thì hiểu là Kran là cái cà ràng.

3

Jackey Chon

Cá Vàng Phi Hung Tang chắc do ảnh hưởng âm tiết Việt, khi phiên âm theo hướng âm tiếng Việt, ក្រាំង là “ ca răng “, ចង្ក្រាន “ chong kran, chà kran, cà ran, cà ràng “.

Mà hiện tại, một số địa danh cũng như Krang Preah, thành Băng Ré, Krang Chay thành Láng Cháy…

3

Phi Hung Tang

Jackey Chon mấy địa danh này ngộ quá, hùng ghi nhận vào sổ tay rồi, khi nào rảnh sẽ tìm hiểu thêm

2

Viết phản hồi…

Nguyen Ky Trung

-/đây/ tiếng khmer nghĩa là Đất trong tiếng Việt .

-/ đây / – có ngữ tích :

Đến đây thì ở lại đây ,

Chừng nào bén rễ xanh cây hẳn về ( ca dao miền nam VN ).

-/ đây/ biến âm thành / đai / – có ngữ tích : đất đai nhơn trạch trong các bài kinh cầu an .

Rồi có thể từ / đai / biến ngữ thành / cái / với ngữ tích : lạ nước lạ cái ,với nghĩa cái là đất .

/ rưng / tiếng khmer nghĩa là rắn ( cứng ) được người Việt phát âm.là / răng ) .

Vậy / đây rưng /> /đai rưng />/ cái răng /. Từ tiếng khmer / đây rưng /theo thời gian mà biến ngữ thành / cái răng /tức vùng đất cứng ,vậy( đất cứng – đất sét mới làm đồ gốm là kran ( cà ràng ) được.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *