VÀI ĐỊA DANH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÂY TRÔM

Cá Vàng cùng với Lê Ngọc Quốc và 10 người khác.

Yêu thích  · 5 Tháng 4, 2023  · 

VÀI ĐỊA DANH CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÂY TRÔM

1/. TRÔM là một loài thực vật thuộc chi Trôm trong họ Trôm. Cây này có lá chẻ và hoa có mùi hơi hôi. Loài này có nguồn gốc tự nhiên ở vùng nhiệt đới. Mủ trôm, hay còn gọi là nhựa trôm, là dịch tiết ra từ cây trôm. Khi ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ thấp (4-5%) nhựa trôm sẽ trở thành dạng keo. Mủ trôm có màu trắng, dạng thạch đặc, vón thành từng cục như sương sa. Mủ trôm được sử dụng làm thức uống giải khát, giải độc và chống táo bón do có thành phần chất xơ cao có khả năng trương nở lên gấp từ tám đến mười lần trong nước và kết dính cặn bã độc hại trong ruột già, tăng lượng phân và nhu động ruột. Mủ trôm góp phần cải thiện độ mỡ trong máu, tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường. Ngoài ra, nhờ tính dính nên nhựa trôm thường được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ. (Theo https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%C3%B4m)

Trong Đại Nam quấc âm tự vị (Tome II, Imprimerie Rey, Curiol & Cie, 1896), tác giả Huình-Tịnh Paulus Của giảng về từ TRÔM như sau:

“橬 Trôm: thứ cây cao lớn, trái có kháp, đến khi chín thì hả ra, hột nó lớn mà nhiều dầu ăn được.

Trái [trôm]: id. (như trên)

Mủ [trôm]: Mủ trắng lấy trong mình cây trôm, phải để cho lâu, phải ngâm nước cho nở rồi bỏ đường mà ăn thì mát.” (tr.490).

Dưới đây là vài địa danh có thành tố TRÔM:

– Ở phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang có xẻo Trôm, cầu Xẻo Trôm, chợ Xẻo Trôm, khu dân cư Xẻo Trôm[1]. Xẻo Trôm là một chi lưu của rạch của rạch Tầm Bót.

– Ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, có rạch Trôm. Rạch Trôm là một chi lưu bên bờ phải của rạch Thốt Nốt, cách cầu Thốt Nốt khoảng 3- 4 cây số.

– Ở tỉnh Bến Tre có giồng Trôm, chợ Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm. Chợ Giồng Trôm, trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (Quyển 7), của Lê Quang Định chép là 𢄂墥簪, Phan Đăng phiên âm là “chợ Giồng Trôm”; trong Gia Định thành thông chí 1820 (Quyển 2) của Trịnh Hoài Đức chép là 墥橬市, Phạm Hoàng Quân phiên âm là “Giồng Trâm thị” và chú thêm: “nay là chợ Giồng Trôm”.

2/. Cây trôm trong tiếng Khmer là SAMRÔN/ SẦM RÔNG សំរោង.

Theo cuốn Địa chí tỉnh Sốc Trăng 1904 (Monographie de la province de Sốc Trăng, Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, 1904) của Hội nghiên cứu Đông Dương, làng Chung Đôn 終敦 có tên tiếng Khmer là “សំរោង Sầm-rông”, từ Khmer này tương đồng với “Cây-trôm” trong tiếng Việt. Cũng theo tác phẩm này, gần nhà việc làng Chung Đôn vốn có một cây trôm khổng lồ đã bị bật gốc vào năm 1870 sau một cơn dông dữ dội.” (tr.36-37). Vào năm 1904, làng Chung Đôn thuộc tổng Nhiêu Khánh, tỉnh Sốc Trăng. Đến năm 1957, xã Chung Đôn hợp nhất với xã Nhâm Lăng thành xã Phong Hòa; qua năm sau, năm 1958, xã Phong Hòa bị sáp nhập vào xã Khánh Hưng. Ngày nay xã Khánh Hưng thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

3/. Samrôn/ Sầm rông សំរោង cũng được Việt hóa thành THAM RÔN.

– Rạch Tham Rôn ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

– Rạch Tham Rôn là một chi lưu ở bên bờ phải của sông Vàm Cỏ Đông và gần ngã ba Vàm Cỏ Đông – Ngã Cậy – Ngã Bát. (Theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Tây Ninh năm 1896, https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b530295052/f1.)

– Rạch Tham Rôm là một chi lưu ở bờ trái của Sông Bé. (Theo Bản đồ địa hình hạt tham biện Thủ Dầu Một năm 1980 – https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b531670730/f1. )

– Rạch Tham Rôn, nay gọi là rạch Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Rạch Tham Rôn từng được ghi trên Bản đồ địa hình hạt tham biện Long Xuyên năm 1886 (https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b531670446/f1.). Cầu Tham Rôn và kinh Tham Rôn được Victor Duvernoy ghi nhận trong cuốn Monographie de la Province de Longxuyên (Cochinchine) 龍川省 (Éditions du Moniteur de l’Indochine, Hà Nội, năm 1924). Theo Victor Duvernoy, cầu Tham Rôn cách tỉnh lỵ Long Xuyên 29,530km, là loại cầu sắt Eiffel No 2, dài 21m, rộng 2,84m, xây dựng năm 1913 (Sđd, p.16). Kinh Thôm Rôn, theo Victor Duvernoy, 20km, rộng 10m, sâu 2,5m. (Sđd, tr.11). Rạch và kinh Tham Rôn, Nguyễn Văn Nam trong cuốn Liên Phân Bộ Công Kỹ Thương Việt Nam – Tỉnh An Giang 1959 của (Nhà in Nguyễn Đ. Vượng, Sài Gòn, 1959) gọi là rạch và kinh Tham Rôm và cho biết: “Rạch và kinh Tham Rôm lưu thông cho ghe và tàu hạng nhỏ (dài 66 cây số).” (Sđd, tr.18). Về sau, không rõ từ năm nào, tên rạch, kinh, cầu, chợ Tham Rôn/ Tham Rôm được gọi là Thơm Rơm. Có nhà căn cứ vào cái tên Thơm Rơm sinh sau đẻ muộn này mà cho rằng đây là “địa danh thuần Việt”, lại có nhà giải thích Thơm Rơm là “thơm mùi rơm”!

Theo địa bạ thôn Tân Thuận Đông (tổng Định Phước, huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836, thôn này ở 4 xứ: Cần Thơ 芹苴, Cái Kè 丐棋, Tham Rôn 貪[氵敦], Cái Sộp 丐𣙫[2]. Xứ Tham Rôn 貪[氵敦] có thể hiểu là khu vực 2 bên bờ rạch Tham Rôn. Khoảng đầu năm 1877, làng Tân Thuận Đông bị cắt một phần đất để lập làng Tân Hưng (theo Quyết định ngày 30-12-1876); khoảng đầu năm 1935, hai làng Tân Thuận Đông và Tân Hưng hợp nhất thành làng Thuận Hưng (theo Quyết định ngày 27-11-1934); khoảng cuối năm 2007, xã Thuận Hưng bị cắt một phần đất để lập xã Tân Hưng (theo Nghị định ngày 6-11-2007). Ngày nay, Thuận Hưng và Tân Hưng là 2 phường thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ.

Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 (ở sau viết tắt là HVNTDĐC 1806), quyển 7, của Lê Quang Định, Phan Đăng dịch (Nxb Thuận Hóa, 2005) có đoạn sau đây:

“3.000 tầm, giữa sông có cồn, tục gọi là Cù Lao Cát[3], trên từ rạch Tham Lung xuống đến rạch Cái Sâu, nước chia làm hai nhánh: Một nhánh từ bên phải rạch Tham Lung chảy xuống hướng đông 3.500 tầm đến rạch Mương Tân, rạch này ở phía bên phải, rộng 2 tầm, sâu 1 tầm, chảy đến cùng thì có dân cư. 4.000 tầm đến rạch Ổ Môn, rạch này rộng 12 tầm, sâu 2 tầm.” (tr.332)

“Tham Lung” trong đoạn trích ở trên, nguyên văn là “参籠”. Theo một số từ điển Hán Nôm, chữ “篭”, dị thể của chữ “籠”, có âm Hán Việt là lung, lộng; âm Nôm là lung, luông, luồng, lồng, ruồng. Còn theo chúng tôi, Lê Quang Định dùng 2 chữ “参籠” để ký âm “Tham Rôn”. Ý chúng tôi muốn nói là rạch Tham Rôn (Tham Rôn rạch 参籠瀝), Phan Đăng dịch là “rạch Tham Lung”, chính là con rạch Tham Rôn, nay gọi là rạch Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. (Các bạn có thể xem lại bài Địa phận thôn Tân Thuận Đông 1836 tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid0HQEuoa38vtULP18Rq95rvcDho7FXWTXfFQqvqXvzRNjabZm1wcQt2i2iGVDDpeK6l).

– Rạch Thơm Rơm và chợ Thơm Rơm ở xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Theo địa bạ thôn Hòa Lạc (tổng An Lương, huyện Đông Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) lập năm 1836, thôn này ở xứ Tham Rôn 参篭[4]. Xứ Tham Rôn có thể hiểu là khu vực 2 bên bờ rạch Tham Rôn. Không rõ từ lúc nào rạch Tham Rôn đổi tên thành Thơm Rơm. Theo bạn Tuan Vo, tên rạch Thơm Rơm được ghi trên bản đồ của Sở Tài nguyên Môi trường. (Các bạn có thể xem lại bài Địa phận thôn Hòa Lạc 1836 tại https://www.facebook.com/ca.vang.777/posts/pfbid02FD1UVmbLGaHrBFJDvBc6WadBjoCwKVf8mXpQkUEaxaRnB1cNPUPVn5DNv6uvmSgTl)

Nói thêm: Theo lời bạn Hồ Văn Ưng, “chợ Tham Buôn ở Mỹ Hội Đông (Cù Lao Ông Chưởng) cũng có nguồn gốc từ cây trôm đọc theo tiếng Khmer”.

—–

[1] Xẻo: Học giả Lê Ngọc Trụ và học giả An Chi đều cho rằng từ này phái viết “xẽo” (dấu ngã) mới đúng chánh tả. Theo Huình-Tịnh Paulus Của, “沼 Xẽo là đàng nước vắn vắn, ngọn rạch nhỏ, như cựa gà” (sđd, tr.579). Từ “Xẽo” trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí 1806 của Lê Quang Định và trong một số địa bạ lập năm 1836 viết chữ Nôm là [氵巧] (bên trái là bộ “thủy” ⺡, bên phải là chũ “xảo” 巧).

[2] Cần Thơ 芹苴, Cái Kè 丐棋, Tham Rôn 貪[氵敦], Cái Sộp 丐𣙫: Nguyễn Đình Đầu trong Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – An Giang (Nxb Tp. HCM, năm 1995) phiên âm và chú là “Cần Thơ, Cái Kỳ, Tham Đôn, Cái Rập (Bản đồ ghi là Cái Kè, Tham Rôn…).” (tr.256)

[3] Cù lao Cát ([山/句][ 山/勞]葛): tên chữ là Sa Châu 沙州. Trên bản đồ Tỉnh Long Xuyên 1920 ghi là “Cù lao Các”. Ngày nay, cù lao Cát là một phần của cù lao Tân Lộc (thuộc phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).

[4] Xứ Tham Rôn 参篭: Tên xứ này, Nguyễn Đình Đầu phiên âm là “Tham Lung” (sđd, tr.224)


Đoàn Trọng Huyền

Somrong là lười ươi mà chú.

Cá Vàng

Đoàn Trọng Huyền Cây trôm có tên khoa học là Sterculia foetida Linn (https://journal.hcmue.edu.vn/…/hcmuejos/article/view/2948)

សំរោង (Samrong) cũng có tên khoa học là Sterculia foetida Linn (https://sokhakrom.com/kh/plant/detail/146)

Cá Vàng

CÂY ƯƠI (cũng gọi là cây lười ươi) có tên khoa học là Scaphium macropodum: link

Phạm Gia Hào Bội Hào

Em gửi thêm một địa danh ở Mỹ Xuyên – Sóc Trăng: THAM ĐÔN, vì đọc bài viết của anh em thấy … có thể nó có sự liên hệ.

Cá Vàng

Phạm Gia Hào Bội Hào XÃ THAM ĐÔN (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)

Theo cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị tiếng nói Miền Nam (Nxb Trẻ, 1995), vào năm 1897, Tham Đôn là 1 trong số 7 làng thuộc tổng Nhiêu Hòa, hạt thanh tham biện Sốc Trăng, và cụ giải thích về địa danh này như sau:

“Tham Đôn (do Cơ Me kompong đôn (vũng dừa) nhưng dịch Tham Đôn nghe giòn hơn, dịch âm không dịch nghĩa)”. (tr.211)

Cá Vàng

Theo Monographie de la province de Sốc Trăng (Saigon, Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, 1904) tên tiếng Khmer của [làng] Tham Đôn là: “កំពង់ដូង Kompong-daûng (débarcadère de cocos)” (tr.36).

Tạm chú:

កំពង់ (Kompong) là một từ cổ, nghĩa là bến, bãi, bờ…

ដូង (daûng/ đôn) là cây dừa.

Débarcadère de cocos có thể hiểu là bến dừa.

Bao Phong  · 

Theo dõi

Xẻo trôm An Giang hồi xưa chắc có nhiều cây trôm

Huynh Sinh

Trên Củ Chi co đuong Cây Trôm-Mỹ Khánh, nối liền Tỉnh lộ 7 (xã Thái Mỹ) ra tới QL22 (xã Phước Hiệp)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *