ĐỊA DANH “CỬA BIỂN GÀNH HÀO”

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 2 người khác.

Yêu thích  · 16 Tháng 10, 2023  · 

ĐỊA DANH “CỬA BIỂN GÀNH HÀO”

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Quyển 7, mục Ghi chép về dinh Vĩnh Trấn) của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hóa, 2005) có đoạn sau đây:

“32.400 tầm, giữa đường đi qua rạch Cái Phác, Cái Chuột, Cai Trung, Láng Xáo, Láng Biều đến Láng Luận, Tràm Dung, Láng Bến Giá Rai, Ba Sài, đều có nhà cửa của dân Cao Miên. Nhánh bên phải thì đến Láng Bàu Sen, chung quanh đều có dân cư, đến Rạch Dừa, Ô Rô, qua rạch Lão Đội, hai bên bờ đều có dân cư, đường này cây liễu nước mọc rậm rạp, phía phải đều ruộng muối, đến nhiệm sở đạo Long Xuyên. Ở đây có miếu Hội Đồng, phía đông là nhà cửa của người Kinh, người Hoa rất đông đúc, phía tây là nhà cửa của người Cao Miên nhưng thưa thớt. Từ bên nam đạo này đi qua ngả ba rạch Kênh Đào: Nhánh trái chuyển xuống hướng đông đi qua rạch Cái Ngang rồi thông ra đồn cửa biển Ghềnh Hàu, đồn ở phía trái [84a] cửa biển…” (tr.337)

VÀI NHẬN XÉT

Đối ứng lời dịch “đồn cửa biển Ghềnh Hàu” của Phan Đăng, nguyên văn là “䃄[石毫]海門分守” (Gành Hàu hải môn phân thủ) (Tờ 992-83b)).

Cửa biển Gành Hàu, ngày nay thường viết là “Cửa biển Gành Hào”. Cửa biển này, trong Gia Định thành thông chí (Quyển 2, mục Trấn Hà Tiên) của Trịnh Hoài Đức chép là “蠔磯港” (Hào Ky cảng); trong đó “Hàu” là con hàu, “Ky” là gành đá, vách đá. Địa danh này trên An Nam đại quốc họa đồ 1838 (thường gọi tắt là Bản đồ Tabert 1838) ghi là “Cữa Gành hàu” (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53093605j/f1.), trong Petit cours de géographie de la Basse-Cochichine (1re Édition, Saigon, Imprimerie du Gouvernement, 1875, p.28) của Trương Vĩnh Ký viết là “Cửa Gành-hàu” (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k58365329/f33.)

Trong Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb Trẻ, 1999), học giả Vương Hồng Sển cho biết:

“Cửa Gành Hàu:

(…)

Cơ Me: péam prêk prahut (theo di cảo Trương Vĩnh Ký chép lại trong Le Cisbassac của L. Malleret)

(…)

(Trong tự điển Miên Pháp J.B. Bernard thấy ghi:

Dòm prâhut: arbre qui sert pour la teinture (cây dùng làm thuốc nhuộm) (chừa người sau định đoạt).” (tr.270)

Như vậy, theo Trương Vĩnh Ký, tên tiếng Khmer của “cửa Gành Hàu” là “péam prêk prahut”; trong đó:

– “péam” là cửa/ vàm.

– “prêk” là rạch.

– “prahut” có thể “prâhut”.

Theo J. B. Bernard, trong Dictionnaire cambodgien-français (Impr. de la Société des Missions étrangères, Hongkong, 1902, p.247), “dòm prâhut” có nghĩa là “arbre qui sert pour la teinture” (cây dùng làm thuốc nhuộm). (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k932766m/f299.item)

Chúng tôi đoán, chữ Khmer mà J. B. Bernard phiên âm là “prâhut” là chữ viết theo lối xưa, ngày nay được viết là “ព្រហូត” (Google phiên âm là “prohaut”). Và “ព្រហូត” (prohaut) là tên một loại cây lá to dày, giống măng cụt, trái tròn, chua, vỏ được dùng làm thuốc nhuộm màu vàng nâu; tên khoa học của loại cây này là Garcinia Vilersiana. (https://www.youtube.com/watch?app=desktop&v=ocBvALOX5-A). Mà cây có tên khoa học là Garcinia Vilersiana (trong họ bứa) chính là cây có tên tiếng Việt là cây “vàng nhựa” (https://vi.wikipedia.org/wiki/V%C3%A0ng_nh%E1%BB%B1a).

Từ các thông tin nêu trên, chúng tôi tạm cho rằng, rất có thể “Cửa Gành Hào” có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “péam prêk prahut” nghĩa là “vàm rạch prahut”, tức vàm rạch [cây] vàng nhựa.

Chúng tôi không rành tiếng Khmer, chỉ tạm đoán như vậy mà thôi. Rất mong quý vị và các bạn trợ giúp.

Cá Vàng

CÂY BÙ HÚT/ BÒ HÚT/ BỒ HÚC

Theo cuốn Catalogue officiel des produits de la Cochinchine présentés à la Foire de Hanoï 1922, trong số các mặt hàng được trưng bày trong gian hàng của tỉnh Tây Ninh có vỏ tràm-sang, vỏ bù-hút, vỏ xai, vỏ vừng. Những loài cây có vỏ dùng để nhuộm này sinh sống trong các khu rừng ở các tổng Giai Hoá, Triêm Hoá, Hàm Ninh Thượng, Hoà Ninh và Chơn Bà Đen. Cư dân bản địa dùng nó để nhuộm vải.

– Vỏ tràm-sang tạo ra màu nâu đỏ (rouge-brun);

– Vỏ bù-hút tạo ra màu vàng nghệ/ vàng cam (jaune safran);

– Vỏ xai tạo ra màu xám nhạt (grisâtre)

– Vỏ vừng tạo ra màu nâu (marron).

(https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1183328n/f94.item)

Rất có thể cây “bù hút” là cây mà tiếng Khmer hồi xưa gọi là “prâhut”, nay gọi là “prohaut” (ព្រហូត), tên khoa học là Garcinia Vilersiana. Nói cách khác, cây mà người Khmer gọi là “prâhut”, những người Việt ở Tây Ninh và một số nơi khác ở miền Nam Việt hóa thành [cây] “bù hút”, có nơi gọi là [cây] “bò hút” hoặc “bồ húc”. Và rất có thể tên rạch “Bù Hút” ở huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp và tên rạch “Bàu Hút” ở huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp đều có nguồn gốc từ tiếng Khmer “prâhut/ prohaut” nghĩa là [cây] “bù hút/ bò hút”.

Rất có thể cây này, ở các nơi không chịu ảnh hưởng tiếng Khmer, người Việt gọi là cây “vàng nhựa”

Còn “Cửa Gành Hàu”, theo Di cảo Trương Vĩnh Ký, tên tiếng Khmer là “péam prêk prahut”; trong đó “péam” là vàm/ cửa, “prêk” là rạch, “prahut” là [cây] “bù hút/ bò hút”. Vì “prâhut” và “Gành Hàu” khá xa nhau về ngữ âm nên tôi xin nói lại: cửa Gành Hàu (nay thường viết là cửa Gành Hào), hồi xưa người Khmer gọi là “péam prêk prahut” (theo Trương Vĩnh Ký) nghĩa là “vàm rạch [cây] bù hút/ bò hút/ bồ húc”.

https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k1183328n/f94.item

Cá Vàng

TRÁI BỒ HÚC trong video “Giữ gìn nghệ thuật Rô băm của người Khmer” (https://www.facebook.com/watch/?v=286157270930211&ref=sharing)

Theo tôi đoán, trái bồ húc là trái của của cây có nơi gọi là “bù hút”, “bò hút” hoặc “vàng nhựa”, tiếng Khmer là “prohaut” (ព្រហូត), tên khoa học là Garcinia Vilersiana.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *