GIANG 江, ĐÀ 沱, HÀ 河

Nguồn Cao Văn Nghiệp Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0Tgzw8t5UnkYizZ6qjfi7YSQ5if4GPPw7oMxMkCGjQL7AgFSvLXPQosLkWKc63EFKl?cft[0]=AZV0rMwQ3fE9qWBFrk5CWpD2qdsTKMikmT5ZN7qq-ly8Vjr_fm5D1yFGmvekxF_LI3JAn3rcQbTSBFzypZ0z3Vliy46FXgy4TAvwNJvsnFIh-mvbju_bL8srZF0aWHuuXaW-qR3yW-bw9uT-rurnlBDhFTeRjKb_eBZWPAJ-kjM5MJ18tNDa1sNBeK-DDgqTYnY&tn=%2CO%2CP-R

(Cập nhật ngày 09/04/2024)

Trong cuốn Tên gọi sự vật sông nước miền Tây Nam Bộ của Hồ Văn Tuyên (Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2023) có đoạn sau đây (xin trích):

“Các yếu tố Hán trên có 68 trường hợp sau đây được xem là thành tố A (danh từ chung) ở cuối tên gọi (và tất nhiên phải viết thường), trật tự cấu tạo của tên riêng loại này ngược lại trật tự tên riêng thuần Việt:

+ Yếu tố “giang” (江 : sông lớn) đứng sau: Hậu giang, Tiền giang, Thảo giang, Thượng Thầm giang, Tra giang, Tranh giang, Vĩnh Đức giang, Song Ma giang, Tình Trinh giang, Sa giang, Tân Đông giang, Tây giang, Mĩ An giang, Mĩ Tho giang, Nha Mân giang, An Bình giang, An Hòa giang, An Phú giang, Bạch Ngưu giang, Bát Tân giang, Bối Diệp giang, Bồng giang, Cần Lố giang, Cần Thi giang, Cường Oai giang, Cường Thành giang, Châu Bình giang, Châu Đốc giang, Châu Thới giang, Đầu Tiểu giang, Đông giang, Hiệp Đức giang, Hồi Luân Thủy giang, Hưng Hòa giang, Hương Phước giang, Kì Hôn giang, Kiên Thắng giang, Khê Lăng giang, La Nha giang, Lan Vu giang, Láng Thé giang, Lật giang, Lễ Công giang, Long Hồ giang, Long Phụng giang, Mã Trường giang, Trà Vang giang, Tiên Thủy giang, Trúc giang, Đại Tuần Giang, Tị Thập giang…

+ Yếu tố “đà” (沱 – sông nhánh) đứng sau: Thất Sơn đà, Thủ Thảo đà, Vũng Thăng đà, Hiến Cần đà…

+ Yếu tố “hà” (河 – sông vừa, nhỏ) đứng sau: Vĩnh Tế hà…” (tr.75-76)

VÀI NHẬN XÉT

1. Cách hiểu “giang” 江 là sông lớn, “đà” 沱 là sông nhánh, theo chúng tôi, chỉ phù hợp với lời giảng của các nhà làm từ điển Hán Việt mà thôi vì trong thực tế, một “đường nước” cụ thể nào đó, hồi xưa có tác giả gọi là “rạch”, có tác giả gọi là “đà”, có tác giả gọi là “giang”, còn ngày nay trong dân gian có người gọi là rạch, có người gọi là sông.

Vì dư như sông/ rạch Cần Thơ (nay nằm trong địa bàn 3 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền đều thuộc thành phố Cần Thơ), trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) chép là “芹苴瀝” (Cần Thơ rạch), trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2) chép là “芹苴江” (Cần Thơ giang), trong địa bạ thôn Tân Thạnh Đông (tổng Định Bảo, huyện Vĩnh Định, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang) lập năm 1836 chép là “芹苴沱” (Cần Thơ đà).

Về từ “đà”, trong địa bạ thôn Vĩnh Thuận (tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 có câu: “東近尋于沱, 又近平德村地分, 又近綿地” (Đông cận Tầm Vu đà, hựu cận Bình Đức thôn địa phận, hựu cận Miên địa). “Tầm Vu đà” chính là rạch Tầm Vu. Vì con rạch nhỏ và ngắn nên gần như chẳng ai gọi nó là sông.

(Cây cầu bắt qua rạch Tầm Vu được/ bị mấy ông cầu đường gắn bảng đề “Cầu Tầm Du”). Đến đây chúng ta có thể nói rằng, tùy theo từng trường hợp cụ thể, “đà” có thể dịch là “rạch” hoặc “sông/ rạch”.

2. Về từ “rạch”, các cụ ngày xưa dùng chữ “瀝” (âm Hán Việt là “lịch”) để ký âm “rạch”. Nhiều nhà cho rằng “rạch” là từ thuần Việt, có nhà cho rằng từ nguyên của nó là từ “ព្រែក” (prêk) trong tiềng Khmer. Cứ tạm cho rằng “rạch” là từ thuần Việt, tức không phải là từ Hán Việt, nhưng các cụ hồi xưa, ví dụ như Lê Quang Định trong Hoàng Việt Nhất thống chí, vì quen với ngữ pháp chữ Hán nên vẫn thường viết là “X rạch” (với X là tên rạch), tức thành tố “rạch” đặt sau tên gọi X.

3. Vì tác giả Hồ Văn Tuyên không viết tên chữ Hán, không cho biết vị trí, cũng không dẫn nguồn nên chúng tôi không biết “Cần Thi giang” và “Lật giang” là 2 sông nào. Ở đây chúng tạm phỏng đoán “Cần Thi giang” chính là “芹苴江” (Cần Thơ giang) mà chúng tôi đã nói trong đoạn trên. Nếu quả thật là “芹苴江” thì chữ “苴” không thể đọc là “Thi” được. Về “Lật giang”, chúng tôi tạm phỏng đoán là “凓江” hoặc là “搮江, trong đó chữ “凓” và chữ “搮” đều có âm Hán Việt là “Lật”, rất có thể các cụ hồi xưa mượn chữ “凓” hoặc chữ “搮” để ký âm “Lức”, và “Lức giang” chính là sông Bến Lức.

4. “Khê Lăng giang” và “La Nha giang” ở đâu? Vì tác giả Hồ Văn Tuyên không nói nên chúng tôi tạm đoán như thế này: “Khê Lăng giang” là con sông được Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2) chép chữ Hán là “溪陵江” (Khê Lăng giang); trước đó, Lê Quang Định trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 2) chép tên Nôm là “溪𪘵瀝” (Khe Răng rạch), ngày nay sông/rạch này được gọi “rạch Tây Ninh” (nằm trong địa bàn tỉnh Tây Ninh). “La Nha giang” là con sông trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyền 2) chép là “羅牙江” (La Nha giang); Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) chép tên Nôm là “羅玡江” (La Ngà giang), nay gọi là “sông La Ngà” (nằm trong địa bàn tỉnh Đồng Nai). Nếu chúng tôi đoán đúng thì “Khê Lăng giang” và “La Nha giang”, một thuộc tỉnh Tây Ninh, một thuộc Đồng Nai, mà 2 tỉnh này đâu có thuộc “miền Tây Nam Bộ”!

5. “Thất Sơn đà, Thủ Thảo đà, Vũng Thăng đà, Hiến Cần đà” là các “đà” được P.J.B. Trương Vĩnh Ký ghi nhận trong cuốn Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ (Petit cours de géographie de la Basse-Cochinchine (1re Édition, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875, trang 34). Về “Thất Sơn đà”, trong Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb. Trẻ, 1999), Vương Hồng Sển cho biết:

“Rạch Thốt Nốt: đd., chữ gọi Thất Sơn Đà (PCGBCTVK).

Cũng là chỗ thâu thủy lợi lối 1875 của Long Xuyên, vùng Thất Sơn Bảy Núi, trên Hậu Giang, khúc rạch Thốt Nốt.” (tr.508)

Vì rạch Thốt Nốt (nay một phần nằm trong địa bàn quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) trong địa bạ thôn Thạnh Hòa Trung (tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 chép là “禿山沱” (Thốc/ Thốt Sơn đà) nên chúng tôi ngờ rằng, trong cuốn Tiểu giáo trình địa lý Nam Kỳ, cụm từ “Thốt Sơn đà” bị in sai thành “Thất-sơn đà”. Con rạch này hồi xưa gọi là Thốc Nốc, về sau đổi gọi là Thốt Nốt. Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) chép là “秃衄瀝” (Thốc Nốc rạch). Ngày nay có người là rạch Thốt Nốt, có người gọi là sông Thốt Nốt, còn trong một số bản đồ địa chính hiện nay, chúng tôi thấy ghi là “Sông Thốt Nốt”.

6. Cách hiểu “hà” 河 là sông vừa, sông nhỏ, theo chúng tôi, cũng không hợp lý vì trong thực tế có nhiều trường hợp “hà” lớn hơn “sông” (giang 江). Ví dụ như “Hồng hà” 紅河 (sông Hồng) hiển nhiên là rất lớn so với “Cần Thơ giang” 芹苴江 (sông Cần Thơ). Có lẽ vì ở “miền Tây Nam Bộ” chỉ có 2 “hà” là “Vĩnh Tế hà” 永濟河 và “Thoại hà” 瑞河 (trong địa bạ thôn Thoại Sơn, tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, tỉnh An Giang lập năm 1836 chép là “Thoại Sơn hà” 瑞山河) nên tác giả Hồ Văn Tuyên viết: “(…) Vĩnh Tế hà…”. Vì “Vĩnh Tế hà” là kinh đào, nên thiết nghĩ, lấy “Vĩnh Tế hà” làm ví dụ để giải thích “Yếu tố “hà” (河 – sông vừa, nhỏ)” có vẻ hơi gượng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *