ĐỊA DANH TRẢNG BÀNG

Trảng Bàng là tên rạch, tên chợ, tên xứ, tên hạt thanh tra, tên quận, tên huyện, tên thị xã…

Trong Tự vị tiếng nói miền Nam (Nxb Trẻ, 1999), cụ Vương Hồng Sển giải thích về nguồn gốc địa danh Trảng Bàng như sau:

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02njmXZ5iYaysu8cxnfgaD2ffub35KeL6ZbqeLawFVZG2fZCU2jSbFpzUGvXN5h3vxl?cft[0]=AZX4CypAYZ5Z6mIcAWNT9z6bvWdXRsl2WteLaQD0hftDnbC7XrTTC50IpGDT9teN-CIIMR4nYhggUtEh2HMZ8UOHSV-Xsb79GPIkfq5QdnPpU_4aORlcmVbLCl66xt9jXRINcshJkIq9RZ9ARXtWSivmuI0LZxCtLfyK0R78SeunxnkVMRpxiUxUyRTbDyW6YW9fcaCdQsk200fwLOAtLvSE&tn=%2CO%2CP-R

“Cơ Me: srok oknà pẵn (Di cảo T.V.K trong Le Cissbassac).

Tạm dịch và chờ nghiên cứu thêm: Sốc của quan lớn Pẵn.” (tr.608).

Trong Đại Nam quấc âm tự vị (Tom I, 1895), mục từ “傍 Bàng”, Huình Tịnh Paulus Của cho biết: “Trảng -. Tên trảng có nhiều cỏ bàng, về hạt Tây-ninh.” (tr.33). Cũng theo Huình Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Tom II, 1896), một trong các nghĩa của “盞 Trảng” là “Trống trải, bằng phảng; đồng trống, đất trống.” (tr.471).

Như vậy, theo Huình Tịnh Paulus Của, Trảng Bàng 盞傍 là tên vùng đất trống trải có nhiều cỏ bàng.

“Trảng” với nghĩa là nơi trống trải, J.F.M. Génirel trong Dictionnaire Annamite-Français 1898 chép chữ Nôm là “浪” (p.869), Jean Bonet trong Dictionnaire Annamite-Français 1899 cũng chép chữ Nôm là “浪” và chú thêm: Cũng viết là “盞” (p.340).

Bàng, cũng gọi là cỏ bàng, là loại cỏ thường dùng để đươn đệm, nóp, bao, túi xách… tên khoa học là Lepironia articulata. Với nghĩa này, Jean Bonet trong Dictionnaire Annamite-Français 1899 cũng chép chữ Nôm là “傍” (p.18), còn J.F.M. Génirel trong Dictionnaire Annamite-Français 1898 thì chép chữ Nôm là “旁” (p.19).

Theo Bảng kê làng, ấp, tổng, quận, tỉnh Tây Ninh – năm 1923 của Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, làng Long-chữ 隆渚, tổng Giai-hoá 佳化, quận Trảng Bàng 盞盤 có 4 ấp: “Xóm Mới 坫買, Xóm Dầu 坫油, Xóm Bàu Bàng 坫泡旁, Xóm Bàu Năng 坫泡能”.

Theo chúng tôi, rất có thể “Dầu” 油 là cây dầu, “Bàng” 旁 là cỏ bàng, “Năng” 能 là cỏ năn (tức “Năn” bị viết sai chính tả thành “Năng”, tương tự như tên của cụ Phan Thanh Giản 潘清簡 hồi xưa hồi có nhiều nhà viết là “Giảng”, họ Liên 連 cũng bị viết sai thành “Liêng”). Bàng và năn là 2 loại cỏ thường sinh trưởng ở vùng đất nhiễm phèn nặng.

Tên xứ Trảng Bàng, trên mộc bản năm Mậu Tuất (1898) còn lưu giữ tại chùa Phước Lưu ở Trảng Bàng khắc là “盞盘” (chữ “盞” có âm Hán Việt là “trản” nghĩa là cái chén nhỏ; chữ “盘” (giản thể của chữ 盤) có âm Hán Việt là “bàn” có nghĩa là cái mâm, cái chậu)[1].

Hạt thanh tra Trảng Bàng (Inspection de Trang-bang) vốn là hạt thanh tra Quang Hoá. Vì hạt thanh tra Quang Hoá đặt lỵ sở tại Trảng Bàng nên khoảng năm 1863 đổi gọi là hạt thanh tra Trảng Bàng[2]. Theo Quyết định ngày 5/6/1871, hạt thanh tra Trảng Bàng bị giải thể, 3 tổng Giai Hoá, Hàm Ninh Hạ, Mỹ Ninh bị sáp nhập vào hạt thanh tra Tây Ninh, tổng Cầu An Hạ bị sáp nhập vào hạt thanh tra Chợ Lớn, tổng Mộc Hoá bị sáp nhập vào hạt thanh tra Tân An. Trong khoảng 1872-1874, hạt thanh tra Tây Ninh đổi gọi hạt tham biện Tây Ninh (Arrondissement de Tay-ninh), thường gọi tắt là hạt Tây Ninh. Đầu năm 1900, hạt tham biện Tây Ninh đổi thành tỉnh Tây Ninh (Province de Tay-ninh). Khoảng đầu năm 1903, quận Trảng Bàng (“Poste administratif de Trang-bang”) được thành lập gồm 4 tổng Giai Hoá, Hàm Ninh Hạ, Mỹ Ninh, Triêm Hoá.

Vì địa bàn hạt thanh tra Quang Hoá (sau đổi gọi là hạt thanh tra Trảng Bàng) cũng chính là địa bàn huyện Quang Hoá cũ nên Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quốc âm tự vị 1896, mục từ “他 Tha” mới viết về địa danh Tha La như sau: “…, tên xứ, ở gần Trảng-bàng, thuộc huyện Quang-hoá.” (tr.354)

Tên quận Trảng Bàng trong Bảng kê làng, ấp, tổng, quận, tỉnh Tây Ninh – năm 1923 viết là “盞盤”. Lúc đó quận này gồm 3 tổng Hàm Ninh Hạ, Mỹ Ninh, Triêm Hoá vì tổng Giai Hoá được chuyển sang quận Thái Bình mới lập trong khoảng 1917-1922.

Tên quận Trảng Bàng trong sắc phong tiên hiền Trùm Cả Đặng Vừa 先贒𠆳奇鄧𣃣do vua Bảo Đại ban ngày 29 tháng 6 năm Bảo Đại thứ tám (18/10/1933) cũng viết là “盞盤” [3].

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, theo Huình Tịnh Paulus Của, Trảng Bàng 盞傍 là tên vùng đất trống trải có nhiều cỏ bàng. Chữ bàng với nghĩa là cỏ bàng cũng được bằng chữ Nôm là “旁”, ví dụ như ấp Xóm Bàu Bàng 坫泡旁. Còn xứ Trảng Bàng, quận Trảng Bàng thì được viết 盞盘 hoặc 盞盤 (chữ 盘 là giản thể của chữ 盤). Vì 2 chữ 盞盤 có âm Hán Việt là “Trản Bàn” nên có nhà phiên âm 2 chữ 盞盤 trong sắc phong Trùm cả Đặng Vừa là “Trản Bàn”. Phiên âm như vậy tuy không phù hợp với tên được viết bằng chữ quốc ngữ là “Trảng Bàng”, nhưng lại khiến chúng tôi liên tưởng đến tên quan Oknà Pẵn[4] trong Di cảo của Trương Vĩnh Ký (theo lời kể của cụ Vương Hồng Sển).

Nếu quả thật người Khmer gọi Trảng Bàng là Oknà Pẵn thì rất có thể “Pẵn” được/ bị nói trại thành Bàn, và vì Bàn gần âm với Bàng (nghĩa là cỏ bàng) nên về sau Bàn bị đổi thành Bàng. Cũng theo cụ Vương Hồng Sển trong Tự vị tiếng nói miền Nam, sông Nha Mân, trong Di cảo của Trương Vĩnh Ký viết là “prêk okna mẵn” (tr.552). Như vậy, rất có thể Okna/ Ốc nha > Nha, Mẵn > Mân. Nếu đúng như vậy thì tại Oknà/ Ốc nha trong địa danh Trảng Bàng lại biến thành Trản hoặc Trảng? Thật là khó hiểu!

————–

[1] Trên mộc bản có các dòng chữ sau đây: “盞盘處福流寺藏板. 天運戊戌年十二月初八日. 阮是得奉供”. Tạm phiên âm: Trảng Bàng xứ Phước Lưu tự tạng bản. Thiên vận Mậu Tuất niên thập nhị nguyệt sơ bát nhật. Nguyễn Thị Đắc phụng cúng.

[2] Trong Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (Nxb Chính trị Quốc gia, 2008), tác giả Nguyễn Đình Tư viết về hạt thanh tra Trảng Bàng như thế này: “Trảng Bàng – Hạt thanh tra từ 16-8-1867 do đổi tên từ hạt tht.Quang Hoá. Ngày 5-6-1871 giải thể nhập vào hạt tht.Tây Ninh. Xtn.” (tr.1225). Chín năm sau, trong cuốn Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1859-1954 (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017), tác giả này viết về hạt hạt thanh tra Trảng Bàng như sau: “Quyết định ngày 17-2-1863 tách địa bàn cũ huyện Quang Hoá khỏi phủ Tây Ninh để thành lập hạt thanh tra Tây Ninh riêng, hạt thanh tra Quang Hoá riêng sau đổi tên là hạt thanh tra Trảng Bàng vì lỵ sở đặt tại Trảng Bàng, gồm các tổng Mỹ Ninh, Giai Hoá và Hàm Ninh Hạ (mới lập). Tổng Hàm Ninh Hạ có các thôn trích từ tổng Hàm Ninh của huyện Tân Ninh cũ và từ tổng Long Tuy Thượng huyện Bình Long. Phần còn lại của tổng Hàm Ninh cũ đổi gọi là tổng Hàm Ninh Thượng. [BOCF năm 1862-1863, ký hiệu J.1014]. “Quyết định ngày 11-2-1864 tách tổng Cầu An Hạ huyện Bình Long nhập vào hạt thanh tra Trảng Bàng, tách tổng Bình Thạnh Thượng nhập vào hạt thanh tra Tây Ninh. Huyện Bình Long còn lại 3 tổng trả về về tỉnh Gia Định. [BOCF năm 1864-1865, ký hiệu J.1016]. Căn cứ vào Quyết định ngày 17-2-1863 về việc thành lập hạt thanh tra Quang Hoá và Quyết định ngày 11-2-1864 về việc sáp nhập tổng Cầu An Hạ vào hạt thanh tra Trảng Bàng”, chúng tôi tạm cho rằng việc đổi tên hạt thanh tra Quang Hoá thành hạt thanh tra Trảng Bàng xảy ra trong khoảng năm 1863, tức chúng tôi không dám tin câu “Trảng Bàng – Hạt thanh tra từ 16-8-1867 do đổi tên từ hạt tht.Quang Hoá” trong Từ điển địa danh hành chính Nam bộ.

[3] Nguyên văn câu đầu là: “敕西寧省盞盤郡咸寧下緫嘉禄社奉事先贒𠆳奇鄧𣃣…”. Tạm phiên âm: Sắc Tây Ninh tỉnh, Trảng Bàng quận, Hàm Ninh Hạ tổng, Gia Lộc xã phụng sự tiên hiền Trùm cả Đặng Vừa… Nhiều nhà cho rằng vị tiên hiền này là ông Đặng Văn Trước vì tên huý của ông là Dừa, trên bia mộ cũng ghi là Dừa, còn Đặng thế tộc phả thì ghi là Đặng Thế Trước.

[4] Oknà, chữ Khmer là ឧកញ៉ា, các cụ của chúng ta hồi xưa phiên âm là “Ốc nha”, chữ Nôm viết là 屋牙 hoặc 喔牙. Ốc nha là một chức quan của người Khmer thường được cho là tương đương với chức Tri phủ của người Việt. Cũng có trường hợp như chức danh “Ốc nha” (ឧកញ៉ា) của ông Lim Hak Seng (លីមហាក់សេង), trên bảo tháp được ghi tiếng Việt là “quan Tổng đốc”. (https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3057363574518543&id=100007347915127)


Sok Kha Mo Ni

22 Tháng 2, 2022  · 

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02KiVcvbWsYzL7aA1rJj1kQq96bMcCb64UYY5GvqNSoaknrorsjuwdC6oafHQeWnbjl&id=100007347915127&cft[0]=AZWOykvJ4w6eCttfaucxbqEfh9YeCc6q0_5u86rXJlyxdqEraQ2jV87iIO7lA6TLdBbVAPcfTXkQCdrch1gF2zObdCQziLXcbxtqESRdcPBm2x3mX-SqJRPvQ5oGTaj5etw&tn=%2CO%2CP-R

Tổng đốc thời vua Thiệu Trị: lim hak Seng.

Người được ghi danh trong lịch sử Việt Nam.

*

ព្រះចេតិយរបស់ ឧកញ៉ា លីមហាក់សេង។

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *