Búng Bình Thiên

Post date: Jun 14, 2013 1:20:56 PM

https://sites.google.com/site/vhlsangiang/nghien-cuu-an-giang/dhia-ly/bungbinhthien?authuser=0

Trần Quang Khải (Chuyên viên sở Giáo dục – Đào tạo An Giang).

Bài đăng trên Tạp chí Giáo Dục An Giang, số tháng 11-2012.

Búng Bình Thiên là tên một hồ nước ngọt mênh mông, trong xanh nằm cặp với sông Bình Di – một nhánh của sông Hậu – nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội của huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Búng theo tiếng địa phương có nghĩa là hồ hay đầm, Bình là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả. Còn chữ Thiên có nghĩa là trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này. Búng Bình Thiên: hồ nước yên bình do trời ban.

Tương truyền, cuối thế kỷ XVIII, tướng nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương kéo quân về An Giang và ông chọn khu vực Búng Bình Thiên hiện nay làm căn cứ để tích trữ lương thực và luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này chỉ là một vùng đất khô cằn, Võ Văn Vương đã làm lễ tế cáo Trời – Đất xin ban nguồn nước để sinh hoạt. Sau khi khấn vái xong, ông rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên. Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong vắt phun lên rất cao. Theo thời gian nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Ông Võ Văn Vương đã đặt tên nơi này là Búng Bình Thiên.

Búng Bình Thiên gồm có hai hồ: Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Chung quanh hai hồ là các gò đất cao từ 3-4 m, có các cửa thông với sông. Nguồn nước cung cấp cho hai hồ là sông Hậu và sông Bình Di. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng, đặc biệt, nước hồ không bao giờ cạn dù vào mùa hạn khắp nơi khô cằn. Đồng thời, búng cũng là nơi quy tụ của nhiều loài cá đồng, nhiều loài thực vật thủy sinh như sen, bông súng,… Khu rừng nguyên sinh bao quanh hồ có diện tích khoảng 800 ha, có rất nhiều loại thực vật sinh sống.

Cảnh quan búng thật khoáng đãng, mặt hồ yên tĩnh, nước trong xanh, gió lộng tứ bề.

Vào mùa khô, Búng Bình Thiên Lớn có diện tích mặt nước là 193 ha, độ sâu trung bình khoảng 6m; Búng Bình Thiên Nhỏ có diện tích mặt nước là 10 ha và độ sâu trung bình khoảng 5 m. Vào mùa lũ, nước dâng lên lấp đầy hồ, làm chìm ngập hai hồ trong biển nước mênh mông. Mặt hồ phủ kín sen và các loài hoa dại. Nước trong xanh khác hẳn màu đỏ phù sa của các dòng sông ở đồng bằng sông Cửu Long. Điều lạ lùng chưa được khoa học giải thích, là vào mùa lũ, nước sông Hậu đục ngầu phù sa nhưng khi tràn vào hồ thì … lập tức trong vắt, đến nỗi chúng ta nhìn thấy trong – đục rất rõ giữa hai làn nước và nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không thấy chảy. Do đó, Búng Bình Thiên được coi là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất miền Tây Nam bộ và một trong những hồ có hiện tượng thiên nhiên kỳ thú trên thế giới.

Đến Búng Bình Thiên, du khách có thể đi theo hướng từ trung tâm thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, theo tỉnh lộ 956 qua thị trấn An Phú hướng đi tiếp về cửa khẩu Khánh Bình, đến km 23+100 gặp ngã tư Quốc Thái, rẽ trái đi tiếp độ 2,5 km là tới Búng Bình Thiên.

Đến Búng Bình Thiên, nhất là vào mùa nước nổi (bắt đầu từ tháng 7 đến đầu tháng 10 âm lịch), khi bông điên điển trổ vàng mặt nước, du khách sẽ có dịp du thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình, nghe những bài ca vọng cổ đến xao lòng, đồng thời, du khách có dịp thưởng thức những món ăn dân dã Nam Bộ như: chuột đồng nướng chao, cá lóc nướng trui, lẩu mắm cá đồng ăn kèm bông súng và bông điên điển, tép rong xào bông điên điển, cá linh non chiên bột, cá linh non kho với trái me non,…

Tháng 9 hàng năm, huyện An Phú tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập huyện, đồng thời cũng là lễ hội Búng Bình Thiên. Ban ngày, du khách được tham dự một số hoạt động văn hóa, thể thao như: đua thuyền, bơi lội,… và những trò chơi dân gian “mùa nước nổi” như: chống xuồng đua, nơm cá, bắt ếch,… Ban đêm, du khách được thưởng thức văn nghệ: một sân khấu nổi hoành tráng đầy chất dân gian mọc ngay trên mặt hồ Búng Bình Thiên. Sân khấu ở đây không có đèn hoa rực rỡ, không có những tấm màn the làm nền và giới hạn không gian chỉ là một khoảng đồng nước trống quang, rộng rãi, xung quanh là những hàng cây điên điển trổ đầy bông vàng, thấp thoáng trên mặt nước là những đám lục bình trôi … Những ca sĩ dân gian di chuyển trên những chiếc xuồng ba lá, hát những bài ca ca ngợi quê hương, tình đất, tình người.

Ngoài ra, đến với Búng Bình Thiên, du khách còn có dịp tham quan làng của người Chăm – cách búng khoảng vài trăm mét. Trong số bốn dân tộc anh em sinh sống quanh Búng Bình Thiên (Kinh, Hoa, Chăm và Khơ-me), cộng đồng người Chăm có nhiều nét riêng và độc đáo nhất, bởi họ vẫn giữ được nếp sống văn hóa của riêng mình. Nơi đây, du khách được thấy những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau và một thánh đường Mas Jid Khoi Ri Yah rộng lớn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cụ già đi lễ, những cô gái Chăm xinh đẹp trong trang phục truyền thống, trẻ thơ vui đùa trên đường làng… Và nếu có tâm hồn ăn uống, du khách không nên bỏ qua dịp thưởng thức những món ăn mộc mạc, siêu rẻ nhưng rất ngon, như bún nước lèo cá lóc, bánh khọt, bánh xèo nhưn bông điên điển,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *