CÂY TRÔM & VÀI ĐỊA DANH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÂY TRÔM

Cá Vàng — với Nguyễn Thanh Lợi và 5 người khác.

Yêu thích  · 25 Tháng 4, 2021  · 

CÂY TRÔM & VÀI ĐỊA DANH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÂY TRÔM

TRÔM là một loài thực vật thuộc chi Trôm trong họ Trôm. Cây này có lá chẻ và hoa có mùi hơi hôi. Loài này có nguồn gốc tự nhiên ở vùng nhiệt đới. Mủ trôm, hay còn gọi là nhựa trôm, là dịch tiết ra từ cây trôm. Khi ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ thấp (4-5%) nhựa trôm sẽ trở thành dạng keo. Mủ trôm có màu trắng, dạng thạch đặc, vón thành từng cục như sương sa. Mủ trôm được sử dụng làm thức uống giải khát, giải độc và chống táo bón do có thành phần chất xơ cao có khả năng trương nở lên gấp từ tám đến mười lần trong nước và kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, tăng lượng phân và nhu động ruột. Mủ trôm góp phần cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường. Ngoài ra, nhờ tính dính nên nhựa trôm thường được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ. (Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%B4m)

Về địa danh mang tên TRÔM, ở phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có xẻo Trôm, cầu Xẻo Trôm, chợ Xẻo Trôm, khu dân cư Xẻo Trôm; tỉnh Bến Tre có giồng Trôm, chợ Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm.

Chợ Giồng Trôm, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (1806), Quyển 7, của Lê Quang Định chép là 𢄂 墥 簪 và Phạm Hoàng Quân phiên âm là “chợ Giồng Trâm”, trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức chép là 墥 橬 市 và Phạm Hoàng Quân đọc là “Giồng Trâm thị” và nói thêm: “nay là chợ Giồng Trôm”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Huình-Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quấc âm tự vị, chữ 橬 ngoài âm “trâm” (cây trâm) còn có âm “trắm” (ông Trắm), âm “trôm” (cây trôm, hột lớn có nhiều dầu, ăn được; mũ trôm ngâm cho nở rồi bỏ đường mà ăn thì mát). Như vậy, địa danh 墥 橬 市 trong GĐTTC cũng có thể đọc là “Giồng Trôm thị”.

Cây trôm trong tiếng Khmer là សំរោង (sầm-rông hay saamrong).

Theo cuốn Địa chí tỉnh Sốc Trăng, bản in năm 1904, của Hội nghiên cứu Đông Dương, “từ Khner Sầm-rông tương đương với Cây trôm trong tiếng Việt. Gần ngôi nhà làng Chung Đôn hiện nay, vốn có một cây trôm khổng lồ đã bị bật gốc vào năm 1870 sau một cơn dông dữ dội.” (tr.37). Vào năm 1904, làng Chung Đôn thuộc tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Sốc Trăng:

Theo Võ Nữ Hạnh Trang, trong bài Địa danh mang tên thực vật ở Tây Nam Bộ, thì “Tham Rôn là tên một con rạch ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Tham Rôn gốc Khmer, có nghĩa là cây trôm”. (http://www.vjol.info/…/sphcm/article/viewFile/13780/12531)

Từ lời của Võ Nữ Hạnh Trang, chúng tôi tạm suy ra rằng các con rạch sau đây cũng có nguồn gốc từ tiếng Khmer là là សំរោង (sầm-rông hay saamrong) có nghĩa là cây trôm:

– Rạch Tham Rôn là một chi lưu ở bên bờ phải của sông Vàm Cỏ Đông và gần ngã ba Vàm Cỏ Đông – Ngã Cậy – Ngã Bát. (Theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Tây Ninh năm 1896, https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b530295052/f1.)

– Rạch Tham Rôm là một chi lưu ở bờ trái của Sông Bé. (Theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Thủ Dầu Một năm 1980 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b531670730/f1. )

– Rạch Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Con rạch này trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên năm 1886 và trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, năm 1924) của Victor Duvernoy ghi là rạch Tham Rôn; Nguyễn Văn Nam trong cuốn Liên Phân Bộ Công Kỹ Thương Việt Nam – Tỉnh An Giang 1959 (Nhà in Nguyễn Đ. Vượng, Sài Gòn, 1959) ghi là Tham Rôm. Về sau, không rõ từ năm nào, con rạch này được gọi là Thơm Rơm và có người căn cứ vào cái te6n Thơm Rơm này mà cho rằng đây là “địa danh thuần Việt” và có người lại bảo Thơm Rơm là “thơm mùi rơm”! Cũng cần nói thêm rằng, địa danh Tham Rôn 貪[氵敦] đã được ghi trong địa bạ thôn Tân Thuận Đông lập năm 1836.

Theo lời bạn Hồ Văn Ưng, “chợ Tham Buôn ở Mỹ Hội Đông (Cù Lao Ông Chưởng) cũng có nguồn gốc từ cây trôm đọc theo tiếng Khmer”.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng, ngoài các địa danh có liên quan đến tên tiếng Việt là Trôm (cây trôm) như Xẻo Trôm, Giồng Trôm, còn có một số địa danh có liên quan đên tiếng Khmer là សំរោង (Sầm-rông hay Saamrong) có nghĩa là cây trôm như làng Chung Đôn ở Sốc Trăng, các rạch Tham Rôn (trong đó có rạch Tham Rôn ở Thốt Nốt, về sau đổi thành rạch Thơm Rơm), chợ Tham Buôn ở cù lao Ông Chưởng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *