ĐỊA DANH THỐT NỐT – TP. CẦN THƠ

Thốt Nốt là tên rạch, tên cầu, tên chợ, tên cù lao, tên quận, tên thị trấn, tên huyện, tên phường.

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (quyển 7) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hóa, 2005) có đoạn sau:

Nguồn: Cá Vàng  Cao Văn Nghiệp

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02fWqb7eZ5Ms9etVZyij2zGqnLuwtGJjjY1Lgo7AFoyUtDRiThNRL3P9gn83S4zzvQl?cft[0]=AZV1JnbxxwzP0hbnI_NMfQvjgOHqao3Po74tXYJFiw1VPfm8qzm4Fn_5LA3mpmHPVMoj4Q9a-x115Vgg9IPmII1T-YmH_wm2n5STZgC8pf-U-Y8_piRKrKUUaU7FCAbeei4gUUOfgyB2cvWR4HIn5w4IMk3RI1VuVj6S_-Glz2o7pmhM0VLPx4r_bzavOg_cF7w&tn=%2CO%2CP-R

“…bờ sông bên phải rạch này có rạch Thốt Nốt, rạch rộng 6 tầm, sâu 2 tầm, chảy đến cùng hai bên đều có dân cư và ruộng vườn.” (tr.332)

Đối ứng 3 chữ “rạch Thốt Nốt”, nguyên bản chép là “秃衄瀝” (tờ 78a). Trong đó, theo các từ điển Hán Nôm đang lưu hành trên mạng: – 秃 có âm Hán Việt là ngốc, thốc, âm Nôm là ngốc, thốc, thóc, trọc; – 衄 có âm Hán Việt là nục; âm Nôm là nốc, nục[1]; – 瀝 có âm Hán Việt là lịch; âm Nôm là lạch, lịch, rách, rạch, sạch.

Theo chúng tôi, 3 chữ “秃衄瀝” có thể phiên âm là “Thốc Nốc rạch” vì đến nay vẫn còn nhiều người nhớ tên xưa là Thốc Nốc mặc dù tên hiện nay là Thốt Nốt (xin xem thêm một đoạn ở dưới).

Vì sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được cho là soạn xong vào năm 1806 nên chúng ta có thể nói rằng, tên rạch Thốc Nốc xuất hiện trễ lắm là vào năm 1806.

Vào năm 1836, rạch Thốc Nốc thuộc địa phận thôn Thạnh Hòa Trung 盛和中, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Trong địa bạ thôn Thạnh Hòa Trung lập năm 1836 do thôn trưởng Phạm Văn Ấn 范文印 và dịch mục Huỳnh Văn Khoẻ 黃文[牜奎] đồng khai bẩm có câu:

“Bổn thôn địa phận Thốc Sơn Đà Hữu Ngạn, Thốc Sơn Đà Tả Ngạn, Thới Thạnh Châu Hạ cai tam xứ” 本村地分禿山沱右岸禿山沱左岸泰盛洲下該叁處.

Tạm dịch: Địa phận của bổn thôn gồm 3 xứ: xứ Bờ phải rạch Thốc Sơn, xứ Bờ trái rạch Thốc Sơn và xứ cù lao Thới Thạnh dưới.

Rạch Thốc Sơn chính là con rạch nay gọi là rạch Thốt Nốt (“đà” có nghĩa là sông nhánh, ở đây có thể hiểu là rạch), và con rạch này nằm giữa 2 xứ: xứ Bờ phải rạch Thốc Sơn và xứ Bờ trái rạch Thốc Sơn.

Rạch Thốt Nốt, trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) của Quốc sử quan triều Nguyễn (được cho là bắt đầu biên soạn từ đời vua Tự Đức) chép là “秃衄沱” (Thốc Nốc đà). Cũng theo sách này, trên sông Hâu, đối diện với rạch Thốc Nốc này là 3 “châu” (cù lao/ cồn): Thốc Nốc châu 秃衄洲 (cù lao Thốc Nốc) Lộ châu 鷺洲 (cồn Cò), Sa châu 沙洲 (cù lao Cát)[2].

Thốc Nốc châu (cù lao Thốc Nốc) cũng gọi là Thới Thạnh Châu 泰盛洲 (cù lao Thới Thạnh). Theo địa bạ thôn Thới Thuận 泰順[3] và địa bạ thôn Thạnh Hoà Trung 盛和中 lập năm 1836, cù lao này gồm 2 xứ: từ đầu mõm đến đối ngang vàm rạch Trà Uối gọi là xứ Thới Thạnh Châu Thượng 泰盛洲上 thuộc thôn Thới Thuận, phần còn lại gọi là xứ Thới Thanh Chậu Hạ 泰盛洲下 thuộc thôn Thạnh Hoà Trung. Lúc đó, Sa châu thuộc thôn Tân Lộc Đông 新祿東. Về sau, có lẽ trước khi Pháp chiếm miền Tây, thôn Thạnh Hoà Trung bị chia thành 2 thôn: Thạnh Hoà Trung Nhứt và Thạnh Hoà Trung Nhì. Do sự chia tách này mà xứ Thới Thạnh Châu Hạ vốn thuộc thôn Thạnh Hoà Trung, từ đó đổi thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt mới lập. Năm 1876, làng Tân Lộc Đông bị trích một phần đất để lập làng Tân Lộc Tây (theo Quyết định ngày 20/9/1876). Khoảng đầu năm 1920, phần đất của 2 thôn Thới Thuận và Thạnh Hoà Trung Nhứt nằm trên cù lao Thới Thạnh bị sáp nhập vào làng Tân Lộc Tây (theo Nghị định ngày 13/12/1919). Từ tháng 10/1989 hai xã Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây hợp nhất thành xã Tân Lộc[4]. Năm 2009, xã Tân Lộc đổi thành phường Tân Lộc. Do xã Tân Lộc Đông và xã Tân Lộc Tây hợp nhất thành xã Tân Lộc. Do sự hợp nhất này và do cù lao Cát (Sa châu) vốn thuộc thôn/ làng/ xã Tân Lộc Đông nên nhiều người hiểu cù lao Tân Lộc (theo cách gọi ngày nay) cũng chính là cù lao Cát. Thực ra, cù lao Tân Lộc gồm ít nhất là 2 cù lao chính mà hồi xưa từng gọi là (1) cù lao Cát (Sa châu) và (2) cù lao Thốc Nốc (Thốc Nốc châu) cũng gọi là cù lao Thới Thạnh (Thới Thạnh châu).

Chúng tôi chưa biết thôn Thạnh Hoà Trung được thành lập từ năm nào, chỉ biết tên thôn này được ghi nhận trong Địa bạ tỉnh An Giang được xác lập vào năm Minh Mạng thứ 17 (1836). Lúc đó thôn này thuộc tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Khoảng năm 1852, đình Thạnh Hoà Trung được tạo dựng trong khu vực chợ Thốt Nốt cũ trên bờ hữu vàm Thốt Nốt, mặt hướng ra sông Hậu. Thôn này được vua Tự Đức ban “Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng” ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5 (nhằm ngày 08/01/1853). Trên sắc ghi tên thôn là Thạnh Hoà Trung 盛和中, tên huyện là Tây Xuyên 西川. Ở miền Tây, sắc thần được chuyển đến rất trễ, có nơi đến năm 1866 mới nhận được. Chưa rõ vào năm nào thì thôn Thạnh Hoà Trung bị chia thành 2 thôn mới: thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt và thôn Thạnh Hoà Trung Nhì. Sau khi chia cắt, đình thuộc thôn Thạnh Hoà Trung Nhứt. Khoảng năm 1902, ngôi đình Thạnh Hoà Trung Nhứt (đình mới) được tạo dựng ở bờ tả vàm Thốt Nốt, trong khu vực chợ Thốt Nốt mới. Khoảng năm 1972 (?), tên xã Thạnh Hoà Trung Nhứt rút gọn thành Trung Nhứt, tên đình cũng rút gọn thành Trung Nhứt. Khoảng 1976, thị trấn Thốt Nốt được thành lập. Mặc dù đình thuộc thị trấn này nhưng tên đình lại đổi gọi là đình Thạnh Hoà”[5], tức không gọi theo địa danh hành chính trực thuộc. Ngày nay, đình Thạnh Hoà nằm trong địa bàn phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Ngôi đình cũ nay vẫn còn và được gọi là “Đình Thần Chợ Cũ”. Ngôi đình cũ này toạ lạc ở góc đường Chợ Cũ (song song với sông Hậu) và đường Lộ Rẫy (đường này trổ ra Quốc lộ 91); trong ngôi đình có 1 bàn thờ Thần; 2 bàn thờ Tiền Hiền: “Tiền Hiền Chủ Thị” 前賢主巿 và “Tiền Hiền Cai Thị” 前賢該巿; 1 bàn thờ Tiên Sư và 1 bàn thờ không thấy ghi là thờ vị nào. Hàng năm vào ngày lễ Cầu An Thượng Điền (26 tháng 4 Âl) và ngày lễ Cầu An Hạ Điền có 26 tháng 11 Âl) Ban Quản Trị Đình Thạnh Hoà đều dâng cúng Thần và 2 vị Tiền Hiền ở ngôi đình cũ 1 đầu heo (cúng Thần) và 2 con vịt quay (cúng 2 vị Tiền Hiền, mỗi vị 1 con). Vì Đình Thần Chợ Cũ được cho là xây dựng vào khoảng 1852 và vì trong đình có 2 bài vị thờ Tiền hiền Chủ Thị và Tiền hiền Cai Thị nên chúng tôi tạm phỏng đoán “chợ Thốc Nốc” (cũ) được thành lập trước năm 1852.

Chúng tôi chưa biết chợ Thốc Nốc đổi thành chợ Thốt Nốt bắt đầu từ năm nào, chỉ thấy trong cuốn Annuaire de la Cochichine française pour l’année 1870 (Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1869) ghi nhận “Cho-tot-not” là 1 trong số 5 chợ [quan trọng] trong hạt thanh tra Long Xuyên (Inspection de Long-xuyen) (p.192). “Cho-tot-not” có thể hiểu là “Chợ Thốt Nốt”[6]. Như vậy, trễ lắm là vào năm 1869, chợ đang xét được gọi là Thốt Nốt.

Chợ Thốt Nốt từng xem như trung tâm đấu võ đài của miền Tây trong những năm 1935-1965, do vậy mà trong dân gian lưu truyền mấy câu thơ sau đây:

Chợ Thốt Nốt có lập đài khán võ,

Chợ Cờ Đỏ tuy nhỏ mà đông.

Thấy em buôn bán anh chẳng vừa lòng,

Để anh đi đánh võ kiếm tiền đồng nuôi em.

Hạt thanh tra Long Xuyên được thành lập theo Quyết định ngày 27/5/1868, lỵ sở đặt tại chợ Long Xuyên. Đến khoảng 1871-1874 đổi gọi là hạt tham biện Long Xuyên (Arrondissement de Long-xuyen), thường gọi tắt là hạt Long Xuyên. Đến đầu năm 1900 đổi thành tỉnh Long Xuyên (Province de Long-xuyen).

Theo ghi nhận của P.J.B. Trương Vĩnh Ký, trong Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine (1re Édition, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875), trong [hạt] Long Xuyên, phía sông Hậu (Fleuve Postérieur) có 3 con rạch, trong số đó có “Thất-sơn đà ou Thốt-nốt” (tr.34) nghĩa là rạch Thất Sơn hay Thốt Nốt.

Về tên rạch Thốt Nốt và tên quận Thốt Nốt được cụ Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb. Trẻ, 1999) đã giảng như sau:

“Rạch Thốt Nốt: đd., chữ gọi Thất Sơn Đà (PCGBCTVK).

Cũng là chỗ thâu thủy lợi lối 1875 của Long Xuyên, vùng Thất Sơn Bảy Núi, trên Hậu Giang, khúc rạch Thốt Nốt.” (tr.508)

“Thốt Nốt: đd., một quận của t. An Giang (Long Xuyên cũ) NV. (nay thuộc tỉnh Cần Thơ).

Cơ Me: tenôt, dom tenôt hoặc thnôt: loại dừa Borassus Flabellifer L. cho một thứ đường gọi đường Thốt nốt. (có người gọi là Thốt lốt).

Thốt nốt ngang qua Trà mòn, miếu chùa tế tự vuông tròn lễ nghi. (câu hát cũ)[7].” (tr.586)

Có lẽ cụ Vương Hồng Sển hiểu “Thất-sơn” trong “Thất-sơn đà ou Thốt-nốt” in trong cuốn Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine 1875 là “Bảy Núi” nên cụ mới bảo: “Rạch Thốt Nốt…. cũng là chỗ thu thuỷ lợi lối 1875 của Long Xuyên, vùng Thất Sơn Bảy Núi…”. Còn chúng tôi thì ngờ rằng, rất có thể cụ Trương Vĩnh Ký viết “Thốt-sơn đà” nhưng sách in sai thành “Thất-sơn đà”. “Thốt-sơn đà” chính là 3 chữ “禿山沱” trong địa bạ thôn Thạnh Hoà Trung lập năm 1836 mà ở trên chúng tôi phiên âm là “Thốc Sơn đà”.

Trong Đại Nam Quấc Âm Tự vị, Tome II (Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Saigon, 1896), mục từ “說 Thốt” của Huình Tịnh Paulus Của có câu:

“[Thốt] nốt: tên rạch ở về Long Xuyên”. (Sđd, tr. 1027)

Như vậy, theo Huình Tịnh Paulus Của, thành tố “Thốt” trong địa danh đang xét được ký âm bằng chữ “說” (âm Hán Việt là thuế, thuyết…, âm Nôm là thót, thốt, thuyết…)

Cầu Thốt Nốt (Pont de Thotnot) bắt qua rạch Thốt Nốt, theo Victor Duvernoy trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924) là loại cầu sắt Eiffel nhóm 2, dài 135 mét, rộng 2,84 mét, xây dựng năm 1899 dưới thời Tham biện hạt Long Xuyên là ông Barthouil de Taillac, tại cây số 19,009 trên đường Liên tỉnh số 39 (nay là Quốc lộ 91). Khoảng năm 1970-1971, cầu sắt bị phá bỏ để xây mới bằng bê tông cốt thép, nhưng đến nay vẫn còn một số người quen miệng gọi là “Cầu sắt”.

Kinh Thốt Nốt đến Cái Bé (Le canal de Thotnot à Caibé), theo Victor Duvernoy trong sách trên, đào năm 1908, dài 38 km, rộng 24 m, sâu 4,4 m (đoạn trong tỉnh Long Xuyên dài 13,5 km, ngang qua 2 làng Thạnh Hoà Trung Nhì và Thạnh Phú)[8]. (p.11)

Quận Thốt Nốt, theo Nguyễn Đình Tư, trong Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị quốc gia, 2008) thì quận này thành lập vào năm 1917 (tr.1172). Nhưng theo Victor Duvernoy trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên nói trên, “Circonscription de Thôtnôt” (Quận Thốt Nốt) được thành lập vào năm 1909 (xin xem nguyên văn trong một đoạn ở dưới). Chúng tôi còn thấy “Circonscription de Thôt-nôt” được ghi nhận trong cuốn Annuaire général de l’Indochine, Partie Administrative, 1911 (Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrêm-Orient, 1911, p.312). Như vậy, rất có thể quận Thốt Nốt được thành lập từ năm 1909 hoặc trễ lắm là năm 1911 chứ không phải năm 1917 như lời của Nguyễn Đình Tư.

Lúc mới thành lập, quận Thốt Nốt gồm 2 tổng, 15 làng: – Tổng An Phú bên bờ trái sông Hậu gồm 7 làng: An Hoà, Bình Ninh, Bình Thành Tây, Định Yên, Tân Bình, Tân Bình Đông, Tân Thạnh Trung; – Tổng Định Mỹ ở bờ phải sông Hậu gồm 8 làng: Thạnh An, Thạnh Hoà Trung Nhì, Thạnh Hoà Trung Nhứt, Tân Hưng, Tân Thuận Đông, Thới Thuận, Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây. Đến khoảng 1953, tổng An Phú đổi thuộc quận Lấp Vò mới lập cũng thuộc tỉnh Long Xuyên, quận Thốt Nốt chỉ còn tổng Định Mỹ[9].

Sau năm 1956, hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên hợp nhất thành tỉnh An Giang. Lúc đó quận Thốt Nốt thuộc tỉnh An Giang. Sau ngày 30/4/1975, quận Thốt Nốt đổi gọi là huyện Thốt Nốt thuộc tỉnh Hậu Giang. Khoảng đầu năm 1992 đổi thuộc tỉnh Cần Thơ. Đến khoảng đầu năm 2004, huyện Thốt Nốt thuộc thành phố Cần Thơ. Đầu năm 2009, huyện Thốt Nốt đổi thành quận Thốt Nốt. Lúc đó quận Thốt Nốt gồm 9 phường: Thới Thuận, Thuận An, Thốt Nốt, Trung Nhứt, Thạnh Hoà, Trung Kiên và Trung Thạnh.

Về nguồn gốc địa danh Thốt Nốt, tác giả Victor Duvernoy sách nêu trên cho biết như sau:

“La Circonscription de Thôtnôt, crée en 1909, tire son nom du centre de Thôtnôt (禿碌) qui était, à l’origine, une agglomération cambodgienne. Le nom “Thôtnôt”, prononciation dénaturée, vient des mots cambogiens “Srok Nok” (ស្រុតនក) qui signifient “pays de l’ancien mandarin.

Autrefois, pour désigner cette localité, les Annamites disaient – et certains le disent encore – “Thôc-nôc”, prononciation plus voisine de la prononciation cambodgienne. C’est la transcription de ces mots en caractères chinois, qui donne la prononciation actuelle.” (tr.78) – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k58483061/f90.highres)

Tạm dịch:

Quận Thốt Nốt được thành lập vào năm 1909, lấy tên từ trung tâm của Thốt Nốt (禿 碌), vốn là một thị tứ của Campuchia. Cái tên “Thốt Nốt”, một cách phát âm méo mó, bắt nguồn từ những tiếng Campuchia “Srok Nok” (ស្រុកនក) có nghĩa là “xứ của quan lại thời xưa”.

Trước đây, để chỉ địa phương này, người An Nam nói – và một số người vẫn còn nói – Thốc Nốc”, một cách phát âm gần với cách phát âm của người Campuchia. Chính vì phiên âm sang chữ Hán như vậy nên mới tạo ra cách phát âm hiện nay.

Như vậy, theo Victor Duvernoy, nguồn gốc địa danh Thốt Nốt là tiếng Khmer là “Srok Nok”, hồi xưa người Việt nói trại thành Thốc Nốc, về sau do phiên âm là 禿碌 nên mới đổi thành Thốt Nốt. Vì “Srok” là xứ nên “Nok” có thể là tên hoặc chức vụ của vị quan cai trị của xứ này.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, nguồn gốc địa danh Thốt Nốt (hồi xưa gọi là Thốc Nốc) có thể là:

– “Srok Nok”, theo ghi nhận của Victor Duvernoy 1924.

– “Tenôt, dom tenôt hoặc thnôt: loại dừa Borassus Flabellifer L. cho một thứ đường gọi đường Thốt nốt. (có người gọi là Thốt lốt), theo ghi nhận của Vương Hổng Sển 1999.

Nếu phải chọn một trong hai “thuyết” trên thì chúng tôi sẽ chọn thuyết (1) vì “Thốc Nốc” gần âm “Srok Nok” ស្រុកនក hơn so với “Tenôt/ Thnôt” ត្នោត và vì cây “tenôt/ thnôt” được phần lớn cư dân ở Thốt Nốt và nhiều nơi khác nữa gọi là cây “thốt lốt”. Chính giáo sư Phạm Hoàng Hộ, trong Cây cỏ miền Nam, Quyển III (Nxb Trẻ, năm 200) cũng ghi tên cây có tên khoa học Borassus Flabellifer L là “cây thốt lốt”. (tr.401). Theo chúng tôi, tên ấp “Thốt Lốt” (thuộc xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, Trà Vinh) chính là cây “Tenôt/ Thnôt” trong tiếng Khmer.

————–

[1] Nốc/ Nóc: Rạch Trà Nóc, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Quyển 7) chép là “茶衄”.

[2] Cù lao Cát: Nhiều tài liệu thời Pháp thuộc viết sai thành “Cù lao Các”.

[3] Theo địa bạ thôn Thới Thuận 泰順 (tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836) do thôn trưởng Ngô Văn Quảng 吳文廣 và dịch mục Lê Văn Tuyên 黎文宣 đồng khai bẩm, thì thôn này gồm 3 xứ: xứ Nhuận Ốc Đà Hữu Ngạn 潤屋沱右岸, xứ Nhuận Ốc Đà Tả Ngạn 潤屋沱左岸 và xứ Thới Thạnh Châu Thượng 泰盛洲上.

[4] Nguyễn Đình Tư trong Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị Quốc gia 2008) cho biết: “Tân Lộc.- Xã thuộc h.Thốt Nốt t.Hậu Giang từ sau 30-4-1975.” (tr.1022). Còn nhà nghiên cứu Đoàn Văn Nô thì nói rõ hơn: “…tên gọi Tân Lộc là địa danh hành chánh từ tháng 10/1989 đến nay, trên cơ sở sáp nhập 2 xã Tân Lộc Tây và Tân Lộc Đông, tức sau 14 năm mới sáp nhập, chứ không phải sau năm 1975 là sáp nhập liền.”

[5] Trong đình Thạnh Hoà còn lưu giữ bức hoành đề 4 chữ “盛和中村” (Thạnh Hoà Trung thôn) và Sắc của vua Tự Đức ban cho 西川縣盛和中村 (Tây Xuyên huyện Thạnh Hoà Trung thôn). Có nhà cho rằng, “đại thôn” 大村 (thôn lớn) là xã, “trung thôn” 中村 (thôn vừa) là thôn, tiểu thôn” 小村 (thôn nhỏ) là lân hoặc ấp. Do lẽ này mà Ban Quản trị đình hiểu “盛和中村” (Thạnh Hoà Trung thôn) là thôn có tên là Thạnh Hoà. Và đó cũng là lý do đình Trung Nhứt đổi tên thành đình Thạnh Hoà, chữ Hán đề “盛和廟” (Thạnh Hoà miếu). Có điều trớ trêu là vào khoảng đầu năm 2009, quận Thốt Nốt lại có thêm một phường mới lập được đặt tên là Thạnh Hoà, mà đình Thạnh Hoà thì lại nằm trong địa bàn phường Thốt Nốt.

[6] Phụ âm đầu “th” bị viết sai thành “t”: P.J.B. Trương Vĩnh Ký, trong Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine viết sai “Thoại-sơn” thành “Toại-sơn” (p.31)

[7] Câu hát cũ: Trong Nam-Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca, Cuốn thứ hai (Saigon, Phát-Toàn, Libraire-Imprimeur, 1909) của Nguyễn Liên Phong có 2 câu này (xin chép nguyên văn): “Thốt-nốt ngang qua Tra-mòn, Miểu-chùa tế tự vuôn tròn lể-nghi.” (tr.87).

[8] Kinh Thốt Nốt đi Cái Bé (Rạch Giá): trên trang 11, Victor Duvernoy ghi rộng (Largeur) 24 m, sâu (Profondeur) 4,4 m; nhưng trên trang 79 lại viết rộng 32 m, sâu 5 m (largeur 32 mètres, profondeur 5 mètres).

[9] Tổng Định Mỹ: Nguyễn Đình Tư, trong Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008) cho biết: “Định Mỹ – Tổng thuộc hạt tht.Long Xuyên từ sau 1867 do chia đôi tg.Định Mỹ của h.Vĩnh Định, p.Ba Xuyên gồm 6 thôn: Tân Lộc Đông, Tân Lộc Tây, Thới Thuận, Tân Thuận Đông, Thạnh Hoà Trung Nhứt, Thạnh Hoà Trung Nhì.” (tr.355). Nhưng theo chúng tôi, tổng này được thành lập khoảng 1869-1871 gồm gồm các thôn Thới Thuận, Thạnh Hoà Trung Nhứt, Thạnh Hoà Trung Nhì, Tân Thuận Đông trích từ tổng Định Phước, hạt thanh tra Long Xuyên và thôn Tân Lộc Đông trích từ tổng Định Thới hạt thanh Cần Thơ.

Tran Kong

Gửi thầy Cá Vàng . Ấp Thốt Lốt trong chuyến đi “La Bang” lần trước. Nơi này tôi chưa rõ vì sao gọi là Ngũ Lạc vì những địa danh Khmer nơi này lại hoàn toàn khác tên.

Minh Lê

Tôi đã viết nhiều bài về hai từ THỐT LỐT, vì bây giờ có khá nhiều người cứ gọi là “Thốt Nốt”, do có địa danh THỐT NỐT, là một Quận của TP. Cần Thơ.

Sở dĩ tôi viết về chuyện này là do Bà ngoại tôi vốn là người ở rạch Bằng Lăng, thuộc Quận THỐT NỐT, nhưng từ hồi nhỏ tôi đã nghe Bà gọi là cây THỐT LỐT, trái Thốt Lốt, nước Thốt Lốt, đường Thốt Lốt, bánh bò Thốt Lốt,…chứ không gọi các thứ kể trên là “Thốt Nốt”. Chỉ có Quận mới gọi là THỐT NỐT mà thôi. Đôi lúc Bà cũng gọi là chợ Thốc Nốc…

Từ thời Pháp, người ta đặt tên Quận là THỐT NỐT, có thể do phiên âm từ tiếng Khmer là cây Th’not. Song trong dân gian, từ xa xưa tổ tiên, ông bà đã gọi là cây THỐT LỐT.

Sau 75, có nhiều người ở đàng ngoài không hiểu rõ cách gọi dân gian này, căn cứ vào THỐT NỐT là tên Quận, nghĩ rằng từ này là CHUẨN, rồi cứ áp đặt mọi thứ liên quan đến cây THỐT LỐT là…”THỐT NỐT”.

Gọi cái gì cũng theo tên Quận là…THỐT NỐT ! 😥

Cá Vàng

Lê Hậu NÔK trong Dictionnaire cambodgien-français 1902 của J.B. Bernard https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k932766m/f256.item

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *