MỘT THOẢ ƯỚC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BIÊN GIỚI TỈNH TÂY NINH VÀ CAMPUCHIA

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 10 người khác.

Yêu thích  · 24 Tháng 10, 2020  · 

MỘT THOẢ ƯỚC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BIÊN GIỚI TỈNH TÂY NINH VÀ CAMPUCHIA

(Bổn cũ soạn lại)

Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông gồm Gia Định (trong đó có phủ Tây Ninh), Định Tường, Biên Hòa (năm 1862) và ba tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (năm 1867), Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn trở thành thuộc địa của Pháp.

Theo Wikipedia, “tháng 4 năm 1870, chính quyền Pháp ở Nam Kỳ (đứng đầu là Thống đốc Nam Kỳ) cùng với triều đình vương quốc Cao Miên do Pháp bảo hộ (đứng đầu là vua Norodom I) bắt đầu đàm phán ký kết thỏa ước phân định biên giới. Chính thức điều chỉnh lại biên giới giữa Cao Miên (Campuchia) với Nam Kỳ thuộc Pháp (Cochinchine Française) thay đổi lớn so với biên giới Cao Miên – Nam Kỳ Lục tỉnh tại 2 khu vực: địa phận các hạt thanh tra Trảng Bàng, Tây Ninh (tức vùng lồi Mỏ vịt) thành phủ (khet) Svay Teep (Thỏa ước ngày 9-7-1870), và vùng bờ bắc kênh Vĩnh Tế địa bàn các hạt Hà Tiên, Châu Đốc (nguyên là đất các huyện Hà Châu và Hà Âm) nhập vào (khet) Tréang (Hiệp định ngày 15-7-1873), cắt từ đất Nam Kỳ trả về cho Cao Miên”. (https://vi.wikipedia.org/…/Nam_K%E1%BB%B3_L%E1%BB%A5c_t…)

Dưới đây chúng tôi xin chép nguyên văn, tạm dịch, tạm chú giải Thoả ước ngày 9/7/1870:

NGUYÊN VĂN:

“9 Juillet 1870. – CONVENTION entre la France et le Cambodge relative à la délimitation des frontières.

La frontière demeure telle qu’elle a été tracée sans aucun changement depuis le poteau no 1 (à l’embouchure du Peam-prien), jusqu’au poteau no 16 (à Ca-sang sur Caï-cay).

Le terrain compris entre le Caï-bach, et le Caï-cay qui faisait partie du territoire française (et dont le revenue annuel s’élève environ à 1.000 francs), sera concédé au Cambodge, en compensation des 486 maisons environ qui forment les villages situés vers Soc-trang à Bang-chrum.

Les poteaux nos 17, 18 et suivants seront annulés jusqu’à Hung-nguyên; le Cambodge conservera tout les pays actuellement habité par les Cambodgiens des province Prey-reng, Boni-fud, Soc-thiet.

La limite sera tracée ultérieurement, et on réservera pour les possessions françaises la bande de terrain longeant le Vaïco qui est occupée par les annamites ou exploité par eux.”

Signé: NORODOM. Signé: Contre-amiral CORNULIER LUCINIÈRE.

(https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5774279x/f227.item)

TẠM DỊCH:

“Ngày 9 tháng 7 năm 1870. – HIỆP ƯỚC giữa Pháp và Campuchia liên quan đến việc phân định biên giới.

Biên giới được giữ nguyên như đã vẽ mà không có bất kỳ sự thay đổi nào từ cột mốc số 1 (tại vàm Peam-prien[1]) đến cột mốc số 16 (tại Ca-sang trên Cái Cạy).

Vùng đất giữa Cái Bát và Cái Cạy[2] là một phần lãnh thổ của Pháp (và có thu nhập hàng năm lên tới khoảng 1.000 franc), sẽ được nhượng cho Campuchia, bù trừ 486 ngôi nhà trong các làng nằm từ Soc-trang đến Bang-chrum[3].

Các cột mốc[4] số 17, số 18 và các cột mốc tiếp theo cho đến Hung-nguyên[5] sẽ bị huỷ bỏ; Campuchia sẽ giữ tất cả vùng đất hiện có người Campuchia sinh sống của các tỉnh Prey-reng[6], Boni-fud, Soc-thiet.

Ranh giới sẽ được vạch ra sau, và dải đất dọc theo sông Vàm Cỏ mà người An Nam chiếm cứ hoặc khai thác sẽ thuộc quyền cai quản của Pháp.

Ký tên: NORODOM[7]. Ký tên: Contre-amiral CORNULIER LUCINIÈRE[8].

TẠM CHÚ GIẢI:

[1] Vàm Peam-prien: Có thể là vàm “Prek Kompong Spean” (xem chú giải 2).

[2] Cái Bát và Cái Cạy: Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoà Đức, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng (Nxb Tổng Hợp, Tp. HCM, 2019), sông Thuận An [Vàm Cỏ Đông] chảy đến thủ sở Quang Phong, tiếp địa giới Cao Miên, lên phía tây dòng chảy chia làm 2 ngã, nhánh phía bắc tục gọi là Cái Bát, nhánh phía tây tục gọi là Cái Cậy. Rạch Cái Bát đến địa phận huyện Tân Biên, rồi thông qua đất Campuchia, phía bên kia mang tên Tonle Roti. Rạch Cái Cậy thông qua đất Campuchia, phần bên kia mang tên Prek Kompong Spean. (Sđd, tr.175-176)

Còn theo Bản đồ hạt tham biện Tây Ninh 1896 – về sau gọi tắt là Bản đồ Tây Ninh 1896 (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b530295052/), – nhánh phía bắc là rạch Ngã Bát, rạch này chảy đến khoảng rạch Bến Bạ thì đổi tên thành rạch Cái Bát, rạch Cái Bát chảy đến cột mốc số 12 (gần đó có địa danh Bến Gõ) rồi chảy tiếp sang Campuchia; – nhánh phía tây là rạch Ngã Cạy, rạch này chảy đến cột mốc số 16 (gần đó có xóm Tasang) rồi chảy sang Campuchia.

[3] Làng Soc-trang và làng Bang-chrum: Hai làng (lúc đó còn gọi là thôn) này, trên Bản đồ Tây Ninh 1896 ghi là “Sroc Trang (Hameau)” (ấp Sroc Tranh) và “Xóm Bang Chrum”. Ấp Sroc Tranh gần Cột mốc số 8. Còn Bang Chrum (cũng viết là Bang-chrun, Bang-chrong), vào năm 1871, được lấy làm tên của 1 trong 6 tổng của hạt thanh tra Tây Ninh.

[4] Các cột mốc: Tức các cột mốc biên giới. Trên Bản đồ Tây Ninh 1896 có ghi các cột mốc từ số 1 đến số 30. Chúng ta không nên hiểu lầm rằng, vị trí các cột mốc số 1, số 17 và số 18 nêu trong Thoả ước 9/7/1870 trùng khớp với vị trí tương ứng trên Bản đồ Tây Ninh 1896 vì biên giới được ấn định lại nên có một số cột mốc phải di dời. Sau khi di dời xong, một số cột mốc sẽ nằm ở vị trí mới. Nói chung là như vậy, còn cụ thể thì chúng tôi không biết cột mốc nào bị di dời, cột mốc nào vẫn ở vị trí cũ.

[5] Hung-nguyên: Rất có thể là làng Hưng Nguyên. Vào năm 1870, làng này thuộc tổng Hưng Long, hạt thanh tra Tân An; đến năm 1873 thì chuyển sang tổng Mộc Hoá. Trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Tân An năm 1888 – về sau gọi tắt là Bản đồ Tân An 1888 (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b53167047j/), trong địa phận làng Hưng Nguyên có các cột mốc số 51, 51 và 52 (trên bản đồ này có ghi các cột mốc từ số 34 đến số 60).

[6] Tỉnh Prey-reng: tức tỉnh Prey-veng của Campuchia.

[7] Chuẩn đô đốc Cornulier Lucinière: Ông này giữ chức Thống đốc Nam Kỳ từ ngày 8/1/1870 đến ngày 15/1/1871.

[8] Norodon: Vị vua Campuchia này tên là Ang Vody, lấy hiệu là Norodom I, trị vì từ năm 1860 đến năm 1904.

NÓI THÊM:

Năm 1863, huyện Tân Ninh và huyện Quang Hoá của phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định bị Pháp cắt ra, lập thành 2 hạt thanh tra (inspection) Tây Ninh và Quang Hoá. Về sau hạt thanh tra Quang Hoá đổi thanh hạt thanh tra Trảng Bàng. Ngày 5/6/1871, hạt thanh tra Trảng Bàng bị sáp nhập vào hạt thanh tra Tây Ninh. Khoảng năm 1874, hạt thanh tra Tây Ninh đổi thành hạt tham biện (arrondissement) Tây Ninh, đầu năm 1900 đổi thành tỉnh (province) Tây Ninh.

Theo Nguyễn Đình Đầu, vùng đất được gọi là Mỏ Vịt (thuộc tỉnh Svay Rieng) nguyên là đất huyện Tân Ninh phủ Tây Ninh tỉnh Gia Định.

Có người cho rằng, khu vực K.Svai Téap vốn thuộc hạt thanh tra Trảng Bàng, ngày nay là vùng lồi Mỏ Vịt tỉnh Svay Rieng. (https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_K%E1%BB%B3…)

Theo Duong Cong Duc, trong huyện Quang Hóa có 8 thôn Việt và 15 thôn Khmer. 15 thôn Khmer này nằm trong vùng Mỏ Vẹt được cắt trả lại Khmer sau hiệp định 1870.

Theo các cuốn Annuaire de la Cochinchine française (ở sau gọi tắt là ACF) năm 1870 (in năm 1869), năm 1871, số người người Khmer sinh sống trong hạt thanh tra Tây Ninh lần lượt là 400 và 300. Cũng trong 2 năm đó, trong hạt thanh tra Trảng Bàng không có người Khmer nào. Đến năm 1874, theo ACF năm 1874, số người Khmer trong hạt tham biện Tây Ninh là 199. Vì không có 2 cuốn ACF năm 1872 và năm 1873 nên chúng tôi không biết số liệu của 2 năm đó. Dù vậy, chúng ta cũng có thể nói rằng, do Thoả ước ngày 9/7/1870, tức do một phần đất của hạt Tây Ninh bị cắt giao cho Campuchia mà dân số Khmer trong hạt Tây Ninh đã sụt giảm rất nhiều: từ 400 người xuống còn khoảng 200 người.

Từ các thông tin nêu trên, chúng tôi tạm cho rằng, vùng đất bị cắt giao cho Campuchia, “nguyên là đất huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định”, tức chúng tôi đồng quan điểm với Nguyễn Đình Đầu.

Năm 1916, Pháp lại cắt một phần đất của Tây Ninh giao Campuchia. Theo Nguyễn Đình Tư, trong Địa chí các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) (Nxb Tp. HCM, năm 2017): “Nghị định ngày 6-1-1916 nhượng làng Cak Hap tổng Khán Xuyên cho Cam Bốt, chỉ giữ một khoảnh 8 ha nhập vào làng Đây Xoài cùng tổng”. (Sđd, tr.537). (Hai địa danh Cak Hap và Khán Xuyên, trong “Lịch Annam thông dụng trong Nam Kỳ – Tuế thứ Đinh Dậu 1899 (Nhà in Quản hạt, Saigon, 1989), trang 250, chép là Cà-khup và Khăng-xuyên).

———-

P/S: Chân thành cám ơn bạn Trường Thanh và Duong Cong Duc đã góp ý. Rất mong 2 bạn và các bạn khác nữa tiếp tục góp ý để chúng tôi hoàn thiện bài viết này.

Trường Thành

Vụ cái bát cái cậy anh nhầm rồi. Em nghiên cứu cái này rồi. Vùng đất nhượng cho cam ở chỗ này khá bé, nơi đây từng có 1 đồn lính pháp lập khá sớm. Lâu rồi mà không viết thành văn nên chỉ nhớ vậy. Sau đó ranh giới di chuyển về nằm theo rạch cái bát cái cậy ngày nay. Nếu phạm hoàng quân cho rằng thủ sở quang phong nằm tại đây thì cũng chưa đúng. Có lẽ nên có 1 bài để giải mã khúc này chăng? Tây ninh em chơi 3 bài rồi về đồn bảo, tuy nhiên chưa viết nhóm cổ hơn là quang phong với các đồn ngay biên giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *