Địa danh An Giang

Post date: Mar 13, 2012 3:58:47 AM

ĐỊA DANH AN GIANG

Hứa Kim Oanh, ĐH Sư Phạm tp.HCM (8/2011)

Địa danh vùng đất An Giang có từ khi nào và thay đổi bao nhiêu lần qua thời gian? Những ai người An Giang có bao nhiêu người biết đến, những ai từng đến An Giang có khi nào hỏi đến? Tên gọi nào cũng có gốc tích của nó và tên gọi vùng đất An Giang này có nhiều điều đáng nói đến.

Với tên gọi ban đầu có gốc từ tiếng Khmer – Tầm Phong Long, trước khi thuộc về Việt đây là vùng đất của nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Tầm Phong Long, theo giải thích của Vương Hồng Sển, âm/Tầm Phong Long/xuất phát từ “Kompong Luông” của tiếng Khmer, có nghĩa là bến, vũng, sông của vua. Theo giải thích này thì đây là vùng đất của vua Chân Lạp, vùng đất của vua vì nơi đây khá rộng lớn, địa thế tốt và khá hiểm yếu.

Vùng đất Tầm Phong Long thuộc về Việt năm 1757 do vua Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất trả ơn cho việc được chúa Nguyễn giúp đỡ khi đất nước Chân Lạp nổi lên các cuộc biến loạn. Cai cơ Nguyễn Cư Trinh vâng lệnh Chúa tiếp nhận đất này và chia vùng đất này thành 3 đạo : đạo Đông Khẩu ở xứ Sa Đéc, đặt đạo Tân Châu ở xứ cù lao Diến (hay cù lao Giêng) trên Tiền Giang, đặt đạo Châu Đốc ở xứ Châu Đốc trên Hậu Giang, lấy quân dinh Long Hồ để trấn áp, chặn giữ những nơi yếu hại ở địa đầu.

Vùng đất Tầm Phong Long rộng lớn trước kia được chia cắt là cơ sở định hình cho 3 tỉnh Tây Nam Kỳ của Nam Kỳ lục tỉnh.

Địa danh ban đầu là đạo Châu Đốc, tên gọi Châu Đốc có trước vì thế đến ngày nay nhiều người quen thuộc tên Châu Đốc hơn An Giang. Vậy nếu ai nói biết Châu Đốc mà không biết An Giang thì cũng không phải chuyện gì đáng kể lắm.

Đạo Châu Đốc được đổi tên thành Châu Đốc Tân Cương năm 1808 để thấy tầm quan trọng của vùng đất này, nơi biên cương mới của nhà Nguyễn.

Tên gọi vùng đất này được thay đổi lần nữa, địa danh An Giang chính thức ra đời năm 1832, do vua Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh. Tỉnh An Giang trong Nam Kỳ Lục tỉnh khá rộng lớn, phía bắc từ thượng nguồn sông Tiền cho đến phía nam sông cái biển Đông (bao gồm tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng ngày nay), phía tây giáp phủ Nam Vang (trước là Cao Miên nay là Campuchia) từ cửa sông Tiền đến sông Hậu và tiếp giáp sông Cái Bồn (Kiên Giang).

Tên gọi An Giang có thể giải nghĩa là dòng sông an lành, để định cư lâu dài khi mà vua Minh Mạng thực hiện chính sách di dân khẩn hoang lập làng, khuyến khích các cư dân vào vùng đất này khai phá.

Sau khi Pháp chiếm được Nam Kỳ lục tỉnh, Pháp thay đổi địa giới hành chính, năm 1899, Nam kỳ từ 6 tỉnh tách thành 19 tỉnh. Tỉnh An Giang được tách thành 5 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng. Địa danh An Giang không còn trên bản đồ, 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc là định hình cho tỉnh An Giang ngày nay.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, hình thành Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, bên cạnh tên gọi theo địa giới hành chính của Pháp thì nơi này có tên gọi mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hậu, phân chia theo sông Tiền và sông Hậu.

Trong 2 năm 1950 – 1951, tên gọi Long Châu Tiền và Long Châu Hậu lại đổi tên thành Long Châu Hà (sáp nhập Long Châu Hậu và Hà Tiên) và Long Châu Sa (sáp nhập tỉnh Sa Đéc vào tỉnh Long Châu Tiền).

Từ năm 1945 đến 1954, có 2 cách phân chia địa giới và đặt địa danh cho vùng đất này, một theo Pháp, một theo Ủy ban kháng chiến. Người dân thuộc khu vực kháng chiến thì quen thuộc với Long Châu Tiền (hoặc Long Châu Hà), Long Châu Hậu (hoặc Long Châu Sa), có khi họ nhầm lẫn tên gọi mới và cũ. Người dân thuộc khu vực của Pháp vẫn dung tên gọi tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Đến nay thì tên gọi Long Châu Tiền hoặc Long Châu Hà rất ít người nhớ đến, có khi nghe đến thấy là lạ.

Dưới thời chính quyền Sài Gòn, năm 1956, tên gọi An Giang được sử dụng lại, tỉnh An Giang bao gồm tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc (theo địa giới của Pháp đến 1954). Sau đó, từ năm 1964 đến năm 1975, tách thành tỉnh Châu Đốc và tỉnh An Giang.

Theo Xứ ủy Nam kỳ, năm 1954, lập lại tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thay tỉnh Long Châu Hà và tỉnh Long Châu Sa. Đến năm 1957, hợp nhất tỉnh Long Xuyên và tỉnh Châu Đốc thành tỉnh An Giang. Sau đó lại tách ra vào năm 1971, tỉnh An Giang tách thành tỉnh An Giang và tỉnh Châu Hà (địa giới Châu Đốc). Đến 1974, lần nữa bỏ địa danh An Giang quay lại với địa danh Long Châu Tiền và Long Châu Hà. Sự thay đổi địa danh này làm cho sự phân chia ranh giới khá phức tạp.

Đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, tên gọi An Giang được chính thức sử dụng lại cho đến ngày nay, địa giới An Giang ngày nay cũng được hình thành, bao gồm Long Xuyên và Châu Đốc.

Như vậy, địa danh An Giang được đặt tên cho vùng đất này từ năm 1832, trở thành 1 trong 6 tỉnh đầu tiên của Nam Kỳ, vùng đất có những dòng sông hiền hòa và an lành, vì thế qua nhiều lần tách nhập địa giới và thay đổi tên gọi nhưng cuối cùng An Giang vẫn là tên gọi được gắn liền đến ngày nay. Có lẽ địa danh phản ánh đúng thực cuộc sống an bình của cư dân trên những dòng sông.

Địa danh học

Fellmann et al. 1998, Lê Hải dịch[1]

Toponyms là địa danh, tức là ngôn ngữ đặt trên đất, cũng là bản ghi của các cư dân trong quá khứ, những người duy trì các tên gọi đó, có lúc thay đổi hay làm sai đi, như là các nhắc nhở về sự tồn tại và qua đi của họ. Toponomy, tạm dịch là địa danh học, là ngành nghiên cứu tên gọi của các nơi chốn, một khu vực quan tâm đặc biệt của ngành địa lý ngôn ngữ. Đây cũng là phương tiện thường dùng trong ngành địa lý lịch sử và văn hóa, khi địa danh trở thành một phần của cảnh quan văn hóa (cultural landscape) tiếp tục tồn tại lâu dài sau khi những người đặt ra tên gọi đó đã biến mất khỏi hiện trường.

Ví dụ, ở Anh các địa danh có đuôi là -chetster như Manchester và Winchester biến chuyển từ gốc chữ tiếng Latinh castra, tức là khu trại. Đuôi gốc Anglo-Saxon cho các khu dân cư bộ lạc hay dòng họ thường là –ing (người hay gia đình) hoặc –ham (xã hoặc có thể là trảng cỏ) như Birmingham và Gillingham. Các cư dân đến từ Scandinavia hay Đan Mạch đóng góp thêm các phần đuôi như -thwaitc(trảng cỏ), –fell (đồi hoang) và -beck (vũng, ao). Dân Celtic, sống ở châu Âu từ trước thời La Mã cả 1000 năm cũng để lại các tên bộ lạc bị biến dạng trên các vùng đất và khu dân cư mà những sắc dân đến sau thừa hưởng. Dân Ả-rập tràn xuống Bắc Phi và chéo lên Iberia cũng để lại dấu ấn trong các địa danh ghi lại lịch sử chinh phục và kiểm soát. Cairo có nghĩa là “chiến thắng”, Sudan là “đất của những người da đen”, Sahara là “hoang mạc”. Các địa danh Tây Ban Nha có chứa biến thể của “mạch nước” trong tiếng Ả-rập là wadi như Guadalajara và Guadalquivir.

Bên Tân thế giới, không chỉ có một mà nhiều sắc dân khác nhau đặt tên cho các vùng đất và khu dân cư. Khi đặt tên họ nhớ đến nhà cũ và quê nhà, vinh danh hoàng gia và các anh hung của họ, mượn tên và gọi sai tên do đối thủ đặt, theo trào lưu, trích dẫn Kinh Thánh, nhận và thay đổi các tên của thổ dân da đỏ. Quê nhà xuất hiện trong New England, New France, hay New Holland. Thị trấn cũ được biến thành Boston, New Bern, New Rochelle, và Cardiff (từ Anh, Thụy Sĩ, Pháp và xứ Wales). Hoàng gia được nhắc đến ví dụ như là Virginia cho nữ hoàng đồng trinh Elizabeth, Carolina cho một vua Anh, Georgia cho một vua Anh khác, và Louisiana cho vua Pháp. Washington, D.C., Jackson, Mississippi và Michigan, rồi Austin, Texas và LinHoa

coln, Illinois để tưởng nhớ các vị anh hung và lãnh đạo. Tên do người Hà Lan đặt ở New York bị đa số là người Anh biến tướng, từ Breukelyn, Vlissingen và Haarlem thành Brooklyn, Flushing và Harlem. Các tên tiếng Pháp cũng bị biến tướng tương tự hay dịch sang, còn tên tiếng Tây Ban Nha cũng được tiếp nhận, biến đổi, hay như sau này là đưa vào các hệ đôi như là Hermosa Beach. Tên các bộ lạc da đỏ như Yenrish, Maha và Kansa bị thay đổi, đầu tiên qua tiếng Pháp và sau đó là tiếng Anh, thành Erie, Omaha và Kansas. Rồi trào lưu ‘Tái cổ điển’ cho ra những cái tên như Troy, Athens, Roma và Sparta. Bethlehem, Ephrata, Nazareth và Salem đến từ Kinh Thánh. Tên cũng được tiếp nhận và chuyển đi cùng với các nhóm di dân sang phía Tây Hoa Kỳ.

Bất kể là ngôn ngữ nào, địa danh thường gồm 2 phần là generic (mang tính phân loại) và specific (mang tính riêng biệt). Big River (Sông Cái/Lớn) trong tiếng Anh có phiên bản Rio Grande trong tiếng Tây Ban Nha, Mississippi trong tiếng Algonquin và Ta Ho trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trật tự giữa phân loại và riêng biệt có thể thay đổi tùy theo mỗi loại ngôn ngữ và cho chỉ dấu về nhóm đầu tiên đã tạo ra địa danh đó. Trong tiếng Anh phần riêng biệt thường đi trước, như là Hudson River, Bunker Hill, Long Island. Còn ở Hoa Kỳ người ta có River Rouge hay Isle Royale, cũng như các bằng chứng về khu dân cư Pháp – người Pháp đã lật ngược thứ tự. Một số tên mang tính phân loại cũng có thể được dùng để lần dấu vết của các nhóm phương ngữ phía đông. Dân cư từ các nhóm ngôn ngữ phía Bắc thường có thói quen đặt tên cho một cộng đồng rồi sau đó gọi các láng giềng bằng cùng tên đó được thêm phương hướng, ví dụ như Lansing và East Lansing. Người ta tìm thấy Brook trong khu định cư New England, run từ phương ngữ Midland, còn bayou và branch là từ khu vực phía nam.

Thực dân châu Âu và các thế hệ sau đặt địa danh theo một cảnh quan thực địa vốn đã được người bản xứ gọi từ trước. Các tên này có lúc được thu nhận, nhưng thường bị cắt ngắn, thay đổi hoặc chắc chắn là phát âm sai. Vùng đất rộng lớn mà những ngườI da đỏ gọi là Mesconsing tức là con song dài được Lewis và Clark ghi thành Quisconsing, và sau đó biến đổi tiếp thành Wisconsin. Milwaukee và Winnipeg, Potomac và nigara, tên của 27 trong số 50 bang của Hoa Kỳ, và nhận dạng hiện nay của hàng ngàn địa danh Bắc Mỹ, lớn lẫn bé, có nguồn gốc từ các ngôn ngữ bản địa ở Hoa Kỳ.

Trong vùng lãnh thổ tây bắc của Canada, địa danh theo cách gọi của thổ dân da đỏ và người Eskimo (Inuit) đang xuất hiện trở lại. Thị trấn Frobisher Bay được trở về thành Iqaluit (chỗ của cá) trong tiếng Eskimo, Resolute Bay trở về Kaujuitok (nơi mặt trời không bao giờ mọc) trong tiếng Inuktitut, ngôn ngữ chung của người Eskimo ở Canada, còn Jean Marie River thành Tthedzehk’edeli (sông chảy trên đất sét) như tên Slavey trước đó. Các tên này và những thay đổi tên chính thức khác thể hiện quyết định của Hội đồng điều hành khu rằng ý nguyện của cộng đồng sẽ là tiêu chuẩn cho tất cả các địa danh, bất kể phiên bản châu Âu là như thế nào.

Quyết định này cũng công nhận tầm quan trọng của ngôn ngữ như là mối liên hệ mang tính thống nhất mạnh trong phức hợp văn hóa của con người. Ngôn ngữ có thể làm bằng chứng cơ bản về sắc tộc và biểu tượng bảo vệ tích cực cho lịch sử và tính riêng biệt của một nhóm xã hội riêng rẽ. Người Mỹ gốc Tây Ban Nha đòi quyền thông tin bằng ngôn ngữ riêng và cuộc nội chiến của người Basques về cơ bản cũng là đòi quyền riêng về ngôn ngữ. Các bang của Ấn Độ được điều chỉnh cho phù hợp với ranh giới ngôn ngữ, và Giáo hội công giáo dân tộc Ba Lan được lập ra ở Mỹ chứ không phải ở Ba Lan để bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Ba Lan trong một môi trường xa lạ.

[1] Từ giáo trình nhập môn Địa lý nhân văn (Human Geography: Landscapes of human activities) của các tác giả Jerome Donald Fellmann, Arthur Getis và Judith Getis, NXB Surendra Kumar tái bản lần thứ 5, 1998, đề mục Địa danh học (Language on the Landscape: Toponymy), trang 154-155.

https://sites.google.com/site/vhlsangiang/nghien-cuu-an-giang/dhia-ly/dhiadanhangiang?authuser=0

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *