HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN KHMER

Đào Thái Sơn

20 Tháng 4  · 

HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN KHMER

Cá sấu là loài bò sát, thường ngụ cư ở những nơi đầm lầy, sông suối, với dã tính hung hãn và sự nguy hiểm của nó luôn là mối đe dọa cho con người. Chính vì vậy, mà đối với loài vật này, từ xa xưa nhiều dân tộc đã tìm nhiều cách khống chế nó để loại trừ tai họa, song song đó xác lập tín ngưỡng thờ phượng hòng lôi kéo thế lực này về phía mình để giam bớt những gì bất ổn từ nó gây ra. Sự kết nối này, trải qua hàng ngàn năm lịch sử đã trở thành nhiều nếp của đời sống tinh thần xung quanh biểu tượng và những câu chuyện kể. Điều này, ta thấy rất rõ trong văn hóa dân gian của người Khmer.

Trước khi đi vào hình tượng ca sấu, xin nói qua một chút về đặc điểm cư trú của của người Khmer xưa. Trước đây, có vài nhà nghiên cứu cho rằng người Khmer sợ nước nên chỉ thích ở trên những giồng đất cao. Nhận định này nhìn sơ qua có vẻ hợp lý, nhưng thực tế lại hết sức chủ quan. Chẳng qua người Khmer thích ở trên vùng đất cao ráo là để thuận tiện cho mọi sinh hoạt, tránh ngập úng, lũ lụt…chứ hoàn toàn không có nghĩa là sợ nước. Mà trái lại, bộ phận cư dân của nền văn minh nông nghiệp này lại là một dân tộc thích ứng với môi trường nước rất tốt ngay từ thuở xa xưa. Một bằng chứng là ngay từ thuở binh minh của cộng đồng, người Khmer đã tự cho tổ tiên mình có nguồn gốc từ thủy tộc, thông qua truyền thuyết Hoàng tử Pras Thông và công chúa Neang Neak. Nhưng xa xưa hơn đó là truyền thuyết thờ kính Neang Konghing và Kropơ [នាងគង្ហីង និង ក្រពើ]. Neang Konghing tượng trưng cho nữ Thần Đất Mẹ và Kropơ (cá sấu) tượng trưng cho Thần Nước. Đất và Nước là hai yếu tố vô cùng quan trọng, sự phối ngẫu âm dương này mang tính sống còn đối với cư dân nông nghiệp từ hàng ngàn đời nay. Chuyện kể rằng, vào buổi bình minh của loài người, trên mặt Địa Cầu này chỉ toàn là nước vì vậy chưa có nơi cho con người sinh sống. Một ngày nọ, Neang Konghing sống dưới tận cùng đáy biển sâu, nàng đứng trên một con cá sấu rồi trồi lên khỏi mặt nước. Nàng xoắn và vung búi tóc làm nước tung tóe đi khắp nơi. Từ đó mặt đất từ từ lộ ra để con người sinh sống, trong đó có dân tộc Khmer cho đến tận ngày nay.

Có thể nói, trong sâu thẳm của những tầng tâm thức cũ, hình tượng cá sấu vẫn có cái gì đó rất thiêng liêng. Vấn đề này, ta thấy còn xuất hiện đậm nét trong hình tượng cây cờ hình cá sấu trong tang lễ của người Khmer. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một cô gái ngày ngày ra bờ sông dạo chơi, nàng thường đem chuyện của lòng của mình tâm sự với chàng cá sấu tốt bụng. Bữa nọ, không biết từ đâu xuất hiện một con cá sấu hung ác khác, nó lao tới định ăn thịt cô gái. Vì tình hình cấp bách, để bảo vệ bạn mình, chàng cá sấu chỉ còn cách nuốt cô gái vào bụng mình rồi đánh nhau với kẻ hung ác kia. Cuối cùng, chàng cá sấu tốt bụng đã chiến thắng kẻ độc ác, nhưng về bản thân mình cũng bị trọng thương. Chàng cá sấu tốt bụng cố leo lên bờ và cầu cứu dân làng đến mổ bụng mình để cứu cô gái ra. Nhưng thương thay cô gái đã tắt thở, giây phút cuối cùng, chàng cá sấu trăn trối: xin mọi người hãy may lá cờ tang theo hình hài của tôi để tôi được đưa cô ấy đến nơi an nghỉ cuối cùng. Cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của chàng cá sấu, dân làng làm đúng theo ý nguyện của chàng. Kể từ đó lá cờ tang bao giờ cũng mang hình con cá sấu. Nếu là đám tang phụ nữ thì có một lá cờ tượng trưng cho anh linh của chàng cá sấu tốt bụng nhiếp dẫn vong hồn người chết đến với thế giới bên kia. Còn nếu là đám tang của nam giới thì có hai lá cờ tượng trưng cho sự hi sinh anh dũng trong trận chiến cuối cùng để cứu con người gặp cảnh nguy nan.

Câu chuyện trên tuy kết cấu hết sức giản đơn, nhưng lại nội hàm nhiều tầng nghĩa sâu sắc và hết sức nhân văn. Cá sấu cũng như con người, cũng có thiện có ác, cho nên không thể định kiến cho bất cứ đối tượng nào trong cuộc sống. Vì định kiến cũng dễ dàng sa vào tà kiến, làm mất đi bản tính sáng suốt của con người. Trong môi trường xã hội hàng ngày, con người luôn phải đứng giữa sự đấu tranh của hai mặt thiện ác, nhưng bao giờ mầm thiện cũng nẩy nở từ hạt thiện, đó là nền tảng bền vững và cũng là bệ đỡ để nâng con người lên cao so với muôn loài muôn vật khác.

Bên cạnh đại biểu cho sự thiện lương, nghĩa hiệp, cá sấu còn là biểu tượng cho sự gian trá, vong ân bội nghĩa. Biểu tượng này được người Khmer khắc tạc trên thành gọng chiếc xe bò của mình. Chuyện là: “Xưa kia, có lần trời hạn hán, một con sấu nằm trong rừng đói khát quá bò ra bờ sông không nỗi. Một người đánh xe bò đi qua, hỏi nó : Tại sao sấu không ở dưới sông lại nằm giữa rừng ? Sấu đáp: Tôi bị đói và khát quá không biết sông phía nào mà bò ra. Người đánh xe chỉ: Sấu đi ra phía Tây, độ một dặm đường sẽ đến sông. Sấu buồn bã nói : Tôi đi không nỗi, nhờ ông cho tôi nằm trên xe vậy. Người kia bằng lòng chở sấu đi. Uống nước xong, sấu trở mặt đòi ăn thịt con bò, cho rằng người đánh xe đã cột nó trên gọng xe quá chặt. Người đánh xe tức mình cho con vật vô ơn, dắt sấu đến nhờ một ông đánh cá xử giùm. Ông này sợ sấu có ngày ăn thịt mình vì ông sống trên sông nước nên xử sấu thắng, nghĩa là có quyền ăn con bò. Đó là vì bản thân của ông ta. Người đánh xe không chịu, liền dắt bỏ tránh xa. Sấu rượt theo. Hai đằng cãi vã rùm lên. Đi một khoảng đường, người đánh xe gặp một ông già cụt tay vì bị sấu táp mấy tháng trước. Người đánh xe nhờ ông già xử họ. Ông lão nhớ mối thù nên xử sấu thua không được ăn thịt con bò. Đó là theo chủ quan của ông ta. Người đánh xe đắc chí, đánh bò kéo xe đi. Con sấu định táp ông già, nhưng tiếc con bò nên rượt theo. Lát sau, hai đàng gặp một con chạch ở dưới sông bò lên. Người đánh xe nhờ chạch phân xử. Chạch là bạn của sấu nên xử sấu được. Đó là vì cảm tình cá nhân. Người đánh xe không chịu, tiếp tục đánh xe đi. Sấu vẫn theo bám gót. Gặp khỉ đột, hai đàng nhờ xử. Khỉ không biết xử sao cho đúng luật, cử đưa mặt khỉ ra chịu. Người đánh xe liền lo hối lộ, hứa sẽ cho cơm. Mừng quá, khỉ xử sấu thua. Sấu thấy vậy, hứa với khỉ sẽ cho cơm nhiều hơn ; khỉ liền xử sấu thắng. Người đánh xe lại hứa cho thêm nhiều, khỉ xử sấu thua. Sấu hứa cho nhiều hơn, khỉ xử sấu được. Xử theo lối mắc phong ấy một hồi khỉ bị người đánh xe đập mấy hèo chạy mất. Đó là vì ăn hối lộ nên xử không nên thân. Chiều xuống, người đánh xe thấy sấu theo hoài, giận quá tính đập luôn bõ ghét, Thình lình thỏ ở trong bụi nhảy ra hỏi đầu đuôi. Thỏ nổi tiếng thanh liêm và công bằng nhất các loài thú. Nghe sấu tố cáo người đánh xe cột mình quá chặt trên gọng xe bò nên đòi ăn thịt con bò, thỏ liền bảo người đánh xe cột sấu lại thử coi thế nào. Thấy cột sấu xong, thỏ bảo người đánh xe chặt đứt đầu sấu mà rằng: Sấu là đồ vô ơn, chết đáng đời. Người đánh xe lấy khúc mình sấu xào nấu ăn với cơm còn cái đầu thì cột trên gọng xe, dưới cái ách. Ngày nay người Miên quen lệ tiện cái đầu sấu trên gọng xe bò là do tích này” (theo Truyện cổ Cao Miên của Lê Hương, tập 2, trang 438-440, NXB Khai Trí 1969).

Câu chuyện trên, ta thấy nó nằm trong mô típ truyện kể về con vật vong ân bội nghĩa như người cứu cọp, cứu sói…rồi các con vật này quay lại đòi ăn thịt người. Nhưng ở đây, người Khmer xưa đã tô đậm thêm nhiều tình tiết, mỗi tình tiết đều phản ánh tính tư lợi, tư thù trong cuộc sống khiến tất cả đều không có cái nhìn “chính kiến”, mà đều bị rơi vào phiến diện. Nhưng cái kết lại là quy luật của nhân quả, bất kỳ ai dù có trốn tránh đến đâu đi nữa vẫn không ra ngoài được luật nhân quả. Câu chuyện vừa mang tính nhân gian, vừa mang màu sắc của Phật giáo, nó trở thành bài học và sự ước vọng của con người. Bài học là không được sống vô ơn, lòng tham sự ích kỷ sẽ đưa con người vào ngõ cụt. Ước vọng là trong cuộc sống luôn gặp được điều tốt lành, suôn sẻ, tránh những trở ngại trên bước đường mưu sinh vạn lý.

Song song với câu chuyện “con vật vô ơn” trên, ta thấy cá sấu còn tượng trưng cho nghiệp lực, quả báo nhãn tiền và triết lý “hồi đầu thị ngạn” (quay đầu là bờ) qua câu chuyện Sự tích núi Thuyền [ភ្នំសំពៅ]. Câu chuyện này khá dài, xin được tóm lược như sau. Xưa ở vùng Tây Bắc xứ Cao Miên là biển mênh mông, loài vật còn biết nói tiếng người, trên chót núi Kravanh có một vị đạo sỹ tu hành đắc đạo. Một lần nhàn du, ngài gặp một đứa con gái bị bỏ rơi, bèn đem về nuôi dạy khôn lớn và đặt tên là Ramsay Sok. Lúc ấy, một gia đình thương buôn gốc hoàng tộc có một người con trai thông minh thanh tú tên là Châu Reachkol cũng xin ngài đạo sỹ lên núi học đạo. Đôi trai gái này yêu nhau từ lần gặp đầu tiên. Trước khi Châu Reachkol hạ sơn, ngài đạo sỹ đã làm lễ thành hôn cho họ và tặng riêng cho nàng Ramsay Sok một chiếc trâm bằng vàng chạm ngọc. Đôi vợ chồng trẻ sống với nhau một thời gian thì Châu Reachkol lên đường đi buôn vào lãnh thổ Nokoreach. Tại nơi này, Châu Reachkol lại tiếp tục kết hôn với công chúa Neang Mikha. Sau ba năm chung sống với vợ mới thì Châu Reachkol lại nhớ cố hương và người vợ cũ. Nhân dịp công chúa Neang Mikha lâm bồn, chàng lấy cớ phải tiếp tục đi buôn để lo cho tương lại. Công chúa Neang Mikha ưng thuận để chàng đi, nhưng nàng đã phát hiện ra thái độ và hướng đi không phù hợp nên biết ngay mình đã bị chồng lừa. Nàng vô cùng tức giận, liền sai cá sấu A Thonn đuổi theo trả thù giúp mình. Nói về nàng Ramsay Sok, từ ngày tiễn chồng đi, ngày nào nàng cũng ra bờ biển ngóng đợi chồng về. Một hôm, nàng thấy cánh buồm trắng tiến về phía mình và biết ngay đó là thuyền của chồng đã trở về. Ngay sau đó, nàng đã phát hiện có một con cá sấu khổng lồ đang đuổi theo tấn công từ phía sau thuyền. Châu Reachkol và đám thủy thủy tìm đủ cách chiêu dụ như quăng các lồng gà vịt cho sấu ăn… nhưng con sấu vẫn một mực trung thành với chủ tìm cách tấn công, quyết nhấn chìm thuyền để ăn thịt cho kỳ được Châu Reachkol. Trong lúc thập tử nhất sinh ấy, nàng Ramsay Sok không biết cách nào cứu chồng, liền quơ đại cây trâm trên đầu phóng bừa vào con cá sấu. Không ngờ cây trâm phép mầu kia vừa chạm mặt nước thì đất liền nổi lên. Khắp vùng từ Thmar Ancheang đến dãy núi Dangrek đều hóa ra đồng bằng, thế là Châu Reachkol được thoát nạn.

Để giải thích cho địa hình nơi đây, người Khmer xưa của vương quốc Camphuchia đã truyền thuyết hóa : “Chiếc ghe của chàng hóa thành một ngọn đồi, ngày nay người ta gọi là nú Thuyền – Phnom Sampâu. Con sấu khổng lồ bị chặn đứng nửa chừng phía sau chiếc ghe, đầu và đuôi cắm sâu xuống đất, lồi khúc mình ở trên. Bị nghẹt thở, con vật vùng vẫy hết sức, cố quậy bùn để rút đầu và đuôi lên, nhưng không tài nào được, vì bốn chân cũng bị kẹt trong lòng đất. Sau cùng nó rán thu hết tàn lực, nhoi đầu, rút đuôi ra được, nhưng chỉ kịp thở hắt ra, rồi hồn lìa khỏi xác. Ngọn đồi nổi lên ngay chỗ con sấu chết gọi là Đồi sấu (Phnom Krapư), hai cái đầm chỗ sấu quậy đầu và đuôi gọi là Bưng mũi (Bâng Chromóc)và Bưng đuôi (Bâng Kantuôi). Hai cái lồng gà và lồng vịt trôi cách đó xa xa hoá thành hai gò đất lớn, một gò gọi là Đồi lồng gà (Phnom Trung mon), một gò gọi là Đồi lồng vịt (Phnom Trung tia)” (theo Truyện cổ Cao Miên của Lê Hương, tập II, trang 48-49, NXB Khai Trí 1969).

Nhưng có một điều là trong thực tế xưa nay con người bị sấu ăn thịt đã không ít. Về đề tài này, người Khmer cũng có câu chuyện Nàng công chúa bị sấu quắp mang ý nghĩa hết sức sâu sắc về quy luật của tình yêu. Chuyện là, xưa kia ở thành Oudong có một nàng công chúa rất xinh đẹp. Bữa nọ công chúa ra hồ sen dạo chơi, vô tình lọt vào mắt của một thanh niên biết đạo thuật. Anh chàng này liền bày mưu kế hóa mình thành cá sấu bơi xuống hồ để rình quắp nàng đi. Nhưng sự việc không thành, nàng công chúa bị chết mà gã thanh niên kia cũng không trở lại thành người như trước được nữa. Nàng công chúa chết oan rất hiển linh, người trong làng đã lập tháp thờ nàng, nhưng lạ thay tháp chỉ xây được ba mặt, còn mặt chính không thể hoàn thành suốt 500 năm như thế. Ngày nọ, Thái tử Sihanouk tuần du qua đây, ngài bèn vái công chúa và xin được đặt viên đá đầu tiên để xây tiếp tháp thì được anh linh của công chúa chấp thuận. Và di tích này vẫn còn đến ngày nay. Câu chuyện trên hầu như rất đơn giản, nhưng nó lại gửi một thông điệp về quy luật của tình yêu là không thể cưỡng ép. Tình yêu nếu bị cưỡng ép sẽ là thứ tình yêu chết. Và nếu ai đó, dùng quyền lực để cưỡng ép chiếm đoạt tình yêu thì cũng không bao giờ có được nó vậy.

Bên cạnh những câu chuyện kể trên, ở miền Nam Bộ cũng có rất nhiều địa danh liên quan đến loài cá sấu như Hang Sấu, Bàu Sấu, Vồ Con Sấu, Chùa Đầu Sấu, Vàm Đầu Sấu… Xin lấy một địa danh ngẫu nhiên ở Kiên Giang làm ví dụ. Địa danh Cầu Capơhe (theo quốc lộ 61 từ Minh Lương đến Bến Nhứt). Trong địa danh này, từ “Capơhe” có hai yếu tố, “Cà pơ” là cách phát âm [Kro pơ – ក្រពើ – cá sấu]; “he” [ហែ -cuộc diễu hành / đám rước], “Capơhe” có nghĩa là nơi đây có rất nhiều cá sấu trồi lên nằm sắp lớp nối đuôi nhau. Địa danh này về sau có nhiều người đọc thành [Kropơhel- ក្រពើ ហែល – cá sấu bơi], điều này không hợp lý, vì cá sấu nơi nào mà không bơi ! Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Đào Chuông lý giải như sau: “Nếu là Kro Pơ Hel (cá sấu bơi) thì chắc là không thể hình thành địa danh, vì thông thường cá sấu ở đâu cũng đều bơi như vậy, tại sao cá sấu nơi khác cũng đều bơi mà không hình thành địa danh mà chỉ có ở đây. Lập luận của một số người thấy chưa hợp lý, thiếu cơ sở thuyết phục, nhưng khi nó là Kro Pơ He (cá sấu nối đuôi) thì rõ ràng đã hình thành địa danh, vì nó có những đặc điểm: Chứng tỏ nơi đây cá sấu rất nhiều. Theo từ ngữ này thì nơi đây ngày xưa có rất nhiều cá sấu, đây cũng là đường giao thông từ xưa nên người đi đường qua lại thường xuyên, cá sấu trồi lên nối đuôi nhau như vậy đã gây ấn tượng cho người qua lại nơi đây. Do cá sấu nhiều như vậy, khi nó nổi lên sắp lớp đã gây ra cảnh sợ hãi cho người dân, người ta mới gọi cái tên dân gian là Cà Pơ He, còn theo chữ viết thì phải viết và đọc là Kro Pơ He, còn từ Kro Pơ Hel thì thấy không hợp lý. Do đó, người Pháp đặt tên cây cầu này là Ca Pơ” (theo Những địa danh tiếng Khmer hoặc có nguồn gốc từ tiếng Khmer ở Kiên Giang – Đào Chuông, trang 86, NXB Hội Nhà văn 2019).

Nói về hình tượng cá sấu trong văn hóa dân gian Khmer là rất nhiều, có thể ở nhiều nơi nhiều chỗ còn những trầm tích liên quan mà chúng ta ngày nay chưa đủ điều kiện để khai mở cũng như ghi chép lại. Nhưng tựu trung, loài bò sát này từ khởi thủy đã là mối đe dọa đối với con người. Nó luôn gây ám ảnh và sợ hãi, chính vì vậy mà trong dân gian không ít truyền thuyết về bắt sấu hay bị sấu bắt. Và cũng vì nỗi ám ảnh này mà con người cố gắng níu kéo chúng bằng cách tôn thần để thờ phượng. Mặc dù là vậy, nhưng đặc điểm tự nhiên của loài cá sấu luôn rất hung tợn, nhất là thủ đoạn bắt mồi của chúng, và cũng từ đây dân gian Khmer đã tạo ra nhiều câu chuyện để giáo dục con người về đạo đức, tình yêu, lẽ sống… Ngày nay, con người đã đạt tới tầm hiện đại, cá sấu không còn là mối đe dọa thường trực như xa xưa, nhưng hình tượng nó vẫn có một vị trí nhất định trong lưỡng diện đời sống của bà con Khmer ở các vùng miền.

ĐÀO THÁI SƠN

Phan Thị Cẩm Chiếu

Những câu chuyện hay và lời bình đầy ý nghĩa về hình tượng loài cá Sấu. Năm nay hình như là năm con rắn của người Khmer thì phải. Bữa em được uống bia Neak. Vậy nàng Neang Neak không biết có liên quan gì vể nghĩa hay không? Những câu chuyện trên cũng làm em nhớ tới truyện “Bắt Sấu rừng U Minh Hạ” của nhà văn Sơn Nam. Nhân vật ông Năm Hên chinh phục cá Sấu bằng tay không.

Tác giảĐào Thái Sơn

Phan Thị Cẩm Chiếu Năm nay là năm Rông ( Rồng) của lịch Khmer. Niêng Neak là công chúa rắn, là thủy tổ của người Khmer.

Tác giảĐào Thái Sơn

Phan Thị Cẩm Chiếu Con rồng trong văn hóa Khmer khác với rồng của Việt – Hoa. Rồng Khmer không có chân.


Nghiên cứu văn hóa Nam Bộ

3 Tháng 10, 2021  · 

🐊 VÀI NÉT VỀ HÌNH TƯỢNG CÁ SẤU TRONG DÂN GIAN KHMER 🐊

Tác giả: ĐÀO THÁI SƠN

Thanh Hai Pham

hình ảnh trên chùa 5 thuyền. núi tà lơn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *