Vài nét về địa danh ở tỉnh An Giang

 LÊ TRUNG HOA
 
  17 THÁNG 7 2014

http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4861%3Avai-net-v-a-danh-tnh-an-giang&catid=71%3Angon-ng-hc&Itemid=107&lang=vi

1.An Giang là một tỉnh ở miền Tây đồng bằng sông Cửu Long, diện tích đứng hàng thứ tư (3.536,8 km2), sau ba tỉnh Kiên Giang (6.346,3 km2), Cà Mau (5.331 km2) và Long An (4.493 km2). Nhưng về dân số, An Giang đứng hạng nhất với 2.149.200 người, trong đó dân tộc Khmer có 86.592 người, chiếm 3,9% dân số của tỉnh. Do đó, bên cạnh đa số địa danh thuần Việt và Hán Việt, có một số địa danh gốc Khmer.

2.1.Địa danh chỉ địa hình:

An Giang vừa là tỉnh thượng nguồn của hệ thống sông Cửu Long vừa là một trong những tỉnh thuộc vùng tứ giác Long Xuyên nên số lượng dòng chảy khá lớn. Nhưng số lượng dòng nước tự nhiên (159 đơn vị) không nhiều bằng dòng nước nhân tạo (1.500 đơn vị). Đứng đầu các dòng chảy là kênh (1.115 địa danh: kênh Vĩnh Tế, kênh An Châu, kênh Bình Khánh,…), kế đến là mương (375 địa danh: mương Bình Mỹ, mương Chà Và, mương Đa Phước,…), tiếp theo là rạch (111 địa danh: rạch Phú Hòa, rạch Mỹ Hòa Hưng, rạch Phú Thuận,…)*. Điều này phản ảnh hệ thống kênh rạch chằng chịt là không chỉ là đặc trưng địa lý tự nhiên mà còn là kết quả của quá trình con người nạo vét sông rạch, đào kênh mương để thoát lũ, thau chua rửa phèn , mang lại  những hạt lúa vàng xuất khẩu, làm giàu cho đất nước.

 Bên cạnh những dòng chảy quen thuộc trên, ở An Giang còn có những dòng chảy hơi hiếm so với những nơi khác.

Ngả Cái là tên hai nhánh sông, hai con rạch, một ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, một ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; rạch này dài 2.200m, rộng 2m, sâu 0,5m. Ngả Cái là “rạch lớn”.

Chong Rây là ngọn ở xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, dài 2.283m, rộng 10m, sâu 1,5m, đào trước năm 1975. Ngọn Cái là rạch ở các xã Hòa Bình Thanh, Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ngọn là “dòng nước nhỏ ở đầu nguồn sông” và Ngọn Cái là dòng nước tương đối lớn.

Rộc là một từ có sử dụng trong tiếng Việt Trung Bộ và Bắc Bộ nhưng với nghĩa là “đất trũng ven các cánh đồng, hoặc giữa hai sườn đồi: ruộng rộc” (3) và ca dao Trung Bộ có câu:

Ra đi mẹ có dặn dò

Ruộng rộc thì cấy, ruộng gò thì gieo.

Nhưng ở An Giang, rộc còn có nghĩa là “ngòi nước nhỏ, hẹp”. Khánh An là rộc ở huyện An Phú, dài 1.200m, rộng 4m. Phú Hữu là rộc cũng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, dài 3.000m, rộng 2m.

Xép vốn là một tính từ, có nghĩa là “nhỏ”, nhưng ở Nam Bộ nói chung và An Giang nói riêng, nó chuyển hóa thành danh từ, chỉ dòng nước nhỏ. Ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, có xép Bà Lý, dài 10.500m, rộng 6m, sâu 1,2m, đào trước năm 1975.

Cũng như ở các vùng khác ở Nam Bộ, An Giang có nhiều dòng chảy khởi đầu bằng thành tố Cái. Cái là dòng nước chỉ sông/rạch/kênh.

Cái Tàu Thượng là tên chợ, tên cầu và là tên con kênh làm ranh giới giữa huyện Chợ Mới, An Giang và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Cái Tàu Thượng tương ứng với từ tổ Khmer Păm Prêk Sampou Lơ (vàm rạch tàu thuỷ ở trên). Như vậy, Tàu ở đây là tàu thuỷ.

Còn Cái Tàu Hạ là tên chợ, tên thị trấn và tên con kênh ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Từ ý nghĩa của Cái Tàu Thượng, ta suy ra Tàu trong Cái Tàu Hạ cũng là tàu thủy.

Cái Tắc là rạch ở huyện Phú Tân, dài 9.100m, rộng 8m. Cái Tắc có dạng gốc Cái Tắt, là “rạch đi tắt từ nơi này đến nơi khác”.

Cái Tây là cầu ở xã Hòa An, huyện Chợ Mới, khánh thành ngày 17-9-2011. Cái Tây là “rạch phía tây”. Có lẽ tên rạch chuyển thành tên cầu.

Cái Vồn là rạch ở xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, dài 2.800m, rộng 4m, sâu 1m, vét năm 1987. Cái Vồn nửa thuần Việt nửa Khmer. Người Khmer gọi Srôk Tà Von “xứ ông Von” (14). Vậy Cái Vồn là “rạch ông Vồn”.

Cái Vừng là sông ở huyện Tân Châu. Cái Vừng là “sông chảy qua vùng có các cây vừng – thứ cây lớn lá, hay mọc theo đất bưng” (5).

Cái có một biến âm là Cả.

Cả Bứa là kênh ở huyện Thoại Sơn. Cả Bứa là biến âm của Cái Bứa, là “kênh chảy qua vùng nhiều cây bứa”.

Cả Bướm là kênh ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Cả Bướm có lẽ là biến âm của Cái Bướm, nghĩa là “kênh có nhiều cây bướm – “loại cây có gai, mọc ven bờ sông rạch, cao khoảng 3-4m, lá giống như lá cây mai, gai mọc ở dưới gốc dài khoảng 3cm nhưng trên thân thì gai ngắn còn khoảng 2cm. Gỗ thường được dùng làm cột nhà” (9).

Cả Tre là rạch ở xã Phú Xuân, huyện Phú Tân. Cả Tre là biến âm của Cái Tre, nghĩa là “rạch cây tre”.

Cả Trôm là cầu ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cả Trôm là biến âm của Cái Trôm, nghĩa là “rạch cây trôm”.

Bên cạnh các dòng chảy vừa nêu trên, An Giang cũng có một số từ chỉ các địa hình sông nước mà các vùng khác ở Nam Bộ cũng có.

Búng là chỗ nước xoáy ở giữa dòng sông, có thể gây nguy hiểm cho ghe thuyền. Ở An Giang có búng Bình Thiên thuộc huyện An Phú. Búng Lớn và Búng Nhỏ là hai ấp ở các xã Nhơn Hội, Khánh Bình, huyện An Phú. Địa danh Búng ở Bình Dương cũng thuộc loại này.

Bưng gốc Khmer bâng, nghĩa là “vùng đầm lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác”(3) Bưng Bùn là vùng đất nằm giữa hai đầu kênh Vĩnh Tế, có nhiều bùn đất.

            Lung là bàu, vũng, chỗ ngập nước giữa đồng hoặc giữa rừng. Lung Ấu là rạch ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Lung Ấu là “cái bàu có nhiều cây ấu”.

Cù lao thoát thai từ một từ Mã Lai pulaw, nghĩa là “cồn, đảo”. Trong tiếng Việt đã có sẵn từ cù lao, chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ trong quá trình nuôi con (cửu tự cù lao: chín chữ cù lao). Do đó, thay vì du nhập nguyên dạng từ pulaw của Mã Lai, ông cha ta đã mượn âm từ cù lao để người Việt dễ dùng, dễ nhớ: cù lao Chà Và, cù lao Năng Gù/Năng Cù, cù lao Ông Chưởng,…

Láng là từ địa phương chỉ đầm, đìa. Ở An Giang có Láng Linh. Có người giải thích là “vùng đất thấp nước linh láng” (8). Cách giải thích này chưa thuyết phục lắm.

2.2.Về ngữ nguyên:

2.2.1.Địa danh hành chính của tỉnh An Giang cũng đa số là từ Hán Việt như những tỉnh khác của Nam Bộ. Nhiều nhất là thành tố Phú “giàu có” (154 địa danh: huyện Phú Tân, xã Phú Thành, thị trấn An Phú, huyện Châu Phú,…); thứ hai là thành tố Bình “không chiến tranh” (148 địa danh: phường Bình Đức, mương Bình Mỹ, thị trấn Long Bình, xã Khánh Bình,…); kế đến là thành tố Vĩnh “mãi mãi” (127 địa danh: xã Vĩnh Châu, xã Vĩnh Tế, phường Vĩnh Mỹ, xã Phú Vĩnh,…); tiếp theo là An “yên ổn” (124 địa danh: tỉnh An Giang, huyện An Phú, xã Khánh An, xã Vĩnh An,…); thứ năm là Long “thịnh vượng, to lớn” (114 địa danh: thành phố Long Xuyên, thị trấn Long Bình, phường Mỹ Long, xã Phú Long,…); thứ sáu là yếu tố Mỹ “đẹp đẽ” (110 tên đất: phường Mỹ Bình, phường Mỹ Long, thị trấn Phú Mỹ, kênh Định Mỹ,…)*; Các từ này thể hiện ước vọng sống trong sự giàu có, yên bình, tốt đẹp và hòa thuận trên vùng đất mới.

2.2.2.Địa danh gốc Khmer:

Ở An Giang có độ 10 địa danh gốc Khmer mà chúng ta có thể xác định được nguồn gốc và ý nghĩa:

Cần Đăng là tên kênh, mương, chợ, xã ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Cần Đăng gốc Khmer Kon Đal, nghĩa là “ở giữa” (10).

Cần Xây là tên rạch, chợ ở  phường Bình Đức, tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Cần Xây cũng gọi Cần Thay, gốc Khmer Banlê Ansay (14). Ansay là tên một giống rùa quí, dành cho vua (5).

Đam Pô là gò ở ấp Ninh Hoà, xã An Tức, huyện Tri Tôn, có di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Óc Eo. Đam Pô gốc Khmer Đam Pồ, thường gọi là lâm vồ (7, 15), nghĩa là “cây bồ đề”.

Mương Thơm là rạch ở xã Mỹ Thạnh, tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Mương Thơm vừa gốc thuần Việt mương vừa gốc Khmer Thom, nghĩa là “mương lớn”.

Năng Gù là cù lao ở huyện Châu Thành và là bến phà trên tỉnh lộ 954 Tân Châu-Năng Gù, huyện Tân Châu. Cũng gọi Năng Cù. Năng Gù gốc Khmer Snèn Kô (14) / Xeneng Co (12), nghĩa là “sừng bò” (15).

Ô là một từ gốc Khmer, nghĩa là “suối”. Ô Tà Sóc là suối ở huyện Tri Tôn, chảy từ núi Dài xuống, dài độ 2,5km. Ô Tà Sóc gốc Khmer, nghĩa là “suối ông Sóc”. Ô Thum là suối ở huyện Tri Tôn, chảy từ núi Cô Tô xuống, dài 2,88km và cũng là tên suối ở huyện Tịnh Biên. Ô Thum gốc Khmer, nghĩa là “suối lớn”. Ô Tức Xa là suối ở huyện Tịnh Biên, chảy từ núi Cấm xuống, dài 4km. Ô Tức Xa gốc Khmer: Ô: suối; Tức: nước; Xa: chưa biết nghĩa (6).

Tà Mos là kênh ở xã Vĩnh Trung, huyện Tân Biên, dài 2.300m, rộng 6-8m, sâu 0,5m, đào năm 1990. Tà Nung là núi ở xã Xuân Tô, huyện Tân Biên, cao 59m, chu vi 1.450m. Tà Xây là rạch ở các xã Long Mỹ, Long Giang, huyện Chợ Mới, dài 560m, rộng 3m, sâu 0,5m, đào năm 1980. Tà là “ông”, còn Mos, Nung, Xây có lẽ là tên người Khmer.

Tầm Vu là rạch ở phường Bình Đức, tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Tầm Vu: Có hai cách giải thích: 1.Tầm Vu gốc Khmer Lam Pu, là “cây bần” (13). 2. Tầm Vu gốc Khmer Sampu, là “chiếc thuyền” (15). Về ngữ âm, thuyết sau có lý hơn.

Xà Mách là kênh và cầu bắc qua kênh Xà Mách, ở huyện Chợ Mới. Xà Mách gốc Khmer X’math, nghĩa là “cây tràm” (10).

2.3.Một số địa danh là những tấm bia lịch sử ghi lại công lao của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ miền đất thân yêu này:

Đào Hữu Cảnh là tên kênh và tên xã ở huyện Châu Phú.

Đào Hữu Cảnh(1930-1970), tên thật là Đào Văn Sạ, chỉ huy lực lượng vũ trang huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, đánh thắng lớn 3 trận trong thập niên 1960, hi sinh cùng con trai trong thập niên 1970.

Huỳnh Thị Hưởng là kênh ở xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới.

Huỳnh Thị Hưởng (1945-1965), quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, là liệt sĩ Cách mạng bất khuất.

Huỳnh Văn Triển là kênh ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới. Mương Tịnh là tên kênh và cầu ở xã Long Kiển, huyện Chợ Mới.

Tịnh là bí danh của liệt sĩ Huỳnh Văn Triển (1921-1964), hi sinh khi hoạt động bí mật ở địa phương,

Lê Chánh là tên xã của huyện Tân Châu. Lê Trì là tên xã của huyện Tri Tôn. Có lẽ đây là hai nhân vật của địa phương mà chúng tôi chưa rõ lý lịch.

2.4.Một số địa danh cho chúng ta biết các chức danh đã sử dụng dưới chế độ cũ.

Ông Chưởng là tên rạch, cầu và tên cù lao ở huyện Chợ Mới. Ông Chưởng là Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Chưởng cơ là “binh chế thời Lê Hiển Tông 1748 đổi phủ vệ thành cơ đội, 300 người gọi 1 đội, 400 gọi 1 cơ” (2). Vậy chưởng cơ là người chỉ huy 400 quân.

Phán Diện là rạch ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc. Phán Diện có lẽ là cách gọi tắt ông thông phán tên Diện. Thông phán là “chức quan thuộc châu đời Trần đặt năm Giáp Thân (1344) (2) hoặc «chức tá nhị trong một tỉnh, đầu phòng việc, bên bố hay là bên án» (5).

Phó Quế là khóm của phường Mỹ Long, tp. Long Xuyên. Phó Quế là người có chức danh phó (xã, thôn) tên Quế dưới thời Pháp thuộc.

Xã Kịnh là kênh ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, dài 805m, rộng 4m, sâu 1m, đào năm 1989. Xã Kịnh là “xã trưởng tên Kịnh”.

2.5.Một số địa danh đã được xác định nguồn gốc, ý nghĩa khá chính xác và không kém thú vị.

a)Một số yếu tố đứng sau là tên người:

Ở An Giang có 13 địa danh mang tên Thoại Ngọc Hầu (1761-1829) và vợ ông, bà Châu Thị Tế: kinh Thoại Hà, huyện Thoại Sơn, kinh Vĩnh Tế nối liền các huyện Châu Đốc, Tịnh Biên , Tri Tôn và tỉnh Kiên Giang.

Ba Đon là mương ở xã Hội An, huyện Chợ Mới. Ba Đon là “ông Ngô Văn Đon, sinh năm 1919, nhà ở tại mương” (11).

Bà Cọc là mương ở xã Hội An, huyện Chợ Mới. Bà Cọc là vợ của nhà tư sản Huỳnh Văn Cọc, một người đàn bà khôn lanh, tài giỏi, nổi tiếng trong vùng (11).

b)Một số thành tố đứng sau là tên cây:

Cà Na là ấp của xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, dài 1.600m, rộng 2m. Cà Na cũng gọi là trám, loại cây rừng to, trái dài bằng ngón tay cái, hai đầu nhọn, da xanh, cơm chua.

Chóc là núi ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn. Chóc là “loại rau hay mọc dưới đất bưng” (5).

Xẻo Mác là rạch ở xã Nhơn Hội, huyện An Phú. Mác là một “loại rau cỏ sống dưới nước, cọng dài, lá hình trái tim, ăn được” (5).

Rau Đắng là rạch ở xã Hội An, huyện Chợ Mới. Rau Đắng là “loại cỏ bò nơi ẩm ướt, cộng mập, lá dày đầu tròn hoa trắng, vị đắng, được ăn sống, luộc, hoặc nấu canh, có chất hưng phấn trấn kinh và lợi tiểu tiện” (7).

Rau Tần là ấp của xã An Hảo, huyện Tịnh Biên. Rau Tần là “loại rau thơm, dày lá” (5).

c)Một số yếu tố đứng sau là tên các con vật:

Bồng Bồng là mương ở  huyện Châu Phú. Bồng Bồng là chim cùng loại với vịt trời nhưng lớn hơn (10).

Cá Bông là bàu ở xã Phước Hưng, huyện An Phú. Cá Bông là “thứ cá tròn dài, mình có hoa mà lớn” (5).

d)Một số thành tố đứng sau là các sự vật:

Cà Ròn là kênh ở xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, dài 1.268m rộng 5m, sâu 1,3m, đào năm 2000. Cà ròn là “bao nhỏ dài, đương (đan) bằng lá buôn, hoặc may bằng vải to” (5).

Cây Đao là tảng đá ở huyện Thoại Sơn. Cây Đao vì trên núi có một tảng đá nứt vỡ, có hình dáng một cây đao (1).

Chìm là kênh ở các huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới. Chìm vì kênh ở vùng thấp, đến mùa nước nổi, không còn thấy kênh (10).

Nhà Neo là địa điểm ở gần núi Sam, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nhà Neo là những chiếc ghe được neo lại để chuẩn bị chở đá lấy từ núi đi các nơi (8).

3.Qua các phần trình bày trên, ta thấy địa danh  An Giang có đủ đặc trưng của địa danh vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long: có nhiều tên sông nước, nhiều từ Hán Việt trong địa danh hành chính, chất liệu dùng để tạo địa danh là những con người, cây cỏ, cầm thú, đồ vật có mặt trên địa bàn. Do đó, khi biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của các địa danh, chúng ta càng yêu thích quê hương và nỗ lực để gìn giữ vùng đất mà ông cha ta đã đổ nhiều mồ hôi và xương máu để bảo vệ nó.

*Theo số liệu thống kê của Nguyễn Thị Thái Trân.

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Đặng Hoàng Thám, Núi Cây Đao, kỳ bí trên Hoa Thê Sơn, Kiến thức ngày nay, số 695, ngày 1-12-1909, 79, 80, 85.

2.Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, HN, Nxb Thanh niên, 2002.

3.Hoàng Phê (cb), Từ điển tiếng Việt, Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng-Trung tâm Từ điển học, 2000.

4.Huỳnh Công Tín, Từ điển từ ngữ Nam Bộ, HN, Nxb KHXH, 2007.

5.Huỳnh Tịnh Của, Đại Nam quốc âm tự vị, SG, 1895-1896.

6.Lê Trung Hoa, Từ điển địa danh Nam Bộ, bản thảo.

7.Lê Văn Đức, Việt Nam từ điển, SG, Khai trí, 1970.

8.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.

9.Nguyễn Tấn Anh, Những đặc điểm chính của địa danh ở Vĩnh Long, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHKHXH-NV, tp.HCM, 2008.

10.Nguyễn Thị Thái Trân, Đặc điểm chính của địa danh tỉnh An Giang, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ học, Trường ĐHKHXH-NV, tp. HCM, 2013.

11.Ông Kim Khải, Tìm hiểu di tích, địa danh xã Hội An, Quỹ tiếp sức tài năng An Giang xb, 2010.

12.Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long hay Văn minh miệt vườn , SG, 1979.

13.Thạch Phương-Lưu Quang Tuyến (cb), Địa chí Long An, Nxb Long An, Nxb KHXH, 1989.

14.Trương Vĩnh Ký, xem Lê Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264. Thái Văn Chải dịch các địa danh gốc Khmer trong sách này.

15.Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.

Nguồn: Ngôn ngữ miền sông nước, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr. 56-66.

VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH Ở TỈNH AN GIANG

           Tóm tắt

An Giang, về diện tích, đứng hàng thứ tư ở đồng bằng sông Cửu Long; nhưng về dân số đứng hàng thứ nhất (với 2.149.200 người, trong đó dân tộc Khmer có 86.592 người, chiếm 3,9% dân số của tỉnh). Địa danh tỉnh này có một số đặc điểm: Về địa danh chỉ địa hình, số tên chỉ dòng chảy nhân tạo (kênh, mương, 1.500 đơn vị) nhiều gần gấp 10 lần dòng chảy tự nhiên (sông, rạch, 159 đơn vị)… Về ngữ nguyên, địa danh hành chính hầu hết là từ Hán Việt: Phú (154 địa danh), Bình (148 địa danh),…Có độ 10 địa danh gốc Khmer. Một số địa danh mang tên những người có công khai phá vùng đất này (Thoại Hà, Vĩnh Tế) và một số tên anh hùng, liệt sĩ hi sinh vì vùng đất thân yêu. Sau cùng, nhiều địa danh vốn là tên cây, tên thú, tên sự vật của tỉnh.

“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã  số VII2.2-2011.06”.

Một bình luận về “Vài nét về địa danh ở tỉnh An Giang”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *