VIN – VANG

(Cập nhật ngày 19/12/2023)

VIN trong tiếng Pháp thường được đối dịch là RƯỢU. Có một số nhà cho rằng, người miền Bắc chỉ đọc (hay phiên âm) từ VIN trong tiếng Pháp là VANH. Có lẽ vì lý do này mà từ VANG (trong rượu vang) từng được cố học giả An Chi giải thích trong bài “Lắt léo chữ nghĩa: Xin đừng lý giải kiểu này” (đăng trên báo Thanh Niên, ngày 29/04/2018) như sau:

Nguồn: Cá Vàng

https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid07nsH6KgKcwoL293Y9S1xVmDmv5eDGvshL5BwiDhuTHAatoDQBFW4x9RWaPDQb1jel

“(Rượu) vang: vin – Thực ra, vang vốn là một danh từ tiếng Việt dùng để chỉ một thứ cây có vỏ màu đỏ, dùng để làm chất nhuộm[*], có tên Hán – Việt là tô mộc [蘇木], tên khoa học là Caesalpinia sappan. Tục ngữ có câu: Đỏ như vang, vàng như nghệ. Rượu vang chẳng qua là rượu có màu đỏ, cũng như rượu trắng là rượu có màu trắng.” (https://thanhnien.vn/lat-leo-chu-nghia-xin-dung-ly-giai…#)

Gần đây chúng tôi tình cờ bắt gặp trong cuốn Ẩm thực tu tri của Vương Thị Thu Hương (Tân Dân Thư Quán xuất bản, 93 phố Hàng Bông, Hà Nội, 1930) có các đoạn sau đây:

– “Nếu nấu bằng vang trắng thì phải gọi là: Ro-nhông đờ cô-sông ô vanh bờ-lăng (Rognons de cochon au vin blanc) (tr.73 – (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4233855r/f75.)

– “Đùi bò lột bỏ xương (…) Xong rồi đặt nó vào một cái soong liệu vừa tầm đổ rượu vang trắng vừa ngang mặt thịt (…) Món này gọi là: Cu-lốt đờ ô vanh bờ-lăng (Culotte de bœuf au vin blanc).” (tr.83 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4233855r/f85.)

– “Cá cũng làm và mổ (…) bỏ vào cái soong, đổ nửa lít rượu vang đỏ, vài muỗn nước dủng (…) Món này gọi là: Cáp-ô-vanh (Carpe au vin).” (tr.97 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4233855r/f99.)

– “Ếch cũng làm sạch sẽ (…) hễ sắc nó đã vàng thì bỏ ít hành tây, tỏi, péc-sin, mùi tây, một cốc to rượu vang trắng, ít nước dùng (…) Món này gọi là: Gờ-rơ-nui ô vanh (Grenouilles au vin) (tr.106 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k4233855r/f108.)

Từ các đoạn trích ở trên chúng tôi tạm suy ra rằng, “vin” được phiên âm là “vanh”, “vin blanc” được dịch là “rượu vang trắng” hoặc “vang trắng”. Ngoài ra, tuy tên một số món ăn chỉ gọi là “… au vin”, tức không có tính từ bổ nghĩa “rouge” (đỏ) hay “blanc” (trắng) nhưng tuỳ theo món ăn mà “vin” có thể ngầm hiểu là “rượu vang đỏ” hoặc “rượu vang trắng”.

Có điều thú vị là trong Sách dạy làm bếp (Imprimerie de Hanoi, 1944), tác giả Nguyễn Khắc Khiêm phiên âm VIN là VANG, và “vin blanc” là “vang lăng” như 2 đoạn sau đây:

“…cho 1 bát rượu vin blanc (vang lang)” (tr.4 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k42345269/f12. )

“Canard au vin blanc (ca-na ô vang lăng)” (tr.77 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k42345269/f85.)

Có lẽ đối với người Pháp, nguyên liệu chính để làm rượu là TRÁI NHO nên Wiktionary tiếng Pháp mới giải thích như thế này: VIN là “Thức uống có cồn thu được bằng cách lên men nước ép trái nho và được biết đến từ nhiều thiên niên kỷ” (Boisson alcoolique obtenue par fermentation du jus de raisin et connue depuis plusieurs millénaires – https://fr.wiktionary.org/wiki/vin). Và có lẽ vì lý do này mà có nhà đối dịch từ VIN là RƯỢU NHO.

Đến đây chúng tôi tạm phỏng đoán rằng, vì VIN thường được người miền Bắc phiên âm là VANH nhưng cũng có người phiên âm là VANG, VIN cũng được dịch là RƯỢU VANG hoặc gọi tắt là VANG, và vì đối với người Pháp, NHO vốn là nguyên liệu để làm rượu nên VIN cũng được hiểu là RƯỢU NHO. Có lẽ do các lẽ này mà có từ điển giải thích từ VIN là “rượu vang, rượu nho” (https://vtudien.com/phap-viet/dictionary/nghia-cua-tu-vin).

Nhưng có lẽ vì người miền Bắc thường đọc (hoặc phiên âm) âm IN là ANH (matin > ma-tanh, chauvin > sô-vanh, Chopin > Sô-panh, v.v…) nên cố học giả An Chi mới cho rằng, từ “vang” trong “rượu vang” không phải là “vin” mà là tên một loại cây thường lấy vỏ để nhuộm màu đỏ mà người Việt gọi là “cây vang”, tên Hán Việt là “tô mộc”… Mặc dù thuyết “rượu vang là rượu đỏ” của cố học giả An Chi rất khả tín nhưng chúng tôi cũng mạo muội góp thêm đôi điều rút ra từ cuốn Ẩm thực tu tri 1930 của Vương Thị Thu Hương và cuốn Sách dạy làm bếp 1944 của Nguyễn Khắc Khiêm để chúng ta cùng tham khảo.

——-

[*] Theo Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị 1896, Cây vang là thứ cây có gai, người ta hay trồng làm hàng rào, rễ nó làm màu nhuộm đỏ; Nhuộm vang là nhuộm màu rễ vang; Sắc vang là nấu rễ vang để nhuộm. (tr.541).

Cuong Chung

Câu lý giải “đỏ như vang, vàng như nghệ” -> câu này ta còn phải xét bối cảnh nó ra đời khi nào? Nếu nó ra đời lúc Pháp qua thì coi như câu đó ta còn có thể hiểu là “đỏ như rượu nho, vàng như nghệ” cũng được vậy.

Mà con đọc sách thấy mấy giáo sĩ Bồ Đào Nha qua Việt Nam phiên âm ra là “Vinnho” = “vang nho” nữa đó, trước khi Pháp qua luôn.

Cá Vàng

ĐÍNH CHÍNH

Vương Thị Thu Hương trong Ẩm thực tu tri 1930 phiên âm “vin” là “vanh” (không phải “vang”).

Nguyễn Khắc Khiên trong Sách dạy làm bếp (Imprimerie de Hanoi, 1944) mới là người phiên âm VIN là VANG, và “vin blanc” là “vang lăng” như 2 đoạn sau đây:

“…cho 1 bát rượu vin blanc (vang lang)” (tr.4 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k42345269/f12.)

“Canard au vin blanc (ca-na ô vang lăng)” (tr.77 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k42345269/f85.)

Nay xin đính chính.

Ngô Văn Tưởng

Ở Trà Vinh người Khmer cũng dùng cây vang tiếng Khmer sàbẹn để nấu ra màu đỏ nhuộm lác.

Cá Vàng

Cây vang, cũng gọi là cây vang nhuộm… tên tiếng Hán là tô mộc 苏木, tô phương mộc 苏方木…, tên khoa học là Caesalpinia sappan, tên tiếng Khmer là ស្បែង (Google phiên âm là “speng”)

Cá Vàng

TIẾNG VIỆT… LẮT LÉO

Thỉnh thoảng chúng ta nghe thấy nói/ viết:

Vua Hùng Vương (với “vương” 王 là vua)

Ông Quan Công (với “công” 公 là ông)

Sông Hoàng Hà (với “hà” 河 là sông)

Cầu Trường Kiều, cầu Đoản Kiều (với “kiều” 橋 là cầu)

Đầm Dạ Trạch (với “trạch” 澤 là đầm)

Tóc em dài em cái bông hoa lý (với “bông” = “hoa”)

Ông Tà (với “tà” តា là ông)

Đảo Koh Kong (với “koh” កោះ là đảo)

Bánh cake (với “cake” là bánh)

v.v…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *