ĐỊA DANH BÔNG TRANG – Đào Thái Sơn

Đào Thái Sơn

1 ngày  · 

ĐỊA DANH BÔNG TRANG

Bông Trang hiện nay là tên một ấp của xã Thạnh Đức huyện Gò Dầu – Tây Ninh. Ấp này nằm cặp trên Quốc lộ 22, nếu đi từ hướng trung tâm Thành phố Tây Ninh thì qua địa phận Cẩm Giang là tới.

Trước khi nói tới địa danh Bông Trang, xin sơ lược một chút về xã Thạnh Đức. Thạnh Đức là một trong những thôn làng xưa của đất Tây Ninh. Làng này tính ra là được thành lập cùng thời với Thanh Phước, Phước Trạch… được người Việt khai mở sau khi đặt chân lên vùng Quang Hóa xưa. Theo Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết: “Thôn thuộc tổng Triêm Hóa, huyện Quang Hóa, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, triều Thiệu Trị, Tự Đức. Đầu thời Pháp thuộc vẫn tổng cũ, đặt thuộc hạt thanh tra Tây Ninh, rồi Quang Hóa, rồi Trảng Bàng, rồi lại Tây Ninh. Từ 5-1-1876 gọi là làng thuộc hạt tham biện Tây Ninh. Từ 1-1-1900 thuộc tỉnh Tây Ninh. Từ 1903 thuộc quận Trảng Bàng cùng tỉnh. Từ sau 1956 gọi là xã thuộc quận Gò Dầu Hạ cùng tỉnh. Từ 1959 thuộc quận Khiêm Hanh cùng tỉnh. Sau 30-4-1975 thuộc huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Là tên xã hiện nay” (sđd, trang 1137-1138, NXB Chính trị quốc gia – 2008).

Xã Thạnh Đức hiện nay có diện tích 72,69 km², với 10 ấp, đó là Bến Chò, Bến Đình, Bến Mương, Bến Rộng, Cầu Sắt, Đường Long, Rộc A, Rộc B, Trà Võ và Bông Trang. Trong mười ấp kể trên của Thạnh Đức, thì Bông Trang là một trong những xóm có mặt khá lâu đời, cụ thể là trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh do Pháp vẽ năm 1896 đã có địa danh xóm Bông Trang gần bên rạch Bầu Nâu.

Một điều cần nói thêm rằng, hiện nay xứ Gò Dầu Hạ không có xóm Khmer nào, nhưng trước kia chắc chắn là có. Bằng chứng một số địa danh gốc Khmer như Trà Võ, Bầu Nâu…còn lại cho đến ngày nay. Các địa danh gốc Khmer này được Việt hóa dần khi những thôn làng của người Việt đến ở. Và Bông Trang cũng là một từ gốc Khmer như thế.

Vậy Bông Trang là gì ? Vấn đề này ngày nay có nhiều người nhầm tưởng là loài hoa (bông) trang mà ta thường thấy. Thực ra Bông Trang là tên của một loại xoài. Người Khmer gọi là [svay pông trang – ស្វាយពងត្រង] có nghĩa là loại xoài trứng.

Xoài trứng là loại xoài được và con dân tộc trồng rất phổ biến trước đây, loại này mỗi năm ra một vụ, trái có hình dạng giống như quả trứng, nên mới tên như vậy. Xoài trứng quả không to, nhưng thịt giòn, đặc biệt xoài rất thơm ngon và không quá ngọt. Tháng năm tháng sáu dương lịch hàng năm là vào vụ xoài trứng.

Nói tóm lại, địa danh Bông Trang của xã Thạnh Đức có khá lâu đời. Đây là địa danh gốc Khmer được Việt hóa. Có thể xa xưa nơi đây có cây xoài trứng to nên người bản địa mới gọi như thế. Vấn đề lấy tên cây để đặt tên làng xóm ở khắp địa bàn Tây Ninh là rất phổ biến. Và địa danh Bông Trang là một trong những trường hợp như thế.

ĐÀO THÁI SƠN