NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “THƠM RƠM” Ở THỐT NỐT

Thơm Rơm là tên rạch, tên cầu, tên chợ, tên làng nghề đan lưới… ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Cái tên Thơm Rơm khiến nhiều người liên tưởng đến MÙI THƠM CỦA RƠM.

Trong bài “Làng đan lưới Thơm Rơm” đăng trên Mekong Delta Explorer (không ghi ngày đăng, không ghi tác giả) có đoạn sau đây:

“Làng đan lưới nằm ở ấp Tân Lợi 2, xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt – TP Cần Thơ. Do làng nghề nằm kề cây cầu trên QL 91 (đường đi TP Long Xuyên – An Giang) có cái tên rất dễ thương: “Thơm Rơm” nên người miệt sông Hậu quen gọi là “Làng đan lưới Thơm Rơm”. Bà con Thơm Rơm sinh sống chủ yếu với 2 nghề chính là: làm ruộng và chài lưới. Về Thơm Rơm những ngày sau vụ mùa, sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh nhộn nhịp của mùa gặt lúa, mùi thơm rơm mới ấm áp đồng quê… Có lẽ vì vậy mà nơi đây được định danh là xóm Thơm Rơm. Khi làng nghề làm ăn khấm khá, nhiều người làm nghề đan lưới từ Huế cũng theo “tiếng thơm” tìm vào sinh sống. Dần dần, hình thành nên nghề đan lưới Thơm Rơm của người Huế ở Cần Thơ.” (http://mekongdeltaexplorer.vn/…/lang-dan-luoi-thom-rom…)

Còn theo bài “Làng lưới Thơm Rơm đón lũ” của Khánh Trung đăng trên Cần Thơ Online, ngày 10/08/2018, thì “làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.” (https://baocantho.com.vn/lang-luoi-thom-rom-don-lu…)

Về 2 địa danh hành chính Tân Hưng và Thuận Hưng chúng tôi xin ghi sơ lược như sau:

– Theo Quyết định ngày 30/12/1876, làng Tân Hưng được thành lập từ một phần đất vốn thuộc làng Tân Thuận Đông, tổng Định Mỹ, hạt Long Xuyên.

– Theo Quyết định ngày 27/11/1934, 2 làng Tân Thuận Đông và Tân Hưng hợp nhất thành làng Thuận Hưng (tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên).

– Theo Nghị định ngày 6/11/2007, xã Thuận Hưng bị cắt đất để thành lập xã Tân Hưng (huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).

– Theo Nghị định ngày 23/12/2008, 2 phường Thuận Hưng và Tân Hưng thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Như vậy:

[TÂN THUẬN ĐÔNG] > [TÂN THUẬN ĐÔNG + TÂN HƯNG] > [THUẬN HƯNG] > [THUẬN HƯNG + TÂN HƯNG]

Vào năm 1816, thôn Tân Thận Đông thuộc huyện Vĩnh Định (chưa chia tổng), trấn Vĩnh Thanh, thành Gia Định. Năm 1832, tỉnh An Giang được thành lập.

Theo địa bạ thôn Tân Thuận Đông 新順東, tổng Định Phước 定福, huyện Tây Xuyên 西 川, phủ Tuy Biên 綏邊, tỉnh An Giang 安江 lập năm Minh Mạng thứ 17 (1836) do thôn trưởng Nguyễn Đốc Tín 阮篤信 và dịch mục Thái Văn Sơn 蔡文山 khai bẩm có câu sau đây:

本村地分芹苴,丐棋,貪[氵敦],丐𣙫該肆處

Tạm phiên âm: Bổn thôn địa phận Cần Thơ, Cái Kè, Tham Rôn, Cái Sộp cai tứ xứ.

Tạm dịch: Địa phận của bổn thôn gồm 4 xứ: xứ Cần Thơ, xứ Cái Kè, xứ Tham Rôn, xứ Cái Sộp.

Xứ có thể hiểu là xóm, miệt, khu vực dân cư. Bốn xứ trên có thể hiểu là các khu vực dân cư ở 2 bên bờ các rạch Cần Thơ, rạch Cái Kè, rạch Tham Rôn, rạch Cái Sộp.

3 rạch Cần Thơ, Cái Kè, Tham Rôn nói trên, trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên 1886 (Plan topographique de l’arrondissement de Longxuyen 1886) ghi là: “R. Cantho Bé”, “R. Tham Rôn”, “R. Cái Kè”.

2 chữ 貪[氵敦] được Nguyễn Đình Đầu, trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, 1995), phiên âm là “Tham Đôn” (tr.256), còn chúng tôi thì phiên âm là “Tham Rôn”. Sở dĩ chúng tôi phiên âm như vậy là vì Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên 1886 nói trên và một số tư liệu khác, ví dụ như Bản đồ địa hình tỉnh Long Xuyên 1920 (Plan topographique de la province de Longxuyen 1920), Địa chí tỉnh Long Xuyên, ấn bản 1924 (Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省), Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hanoi, 1924) của Victor Duvernoy đều ghi tên rạch đang xét là “Tham Rôn”.

Từ các thông tin vừa nêu, chúng tôi tạm cho rằng, dù cho các nhà lập địa bạ thôn Tân Thuận Đông năm 1836 dùng 2 chữ Nôm “貪[氵敦]” để ký âm 2 từ gì đi nữa thì tên chữ Quốc ngữ “Tham Rôn” cũng đã xuất hiện trễ lắm là vào năm 1886.

Theo ghi nhận của Victor Duvernoy, trong Địa chí tỉnh Long Xuyên – ấn bản 1924, cầu Tham Rôn tại cây số 29,530 là loại cầu sắt Eiffel số 2, dài 21m, rộng 2,84m, xây dựng lại năm 1913 (tr.16). Cũng theo tác giả này, kinh Tham Rôn dài 20km, rộng 10m, sâu 2,50m.

Kinh Tham Rôn, trên Bản đồ địa hình tỉnh Long Xuyên 1920 ghi là “Canal Tham Ron”.

Nguyễn Văn Nam, trong cuốn Tỉnh An Giang 1959 (Nxb Phương Nam Văn Nghệ, Sải Gòn, 1959) viết về rạch và kinh Tham Rôn như sau:

“Rạch và kinh Tham Rôm lưu thông cho ghe và tàu sông hạng nhỏ (dài 66 cây số)” (tr.18).

Rất có thể Nguyễn Văn Nam đã viết sai hoặc nhà in sắp chữ sai nên “Rôn” thành “Rôm”.

Trong cuốn Địa phương chí tỉnh An Giang 1963 có 2 đoạn sau đây có liên quan đến kinh Tham Rôn:

“Kinh Tham-rôn dài 21 km chảy dọc theo ranh hạt An-Giang – PhongDinh, từ Rạch Thốt-Nốt đến Gò-đỏ (sic).

“Rạch Thốt-nốt từ Quận Thốt-nốt đến Giồng Riềng (Kiên Giang) gặp kinh Thâm-rôn và Kinh Thầy 8 tại km 25 (Cờ đỏ) xả Thạnh-Phú.” (tr.30)

Theo chúng tôi tên kinh vẫn là Tham-rôn mặc dù trong đoạn sau bị đánh máy sai thành “Thâm-rôn”.

Đến đây chúng tôi tạm cho rằng, trong địa bạ thôn Tân Thuận Đông lập năm 1836, địa danh đang xét được ký âm bằng 2 chữ “貪[氵敦]”. Trễ lắm là vào năm 1886, địa danh này được ghi bằng 2 chữ Quốc ngữ “Tham Rôn”. Tên Tham Rôn tiếp tục tồn tại ít nhất là đến năm 1963. Sau đó, chưa rõ từ năm nào địa danh này đổi tên thành Thơm Rơm.

Vậy nguồn gốc của Tham Rôn là gì? Rất có thể người Khmer từng gọi rạch Tham Rôn là “prêk Sam rôn”, trong đó “prêk” ព្រែក thường được hiểu là rạch, “Sam rôn” សំរោង là [cây] trôm. Mủ cây trôm thường dùng làm nước giải khát.

Sam > Tham cũng tương tự như Sala សាលា (một trong các nghĩa của nó là trạm dừng chân bên đường) > Tha La.

Ở Tây Ninh cũng có rạch Tham Rôn (một chi lưu của sông Vàm Cỏ Đông và gần ngã ba Vàm Cỏ Đông – Ngã Cậy – Ngã Bát), rạch này được ghi trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Tây Ninh 1896. Ở Thủ Dầu Một cũng có rạch Tham Rôn (một chi lưu ở bờ trái của Sông Bé), rạch này được ghi trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Thủ Dầu Một 1890.

Rất có thể hồi xưa cây trôm mọc hoang khá nhiều nơi. Người xưa đã dùng tên cây làm tên rạch, ví dụ như ở Thốt Nốt có rạch Trôm (một chi lưu bên bờ phải rạch Thốt Nốt, cách vàm rạch Thốt Nốt khoảng 5 km). Có điều chúng tôi chưa biết tên rạch Trôm do người Việt đặt ra hay là rạch này vốn có tên tiếng Khmer là “Sam rôn”, về sau được Việt hóa thành “Trôm”, tức dịch nghĩa chứ không phải phiên âm. Sở dĩ chúng tôi nêu vấn đề Việt hóa theo nghĩa là vì ở bên bờ tả sông Hậu có “Qua châu” 瓜州, tục danh “cù lao Bí” 岣嶗秘 (theo Gia Định thành thông chí, quyển 2). Cù lao này, Trương Vĩnh Ký trong Le Cisbassac cho biết tên tiếng Khmer là “kòh Iopou”. Mà “kòh” កោះ thì có nghĩa là cồn hay cù lao, “Iopou” ល្ពៅ thì có nghĩa là bí rợ. Như vậy, tên cù lao Bí không phải do người Việt đặt ra mà là Việt hóa theo nghĩa từ tên gọi “kòh Iopou” của người Khmer.

Tìm hiểu nguồn gốc địa danh là điều rất khó. Do vậy mà chúng chỉ tạm phỏng đoán địa danh Thơm Rơm ở Thốt Nốt không liên quan gì đến “mùi thơm của rơm”, bởi lẽ tên xưa của nó là “Tham Rôn”, mà “Tham Rôn” thì rất có thể có nguồn gốc từ tiếng Khmer “Sam rôn” សំរោង, nghĩa là [cây] trôm. Chúng tôi chỉ phỏng đoán như vậy mà thôi chứ không dám xác quyết.

Sok Kha Mo Ni

Omon có Chùa pothi som rong ( cây lâm vồ và cây trôm). Xóm xung quanh chùa mang tên som rong.

Nguồn: Cao Văn Nghiệp (Cá vàng)

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid025UKUaBJibZmAHAz6xTmiW3ptnVhUvqXioXm9Z1THoXXiPKvroxoJNyRKmCvC7xj7l?cft[0]=AZWYIU0du0yqR9NtFizH8sjKobBpmpxZfLt3G6R23_qQ6shRLpdxwBNHpjpPAYss2mR2aor0_H36UFTk33gqqs3OpSnserNne5zmJ8mC9qlZx_SdSC-Kn3DFjZFM8zgdlOsBIThE-MegC-mlErYrsT0ykxT1Q34zDbqGRtlEueVPOTULv1p9aOan3YsqK10sm3s&tn=%2CO%2CP-R

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *