THUẬN PHIẾM & THỦ CŨ THUẬN TẤN

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 8 người khác.

Yêu thích  · 23 Tháng 3, 2023  · 

THUẬN PHIẾM & THỦ CŨ THUẬN TẤN

Trong Đại Nam nhất thống chí (An Giang tỉnh) của Quốc sử quán triều Nguyễn, Tu Trai Nguyễn Tạo dịch (Nha Văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, 1959) có 2 đoạn sau đây:

“Thuận-phiếm thượng khẩu 順汎上口.

Ở phía đông-nam huyện Đông xuyên 58 dặm; thượng khẩu (miệng trên) tức là bờ phía nam sông Tiền-giang, rộng 4 trượng, sâu 1 trượng, chảy qua phía nam 13 dặm, Hạ-khẩu (miệng dưới) thông với sông Hậu-giang.”[1] (tr.51)

“Thủ cũ Thuận-Tấn 順汛故守

Ở phía đông sông Hậu-giang; đặt ra năm Kỷ-dậu (1789), năm Minh Mạng thứ 16 (1835) triệt bỏ.”[2] (tr.65).

Nhận xét:

Vì không có nguyên bản Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) nên chúng tôi tạm căn cứ vào những chữ Hán/Nôm chép trong bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo để phỏng đoán như sau:

– Chữ “汛” trong cụm từ “順汛故守” có âm Hán Việt là “tấn”, âm Nôm là “tấn, phiếm, vàm”. Chúng tôi đoán các tác giả ĐNNTC dùng chữ “汛” này để ký âm “vàm”. Nếu đúng như vậy thì cụm từ “順汛故守” có thể tạm phiên âm là “Thuận Vàm cố thủ” và tạm dịch là “Thủ củ Thuận Vàm”.

– Chữ “汎” trong cụm từ “順汎上口” có âm Hán Việt là “phiếm”, âm Nôm cũng là “phiếm”. Chúng tôi đoán đây là chữ “汛” (tấn/ phiếm/ vàm) bị viết hoặc bị đọc sai thành “汎” (phiến), tức không phải là “順汎上口” (Thuận Phiếm thượng khẩu) mà là “順汛上口” (Thuận Vàm thượng khẩu), nghĩa là cửa trên, tức vàm trên của “Thuận Vàm”

Mà “Thuận Vàm” (順汛) ở đây là sông Vàm Thuận, tức con sông ngày nay gọi là sông Vàm Nao. Con sông này có 2 vàm (2 cửa):

– Vàm trên (thông với sông Tiền), trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (HVNTDĐC 1806) gọi là “Vàm Nao thượng rạch” ([氵凢][氵芾]上瀝).

– Vàm dưới (thông với sông Hậu), trong HVNTDĐC 1806 gọi là “Vàm Nao hạ rạch” ([氵凢][氵芾]下瀝).

Ở vàm dưới, bên bờ trái sông Hậu, theo HVNTDĐC 1806, có phân thủ (分守) của đạo Vàm Nao. Phân thủ này, trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC 1820) gọi là sở thủ ngự (“thủ ngự sở” 守禦所). (Các bạn có thể xem lại bài Phân thủ đạo Vàm Nao tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid032cvz1x4BFcwkSqrymPgy584jLksu2kxco7DX1voPfq9zyev76bND82mREkJiFg15l)

Phân thủ hay sở thủ ngự này, trong ĐNNTC gọi thủ cũ Vàm Thuận (“Thuận Vàm cố thủ” 順汛故守). Sở dĩ gọi là thủ cũ (“cố thủ” 故守) là vì thủ này bị triệt bỏ vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835), còn ĐNNTC được cho là được biên soạn vào thời vua Tự Đức.

Tóm lại, “Thuận-phiếm thượng khẩu” 順汎上口 và “Thủ cũ Thuận-Tấn” 順汛故守 trong bản dịch ĐNNTC của Tu Trai Nguyễn Tạo 1959, theo chúng tôi là “Thuận Vàm thượng khẩu” 順汛上口 (nghĩa là vàm trên của sông Vàm Thuận, tức vàm trên của sông Vàm Nao) và “Thủ cũ Thuận Vàm” 順汛故守 (nghĩa là thủ cũ Vàm Thuận, tức thủ cũ của đạo Vàm Nao).

Nói thêm:

Trong địa bạ thôn Mỹ Hội Đông (tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836 có câu: “Bổn thôn địa phận Mỹ Hưng Châu, Thuận Vàm cai nhị xứ” 本村地分美興洲, 順[氵凢]該貳處 (Địa phận của bổn thôn ở hai xứ: xứ Mỹ Hưng Châu và xứ Vàm Thuận)[3]. Có điều đáng tiếc là chúng tôi chưa biết “xứ Vàm Thuận” này có liên quan gì đến sông Vàm Nao hay không.

—————

[1] Lời dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Thuận Hóa, 2006):

“Kênh Thuận: cách huyện Đông Xuyên 58 dặm về phía đông nam, rộng 4 trượng, sâu 1 trượng, cửa trên tự Tiền Giang chia ra, chảy về phía nam chừng 13 dặm, cửa dưới thông với sông Hậu Giang.” (tr.201)

[2] Lời dịch của Phạm Trọng Điềm, Đào Duy Anh hiệu đính (Nxb Thuận Hóa, 2006):

“Thủ Thuận Tấn cũ: ở bờ đông Hậu Giang thuộc địa phận huyện Đông Xuyên, đặt từ năm Kỉ Dậu đầu đời trung hưng, năm Minh Mệnh thứ 16 bỏ.” (tr.218)

[3] Tứ cận của xứ Vàm Thuận được mô tả như sau:

– Đông cận giang 東近江 (Đông giáp sông)

– Tây cận Cái Bốn đà, hựu cận An Toàn tổng, Kiến Long thôn địa phận 西近丐𦊚沱, 又近安全總, 建隆村地分 (Tây giáp rạch Cái Bốn, lại giáp địa phận thôn Kiến Long, tổng An Toàn).

– Nam cận giang 南近江 (Nam giáp sông).

– Bắc cận bổn tổng, Nhơn An thôn địa phận 北近本總, 仁安村地分 (Bắc giáp địa phận thôn Nhơn An của bổn tổng).

Lê Hậu

Chắc chắn rồi anh. Sông Vàm Nao có thượng khẩu giáp sông Tiền, hiện kêu Doi Lửa (bến đò Doi Lửa – có thời bị viết sai thành Voi Lửa – vẫn còn), chảy xuôi ngang cái bến đò hiện hữu kêu là bến phà (đò) Thuận Giang – chữ Thuận vẫn còn đây, xuôi ngang làng Mỹ Hội Đông (tả ngạn, thuộc Chợ Mới), gặp hạ khẩu sông Hậu kêu đuôi Nàng Éc (hữu ngạn, thuộc Phú Tân) vẫn còn tên gọi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *