ĐỊA DANH “TẮC CẬU” Ở KIÊN GIANG

(Cập nhật ngày 11/01/2024)

Trong bài ca tân cổ “Hoa tím bằng lăng” của Linh Châu có câu “Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên… nhà”

“Tắc Cậu” trong bài tân cổ trên thuộc địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Nguồn: Cao Văn Nghiệp Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02cyqizPQE6Nt8BBD6ZzzYPEU8n5tNrfFfT2AWW6c9LK7ibCCFtvtGTszM9z5MjEawl?cft[0]=AZW9JIvKbhYOs_PGGWESMVwxjDIbebbv3qps57GchVK0PFUWNE3qyYiNvH37L19tdGlnDiIlnkEb2fPxUiJ0YDZ6Bm7-1n5AhOXhc3eupogr5_OXEhGPOQxZiCZpKlZ8iBp9LwlqcFj19XTelUgXJ1-4WM1ER1PnbuSzV8HVRZRpTw&tn=%2CO%2CP-R

NNC Nguyễn Thanh Lợi, trong bài “Tắt” địa danh chỉ địa hình sông nước” đã giải thích về 2 địa danh Tắc Cậu ở Tiền Giang và ở Kiên Giang như sau (xin trích):

“Tắt ban đầu đứng sau các danh từ chỉ cách đi băng qua một chỗ nào đó để rút ngắn lộ trình, như sông tắt, rạch tắt, ngả tắt, cái tắt,… Sau đó, thường bị nói gọn là tắt, rồi bị viết sai thành tắc. Tắc Cậu là con kinh ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tắc Cậu còn là bến cảng ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Tắc Cậu có dạng gốc là Tắt Cậu, nghĩa là “con kinh (và bến cảng) chảy tắt qua gần miếu Cậu”.

“Tắc Cậu” ở Kiên Giang còn là tên rạch như lời sau đây của J.C. Baurac trong Nam Kỳ và Cư dân các tỉnh Miền Tây, Huỳnh Ngọc Linh dịch (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2022):

“Từ Rạch Giá đến Lạc Thổ[1], hành trình mất khoảng 3 giờ. Đường đi như sau: vịnh Rạch Giá, sông Cái Lớn, rạch Tắc Cậu, rạch Xẻo Lá, và rạch Tắc Cân. Bỏ qua sông Cái Lớn nằm ở bên phải, ngang làng An Hoà để men theo (bờ trái) rạch Tắc Cậu. Trung tâm Lạc Thổ nằm trên bờ trái của rạch này, không xa các thôn Gò Đất và Vĩnh An[2].

Phần lớn cư dân Lạc Thổ là người Cao Miên.” (tr.447)

Đối ứng các cụm từ “rạch Tắc Cậu” và “rạch Tắc Cân”, trong nguyên tác “La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest” (Saigon, Imprimerie Commerciale Rey, Curiol & Cie, 1894) chép là “rach Tac-câu” và “rach Tac-cân” (tr.308).

Vì nguyên tác “La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest” của Bác sĩ J.C. Baurac xuất bản năm 1894 nên chúng tôi tạm cho rằng, tên rạch Tắc Cậu (chữ “Tắc” được viết với phụ âm cuối là “c”) xuất hiện trễ lắm là vào năm 1894.

Địa danh “Tắc Cậu” trong Bản đồ địa hình hạt Rạch Giá năm 1895 (Plan topographique de l’Arrondissement de Rach Gia 1895) ghi là “Tăc Cậu”.

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Quyển 7 Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hoá, 2005) có đoạn sau đây:

“14.336 tầm đến rạch Sóc Trăng, rạch rộng 8 tầm, nước chia ra hai nhánh: Nhánh bên phải chảy 5.000 tầm đến rạch Bố Thảo, đi ngược lên 35.755 tầm, giữa đường đi qua ngả ba Rạch Dinh, rạch Tầm Vu, ngả ba Cái Tàu, rạch Cái Cào[2], Thầy (Sài) Lão[3], Cái Nước, Cái Tắt Cậu đến Cửa Lớn. Nhánh bên phải đi 300 tầm đến Cửa Bé, 200 tầm qua Rạch sỏi đến đạo Kiên Giang, giáp cửa biển Hà Tiên.” (tr.336)

Đối ứng 3 chữ “Cái Tắt Cậu”, trong nguyên bản chép là “丏𤎕舅瀝” [Cái Tắt Cậu rạch]. Chữ 𤎕 (gồm bộ “hoả” 火 bên trái và chữ “tất” 悉 bên phải) thường được dùng để ghi âm Nôm là “tắt” trong tắt lửa, tắt đèn, tắt bếp… Ví dụ như “tắt” trong Truyện Kiều – Bản Duy Minh Thị 1872, học giả An Chi phiên âm có 2 câu sau đây:

“Lửa lòng tưới tắt mọi đàng trần duyên” (c.1932)

“Sự đời đã tắt lửa lòng từ đây” (c.3045)

Theo ghi nhận của Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị, Tome 2 (Saigon, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896) thì chữ “𤎕 Tắt” vừa có nghĩa là “làm cho nghẹt, làm hết cháy”, lại vừa có nghĩa, ví dụ như:

“Đi tắt: đi theo đường vắn, đi băng.

“Đàng tắt: đàng băng ngang, đàng gân hơn hết.

“Ngả tắt: ngả sông con, vắn đàng hơn sông cái.

“Cái tắt: id [nghĩa như trên].” (tr.347)

Theo học giả Lê Ngọc Trụ, trong Việt ngữ chánh tả (Nxb Thanh Tân, Sài Gòn, 1959), “tắt” với nghĩa là hết cháy, làm cho hết cháy, thôi, chết.. , từ nguyên là “diệt 滅”; “tắt” với nghĩa là theo lối ngắn, gần hơn hết…, từ nguyên là “tiệp 捷” (tr.446)

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, “Tắc Cậu” vốn là tên con rạch, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (được cho là soạn xong năm 1806) gọi là “rạch Cái Tắt Cậu”, trong đó “Tắt” là lối ngắn, lối gần hơn; “Cái Tắt” là ngả sông con, đường đi ngắn hơn so với đi theo đường sông cái; “Cậu” là dinh Cậu. Trễ lắm là đến năm 1894, con rạch này được gọi là rạch Tắc Cậu. Tức từ “Cái” bị lược bỏ, từ “Tắt” bị viết sai chính tả thành “Tắc”. Hồi xưa phụ âm cuối “t” thường bị viết sai thành “c” và ngược lại. Ví dụ “cù lao Cát” (tên chữ là Sa Châu 沙洲) bị viết sai thành “cù lao Các”, “Các Lái” (chữ Nôm là 各梩) bị viết sai thành “Cát Lái”.

Địa danh Tắc Cậu được người Hoa ghi là “叻港” (âm Hán Việt là “Lặc Cảng”). Tại sao họ gọi như vậy, thú thật là chúng tôi không biết!

(Ảnh của NNC Nguyễn Thanh Lợi)

——-

[1] Lạc Thổ: tên làng (village) thuộc tổng Kiên Hảo.

[2] Các thôn Gò Đất và Vĩnh An: nguyên văn là “des hameaux de Gó-đat et de Vinh-an”. Theo Bản đồ địa hình hạt Rạch Giá 1895, Gò Đất vừa là tên xóm (nguyên văn là “X. Gò Đat”) vừa là tên rạch (nguyên văn là R. Gò Đat”). Còn Vĩnh An thì có thể là làng Vĩnh An tổng Kiên Định.

[2] Rạch Cái Cào: Đúng ra là rạch Cái Quao, nguyên văn là “丐榚瀝” (Cái Quao rạch)

[3] Thầy (Sài) Lão: Chúng tôi chưa biết tên gọi đúng con rạch này là gì, chỉ biết trong nguyên bản chép là “柴老”.

Cuong Chung

Cá Vàng: 叻港 : theo con được biết là chữ 叻 là lối nói tắt của từ “selat” trong tiếng Mã Lai, có nghĩa là “kênh nước hẹp”. 叻港 = cảng hẹp.

Người Triều Châu, Phước Kiến xài nhiều. Thực tế thì ý nghĩa của nó phù hợp với điều kiện địa lý ở vùng Tắc Cậu.

Cá Vàng

RẠCH TẮC CẬU (nguyên văn: “rach Tac-câu”) thuộc địa bàn tỉnh Rạch Giá được Bác sĩ J.C. Baurac ghi nhận trong cuốn “La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest” (Saigon, Imprimerie Commerciale Rey, Curiol & Cie, 1894. p.308)


https://en.wiktionary.org/wiki/%E5%8F%BB#Definitions_3

  1. Used in transcription (chiefly Southeast Asian place names transcribed into Hokkien or Teochew).

Compounds

[edit]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *