ĐỊA DANH “TRÀ + X” Ở THỐT NỐT

Theo ghi nhận của Victor Duvernoy, trong cuốn Địa chí tỉnh Long Xuyên, ấn bản 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省), Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hanoi, 1924), rạch Thốt Nốt có các chi lưu sau đây:

– Bên phải: Các rạch Trà-ninh, Bà-đa, Ba-giừa, và Ông-thụ đổ vào rạch Thốt Nốt; các rạch Sa-mau, Bắc-đuông, Trà-cui.

Bên trái: Các rạch Láng-sen, Su-công, Rạch-rít, Trà-bai.” (tr.79).

Tác giả này còn cho biết, cầu Trà-Uối cách Long Xuyên 16,916 km là loại cầu sắt Eiffel số 37, dài 44 m, rộng 2,30 m, xây dựng năm 1896. (tr.16).

Nguồn:

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02iHho7hzuAqkbGsetBKP3r7P8RAzamRK45baQwfqhfxiuUzchF9Gie76M61retD8Xl?cft[0]=AZXcIlx8Q0Y4maB_A0XAtmlvmwAxJ4IIjorL-2gRjo7ebsIrf-y3wjvZAsp_sXfO3GK7bALsKbSoclMbBY32ZbbAXfdM2tgwezW-0C-RwPmF1knwahzlxEV6WSmxHOTOicvVSL1G86FjSSBmMeQDqTRRX-VDdPmBA2Rvto5DqfmfVyxV9F8bp5H2akk0N2SHGBGoNCh_uxM6WxhJABl9DiC3&tn=%2CO%2CP-R

Theo chúng tôi, rạch Thốt Nốt có đến 4 chi lưu có tiền tố Trà: – Bên bờ trái có rạch Trà Bay (nay thuộc phường Trung Nhứt, quận Thốt Nốt) và rạch Trà Ếch (nay thuộc xã Trung An, huyện Cờ Đỏ); – Bên bờ phải có rạch Trà Cuôi (nay thuộc phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt) và rạch Trà Ninh (nay thuộc xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ).

Trà Bay có thể do tiếng Khmer là “Krabei” ក្របី nghĩa là con trâu.

Trà Ếch có thể là do tiếng Khmer là “Kaet” ក្អែក nghĩa là con quạ.

Trà Uối có thể là do tiếng Khmer là “Saoy” ស្អុយ nghĩa là hôi thúi.

Còn Trà Ninh và Trà Cui thì chúng tôi chưa biết.

Ở miền Nam có khá nhiều địa danh “TRÀ + X”, trong đó có một số địa danh mà TRÀ vốn được gọi là TÀ, tức TÀ > TRÀ. Ví dụ:

– Tỉnh Long An có con kinh nay gọi là kinh Trà Cú. Kinh này trong HVNTDĐC 1806 (quyển 2), chép là “kinh Tà Cú” 經斜鴝, trong GĐTTC 1820 (quyển 2), chép tên là “Tà Cú kinh” 斜句經;

– Tỉnh Vĩnh Long có sông/ rạch Trà Ôn, trong HVNTDĐC 1806 (quyển 7) chép là “Tà Ôn rạch” 斜温瀝, trong GĐTTC 1820 (quyển 2) chép tên là “Trà Ôn giang” 茶温江;

– Tỉnh Kiên Giang có rạch Trà Niên, trong HVNTDĐC 1806 (quyển 7) chép là “Tà Ninh rạch” 斜温瀝, trong GĐTTC 1820 (quyển 2) chép là “Trà Ninh giang” 茶寧江.

– Tỉnh Tây Ninh hồi xưa từng có từ/ miếu thờ 5 tòa đá ngầm (cũng gọi là thác đá) được tôn danh là Tà Má quốc công 斜𦟐國公, Tà Mun quận công 斜椚郡公, Tà Nông quận công 斜農郡公, Tà Vớt quận công 斜𣾼郡公, Tà Khuông quận công 斜匡郡公. Theo chúng tôi, năm chữ TÀ 斜 vừa nêu đều được dùng để ký âm TA តា trong tiếng Khmer có nghĩa là ông.

Nhưng không phải tất cả thành tố “Tà” đều do tiếng Khmer là “Taa” តា vì có trường hợp như núi Tà Bẹc nay thuộc huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi này trong GĐTTC 1820 (quyển 2) chép là “Tà Biệt sơn” 斜別山, nhưng theo thầy Sok Kha Mo Ni, người Khmer gọi là “Trobec” (phát âm tĩnh lược là T’bec) ត្របែក, nghĩa là cây ổi.

Về hiện tượng TÀ > TRÀ, bạn Lê Hậu cho rằng, dân nam bộ đại bộ phận di cư từ miền ngoài (miền Trung), cái chữ cũng du nhập từ đó. Trà Giang, Trà Bồng, Sơn Trà, … là những địa danh liên quan đến sông nước và có vẻ nho nhã hơn Tà. Thế là Tà bị Trà hất cẳng.

Trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) có đoạn sau đây:

“Nguyên xưa là đất Tầm-phong-long 尋楓龍 của Chân-lạp. Bản-triều đời vua Thế-Tôn Hiếu-Võ Hoàng-Đế năm Đinh-sửu thứ 19 (1757), vua nước Chân-lạp là Nặc-tôn đem dưng, đặt làm đạo Châu-đốc. Gia-Long xét đất ấy còn bỏ trống, mộ dân đến ở gọi là Châu-đốc tân-cương, đặt chức Quản-đạo thuộc tỉnh Vĩnh-long quản-hạt.” (Lời dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn hóa bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, năm 1959, tr.37).

Có lẽ vì địa bàn tỉnh An Giang thời xa xưa vốn đất rộng người thưa và vì ở miền Bắc và miền Trung – đặc biệt là ở 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi – có rất nhiều địa danh Trà + X nên có nhà cho rằng, các lưu dân vào miền Nam đa phần là người Quảng Nam, Quảng Ngãi, họ muốn đặt chính những cái tên từ miền Bắc và miền Trung mang vào để tưởng vọng cố hương; ngoài ra, vì chưa có cơ sở để khẳng định Trà Bay, Trà Cuôi, Trà Uối ở Thốt Nốt là tiếng Khmer bởi ở đó không có bất kỳ di tích hay dấu tích lịch sử gì để lại làm minh chứng.

Còn chúng tôi, mặc dù không dám khẳng định các địa danh Trà Bay, Trà Cuôi, Trà Uối có nguồn gốc từ tiếng Khmer lần lượt là Krabei/ ក្របី/ con trâu, Kaet/ ក្អែក/ con quạ, Saoy/ ស្អុយ/ hôi thúi; cũng không dám khẳng định các địa danh Cần Thơ (nay là Cần Thơ Bé), Tham Rôn (nay là Thơm Rơm), Sa Mau (một chi lưu bên bờ phải rạch Thốt Nốt) có nguồn gốc là tiếng Khmer lần lượt là Kanthor/ កន្ធរ/ cá sặc rằn, Samrôn សំរោង/ cây trôm, Samaw ស្មៅ/ cỏ, nhưng chúng tôi tin rằng vùng đất có liên quan đến quận Thốt Nốt từng có người Khmer sinh sống.

Nếu quan sát kỹ Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên 1886 (Plan topographique de l’arrondissement de Longxuyen 1886) chúng tôi sẽ thấy:

– Trong khoảng giữa các làng Thới Thuận, Thạnh Hòa Trung Nhứt, Thạnh Hòa Trung Nhì (đều thuộc tổng Định Mỹ) và làng Vĩnh Trinh (thuộc tổng Định Phước) có một khu vực được ghi là “Nhuận Ốc (Enclave de Biên Thành) (Cambodgien)”.

– Trong khoảng giữa làng Thạnh Hòa Trung Nhứt và làng Tân Thuận Đông có một khu vực được ghi là “Enclave”.

Vì tổng Biên Thành được thành lập theo Quyết định ngày 17/1/1871 gồm 5 thôn người Khmer là Nhuận Ốc, Vọng Thê, Cần Đăng, Ca Lâu, Thâm Trạch, nên rất có thể “Enclave” nằm trong khoảng giữa 2 làng Thạnh Hòa Trung Nhứt và Tân Thuận Đông là “Xóm dân cư” cũng của người Khmer và xóm này thuộc thôn/ làng Nhuận Ốc thuộc tổng Biên thành, hạt tham biện Long Xuyên. Cũng cần nói thêm là, thôn Thâm Trạch của người Khmer gồm ít nhất là 4 dân cư nằm tách biệt nhau.

Nhưng dù trên địa bàn quận Thốt Nốt chưa từng có người Khmer sinh sống thì cũng không phải là lý do để khẳng định ở đây không có các địa danh tiếng Khmer. Lý do đơn giản là trên biển Đông có rất nhiều đảo, rất nhiều bãi đá có tên tiếng Việt nhưng không phải tất cả những đảo, những bãi đá đó từng có hoặc hiện có Việt cư trú. Ngược lại, nếu như người Khmer từng cư trú ở các rạch Trà Bay, Trà Cuôi, Trà Uối, Trà Ếch, Trà Ninh thì không có gì làm chắc là các địa danh đó đều có nguồn gốc từ tiếng Khmer. Nói cách khác, việc xác định có hay không có người Khmer từng sinh sống trên địa bàn quận Thốt Nốt chỉ là “điều kiện cần”, không phải là “điều kiện đủ” để khẳng định hoặc bác bỏ các địa danh Trà + X ở Thốt Nốt có nguồn tiếng Khmer.

Thiển ý của chúng tôi là như vậy. Rất mong quý vị và các bạn vui lòng góp ý. Xin chân thành cám ơn trước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *