ĐỊA DANH CÙ LAO MÂY TRÊN SÔNG HẬU

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 8 người khác.

Yêu thích  · 9 Tháng 4, 2023  · 

ĐỊA DANH CÙ LAO MÂY TRÊN SÔNG HẬU

Trong bài “Cù lao Mây – Điểm du lịch miệt vườn hấp dẫn ở Vĩnh Long” có đoạn sau đây:

“Nhắc đến những cù lao trên Sông Hậu, không thể không nhắc đến Cù lao Mây ở Vĩnh Long. Cù lao Mây hay còn gọi là Cù lao Lục Sĩ Thành thuộc địa phận hai xã: Lục Sĩ Thành ở phía Nam và Phú Thành ở phía Bắc của huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Với không khí trong lành mát mẻ, sông nước hữu tình, cảnh quan thơ mộng sẽ làm cho bạn nhớ mãi vùng đất này.

Tên gọi dân gian cù lao Mây có thể lý giải nghĩa chung như sau: vùng đất nhô lên thành cồn, ban đầu chưa được khai phá nên có nhiều cây cỏ; lại có nhiều dây “mây rừng” đan xen trong một khu cây cỏ hoang dại, nên dân gọi là “cù lao mây”, lâu dần trở thành địa danh “cù lao Mây”.

Theo một truyền thuyết kể lại, những năm giữa thế kỷ 18, lúc Nguyễn Ánh lánh nạn Tây Sơn, khi bôn tẩu xuôi theo dòng sông Hậu ông có gặp một cù lao giữa giồn (sic), ông đã cho thuyền ghé lại và nhận ra đây là nơi trú ẩn an toàn, quân Tây Sơn khó lòng phát hiện. Nguyễn Ánh đặt tên cho cù lao này là Vân Châu vì nhìn từ xa cù lao giống như một án (sic) mây. Vân có nghĩa là Mây, Châu là cù lao, nên dân gian ở đây gọi là cù lao Mây. (https://thamhiemmekong.com/…/cu-lao-may-diem-den-thu-vi…)

VÀI NHẬN XÉT

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (ở sau viết tắt là HVNTDĐC), quyển 7, của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hóa, 2005) có đoạn sau đây:

“2.360 tầm, giữa sông có cồn, gọi là Cù Lao Mây, trên từ rạch Cái Bồn xuống đến Rạch Tra, dòng nước chia làm hai nhánh, chung quanh cồn có dân cư và ruộng vườn. Nhánh bên phải từ Mái Rầm chảy 2.600 tầm đến rạch Cái Cong, [80b] rộng 3 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến cuối có dân cư. 1.300 tầm, bờ bên phải có dân cư, đến rạch Cái Trâm, rạch này rộng 5 tầm, sâu 2 tầm, hai bên bờ đến cuối đều có dân cư và ruộng cấy lúa, phía ngoài đều là rừng chằm. 400 tầm, giữa sông bên phải có hai cồn nhỏ: Một gọi là cù lao Cái Cầu, một gọi là cù lao Cái Trâm. Lại có hai cồn nữa: một gọi là cù lao Ni, một gọi là cù lao Trưng, trên tất cả cồn ấy đều là rừng rậm, không có dân cư, hai cù lao này đối diện với phần đuôi Cù Lao Mây, tục gọi là Ba Mòi.” (tr. 334)

Đối ứng cụm từ “giữa sông có cồn, gọi là Cù Lao Mây, trên từ rạch Cái Bồn xuống đến Rạch Tra”, nguyên bản chép là: “Giang trung hữu trường châu, tục danh cù lao Mây, thượng tự Cái Vồn rạch, hạ chí Rạch Tra xẽo” 江中有長洲, 俗名[山/句][ 山/勞]𨗠, 上自丐盆瀝, 下志瀝查[氵巧]; nghĩa là: giữa sông [Hậu] có cồn dài, tục gọi cù lao Mây, trên từ rạch Cái Vồn, dưới đến xẽo Rạch Tra.

Theo Tự điển chữ Nôm diễn giải, chữ “mây” 𨗠 (gồm bộ “sước” ⻌ bên trái và chữ “vân” 雲 bên phải) có nghĩa là: “Hơi nước từ mặt đất bốc lên tụ thành đám nơi lưng chừng trời (từ đó gây mưa)”, còn chữ “mây” 𫂗 (ở trên là bộ “trúc” ⺮, ở dưới là chữ “mễ” 迷) và chữ “mây” 𣛠 (bên trái là bộ “mộc” 木, bên phải là chữ “mãi” 買) đều có nghĩa là: “Loài cây leo, thân tròn, ngoài có gai, dùng làm đồ đan lát.” (http://nomfoundation.org/…/Tu-Dien-Chu-Nom-Dan_Giai…).

Cù lao đang xét, trong Đại Nam nhất thống chí (ở sau viết tắt là ĐNNTC), An Giang tỉnh, tiểu mục Hậu giang, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch là “bãi Vân 雲” (Nha Văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, năm 1959, trang 56).

Rất có thể nguyên văn của “bãi Vân 雲” là “Vân châu” 雲洲 vì chữ “châu” 洲 thường được Tu Trai Nguyễn Tạo dịch là “bãi”.

Và rất có thể vì chữ “Vân” 雲 (trong “Vân châu”) có nghĩa là “mây” (hơi nước từ mặt đất bốc lên tụ thành đám nơi lưng chừng trời từ đó gây mưa)” nên nhà nghiên cứu nào đó đã nêu cái thuyết “…chúa Nguyễn Ánh đặt tên cho cù lao này là Vân Châu vì nhìn từ xa cù lao giống như một áng mây”.

Theo chúng tôi, rất có thể Quốc sử quán triều Nguyễn, tác giả bộ ĐNNTC, hiểu chữ “Mây” 𨗠 trong địa danh “cù lao Mây” là áng mây, đám mây… nên đã Hán hóa thành “Vân châu” 雲洲. Nhưng có phải Lê Quang Định, tác giả HVNTDĐC, dùng chữ “Mây” 𨗠 với nghĩa là áng mây? Có thể phải mà cũng có không vì trong HVNTDĐC, quyển 6, mục Ghi chép về dinh Phú Yên, có đoạn sau đây:

“536 tầm, hai bên đều là rừng núi xanh tốt, đến suối nhỏ, suối rộng 2 tầm, ở suối này mọc nhiều dây mây, tục gọi là Suối Mây, đầu nguồn suối này rất khuất khúc, chảy vào sông Cà Bang, mùa xuân hè nước [52a] cạn chỉ chừng 1 thước, thu đông mưa lụt thì rất khó đi.” (lời dịch của Phan Đăng, sđd, tr.266)

Đối ứng với cụm từ “đến suối nhỏ, suối rộng 2 tầm, ở suối này mọc nhiều dây mây, tục gọi là Suối Mây”, trong nguyên bản chép là “chí tiểu tuyền, tuyền quảng nhị tầm, thử tuyền đa vân đằng, tục danh Suối Mây” 至小泉, 泉廣二寻, 此泉多雲藤, 俗名𣷮𨗠; nghĩa là: đến suối nhỏ, suối rộng 2 tầm, suối này nhiều vân đằng (có thể tên một loại dây mây), tục gọi là Suối Mây”.

Vì suối mọc nhiều dây mây nên tục gọi là “Suối Mây” 𣷮𨗠 nên rất có thể cù lao vốn có nhiều dây mây mọc nên tục gọi là “cù lao Mây”. Và vì “mây” là áng mây đồng âm với “mây” là dây mây, và/ hoặc vì các cụ hồi xưa dùng chữ “mây” 𨗠 để ký âm “mây” với cả 2 nghĩa là áng mây và dây mây (theo ghi nhận Huình Tịnh Paulus Của trong Đại Nam quấc âm tự vị – http://vietnamtudien.org/dnqatv/pic/bd2/b2s9.pnghttp://vietnamtudien.org/dnqatv/pic/bd2/b2s10.png) nên các tác giả ĐNNTC đã Hán hóa “cù lao Mây” thành “Vân châu” 雲洲.

Và vì ĐNNTC chép tên cù lao đang xét là “Vân châu” nên nhà nghiên cứu nào đó dựng cái thuyết cho rằng, chính chúa Nguyễn Ánh đã “đặt tên cho cù lao này là Vân Châu vì nhìn từ xa cù lao giống như một áng mây”!

Tóm lại: Theo chúng tôi, rất có thể tên gọi “cù lao Mây” [山/句][ 山/勞]𨗠 có liên quan đến dây mây mọc hoang rất nhiều trên cù lao này. Về sau, Quốc sử quán triều Nguyễn hiểu “Mây” 𨗠 là áng mây nên Hán hóa “cù lao Mây” thành “Vân châu” 雲洲. Và vì cái tên “Vân châu” 雲洲 được ghi nhận trong ĐNNTC nên có nhà lập thuyết rằng: cái tên “Vân châu” là do chúa Nguyễn Ánh ban cho vì ngài thấy cù lao có dáng dấp như một áng mây!

Thạch Ba Xuyên

Liệu có thể có giải thuyết là Cù lao có nhiều DÂY MÂY mọc hoang không ạ! Kính Anh!

Cá Vàng

Thạch Ba Xuyên Tạm thời tôi chỉ phỏng đoán (không dám khẳng định) tên cù lao Mây vốn có liên quan đến “dây mây” mọc hoang trên cù lao này.

Thạch Ba Xuyên

Theo Từ điển của Bernard, cho biết:

– “ផ្ដៅ PHDAU. Rotin” (với rotin: mây, song);

– “ពេន PÉN (ou) pȋn: Se rouler, s’enrouler.” (với động từ enrouler: cuộn, quấn).

Như vậy, Phdau Pén ផ្ដៅពេន nghĩa là dây mây cuộn hay cuộn dây mây.

Địa danh Phdau Pén ngày nay được dân gian chuyển âm thành Lao Vên (p-v) và đặt tên cho ngôi chùa Khmer toạ lạc tại ấp Đào Viên, xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng. P/s: Nhà Chùa còn tài liệu chép tay ghi sự kiện này!

Kính Anh!

Lê Tiên Sắc  · 

Theo dõi

Hiện còn ít nhất 2 suối Mây, một ở Phú Quốc, một ở Tân Biên Tây Ninh. Nên việc khẳng định mây = mây trời hay mây = mây rừng phải hết sức thận trọng.

Cá Vàng

ẤP CÁI MÂY

Vào năm 1924, theo cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 của Victor Duvernoy (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, 1924), làng An Phú (tổng Phong Thạnh Thượng, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên) gồm 2 ấp (2 hameaux):

“Cái-mây 丏[辶眉] Rivière-rotin ׀ Cái-tre 丏椥 Rivière-bambou” (tr.56)

NẾU “Mây” [辶眉] có nghĩa là “rotin” (cây mây) như lời chú của Vicror Duvernoy thì không hẳn “cây mây chỉ hiện diện ở vùng rừng có núi” như lời của Lê Hậu, vì trong địa bàn làng An Phú[*] chẳng có ngọn núi nào!

——-

[*] Làng An Phú: Năm 1917, làng An Phú hợp nhất với làng An Thành thành là Phú Thành. Năm 1999, xã Phú Thành bị chia thành 2 xã Phú Thành A và Phú Thành B. Ngày nay 2 xã này đều thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Thạch Ba Xuyên

Ngoài cây mây rừng, nhiều vườn hoang cây tạp ở Sóc Trăng ngày trước (nơi tôi sinh sống) có nhiều cây mây mà dân gian hay gọi là mây dóc/ vóc, trái nhỏ như hột tiêu, tụi nhỏ thường hái về làm “đạn” bắn ống thụt khi đánh trận giả! Dây mây này cũng rất chắc, dai có điều nhỏ hơn so với mây rừng! Kính!

Tuan Vo

Chú Cá Vàng ơi, quê con ở huyện An Phú không hề có núi, có rừng, năm nào cũng bị nước ngập mà vẫn có cây mây (hoặc dây mây, có trái nhỏ vị chua, thân ngoài nhiều gai, dây bền chắc) giống như chú Thạch Ba Xuyên nói.

Tran Kong

Dạ , thầy có thể tham khảo thêm con rạch Chắc Cà Đao ở An Giang. Theo ông Sơn Nam thì bẳt nguồn từ tiếng Khmer : prek pedao. Rạch (dây) Mây.

Trong quá trình tôi đi điền dã đã bắt gặp địa danh “Xẻo Mây” ở khu vực từ Long Xuyên – rạch Cái Sao có 1 con rạch Cái Mây chảy về phía Cần Thơ. Tôi đã đi theo Xẻo Mây này. Từ Cái Sao rạch Cái Mây chảy dài lên tiếp (hướng ngược lại) tới Phú Hoà (Thoại Sơn). Có thể coi như rạch Cái Mây chảy từ Phú Hoà tới Phú Thuận và có giao với rạch Cái Sao.

Ở khu vực chợ Cái Bè (Tiền Giang) đi men theo sông về phía vàm Trà Lọt – lên tới Cái Thia cũng gọi xứ này là Xẻo Mây và có đi ngang qua nhà thờ Cái Mây.

Tất cả các nơi trên đều là đồng bằng sông rạch , ko hề có núi.

Kính

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *