ĐỊA DANH CẦN ĐĂNG Ở AN GIANG

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 9 người khác.

Yêu thích  · 26 Tháng 2, 2023  · 

ĐỊA DANH CẦN ĐĂNG Ở AN GIANG

Trong bài CẦN ĐĂNG (đăng ngày ngày 23 tháng 2 năm 2019), tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho biết:

“Địa danh Cần Đăng được Việt hóa từ Kandal, tên một tỉnh của Campuchia, ôm trọn thủ đô Phnôm Pênh. Trong tiếng Khmer nó có nghĩa là “miền Trung” hay “trung tâm”, gần giống với nghĩa của địa danh Châu Thành. Hình bên dưới là tượng Ta Khmau nằm ở cửa ngõ vào Phnôm Pênh, thuộc địa bàn tỉnh Kandal. Cầu và đường Cần Đăng nằm trên quốc lộ 22B, thị trấn Tân Biên (Tây Ninh), cách cửa khẩu Xa Mát không xa. An Giang cũng có xã Cần Đăng, rạch Cần Đăng, chợ Cần Đăng, trường PTTH Cần Đăng thuộc huyện Châu Thành. Đây là một hiện tượng “dịch chuyển” địa danh thú vị, cả về cách phiên âm lẫn không gian của địa danh.” (https://www.facebook.com/nguyenthanh.loi.1/posts/pfbid02JfPSkM3soiqQxoubbnV68ULHtcB7r14B2mAoE7EdWvnH5zQnpqWjsUoZnrLZJ5TCl)

Chúng tôi không biết nguồn gốc của “cầu và đường Cần Đăng nằm trên quốc lộ 22B, thị trấn Tân Biên (Tây Ninh), cách cửa khẩu Xa Mát không xa” có phải là tiếng Khmer Kandal (កណ្ដាល) nghĩa là “miền Trung” hay “trung tâm” hay không, riêng về “xã Cần Đăng, rạch Cần Đăng, chợ Cần Đăng, trường PTTH Cần Đăng thuộc huyện Châu Thành” tỉnh An Giang thì chắc là không.

Theo chúng tôi, rạch Cần Đăng vốn được gọi là sông/ rạch Mạt Cần Dưng/ Mạt Cần Đăng: trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (quyển 7) chép là “末芹𤼸瀝” (Mạt Cần Dưng rạch; trong đó chữ “𤼸” (gồm chữ “đăng” 豋 bên trái và chữ “thượng” 上 bên phải) có thể đọc là dưng, dâng); trong Gia Định thành thông chí 1820 (quyển 2), tiểu mục Hậu Giang chép là “末芹簦” (Mạt Cần Đăng với chữ “Đăng” 簦 gồm bộ “trúc” 𥫗 ở trên và chữ “đăng” 豋 ở dưới), tiểu mục “Mạt Cần Đăng giang” thì chép là “末芹豋江” (Mạt Cần Đăng), tiểu mục Thoại Hà thì chép là “芹豋江” (Cần Đăng giang – không có chữ “Mạt” 末); trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) chép là “芹豋江” (Cần Đăng giang).

Mạt Cần Dưng cũng là tên xứ. Trong địa bạ thôn Bình Hòa Trung (tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 do thôn trưởng Phan Văn Nhuệ 番文銳 (chữ “銳” có thể đọc là Nhuệ, Duệ, Đoái, Nhọn, chúng tôi tạm chọn âm Nhuệ) dịch mục Nguyễn Văn Viện 阮文院 (chữ “院”có thể đọc là Viện, Vẹn, Vện, chúng tôi tạm chọn âm Viện) cùng bổn thôn bẩm có câu: “本村地分卓𣘁刀末芹𤼸該貳處” (Bổn thôn địa phận Chắc Cà Đao, Mạt Cần Dưng cai nhị xứ/ Địa phận của bổn thôn ở 2 xứ Chắc Cà Đao, Mạt Cần Dưng). Xứ Mạt Cần Dưng có thể hiểu là khu vực 2 bên bờ rạch Mạt Cần Dưng.

Rạch Mạt Cần Dưng trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên 1886 ghi là “Rạch Măc Cang Dung” (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k58483061/f25.); trên Bản đồ địa hình tỉnh Long Xuyên 1920 ghi là “Rạch Mạc Cần Dưng” (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k58483061/f25.item.)

Theo Nghị định ngày 17-11-1871, tổng Biên Thành được thành lập gồm 5 thôn người Khmer: Cà Lâu (mới lập), Cần Đăng (mới lập), Nhuận Ốc (mới lập), Thâm Trạch (mới lập) và Vọng Thê. Rất có thể thôn Cần Đăng vốn thuộc xứ Mạc Cần Dưng được nêu trong địa bạ thôn Bình Hòa Trung 1836. Khoảng năm 1876, thôn đổi thành làng, hạt thanh tra đổi thành hạt tham biện (thường gọi tắt là hạt). Thôn Cần Đăng, trong Nam Kỳ địa hạt tổng thôn mục lục (San định năm Nhâm Thìn 1892) chép là “勤登村” (Cần Đăng thôn). Đầu năm 1900, hạt tham biện đổi thành tỉnh. Năm 1901, dân số làng Cần Đăng là 342 người. Năm 1911, theo cuốn Annuaire général de l’Indochine (Partie administrative) 1911 (Hanoi-Haiphong, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1911), tỉnh Long Xuyên có 3 quận: Châu Thành, Chợ Mới và Thốt Nốt; trong đó, quận Châu Thành (Circonscription du chef-lieu) gồm 3 tổng: Biên Thành, Định Phước và Định Thành Hạ; người đứng đầu quận Châu Thành là ông Thai-huu-Vo, phủ hạng nhứt. (tr.312). Như vậy, trễ lắm là vào năm 1911, làng Cần Đăng thuộc tổng Biên Thành, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Theo Nghị định ngày 4-10-1912, tổng Biên Thành bị giải thể, làng Cần Đăng được chuyển sang tổng Định Thành Hạ. Theo Nghị định ngày 1-4-1917, tổng Định Thành Hạ đổi tên thành tổng Định Thành. Vào năm 1924, theo Victor Duvernoy trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hanoi, 1924, trang 48), làng Cần Đăng 芹䔲 (chữ “Đăng” gồm bộ “thảo” 艹 ở trên và chữ “đăng” 豋 ở dưới) gồm 2 ấp Cần Thới 芹泰 và Cần Thạnh 芹盛.

Năm 1956, làng đổi thành xã, tỉnh Long Xuyên (trừ quận Lấp Vò) hợp nhất với tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang; lúc đó xã Cần Đăng thuộc tổng Định Thành, quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Khoảng 1962-1965, cấp tổng giải thể; lúc đó xã Cần Đăng thuộc quận Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngày nay, xã Cần Đăng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Như chúng tôi đã nói ở trên, tên rạch Cần Đăng từng được gọi là Mạt Cần Dưng/ Mạt Cần Đăng. Ngoài vàm rạch này, trên sông Hậu, có cù lao Bà Hòa, trong Di cảo Trương Vĩnh Ký ghi là Cù lao Mặc Cần Dưng và cho biết tên tiếng Khmer là “Koh práh stưn”. Mặc dù Trương Vĩnh Ký không cho biết tên tiếng Khmer của con rạch là gì, nhưng vì “Koh” (កោះ) có nghĩa là cồn hay cù lao nên theo chúng tôi, rất có thể người Khmer gọi con rạch là “Prek práh stưn”, với “Prek” (ព្រែក) nghĩa là rạch, xẽo… Nếu quả thực tên tiếng Khmer của Mạt Cần Dưng/ Mạt Cần Đăng là “Práh stưn” thì tên tiếng Khmer của Cần Đăng cũng là “práh stưn”. Nói các khác, rất có thể nguồn gốc của địa danh CẦN ĐĂNG (tên xã, tên rạch, tên cầu, tên chợ, tên trường PTTH) ở huyện Châu thành, tỉnh An Giang là tiếng Khmer “PRÁH STƯN”, tức không phải là “KANDAL”. Còn chữ Khmer của “práh stưn” viết như thế nào và ý nghĩa là gì thì chúng tôi chưa biết.


Thạch Ba Xuyên

Hình như chữ Kandal (កណ្ដាល) có nghĩa: giữa, trung tâm! Kính Anh!

Tran Kong

Dạ

Tân Biên có cầu Cần Đăng. Tuy nhiên nó lại bắc qua con rạch Bến Đá. Tôi chỉ đi lướt qua chứ chưa có tìm hiểu cặn kẽ

Kính.

Lê Tiên Sắc  · 

Theo dõi

1. Thuyết Mạt Cần Đăng = preah stung không vững, không có tí ngữ âm ngữ nghĩa gì gần nhau cả.

2. LTS đoán Mạt Cần Đăng = Moat Kandal, với nghĩa cận trung tâm, Moat trường hợp này chỉ vùng gần bờ, gần cửa sông. Ta có từ tổ hợp Moat Tonle là bờ sông, cửa sông.

(Moat nghĩa 1. Miệng (mồm)

2. Vành (viền) nón)

Moat Kandal >Mạt Cần Đăng là một phiên âm hoàn hảo, nghĩa cũng hợp lí chỉ con sông/rạch ở châu thành. Mạt lúc này vừa biểu ý là mé, bờ, gần cuối, cũng chỉ âm Moat.

Phi Hung Tang

Lê Tiên Sắc bên cạnh đó thì Hùng thấy cách giải thích của thầy Sok Kha cũng rất hợp lý. Mạt Cần Đăng = Mắc Cần Dưng = មាត់ស្ទឹង cũng rất hay. Thông tin thêm chút xíu, bên Cam có tỉnh Kandal = កណ្តាល, Việt kiều mình gọi là Căng Đan, thấy cũng rất gần với từ Cần Đăng.

Lê Tiên Sắc  · 

Theo dõi

Phi Hung Tang stung ->cần đăng nghe hơi xa anh ơi.

Phi Hung Tang

Lê Tiên Sắc Hùng cũng thấy vậy, vậy nên mình thử phân tích sâu hơn một chút xem có manh mối gì không nhé. Căn cứ theo nguyên tắc phiên âm từ tiếng Khmer sang tiếng Latin và tiếng Hán sang tiếng Latin thì tiếng Khmer và tiếng Hán mà bắt đầu từ âm “T” sẽ được viết sang Latin là chữ “D”

Ví dụ cụ thể:

-đệ đệ = 弟弟 = âm tiếng Hán đọc là = Ti Ti. Phiên âm = di di.

-đại ca = 大哥 = âm tiếng Hán đọc là Ta Cưa = Phiên âm = Da ge. (chỗ này âm C biến thành âm G nằm trong trường hợp Sài Gòn như đã chia sẻ trước đây)

Vậy rất có thể: chữ mà thầy Sok Kha đưa ra là មាត់ស្ទឹង = âm đọc là: Moat Sa Tung. Chữ Sa Tung = ស្ទឹង rất có thể sẽ được phiên âm là: Sa Dung sau này Việt hóa biến thành Cần Dưng chăng??? Rất mong nhận thêm được ý kiến làm sáng tỏ vấn đề. Trân trọng!

Sok Kha Mo Ni

stưng: Khúc sông ngắn, nghe nói tên chùa preah stưng, còn ngôi làng bên sông gọi là moat stưng có lẽ biến ra măc cần dưng.

Cá Vàng

TỔNG BIÊN THÀNH

Trong Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) (Nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2017) của Nguyễn Đình Tư có đoạn sau đây:

“Quyết định ngày 17-11-1871 trích các thôn người Khmer là Nhuận Ốc, Vọng Thê, Cần Đăng, Ca Lan, Thâm Trạch khỏi tổng Định Thành Hạ lập thành tổng Biên Thành. [BOCF năm 1871, ký hiệu J.1027].” (tr.351)

Tôi không biết trong cuốn Bulletin officiel de la Cochichine française 1871 viết như thế nào, nhưng theo tôi, trước khi Quyết định ngày 17-11-1871 có hiệu lực thì chỉ có thôn Vọng Thê (vào năm 1836, thôn này thuộc tổng Định Thành, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang). Còn 4 thôn Nhuận Ốc, Cần Đăng, “Ca Lan”, Thâm Trạch là những thôn “mới lập” (có lẽ là theo các quyết định khác được ký cùng ngày 17-11-1871).

Trong số 5 thôn “Nhuận Ốc, Vọng Thê, Cần Đăng, Ca Lan, Thâm Trạch” thì địa phận 4 thôn “Vọng Thê, Cần Đăng, Ca Lan, Thâm Trạch” vốn nằm trong địa bàn tổng Định Thành Hạ (vào những năm đầu thời Pháp thuộc, tổng Định Thành thời nhà Nguyễn bị chia làm 2: tổng Định Thành Thượng thuộc hạt thanh tra Châu Đốc, tổng Định Thành Hạ thuộc hạt thanh tra Long Xuyên. Theo Nghị định ngày 1-4-1917, tổng Định Thành Hạ đổi tên thành tổng Định Thành). Riêng địa phận thôn Nhuận Ốc (潤屋) thì vốn nằm trong địa bàn tổng Định Phước (Theo Nghị định ngày 13-12-1919, làng Nhuận Ốc bị giải thể và trở thành 1 ấp thuộc làng Vĩnh Trinh, tổng Định Phước).

Thôn “Ca Lan”, trong Nam Kỳ địa hạt tổng thôn mục lục (San định năm Nhâm Thìn 1892) chép là “𤔄[木婁]” (Ca Lâu), trong Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 1924 in là “Cà Lâu” (Theo Nghị định ngày 13-12-1919, làng Cà Lâu hợp nhất với làng Hòa Bình thành làng Hòa Bình Thạnh, tổng Định Thành).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *