NGUỒN GỐC ĐỊA DANH “TRÀ VINH” LÀ GÌ?

Trong cuốn Gia Định thành thông chí (quyển 2) của Trịnh Hoà Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2019) có lời dịch sau đây:

“Chà Vang giang [sông Trà Vinh], rộng 13 tầm, sâu 5 tầm, ở phía tây sông Cổ Chiên, nơi đây có đặt sở thủ ngự Quang Phục, người Việt và người Khmer sinh sống, chợ phố liên tiếp, thuyền buôn tụ hội, là góc biển đông đảo nhất vùng. Trước là vùng đất thuộc Cao Miên, năm Canh Tý thứ 3 [1780], vì có việc cần phải trưng dụng dân phu quân lính mà tù trưởng Ốc nha Suốt phủ Chà Vang ương ngạnh không theo lịnh…” (tr.101)

Nguồn: Cá Vàng 

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02FPXfEs8nAEshzvAekFXXPtMQbB2revHSPgz1j7GgVcDY6pYP9KwT2bSWZNnxXbcnl

Về địa danh Chà Vang giang (trong quyển 2: Sơn xuyên chí, mục Vĩnh Thanh trấn), Phạm Hoàng Quân chú và khảo chứng như sau:

“Chà Vang giang (𣗪𣞁江), sông Chà Vang, nay gọi là sông Trà Vinh. PBTL 1777 viết địa danh là “茶荣” (Trà Vinh); HVNTDĐC 1806 (quyển 7) viết tên sông là “𣗪𣞁瀝” (Chà Vang rạch). Hiệu khám, bản SEI viết “茶𣞁” (Trà Vang) [bản dịch VSH 1999 phiên âm là “Trà Vinh”]; bản VHN viết “𣗪𣞁” (Chà Vang) [bản dịch LVD 2006 căn cứ bản VHN nhưng phiên âm là “Trà Vang”, không chính xác]. Tên gọi theo tiếng Khmer là Prêk Préah Trapeng [Prek: sông, Preah Trapeng: hồ Thánh].” (tr.227).

Như vậy, địa danh Trà Vinh ngày nay, trong Phủ Biên Tạp Lục 1777 viết là “茶荣” (Trà Vinh); trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) viết là “𣗪𣞁” (Chà Vang); trong Gia Định thành thông chí 1820 có bản chép là “𣗪𣞁” (Chà Vang), lại có bản chép là “茶𣞁” (Trà Vang). Địa danh này vừa là tên sông/ rạch vừa là tên phủ (府), và vào năm Canh Tý thứ 3 [1780], người đứng đầu phủ Trà Vang là Tù trưởng Ốc nha Suốt (酋長屋牙𠁸).

Theo Đại Nam nhất thống chí, Vĩnh Long tỉnh, của Quốc sử quán triều Nguyễn, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo (Nha Văn hoá bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1959), “Huyện Trà Vinh 茶荣縣… nguyên trước là phủ Trà Vinh (茶荣府), năm Minh Mạng thứ 6 [1825] cải đặt làm huyện thuộc phủ Lạc Hoá (樂化府)] thống hạt”, và “Ngòi Trà Vinh 𣗪𣞁沱 ở phía đông huyện trị Trà Vinh…” (tr.6 và 18)

Vì “沱” (đà) có thể hiểu là rạch, và vì Phạm Hoàng Quân phiên âm “𣗪𣞁” và “茶荣” lần lượt là “Chà Vang” và “Trà Vinh” nên chúng tôi tạm cho rằng, theo Đại Nam nhất thống chí, con rạch có tên Nôm là “𣗪𣞁” (Chà Vang), còn phủ/ huyện thì có tên chữ Hán là “茶荣” (Trà Vinh).

Vì sông/ rạch đang xét, trong Petit cours de géographie de la Basse-Cochichine, 1ère édition, (Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875), cụ Trương Vĩnh Ký gọi là “Trà-vang giang” (tr.43), và vì địa danh “Nam Vang” bên Campuchia được các cụ hồi xưa viết là “南荣” nên rất có thể 2 chữ “𣗪𣞁” (tên sông/ rạch) và 2 chữ “茶荣” (tên phủ/ huyện) từng được đọc là “Trà Vang”.

Về nguồn gốc địa danh sông/ rạch Chà Vang, theo Phạm Hoàng Quân, là “Prêk Préah Trapeng [Prek: sông, Preah Trapeng: hồ Thánh]”. Về cụm từ “Préah Trapeng”, Léon Mossy, trong cuốn Principes d’administration générale de l’Indochine (Impr. de l’Union Nguyên-Van-Cua, Saïgon, 1933) phiên âm là “Préah Trapéang” và đối dịch là “étang de Boudha” (tr.447). Như vậy, theo Léon Mossy, “Préah Trapéang” có nghĩa là “ao Phật” (étang de Boudha).

Còn cụ Vương Hồng Sển, trong Tự vị tiếng nói miền Nam (Nxb Trẻ, 1999) thì cho rằng (xin trích):

“Trà Vinh: đd., tên một tỉnh mang số mã tự 5 thời thuộc Pháp, từ năm 1956, lấy tên Vĩnh Bình (xem Sông Trà Vinh). Cơ Me: srok práh trapẵn (di cảo TVK trong Le Cibassac), cũng viết: Préah Trapéang… Dịch từ chữ: srok: sốc; prah: Phật; trapan: ao vũng.” (tr.607).

Từ các thông tin nêu trên, chúng tôi tạm phỏng đoán rằng Préah Trapéang là Ao Phật vì:

– Préah ព្រះ có thể hiểu là ông Phật vì có thuyết cho rằng hồi xa xưa có người tìm thấy tượng Phật dưới đáy một cái ao lớn.

– Trapéang ត្រពាំង có thể hiểu cái ao lớn.

Trong Tự vị tiếng nói miền Nam của cụ Vương Hồng Sển còn có đoạn sau đây:

“Trà Vinh (theo monographie năm 1903 của Société des Etudes Indo-chinoise (địa dư ký đặc biệt của hội Cổ học Ấn trung)[1]. Nguyên văn câu đầu như sau:

“Trà Vinh vient de l’ancient nom Trà Vang qui fut donné au pays par les autorités indigènes. Trà Vang est la corruption des mots cambodgiens Prăc Prabăng qui signifient “Étang de Bouddha”[2].

Comme aucun caractère de l’écriture chinoise ne peut reproduire par sa prononciation les mots cambodgiens PracPrabăng, les autoriétés annamites se servirent de caractères “Trà” à la place du mot “Prăc” et de celui de “Vang” pour “Băng”: d’où le mot Travang. Plus tard on écrivit Travinh et, depuis la conquête, l’administration franҫais a conservé ce dernier nom.

Dịch tóm tắt và bàn rộng. Hai chữ Trà Vinh, do tên cũ Trà Vang, dịch tiếng Prăc Prabang, lấy chữ Trà thế chữ Prăc và chữ “vang” rồi “vinh” thế chữ “Prabăng” sau rốt viết Trà Vinh, và chánh phủ Pháp giữ y địa danh Trà vinh nầy. Lời bàn – Nay nói ra thì dông dài và hỗn, dường như muốn khoe “kẻ đi sau giỏi hơn người đi trước”. Sự thật phải nhìn nhận cách trong Nam phiên âm tiếng Cơ-me ra tiếng Việt quả không có phương pháp và không thống nhất, nay khó biết dựa vào đâu làm chuẩn thẳng. Tỷ dụ Prac, Prah, Prabang, Trapan, Tra-péang, tuỳ tác giả, không giống một thể cách.

Tạm đây tôi xin lưu ý, chữ Trapéang, trước đây đã dịch: Trà Vang như trên, sau đó lại dịch Trà Bang (trong địa danh Long Mỹ Trà bang nơi Rạch Giá, sau đó lại dịch tắt bỏ hết và thâu gọn còn chữ “bưng” gọn gãy và cho luôn vào tiếng Việt, tỷ dụ: bưng – biền.” (…)

Ao Prăc Prabăng, nay vẫn còn tại làng Đôn Hoá, tổng Trà Phú, nơi có chùa Phường (tr.34 monographie 1903) và theo truyền thuyết ghi nơi tr.6 monographie thì chùa nầy tạo lập để ghi ơn Phật cứu vua Cơ-me Ka Giồng Có từ Nam Vang xuống đây, thuyền bị đắm nhờ Phật độ khỏi nạn, nên lập chùa hoàn nguyện. (Như vậy ao Prac Prabang là một cổ tích nên bảo tồn). (tr.230).

Như vậy, theo các tác giả cuốn Monographie de la province de Trà Vinh 1903, tên cũ của Trà Vinh là Trà Vang và tên này có nguồn gốc tiếng Khmer “Prăc Prâbăng” có nghĩa là Ao Phật (Étang de Bouddha), và cụm từ này đã được Việt hoá thành Trà Vang (Prăc > Trà, Prâbăng > Vang).

Vì ở trên chúng tôi đã nói, Préah Trapéang ព្រះ ត្រពាំង có thể hiểu là Ao Phật, nên rất có thể các tác giả cuốn Monographie de la province de Trà Vinh 1903 đã phiên âm “ព្រះ ត្រពាំង” là “Prăc Prâbăng”. Nếu đúng như vậy thì “ព្រះ” (Préah) > Trà, “ត្រពាំង” (Trapéang) > Vang. Còn cụ Vương Hồng Sển thì lại cho rằng, trong địa danh đang xét, chỉ có thành tố “Trapéang” được Việt hoá thành “Trà Vang” (Trapéang > Trà Vang). Ai đúng, ai sai? Thú thật là chúng tôi chưa biết. Ở đây chúng tôi chỉ có thể nói rằng, theo Wikipedia tiếng Khmer, tỉnh Trà Vinh được gọi là “ខេត្តព្រះត្រពាំង” (Khett Preah Trapeang).

————–

[1] Tức cuốn Monographie de la province de Trà Vinh 茶荣 của Société des Études Indo-chinoise (Saigon, Imprimerie L. Ménard, 1903)

[2] Nguyên văn câu này là: “Trà-vinh 茶荣 vient de l’ancient nom Trà-vang 茶聞 qui fut donné au pays par les autorités indigènes. Trà-vang est la corruption des mots cambodgiens Prăc Prabăng qui signifient “Etang de Bouddha.”

Tran Kong

Dạ gởi thầy. Tỉnh Khmer bên VN có lấy lại tên theo tỉnh bên Campuchia. Vd : Trapeang , Th’kov , Samrong , …

Trà Vinh là vùng đất rất cổ có dấu tích của tổ tiên Phù Nam của ng Khmer (rất nhiều di chỉ khảo cổ) , có chùa xây từ năm 6xx và 8xx tới giờ vẫn còn tồn tại , tính ra là gần 1400 năm và hơn 1000 năm. Ngoài ra còn có vùng đất có tên Bãi Xàu (cơm sống) tương tự bên Sóc Trăng , có dấu tích cây lâm vồ cổ …

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *